Pages

Thursday, December 3, 2009

TƯỞNG NĂNG TIẾN * ĐẠI HỘI VIỆT KIỀU

*

Tưởng Năng Tiến – Giáo sư ở Tây và ở Ta

Tôi chưa bao giờ đi Tây, và cũng chưa bao giờ có ý phiêu lưu đến một nơi xa xôi, lôi thôi, thiếu vệ sinh và thiếu văn minh (tới) cỡ này:

“Người đi mua sắm ngay cả tại các trung tâm mua sắm lớn đều phải trả tiền đậu xe và phải tự trả tiền vào cái máy thật cao lớn gồ ghề. Thủ tục quá ư rườm rà, nhất là đối với những người không đọc được tiếng Pháp thì còn nhiêu khê gấp bội, chẳng hạn trong tiệm mua sắm áo quần, khách phải đi bỏ tiền vào một cái máy đặc biệt để đổi đồng Token rồi bỏ đồng này vào cánh cửa cầu tiêu để cửa mở khi khách cần sử dụng… người đi bộ thường phải cúi mặt xuống nhìn bước đi của mình trên bãi cỏ, trên đường tráng nhựa hoặc lát gạch để tránh giẫm lên những bãi cứt chó…” (Paris, 10 ngày thăm viếng – Nguyễn Văn Thành).

Chỉ nghe kể không cũng đủ ớn chè đậu. Hèn chi, khi đến Hà Nội (để tham dự Đại hội Việt kiều) giáo sư Trần Thanh Vân đã “khẳng định” với báo Dân Trí rằng:

“… người Việt Nam ở nước ngoài rất muốn trở về Việt Nam để làm việc. Tôi nói thật người Việt mình sống ở nước ngoài như Mỹ, Pháp cũng khổ lắm, đi làm việc cả ngày khi về phải nấu ăn, rửa chén bát, làm hết mọi việc trong gia đình. Tôi thấy sống ở Việt Nam rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài. Các GS được xã hội rất tôn trọng, sinh viên kính phục ở nước ngoài không được như thế.”

Vợ chồng GS Trần Thanh Vân nhận bằng khen của Chính phủ năm 2008. Nguồn Dân Trí.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân nhận bằng khen của Chính phủ năm 2008. Nguồn Dân Trí.

Điều “khẳng định” này, tiếc thay, không được mọi “người Việt Nam ở nước ngoài” (tận tình) chia sẻ. Theo ông Hoàng Ngọc-Tuấn thì GSTS Trần Thanh Vân là một người “nịnh bợ” và nói năng … như một “con vẹt.”

Nịnh bợ, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một thái độ sống (thường thấy) ở đời thôi. Tôi không hiểu sao ông Hoàng Ngọc-Tuấn lại phản ứng (quá) gay gắt với giáo sư Trần Thanh Vân như thế, trên diễn đàn talawas:

“Đất nước Việt Nam hôm nay cần những nhà khoa học vừa có tài ba vừa có lòng dũng cảm như Andrei Sakharov, chứ không cần những nhà ‘trí thức’ giỏi nói nịnh theo nhà cầm quyền. Sự đàn áp tự do tư tưởng, đời sống văn hoá suy đồi, chất lượng giáo dục thảm hại, sự độc tài, tham nhũng và thối nát của chế độ chính trị ở Việt Nam sẽ còn kéo dài cho đến chừng nào tất cả các tiếng nói trí thức đều đồng thanh nói thật, và không còn một ai nói nịnh, nói hùa theo nó nữa.”

Quan điểm của ông Tuấn, xem ra, rất gần với ông Đỗ Thái Nhiên. Trước khi Đại hội Việt kiều khai mạc (cả tháng) tác giả này đã viết trên Thông Luận, vào ngày 19 tháng 1 năm 2009, rằng đây chỉ là một thứ đại hội “về hùa” thôi.

