Pages

Tuesday, December 8, 2009

TIÊU DAO BẢO CỰ * ĐỐI THOẠI



Từ triết lý đến cảm xúc, giải pháp cá nhân và con đường đi lên của dân tộc.
(Thư ngỏ gởi Nguyễn Hữu Liêm)


Anh Liêm thân mến,
Tôi vừa nhận được email của anh gởi cho tôi bài viết mới của anh “Nơi giữa Đại Hội Việt Kiều: Một nỗi bình an” và ngay sau đó thấy bài này được đăng trên talawas và Danchimviet. com với khá nhiều ý kiến phê bình. Rõ ràng đây là một bài viết gây “sốc” như nhiều bài viết khác của anh, vừa do quan điểm, vừa do cách trình bày của tác giả, lại liên quan đến một vấn đề thời sự nóng hổi mà nhiều người đang theo dõi. Do đó, thay vì viết thư riêng cho anh, tôi xin viết thư ngỏ này để cùng anh và mọi người quan tâm trao đổi.

Gần đây, tôi đối với anh có mối quen biết. Đầu năm nay, một vài người bạn muốn mời tôi sang Mỹ chơi một chuyến. Để có lý do cho tôi xin visa nhập cảnh Mỹ, các bạn đó (cũng là bạn và người quen biết anh) đã nhờ anh lấy danh nghĩa giáo sư của San Jose City College, nơi anh đang giảng dạy, mời tôi với tư cách là một nhà văn bất đồng chính kiến, sang nói chuyện với sinh viên lớp triết của anh về một đề tài liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh. Do đó, cùng với một số lý do khác liên quan đến quá trình đấu tranh cho dân chủ của tôi, tôi đã có visa vào Mỹ khá dễ dàng và sau đó nhờ nhiều bạn bè khác ưu ái giúp đỡ, tôi đã ở lại và đi nhiều nơi trong sáu tháng để tìm hiểu về nước Mỹ và người Việt trên đất Mỹ.


Trước đó, tôi chưa quen biết anh và đọc về anh rất ít. Sau khi có giấy mời của anh, tôi bắt đầu tìm đọc các bài viết của anh trên mạng và hỏi thăm một vài bạn bên Mỹ về anh. Một số người nói anh là nhân vật có nhiều “tiếng tăm và tai tiếng”, có xu hướng thân cộng và có một số bất đồng, xung đột về quan điểm với cộng đồng. Mới đầu tôi cũng hơi ngại khi biết về anh như thế nhưng rồi tôi tự nhủ, tính chất và nội dung của giấy mời rất rõ ràng và chính đáng, hơn nữa anh là anh và tôi là tôi. Từ bao nhiêu năm qua, tôi vẫn là tôi trong mọi hoàn cảnh. 


Thực hiện yêu cầu trong lời mời của anh, tôi đã đến nói chuyện với sinh viên lớp của anh về đề tài: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, từ siêu thực đến hiện thực: Chọn lựa dấn thân của một trí thức ở một đất nước trong và sau chiến tranh”. Ý của anh là muốn cho sinh viên Mỹ có cơ hội hiểu thêm về lựa chọn của những trí thức sống trong môi trường chính trị hoàn toàn khác biệt với đất nước Mỹ. Tôi đã nói với sinh viên về lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm, lựa chọn dấn thân và hành động phản kháng từ thời trẻ cho đến bây giờ qua câu chuyện cá nhân của một thời “chống Mỹ ngày xưa và chống cộng ngày nay”. Anh đã phiên dịch cho tôi trong buổi nói chuyện này và tôi đã có một buổi trao đổi thật thú vị khi trả lời những câu hỏi hóc búa của sinh viên Mỹ. Như thế về mặt chính thức, coi như tôi đã làm xong trách nhiệm đối với lời mời của anh. Tuy nhiên trong thời gian ở Mỹ, tôi đã có nhiều dịp khác tiếp xúc với anh và chúng ta đã trao đổi khá nhiều về những vấn đề chính trị phức tạp liên quan đến tình hình Việt Nam. Tôi và vợ tôi đã ở lại nhà anh hôm đầu tiên đến Mỹ và sau đó vài lần nữa khi anh mời chúng tôi đến ăn tối uống rượu cùng với một số bạn khác. Anh đã luôn dành cho chúng tôi căn phòng đẹp nhất trong nhà mà anh gọi là honeymoon suite. Vợ anh, một phụ nữ đảm đang và dễ thương, hiếu khách cũng đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp chân tình. Coi như chúng ta đã trở thành bạn, tôi xem đó là “chút nợ ân tình” và vì thế hôm nay tôi mới có lá thư ngỏ này.


