Pages

Wednesday, December 23, 2009

SƠN TRUNG * VIỆT NAM & TRUNG QUỐC

**

I. TRUYỀN THỐNG XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC

Trong vùng Á châu, Trung Hoa là một nước lớn nhất và đông dân nhất. Trung Hoa cũng tự hào là một nước có nền văn minh tối cổ. Vì cậy mình mạnh, từ đời Tần, Thủy Hoàng với mộng trường sinh bất lão và mộng bá chủ hoàn cầu đã đem quân xâm lấn các nước lập thành nước Trung Quốc. Năm 214 tr.TL, Tần Thủy Hoàng đã sai tướng Đồ Thư xâm lược nước ta nhưng rồi cũng bị thất bại.Nước ta được độc lập một thời gian. Sau nhà Hán lên, Hán Cao Tổ tiếp tục chính sách bá chủ thiên hạ. Năm 196 tr.TL, Hán Cao Tổ sai Lục Giả sang chiêu hàng Triệu Đà và xâm lược nước ta. Kết quả là nhân dân ta sau một thời kỳ lệ thuộc nhà Hán đã giành được độc lập.

Đến thời Hốt Tất Liệt, quân Mông Cổ đã sang chiếm châu Âu, đem quân đánh Nhật Bổn nhưng bị sóng cả đánh tan thuyền. Quân Mông cổ thắng khắp nơi nhưng đã thất trận tại Việt Nam. Tiếp theo, người Mãn Thanh chiếm Trung Quốc, lập nhà Thanh. Nhân Lê Chiêu Thống sang cầu cứu, họ bèn đem quân xâm lược, rốt cuộc Tôn Sĩ Nghị đại bại dưới tay Nguyễn Huệ..

Nhờ có biến loạn trong nước, nhất là việc bát quốc xâm chiếm Trung Quốc cho nên nước ta không bị nhà Thanh quấy nhiễu. Đến thời Dân Quốc, Mao Trạch Đông nổi lên, nhờ có Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng chống cự nên Trung Cộng không chiếm được lục địa và tiến đánh Việt Nam. Sau 1945, Đồng minh giao cho Tưởng kiểm soát Việt Nam nhưng Tưởng Giới Thạch trả lời:
"Chúng tôi không nhận nhiệm vụ này vì người Việt Nam hay chống đối chúng tôi!"

Tưởng Giới Thạch trả lời như vậy bởi vì ông không có tham vọng như Mao. Vả lại, Tưởng là ngưởi thông minh, ông hiểu số phận của ông đã được Mỹ quyết đinh từ lâu.Khi bắt tay với Nga chống phát xít, hoặc chậm lắm là trong hội nghị Yalta chia thiên hạ, Mỹ đã phải chấp nhận chia Đông Âu và Trung Quốc cho Stalin.

Chính nhờ Pháp và Mỹ mà từ 1945 cho đến 1975, một nửa dân Việt Nam được hưởng chút ít tư do trong buổi Quốc Cộng phân tranh nếu không sau 1947, Việt Nam cũng lâm hoàn cảnh Tây Tạng, Mông Cổ, Tân Cương. Từ 1945, Việt Minh lên là đa số bị tại họa cộng sản. Chính từ 1924, Hồ Chí Minh đã trở thành tay sai Đệ tam quốc tế, sau đó là tay sai Trung Quốc. Hồ Chí Minh hai vai mang nặng Nga Hoa. Kết quả là 1945, Nga Hoa lãnh đạo Cộng sản Việt Nam mà Trung Quốc là nước trục tiếp yểm trợ và rèn luyện cộng sản Việt Nam. Khi lập Đệ tam quốc tế là Stalin đã muốn tóm thâu thế giới. Nga và Trung Quốc chính là hai nước đế quốc cộng sản. Họ dùng chủ nghĩa Marx, đảng cộng sản và vũ khí xâm chiếm thế giới. Chính Nga và Trung Quốc đã mượn tay và mượn danh nghĩa Việt Nam để chiếm Việt Nam cũng như Bắc Việt mượn tay và mượn danh nghĩa Giải Phóng Miền Nam để chiếm miền Nam.

Lã Quý Ba (LÃ QUÝ BA *HỒI KÝ ) nói rằng viện trợ của Trung Quốc là vô vị lợi (tất nhiên có phần cho không chứ không phải là tất cả) nhưng trước khi đánh Điện Biên Phủ, và tất nhiên để chắc ăn, Mao đã yêu cầu phần lớn quan chức trung ương Việt Nam gồm Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp , Tôn Đức Thắng. . .bí mật sang Trung Quốc ký kết hiệp định bán nước.Sau này, Phạm Văn Đồng ra mặt công nhận Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ Trung Quốc.

( hình trong sách của Lã Quý Ba )

Còn trong thời chiến, ông Hồ đã cho phép quân Trung Quốc mở trường huấn luyện, đặt kho lương thực và vũ khí tại biên giới và nơi này trở thành đất đai của họ, người Việt Nam hay Mán, Thổ, Mường . . .đều cấm lai vãng. (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày)
Nay thì rõ ràng là Trung Quốc muốn chiếm Việt Nam và thế giới.

