Pages

Tuesday, September 15, 2009

NGÔ NHÂN DỤNG * XÃ HỘI

Phep la xa hoi


"…Sức mạnh của các quốc gia đó nằm trong truyền thống đạo lý của họ, tạo nên phép lạ mà một người Mỹ phải kính trọng. Dân Việt Nam cũng có đủ các hạt giống tốt đó, chỉ cần được tưới tẩm, vun trồng trở lại mà thôi…"

nước Mỹ có những nơi người ta không có thói quen khoá cửa xe khi đậu ngoài đường ban đêm. Tại Brattleborrough, tiểu bang Vertmont, khi tôi cẩn thận khoá cửa xe trước khi vào nhà, người bạn Mỹ cười: “Anh vẫn làm như thành phố lớn nhỉ?” Tại thị
Dubuque, Iowa, có 100,000 dân, gia đình con gái tôi cũng không quen khoá xe khi đậu trước cửa nhà qua đêm. Ban ngày, cả nhà đi làm hoặc đi học, lúc đi cũng không khoá cửa nhà. Tất nhiên trong các thành phố lớn thì khác.
Nhưng Nhật Bản, thủ đô Tokyo là một thành phố lớn 26 triệu người, một ký giả Mỹ đó 5 năm trời, cũng ngạc nhiên vì trong xóm không ai lo nạn trộm cắp. Các con anh đi xe đạp về nhà bỏ xe trước cửa không bao giờ phải khoá. Và không bao giờ bị mất. Ðứa con gái 9 tuổi được một cô bạn Nhật rủđi chơi sở thú, mỗi chuyến đi xe điện mất 90 phút, đổi tầu ba lần, nhưng cha mẹ cô bé người Nhật không tỏ vẻ gì lo âu. Anh coi đây là một phép lạ!
Sau những năm 1970, chúng ta thường nghe nói đến “Phép lạ kinh tế” của những con rồng nhỏ Á Ðông: Những nước Ðài Loan, Nam Hàn, Singapore và lãnh thổ Hồng Kông phát triển kinh tế nhanh chóng. Một nhà báo Mỹ đã nhìn thấy một thứ phép lạ khác: Phép lạ xã hội trong vùng đất này.
T.R. Reid đã sống nhiều năm Nhật Bản và đi khắp miền Ðông Châu Á. Năm 1997 có một cuộc khủng hoảng tài chánh và khủng hoảng kinh tế vùng này. Năm sau, Reid giúp hướng dẫn một đoàn quay phim Mỹ đi làm một phim tài liệu về ảnh hưởng của tình trạng kinh tế suy sụp trên xã hội Nhật Bản. Ði mãi, nhà sản xuất hỏi nhà báo: Ðâu? Khủng hoảng đâu? Ði tìm những nơi tụ tập người vô gia cư coi? Phải tìm ra một cảnh gia đình tan vỡ để phỏng vấn chứ? Ðoàn quay phim thất vọng.
T. R. Reid kể vào giữa thập niên 1990 anh đã chứng kiến cảnh suy sụp của thị trường chứng khoán
Tokyo và bao nhiêu người phá sản vì trái bong bóng trong thị trường địa ốc cũng bể vỡ. Ba bốn năm sau kinh tế vẫn tiếp tục đi xuống, anh đã tới phỏng vấn vị tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, để hỏi xem số người phạm pháp đã tăng lên như thế nào. Người chỉ huy cảnh sát cả nước Nhật lễ phép trả lời anh rằng số tội phạm đã giảm xuống trong 20 năm qua, và trong hai năm gần đây vẫn tiếp tục giảm. Reid giải thích rằng theo các cuộc nghiên cứu xã hội học Mỹ thì khi kinh tế xuống tình trạng phạm pháp, số gia đình ly dị thế nào cũng tăng, vì thế anh mới đặt câu hỏi. Ông cảnh sát trưởng chỉ biết gật đầu một cách lịch sự: “À, ra thế”.
Sau khi đi thăm các quốc gia khác trong vùng, T.R. Reid khám phá ra một phép lạ khác ngoài phép lạ kinh tế, đó là một “phép lạ hội” mà các dân tộc này đã thực hiện được, mà người Tây phương chưa nhìn thấy. Kinh tế không quyết định lối sống của con người trong xã hội khi đối đãi với nhau. Những số thống kê cho thấy tỉ lệ tội phạm nhiều thành phố Mỹ cao gấp hàng chục lần, có nơi hàng trăm lần tỉ lệ
Tokyo. Trong những năm kinh tế khủng hoảng sau năm 1997, số người phạm pháp Nhật Bản, Nam Hàn và Ðài Loan, từ tội sát nhân đến trộm cắp không tăng lên. Những quốc gia này đã tạo được một nền tảng tinh thần vững chắc, từ hàng ngàn năm, nền tảng đạo đức đó không lên xuống theo chỉ số thị trường và thống kê về tổng sản lượng nội địa. Ðó là một phép lạ xã hội làm một người Tây phương kinh ngạc.
