Pages

Saturday, January 23, 2010

TRẦN BÌNH NAM * VÕ NGUYÊN GIÁP



*

Tướng Võ Nguyên Giáp


Ông Võ Nguyên Giáp năm nay 98 tuổi. Có tin ông đang bệnh. Bệnh của tuổi già. Tôi cầu nguyện ông qua khỏi và sống vài năm nữa để đánh dấu 100 tuổi đời. Vinh dự của một đời người. Cuộc đời của ông .



Võ Nguyên Giáp là một cuộc đời đặc biệt, và dù muốn dù không cũng không thể không viết về ông. Người ta nói tới ông trong ý nghĩa ông là một nhân vật lịch sử, chẳng những là lịch sử Việt Nam mà còn là lịch sử thế giới. Ông được ghi nhận như một danh tướng thế giới và là viên tướng đã đánh thắng quân đội của đế quốc Pháp trong phong trào giành độc lập và chấm dứt thời đại thuộc địa trên thế giới. Ông cũng đã dự phần không nhỏ vào cuộc đánh thắng quân đội Hoa Kỳ – một quân đội chưa bao giờ bại trận - tại miền Nam Việt Nam.




Các nhà nghiên cứu Mác xít và quân sử trên thế giới một thời đã theo dõi từng lời phát biểu của ông để chắt lọc những nguyên tắc của cái gọi là “chiến tranh nhân dân” làm giàu kho tàng của chiến tranh giải phóng các thuộc địa và chiến tranh du kích. Cuộc đời của tướng Võ Nguyên Giáp dính liền với lịch sử Việt Nam trong thế kỷ thứ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21. Ông dự phần lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập (1945-1954) và cuộc chiến tranh áp đặt chế độ “xã hội chủ nghĩa” mà ông tin tưởng vào miền Nam Việt Nam (1956-1975) như một nhà lãnh đạo chính trị (ở vị trí một thành viên của Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam) và một nhà lãnh đạo quân sự (trong chức vụ Tư Lệnh các lực lượng vũ trang và sau này Bộ trưởng quốc phòng). Nếu từ năm 1975, sau khi chiến thắng, nước Việt Nam vươn lên như một quốc gia hùng cường có “độc lập, tự do, hạnh phúc” như người cộng sản hứa, có lẽ không ai đặt vấn đề về cuộc đời tướng Võ Nguyên Giáp nếu không phải nhắc tới để khen ngợi, cảm phục và nhớ thương.


Rất tiếc 35 năm đã trôi qua, một thời gian đủ dài để một đất nước có tài nguyên phong phú với những con người đầy khả năng như dân tộc Việt Nam vươn lên thì trái lại thế giới thấy Việt Nam đứng trước một sự trì trệ khó hiểu: căn bản xã hội và văn hóa suy đồi, giáo dục khập khiểng, môi trường bị hủy hoại, nhân dân bị bịt miệng, nhân quyền bị đe dọa, tôn giáo bị kiểm soát và 80 triệu dân chỉ biết làm thuê. Người ta không khỏi tự hỏi tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp gì cho dân tộc và lịch sử. Cuộc đời của ông đầy nét kiêu hùng.


Cuộc đấu tranh dũng cảm của ông chống thực dân Pháp giành lại độc lập cho nước nhà, những chiến tích oai hùng của ông lãnh đạo một đoàn quân vốn là những nông dân ít chữ nghĩa thành một quân đội nhà nghề ngang nhiên đụng trận với hai đoàn quân của hai quốc gia Tây phương là Pháp và Hoa Kỳ. Trận mạc có lúc thắng lúc thua, nhưng cuối cùng tướng Võ Nguyên Giáp đã thắng hai cuộc chiến. Nhưng người ta sẽ không thể không ngạc nhiên khi nhìn sự nghiệp của ông. Cho đến giờ này những người cộng sản thuộc thế hệ thứ hai sau ông để cho ông sống yên ổn với đầy đủ tiện nghi tại thủ đô Hà Nội như một trang trí cho chế độ, và khi ông qua đời họ sẽ cho cử hành quốc táng.


Nhưng từ năm 1973 ông chỉ còn là chiếc bóng khi Bộ chính trị giao binh quyền cho tướng Văn Tiến Dũng. Sau khi Sàigòn thất thủ, tướng Võ Nguyên Giáp đã bay vào Nam chứng kiến cuộc chiến thắng ông đã góp phần, nhưng ông không còn quyền hành gì, dù ông còn ghế Ủy viên Bộ chính trị. Tiếng nói của ông không còn trọng lượng. Theo dõi sự nghiệp của tướng Võ Nguyên Giáp, người ta thấy sau chiến thắng Điện Biên Phủ làm tên tuổi ông vang lừng trên thế giới ông bắt đầu bị những tranh chấp ngấm ngầm trong nội bộ đảng. Báo chí phương Tây nói đến ông nhiều hơn nói đến ông Hồ Chí Minh, và có thể đó là điều làm ông Hồ Chí Minh lo ngại cho địa vị của mình. Người cộng sản chủ trương đấu tranh giành quyền hành bằng vũ lực nên rất bén nhạy trong sự kèn cựa tên tuổi. Và đó là cái hạt nhân giúp giải thích sự yếu thế dần của tướng Giáp trong bộ máy quyền hành của đảng cộng sản Việt Nam từ cuối thập niên 1950. Sự xuống thang của ông từng bậc nhưng rất máy móc và khó gỉải thích nếu không xem sự đồng ý ngấm ngầm của ông Hồ Chí Minh là một lý do.


Trước hết người ta chặt vây cánh của ông trong quân đội với một loạt tướng lãnh bị bắt như tướng Lê Liêm, tướng Đặng Kim Giang với tội trạng vu vơ “xét lại chống đảng” và những cái chết mờ ám của tướng Lê Trọng Tấn, tướng Hoàng Văn Thái (“Đêm Giữa Ban Ngày” Vũ Thư Hiên, trang 279). Vậy thật sự con người tướng Võ Nguyên Giáp như thế nảo? Ở trong nước không ai viết về ông, ngoại trừ những cuốn sách chính tướng Giáp viết nói về các giai đoạn đấu tranh ông tham gia, nhưng các sử gia nước ngoài viết về ông khá nhiều. Các cuốn sách viết về tướng Võ Nguyên Giáp đều có một hướng chung là nhìn ông như người vạch kế họach và lãnh đạo hai cuộc chiến tại Việt Nam, một chống Pháp và một chống Hoa Kỳ tại miền Nam. Thật ra đó là cách nhìn đơn giản và giản tiện cho sự trình bày mà thôi.


Tướng Võ Nguyên Giáp tự do chỉ huy quân đội trong một giới hạn nào đó, nhưng lãnh đạo chiến tranh là lãnh đạo tập thể trong đó vai trò của Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và sau này của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng không phải không quan trọng. Đó là chưa nói đến vai trò của các cố vấn Trung quốc trong chiến dịch biên giới 1950 và trận Điện Biên Phủ năm 1954. Và trong sự nghiệp chính trị và quân sự tướng Võ Nguyên Giáp bị cạnh tranh không phải chỉ bởi người đồng hàng đồng lứa mà còn bởi một người kém hơn ông về nhiều mặt: tướng Nguyễn Chí Thanh. Cuộc tranh giành ngôi thứ trong quân đội chỉ được chấm dứt khi Nguyễn Chí Thanh bị bệnh trong căn cứ của Trung ương cục miền Nam (Cục R) được đưa về Hà Nội và chết cuối năm 1967 (TBN: cũng có tin nói Nguyễn Chí Thanh bị B-52 bỏ bom chết, nhưng chưa có tin tức quân sự hay tình báo nào xác nhận).