Tuy khéo giấu diếm, Trung Quốc cũng đã hù họa, thách thức Việt Nam. Trong lúc Việt Hoa còn thắm thiết, trong một cuộc hội nghị Hữu nghị Việt Trung, Trần Huy Liệu lúc bấy giờ còn được ông Hồ trân quý, giao cho chức vụ Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung dù trong “thế” phải giữ gìn ông vẫn có thể trả lời ngoại trưỏng Trần Nghị khi ông này ghé tai hỏi: “Các đồng chí có sợ chúng tôi không? ” rằng: “Các đồng chí cứ nhìn lại lịch sử!
(Ngô Vĩnh Bình.Trần Huy Liệu là chứng nhân, là câu hỏi của thế kỷ XX. http://www.vannghequandoi.com.vn/-nhanvt-vn-skin/1--nhanvt-vn-skin/4453-trn-huy-liu-la-chng-nhan-la-cau-hi-ca-th-k-hai-mi.html

Trong thế giới có ba hạng người. Một hạng lương thiện, một hạng gian ác và một hạng gian nịnh. Hạng hùng mạnh mà sinh ra kiêu căng, đàn áp, cướp bóc cũng chỉ vì lợi danh. Chủ đề tiểu thuyết của Kim Dung chính là tố cáo tâm lý xưng hùng bá của một số hiệp khách mang danh quân tử nhưng thực chất là " ngụy quân tử", là những tên gian tham, đại gian, đại ác.

Trong thế kỷ XX, Stalin đã chiếm các nước nhỏ lập liên bang Xô Viết, sau đó ông thôn tính Đông Âu. Liên Xô là một cường quốc của phe XHCN, Liên Xô không cần thần phục ai. Stalin thuộc hạng gian ác, hống hách. Trung Quốc là một nước nghèo và lạc hậu. Buổi đầu, Trung Quốc đã phải thần phục Liên Xô. Có nguồn tin nói rằng Mao đã cắt đất phía Bắc dâng cho Nga để cầu viện trợ. Đến khi Khrutchshev hạ bệ Stalin là thần tượng của Mao, hai nước đưa đến chiến tranh biên giới (nhưng họ giữ kín cũng như chiến tranh Việt Trung trước 1979).

Tâm lý Trung Quốc, Việt Nam là tâm lý hạng gian nịnh. Họ có hai khuôn mặt. Một bộ mặt nịnh bợ kẻ mạnh, đồng thời có bộ mặt hống hách với kẻ yếu. Tục ngữ Việt Nam có câu" Nịnh trên đạp dưới" chính là thái độ của Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nói là "nịnh trên", thực ra có lúc " chó cắn chủ". Đó là trường hợp Trung Quốc chống Liên Xô, và Việt Nam chống Trung Quốc thời Lê Duẩn.

Tại sao Trung Quốc chống Liên Xô? Họ xung đột vì ba lý do:
+Liên Xô hạ bệ Stalin là thần tượng của Mao. Việc xét lại ở Liên Xô có thể đưa đến việc xét lại ở Trung Quốc mà Mao có thể bị lật đổ dưới sự thúc đẩy của Liên Xô thời Khrutchshev,
+Liên Xô xâm chiếm biên giới phía bắc của Trung Quốc.
+Các cố vấn Liên Xô khinh mạn Trung Quốc chẳng khác gì bọn Anh, Pháp, Đức. . .

Còn Việt Nam chống Trung Quốc là do ba nguyên nhân:
+Việt Nam đã ký hiệp định liên minh với Nga nên không sợ Tàu.
+Việt Nam chiến thắng Mỹ nên tin tưởng có thể đánh thắng ông thầy mình!
+Việt Nam không muốn bị Trung Quốc khống chế.

Tại sao Trung Quốc khống chế Việt Nam ?
Vì Trung Quốc muốn làm bá chủ theo đường lối đế quốc phong kiến kết hợp với đế quốc cộng sản.

  • Trung Quốc bắt bọn CS Việt Nam phải cúi đầu như trong hiệp định Genève. Trung Quốc muốn lấy lòng quốc tế đã chơi đẹp, tự ý cắt vĩ tuyến 17 phân chia Nam Bắc trong khi Phạm Văn Đồng không muốn chia cắt, và nếu chia cắt thì phải cắt từ vĩ tuyến 16.Nếu Việt Nam không tuân lệnh, thì Trung Quốc căt viện trợ.
  • Trung Quốc đưa cán bộ trực tiếp lãnh đạo CCRĐ
  • Trung Quốc muốn Mỹ ở lại Miền Nam để ngăn chận Liên Xô
  • Trung Quốc muốn Việt Nam trung lập, chịu ảnh hưởng Nga, Tàu, Mỹ, Pháp. Đây chính là một âm mưu Trung Quốc nhắm cai trị Việt Nam bằng phương thức quốc tế trung lập. Chính vì sơ Giải Phóng Miền Nam theo Trung Cộng và Pháp trong ván bài trung lập mà Bắc Việt phải thống nhất cấp thời và đá văng bọn Giải Phóng Miền Nam.
Con người ta suy yếu cũng muốn làm anh chị, như Việt Nam đã xâm lược Miên, Lào, huống hồ Trung Quốc nay đã có bộn tiền nhờ buôn bán với tư bản. Nước Anh trước kia bị La Mã đô hộ, sau khi cách mạng khoa kỹ thuật thành công, liền lộ bộ mặt đế quốc. Tiếp theo là Pháp. Nhật Đức Ý cũng vậy. Tâm lý con người là như thế! Ít ai giữ trọn khí tiết "phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di!"