Reid nhận thấy nền tảng đạo lý truyền thống trong các nước Á Ðông này là do lối giáo dục Khổng Giáo. Vì ông hàng xóm người Nhật của anh luôn luôn giải thích các điều anh thắc mắc về cách cư xử của người Nhật bằng một câu mở đầu: “Ðức Khổng Tử nói rằng...”
Những nhà kinh tế Nhật Bản mà tôi đọc giải thích cả nền đạo lý của nước họ là do ảnh hưởng đạo Khổng, được dạy theo lối các triết gia đời Tống bên Trung Quốc. Những quy tắc sống như Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ được các ông Trình, ông Chu đề cao đã tạo nên tinh thần các võ sĩ đời xưa cũng như cách hành động của các doanh nhân bây giờ. Lề lối quản trị xí nghiệp cũng như guồng máy hành chánh đều theo tinh thần Tống Nho. Nhiều tác giả Việt Namtrước đây hay trút hết mọi suy đồi trong xã hội mình vào thế kỷ 19 là do Tống Nho gây nên. Nhưng thứ Tống Nho đã gây ra tình trạng trì trệ về trí thức và lại về tinh thần đó thực ra do những Âu Dương Tu, Tư Mã Quang để lại. Ho đã củng cố chế độ nhà Tống bằng cách thiết lập một kỷ cương cho chếđộ quân chủ tập quyền; họ ấn định phương pháp tuyển mộ quan lại bằng khoa cử, dần dần sinh ra bọn hủ Nho trọng khoa cử và bằng cấp, chỉ biết học thuộc lòng rồi lập lại nhưng điều học trong sách; còn trong hành động thì chỉ biết vâng lời vua quan. Chính đó là mầm mống gây nên cảnh suy đồi của giới trí thức Nho Giáo Trung Quốc và Việt
Nam, trong nhiều thế kỷ. Người Nhật cũng theo Tống Nho nhưng không tổ chức thi cử, trọng thực tài và thực dụng, chỉ dạy nhau các đạo nghĩa sống đời theo “Trình Chu sự nghiệp”.
Ðến thế kỷ 20 vừa qua, hai nước Việt Nam và Trung Hoa đã thay đổi bằng cách du nhập chủ nghĩa Mác Lê Nin và đem guồng máy cai trị kiểu Stalin vào áp dụng trong việc chính trị. Những định chế thượng tầng này trong bản chất không khác gì chủ trương tôn quân và lối học từ chương nô lệ đời trước. Các chế độ Cộng Sản chỉ thay thế ông Vua bằng Ðảng. Các cán bộ, đảng viên đóng vai trò các hủ nho mới, tuyệt đối trung thành với đảng, cố học thuộc lòng các khẩu hiệu do các lãnh tụ nói ra, và không chấp nhận cho ai bất đồng ý kiến.
Cuốn sách mà Mao Trạch Ðông đọc hàng ngày không phải là sách của Karl Marx mà của Tư Mã Quang. Chế độ chính trị mà đảng Cộng Sản Trung Quốc lập ra không khác gì chế độ nhà Thanh, trừ các tên gọi. Cũng một chính quyền tập trung quyền hành, cũng một guồng máy thư lại làm tay sai cho Vua, hoặc Ðảng, và cả nước phải tôn thờ những ông thánh mới, học thuộc lòng cuốn Sách Ðỏ của Mao Chủ Tịch coi là một cuốn sách vạn năng. Nhà Nguyễnở nước ta đã thiết lập một chế độ theo khuôn khổ nhà Thanh cai trị dân Hán. Luật Gia Long thay thế Luật Hồng Ðức cũng đề cao quân quyền; đề cao quyền của người đàn ông và giảm quyền phụ nữ; cũng ngăn cấm không cho học trò được viết những ý kiến mới dù chỉ cho bạn bè cùng đọc; cũng cấm dân không được phê bình quan lại, vân vân. Ðó là một guồng máy cai trị của một nhóm thiểu số Trung Quốc dùng để kiểm soát khối dân đa số. Nhưng đã được áp dụng vào nước ta từ thế kỷ 19.
Photobucket - Video and Image Hosting
Chủ nghĩa Mác Lênin gieo vào Trung Quốc gặp đúng mảnh đất đã được nhà Mãn Thanh chuẩn bị, chỉ cần hô ra những khẩu hiệu mới. Hồ Chí Minh theo đúng con đường mà Mao Trạch Ðông vạch ra; không khác gì Vua Gia Long theo Thanh triều. Hai nước cộng sản Trung Hoa và Việt Nam đả kích Khổng Giáo để thay thế ý thức hệ cũ bằng chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng họ học Mác Xít theo lối dạy của Stalin cho nên vẫn là lối học nô lệ cũ. Như Hồ Chí Minh thường nói với các cán bộ: Bác Stalin không thể nào nhầm được. Vì tinh thần nô lệ tưởng và “suy tôn Ðảng như suy tôn Vua” như vậy cho nên các chế độ Cộng Sản đã không giúp được hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa thoát khỏi nền nếp mà đám hủ Nho đã tạo ra trên hai quốc gia này trong các thế kỷ trước.