Từ năm 1964 khi sự kình chống giữa Liên Xô và Trung quốc do khác biệt chính sách, một bên Liên Xô ngả về khuynh hướng xét lại, chống chính sách sùng bái cá nhân và chủ trương hòa hoãn với Hoa Kỳ, một bên là Trung quốc của Mao chống xét lại, chống hòa hoãn, duy trì bằng mọi giá sự độc quyền của đảng cộng sản, trở thành công khai (TBN: sự khác biệt ý kiến phát xuất từ đại hội XX của đảng cộng sản Liên Xô năm 1956 nhưng được cả hai bên giữ kín) thì nội bộ đảng cộng sản Việt Nam chia rẽ giữa hai khuynh hướng. Tướng Võ Nguyên Giáp chủ trương theo Liên Xô. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh chủ trương theo Mao. Cuối năm 1967 Lê Duẩn (Tổng bí thư) và Lê Đức Thọ (Trưởng Ban Tổ Chức đảng) bắt đầu lập hồ sơ bắt những người thân cận với tướng Võ Nguyên Giáp trong đó có cụ Vũ Đình Huỳnh thư ký riêng một thời của Hồ Chí Minh và người con là nhà văn Vũ Thư Hiên, cùng với các tướng Lê Liêm, Đặng Kim Giảng và nhiều sĩ quan cấp tá cố ý tìm bằng chứng kết tướng Võ Nguyên Giáp vào một âm mưu “đảo chánh” lật đổ chế độ để hạ bệ ông (Đêm Giữa Ban Ngày – Vũ Thư Hiên, trang 363).





Vào thời gian công an của Lê Đức Thọ đang phanh phui tìm tội của tướng Võ Nguyên Giáp thì ông Giáp đang là một Ủy viên của Bộ chính trị, cơ quan toàn quyền của đảng! Cuộc điều tra không đi tới đâu. Người ta nghĩ rằng ông Hồ Chí Minh muốn giới hạn uy tín của tướng Giáp nhưng vẫn che chở không để cho Duẩn –Thọ làm hại ông Giáp. Tướng Võ Nguyên Giáp giữ ghế ủy viên Bộ chính trị cho đến năm 1982, nhiều năm sau khi Hồ Chí Minh qua đời. Tuy nhiên cuộc xuống thang của tướng Võ Nguyên Giáp rất có bài bản: Tháng 4/1973 ông mất chức Tư lệnh quân đội. Tháng 2/1980 ông mất chức Bộ trưởng quốc phòng. Tháng 2/1982 ông mất chức Ủy viên Bộ chính trị. Năm 1991 ông mất ghế ủy viên Trung ương đảng. Những năm sau này tướng Giáp lên tiếng trong một số trường hợp như vụ Tổng Cục 2 (TC2), vụ cán bộ Đảng và Nhà nước tham nhũng, vụ bauxít cao nguyên Trung Việt, nhưng ông không hé răng vụ Trung quốc lấn chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Ông nói (hay không nói) để được ăn ngon ngủ yên hay đó là biểu hiện sự trăn trở của một con người còn lương tâm tự vấn mình có công hay có tội đối với quốc gia dân tộc? Lịch sử sẽ trả lời.


**




Ông Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, tỉnh Quảng Bình, con ông Võ Quang Nghiêm và bà Nguyễn Thị Kiên. Ông Nghiêm là một nhà nho từng theo phong trào Cần Vương chống Pháp. Bà Kiên sinh 8 người con, 3 người đầu chết khi còn trong trứng nước, sau đó hai con gái Võ Thị Điềm và Võ Thị Liên. Ông Giáp là con thứ sáu. Ông có 2 người em, Võ Thuần Nho và Võ Thị Lài (“Victory At Any cost: The Genius of Vietnam’s General Vo Nguyen Giap” của Cecil B. Currey, trang 5)



Từ 5 đến 8 tuổi ông Giáp học trường làng An Xá, rồi trường Tổng (Đại Phong), trường Huyện, và năm 11 tuổi ông lên học trường tỉnh. Năm 12 tuổi ông Gíáp đậu bằng Tiểu học và hai năm sau đậu thi tuyển vào trường Quốc Học Huế. Các thầy dạy tại trường Quốc Học đều là những nhà trí thức yêu nước có uy tín như các ông Ung Quả, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Huy Bảo, Nguyễn Thiệu Lâu (sách Currey, trang 13). Thời gian học tại Huế ông Giáp đã nuôi tinh thần chống Pháp và thường đến thăm viếng cụ Phan bội Châu đang bị Pháp giam lỏng tại Bến Ngự. Sau một cuộc biểu tình chống một hành động độc tài của ông Hiệu trưởng tướng Giáp bị đuổi khỏi trường.



Sau đó năm 1927 tướng Giáp gia nhập đảng Tân Việt (Tân Việt Cách Mạng Đảng). Năm 1930 Giáp bị công an Pháp bắt cùng với người em Võ Thuận Nho, giáo sư Đặng Thai Mai và một thiếu nữ 15 tuổi tên là Nguyễn Thị Quang Thái (em ruột Nguyễn Thị Minh Khai). Bị kết án và cùng bị giam tại nhà tù Lao Bảo, Giáp và cô Quang Thái kết thân trong tù và yêu nhau. Năm 1932 ông Giáp và Quang Thái được ân xá.


Thay vì trở về An Xá Giáp trốn ra Vinh tìm việc làm và để gần người yêu (sau khi được ân xá cô Quang Thái trở về sống với cha ở Vinh) và giáo sư Đặng Thai Mai (sau khi được phóng thích ông Mai về dạy học tại Vinh). Tại Vinh, Giáp và Quang Thái cùng hoạt động cách mạng với Minh Khai (sinh năm 1910 lớn hơn tướng Giáp một tuổi) lúc này đã là một đảng viên tích cực của đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1933 ông Đặng Thai Mai ra Hà Nội dạy học tại trường Trung học tư thục Thăng Long do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm hiệu trưởng. Giáp theo ông Mai ra Bắc và tạm trú với gia đình ông tại Hà Nội.



Thời gian ở Hà Nội, người phụ trách trấn áp các hoạt động chống Pháp là thanh tra mật thám Louis Marty theo dõi hoạt động của Giáp và giúp ông Giáp vào học trường Trung học Albert Sarraut tại Hà Nội với lời hứa bâng quơ nào đó của Giáp. Không có tài liệu nào nói rõ ý định của Marty, cũng không có bằng chứng hứa hẹn hợp tác làm việc của tướng Giáp. Nhưng giả thuyết dễ hiểu là Marty muốn giúp đỡ để mua chuộc Giáp sau này thành tài sẽ phục vụ cho chế độ bảo hộ. Còn ông Giáp thì giả như đã căn mồi để được tiếp tục học hành. Trong thời gian học tại Albert Sarraut ông Giáp là một học sinh học giỏi và ngoan ngoãn. Một trong những giáo sư dạy ông Giáp hồi đó là Gregoire Kherian vào năm 1972 tiết lộ rằng năm 1938 giáo sư Gaeton Pirou từ Pháp qua chấm thi hằng năm cho các sinh viên học ngành kinh tế chính trị đã chú ý đến sự xuất sắc của Giáp.



Khi giáo sư Kherian cho biết cậu sinh viên Võ Nguyên Giáp giỏi nhưng có vấn đề với cơ quan an ninh, giáo sư Pirou ngỏ ý tạo điều kiện cho tướng Giáp qua Pháp học, nhưng tướng Giáp từ chối (sách Currey, trang 35). Điều này làm vững chắc thêm giả thuyết “giả dại qua ải” của ông Giáp đối với chương trình mua chuộc của Marty. Tuy nhiên sau này Lê Đức Thọ đã dùng thời gian “tế nhị” này trong quảng đời hoạt động của ông Giáp để làm giảm uy tín của ông trong nội bộ đảng cộng sản khi có sự tranh chấp về đường lối của những năm 1964. Năm 1934 tướng Giáp đổ tú tài II và xin được một chân dạy Sử và Pháp văn tại trường trung học Thăng Long trong khi tiếp tục học luật tại đại học luật khoa Hà Nội.