Ban đầu Đặng Tiểu Bình rất khiêm nhường. Trước khi đánh Việt Nam, ông đã sang Mỹ ,Úc thăm dò quan điểm thế giới. Ông tuyên bố là người Trung Quốc phải khiêm tốn, phải
cúi mình thật thấp và đừng bao giờ đi trước” trong các vấn đề quốc tế.(TRẦN BÌNH NAM * TRUNG QUỐC)

Đặng Tiểu Bình và Trung Quốc lúc này như một vị tân khoa nghèo nay được bổ nhậm làm quan cho nên buổi đầu còn khiêm cung. Đến Hồ Cẩm Đào thì chồn đã thành tinh lộ bộ mặt đanh ác đe dọa thế giới. Mấy ông đảng ác ôn cộng với bọn quân phiệt đua nhau đốc thúc chế tạo vũ khí , luyện tập quân đội và đóng các hải thuyền để thực hiện mộng bá chủ toàn cầu.

Giáo sư Willy Wo-Lap Lam, chuyên viên nghiên cứu tại The Jamestown Foundation, và từng viết bình luận cho Asiaweek, South China Morning Post, đã viết bài “China unveils its new worldview” đăng trên Asia Times on line ngày 11 /12/2009: http://www.atimes.com/atimes/China/KL11Ad01.html thuật bài báo “Quan điểm của Chủ Tịch nước Hồ Cẩm Đào trong thời đại mới” (Hu Jintao’s Viewpoints about the Times) đăng trên tuần báo Outlook Weekly (của đảng cộng sản Trung quốc) số cuối tháng 11 vừa qua. Quan điểm của Hồ Cẩm Đào gồm 5 điểm do Zhang Xiaotong, một lý thuyết gia của đảng viết :

( 1). Sự thay đổi sâu rộng của thế giới
(2). Xây dựng một thế giới hài hòa
(3). Cùng nhau phát triển
(4). Chia xẻ trách nhiệm
(5). Nhiệt tình hợp tác vào công việc thế giới

Lý thuyết gia Zhang Xiaotong cho rằng quan điểm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là một sáng kiến lý thuyết quan trọng dựa vào sự phán đóan một cách khoa học sự phát triển của thế giới qua thời gian. (TRẦN BÌNH NAM * TRUNG QUỐC)

Trước đây, thế giới đã khốn đốn về những lời giả dối. Thực dân, đế quốc xâm lược thế giới dưới danh nghĩa truyền bá văn minh, mở rộng nước chúa. Cộng sản thì rêu rao tinh thần vô sản quốc tế, đấu tranh giai cấp, công bằng xã hội. Trước đây, Nhật Bản cũng thương yêu người châu Á với chủ thuyết " Đại Đông Á", và khẩu hiệu "Châu Á của người Á châu"! Và bây giờ Hồ Cẩm Đào với bọn quân phiệt đưa ra chính sách năm điểm, nghe thiệt kinh hoàng! Đó là một bản tuyên ngôn của đế quốc Cộng sản Trung Quốc, là một bản tuyên chiến với nhân loại, đặc biệt là phe tư bản.

Trước đây, người Trung Quốc đã ngạo mạn. Họ nhờ Liên Xô cung cấp vũ khí, cố vấn và tổ chức nhưng sau đó thì họ cho rằng trong khi bọn Nga sống man dã thì người Trung Quốc sống ung dung, ngồi uống trà, nhắm rượu. Mao bảo Mỹ là con cọp giấy. Nay thì Mỹ vay nợ Trung Quốc. Người Trung Quốc và bọn nịnh Trung Quốc lên tiếng Mỹ đã hết thời. Nay là thời của Trung Quốc xưng bá chủ thay Mỹ. Trung Quốc thay thế Mỹ cai trị thế giới và đồng Quan thay đồng Mỹ kim. Hạm đội Trung Quốc sẽ làm chủ Thái Bình Dương và thế giới....Đây là một sự thật không phải vu khống cho Trung Quốc. Nay với chủ thuyết năm điểm, thì những ai hững hờ với cuộc thế cũng phải lo âu! Một Hốt Tất Liệt sẽ san bằng không những châu Âu mà toàn thế giới!
Chúng ta thử phân tích sơ lược năm điểm của thế giới quan Trung Quốc:

