Pages

Friday, January 1, 2010

BÙI TÍN * PHIẾM LUẬN

*


Nụ cười...ngao ngán!

01/01/2010


Cám ơn anh Nguyễn Hưng Quốc đã có những bài rất vui, cũng rất đau, mới đây trên Blog của anh. Bài "Giới cầm quyền vui tính" và bài "Nguyễn Minh Triết bị đưa lên đoạn đầu đài của YouTube" thật là hay.

Tôi là đồ đệ của đạo cười. Tôi sùng bái nụ cười. Tôi rất thích chuyện tiếu lâm ta cũng như tây, tiếu lâm Nga cũng như tiếu lâm Ba Lan dưới thời cộng sản. Tôi quý dân Anh về đặc tính hóm hỉnh "hu-mua" rất đặc trưng, cười tưng tửng, sâu sắc, càng lâu càng ngấm. Tôi từng viết bài về "nhóm phẫu thuật nụ cười" của các bác sỹ Mỹ tại bệnh viện Thuỵ Điển, Hà Nội, cho các em bé bị sứt môi bẩm sinh.

Tôi cũng đề xuất với các bạn trẻ trong nước lập ra các nhóm, hội "chia sẻ", chia sẻ tình thương, chia sẻ hiểu biết, đồ ăn, thứ mặc cho bà con thiếu thốn, "chia sẻ nụ cười" với láng giềng, cả với người chưa quen biết. Khi trên đường, phóng xe máy, bị chen lấn, bị đèn đỏ cũng mỉm cười. Ba năm nay sau khi về làng Mai gần thành phố Bordeaux gặp thầy Nhất Hạnh, tôi luyện thiền, "từng bước đi thảnh thơi", thở thật sâu, hít không khí vào nghĩ đến một bông sen trắng, một ánh nắng vàng hay một làn mây hồng, thở nhẹ ra mỉm cười nhẹ nhàng với chính mình, với đời. Khỏe ra nhiều.

Xin lỗi các bạn tôi đã ba hoa về nụ cười. Vì quả thật nụ cười là thuốc bổ quý. Cho nên tôi biết ơn anh Nguyễn Hưng Quốc nhiều lắm.

Nhân đây tôi nhớ lại một chuyện "buồn cười ", - sao có khi lại gọi là "tức cười", thưa anh Quốc, nhà ngôn ngữ học. Mỗi lần nhớ lại tôi lại cười một mình, có khi nửa đêm, thức giấc, nhớ lại, bật cười không nhịn được. Hồi 1970, tôi có dịp đi theo chủ tịch nước Tôn Đức Thắng về thăm huyện đội Ứng Hoà - Hà đông, đóng ở thị trấn Vân đình. Đây là huyện quê tôi, được thưởng huân chương về thành tích tuyển quân.

Ông Bí thư huyện ủy Dương Khánh trịnh trọng đón "Bác Tôn" ở cổng cơ quan, che ô cho Bác vì mưa Xuân rất nhẹ, trong tiếng trống và pháo nổ ran. Sau đó ông đứng trước bục lớn trong hội trường, mang mục kính, giở tờ sớ diễn văn ra dõng dạc đọc... Sau chùng 20 cái "kính thưa ...", ông cao gịong: « Hôm nay, sung sướng thay! trời quang mưa tạnh, gió thổi cờ bay, toàn thể quân dân chính đảng huyện Ứng Hoà vô cùng vinh dự, vô tận phấn khởi chào đón Bác Tôn ... »

Mọi người im phăng phắc, vỗ tay rầm rộ sau mỗi câu văn hoa như thế.

Tôi ngồi ngay sau cụ Tôn, cụ rút khăn tay che miệng cười, nói nhỏ: "... đù má! mưa dậy mà trời quang ở chỗ mô! Cờ đâu có bay! hả ? hà hà!...".

Thế rồi cụ vẫn cười vui, còn vỗ tay cùng mọi người.

Sau đó tôi được biết bài diễn văn ấy là do một thầy giáo dạy văn cấp ba của trường huyện được huyện uỷ phân công thảo ra suốt 2 tuần lễ.

Đến nay tôi vẫn còn như vẳng nghe giọng nói ông Bí thư huyện tôi như kẻ diễn tuồng và lời buột miệng của cụ Tôn, để mà cười, cười hoài không chán, không nguôi...