Năm 1937 tướng Giáp đổ cử nhân luật. Ông tiếp tục vừa làm việc vừa học hy vọng lấy bằng tiến sĩ luật. Thời gian này ông Giáp bắt đầu chán đảng Tân Việt vì ông cho là thiếu kỷ luật nội bộ. Ông Giáp ngả dần về khuynh hướng cộng sản. Chương trình làm việc của ông Giáp thay đổi một cách căn bản từ tháng 6 năm 1936 khi Leon Blum, đảng viên đảng Xã Hội Pháp đại diện Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire - gồm liên minh một số chính đảng thiên tả trong đó có đảng cộng sản Pháp và đảng Xã Hội) tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Pháp. Ông Giáp cho xuất bản tờ báo Hồn Trẻ. Sau vài số tờ Hồn Trẻ bị đóng cửa, ngày 16/9/1936 Giáp cho phát hành tờ Le Travail bằng tiếng Pháp. Thời gian này Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, đảng viên đảng cộng sản Đông Dương (TBN: An Nam Cộng Sản Đảng thành lập tháng 2/1930 đổi danh theo khuyến cáo của Cominter tại Moscow.



Sau cuộc đàn áp của Pháp do cuộc nổi dậy Xô Viết Nghệ Tỉnh 1930-31 đảng cộng sản Đông Dương bị tê liệt cho đến năm 1936 nhờ sự dễ dãi của Phong Trào Bình Dân mới hoạt động lại) đến làm việc với tờ Le Travail. Chinh và Đồng là hai người đã thuyết phục ông Giáp rằng muốn chống Pháp giành độc lập như ước vọng của ông thì con đường duy nhất là gia nhập đảng cộng sản. Ông Giáp trở thành đảng viên đảng cộng sản năm 1937. Ông Giáp tạo uy tín rất nhanh trong đảng cộng sản nhờ căn bản học vấn và sức làm việc.


Tháng 4/1939 ông Giáp lập gia đình với bà Quang Thái. Võ Thị Hồng Anh con gái đầu lòng của ông Giáp ra đời ngày 4/1/1940. Mùa hè năm 1939 Phong Trào Bình Dân bên Pháp sụp đổ, các cuộc bắt bớ tại Đông Dương bắt đầu. Đầu năm 1940, con gái vừa ra đời ông Giáp được lệnh của đảng cộng sản qua Trung quốc để gặp Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh). Ngày 3/5/1940 Giáp chia tay vợ bên bờ Hồ Tây cùng Phạm Văn Đồng rời Hà Nội lên Lao Cay vượt biên qua Trung quốc. Năm 1946 khi tướng Giáp trở về Hà Nội và An Xá để thăm gia đình Hồng Anh đã lên 6, nhưng vợ và chị vợ, bà Nguyễn Thị Minh Khai đã bị Pháp giết. Minh Khai bị bắt tháng 7/1940 tại Vinh, đưa vào Sàigòn và bị bắn ngày 25/4/1941 tại Hốc Môn. Tháng 5/1941 Quang Thái bị bắt cũng tại Vinh và đưa ra Hỏa Lò Hà Nội.



Bà bị tra tấn cho đến chết (TBN: theo tin của tình báo Hoa Kỳ. Nguồn tin của Pháp nói bà Quang Thái tự vận vì không chịu nổi tra tấn). Lần thăm quê này ông Giáp không gặp được cha. Ông Nghiêm không cho ông gặp. Giữa năm 1947 Pháp chiếm lại Huế và Quảng Bình. Tháng 8/1947 Pháp bắt ông Nghiêm đưa vào giam tại lao Thừa Thiên. Ông bị tra tấn và chết vì kiệt lực tháng 11/1947. Tướng Giáp tục huyền với bà Đặng Bích Hà, con gái của giáo sư Đặng Thai Mai năm 1946. Bà Bích Hà sinh năm 1929, nhỏ hơn ông Giáp 18 tuổi. Bà Bích Hà có 2 gái 2 trai: Võ Hòa Bình (1951), Võ Hạnh Phúc (1952), Võ Điện Biên (1954, sau chiến địch Điện Biên Phủ), Võ Hoài Nam (1956).



**




Tháng 6/1940 Giáp gặp ông Hồ Chí Minh tại Côn Minh. Hồ Chí Minh gởi ông đi Dien An, chiến khu của Mao Trạch Đông sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh (1934-35) để học tập chính trị và nhất là quân sự chuẩn bị lãnh đạo lực lượng quân sự tương lai. Sau khi Nhật đánh chiếm Lạng Sơn và Đồng Đăng và đưa thêm 30.000 quân vào Đông Dương, chủ quyền của Pháp tại Đông Dương chỉ còn trên hình thức. Nhân cơ hội Hồ Chí Minh quyết định thành lập ngoại vi đầu tiên của đảng cộng sản Đông Dương gọi là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh (VM). Phần Giáp, ông cho thành lập đơn vị quân sự đầu tiên gồm 40 người tại làng Ca Ma trong lãnh thổ Trung quốc sát biên giới tỉnh Cao Bằng. Sau đó Giáp cùng Vũ Anh di chuyển căn cứ về hang Pắc Bó trong tỉnh Cao Bằng cách Ca Ma 16km. Pắc Bó được yểm trợ của đồng bào thiểu số trong vùng như người Nùng, Thổ, Mán, Tày, người Dao…



Tháng 12/1940 tướng Giáp kết nạp Chu Văn Tấn, người Nùng đầu tiên và sau này trở thành một trong những tướng lãnh của quân đội cộng sản (Chu Văn Tấn gia nhập đảng cộng sản Đông Dương năm 1934). Đến cuối năm 1941 Giáp kiểm soát được 3 trong 9 quận của tỉnh Cao Bằng. Tháng 5/1941 đảng cộng sản Đông Dương họp hội nghị mở rộng lần thứ 8 tại Pắc Bó và cử Trường Chinh làm Tổng bí thư. Tháng 6/1941 Hitler hủy bỏ thỏa ước trung lập với Liên Xô tuyên chiến với Nga. Phe Trục gồm liên minh Đức, Ý, Nhật trở thành kẻ thù của đảng cộng sản Đông Dương theo Nga. Lực lượng quân sự non trẻ của ông Giáp bây giờ ngoài nhiệm vụ đánh Pháp còn nhiệm vụ chống phát xít Nhật.



Đến cuối năm 1944, mặc dù Pháp tăng cường khủng bố, lực lượng của cộng sản vẫn phát triển và kiểm soát gần trọn 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Tháng 7/1944 chính phủ Vichy (chính phủ Pháp thân Hitler) sụp đổ, ông Giáp tin rằng thời điểm đã chín để gìanh chính quyền. Nhưng Hồ Chí Minh cho rằng còn quá sớm và ông giao cho ông Giáp nhiệm vụ tổ chức và huấn luyên quân đội trước khi hành động. Ngày 22/12 Giáp hình thành đơn vị chính quy đầu tiên gồm 34 đồng chí gọi là Trung đội Trần Hưng Đạo, do “anh Văn” (bí danh của ông Giáp) chỉ huy. Thời gian này tướng Giáp tiếp xúc với OSS (Office of Strategic Services, tiền thân của CIA) của Hoa Kỳ và được sự giúp đỡ để chống Nhật.



Ngày 29/3/1945 Hồ Chí Minh gặp tướng Claire Chennault (TBN: Theo Cecil B. Currey, sách đã dẫn, ông Hồ Chí Minh chỉ xin tướng Chennault một tấm ảnh có ký tặng, và sau này ông Hồ dùng tấm hình để phô trương với các đảng phái khác rằng ông đã được Hoa kỳ ủng hộ) Về phía Pháp, năm 1942 tướng Eugène Mordant bỏ chính phủ Vichy theo de Gaulle chống Đức và được de Gaulle giao phó nhiệm vụ toàn quyền Đông Dương thay thế Decoux. Đoán trước toàn quyền Mordant sẽ tạo khó khăn cho lực lượng mình tại Đông Dương, đêm 9/3/1945 Nhật đảo chánh bắt hết tất cả viên chức và quân nhân Pháp.



