Pages

Saturday, January 16, 2010

ĐIỆN ẢNH * CUỘC TRANH ĐẤU CỦA CHƯ TĂNG MIẾN ĐIỆN

**

ĐIỆN ẢNH

"Burma VJ", khi những nhà báo vô danh liều mạng quay bằng video cuộc nổi dậy các nhà sư Miến Điện

Bảo Thạch

Bài đăng ngày 15/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 15/01/2010 17:38 TU

Hình ảnh trích từ phim "Burma VJ"

Hình ảnh trích từ phim "Burma VJ"

Bộ phim ‘‘Burma VJ’’ được hoàn thành như một tác phẩm tập thể, với những đoạn từ 3 phút đến 20 phút được nối kết lại. Mỗi mảng được quay lén lút. Theo nhiều nguồn tin, bốn trong số những tác giả vô danh đã góp công thực hiện bộ phim ‘‘Burma VJ’’ hiện nay vẫn còn bị giam giữ.

Tất cả bắt đầu vào mùa thu năm 2007 khi các nhà sư Miến Điện ào ạt xuống đường trong hầu hết các thành phố đất nước này. Vào giữa tháng 8, tập đoàn quân phiệt đã nâng giá đột ngột nhu yếu phẩm, khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn càng thêm chật vật. Vài tuần lễ sau, một nhóm côn đồ còn hành hung một số các nhà sư tại thành phố Pakokku.

Tháng 9 hàng chục ngàn các nhà sư mặc áo cà sa đã xuống đường, kéo theo sự nổi dậy của dân chúng. Cho dù đây là cuộc nổi dậy hòa bình, bất chấp lệnh cấm biểu tình của Nhà nước nhưng cuối tháng 9, làn sóng phản đối đã bị đàn áp hết sức dã man. Một nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra con số 31 người thiệt mạng, và 74 người mất tích, nhưng số nạn nhân bị đánh, bị bắt giam có thể lên đến hàng trăm người hay hàng ngàn người. Cho đến nay, hình ảnh cuộc nổi dậy này vẫn bị kiểm duyệt.

Bất chấp lệnh cấm, một số nhà báo VJ quay trộm và chuyển tài liệu bằng vidéo ra nước ngoài

Bất chấp lệnh cấm, một số nhà báo VJ quay trộm và chuyển tài liệu bằng vidéo ra nước ngoài

Nhưng một số tài liệu bằng vidéo quay trộm đã được chuyển ra nước ngoài. Một trong số các nhà báo vidéo kể lại : ‘‘Khi cầm lên chiếc caméra, nhiều lúc bàn tay tôi run rẩy. Tim đập thình thình. Nhưng sau một vài phút quay, tôi trấn tĩnh được mình. Tôi không còn nghĩ ngợi gì ngoài việc chú ý quay. Đây là đất nước tôi. Đây là tình trạng đất nước tôi trong 40 năm nay’’.

Đa số những nhà báo vidéo vô danh này là những người đã từ lâu muốn làm gì đó cho đất nước họ. Cuộc sống hàng ngày của họ đã rất vất vả. Có lẽ họ cũng có một trình độ văn hóa nhất định. Cho nên họ ý thức được một điều là phải làm chứng. Điều duy nhất họ có thể làm là sử dụng một ngòi bút, hoặc một máy tính hay máy quay vidéo. Đối với họ, đây là một nhu cầu cần thiết để có thể cung cấp thông tin về hiện trạng đất nước mình : ‘‘Chúng tôi phải giấu chiếc caméra trong một túi xách tay. Nguyên tắc là không bao giờ quay nhiều. Sau đó phải bí mật chuyển các hình ảnh ra nước ngoài. Đây là một công việc rất khó nhọc, nhưng chúng tôi cố gắng. Nếu chẳng nay họ bắt gặp tôi mang chiếc caméra, tôi biết, có thể tôi sẽ phải vào tù. Ở đây, nếu người dân tuyên bố những gì họ thầm nghĩ họ cũng sẽ bị bắt giam. Bởi vậy mà họ im lặng. Câu chuyện của chúng tôi là những câu chuyện im lặng’’.