Tôi đã có đôi chút hiểu biết về cuộc đời và tư tưởng của anh. Ngày 30.4.1975, mới 20 tuổi, lúc đang là một người lính không quân, anh đeo càng trực thăng thoát ra khỏi Việt Nam và sau đó di tản sang Mỹ. Trên đất nước mới này anh đã có những nỗ lực phi thường để thực hiện giấc mơ của mình. Ba năm sau, anh tốt nghiệp đại học. Ba năm nữa anh lấy bằng cao học (về kinh tế?). Sau đó là tiến sĩ luật và cao học triết, mở văn phòng luật sư và dạy triết ở đại học. Song song với việc học, anh vừa làm việc kiếm sống, lập gia đình, vừa hoạt động xã hội và viết sách, báo. Anh đã từng làm việc trong các cơ quan tư pháp của tiểu bang và liên bang Mỹ cũng như tham gia nhiều hội đoàn của người Việt. Anh có một căn nhà to đẹp, yên tĩnh, hướng ra phía núi, vườn rộng trồng đầy hoa và dành cả một khoảng đất lớn để nuôi một đàn gà theo kiểu thả vườn, một điều hiếm thấy ở vùng Evergreen trong thung lũng Silicon, bang California. Tôi nghĩ anh là một mẫu người Việt có ý chí vươn lên, có khả năng trí tuệ và thành đạt trên đất Mỹ.


Tôi đã được anh tặng ba cuốn sách dày anh viết về chính trị, tư tưởng và pháp luật, thêm ba cuốn tập san triết học mà anh là người chủ trương thực hiện. Vì không có nhiều thời gian và không tiện mang về, tôi đã chỉ cố gắng đọc cuốn “Dân chủ và pháp trị”, cuốn sách quan trọng và ưng ý nhất của anh. Qua cuốn sách này cũng như qua những lần trò chuyện, tôi nghĩ tôi hiểu được đôi chút về tư tưởng của anh. Anh là người có nhiều ưu tư về đất nước và muốn cống hiến. Anh muốn đứng trên tầm cao triết học để nhìn nhận vấn đề chính trị hiện tại. Theo anh, dân tộc Việt Nam tuy trải qua nhiều đau khổ nhưng vẫn là một dân tộc còn thiếu niên, chưa trưởng thành (về chính trị và tinh thần so với các nước Âu Mỹ), chế độ cộng sản ở Việt Nam có nhiều sai lầm nhưng chiến thắng của họ là một tất yếu của lịch sử. Anh không dấu diếm sự khâm phục đối với “những người cộng sản chân chính” đã hi sinh cho đất nước nhưng cũng đã không ít lần phê phán những sai lầm, bất cập của chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Tuy nhiên vấn đề hiện nay không phải là chống cộng bằng cách chửi rủa mà phải tìm cách tiếp cận, hợp tác với nhà cầm quyền trong nước và cố gắng chuyển hóa họ về hướng dân chủ. Trong những bài viết của anh trên mạng, anh thường có quan điểm ngược với số đông và đã chịu nhiều phê phán nhưng anh không ngại. Anh là một người có bản lĩnh và hơi khác thường. (Xin nhấn mạnh, trên đây là những gì tôi hiểu, tôi nghĩ về anh, thông qua sách báo anh viết và những cuộc trò chuyện, còn có hoàn toàn đúng với anh hay không, tôi không dám chắc).


Trong bài viết về “hội nghị Việt kiều” vừa qua, anh đã dành một nửa trình bày quan điểm chính trị về tình hình Việt Nam theo góc độ triết học mà tôi hiểu và trình bày vắn tắt trên đây, có cả phần phê phán chế độ cộng sản một cách kín đáo . Tôi không nghĩ anh “làm dáng triết lý”, trái lại anh còn “lậm triết lý” là khác. Anh đã đọc, viết nhiều sách báo về triết, hằng ngày dạy triết và chắc luôn bị ám ảnh bởi những vấn đề triết học. Tuy nhiên một vấn đề lớn như thế mà anh chỉ trình bày trong vài đoạn ngắn gọn, đôi khi bằng một cách diễn đạt hơi “cao siêu và tối tăm”, có thể nhiều người không hiểu anh nói gì. (Nếu người nào đã đọc cuốn sách dày “Dân chủ và pháp trị”, có lẽ người ta sẽ hiểu anh hơn). Tuy nhiên điều gây ấn tượng, làm người đọc quan tâm và bị “sốc” trong bài viết không phải là những lập luận triết lý mà chính là những cảm xúc của anh, thể hiện ngay trong tựa đề “Giữa Đại Hội Việt Kiều: Một nỗi bình an.”