Sau cuộc đảo chánh Nhật chỉ kiểm soát được các thành phố lớn, nhiều tỉnh nhiều miền bỏ ngỏ và là cơ hội bằng vàng cho ông Giáp tổ chức và phát triển. Chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên đặt tại Huế không có cán bộ và cơ sở. Tháng 4/1945 Giáp lên Bắc Giang họp Quân ủy đảng do Trường Chinh chủ tọa và quyết định thời cơ tốt nhất để cướp chính quyền là sau khi Nhật đầu hàng. Ngày 15/5/1945 ông Giáp làm lễ thành lập Quân đội Giải Phóng Nhân dân tại Chợ Chu thuộc tỉnh Thái Nguyên. Ngày 4/6 phong trào VM họp Hội nghị tại làng Kim Lung thuộc tỉnh Tuyên Quang (sau đổi thành Tân Trào) lấy Tân Trào làm thủ đô cách mạng và ông Giáp được chọn làm một trong 5 Ủy viên Ban Chấp Hành TW của đảng cộng sản Đông Dương. Để chuẩn bị cuộc nổi dậy gìanh chính quyền ông Giáp tập dượt quân đội bằng các cuộc tấn công đồn Nhật và tiếp xúc với các bộ phận tình báo OSS nhảy dù xuống Tân Trào chuẩn bị cho máy bay thả dù vật liệu và quân dụng.


Vũ khí của Hoa Kỳ tuy không bao nhiêu nhưng đã làm tăng uy tín của bộ đội ông Giáp đối với dân chúng trong vùng giải phóng. Đầu tháng 8/1945 Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Biết Nhật sẽ đầu hàng, Hồ Chí Minh cho triệu tập hội nghị tại Tân Trào thông qua quyết nghị khởi nghĩa giành chính quyền và cử Giáp chỉ huy một đơn vị quân sự về Hà Nội chuẩn bị. Ngày 19/8 đảng cộng sản Đông Dương tổ chức một cuộc biểu tình trước nhà hát lớn Hà Nội, trong khi các đơn vị của ông Giáp tiến chiếm phủ toàn quyền quân Nhật đang giữ. Quân Nhật không chống cự. Cuối ngày 19/8 lực lượng thuộc đảng cộng sản Đông Dương kiểm sóat thành phố Hà Nội. Với khí thế đó từ 19/8 cho đến ngày 30/8 các chi bộ của đảng cộng sản Đông Dương kiểm soát hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam.


Ngày 28/8 một chính phủ lâm thời được thành lập. Ông Giáp giữ bộ Nội Vụ. Ngày 30/8 hoàng đế Bảo Đại từ chức. Ngày 2/9 trong một cuộc biểu tình vĩ đại tại Hà Nội Hồ Chí Minh lần đầu tiên xuất hiện trước quần chúng tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giáp đứng bên cạnh Hồ Chí Minh. Nhật đầu hàng, đồng minh giao cho Anh tước khí giới Nhật từ vĩ tuyền 16 trở xuống. Quân của Tưởng Giới Thạch tước khí giới từ vĩ tuyến 16 trở lên. Tại miền Bắc, quân của tưởng Lư Hán có ý nâng đỡ các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ), trong khi trong Nam quân Anh muốn giúp Pháp trở lại Đông Dương.



Tướng Anh Douglas Gracey đến Sài gòn thả tù binh Pháp (bị Nhật giam giữ) và trang bị vũ khí cho quân nhân Pháp. Pháp chiếm lại vùng Sàigòn và lục tỉnh một cách dễ dàng. Ông Giáp thành lập Giải Phóng Quân, phát động phong trào Nam Tiến đánh Pháp. Tuy nhiên ông Giáp sau khi đích thân kinh lý miền Nam để thúc đẩy tinh thần Nam Tiến ông trở về Hà Nội báo cáo với ông Hồ Chí Minh rằng với hỏa lực của Pháp bộ đội Giải Phóng không thể ngăn quân Pháp trở ra Bắc. Chỉ còn giải pháp giảng hòa để Pháp tạm trở lại Việt Nam để rảnh tay giải quyết mặt Bắc với quân Lư Hán và các đảng phái quốc gia đang được sự giúp đỡ của quân Trung quốc.



Từ đó có thỏa ước Sainteny-Hồ Chí Minh ký ngày 6/3/1946 đồng ý để Pháp đưa 15.000 quân vào miền Bắc thay quân Trung quốc giải giới quân Nhật và sẽ rút quân trong vòng 5 năm (TBN: Trung quốc đã thỏa thuận để Pháp thay và sẽ rút khỏi miền Bắc chậm nhất là ngày 30/3/1946 đánh đổi một số quyền lợi Trung quốc dành cho Pháp). Pháp công nhận Việt Nam là một nước “tự do”. Sau khi Pháp đưa quân vào Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và một số thành phố nhỏ khác) Pháp muốn kiểm soát vùng Thái Nguyên căn cứ địa của ông Hồ Chí Minh và hải cảng Hải Phòng để độc quyền đưa quân dụng đồng thời chận nguồn tiếp vận của Liên Xô cho quân của ông Giáp và tạo ra các cuộc đụng độ thường xuyên giữa quân Pháp và quân ông Giáp trên tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Hải Phòng .




Ngày 23/11/1946 Pháp phối hợp Không quân và Hải quân oanh tạc thành phố Hải Phòng giết chết 20.000 dân (Pháp nói chỉ 6.000!) chiếm thành phố và sau đó đòi kiểm soát Hà Nội và con đường Hà Nội - Hải Phòng. Ngày 19/12/1946 ông Giáp ra lệnh tấn công các cơ sở của Pháp tại Hà Nội và ngày 20/12 ông Hồ Chí Minh ban hành lệnh tòan quốc kháng chiến, rút chính phủ lâm thời và các lực lượng nòng cốt lên vùng Việt Bắc để cho các lực lượng tự vệ đánh nhau với Pháp tại Hà Nội. Sau 2 tháng cầm cự và khuấy phá quân Pháp, ngày 17/2/1947 đơn vị tự vệ cuối cùng rút khỏi Hà Nội lên Việt Bắc. Pháp chính thức trở lại Đông Dương.




Tháng 10/1947 tướng Pháp Jean Etienne Valluy điều động 15.000 quân mở chiến dịch Leo chia làm 3 mủi đánh vào chiến khu Việt Bắc của ông Giáp, mục đích bắt giết toàn bộ bộ phận lãnh đạo của đảng cộng sản Đông Dương. Mủi thứ nhất nhảy dù xuống Bắc Kạn chận không cho bộ chỉ huy VM chạy trốn chờ hai mủi kia. Mủi thứ hai từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng bằng quốc lộ 4, sau đó theo quốc lộ 3 đánh xuống Bắc Kạn. Mũi thứ ba từ Hà Nội dùng tàu ngược lên sông Gấm rồi di chuyển bằng đường bộ theo quốc lộ 3 bọc phía Nam. Quân nhảy dù xuýt bắt được Hồ Chí Minh và Giáp tại Bắc Kạn (TBN: ông Giáp thuật lại rằng ông ta và ông Hồ Chí Minh chạy trốn quân Dù và ngồi đâu lưng nhau núp trong một bụi rậm. Lính Pháp đi lùng sục dùng mủi súng đập vào bụi rậm, nhưng tưởng không có gì bỏ đi – Currey, trang 139). Sau đó Hồ Chí Minh và ông Giáp lợi dụng bóng đêm thoát ra khỏi vòng vây.


Ông Giáp bắt liên lạc với bộ chỉ huy và chỉ huy cuộc chống trả. Mủi Lạng Sơn bắt tay được với quân dù ở Bắc Kạn ngày 16/10 với tổn thất nặng nề. Sau đó hai đoàn quân rút lui theo hướng Nam và ngày 19/10 gặp đoàn quân của mủi thứ ba từ Hà Nội lên giữa đường cùng rút về. Tháng 11 tướng Valluy cho tập trung 15.000 quân khác tung chiến dịch Ceinture (dây nịt thắt) định chiếm lại hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên và tiêu diệt chủ lực của ông Giáp. Lần này ông Giáp không cho quân đụng trận. Tướng Valluy không đủ quân giữ đất, tháng 12/1947 rút quân lui . Cuộc thử lửa đầu tiên năm 1947 cho Pháp thấy khó khăn trước mắt và mang lại sự tự tin cho ông Giáp. Qua năm 1948 quân Pháp ngưng hành quân củng cố bảo vệ vùng đồng bằng sông Hồng, trong khi tướng Giáp củng cố hậu phương.


