Pages

Sunday, December 13, 2009

LỊCH SỬ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI * VƯỢT BIÊN





*
THẢM CẢNH VƯỢT BIÊN

Nhiều nạn nhân và chứng nhân đã viết về đề tài này. Nhưng vẫn chưa đủ vì nhân dân ta đã chết gần triệu người trên đường trốn tránh chế độ cộng sản.
Chúng tôi xin ghi lại để độc giả hoài niệm một quá khứ đau thương của nhân dân ta và bạn bè cùng anh em của ta.
Sơn Trung

VỤ THỨ NHẤT 87 người bị giết

NHÂN CHỨNG Bà Nguyễn Thị Thương 36 tuổi, tốt nghiệp Đại Học Hoa Kỳ, tu nghiệp tại Paris, Pháp. Trước 1975 Bà là Giáo sư Đại Học Bách Khoa Thủ Đức. Bà Thương vượt biển cùng chồng là Giáo sư Trần Quang Huy, phân khoa trưởng Văn Khoa Đại Học Saigon, cùng với Mẹ ruột, cậu, 2 em trai, 2 em dâu, 4 cháu gái và một con gái nhỏ 3 tuổi. Nhưng chỉ còn Bà, con gái nhỏ của bà, một người em trai của Bà và một em gái của chồng sống sót.

Ghe mang số SS0646 IA dài 13 m 5, chở 107 người khởi hành từ Rạch Giá ngày 01 tháng 12 năm 1979. Ra khơi được 3 ngày, thuyền chạy về hướng Thái Lan, khi đã gần tới đất liền thì gặp bọn cướp biển vào ngày 03121979. Hai tàu cướp ThaiLan cặp hai bên hông thuyền tị nạn, bọn cướp đã ùa sang với súng và dao. Vì ghe thuyền Việt Nam quá chật hẹp, bọn hải tặc đã lùa 27 người sang tàu của chúng cho dễ lục soát vàng bạc của cải.

80 người còn lại bị khám xét cướp hết vàng bạc, vật qúy. Sau đó bọn cướp buộc giây vào ghe Việt Nam vào đuôi tàu của chúng và kéo chạy. Chúng xả hết tốc lực, chạy lượn vòng qua lại làm ghe tị nạn nghiêng chìm như một trò chơi. Dân tị nạn la khóc, lạy van cho tới khi ghe chìm hẳn. Bọn cướp biển cắt giây nối và chạy bỏ mặc 80 người vùng vẫy tuyệt vọng, trong khi 27 người tị nạn trên tàu của chúng vật vã khóc ngất nhìn xuống biển chứng kiến người thân đang dãy dụa chết chìm.

Bọn hải tặc chạy thẳng về đảo sào huyệt KO KRA của chúng mang theo 27 người mà chúng đã tách đem lên thuyền chúng trước đó. Nhưng gần tới đảo, chúng xô đẩy tất cả đàn ông xuống biển, buộc họ bơi vào đảo. 7 người dàn ông này đều bị chết đuối vì không đủ sức bơi hoặc không biết bơi để có thể vào đến bờ, trong số này có Giáo sư TRẦN QUANG HUY. Còn lại 20 người sống sót sau cùng đã bị bọn cướp đưa lên đảo và lập tức chúng lại lục soát, sờ nắn khắp thân thể để tìm kiếm vật quý con cất giấu trong người. Bà BTD (xin viết tắt, giấu tên) 26 tuổi có con 4 tuổi, bị dẫn ngay vào bụi hãm hiếp mặc dù Bà đang mệt lả không đứng dậy nổi vì đói khát, kinh hoàng.