Một số người, trong đó có tôi, tin rằng đây là những cảm xúc thật và anh đã có sự chân thành và can đảm khi nói ra, bằng những ngôn từ “rộn rã” như tâm trạng: “Một nỗi bình an, vui lên như trẻ thơ, hân hoan, hồn nhiên, hạnh phúc nguyên sơ”. Đã là cảm xúc thì không có lý lẽ và mỗi người có thể khác nhau tuy trong cùng một hoàn cảnh. Như cái ngày 30 tháng Tư ấy, “một triệu người vui và một triệu người buồn”. Bài hát “Nối vòng tay lớn” ấy, khi vang lên trên đài phát thanh Sài Gòn, có người “hồ hởi phấn khởi”, lịm đi vì sung sướng, nhưng cũng có người cho đến nay khi hồi tưởng vẫn còn thấy như búa bổ trên đầu. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” ấy, qua “màn diễn” chắc chắn là có ý đồ chứ không tự phát trong hội nghị mà anh mô tả, cảm xúc của người nghe, người đọc lại càng khác nhau. Những cảm xúc có thực ấy, anh có thể diễn đạt khác đi mà vẫn có hiệu ứng như anh muốn có, nhưng anh đã chọn cách nói như đã nói, dù có thể anh biết sẽ nhận lãnh búa rìu của dư luận, có lẽ lần này sẽ kinh khủng hơn mọi lần với những bài viết khác của anh. Có người trong nước (thuộc loại trí thức phản kháng) rất lấy làm ngạc nhiên vì sự vội vàng và bài viết của anh, đặt dấu hỏi đây không phải là một “hồn nhiên ngang tàng” theo phong thái vốn có của anh mà là một cách chứng minh “đại hội thành công tốt đẹp” theo kiểu cộng sản mà anh đã tự nguyện nhận lãnh.


Dĩ nhiên cảm xúc không có lý lẽ nhưng có cội nguồn tâm lý và tinh thần, vì thế nên mọi người mới khác nhau trong cùng hoàn cảnh. Tôi nghe anh đã từng về nước nhiều lần, đã từng gặp cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, một số quan chức ngành công an và giáo dục ở trung ương và địa phương, một cách chính thức và không chính thức. Anh cũng đã viết về những lần gặp gỡ đó. Nhưng qua bài viết này anh thú nhận những lần đó bao giờ anh cũng lo sợ một cách thầm kín, chưa biết thực sự người ta nghĩ gì và sẽ đối xử với anh như thế nào khi anh đã quá hiểu chuyện “sáng nắng chiều mưa” liên quan đến chính sách và thái độ của những quan chức trong bộ máy độc tài toàn trị. Và với những biểu hiện “tình cảm và trọng thị” ở lần tiếp đón này, anh như “cởi được tấm lòng” nên cảm xúc vui vẻ dâng trào. Tuy nhiên, cũng như một số người khác, tôi nghĩ nếu anh có những phát biểu thẳng thắn, liệu tình cảm và sự đón tiếp đó có còn được duy trì? Và người ta cũng muốn biết anh đã có phát biểu gì có giá trị trong hội nghị này cũng như chờ đợi những việc làm hữu hiệu của anh sắp tới nếu quả thực anh có chủ trương “tiếp cận, hợp tác và chuyển hóa”.


Tình cảm và sự quý trọng của những người đón tiếp anh lần này có thể là chân tình, có thực hay được chỉ đạo. Nhưng đây chỉ là một “hiện thực nhỏ” trong “hiện thực lớn” của đất nước. Cũng như chúng ta đã có lần trao đổi về “cái làng của anh” vô cùng tốt đẹp và “cái xóm của tôi” lắm chuyện đáng buồn khi nhận định về tình hình Việt Nam. Hiện thực về thái độ của nhà cầm quyền đối với trí thức Việt kiều trong hội nghị và với trí thức phản kháng trong nước có độ chênh như thế nào, cũng như nhiều vấn đề nóng về chuyện Trung quốc xâm lược, biên giới, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo…không thể không được xem xét một cách toàn diện trong suy tư của người trí thức.