-Thế giới phải thay đổi, nghĩa là Mỹ, Anh, Pháp phải đầu hàng Trung Quốc, không còn làm cha thiên hạ như trước đây!
-Xây dựng một thế giới hòa hài dưới sự lãnh đạo của cộng sản Trung Quốc, nghĩa là tất cả các nước sẽ biến thành Tây Tạng, Tân Cương. Và các tôn giáo như Thiên chúa giáo, Tin Lành giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo sẽ bị giết, bị tù như Pháp luân công,và Phật giáo Tây Tạng.
-Cùng nhau phát triển như kiểu Việt Nam và Trung Quốc hợp tác đánh cá mà ngư dân Việt Nam bị cấm đánh cá trên hải phận của mình!
-Chia xẻ trách nhiệm nghĩa là từ nay Trung Quốc sẽ chia quyền lợi với Mỹ, Anh, Pháp!Hay nói rõ hơn, Trung Quốc cầm đầu thế giới, Anh, Pháp Mỹ chỉ là thứ thằn lằn, cắc ké. . .
-Nhiệt tình hợp tác vào công việc thế giới nghĩa là từ nay Trung Quốc sẽ là sen đầm quốc tế, sẵn sàng đem quân can thiệp mọi nơi!Nước nào cứng đầu sẽ bị xóa sổ theo khẩu hiệu
" Hàng thì sống, chống thì chết!" mà cộng sản các nước đều làm và nói y chang!

II.VIỆT NAM, LÊ CHIÊU THỐNG HAY NGUYỄN HUỆ ?

Trước thái độ hung hăng của Trung Cộng, các ông cộng sản đầu sõ co vòi rụt cổ không dám lên tiếng phản đối, để mặc cho đất nước và hải phận bị xâm chiếm, ngư dân bị đánh đuổi. Các ông lớn thay nhau sang Trung quốc triều cống, lạy lục. Trước và sau khi sang Mỹ, họ đều thưa trình Trung Quốc! Họ là Lê Chiêu Thống quỳ lạy khóc lóc ở cung điện nhà Thanh hay Việt Câu Tiễn phải nếm phân, hay Hàn Tín phải tạm thời nhẫn nhục mà luồn trôn?

Nay thì Việt Nam đã có bốn hành động mới tương đối tích cực.
-Một số tướng lãnh lên tiếng xa gần.
-Việt Nam đã sang giao thiệp với Mỹ và các nước Asean
-Việt Nam mua vũ khí của Nga, Pháp. . .
-Chính sách quân sự mới

Các báo chí ngoại quốc đã đưa tin và bình luận việc này.

1.
CÁC TƯỚNG LÃNH LÊN TIẾNG

Trước đây, cuối năm 2008 và đầu năm 2009, báo chí trong và ngoài nước đã loan tin đại tướng Võ Nguyên Giáp và trung tướng Đồng Sĩ Nguyên
lên tiếng chống đối việc để Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite Tây Nguyên, vì khai thác Bauxite sẽ gây ô nhiễm, và Tây nguyên là điểm trọng yếu về quân sự, không thể để cho ai chiếm lãnh.
www.bbc.co.uk/vietnamese/.../090503_dongsinguyen.shtml

Nay nhân kỷ niệm 65 năm thành lập quân đội, tướng Đồng Sĩ Nguyên trả lời phóng viên Vietnamnet về nền độc lập của Việt Nam:

Dân tộc Việt Nam yêu nước nồng nàn và khát khao chung sống hòa bình, không gây chuyện với bất kỳ ai để chăm lo cuộc sống. Nhưng mà nhớ rằng bất cứ ai đến xâm lăng nước ta thì có thể nói là không được quyền. (Hình tướng Đồng Sĩ Nguyên)


Bàn về tình hình Biển Đông, ông nói:

Biển Đông hiện nay là thách thức trực tiếp, hiện hữu với sự tham gia của nhiều nước nhiều bên trong khu vực. Tranh chấp Biển Đông thì xưa nay vẫn thế và hiện nay còn gay gắt khốc liệt hơn do tài nguyên biển phong phú ở khu vực này.

Ứng xử của chúng ta là hết sức tìm cách xây dựng hòa bình, tìm cách giải quyết vấn đề bằng con đường đàm phán thương lượng…. Nhưng chúng ta cũng không thể nhân nhượng nếu ai đó cứ đi mãi con đường đè nén hay phá phách công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam.

Tôi mong các bên liên quan bình tĩnh, cùng bàn bạc để làm thế nào hợp tác, cùng khai thác Biển Đông. Chứ đừng tưởng mạnh là thắng được yếu đâu.


http://vietnamnet.vn/chinhtri/200912/Voi-Viet-Nam-dung-tuong-manh-la-thang-duoc-yeu-885544/


Trong hàng trăm tướng lãnh, ta chỉ thấy hai ông tướng già 80-90 tuổi lên tiếng, còn các vị tuổi trẻ giòng hào kiệt thì sao?

2. VIỆT NAM, MỸ & ASEAN

Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Minh Triết đã sang Mỹ trong năm 2009. Cuối năm, đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã đi thăm Asean và Hoa Kỳ.
Ngày 12-12, Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, đại tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố với Thông tấn xã Việt Nam sáng hôm nay, sau khi công du Hoa Kỳ và Pháp trở về:
Việt Nam sẽ phát triển hợp tác quốc phòng song phương và đa phương, tham gia mọi hoạt động quân sự của ASEAN cũng như với các nước Châu Á Thái Bình Dương trong tinh thần tự chủ và độc lập.