Sau đó, trong suốt 8 ngày liền bị giam giữ trên đảo, 20 thuyền nhân còn lại này đã bị quần thảo hành hạ bởi nhiều toán cướp biển khác nhau hàng ngày đổ bộ lên đảo. Các phụ nữ, cô gái phải chạy vào rừng hoặc leo lên hốc ẩn tránh. Nhưng vẫn không thoát khỏi tay bọn dâm tặc. Một lần Bà BTD quá mệt mỏi không còn sức chạy trốn nổi, đang nằm ngất ngư và được mọi người săn sóc thì bọn hải tặc lại ùa đến, đuổi tất cả mọi người chung quanh đi chỗ khác và 4 tên Thái man rợ luân phiên hãm hiếp tàn nhẫn ngay tại chỗ, khiến bà ta bị kiệt lực nằm im lìm không nhúc nhích được nữa.

Đến ngày thứ 3 trên đảo, một tàu Thái, bên hông có ghi chữ POLICE số 513 tới đảo. Bọn cướp rút lui, chạy tàu ra xa. Chiếc tàu Cảnh Sát neo sát bờ biển, họ chỉ nhìn vô bờ nhưng không lên đảo. Những người tị nạn Việt Nam mừng rỡ tưởng được cứu thoát, một thanh niên tị nạn bơi ra mang theo một lá thư cầu cứu bằng tiếng Anh để gởi cho giới chức Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Nhưng chưa bơi tới nơi đã bị tàu Cảnh Sát Thái nổ súng bắn xuống biển cảnh cáo. Anh ta hoảng hốt bơi quay trở vào bờ. Sau đó mọi người lại đề cử một thiếu niên 15 tuổi liều mình bơi ra cầu cứu lần nữa. Cậu này đã được Cảnh Sát cho lên tàu, nhưng chỉ cho vài gói mì và đuổi xuống biển ngay. Cuối cùng tàu Cảnh Sát này bỏ đi. Sau này mới biết họ đã không hề báo tin vào đất liền.

Ngay sau khi tàu Cảnh Sát bỏ đi bọn hải tặc lại lên đảo và tình trạng tồi tệ tiếp tục diễn ra. Đến ngày thứ năm, một tàu Hải Quân Thái Lan đi ngang qua đảo, nhóm người tị nạn chạy ra sát bờ vẫy gọi, làm hiệu và lần này chiếc tàu Hải Quân đã cho người lên đảo tiếp xúc và nhận bức thư nhờ chuyển về cho Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Ngày thứ tám, Ông SCHWEITZER Đại diện Liên Hiệp Quốc tại TháiLan ra đón họ vào đất liền.

Không lâu sau đó Bà NGUYỄN THỊ THƯƠNG sinh thêm đứa con gái út trong trại tị nạn Song Khla và Bà sống tại đó với một đứa con gái 3 tuổi và người em trai của Bà và một em gái của Ông TRẦN QUANG HUY. Lúc bắt đầu rời Việt Nam Bà THƯƠNG đã có thai gần 9 tháng, chính nhờ vậy trong những ngày trên đảo KO KRA, Bà đã không bị hải tặc hãm hiếp.

Bà NGUYỄN THỊ THƯƠNG kể lại câu chuyện trên rồi khóc lặng lẽ và nói Chồng tôi và tôi đã đoán trước những thảm cảnh có thể xảy ra trên biển. Nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận ra đi vì chúng tôi đã nghĩ rằng, dù thế nào cũng ít tệ hại hơn là sống dưới chế độ Cộng sản. Nhưng những đau khổ tôi đang phải chịu đã vượt qua dự đoán của chúng tôi.


VỤ THỨ HAI 70 thuyền nhân Việt nam tị nạn bị giết

NHÂN CHỨNG Ông Vũ Duy Thái 44 tuổi, đi cùng vợ là Bà Đinh Thị Bằng 40 tuổi cùng 4 con và 2 cháu. Hiện chỉ còn mình Ông sống sót.