Có lẽ do xúc cảm và vội vàng (anh viết xong chỉ mấy ngày sau khi từ Việt Nam “về lại” hay “đi Mỹ”), ngôn từ anh sử dụng ngoài những chỗ khó hiểu “quen thuộc”, anh còn không chú ý phân biệt cho thật chính xác những khái niệm “tổ quốc, quê hương, đất nước, chế độ” dù anh thừa sức làm điều này. Tôi cũng hiểu trong một hoàn cảnh và tâm trạng nào đó, người ta có thể đồng hóa những từ, những khái niệm đó. Ngay chúng tôi ở trong nước, cũng có người tự thấy mình là kẻ “lưu vong”, “mất nước” trên chính quê hương đất nước mình vì thấy mình bị tước đoạt mọi thứ với tư cách một người công dân, kể cả lòng yêu nước.


Tâm trạng và lựa chọn của anh có thể cũng là của một số người Việt ở nước ngoài. Họ muốn trở về quê hương, muốn đóng góp cho đất nước. Họ đều thấy chế độ trong nước là độc tài và nhiều sai lầm nhưng khi không thể lật đổ nó thì tốt hơn vẫn có thể hợp tác và tìm cách chuyển hóa nó, hoặc ít ra cứ làm bất cứ việc gì có ích cho quê hương, dân tộc và cả bản thân, gia đình mà không góp phần củng cố chế độ độc tài. Đó là những người đã về nước đầu tư về kinh tế, hoạt động trên các lãnh vực văn hóa giáo dục hay từ thiện. Họ chấp nhận một số khó khăn hay ràng buộc do nhà nước gây ra, kể cả những điều tiếng thị phi từ đồng bào mình ở hải ngoại, để thực hiện được mục đích mà họ cho là chính đáng. (Thí dụ ngay như việc về nước làm từ thiện cũng có người phê phán, cho rằng đó là trách nhiệm của nhà nước phải lo cho dân, việc gì phải lo thay cho nhà nước trong khi các quan chức đang ra sức vơ vét, tham nhũng.) Ở đây tôi không nói đến những người hoàn toàn có động cơ cá nhân vị kỷ. Quả thật tâm trạng và ước vọng đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng vấn đề và cũng chính là nan đề, là giải pháp nào để cho việc làm không có tác dụng ngược khi quyền lực hoàn toàn nằm trong tay nhà nước. Không lẽ không làm gì nhưng làm thì làm thế nào cho có hiệu quả? Câu hỏi đó đã làm rối lòng không ít người và trong đó tôi nghĩ có anh.


Sức mạnh của chế độ độc tài toàn trị nằm trong khả năng tuyên truyền nhồi sọ và nỗi sợ hãi của dân chúng. Điều này đã được chứng tỏ qua thời chiến cũng như thời bình trong quá khứ. Tuy nhiên thời đại ngày nay đã làm điều đó thay đổi. Thế giới phẳng, Internet, các phương tiện truyền thông nhanh chóng và ý thức về tự do dân chủ ngày càng tăng lên. Điều này buộc nhà nước phải điều chỉnh chính sách và từng bước thuận theo lòng dân, dù có muốn cưỡng lại cũng rất khó khăn, chỉ có thể “câu giờ”, làm chậm thêm thời gian chứ không thể đi ngược lại xu hướng thời đại. Vậy thì sức mạnh của trí thức nói riêng và nhân dân nói chung là nói thẳng, nói thật, có tinh thần, thái độ và hành động phản kháng chính trực, ủng hộ những gì đúng đắn nhưng phê phán mạnh mẽ những sai lầm, đi ngược lại quyền lợi chung của dân tộc. Tôi không biết trong các “hội nghị Việt kiều” như hội nghị vừa qua, các đại biểu đã nói gì vì rất ít thông tin nhưng nếu họ đủ dũng lược để nói thẳng thì nhà nước cũng không thể đàn áp và có thể làm cho nhà cầm quyền, sớm hay muộn, phải điều chỉnh chính sách của mình. Việc “ăn theo, nói hùa” rõ ràng không có lợi ích gì chính đáng cho cả đại biểu lẫn nhà nước nếu không là những lợi ích cá nhân, cục bộ hoàn toàn không chính đáng.