Nhà báo Sophie Malibeaux thuộc RFI, chuyên gia về Miến Điện, tường thuật : ‘‘Nhà báo vidéo là người chấp nhận mọi rủi ro. Họ biết chắc là công an rình rập họ. Tại Miến Điện, công an chìm nổi hiện diện khắp nơi. Các nhà báo nước ngoài hay khách du lịch ngoại quốc đều biết. Ví dụ như tại ngôi chùa nổi tiếng Schwedagon, nếu ai đó xích lại gần một nhà sư để tiếp xúc thì ngay lập tức có kẻ lạ mặt sán lại gần để theo dõi câu chuyện. Mọi người đều đã có kinh nghiệm đối với các công an chìm nổi. Thường thường, họ có vẻ sạch sẽ, họ ăn mặc đàng hoàng, họ có cả điện thoại di động. Những công an chìm nổi này lại có cả xe máy. Họ được trả lương hơn người khác để có thể rình rập những người chung quanh’’.

Cuộc biểu tình vào tháng 9 nãm 2007 của các nhà sư Miến Điện





Cuộc biểu tình vào tháng 9 nãm 2007 của các nhà sư Miến Điện

Một nhà báo vidéo cho biết thêm : ‘‘Mỗi đêm, tôi cố nhớ lại tất cả những gì đã làm trong ngày. Tôi lo lắng. Liệu có ai đã phát hiện ra điều tôi làm ? Rất có thể ai đó đã nhận diện được tôi. Cái sợ đã ăn sâu vào tôi, đã bám sát lấy mọi người Miến Điện…Tôi bám theo chúng nó. Tôi thấy chúng bắt người và quăng họ lên trên xe tải. Tôi chạy thẳng đến nơi và tôi quay. Ngay lúc đó, có tiếng kêu to ‘‘thằng này có máy caméra” Chúng bổ đến chỗ tôi. Chúng đưa tôi đến một nơi thuộc công an mật để hỏi cung : Tại sao mày có máy caméra ? Mày quay phim để làm gì ? Chúng hỏi tôi dồn dập”.

Ngày nay, bản án ngày càng nặng nề. Không còn những bản án 10 hay 20 năm mà là những bản án 60 năm. Người nào bị bắt quả tang quay phim thường bị kết án chung thân. Trừ phi có đột biến, nhà báo vidéo sẽ suốt đời nằm tù. Họ không thể thoát khỏi nhà tù.

“Khi đến Rangoon tôi hay tin là sẽ có một nhà đối lập nổi tiếng biểu tình một mình tại một ngôi chợ. Thành phố Rangoon bị công an xiết rất dữ. Công an mặc thường phục có mặt khắp nơi. Nhà đối lập này sẽ khó mà có thời gian để xuất đầu lộ diện. Về phần chúng tôi, chúng tôi có bổn phận phải có mặt tại chỗ. Chúng tôi phân tán, và đây là điều xảy ra trước mặt tôi…

Nhà đối lập kịp hét vang : “nhân dân đang đau khổ, chính phủ không làm được việc gì. Mọi người hãy xuống đường, hãy sát nhập vào hàng ngũ chúng tôi…chúng tôi quay họ đang đàn áp. Họ cũng có người cầm caméra quay những anh em của chúng tôi. Bên này đưa máy nhận diện, bên kia cũng đưa máy nhận diện đối phương. Giữa công an mặc thường phục và anh em chúng tôi, chẳng còn phân biệt được ai là bạn, ai là đối phương”.


‘‘Burma VJ’’ không chỉ là phim tài liệu vén lên bức màn bí mật mà tập đoàn độc tài Miến Điện muốn phủ lên những tội ác của họ. Tác phẩm này minh họa cho những công cụ mới, mà các nạn nhân chế độ độc tài từ nay đã dành để đấu tranh chống lại sự bưng bít : đó là máy vidéo, máy điện thoại di động, mạng internet.

Vai trò công nghệ thông tin trên mặt trận dân chủ ngày càng chiếm vị trí chiến lược. Nhà nước toàn trị cách mấy cũng khó mà kiểm soát được tất cả các nguồn thông tin do vidéo, máy điện thoại di động, internet phát đi trong nháy mắt. Do đó, mặc dù Miến Điện vẫn bị siết chặt trong bàn tay sắt nhưng hy vọng không bị dập tắt ngày nào còn các VJ, các nhà báo vidéo kể trên.

Mời quý vị nối kết vào địa chỉ này http://burmavjmovie.com để xem trích đoạn của bộ phim "Burma VJ".

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6491.asp


*

No comments:

Post a Comment