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam nói rằng một trong những công việc ưu tiên hàng đầu của quân đội Việt Nam là hợp tác trong lãnh vực tuần tra trên biển với Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan, sắp tới sẽ hợp tác thêm với Indonesia, Malaysia và Philippines. Việc hợp tác này nhằm tránh những tranh chấp lãnh hải ở biển Đông.

Trong khi đó thì tư lệnh hải quân Việt Nam, trung tướng Nguyễn Văn Hiến, cho biết hải quân Việt Nam đang được hiện đại hoá.

Tướng Nguyễn Văn Hiến tuyên bố việc bảo vệ chủ quyền , giữ an ninh lãnh hải , đánh đuổi tàu nứơc ngoài xâm phạm hải phận là nhiệm vụ của hải quân Việt Nam, dù phải chiến đấu và hy sinh. ĐÀI Á CHÂU TỰ DO

Ngày 16-12-2009, Đài VOA đưa tin về cuộc hội đàm quân sự Việt Mỹ tại Ngũ Giác Đài. vào 8-12-2009. Giáo sư Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm)
từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii, nhận định rằng chuyến thăm của ông Thanh là một ‘dấu mốc mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ’. . .



(Hình DT.Phùng thăm Hawaii)

Trước đó, hôm 11/12, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã tới một căn cứ hải quân và lên thăm một tàu ngầm tấn công USS Jacksonville của Hoa Kỳ ở Hawaii. Thông cáo của Hải quân Hoa Kỳ nói rằng Mỹ và Việt Nam ‘ngày càng tăng cường hợp tác trong một loạt các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình; cứu trợ nhân đạo; tìm kiếm cứu nạn; an ninh biển và biên giới’.


Giáo sư Vũ Hồng Lâm cho rằng chặng dừng chân ở Hawaii của ông Thanh cho thấy ‘mối quan tâm về vũ khí’ của Việt Nam: 'Chuyến thăm này có một điểm đặc biệt là ông Phùng Quang Thanh không đến thẳng Washington, mà trước khi đến đó, ông dừng lại ở Hawaii ba ngày để đi thăm bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - tức là bộ tư lệnh có trách nhiệm đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông thăm cơ sở của hải quân và không quân cụ thể như đến xem tầu ngầm và máy bay. Điều đó cũng nói lên phần nào là phía Việt Nam có thể cũng quan tâm đến vấn đề mua vũ khí của Mỹ'.

Đây là lần thứ hai một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ kể từ khi hai bên bình thường hóa quan hệ năm 1995. Vào năm 2003, vị Bộ trưởng lúc đó là Phạm Văn Trà đã có chuyến công du sang Washington.

Chuyến đi lần này của ông Thanh tới Hoa Kỳ được các nhà quan sát đánh giá là một thời điểm tốt khi Việt Nam đang tìm cách tranh thủ sự ủng hộ quốc tế nhằm đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. ĐÀI VOA * TIN VIỆT MỸ


Việc này là một điều bất đắc dĩ cho Việt Nam. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Việt Nam phải lạy lục Trung Quốc để làm nô lệ mà kiếm chút cơm thừa canh cặn của Trung Quốc. Nay bị Trung Quốc xâm lược, họ phải quay sang phe tư bản. Tất nhiên đây cũng là một lựa chọn khó khăn vì trong nội bộ trung ương cộng sản, có người của Trung Quốc cầm quyền. Họ chiếm đa số. Thiểu số thờ ơ, gió chiều nào thì che chiều ấy. Một số nghĩ đến việc phải nhờ Mỹ và các nước tư bản. Hai phe này tranh đấu. Phe Nông Đức Mạnh với Tổng cục 2, tổng cục 4 đã muốn đảo chánh lập một chính phủ theo Trung Quốc hoàn toàn. (
ĐÀI Á CHÂU TỰ DO * TỔNG CỤC 2. Bên Kia Bờ Đại Dương.số 113,ngày tháng8 2009.)

Trong khi đó, các khách Asean cũng đã đến thăm Việt Nam.

Trung tướng Trần Quang Khuê, phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam vừa tiếp phó đề đốc Ferdinand Golez, tư lệnh hải quân Philippines.

Trong chuyến thăm Hà Nội, ông Ferdinand Golez đã có cuộc hội đàm với tư lệnh Hải quân Việt Nam.

Ông Golez đuọc báo Việt Nam trích lời nói, “mong muốn quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hải quân Việt Nam và Philippines ngày càng phát triển.”

Tư lệnh hải quân Philippines đề nghị tiếp tục trao đổi đoàn quân sự ở các cấp “nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.”

Hiện hai nước Việt Nam và Philippines đang “nghiên cứu thời điểm thuận lợi để ký Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương,” theo tin của báo trong nước.

Trong một hoạt động khác, thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam đã tiếp bà Maha Chakri Sirindhorn, Công chúa Thái Lan trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091128_vn_asean_military.shtml

Nay thì bộ trưởng quốc phòng Việt Nam sang Mỹ nhưng Tổng bí thư đảng cộng sản lại ra chỉ thị cho quân đối chống diễn biến hòa bình nghĩa là chống tư bản nói chung và Mỹ nói riêng.

