Pages

Saturday, November 7, 2009

PHAN HẠNH * VỀ TRUYỆN THẰNG RÁI CÁ

Thằng Rái Cá:
chuyện thật hay là huyền thoại?
Phan Hạnh, Toronto
Liên mạng ngày nay đã trở thành một thứ diễn đàn đầy sương mù như sàn sân khấu trình diễn được phun khói. Ai cũng có thể viết blog, lập trang blog miễn phí và trở thành một blogger, muốn viết gì thì viết, muốn đưa lên Internet bài viết của ai thì cứ tự nhiên (chứ không phải “vô tư” như ngôn ngữ thời thượng bây giờ trong nước); đưa mà không cần biết tác giả là ai và câu chuyện có xuất xứ đáng tin cậy hay không.

Trong thời gian mấy tháng qua, chắc nhiều người trong chúng ta đã có đọc từ các trang mạng Việt ngữ chuyện Thằng Rái Cá (The Otter Boy) hoặc được bạn bè thân hữu câu chuyện cảm động và hấp dẫn nầy vào hộp thư của chúng ta. Thấy một câu chuyện hay, chúng ta lại chuyển tiếp cho nhiều thân nhân bạn bè khác đọc qua email hoặc post lên diễn đàn của các nhóm thân hữu. Chúng ta đọc để thưởng thức ý tưởng nói lên tấm lòng bác ái, tinh thần hi sinh sự an nguy của cá nhân để cứu giúp người hoạn nạn. Có lẽ mục đích duy nhất của người tạo ra câu chuyện nầy cũng chỉ có thế: truyền đạt một thông điệp của sự yêu thương đồng loại.

Câu chuyện Thằng Rái Cá được tìm thấy trên các trang mạng liệt kê sau đây, có thể là còn nhiều diễn đàn và điểm lưu ký khác nữa.

1) Trang nhà: Văn Hóa Việt. Nguồn mạng:

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&cid=23&id=37425

Tựa: “Câu chuyện của lãnh tụ và viên thuốc Penicilin”. Người kể (thay vì tên tác giả): Trần Quốc Bảo. Ngày đăng: 14 tháng Chín 2009.

2) Trang nhà Gia Ðình Ban Mê Lê Bảo Tịnh. Nguồn mạng: http://lebaotinhbmt.com/index.php?nv=News&at=article&sid=741

Ngày đăng: 04 tháng Chín 2009. Tựa “Thằng Rái Cá”. Tên tác giả: không có, chỉ ghi là Sưu Tầm (ý muốn nói tác giả nặc danh?)

3) Trang nhà: Hãy Yêu Thương Nhau. Nguồn mạng: http://hayyeuthuongnhau.org/site2008/index.php?option=com_content&task=view&id=869&Itemid=37

Ngày đăng: 30 tháng Tám 2009. Tựa: “Câu Chuyện Thần Thoại”. Tên tác giả: “Người viết sưu tầm từ Internet”

4) Trang nhà: Trường Tiểu Học Kim Ðồng Gò Vấp. Nguồn mạng:

http://www.kimdonggv.com/index.php?cid=69&news_id=2085

Ngày đăng: 28 tháng Tám 2009. Tựa: “Một Câu Chuyện Nên Ðọc”. Tên tác giả: không có, chỉ đề tên người gởi là Xuân Thu, Email : nuabonmua@gmail.com

5) Trang nhà: Ðiện Báo Ánh Dương Online. Nguồn mạng: http://siteground124.com/~anhduong/index.php?option=com_content&task=view&id=4648&Itemid=1

Ngày đăng: 27 tháng Tám 2009. Tựa: “Thằng Rái Cá”. Tên tác giả: Bùi Bảo Sơn CVA 65 (Chu Văn An 1965) www.cva646566. com

6) Trang nhà: Mẹ Maria. Nguồn mạng:

http://www.memaria.org/default.aspx?LangID=38&tabId=416&ArticleID=22753

Ngày đăng: 27 tháng Tám 2009. Tựa: “Chuyện Thật Như Thần Thoại”. Tên tác giả: Trần Quốc Bảo.