Như đã thưa: tôi chưa bao giờ đi Tây. Tưởng cũng phải nói luôn (cho rõ) là tôi cũng chưa bao giờ đi học. Và vì thế tôi không dám bàn cãi (hay tranh luận) với bất cứ ai về sự dị biết trong sinh hoạt của quí vị giáo sư ở Tây, hoặc ở ta. Tôi chỉ vì tình cờ được biết vài vị giáo sư đã (có lúc) ở bên Tây, và cũng đã (có thời) trở lại và làm việc với chính quyền cách mạng Việt Nam (bên ta) nên muốn ghi lại dôi dòng về cuộc sống (cũng như ý kiến của họ) cho rộng đường dư luận, thế thôi.

Trước hết, xin nhắc đến giáo sư Trần Đức Thảo. Cuộc đời của ông (ở Tây cũng như ở ta) được tóm gọn như sau, bởi những người đồng thời:

“Dễ có đến hai năm tôi không đến khu tập thể Kim Liên. Lần này trở lại, tôi ngạc nhiên thấy cái quán của bà cụ móm dưới gốc xà cừ, mà mười năm trước tôi thường ghé hút thuốc uống nước, vẫn còn nguyên ở đó. Tôi vào quán uống chén rượu thay bữa ăn sáng. Bà cụ đang rôm rả nói chuyện với mấy anh xích lô, chắc là những khách quen…”

“Con cháu nhà tôi nó vừa sắm được cái ti vi màu nội địa. Tối hôm kia, bắt dây rợ xong, bật lên thấy đang chiếu cảnh tang lễ một ông tên là gì gì Thảo đó. Người ta giới thiệu cái ông Thảo này là nhà triết học nổi tiếng thế giới, làm đến sáu, bảy chức, chức nào cũng dài dài là, chắc là toàn chức to, được tặng Huân chương Độc lập hạng Hai. Ông ta sang tận bên Tây mà chết, cả Tây cả ta đều làm lễ truy điệu. Toàn cán bộ cấp cao, có danh giá đến dự.”

“ Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp ‘Pơ-giô con vịt’ mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…”

“Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế.. ế.. ế. Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái ‘pooc ba ga’, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… Đấy, cũng là Thảo cả đấy, mà Thảo này thì sống cơ cực trần ai – bà cụ chép miệng thương cảm: Một vài năm nay không thấy ông đạp xe ngang qua đây, dễ chết rồi cũng nên…”

“Tôi uống cạn chén rượu, cười góp chuyện: ‘Cái ông Thảo mà bà kể đó chính là cái ông Thảo người ta chiếu tang lễ trên ti-vi…’. Bà già bĩu môi: ‘Ông đừng cho tôi già cả mà nói lỡm tôi!” [Phùng Quán – Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo (Việt Nam Thư Quán)].

Cuộc sống của giáo sư Thảo (xem chừng) không được “vui” gì mấy – nếu xét riêng về mặt cơm áo, hay củi gạo. Tuy nhiên, đối với nhiều vị trí thức thì đây không phải là điều mà họ quan tâm. Tiến sĩ Trần Thanh Vân, qua cuộc phỏng vấn thượng dẫn, rõ ràng là một người không quan tâm nhiều (lắm) về phương diện vật chất. Ông nhấn mạnh đến sự tôn trọng của xã hội và kính phục của sinh viên, đối với các giáo sư. Và cứ theo như nguyên văn lời ông thì “ở nước ngoài không được như thế.”