Thời gian ở Mỹ, tôi đã nghe nhiều người nói chuyện chính trị, băn khoăn dằn vặt, thậm chí “quên ăn mất ngủ” vì chuyện chính trị Việt Nam. Đó là những người có lòng với đất nước. Có một nhận định khá chung nhất (đối với một số người tôi đã được nghe) và được một người diễn đạt bằng một cách hình tượng, cường điệu nhất: “Nếu thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng hay chủ tịch Nguyễn Minh Triết khi qua Mỹ, đi ngang qua đám người biểu tình chống đối, nếu có can đảm bước xuống xe, bắt tay người biểu tình, nói một lời xin lỗi thì ông ta có thể lấy được phố Bolsa, thủ đô của người Việt chống cộng.” Dĩ nhiên là các ông không đủ dũng lược và bản lĩnh để làm điều này. Tuy nhiên cách diễn đạt đó muốn nói, những người Việt tỵ nạn cộng sản ở nước ngoài sẵn sàng xóa bỏ hận thù, chấp nhận những người cộng sản nếu người cộng sản thực tâm thấy sai lầm và sửa chữa (không phải chỉ là những lời nói và việc làm có tính cách mị dân hay lừa bịp), từ đó cùng nhau xây dựng tương lai. Tôi không rõ quan điểm này có ở bao nhiêu phần trăm trong số những người Việt ở hải ngoại và tôi cũng đã từng nghe có những người thề không đội trời chung với cộng sản trong bất cứ hoàn cảnh nào. 


Tôi cũng nghe có người tâm sự vẫn đi tham dự các cuộc biểu tình chống cộng nhưng không vui vẻ gì khi thấy người Việt ở nước ngoài phải luôn chống nhà cầm quyền Việt Nam trong nước. Với nhiều quốc gia, nguyên thủ khi đi ra nước ngoài là niềm hãnh diện của người dân kiều bào sống trên đất nước đó, ngược lại đối với phần lớn người Việt ở hải ngoại, đó là dịp gợi lên sự xấu hổ và lòng hận thù, có hành động chống đối, gây khó khăn cho nhà nước. Thế thì đất nước làm sao ngẩng mặt với thế giới và làm sao có thể xây dựng tương lai. Phải chăng đây là định mệnh đáng buồn của một dân tộc đã kinh qua nhiều khổ nạn và cho đến bây giờ chưa có cách gì “giải nghiệp”.


Những điều trên rất đáng cho những người cầm quyền Việt Nam hiện nay suy nghĩ. Muốn đoàn kết dân tộc, sự thực tâm vì đất nước sẽ có giá trị gấp vạn lần những chính sách tạm bợ, đối phó, những “hội nghị Việt kiều” và mọi loại thủ đoạn mua chuộc, trù dập. Có người nhận định trong tình hình hiện nay, “trái bóng đang ở phía những người cầm quyền”, nếu họ thực tâm, dân tộc sẽ đoàn kết, đất nước sẽ cất cánh, nếu ngược lại, dân tộc sẽ còn đau khổ, đất nước vẫn “tụt hậu” và một sự đổ vỡ bi thảm không tránh khỏi sẽ xảy ra cho đảng cộng sản cầm quyền và cho cả đất nước đã có quá nhiều bi kịch. Và như thế, phải chăng nhận định của Nguyễn Hữu Liêm cho rằng dân tộc Việt Nam “vẫn chưa trưởng thành” không phải là điều hoàn toàn vô lý?
Anh Liêm thân mến,
Tôi đã theo dõi bài viết và tâm trạng của anh từ triết lý đến cảm xúc trong một cuộc “lội ngược dòng” và suy nghĩ về những lựa chọn cá nhân trên con đường đi lên của dân tộc. Những băn khoăn này không của riêng ai. Ai sẽ chỉ ra được con đường tốt nhất chứ không phải chỉ là những lời nguyền rủa hay những ước mơ không thành hiện thực? Xu thế tiếp cận, hợp tác với nhà cầm quyền trong nước, một xu thế có thực đối với một bộ phận người Việt ở nước ngoài hiện nay , mà anh có thể là một trường hợp tiêu biểu, là sự “lội ngược dòng” đối với xu thế chống cộng chung ở hải ngoại sẽ có kết quả gì không? Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào bản lĩnh, cái tâm trong sáng của người trong cuộc. Hợp tác phải có chủ đích rõ rệt, có đấu tranh, có điều kiện, trong một cuộc giằng co chắc chắn gay go với nhà nước toàn trị. Nếu bị mua chuộc hay vị kỷ, hèn nhát, e rằng đó sẽ chỉ là một thí nghiệm với kết cục bi thảm được thấy trước.
Đà Lạt 30.11.2009
Tiêu Dao Bảo Cự


No comments:

Post a Comment