Ghe VNKG 0980 dài 14 m, bề ngang 2 m 2 chở 120 người khởi hành từ Rạch Giá ngày 29 tháng 12, 1979. Lúc 7 giờ sáng ngày 31121979 gặp tàu hải tặc Tháilan. Tàu này sơn màu đỏ cam, mang số 128 ở đầu mũi, gồm 12 tên cướp võ trang súng dài và dao, búa, rìu. Tàu của chúng phóng tới húc vào làm nứt bể mũi ghe tị nạn. Bọn hải tặc nhảy qua và lập tức phá máy ghe làm thủng thêm vết nứt, nước bắt đầu tràn vào. Bọn chúng lục soát chụp giựt đồng hồ, nhẫn vàng v.v... trong lúc nước nước tràn vào ghe của người tị nạn càng nhiều hơn và bắt đầu bị chìm dần sau khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Khi ghe chìm hẳn, đàn bà, trẻ con la khóc hoảng hốt níu kéo lẫn nhau. Bọn cướp nhảy xuống biển và chỉ chọn lựa cứu các cô gái trẻ đẹp. Lúc đó tàu của bọn hải tặc neo đậu cách đó 50 m. Bọn cưới đã lôi kéo về tàu chúng 5 cô gái. Một số đàn ông và thiếu niên tị nạn biết bơi cũng lội về phía tàu của chúng và bám leo lên. Nhiều người bị xô đẩy xuống, nhưng vì chúng ít người nên cuối cùng còn 50 người sống sót leo lên được tàu của chúng kể cả 5 cô gái được chúng cứu trước đó. Những người này đã chứng kiến trước mắt 70 người còn lại bị chết chìm dần dần. Mọi người nhìn thấy những bàn tay chới với ngoi lên khỏi mặt biển rồi mất hút.

Ông Vũ Duy Thái rời Việt Nam cùng vợ và 4 con, 2 cháu. Riêng Ông trong lúc hỗn loạn đã bơi bám vào tàu hải tặc và níu được vợ và một đứa con. Còn 3 đứa con khác và 2 cháu thì bị chết chìm. Tuy nhiên vợ và đứa con còn lại của Ông đã bị uống nước quá nhiều, khi kéo lên được thì không còn nhúc nhích. Ông hi vọng dùng phương pháp hô hấp nhân tạo sẽ cứu sống được, nhưng bọn hải tặc đã quăng vợ và con Ông xuống biển trở lại cho chết luôn.
Anh Phạm Việt Chiêu, 26 tuổi là tài công kể lại chính anh và một số đàn ông khác còn khoẻ đã vớt được một số người chưa chắc đã chết hẳn mà có thể chỉ mới bị ngất xỉu nhưng bọn hải tặc đã bắt bỏ họ xuống biển lại. Sau đó tàu hải tặc trực chỉ đảo KO KRA và chúng giam giữ nạn nhân trên đảo.

Ngày 1.1.1980, một chiếc tàu Hải quân Thái mang số 18 đến đảo vào ban đêm có võ trang vũ khí. Mọi người mừng rỡ tưởng được cứu thoát. Nhưng những người lính Hải quân chẳng chút thương tâm đoái hoài đến dân Việt tị nạn đang lâm cảnh khốn cùng, họ chỉ lo việc khám xét bằng cách bắt tất cả mọi người lột bỏ quần áo trần truồng kể cả đàn bà con gái rồi bỏ đi.

Ngày 2.1.1980 một tàu Hải quân Thái khác mang số 17 lại tới đảo. Lính Thái lại ùa lên lục soát. Tất cả phụ nữ bị lột truồng không còn mảnh vải che thân công khai trước đám đông để bọn lính này sờ nắn khám xét như để tìm vũ khí kẻ nào có giấu diếm. Sau đó, chúng rút về tàu đậu gần bờ biển và đến trưa ngày 411980 mới bỏ đi.

Trong thời gian hải quân Thái làm việc, bọn cướp vắng mặt nhưng ngay sau khi lính Thái vừa bỏ đi thì lập tức 4 chiếc tàu hải tặc tràn người lên đảo. Bọn cướp lại lục soát thêm nhiều lần nữa. Dĩ nhiên những nạn nhân VN khốn khổ chẳng còn gì để chúng cướp bốc nữa. Chúng luân phiên nhau hãm hiếp phụ nữ tại chỗ giữa ban ngày.Chúng chẳng cần tìm chỗ nào kín đáo để làm hành động thú tính này. Năm em gái Việt Nam KH 15 tuổi, BT 17 tuổi, AH 12 tuổi, NY 11 tuổi và MT 15 tuổi bị chúng cưỡng hiếp tập thể ngay trước mắt mọi người.