Thời gian mà giáo sư Trần Thanh Vân (thỉnh thoảng) về Việt Nam để nhận bằng khen hay dự đại hội, xem ra, không được dài cho lắm. Ít nhất thì nó cũng ngắn hơn thời gian, cũng như kinh nghiệm, của vài vị giáo sư khác về vấn đề này:

“Đạo đức không còn được dậy trong trường, và thời buổi này người ta dậy trẻ nhỏ nhục mạ thầy cô… Trong các đại học, trong các phân khoa, trong mỗi lớp, trong mỗi buổi học, suốt cả năm, trong đám sinh viên luôn có những tay làm do thám…”

“Tôi biết, trong những trí thức tôi là người đang nằm trong tầm ngắm và đang bị công an theo dõi. Tôi biết có vài ‘con chó săn’ đang ở những căn phòng cạnh nhà tôi để có thể để mắt xem ai là những người hay xem chừng thư tín của tôi, nghe ngóng những câu chuyện hay tìm hiểu đài phát thanh nào mà tôi hay thích mở nghe…”

“ Tôi không ngạc nhiên khi thấy một học trò đang chuẩn bị cho cái chết của thầy cũ của mình và thuyết phục những kẻ đấu bò ra cú đòn chí mạng” [Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié – Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel. Trans Nguyễn Quốc Vĩ – Kẻ Bị Mất Phép Thông Công

Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Thông Luận Online)].

Ủa, chớ giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (lỡ) làm gì mà bị “đì” dữ vậy cà? Câu trả lời cũng tìm được (ngay) trong cuốn tự truyện thượng dẫn: ”Tôi chỉ đơn giản đòi hỏi quyền tự do tư tưởng và chỉ với thế thôi đã trở thành kẻ phản bội, kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản.”

Bỉ nhất thời dã. Thử nhất thời dã.

Hồi đó là một thời. Bây giờ là một thời (đã) khác. Cộng sản Việt Nam không còn muốn “đào tận gốc, trốc tận rễ” bất cứ thành phần nào nữa. Không những thế, họ còn chủ trương “trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước – như đã ghi rõ trong Nghị quyết 36:

“Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của nước nhà.”

Bản N.Q này được ký vào ngày 26 tháng 3 năm 2004. Theo nhận xét của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng “… từ khi nghị quyết này được ban hành, có nhiều con tim đã vui trở lại!”

Và mỗi con tim biểu lộ niềm vui theo một cách khác nhau. Giáo sư Vũ Đức Vượng tuyên bố: “Nhiều người than phiền, khó chịu về thủ tục hải quan và những cử chỉ thiếu thân thiện ở sân bay. Nhưng họ quên mất một điều rằng chẳng có sân bay nào lại đông vui người thân ra đón như mỗi khi họ trở về VN.”

Còn với giáo sư Nguyễn Trí Dũng thì “đó là tâm trạng nao nao, xúc động khi được dạo bước một sớm thu trên quảng trường Ba Đình và lắng nghe bản quốc ca trầm hùng vang lên.”

Thiệt là… quá đã!

Để đáp ứng lại tình cảm của quí vị giáo sư này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn (trong một cuộc nói chuyện với phóng viên báo Tiền Phong, vào hôm 7 tháng 6 năm 2009) cho biết thêm là sẽ có nhiều “khởi sắc” và “đột phá” trong chính sách đãi ngộ Việt kiều.

Thiên hạ đều đã có dịp thấy sự “khởi sắc” và nghe tiếng “đột phá” của chính sách đãi ngộ Việt kiều qua tiếng “hú còi mở đường của xe cảnh sát” khi đưa phái đoàn đi về Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (vào hôm 21 tháng 11 năm 2009) theo như lời mô tả của giáo sư Nguyễn Hữu Liêm. Tôi trộm nghĩ thêm, rất có thể, chính tiếng “hú còi mở đường” vào ngày hôm đó đã mang lại “nỗi bình an giữa Đại hội Việt kiều.”

Tâm cảm của quí vị giáo sư, như vừa dẫn, quả có khác với thường dân – như hai ông Hoàng Ngọc-Tuấn và Đỗ Thái Nhiên. Theo thiển ý, chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt. Về hùa hay về nguồn, như đã thưa, cũng chỉ là một thái độ sống (thường thấy) ở đời thôi. Nặng lời với nhau làm chi, cho má nó… khi!

Tưởng Năng Tiến


*

No comments:

Post a Comment