7) Trang nhà: Dũng Lạc Gọi Nắng Vào Tim. Nguồn mạng: http://www.dunglac.org/index.php?m=home&v=detail&ia=8534

Ngày đăng: không đề. Tựa: “Chuyện Thật Như Thần Thoại” (Gọi Nắng ào Tim).

Tên tác giả: Trần Quốc Bảo (sưu tầm).

8) Trang nhà: Thăng Tiến Việt Nam. Nguồn mạng:

http://thangtien.de/index.php?option=com_content&task=view&id=4172&Itemid=311

Ngày đăng: 07 tháng Chín 2009. Tựa: “Thằng Rái Cá” Chuyện Thật Như Thần Thoại. Tên tác giả: không có.

9) Trang nhà: Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam Tại Ðức. Nguồn mạng: http://ldcg.de/index.php?option=com_content&task=view&id=1217&Itemid=145

Ngày đăng: 06 tháng Chín 2009. Tựa: “Thằng Rái Cá”. Tên tác giả: Trần Quốc Bảo.

Nhìn qua chín trang mạng trên, chúng ta sẽ nhận thấy mặc dù cùng một câu chuyện với nội dung giống y hệt nhau nhưng ngay chính cái tựa và ngay cả tên tác giả cũng không đồng nhất. Ðiều nầy cho thấy rằng các trang mạng trên, theo như tình trạng chung, làm việc với một tinh thần thiếu nghiêm túc và cẩn trọng. Họ vốn là những trang mạng hội đoàn nhỏ với ngân khoản điều hành khiêm nhường, thiếu thốn và nghèo nàn về nhân sự lẫn khả năng tài chánh được điều hành bởi một hoặc vài cá nhân tự nguyện hoặc với lợi tức tượng trưng và có khi chỉ làm việc bán thời gian. Khuyết điểm, lầm lẫn, thiếu sót hay sai lệch dĩ nhiên sẽ rất dễ xảy ra. Chẳng ai có công sức hoặc thì giờ đâu để kiểm chứng xem câu chuyện ấy có thật hay không. Thế thì chuyện ấy có thật không? Ít ra có vài trang mạng đặt cho nó cái tựa “Chuyện Thật Như Thần Thoại” kia mà.

Nhưng tiếc thay đó lại không phải là một câu chuyện thật trong lịch sử. Ðó chỉ là một trong nhiều huyền thoại được con người thêu dệt dựng lên quanh nhân vật chính khách lỗi lạc Winston Churchill của nước Anh. Huyền thoại trong câu chuyện Thằng Rái Cá đã được một cơ quan thẩm quyền là Trung Tâm và Bảo Tàng Viện Churchill tại Các Phòng Hành Quân của Nội Các Chiến Tranh ở Luân Ðôn (The Churchill Centre and Museum at The Cabinet War Rooms, London) chính thức lên tiếng bác bỏ. (Nguồn mạng: http://www.winstonchurchill.org/learn/myths/myths/fleming-saved-him-from-drowning).

Trước khi đọc qua lời lên tiếng chính thức của Bảo Tàng Viện Churchill, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại câu chuyện Thằng Rái Cá tại địa chỉ các trang mạng đã dẫn. Hoặc chúng ta có thể xem câu chuyện chưa “bị” thêm thắt râu ria, lần đầu tiên được gửi đến Viện Bảo Tàng Churchill ngày 16 tháng Sáu năm 2000 bởi một người tên Rob Burge, địa chỉ rburge@jaguar.com. như sau:

“Tên ông đó là Fleming, và ông ta là một nông dân Tô Cách Lan nghèo. Một ngày nọ trong khi làm việc trong nông trại để nuôi sống gia đình, ông nghe tiếng kêu cầu cứu của ai đó từ vũng lầy gần bên vang lại. Ông buông đồ dùng đang cầm trên tay và chạy về hướng đó. Ông thấy một cậu bé đang vùng vẫy la thét dưới vũng bùn đen ngập tới thắt lưng. Ông nông dân Fleming đã cứu cậu bé thoát khỏi cái chết từ từ và kinh khủng. Ngày hôm sau, một chiếc xe ngựa sang trọng đỗ xịt trước ngôi trại xác xơ của Fleming. Một người quí phái ăn mặc lịch lãm bước ra và tự giới thiệu mình chính là cha của cậu bé mà nông dân Fleming đã cứu sống. Nhà quí phái nói: “Ông đã cứu con tôi, vậy tôi muốn đền tiền cho ông.”