Lẽ ra, thảm kịch còn kéo dài chưa biết đến ngày nào chấm dứt, nếu không may mắn được vị cứu tinh là Ông SCHEITZER Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xuất hiện kịp thời cứu giúp và kết thúc thảm ác trạng này. Ông đã đến đảo KRA trên một chiếc tàu Cảnh Sát Thái lan.


VỤ THỨ BA Hải tặc Thái bắt gái Việt Nam bán vô ổ điếm

NHÂN CHỨNG Nguyễn Thị Ánh Tuyết 17 tuổi đi cùng chị là Bà Nguyễn Thị Năm bà này đã bị hải tặc giết trước đó và Công Huyền Tôn Nữ Mỹ kiều 17 tuổi.

Ghe không số, dài 10 m, chở 78 người, khởi hành tại NhaTrang ngày 08121979. Ra khơi được 3 ngày thì hết nhiên liệu và thực phẩm, thuyền lênh đênh trên biển trong 10 ngày. Thời gian này có 12 trẻ em đã bị chết vì đói khát. Thi thể các em phải bỏ xuống biển. Đến ngày 21121979 gặp 2 tàu hải tặc Tháilan. Bọn cướp buộc giây vào ghe VN với tàu của chúng, dùng vũ khí ép buộc tất cả mọi người qua tàu chúng để lục soát.

Bà Nguyễn Thị Năm 33 tuổi đang mang thai 5 tháng, đi cùng chồng là Ông Lê Văn Tư và 3 đứa con 9 tuổi, 5 tuổi và 3 tuổi. Cả 3 đứa trẻ này đã chết trong thời gian 10 ngày ghe bị trôi lênh đênh trước đó. Bà NĂM quá đau khổ và mệt mỏi không còn đủ sức leo qua tàu hải tặc khi chúng ra lịnh. Bọn cướp đã xốc nách Bà lên nhưng Bà vẫn nằm im, một tên cướp liền dùng xẻng xúc cá đập túi bụi vào đầu Bà NĂM. Bà đã bị nứt sọ chết ngay tại chỗ và chúng xô xác Bà xuống biển.

Mọi người kinh hoảng vội leo sang tàu hải tặc để cho chúng có chỗ trống lục soát, phá phách, xét quần áo, thân thể tìm đồ qúy. Sau đó tất cả đàn ông bị bắt nhốt vào hầm nước đá, đàn bà chúng cho ở trên sân tàu để sờ mó nghịch ngợm. Rồi chúng lùa thuyền nhân tị nạn qua trở lại chiếc ghe đã thủng nát. Khi đến ghe thì một người đàn ông đã chết vì đã bị giam giữ trong hầm nước đá lạnh cóng. Chiếc ghe tị nạn lại tiếp tục thả trôi lênh đênh trong nỗi tuyệt vọng cùng cực của mọi người.

Ngày hôm sau, hai chiếc tàu hải tặc khác lại đuổi theo, tới gần vùng đảo KO KRA chúng lại lên ghe lục soát cướp bốc. Lần này 3 thiếu nữ xinh đẹp nhất bị chúng bắt đem đi. Con thuyền tị nạn lại tiếp tục trôi trong tình trạng vô cùng bi đát. Máy ghe bị hư hỏng, không thức ăn, nước uống và ghe thì đã ngập nước vì lúc đó tất cả đàn ông đã quá đói khát không còn đủ sức tát nước nữa. Không ai biết số phận 70 người còn lại trên chiếc ghe khốn cùng đó, lúc này ra sao