Tháng 8/1948 trung tướng Roger C. Balisot sang thay tướng Valluy. Balisot chờ đến cuối năm mới bắt đầu hành động. Trong thời gian đó tướng Giáp cho du kích phá rối hàng rào phòng thủ đồng bằng sông Hồng và ông dùng năm 1948 để suy nghĩ tính toán kế hoạch tới. ** Tháng 10/1949 Mao Trạch Đông chiếm Trung hoa lục địa, quân đội tướng Giáp bây giờ có một đồng minh lớn mà Pháp không thể mua chuộc dễ dàng như với nhà Thanh và Tưởng Giới Thạch. Quân đội của tướng Giáp được Mao trang bị và huấn luyện an toàn bên kia biên giới giúp tướng Giáp thành lập 3 sư đoàn (304, 312, 316) ở Việt Bắc, và 1 sư đoàn (320) cho miền Trung và sư đoàn pháo 351.



Tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ mặc đồng phục không đeo phù hiệu (cho đến năm 1958). Binh sĩ đa số là nông dân tình nguyên hay bị động viên theo lệnh động viên Hồ Chí Minh ban hành ngày 4/11/1949. Quân đội của tướng Giáp từ 32 tiểu đoàn năm 1948 lên đến 117 tiểu đoàn năm 1951. Sự huấn luyện rất cam go vì binh sĩ gốc nông dân trong một nước còn lạc hậu chưa có ý niệm gì về kỹ luật tập thể và cơ giới. Đảng cộng sản thay thế nhược điểm này bằng học tập chính trị. Về lãnh thổ tướng Giáp chia Việt Nam thành 6 Liên Khu có mức độ sinh hoạt độc lập nào đó dưới sự chỉ huy của ông. Liên khu 1 vùng Tây Bắc, Liên khu 2 vùng Đông Bắc, Liên khu 3 đồng bằng sông Hồng, Liên khu 4 bắc Trung Việt, Liên khu 5 nam Trung Việt, Liên khu 6 Nam Việt. Liên khu 6 ở xa, liên lạc khó khăn và người miền Nam ít quan hệ và hiểu tính tình của người miền Bắc nên sự hoạt động của Liên khu 6 có tính độc lập nhất.


Cuộc đấu tranh kiểm sóat đồng bằng sông Hồng trở nên gay gắt khi trung tướng Marcel Carpentier đến thay thế tướng Blaisot (9/1949). Tướng Marcel Alessandri, phụ tá tướng Carpentier là một người có nhiều kinh nghiệm về Đông Dương. Ông mở chiến địch bình định đồng bằng sông Hồng và vận động sự hợp tác của các thành phần VNQDĐ và Công giáo. Năm 1945 đồng bào Công giáo ủng hộ Hồ Chí Minh chống Pháp giành độc lập. Nhưng đảng cộng sản Đông Dương muốn thành lập một giáo hội Công giáo độc lập do đảng cộng sản kiểm soát và không lệ thuộc Vatican nên giới Công giáo nghi ngờ thiện chí của Hồ Chí Minh. Alessandri lợi dụng tâm lý này vận động các làng Công giáo trong đồng bằng sông Hồng tổ chức tự vệ. Tướng Alessandri khá thành công trong kế hoạch nàỵ Khi tướng de Lattre de Tassigny đến thay thế Carpentier năm 1950, hầu hết các làng Công giáo trong đồng bằng sông Hồng đều trở thành khu tự trị do các linh mục địa phương quản lý.



Nguồn lương thực địa phương cho quân tướng Giáp bị cắt đứt. Quân tướng Giáp phải dùng lương thực của Mao chi viện. Năm 1950 nội bộ đảng cộng sản Đông Dương manh nha sự tranh chấp cá nhân. Sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Hồ Chí Minh thăng cấp tướng cho ông Giáp và giao cho ông nhiệm vụ Tư Lệnh các lực lượng vũ trang. Trường Chinh, một đồ đề trung thành của chủ thuyết Mao phụ trách mặt lý thuyết và chính trị lo ngại ảnh hưởng của Giáp lấn lướt mình nên bất mãn và ngấm ngầm dèm pha. Chinh cho rằng tướng Giáp chưa đủ kinh nhiệm quân sự nên đề nghị với ông Hồ đưa Nguyễn Sơn làm tham mưu trưởng cho tướng Giáp. Nguyễn Sơn từng học trường võ bị tại Liên Xô, thân Trung quốc như Chinh và từng chỉ huy một trung đoàn của Mao trong cuộc Vạn lý trường chinh của Mao.



Và để kềm chế thêm tướng Giáp, Trường Chinh đề nghị thiết lập một hệ thống ủy viên chính trị (gọi là quân ủy) toàn là người tin cẩn của Chinh bên cạnh các vị chỉ huy quân sự trung thành với tướng Giáp. Khó khăn của tướng Giáp bắt đầu. Cuối năm 1950 tướng Giáp chuyển du kích chiến sang vận động chiến và dùng các sư đoàn tân lập tấn công các tiền đồn Pháp dọc biên giới Trung quốc từ Lạng Sơn lên Cao Bằng trong một chiến dịch gọi là Chiến dịch biên giới. Giữa Lạng Sơn và Cao Bằng có hai cứ điểm hỏa lực lớn là Thất Khê và Đồng Khê. Tướng Giáp dùng lực lương cấp lữ đoàn đánh chiếm Đồng Khê và tiêu diệt quân tiếp viện từ Thất Khê lên và Cao Bằng xuống. Sau 7 ngày hành quân toàn bộ lực lượng Pháp tổn thất 6000 binh sĩ và mất một số vũ khí đủ cho tướng Giáp trang bị một sư đoàn tân lập.


Pháp hốt hoảng bỏ Lạng Sơn và tướng Carpentier tư lệnh lực lượng Pháp đề nghị di tản Hà Nội. Chính phủ Pháp không thuận và ngày 17/12 cử tướng de Lattre de Tassigny sang thay với nhiệm vụ giữ Đông Dương và cứu đế quốc Pháp khỏi sụp đổ. Tướng de Lattre huy động 80.000 binh sĩ cho xây một hệ thống đồn bót nhỏ làm thành một vòng đai bảo vệ khu tam giác Hà Nội, Hải phòng, Nam Định. Giáp thừa thắng chiến dịch biên giới tung quân vào trận với định ý chiếm thành phố Hà Nội. Ngày 17/1/1951 hai sư đoàn 308 và 312, do khuyến cáo của Trung quốc, dùng chiến thuật biển người tấn công Vĩnh Yên với mục đích chọc thủng vòng đai bảo vệ Hà Nội. Lực lượng phòng thủ Pháp gồm một trung đoàn được yểm trợ bởi máy bay và bom napalm (do Hoa Kỳ mới viện trợ) đã chận đứng quân tướng Giáp.


Chiến thuật biển người áp dụng hiệu quả tại chiến dịch biên giới không có hiệu quả tại đồng bằng nơi Pháp có công thự phòng thủ kiên cố và hỏa lực dồi dào nhất là bom napalm. Trận Vĩnh Yên, tướng Giáp thiệt 6000 quân, 8000 quân bị thương. Mặt trận Vĩnh Yên thất bại, tướng Giáp tung hai mủi liên tiếp đánh vào mặt Đông và mặt Nam của vòng đai bảo vệ Hà Nội. Tháng Ba 3 sư đoàn bộ binh đánh Mao Khê ở phía Đông. Tháng Năm 3 sư đoàn đánh vào các thị trấn Phủ Lý, Ninh Bình và Phát Diệm ở phía Nam. Hỏa lực mạnh của bộ binh Pháp và của các đơn vị hải quân trên sông đã ngăn không cho quân tướng Giáp chọc thủng các phòng tuyến. Tại Mao Khê 3000 quân của tướng Giáp bị giết và tại mặt trận phía Nam tướng Giáp tổn thất 9000 quân. Sau các tổn thất lớn lao này Trường Chinh (trong một phiên họp của Bộ chính trị) đề nghị cách chức Giáp.