Ông nông dân Fleming xua tay khước từ và đáp: “Không! Tôi không thể nhận món tiền nầy. Ðiều tôi làm chỉ là bản năng tự nhiên chứ không phải tôi làm để mong được đền đáp.” Vừa lúc đó, con trai của người nông dân từ trong ngôi nhà tồi tàn bước ra. Nhà quí tộc hỏi: “Phải con ông đó không?” Người nông dân hãnh diện đáp: “Phải.” Nhà quí tộc nói: “Vậy tôi xin thương lượng với ông như vầy, để tôi đem con ông theo và nuôi cho cậu ăn học thành tài. Nếu cậu có tánh tình tốt giống cha cậu, sau nầy cậu sẽ trở thành một người làm cho ông hãnh diện.” Và ông đã làm đúng như thế. Cậu con của ông nông dân Fleming đã tốt nghiệp Trường Y Khoa St. Mary ở Luân Ðôn và sau đó đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Cậu bé đó chính là Alexander Fleming, cha đẻ của thuốc trụ sinh Penicillin.

Nhiều năm sau, người con trai của nhà quí tộc bị sưng phổi, và đã được cứu mạng bởi thuốc Penicillin. Còn tên của nhà quí tộc ư? Ðó chính là Randolph Churchill. Còn tên người con của ông ta? Winston Churchill.”

Và sau đây là sự thật do Viện Bảo Tàng Churchill đưa ra.

Hỏi: Có đúng là Alexander Fleming đã cứu mạng Churchill?

Ðáp: Câu chuyện cho rằng nhà bác học Alexander Fleming (hoặc cha của ông ta, tùy theo cách sắp xếp khác nhau của câu chuyện) đã cứu mạng Churchill từng lan truyền trên Internet trong thời gian qua. Ít nhất có năm mươi bức điện thư gửi về Viện Bảo Tàng nói về chuyện nầy. Nghe cảm động thật đấy, nhưng đó là chuyện hoàn toàn hư cấu. Câu chuyện đó xuất hiện trong Chương sách có tựa đề "The Power of Kindness", Sức Mạnh của Nhân Từ, phát sinh từ quyển sách Các Chương Trình Thờ Phượng Dành Cho Thiếu Nhi của hai tác giả Alice A. Bays và Elizabeth Jones Oakbery xuất bản trong thập niên 1950 bởi một cơ quan tôn giáo Hoa Kỳ. Theo hai bà tác giả nầy, Churchill được một cậu trai quê mùa tên Alex cứu khỏi chết đuối tại một hồ nhỏ ở Tô Cách Lan. Mấy năm sau đó, Churchill gọi điện thoại cho Alex bảo rằng để đền ơn, cha mẹ cậu sẽ đỡ đầu cho Alex theo học trường y. Alex tốt nghiệp hạng danh dự năm 1928 và khám phá ra rằng có loại vi khuẩn không thể phát triển trên một số mốc rau cải. Năm 1943, khi Churchill bị bệnh ở Cận Ðông, penicillin, phát minh tuyệt vời của Alex, được gửi bằng phi cơ để kịp thời cứu Churchill. Thế là Alexander Fleming một lần nữa đã cứu mạng của Winston Churchill.