Hai chiếc tàu hải tặc chia nhau 3 cô gái VN. Hai cô N.T. Ánh Tuyết và Mỹ Kiều bị chiếc tàu của tên SAMSAC làm chủ bắt giữ. Còn chiết tàu kia bắt Cô LAN 17 tuổi mang đi mất hút, cho tới bây giờ không còn nghe tin tức gì về Cô ấy nữa. Hai cô ÁnhTuyết và Mỹ Kiều bị bọn SAMSAC mang vào đất liền, nhốt trong một khách sạn tại Songkhla. Chúng tách rời hai cô ở phòng riêng khác nhau. Ánh Tuyết bị một tên, được nghe gọi là BÍT canh chừng. Còn Mỹ Kiều thì ở chung phòng với tên SAMSAC.

Ánh Tuyết kể lại là Cô đã la hét kêu ầm lên khi tên BÍT định cưỡng hiếp Cô, khiến mọi người ở các phòng chung quanh cùng khác sạn đa số là người Tây Phương đổ xô tới xem và tên BÍT đã bỏ chạy. Riêng tên SAMSAC ở phòng gần đó nghe tiếng ồn ào vội đem Mỹ Kiều đi giấu trong một khách sạn khác ở tỉnh Haadyai cách Songkhla hơn 30 Km. Khi cảnh sát đến điều tra, chính cô Ánh Tuyết đã dẫn CảnhSát đến bến tàu Songkhla, nơi có chiếc tàu của bọn SAMSAC vẫn còn đậu đó và các thủ phạm hải tặc đã bị bắt kể cả tên SAMSAC mà Cảnh sát đã tìm thấy hắn sau đó cùng với Cô Mỹ Kiều tại khách sạn nói trên.

Tại Ty Cảnh Sát chúng đã khai là định bán hai Cô gái này cho một đường giây chuyên buôn gái cho các ổ điếm.

Trên đây, chúng tôi chỉ đưa ra một vài vụ điển hình thuyền nhân Việt Nam bị thảm nạn hải tặc Tháilan hành hạ, giết chóc xảy ra trong tháng 12-1979 tại đảo KO KRA. Tưởng cần nhắc lại rằng tệ nạn hoành hành của hải tặc THÁI không phải vào thời gian này mới xuất hiện. Trong mấy năm trước 1979 khi ở Việt Nam khởi sự có làn sóng Thuyền Nhân VƯỢT BIỂN TÌM TỰ DO thì người Việt tị nạn của chúng ta đã trở thành những con mồi ngon cho bọn hải tặc THÁI.

Báo chí trên thế giới cũng đã nhiều lần đề cập đến thảm kịch kinh hoàng mà BOAT PEOPLE đã phải chịu khổ nạn. Tuy nhiên kể từ khi các ngư phủ THÁI nhận thấy việc cướp bóc Thuyền Nhân sẽ làm cho họ trở nên giàu có mau chóng hơn là đánh cá thì số ngư dân Thái kiêm thêm nghề hải tặc đã ngày trở nên đông đảo, đưa tới hậu quả là người VN đi tị nạn bằng đường biển càng ngày càng bị rơi vào mạng lưới của bọn cướp biển dày đặc bủa vây trong khắp vùng Vịnh Thái lan.

NGUYỄN HÀ TỊNH


Con thuyền may mắn và cuộc sống thứ hai
Khoảng 19 giờ ngày 6.05.1989, sau những ngày tháng dài chuẩn bị và bí mật tổ chức, những chiếc xuồng ba lá thầm lặng đưa từng tốp 2-5 người ra ghe lớn (ghe bầu dài độ 15 mét rộng cỡ 2,5 mét loại đi sông )....Cuộc hành trình bắt đầu rời bến thị trấn Thốt nốt ra cửa biển Đại ngãi, mang theo 78 con người ra biển khơi. Lái ghe đường sông là một người bản xứ, chiếc ghe đi hơn qúa nửa đêm đã vượt qua được đồn công an biên phòng, xong trọng trách của mình, người lái ghe trao nhiệm vụ cho tài công chính rồi quay trở lại đất liền, chỉ ít phút chiếc xuồng nhỏ đã mất hút trong màn đêm.