Nhắc đến cụ Tôn, tôi lại nhớ đến chuyện vui nữa, để kể cho các bạn và anh Quốc nghe. Cụ khi rất trẻ đi lính thủy "ma-tơ-lô" của hải quân Pháp. Cụ đâu có dự cuộc khởi nghĩa của hải quân Pháp ở Hắc Hải vào năm 1917 để tỏ tình nghĩa đoàn kết với Cách mạng tháng Mười Nga. Nhưng theo hồ sơ lưu trữ ở Moscow, hồi ấy đã có một vài chiếc tàu Pháp đi qua Hắc Hải và treo cờ đỏ hoan nghênh sự kiện này. Thế là năm 1970 khi cụ Tôn là Chủ tịch nước, có một bài báo viết về sự kiện này trên báo Lao Ðộng, liên kết các sự kiện với óc thêu dệt tưởng tượng về chàng trai Việt nam 26 tuổi, là công nhân xưởng Ba Son của hải quân Pháp, bị bắt lính sang Pháp năm 1914 và sau đó có mặt trên tàu chiến Pháp để kéo cờ đỏ lên.

Cụ Tôn trở thành một chứng nhân lịch sử, người kết liền Việt Nam với quê hương Xô Viết. Tôi được biết nhà báo Thép Mới báo Nhân Dân hồi 1975 đã gặp cụ, gặng hỏi về chuyện này nhân khi cụ được Liên Xô tặng Huân chương Lénine, cụ liền trả lời gọn:" Đù má, tau đâu biết chuyện này!" rồi lảng sang chuyện khác. Thép Mới sững sờ, than thở với tôi, tưởng là cụ khiêm tốn không muốn kể chuyện xưa. Sau này được biết rõ đây là chuyện hư tưởng, vì tên tàu hải quân là gì, ngày giờ nào, không ai biết. Nhưng báo ta đã viết, tài liệu đảng đã ghi, đài ta đã nói, tiểu sử chính thức đã viết thế, không ai được cải chính nữa. Chính cụ Tôn cũng tỏ ra khó chịu, nhưng cụ luôn có kỷ luật phục tùng tổ chức. Tính cụ rất đơn giản, chất phác, vẫn như anh công nhân giản dị ngày xưa, thích lao động chân tay, cứ rỗi việc là bảo anh em xung quanh: đù má! thằng nào có xe đạp mang lại đây tau lau cho! Cụ chuyên buột mồm nói tục. Nói rồi quên. Nói tục quen, không nghĩ là mình chửi thề. Cụ tháo xe, lau chu đáo từng bộ phận rồi lắp vào, phóng thử quanh vườn. Cụ mất năm 1980, thọ 92 tuổi.

Ở Sài Gòn hiện có Bảo tàng Tôn Đức Thắng khá lớn, và toàn đảng, toàn xã hội đều đinh ninh cụ Tôn Đức Thắng kéo cở trên biển Hắc Hải hồi 1917 là chuyện thật, cũng như chuyện em Lê Văn Tám tự đổ xăng lên người, tự châm lửa rồi lao vào hàng trăm mét để đốt cháy rụi kho xăng Thị Nghè vậy !

Bên Mỹ tôi nghe nói có giáo sư Christopher Giebel đã viết cuốn sách chứng minh rằng chuyện cụ Tôn treo cờ ở Hắc Hải là chuyện tầm phào, dựng đứng, sau khi nghiên cứu kỹ các nguồn thông tin chính xác thời ấy.

Lại một chuyện vui. Năm 1984 tôi ở Phnom Penh giúp hãng thông tấn SPK và báo Pro-chê-chun của Campuchia. Đại tướng Chu Huy Mân chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân cầm đầu đoàn quân sự Việt Nam đến làm việc với Đại tướng Bun Thoong, bộ trưởng bộ quốc phòng Campuchia. Mở đầu cuộc họp, tướng Mân long trọng đứng dậy, đằng hắng, cao giọng: "Thưa đồng chí Đại tướng Ba-to U-lăng Xê-ráp -(tôi không còn nhớ đúng tên)- quý mến! "Cả phòng họp sững sờ. Sao lại thế này! Tôi hãi hùng, chỉ muốn chui tọt xuống đất. Thì ra 3 hôm trước, tại Hà Nội, tướng Mân gặp bộ trưởng quốc phòng của Mông Cổ mang tên dài như thế. Ngài cố học thuộc tên lạ ấy để nhập tâm, để nói đúng và đủ, và hôm nay ngài nói nhịu, nói lẫn, nhầm tên ông nọ thành tên ông kia, không nhớ ra tên Bun Thoong là người chủ nhà đứng nghiêm như trời trồng trước mặt.

Rồi mọi chuyện cũng qua, tai qua nạn khỏi tất, để cho tôi nhớ mãi, để cười mà đau, đau mà vẫn cố cười, vì nhà cầm quyền nước ta thật vui tính, hay đùa dai, mà thâm thuý ra phết, phải không anh Quốc và các bạn của VOA?

http://www.voanews.com/vietnamese/2010-01-01-voa15.cfm
*

No comments:

Post a Comment