Pages

Monday, November 16, 2009

VĂN HÓA XÃ HỘI VIỆT NAM

**
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ THẦM LẶNG

Phía sau cuộc đời của những người đàn ông danh tiếng, thành đạt, luôn có bóng dáng những tình yêu lặng thầm, đầy hy sinh của những người vợ danh chính ngôn thuận. Người đàn ông nổi tiếng, càng thành đạt, càng được nhiều người biết đến, người phụ nữ của đời họ dường như càng ít xuất hiện hơn, ít biết đến hơn để lùi về phía sau chấp nhận làm cái bóng của chồng, có khi cái bóng ấy rất mờ nhạt.

Lặng lẽ phía sau vầng hào quang rực sáng của chồng mình, người phụ nữ nhận về mình sự thiệt thòi, cả những nỗi đau riêng, để giữ gìn hạnh phúc và danh giá cho chồng mình.

Với danh họa Nguyễn Phan Chánh


Mặc dù cả hai người vợ của ông đều thua ông trên dưới mấy chục tuổi, thế nhưng cả hai người vợ trong cuộc đời của danh họa Nguyễn Phan Chánh đều cống hiến cho chồng mình một tình yêu sự chia sẻ vô bờ đối với niềm đam mê hội họa của ông.

Cả hai người đàn bà đều xuất thân là những người nông dân lành hiền, chất phác và trẻ hơn ông rất nhiều. Bà vợ đầu tiên là cô hàng xén xinh đẹp một thời, bà vợ hai là dì "Hoa khoai lang" mộc mạc và chân chất. Danh họa Nguyễn Phan Chánh mê vẽ chân dung và thường hay đi tìm mẫu nữ mời về nhà vẽ. Cả hai người vợ của ông đều tôn trọng ông nhất mực.

Bà vợ đầu tảo tần với gánh hàng xén ngược xuôi, nuôi các con, nuôi chồng. Điển hình cho sự hy sinh bao la trời biển của bà là lần danh họa Nguyễn Phan Chánh đưa về nhà một cô gái câm xinh đẹp và bảo với vợ: "Đây là mẫu nữ của tôi, bà thu xếp chỗ ở cho cô ấy". Bà không nói gì, đã lặng lẽ đón cô gái, xếp đặt chỗ ăn nghỉ cho cô gái câm, và thương cô như chị em gái trong nhà.

Cảm động trước mối tình lớn của người vợ chịu thương chịu khó với chồng, cô gái câm đã lặng lẽ ra đi khỏi nhà họ một ngày, và đã để lại cho danh họa Nguyễn Phan Chánh những hình mẫu trong các tác phẩm lụa đẹp. Sau này, khi bà mất, danh họa Nguyễn Phan Chánh tục huyền. Người vợ sau của ông được ví là "hoa khoai lang" để chỉ sự chân chất, giản dị ở người con gái mà ông chọn làm vợ.

Sau này danh họa Nguyễn Phan Chánh ốm, không đi lại được, cũng chính dì Hoa khoai lang là người đã ngược xuôi đi tìm mẫu nữ về cho chồng vẽ. Mỗi lần tìm được mẫu nữ ưng ý, bà để cho chồng mình và mẫu nữ làm việc trong buồng, bên ngoài cửa treo biển "họa sỹ đang bận vẽ mẫu nữ, miễn tiếp khách", rồi bà đi đến nhà các con cháu của ông chơi, cho đến lúc nào chồng mình dỡ bỏ tấm biển treo ở cửa ra, bà mới bước vào nhà.

Với nhà thơ Quang Dũng


Tác giả của những bài thơ nổi tiếng: "Tây tiến", "Mắt người Sơn Tây", người vợ hiền nhất mực thủy chung và tôn thờ chồng là bà Bùi Thị Thạch, người con gái Yên Bái mà nhà thơ Quang Dũng trong một lần tình cờ gặp gỡ đã gửi mộng ái ân, đã mang lời hẹn ước, và chờ đợi nhau trong 6 - 7 năm trời khi ông đi học ở Trung Quốc để rồi thành vợ thành chồng.

Bà Thạch hiện vẫn còn sống, đang ở trong một Trung tâm dành cho người già ở Hà Nội. Bà sống lặng lẽ đến nỗi, ngay cả bạn bè của nhà thơ Quang Dũng cũng ít người hay biết về bà, hình dung về bà. Sự nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng đã che khuất hình dáng người vợ hiền, hay chính bản thân bà đã thu mình lại đằng sau cái bóng sừng sững của chồng mình.

Một người bạn của Quang Dũng viết rằng: "Chị Diệm là một người đàn bà mỏng manh và khá cao. Chị thường mặc áo nâu, buồn. Chị như một cái cây, tự lắp mình đi giữa đám rừng. Sự lặng lẽ, cô đơn như đã bủa vây thật chặt, thật kín, làm chị không gần gũi được với ai. Tôi cũng không được nghe, không biết anh Diệm lấy chị Diệm trong trường hợp nào. Cả trong bài thơ của anh, tôi cũng chưa thấy có dòng nào nói đến người vợ đáng thương này".

Thực tế, bà Thạch đã thương lo cho chồng một đời lặng lẽ chắt chiu cơm áo cho chồng con. Ngay cả khi ông đã mất, bà đã bước sang đời sống mộng du của một người đã đặt một chân của mình về phái cõi khác, thì cuốn thơ "Tây Tiến" có gương mặt Quang Dũng ở trang bìa bà vẫn ôm khư khư hằng ngày trước ngực, và cả trong những giấc mộng du.