Hội nghị quân chính toàn quân 2009 diễn ra trong hai ngày 05/12-06/12, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tham dự và đọc bài phát biểu:

"Trong tình hình mới, hơn bao giờ hết, quân đội phải tỉnh táo, nhạy bén về chính trị, phân biệt rõ địch, ta, đối tượng, đối tác, nắm vững bản chất, đánh giá đúng các hiện tượng, chủ động ngăn ngừa và đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch".
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091207_hoinghi_quanchinh.shtml

Như vậy là nội bộ không nhất trí, kẻ theo Trung Quốc, người theo Mỹ hay đu dây ở giữa?

3. MUA VŨ KHÍ

Việt Nam đã đặt mua vũ khí và tàu lặn, máy bay của Nga.

Hồi giữa tháng này, ông Nguyễn Tấn Dũng-Thủ tướng Việt Nam, đến Nga rồi xác nhận với báo giới Nga rằng Việt Nam đã ký các hợp đồng mua tàu ngầm, máy bay và các trang thiết bị quốc phòng khác của Nga. Báo chí Nga tiết lộ thêm, Nga sẽ chế tạo cho Việt Nam 6 tàu ngầm hạng Kilo, sẽ giao cho Việt Nam 8 chiến đấu cơ loại SU-30MK2 và Việt Nam dự định mua thêm 12 chiến đấu cơ loại này, cùng với một lượng lớn trực thăng MI-17,...

Đúng thời điểm đó, truyền thông Nga loan báo thêm, một xưởng đóng tàu ở Tatarstan tiết lộ vừa hoàn tất việc đóng một tuần dương hạm loại Gepart-3.9 cho Việt Nam và đang thực hiện tuần dương hạm thứ hai.

Cũng vào giữa tháng 12, tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đến Hoa Kỳ. Tướng Thanh cho biết ông đã đề nghị Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Sau đó, Hoa Kỳ loan báo đang cân nhắc việc bán cho Việt Nam các phương tiện quân sự không sát thương như hệ thống radar hay máy bay tuần tra. Trong tương lai, có thể Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam rà gỡ bom mìn, tham gia các lĩnh vực gìn giữ hoà bình, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai.

Ngay sau khi rời Hoa Kỳ, tướng Phùng Quang Thanh tới Pháp, chính thức bày tỏ mong muốn mua từ Pháp các loại máy bay vận tải và trực thăng, đề nghị hỗ trợ huấn luyện quân y, hợp tác quốc phòng song phương.

Đó là chưa kể, ở thời điểm giữa tháng 12 còn có sự kiện tướng Nguyễn Huy Hiệu-Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đi thăm Hàn Quốc để phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Tại Hàn Quốc, tướng Hiệu đã đến thăm một tập đoàn đóng tàu, một tập đoàn thiết bị quốc phòng, chuyên sản xuất các hệ thống điện tử chính xác cho hỏa tiễn, radar... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Modernizing-the-military-The-hope-is-not-simply-TrVan-12232009100336.html

Quốc tế có vài ý kiến khen ngợi vì việc mua vũ khí này là đúng. Trong lúc này Việt Nam có nhiều tiền cũng nên bỏ ra một số đô la để hiện đại hóa quân đội. Không lẽ trong khi Trung Quốc bành trướng, Việt Nam chỉ biết mua xe hơi, hoặc mua cây kiểng giá triệu đô la mà chơi, hoặc trùm chăn nằm ngủ hay sao? Ông Ernest Bower, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ thì cho rằng!

: “Việc quân đội Việt Nam hiện đại hóa là nhằm duy trì khả năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Giúp họ ngang tầm với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung, bao gồm cả Trung Quốc.”

Trả lời Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do, ông Carl Thayer, giáo sư Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, nhận định rằng việc mua hàng mới là đúng:

Kể từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ hồi năm 1991, quân đội Việt Nam đã có sự suy yếu đáng kể vì họ không thể tự bảo dưỡng những loại vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ đô la của Liên Xô. Đây là lý do họ phải thay đổi.”

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Modernizing-the-military-The-hope-is-not-simply-TrVan-12232009100336.html


Riêng Thái Lan nhìn việc này bằng đôi mắt e ngại và lo lắng. Họ lo Việt Nam sẽ gây ra việc chạy đua vũ khí làm mất hòa bình ở vùng này. Phải chăng họ muốn Việt Nam đưa tay cho Trung Quốc bắt trói ? Họ muốn yên, nhưng họ có nghĩ rằng sau khi chiếm Việt Nam, Trung Quốc có để yên cho Thái Lan không? Hay họ sợ Việt Nam sẵn súng ống, tàu bè sẽ theo Trung Cộng mà đe dọa họ như Việt Nam đã cùng bọn Khmer Đỏ xâm phạm Thái Lan trước đây?