Nhưng vấn đề cội rễ của câu chuyện là chứng sưng phổi của Churchill không phải được chữa khỏi bằng penicillin mà bằng thuốc M&B, tên rút gọn của thuốc sulfadiazine bào chế bởi Hãng Dược Phẩm May&Baker. Bệnh sưng phổi khá trầm trọng của Churchill là do vi khuẩn tấn công chứ không phải bị nhiễm trùng. Khỏi bệnh nhờ M&B, Churchill mừng lắm và gọi hai bác sĩ riêng của ông, tên Moran và Bedford, là M&B. Không có bằng chứng, tài liệu hay hồ sơ lưu trữ nào cho thấy ông dùng penicillin cho lần sưng phổi trong thời chiến đó cả. Mãi sau nầy gần lúc cuối đời ông có bị nhiễm trùng vài lần và có dùng thuốc trụ sinh ampicillin mà lúc bấy giờ đã trở nên khá phổ biến rồi. Theo Nhật Ký của Ðức Ông Moran (Diaries of Lord Moran, nhà xuất bản Houghton Muffin, Boston năm 1966, trang 335), bác sĩ riêng của Churchill, thì Churchill có hỏi ý kiến của Sir Alexander Fleming ngày 27 tháng Sáu năm 1946 về sự nhiễm trùng khuẩn tụ cầu; nhung Churchill không hề dùng penicillin vì khuẩn tụ cầu đề kháng loại thuốc trụ sinh nầy.

Người viết tiểu sử chính thức của Churchill là Sir Martin Gilbert kể thêm rằng sự chênh lệch về tuổi tác của Churchill và Fleming (hoặc cha của Fleming) đều không thể hỗ trợ cho các cách thuật lại khác nhau của câu chuyện. Alexander Fleming (1881-1955) trẻ hơn Churchill (1874-1965) 7 tuổi. Không có chứng liệu nào cho thấy Churchill suýt chết đuối ở Tô Cách Lan ở lứa tuổi thanh thiếu niên hay bất cứ tuổi nào khác. Và cũng không hề có chứng liệu nào nói về Ðức Ông Randolph Churchill nuôi Alexander Fleming ăn học thành bác sĩ cả. Sir Martin Gilbert, nhà nghiên cứu tiểu sử Churchill, cũng nhấn mạnh rằng suốt toàn bộ nhật ký của Moran không hề đề cập đến penicillin hay vụ cho phi cơ chở pinicillin sang Cận Ðông cho Churchill.

Alexander Fleming sinh ra trong một gia đình có 8 người con ở một vùng quê xa xôi của Tô Cách Lan. Năm14 tuổi, ông đã rời quê nhà để lên Luân Ðôn học nhờ có một người anh vừa tốt nghiệp trường y và đang hành nghề bác sĩ ở đấy. Tốt nghiệp ngành kinh doanh, ông đi làm cho hãng vận chuyển hàng hải một thời gian, đăng lính năm 1900, năm sau quay lại học y khoa, tốt nghiệp năm1906, phục vụ ngành quân y trên chiến trường nước Pháp trong thời gian Ðệ Nhất Thế Chiến. Năm 1918, chiến tranh kết thúc, ông trở về trường cũ St. Mary’s Hospital nghiên cứu và giảng dạy. Ngày 28 tháng Chín 1928, ông tìm ra penicillin.

Trở lại với câu chuyện Thằng Rái Cá nêu ở phần đầu của bài viết nầy, chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao một câu chuyện đã được thi vị hóa và huyền thoại hóa từ 60 năm trước để dạy cho trẻ con về sức mạnh của lòng tử tế, đã được tái chế biến, thêm mắm dậm muối và đưa lên xa lộ thông tin Anh ngữ từ mười năm trước, bây giờ nó lại lan truyền trên nhiều trang mạng Việt Ngữ? Có lẽ chúng ta nên có thái độ tích cực, xem đó như là một thông điệp mạnh mẽ đánh động lương tri vì lòng tử tế dường như ngày càng trở nên hiếm hoi. Và giới đọc giả chúng ta ước mong các trang mạng Việt ngữ có nhiều khả năng và phương tiện hơn để làm việc một cách cẩn thận và nghiêm túc hơn trong việc kiểm định giá trị bài vở và đưa tin chính xác.

  • Phan Hạnh, Toronto.
http://www.nsvietnam.com/online/sangtac/101109-raica.html


**

No comments:

Post a Comment