Nhưng Hồ Chí Minh không thuận (mặc dù ông Hồ Chí Minh đưa vấn đề cách chức Giáp vào nghị trình). Kết quả, tướng Giáp viết bản kiểm điểm nhận lỗi lầm, đồng ý thay thế sĩ quan đàn em bất tài và nhận cố vấn Trung quốc ở mọi đơn vị quân đội. Ảnh hưởng của Trường Chinh bắt đầu lấn tướng Giáp. Cuối năm 1951 de Lattre de Tassigny bị bệnh ung thư chết. Tướng Raoul Salan sang thay.Tháng 11/1951 Salan đánh chiếm Hòa Bình nhưng sau nhiều tổn thất tháng 2/1952 Salan rút lui. Sau mùa mưa, bước vào chiến dịch Đông Xuân 1952-53 tháng 10/1952 tướng Giáp mở chiến dịch Tây Bắc đánh vào phía Tây sông Hắc Giang về phía Lào theo sự gợi ý của cố vấn Trung quốc. Cuối năm 1952 trung đoàn độc lập 149 của tướng Giáp chiếm thung lũng Điện Biên Phủ trong tỉnh Lai Châu cách biên giới Lào 8 km. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-54 tướng Giáp đưa quân từ Vinh vượt biên giới qua Lào tấn công Thakhet và bao vây căn cứ không quân Senot và chiếm cao nguyên Bolovens ở Nam Lào.



Tháng 5/1953 tướng Navarre thay thế tướng Salan với nhiệm vụ do Paris giao phó là đạt một vài thắng lợi quân sự để có thế thương thuyết với Hồ Chí Minh. Kế hoạch của Navarre trong chiến dịch Đông – Xuân 1953-1954 là tảo thanh cao nguyên Trung phần, liên khu 5 ở miền Trung, Liên khu 6 ở Miền Nam, bình định châu thổ sông Hồng, và xây dựng một lực lượng sẵn sàng tiêu diệt quân đội tướng Giáp tại miền núi non Tây Bắc và bảo vệ Lào. Navarre tính rằng quân tướng Giáp không thể được tiếp tế lương thực và đạn dược đầy đủ để đánh lớn và đánh lâu dài tại vùng Tây Bắc và ông sẽ có cơ hội tiêu diệt chủ lực của tướng Giáp. Tướng Navarre chọn thung lũng Điện Biên Phủ làm nơi thử lửa.


Ngày 4/11/1953 quân nhảy dù Pháp chiếm thung lũng Điện Biên và bắt đầu xây dựng một căn cứ kiên cố do đại tá de Castries chỉ huy. Trong một thời gian ngắn căn cứ Điện Biên Phủ trở thành một căn cứ vĩ đại trải dài trên hơn 9 km theo hướng bắc nam gồm 8 cứ điểm bao quanh một bộ chỉ huy với hai phi đạo bên bờ sông Nậm Yun, một con sông cạn có cầu bắc ngang và có 7000 binh sĩ chiến đấu và 4000 quân yểm trợ trấn giữ. Trong khi công binh Pháp đang xây cất căn cứ, tướng Giáp điều động 4 sư đoàn chính quy đến vị trí.


Tướng Navarre ước lượng với tiếp liệu khó khăn tướng Giáp chỉ có thể tập trung chung quanh Điện Biên Phủ tối đa một sư đoàn. Đoàn cố vấn Trung quốc thuyết phục tướng Giáp dùng chiến thuật biển người thanh toán căn cứ trong một thời gian ngắn. Tướng Giáp thoạt tiên đồng ý và chỉ thị cho các sư đoàn của ông chuẩn bị xuất trận ngày 25/1/1954. Nhưng nhớ lại kinh nghiệm thất bại các trận đánh biển người ở Việt Trì, Mao Khê và Ninh Bình năm 1951 (TBN: và có thể ông Giáp nghi ngờ ẩn ý không tốt của đoàn cố vấn Trung quốc) tướng Giáp thỉnh ý lại với Hồ Chí Minh và đổi chiến thuật tấn công vào từng cứ điểm.


Trong khi dồn quân và tiếp liệu đến vòng đai Điện Biên Phủ tướng Giáp cho mở các cuộc tấn công vào Bắc Lào, Lai Châu, Dakto, đánh phá phi trường Cát Bí, phá hủy máy bay để vừa phân tán quân đội Pháp vừa làm yếu lực lượng Không quân Pháp. Năm giờ chiều ngày 13/3/1954 cuộc tấn công Điện Biên Phủ bằng bộ binh mở màn sau 2 ngày pháo kích phi đạo chính. Cuộc tấn công gồm 3 đợt. Đợt đầu dùng trọng pháo làm tê liệt phi đạo chính và bộ binh tiến chiếm các cứ điểm Beatrice, Gabrielle và Anne-Marie (TBN: Castries lấy tên của tình nhân đặt cho các cứ điểm).


Đợt 2 từ 30/3 đến 30/4 thắt chặt vòng vây bằng một hệ thống giao thông hào đánh vào khu trung tâm và cô lập cứ điểm Isabelle ở phía Nam. Sau cùng đợt 3 từ 1/5 thanh toán những gì còn lại. Ngày 7/5 5 giờ 30 chiều tướng Castries bị bắt, quân Pháp kéo cờ trắng. Cứ điểm Isabelle đầu hàng vào sáng hôm sau 8/5. Trận Điện Biên Phủ kết thúc đưa đến Hiệp định Geneva chia đôi đất nước dưới áp lực của Liên Xô và Trung quốc. Cả hai đều muốn hòa hoãn với Tây phương, Liên Xô với Hoa Kỳ và Trung quốc với Pháp vì những lý do quyền lợi riêng (xem “Mao và Việt Nam” www.tranbinhnam.com Mục Bình Luận, số 304 tháng 3/2009).



Giữa năm 1954 quân tướng Giáp chính thức tiếp thu Hà Nội. Hiệp định Geneva quy định bầu cử toàn quốc để thống nhất đất nước vào năm 1956. Pháp rút vào miền Nam và rút dần về nước. Mỹ đến giúp ông Ngô Đình Diệm thành lập nước VNCH. Chính quyền miền Nam không ký Hiệp Định Geneva nên không tổ chức bầu cử. Đáp lại, đảng cộng sản Việt Nam quyết định tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chiếm miền Nam . Sau Hiệp Định Geneva Hồ Chí Minh phát động lại phong trào cải cách ruộng đất do Trường Chinh cầm đầu (cuộc cải cách ruộng đất bắt đầu từ năm 1952 được tạm ngưng để bớt số người vì sợ bỏ chạy vào Nam) bằng hình thức đấu tố theo mô thức và sự hướng dẫn của Trung quốc. Cuộc đấu tố giết hàng chục ngàn địa chủ kéo dài 2 năm gieo nhiều tang tóc oan khiên cho đến năm 1956 mới chấm dứt. Ngày 10/1956 Hồ Chí Minh nhận sai lầm và mở chiến dịch sửa sai (TBN: các sử gia nghi rằng chiến dịch sửa sai chỉ là một màn kịch) Trường Chinh mất chức Tổng bí thư và tướng Giáp được ủy thác thay mặt đảng công khai chỉ trích Trường Chinh và xin lỗi thân nhân những người đã bị giết oan. Sự chỉ trích này tăng thêm mối hiềm khích giữa tướng Giáp và Chinh. Trường Chinh, và sau này Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh đã cùng âm mưu một người một tay, một người một cách cắt cánh của tướng Giáp. Sự xung đột giữa Liên Xô và Trung quốc sau khi Khruchev tố cáo Stalin và đả kích chính sách sùng bái cá nhân là nguyên nhân chính chia rẽ nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.



Nguyên nhân khác là chính sách đối với miền Nam. Hòa hoãn hay chiến tranh? Và tướng Giáp là nạn nhân của các cuộc tranh chấp này. Tháng 1 năm 1959 đảng cộng sản Việt Nam quyết định dùng chiến tranh lật đổ chính phủ miền Nam. Quyết định chính thức được công bố sau Đại Hội 3 họp tháng 9/1960 dưới chiêu bài che đậy giúp nhân dân miền Nam nổi dậy. Lê Duẩn được nâng lên hàng thứ 2 sau Hồ Chí Minh. Tướng Giáp từ thứ 4 trong Bộ chính trị tụt xuống thứ 6. Trước đó tháng 12/1959 Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGP) ra đời tại miền Nam, và do nhu cầu giải thích với thế giới vai trò độc lập của cuộc nổi dậy, tướng Giáp không giữ một nhiệm vụ gì.