Tuy nhiên, các bình luận gia quốc tế cũng nêu lên những khó khăn của Việt Nam:

(1).Trên thực tế có nhiều biểu hiện cho thấy năng lực của cả không quân lẫn hải quân Việt Nam đều rất yếu.
Đài Á châu tự do viết:
Trong nhiều năm qua, năm nào cũng có vài vụ tai nạn xảy ra với máy bay quân sự, khi phi công Việt Nam đang tập luyện. Theo báo chí Việt Nam, riêng trong năm nay, ít nhất đã có hai vụ tai nạn liên quan đến máy bay quân sự. Vụ thứ nhất xảy ra hôm 9 tháng 6. Hôm đó, trong khi đang thực hiện bài bay huấn luyện, một chiếc SU-22 đã lao xuống xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thủy, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 60 cây số khiến một đại úy phi công thiệt mạng. Vụ thứ hai diễn ra hồi tháng trước. Ngày 22 tháng 11, trong một đợt huấn luyện, một chiếc MIG-21 đã lao xuống khu vực phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái khiến một thượng tá là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 31 và một thượng úy cùng tử nạn. Đối với hải quân, tuy Việt Nam có khoảng 3.000 cây số bờ biển song giới nghiên cứu quốc phòng cho biết, tàu chiến Việt Nam vừa thiếu, vừa cũ kỹ. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngư dân cũng như thân nhân của họ cùng than, như vợ của thuyền trưởng một tàu đánh cá, ngụ ở Đà Nẵng: “Ở ngoài biển phần ai nấy biết chứ có ai bảo vệ mô. Bảo vệ là hồi bão tố, biên phòng ở trong bờ điện ra nhắc chừng, bảo là đài báo bão, bảo phải cập bến thì họ kêu gọi mình vô bờ thôi chứ ngoài đó làm chi có ai bảo vệ. Làm ăn ngoài biển mạnh anh mô lo anh nấy. Lo làm ăn thế thôi chứ không có ai bảo vệ hết!”


Đối với hải quân, tuy Việt Nam có khoảng 3.000 cây số bờ biển song giới nghiên cứu quốc phòng cho biết, tàu chiến Việt Nam vừa thiếu, vừa cũ kỹ.

Mãi đến gần đây, hiện đại hóa quân đội nói chung và hiện đại hóa hải quân nói riêng mới được Quốc hội, các viên chức lãnh đạo nhà nước, chính quyền, cũng như quân đội loan báo rộng rãi. Đặc biệt là trong một vài tuần qua, Việt Nam liên tục chứng minh mình đang nỗ lực biến mong muốn hiện đại hoá quân đội thành hiện thực.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Modernizing-the-military-The-hope-is-not-simply-TrVan-12232009100336.html

(2). Tốn kém

Tuy nhiên, trong bài trên, cả ông Carl Thayer và ông Ernest Bower cùng tin rằng kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam có khá nhiều rủi ro mà rủi ro đầu tiên là chi phí quá lớn. Ngoài chi phí để mua, còn phải có tiền để chi cho huấn luyện và đầu tư hạ tầng phục vụ việc sử dụng chúng.

(3). Vũ khí hỗn tạp
Trong bài trên, ông Carl Thayer
và ông Ernest Bower cho rằng khi mua nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự khác nhau của nhiều quốc gia, cả việc bảo dưỡng lẫn phối hợp sử dụng sẽ hết sức phức tạp, tốn kém.

Tuy nhiên ta cũng thông cảm cho Việt Nam. Đứa con vừa buông tay ra khỏi vú mẹ dứt sữa tập ăn cháo, ăn cơm thì sẽ bỡ ngỡ. Sau 1975, nhất là sau đổi mới 1986, đảng và quân đội, cho là đại thắng lợi, đã đánh thắng những kẻ địch hùng mạnh nhất, kể từ đây không còn ai dám đụng đến Việt Nam. Lòng tự hào cộng với cơ hội làm ăn cho nên họ ngủ quên trên chiến thắng, và bỏ súng mà lo việc kinh doanh. Hơn nữa, họ cũng như ông Hồ tin tưởng Trung Quốc là đồng chí và anh em, là thành trì cách mạng, là chỗ dựa vững chắc cho Việt Nam. Quân đội, công an lo làm ăn, văn không ôn, võ không luyện thì làm sao chống Trung Quốc? Bây giờ họ bắt đầu tập tách ra khỏi Trung Quốc, như đứa trè vừa lửng thửng tập đi vừa quay đầu ngó lại ông bố nghiêm khắc đang cầm cây roi mây to và dài.

Việc đầu tiên là mua vũ khí. Họ không thể hoàn toàn tin vào Nga hay Mỹ. Họ phải mua hàng nhiều nơi để cầu mong sự giúp đỡ của nhiều nước. Mua hàng nhiều nước thì không bị lệ thuộc về nhiều mặt một khi đối phương ngưng bán, tăng giá cao hay thay đổi đường lối chính trị, quân sự. Vì vậy mà vũ trí, tàu bè, máy bay, đại bác của họ là thứ thập cẩm là điều tất nhiên.