Với nhà thơ Huy Cận


Bà Lệ Thu, vợ ông là một điển hình của tình lặng thầm. Bà ít nói, yêu chồng bằng một tình yêu tôn thờ, nhẫn nại, cho dù bà trẻ hơn ông rất nhiều và khi bước vào cuộc hôn nhân với ông, bà, người con gái lần đầu tiên đi lấy chồng đã nhận về mình cả những truân chuyên trong quá khứ của chồng và những nỗi đau mà ông đã nếm trải.

Nhà thơ Huy Cận thốt lên trong một bài thơ viết về vợ rằng: "Hỡi em yên lặng" Khi anh cưới/ Mẹ em rằng/ Thu nó hiền thôi ít nói năng/ Từ đấy hai sông hoà một biển/ Nước gần với nước gắn bằng trăng/ Từ đấy lòng anh cứ lắng nghe/ Lặng im trong mỗi bước em về/ Lời thầm trong mỗi câu em nói/ Trong mỗi làn tay em vuốt ve/ Khi anh mệt nhọc khi anh đau/ Công việc anh lo lửa nóng đầu/ Anh cứ cảm nghe từ ánh mắt/ Tình em ôm toả tựa hương ngâu/ Em hỡi đời ai chẳng nửa thầm/ Lặng yên mới có được vang âm/ Tóc mềm sợi sợi nằm êm lắng/ Vạn suối lòng anh chảy trở trăn/ Rồi một ngày kia anh với em/ Nằm luôn trong đất giấc im lìm/ Tai xương anh sẽ còn nghe ngóng/ Hoa lá hồn em trong lặng im".

Sau khi nhà thơ Huy Cận mất, bà Lệ Thu lẩn mẩn một mình trong căn gác của ông ở Điện Biên Phủ để tỉ mỉ thu nhặt lại cho chồng từng mẩu giấy nhỏ chứa bút tích của nhà thơ Huy Cận, từng bài viết của ông để tập hợp lại tập di cảo in thành sách.

Tôi đến thăm bà trong một ngày sau khi Huy Cận mất chưa lâu, nhìn thấy bà tóc bạc trắng phơ, gò mình trên chiếc kính lão, ngồi lọt thỏm giữa ngút ngàn bốn bề giấy tờ bản thảo bừa bộn của chồng mình để lại. Bà nói với tôi, bà chỉ mong sống khoẻ được cho đến khi làm xong bản thảo và các di cảo của chồng mình rồi ông trời hãy mang bà đi. Tôi thật kính phục tình yêu của những người vợ "lấy chồng lấy cả bể dâu nhà chồng" như bà"

Với nhà thơ Hoàng Trung Thông


Bà Hoàng Hoa, vợ của nhà thơ Hoàng Trung Thông hiện vẫn sống ở một căn gác nhỏ trong một biệt thự cũ của phố Ngô Quyền. Nhưng hàng xóm và những gánh hàng rong cũ trên phố Ngô Quyền không mấy khi còn gặp lại dáng hình bé nhỏ, run rẩy, mỏng tựa như một chiếc lá cuối mùa đi liêu xiêu trên phố để ra quán rượu đầu ngõ tìm gọi chồng về.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông, tác giả của "Bài ca vỡ đất" đã sống một cuộc sống khó khăn bí bách nhiều bề trong một gia đình đông con thời bao cấp. Cơm áo không đùa với khách thơ. Dẫu khó khăn, dẫu chạy bữa nhưng bà Hoàng Hoa không bao giờ để cho chồng mình tiếp bạn bữa rượu suông mà không có thêm một đĩa lạc rang hay đĩa dưa hành để chồng nhắm rượu với bạn. Quanh năm suốt tháng tảo tần, dành dụm cốt sao cho mỗi lần bạn thơ, bạn văn, bạn rượu của chồng đến nhà, bữa rượu dọn ra cho chồng đãi khách có thêm đĩa mồi đạm bạc kẻo chồng tủi phận nghèo.

Cuối đời, nhà thơ Hoàng Trung Thông mắc bệnh mộng du, lại say rượu hoài ở quán, bà Hoa lại sấp ngửa đi tìm chồng, sẽ sàng gọi chồng và giục chồng đứng dậy ra về khi quán đã tàn, khách khứa đã về nhà hết. Giờ đây, mấy chục năm ông đi xa, bà sống bằng những hoài niệm trong căn nhà cũ. Bà sống bằng những cuốn thơ, những tác phẩm ông để lại. Ngày nào, bà cũng để chúng gối đầu giường, hễ nhớ ông, bà lại đọc đi đọc lại đến thuộc lòng những bài thơ ông thích.

Có quá nhiều hình bóng những người vợ lặng thầm phía sau sự nổi tiếng của chồng mình. Có quá nhiều những mối tình lặng thầm của những người vợ hiền dâng tặng cho người chồng nổi tiếng của mình.

Ngay như vợ nhà thơ Tế Hanh, hay vợ nhà văn Đoàn Bổng, hay người vợ không danh chính ngôn thuận của danh họa Trần Văn Cẩn là nhà điêu khắc Trần Thị Hồng đã lặng thầm chấp nhận sống không giá thú với một người thầy, một người tình hơn bà mấy chục tuổi. Chấp nhận một cuộc sống vợ chồng không chính thức, không con cái, bà đã tận hiến tuổi thanh xuân của mình cho danh họa Trần Văn Cẩn, và đã chăm sóc ông cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Mỗi lần nhắc đến người đàn ông của đời bà, bà Hồng lại khóc. Dường như yêu thương chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim của bà đối với danh họa Trần Văn Cẩn. Và còn rất nhiều, nhiều những mối tình thủy chung, nhiều hy sinh khác nữa của những người nổi tiếng mà trong khuôn khổ một bài viết nhỏ chúng tôi không thể kể xiết


Khánh Thy
http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/chuyende/2009/10/53219.cand

**

No comments:

Post a Comment