Tướng Nguyễn Chí Thanh được cử vào Nam lãnh đạo trực tiếp cho đến khi Thanh qua đời. Sau khi Nguyễn Chí Thanh vào Nam, khuynh hướng trong Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam chia làm hai. Một do Lê Duẩn chủ trương đánh mạnh bằng lực lượng quân sự. Một do Võ Nguyên Gíáp và được sự yểm trợ của Trường Chinh chủ trương dùng du kích chiến phối hợp với công tác tuyên truyền chờ tình hình chín muồi. Tháng 11/1963 tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Tình hình miền Nam hỗn loạn, Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh nhận định tình hình đã chín muồi để phát động chiến tranh, và dèm pha sự dè dặt lỗi thời của tướng Giáp. Năm 1964 Hà Nội có 3 sư đoàn đóng trong vòng 80 km quanh Sàigòn và có khả năng tổ chức hành quân cấp trung đoàn trên toàn quốc. Để phá hỏng kế hoạch đánh vào Sài gòn của cộng sản, ngày 5 tháng 8/1964 Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt lần đầu tiên sau khi một số tiểu đỉnh của hải quân miền Bắc bắn chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ đang tuần hành ngoài khơi vịnh Bắc Việt với nhiệm vụ yểm trợ các cuộc đột kích của biệt kích hải quân Việt Nam đánh vào vùng duyên hải Bắc Việt.



Cuối năm 1964 tướng Giáp đưa sư đoàn 325 vào vùng cao nguyên Trung Việt định ý cắt đôi miền Trung và kết thúc chiến tranh trước khi Hoa Kỳ có thì giờ đưa quân sang. Tháng 2/1965 tướng William Westmoreland đến Việt Nam, và ngày 8/3/1965 hai tiểu đoàn TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẳng. Trước đó, ngày 2/3, tổng thống Johnson đã cho phép Không quân Hoa Kỳ mở chiến dịch Rolling Thunder oanh tạc Bắc Việt trên căn bản thường xuyên. Trong những tháng còn lại của năm 1965 quân đội Hoa Kỳ ồ ạt đến Việt Nam. Ngày 26/6/1965 tổng thống Johnson cho phép quân đội Hoa Kỳ hành quân chống quân đội tướng Giáp . Cơ hội Hồ Chí Minh và tướng Giáp chiếm miền Nam bất thành. Ngược lại Hà Nội bắt đầu lo sợ VNCH với sự yểm trợ của Hoa Kỳ tấn công ra Bắc. Tuy nhiên tướng Giáp vẫn tìm cách thử lửa với quân đội Hoa Kỳ. Trong thời gian từ 19 đến 27 /10 tướng Giáp vây đồn Pleime của lực lượng đặc biệt. Không chiếm được đồn tướng Giáp cho rút quân qua ngã thung lũng Ia Drang và tướng Westmoreland cho sư đoàn kỵ binh không vận (TBN: một sư đoàn tân lập di chuyển hòan toàn bằng trực thăng) truy kích. Trận chiến tại thung lũng Ia Drang kéo dài 6 ngày (14-20/11) hai bên tổn thất nặng, tướng Giáp cho rút quân qua Cambốt và ông biết ông không thể trực diện đương đầu với quân đội Hoa Kỳ.



Năm 1966 tướng Giáp cho hai sư đoàn đánh qua biên giới định chiếm tỉnh Quảng Trị và uy hiếp thành phố Huế. Quân đội VNCH và một ít lực lượng TQLC Hoa Kỳ đã bảo vệ dễ dàng Quảng Trị và Huế nên cuộc tấn công không tạo được tiếng vang nào. Trả lại, tướng Westmoreland tung ra một loạt hành quân “tìm và diệt” đánh vào Bình Định, Tây Ninh và chiến khu C, nơi đặt bản doanh của Bộ chỉ huy miền Nam gây nhiều tổn thất cho tướng Giáp. Đầu năm 1967 tướng Westmoreland tiếp tục các cuộc hành quân đánh vào vùng Tam giác sắt và Chiến khu C. Tháng Tư 1967 đảng cộng sản Việt Nam họp hội nghị trung ương thứ 13 khóa 3 lượng định rằng tình hình sẽ bất lợi cho Hà Nội nếu không có một thay đổi căn bản về chiến lược. Trên nhận định đó, Trường Chinh đề nghị - và được sự ủng hộ của Duẩn và Nguyễn Chí Thanh - tung một cuộc tấn công rộng khắp vào các đô thị miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân đầu năm 1968 với mục đích tạo một cuộc nổi dậy.

Tướng Giáp cho rằng chưa đủ điều kiện, nhưng phải chấp hành ý kiến đa số. Tướng Gíáp và Nguyễn Chí Thanh được lệnh hoạch định kế hoạch tấn công. Để đánh lạc hướng, cuối năm 1967 tướng Giáp cho nhiều sư đòan bao vây căn cứ Khe Sanh do 6000 lính Hoa Kỳ trấn giữ. Đêm 31/1/1968 cuộc tấn công của Hà Nội do ám lệnh của Hồ Chí Minh đọc trên đài phát thanh Hà Nội chính thức bắt đầu. Tướng Giáp thất bại nặng nề, 40.000 binh sĩ bỏ mình và toàn bộ cán bộ và cơ sở của MTGP bị tiêu diệt, trong khi phía VNCH và Hoa Kỳ tổn thất 3.400 binh sĩ (Currey, trang 269). Dù vậy tướng Giáp vẫn tung ra cuộc tấn công Tết đợt II vào tháng 5/1968 để yểm trợ cho cuộc hòa đàm đang được dàn xếp tại Paris. Chiến lược của Hoa Kỳ sau trận Tết Mậu Thân là rút dần ra khỏi cuộc chiến và giao nhiệm vụ giữ miền Nam cho quân đội VNCH (gọi là chương trình Việt Nam hóa chiến tranh).


Ngày 25/1/1969 cuộc hòa đàm Paris bắt đầu và vào tháng Tư bộ tư lệnh cộng sản miền Nam ra chỉ thị chấm dứt mọi cuộc tấn công lớn, trở lại chiến tranh du kích và phá rối. Để yểm trợ cho cuộc rút quân tháng 3/1969 Hoa Kỳ dùng B-52 oanh tạc Bộ Tư Lệnh cộng sản miền Nam tại Cambốt. Tháng 8/1969 Hoa Kỳ bắt đầu rút quân. Tháng 9/69 Hồ Chí Minh qua đời và bộ ba Duẩn, Đồng, Giáp nắm bộ máy lãnh đạo cuộc chiến. Tiếng nói của tướng Giáp trở nên có trọng lượng hơn (TBN: Duẩn tạm cần trí tuệ của Giáp khi không còn Hồ Chí Minh). Hội đàm Paris lằng nhằng, chiến trường Việt Nam lắng dịu trong khi Hà Nội chờ Hoa Kỳ rút quân. Để chuẩn bị cho cuộc thư hùng sắp tới với quân đội VNCH Hà Nội xây dựng một hậu cứ vững chắc trên đất Cambốt, và năm 1970 cho quân xâm nhập sâu vào Nam Lào có ý kiểm soát sông Cửu Long làm đường tiếp vận, đồng thời đánh sâu vào vùng Angkor để bảo vệ đường mòn Sihanouk. Với mục đích trì hoãn một cuộc tấn công lớn của Hà Nội, ngày 1/5/1970 quân đội VNCH với sự yểm trợ của Hoa Kỳ đánh vào căn cứ của cộng sản tại Cambốt và tháng 2/1971 đánh vào đường mòn Hồ Chí Minh (chiến dịch Lam Sơn 719).