4. CHÍNH SÁCH QUÂN SỰ:

Trong khi Việt Nam nhúc nhích cựa quậy là Trung Quốc đã biết. Tin tức đài Á châu tự do cho biết báo Trung Quốc nhận định các chính sách mới của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng-quân sự như sau:

1. Ngày 08/12/2009, Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng, trong đó nêu bật trọng tâm vấn đề chủ quyền ở Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông), chỉ thiếu nước về câu chữ chưa nói rõ là tranh chấp lãnh thổ với nước lớn phương Bắc nào đó;

2. Ngày 23/11/2009, Việt Nam thông qua Luật dân quân tự vệ, quy định 86 triệu dân toàn quốc, nam từ 18-45 tuổi, nữ từ 18-40 tuổi phải tham gia nghĩa vụ dân quân ;

3. Ngày 01/12/2009, vùng 2 hải quân Việt Nam và 7 tỉnh thành phía Nam ký hiệp ước bảo vệ biển đảo và khu vực phụ cận Nam Sa (Trường Sa), huấn luyện ngư dân phối hợp với hải quân ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài xâm nhập lãnh hải;

4. Truyền thông Việt Nam gần đây cho biết, Việt Nam đã động viên toàn dân tham gia xây dựng quốc phòng, phát huy tính tích cực của vùng biển rộng lớn đặc biệt là của dân chúng vùng phụ cận Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa);

5. Việt Nam mua của Nga 12 chiếc SU-30MK2 và 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo, xây sân bay ở Nam Sa và bố trí thêm 1 trung đoàn tăng cường, đồng thời điều 4 binh đoàn chiến lược tới biên giới Trung-Việt.


III. QUAN ĐIỂM TRUNG QUỐC

Bài viết trên của RFA còn cho biết ý kiến một tờ báo điện tử Trung Hoa cho rằng, chiến tranh sẽ xảy ra và là thế giới chiến tranh. Người Trung Quốc nhận định:

"Trong trường hợp nổ ra chiến tranh tại Biển Đông, nhất định nhiều nước khác cũng sẽ "dây máu ăn phần".

"Tính chất nhạy cảm của Nam Hải không chỉ ở chỗ nó liên quan tới nhiều quốc gia, mà quan trọng là một số lái buôn chiến tranh cũng muốn thọc tay vào."

"Mỹ, Ấn Độ, thậm chí Nga đều ngầm ủng hộ VN phát động chiến tranh trên Nam Hải. Và một số nước phương Tây như Anh, Pháp cũng muốn được chia phần ở Nam Hải."

"Thậm chí, Việt Nam và Mỹ còn câu kết với nhau, mỗi nước dựa vào nhu cầu của mình mà tuyên chiến với Trung Quốc."

Tác giả cảnh tỉnh người Trung Quốc phải có chuẩn bị tâm lý, "củng cố lại lòng tin và quyết tâm" cho khả năng chiến tranh xảy ra.

"Trung Quốc đã ở vào ranh giới chiến tranh, đánh hay không đánh đều có khả năng. Vấn đề là đã lâu Trung Quốc không có chiến tranh."

"Chỉ cần Trung Quốc phân tâm một chút là sẽ xảy ra tranh chấp biên giới trên diện rộng."

Kết luận trên trang mạng bán chính thức của Trung Quốc là: "Việt Nam điều chỉnh gấp chính sách, Trung Quốc phải đối phó".

"Chỉ có thay đổi chính sách ngoại giao, thực hiện chiến tranh toàn dân mới có thể nắm chắc chiếc cung chiến tranh, buộc kẻ địch không ra tay hoặc ra tay muộn hơn."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/12/091223_chinawebsite_vietdefence.shtml



IV.KẾT LUẬN

Chúng ta thât sự chưa biết cộng sản Việt Nam làm gì, tính gì.
Họ làm thế để chứng tỏ họ có tinh thần chống xâm lược, hay chỉ để trang trí trong khi thực tế ho đu giây. Hoặc hiện đại hóa để rồi theo Trung Cộng, làm một chư hầu trung thành như Bắc Triều Tiên?

Nếu họ quả thật yêu nước, muốn bảo vệ tổ quốc, muốn chống Trung Quốc xâm lược, việc giao thiệp với các nước Asean, Âu, Mỹ, việc mua vũ khí và việc đưa ra các kế sách quân sự là cần nhưng chưa đủ.
+Nếu trong nội bộ đảng có phe theo Trung Quốc, hoặc có nhiều gián điệp Trung Quốc thì có kế sách gì, vũ khí gì cũng thất bại.
+Phải đoàn kết toàn dân. Phải thực thi dân chủ chính hiệu. Phải trả tự do tôn giáo, tự do ứng cử và bầu cử, phải cho cá nhân ra báo và nhân dân được phát biểu ý kiến. Quốc gia là của toàn dân chứ không phải là của đảng cộng sản. Hãy trả ruộng đất, nhà cửa cho nhân dân và trừng trị bọn tham quan ô lại.
Ngoài ra phải đoàn kết quốc nội và quốc, hãy dẹp tan những trò quấy phá hải ngoại thì mới có sự đoàn kết thực sự của toàn dân.
+Điều quan trọng là cần có một Gorbachev giải thể đảng cộng sản để xây dưng một Việt Nam vững mạnh, đủ sức vệ quốc và kiến quốc.

*



No comments:

Post a Comment