Cũng vẫn hướng ra biển khơi, mờ sáng hôm sau chúng tôi đã phát hiện có tàu công an biên phòng (hoặc tàu đánh cá quốc doanh) đang rượt theo, chúng tôi cố gắng xiết ga chạy nhanh hơn, cuộc rượt đuổi kéo dài cho đến khoảng 11 giờ trưa họ nổ súng báo hiệu dừng lại, chúng tôi vẫn cố tăng tốc nhắm hướng ra hải phận quốc tế nhưng đến 13 giờ cùng ngày thì bị bắt. Trong lúc họ nổ súng lần thứ hai, một thanh niên trên ghe bị trúng đạn, bị thương ở vai và cuộc rượt đuổi chấm dứt. Chúng tôi bị bắt, họ nói sẽ đưa chúng tôi vào đảo Côn sơn để xét xử và giam tù, chúng tôi cầu xin họ thả, nhưng họ bắt một người đại diện để nói chuyện, một thanh niên là thầy giáo tình nguyện qua tầu họ để thương lượng. Sau nhiều giờ trao đổi trên tàu, họ quyết định lấy vàng, đồ quý, tiền rồi thả chúng tôi đi cũng là lúc màn đêm buông xuống.

Từ khi tầu công an biên phòng bắt giữ, cũng từ đó ông tài công bỏ trách nhiệm, trốn xuống hầm ghe ( nếu bị bắt, người điều khiển, lái ghe bị xử tội rất nặng) thay thế cho chỗ quan trọng này là ông thầy giáo đó và một nhóm thanh niên tiếp tục cầm lái cho cuộc hành trình. Không có kinh nghiệm đi biển, không biết chấm tọa độ, nên ghe chúng tôi lênh đênh trên biển cả và vô hướng.

Vật vờ trên biển đến ngày thứ ba thì ghe bị hư, chân vịt bị gẫy, mãi hơn một ngày mới sửa xong, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đi đúng trên đường hàng hải quốc tế nên gặp rất nhiều tàu qua lại.Ghe chúng tôi cố gắng tiến lại gần họ và đưa tín hiệu SOS, để mong được cứu, được tiếp tế lương thực hay nước uống, nhưng thất vọng.

Cho đến quá trưa ngày 10.05.1989, một tàu mang cờ Liên xô tiến lại gần, chạy quanh một vòng, làm sóng đập mạnh, từng đợt dồn dập như muốn dìm ghe chúng tôi xuống đại dương. Tất cả chúng tôi, lớn bé già trẻ, cùng nhau tát nước ra vì nước tràn vào ghe rất nhiều, nhìn qua tàu của họ, chúng tôi thấy thủ thủy đoàn của họ đã mặc áo bảo hộ trong tư thế rất sẵn sàng, nhưng rồi họ cũng bỏ đi.

Trong cơn tuyệt vọng, chúng tôi phải đối mặt với nguy hiểm nhiều hơn, phần hông của hai bên mui ghe phải phá ra để thông hơi vì quá oi bức và ngột ngạt, nhiều ngưòi đã kiệt sức, lương thực cạn, nước đã phải hạn chế tối đa, dưới ánh nắng gay gắt giữa biển, một ngày mỗi người chỉ nhận được từ 0,5 đến 1 lít nước để uống cho đỡ khát.

Chúng tôi trên ghe phần đông là người đạo Thiên Chúa, nên những lúc sóng đập mạnh vào ghe hay gặp sự cố gì đó thì chúng tôi cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ cho qua cơn khốn khó, và cứ thế ghe chúng tôi lênh đênh trên đại dương, dường như đang đối mặt với cực kỳ nguy hiểm, chúng tôi đang đứng giữa ranh giới của sự sống và sự chết, nước uống trên ghe chỉ đủ tiếp tế cho 78 người vỏn vẹn hơn một ngày nữa là chấm dứt.