Trong khi đó, các nước Á Ðông khác may mắn không theo chủ nghĩa Cộng Sản và tự giải phóng khỏi những gông xiềng quá khứ. Họ không tôn thờ Nho học nữa, mà cũng không cần nhập cảng một chủ nghĩa, một lý thuyết nào thay thế Nho Giáo. Nhưng vì các quốc gia này vẫn bảo vệ truyền thống cho nên những tinh túy trong nền đạo lý cũ vẫn được cả xã hội đề cao. Lễ Nghĩa Liêm Sỉ là cách sống với mọi người. Chính nền đạo lý mà Nho Giáo đã tạo raở các nước Á Ðông là một nguyên nhân giúp các nước này bước vào thế kỷ 21 với sức mạnh kinh tế và niềm tự tin vào dân tộc của họ.
Ðọc cuốn sách Ông Khổng Tử bên hàng xóm của T.R. Reid (Confucius lives next door), thấy ký giả này thán phục khi mô tả những đức tính của người Nhật trong việc cư xử với láng giềng, trong trường học, trong sở làm, đối với người ngoại quốc, vân vân. Người đọc phải thấy là người Nhật được cha mẹ, ông bà dạy dỗ những điều chẳng khác gì người Việt
Nam mình, ít nhất là trong các gia đình Việt Nam vẫn giữ lễ giáo. Mà trong tất cả các trường họcở miền Nam trước năm 1975 các thầy cô cũng dạy học sinh như vậy. Phải tôn trọng của công? Phải giữ lời hứa? Phải kính trọng người lớn tuổi? Phải hòa thuận với xóm làng? Phải lễ phép với thầy giáo, cô giáo? Phải giúp đỡ người hoạn nạn? Nếu ai đã được học Gia Huấn Ca thì đều biết đó là những quy tắc luân lý bình thường mà gia đình Việt Nam nào cũng phải dạy con cái. Hiện nay nước ta các gia đình có lễ giáo vẫn dạy con cái như thế, không khác gì người Nhật Bản cả. Mà hàng ngàn năm trước đây, người Việt Nam vẫn dạy con như thế. Vậy tại sao một người ngoại quốc như T.D. Reid đã thán phục xã hội Nhật Bản sống đạo đức và an hòa trong khi hiện nay chính nhiều người Việt Nam cũng nhiều lúc đau lòng vì phong hoá, đạo đức xuống dốc? Khi so sánh nước mình với các con rồng Nhật Bản, Nam Hàn, Ðài Loan, Singapore, chỉ có một điểm khác biệt lớn, là các nước đó không sống dưới một chếđộ độc tài Cộng Sản như nước ta.
Cho nên nếu có một chế độ chính trị thích hợp, dân tộc Việt
Nam vẫn có thể phục hồi được truyền thống Lễ Nghĩa Liêm Sỉ không khác gì các nước Á Ðông khác. Phải có một chế độ đề cao chữ Tín thì trẻ em đến trường học chữ Tín dễ dàng hơn. Phải xoá bỏ hệ thống tham nhũng, thì trẻ em và người lớn mới tin điều Thiện. Phải chấm dứt chế độ độc quyền chính trị thì những người có thiện chí và có khả năng mới được tiến lên thay thế những người chỉ quen nịnh hót và luồn lọt. Chúng ta có thể tin tưởng rằng dân tộc Việt Nam có khả năng đó.
Một điều đáng lo là nhiều người quá quan tâm đến vấn đề kinh tế, chỉ muốn bắt chước các con rồng Á Ðông trên mặt phát triển kinh tế mà quên mất mối lo về xã hội. Sức mạnh của các quốc gia đó nằm trong truyền thống đạo lý của họ, tạo nên phép lạ mà một người Mỹ phải kính trọng. Dân Việt Namcũng có đủ các hạt giống tốt đó, chỉ cần được tưới tẩm, vun trồng trở lại mà thôi.
Sẽ có ngày người dân Việt sống một thị xã như Cà Mau, Hội An, Bắc Giang có thể để xe trước cửa nhà mà không cần khoá, đêm không khoá cổng cũng vẫn ngủ ngon. Người ta ra đường không lo bị trấn lột. Trẻ em biết lễ phép, làng xóm sống hòa thuận. Sẽ có ngày phép lạ xã hội cũng xuất hiện với nước ta.
Ngô Nhân Dụng (Đỗ Quý Toàn)

No comments:

Post a Comment