Cho đến tối ngày 11.05.1989 khoảng 21 giờ thì một con tàu tiến lại gần chúng tôi, càng lúc càng gần, trên tàu đèn sáng như một tòa lâu đài di động, bỗng dưng đèn pha chiếu thẳng về phía ghe chúng tôi rồi tắt, lần thứ hai cũng như lần trước, đèn pha tắt hẳn đi .

Bao hy vọng và thất vọng cũng như các lần trước, chúng tôi nghĩ mình sẽ bị bỏ rơi. Do không hiểu biết về luật hàng hải nên chúng tôi không biết những con tàu lớn đưa ra những tín hiệu gì! Lần thứ ba đèn pha không tắt, theo sự hướng dẫn của tàu cứu, ghe chúng tôi cặp sát mạn tàu lớn. Ngay lập tức thang máy và thang dây được thả xuống. Sự sống đã trở lại với chúng tôi, chúng tôi được cứu vớt, chúng tôi không phải chết. Quá xúc động, chúng tôi chen chúc nhau lên tàu, các thủy thủ đã xuống ghe quan sát và giúp đỡ chúng tôi ổn định. Đó là tàu CMA Ville de Pluton, Hamburg, do thuyền trưởng Helmut Lorenz chỉ đạo cùng đoàn thủy thủ.

Khi 78 thuyền nhân chúng tôi đã an toàn ở trên tàu Ville de Pluton, hai người thủy thủ dùng búa riù đập vỡ bụng chiếc ghe cho chìm xuống đại dương, xong nhiệm vụ, họ cũng là người cuối cùng rời ghe nhỏ trèo lên tàu lớn.

Từ trên tàu cứu vớt nhìn xuống, con thuyền vượt biên của chúng tôi giữa biển thật bé nhỏ và mong manh làm sao! Tuy thế, những ngày qua, nó là người bạn tốt đã cùng chúng tôi trải qua những giờ phút gian nan sóng gió, giờ đành phải chia tay, vĩnh biệt nó với những kỷ niệm vất vả nguy khốn cùng những giây phút giữa lằn ranh sống chết, bao niềm hy vọng rồi chạm thực tế phũ phàng ... nhìn chiếc ghe nghiêng mình chìm vào lòng biển sâu, trong tâm trạng một cuộc biệt ly thiêng liêng, nước mắt chúng tôi tự tuôn trào.

Từ đây xa rời quê cha đất tổ, cha mẹ anh em bạn bè và những người quen, bỏ lại tất cả những gì thân yêu qúy mến nhất, chạnh lòng biết bao!

Từ đêm 11.05.1989 cho đến sáng ngày 14.05.1989 sống trên tàu Ville de Pluton và cũng là bắt đầu một cuộc đời mới, chúng tôi được chăm sóc, được giúp đỡ từ những người không cùng màu da, không cùng ngôn ngữ, không cùng phong tục văn hóa nhưng lại có tấm lòng đạo đức, trái tim nhân hậu, cử chỉ yêu thương qúy mến của thuyền trưởng Helmut Lorenz cùng tất cả thủ thủy đoàn, chúng tôi thực sự được tái sinh trong cuộc đời mới.

Từ khi bàn giao lại cho cục di dân tại Hong Kong, cho đến nay đã hơn 20 năm trôi qua, những hình ảnh đó vẫn in đậm trong trí nhớ, chúng tôi thầm mong được gặp lại người ân nhân, vị cứu tử, dù chỉ một lần muộn màng nhưng cũng đủ thoả lòng của người mang ơn, chúng tôi cũng rất cám ơn vị chủ ghe, là người tổ chức với những phương cách chân thành lương thiện, thực hiện chuyến đi với mục đich tốt đẹp, người có một trái tim nhân hậu và sâu đậm

TB: trong quan niệm người Việt Nam, mang ơn và biết ơn bao gồm ý nghĩa rất quan trọng.

Trần Hoàng Nam

*

No comments:

Post a Comment