Sau hai cuộc tấn công để làm trì hoãn của Hoa Kỳ và VNCH, quân đội tướng Giáp trở lại Cambốt và kiểm soát đường mòn Hồ Chí Minh. Hà Nội lượng định tình hình cho là thuận lợi, và để yểm trợ đòi hỏi của Lê Đức Thọ tại cuộc hòa đàm Paris, Hà Nội ra lệnh tướng Giáp chuẩn bị một chiến dịch lớn vào năm 1972. Cuộc tấn công năm 1972 gồm nhiều sư đoàn với xe tăng và trọng pháo bắt đầu vào mùa Xuân đánh vào 3 vị trí: một qua vĩ tuyến đánh vào Quảng Trị, một vào vùng Kontum, Pleiku phối hợp với cuộc tấn công ở đồng bằng tỉnh Bình Định mục đích cắt đôi Việt Nam (như kế hoạch năm 1965) và một đánh vào Lộc Ninh, An Lộc phía Bắc Saigòn để uy hiếp thủ đô. Tướng Giáp thất bại trong chiến dịch vì mở mặt trận qúa rộng, đánh quá nhiều mủi làm tổn thất 100.000 quân. Mặc dù khi thảo luận sách lược tướng Giáp không đồng ý với cuộc tấn công tướng Giáp vẫn bị khiển trách. Tháng 4/1973 Giáp mất quyền trực tiếp chỉ huy quân đội vào tay tướng Văn Tiến Dũng. Tướng Giáp chỉ còn giữ chức Bộ trưởng quốc phòng. Lúc này quân tác chiến Hoa Kỳ sắp rút hết khỏi Việt Nam, Hà Nội không cần tướng Giáp nữa. Tin đồn nói ông bệnh đi Liên Xô điều trị. Hiệp định Paris ký kết vào tháng 1/1973. Hà Nội trả tù binh, Hoa Kỳ rút hết quân. Năm 1975 tướng Văn Tiến Dũng lãnh đạo chiến dịch Hồ Chí Minh chiếm miền Nam kết thúc chiến tranh ngày 30/4/1975.



Sau khi thống nhất, cuối năm 1975 tướng Giáp được Duẩn ủy thác cầm đầu một phái đoàn ngọai giao đi thăm Cuba và Algeria . Năm 1976 tướng Giáp chỉ xuất hiện trong các buổi lễ lớn. Trong đại hội 4 của đảng tướng Giáp chỉ còn đóng một vai trò mờ nhạt. Ông được ủy thác báo cáo về khoa học kỹ thuật. Văn Tiến Dũng là người đọc báo cáo quân sự, một công việc của tướng Giáp trong suốt 31 năm qua (từ năm 1945). Trong Bộ chính trị ông bị đẩy xuống sau Lê Đức Thọ. Sau đại hội tướng Giáp lại dẫn phái đoàn đi thăm các nước Đông Âu. Trở về ông đi công tác ngoại giao Trung quốc. Tháng 2/1980 tướng Giáp mất chức Bộ trưởng quốc phòng, được giao phụ trách khoa học và kỹ thuật. Trong năm 1980 tướng Giáp đi công tác Liên Xô hai lần, và một chuyến thăm lục địa Phi châu kéo dài cho đến tháng 1/1981. Tháng 12/1980 Duẩn, Thọ, Mười và Dũng chủ trương tái tổ chức bộ máy chính trị và quân sự theo mẫu Liên xô. Trường Chinh và Giáp chủ trương Việt Nam nên có thái độ trung lập giữa Liên Xô và Trung quốc mặc dù Trung quốc vừa đánh Việt Nam năm trước.



Sự bất hòa này kéo dài đến tháng 2/1982 khi Duẩn có đủ hậu thuẩn trong Bộ chính trị, trong Hội nghị 5 TW đảng khóa 3, Duẩn đẩy tướng Giáp ra khỏi Bộ chính trị, chức vụ quan trọng cuối cùng của tướng Giáp. Năm 1984 tướng Giáp được giao phó phụ trách Ủy ban dân số và kế hoạch gia đình. Năm 1988 sau khi Việt Nam đổi mới qua đại hội 6 (1986) thủ tướng Đỗ Mười giao cho tướng Giáp phụ trách giáo dục. Năm 1990 sau khi Đông Âu sụp đổ, Việt Nam làm hòa với Trung quốc tướng Giáp được cử đi Trung quốc tham dự Á vận thứ 11 tại Bắc Kinh. Tháng 8/1991 tướng Giáp được thưởng huy chương Hồ Chí Minh, một huy chương cao quý nhất của đảng, nhưng không có nghi lễ gắn huy chương. Sau tuổi bát tuần tướng Giáp sống trầm lặng nơi căn nhà hai tầng của chính phủ dành cho ông tại đường Hoàng Diệu. Thỉnh thoảng ông tiếp khách nước ngoài với sự chấp thuận của đảng trong từng trường hợp. Bà Đặng Bích Hà săn sóc ông.



**



Là một nhân vật gần như huyền thọai, nên chung quanh tướng Giáp vẫn còn rất nhiều điều chưa được giải thích. · Năm 1946 khi tướng Giáp về An Xá thăm cha, ông Võ Quang Nghiêm không cho phép ông gặp mặt. Có phải lý do là vì tướng Giáp đã điều động cuộc tàn sát các chiến sĩ quốc gia không theo đảng cộng sản trong năm 1945, 1946 không? Ông Võ Quang Nghiêm là một người không ưa chủ nghĩa cộng sản, và hẵn là không chấp nhận cách hành xử khát máu của con mình. ·


Tướng Giáp có liên hệ gì với cuộc tàn sát 5000 người ở Huế trong Tết Mậu Thân 1968 không? Một cuộc tàn sát như vậy phải có lệnh từ cấp cao, và lúc đó tướng Giáp là tổng tư lệnh chiến dịch. Rất có thể tướng Giáp đã gián tiếp ra lệnh hạ sát để trả thù cha. Năm 1947 khi Pháp trở lại miền Trung, ông Nghiệm bị bắt và bị hành hạ cho đến chết tại lao Thừa Thiên, Huế. · Tại sao tướng Giáp quá tệ bạc với các sĩ quan và tướng lãnh thân tín như vậy? Những tướng như Lê Trọng Tấn, Hoàng Thế Thái ủng hộ tướng Giáp đã đột tử một cách đáng nghi (Đêm Giữa Ban Ngày – Vũ Thư Hiên, trang 279) tướng Giáp không lên tiếng đòi hỏi điều tra. Và khi các tướng đàn em của ông như Lê Liêm, Đăng Kim Giang bị bắt trong vụ “xét lại chống đảng” vì bị nghi là âm mưu lật đổ tập đoàn Lê Duẩn – Lê Đức Thọ cũng không thấy ông lên tiếng bênh vực.


Chính bản thân ông đang là một Ủy viên Bộ chính trị cũng bị gián tiếp điều tra và theo dõi ông cũng không một lời phản đối chính thức. Ông Võ Nguyên Giáp sợ gì? Hay ông chỉ là con hổ giấy. · Tướng Giáp có bị bệnh ung thư không? Thất bại trong cuộc tấn công năm 1972, và sau khi mất chức Tổng tư lệnh quân đội, tướng Giáp vắng mặt tại Hà Nội 7 tháng (từ 9/1973 đến 5/1974) và tin nói ông qua Liên Xô chữa bệnh ung thư. Theo ông Cecil B. Curry, trong tháng 12/73 hay tháng 4/74 có một nhà ngoại giao Tây phương tình cờ thấy tướng Võ Nguyên Giáp tại một bệnh viện ung thư ở Mạc Tư Khoa.


Tuy nhiên nếu dựa vào cuộc phỏng vấn tướng Võ Nguyên Giáp bởi nhà báo Pháp Berengère d’Aragon của tờ Paris Match tháng 10/1997 thì việc tướng Võ Nguyên Giáp vào bệnh viện tại Mạc Tư Khoa có thật, nhưng bệnh thật hay không vẫn còn là một nghi vấn. Hay Lê Duẩn muốn đẩy tướng Võ Nguyên Giáp ra khỏi Hà Nội để chuẩn bị người thay thế ông. Trong thời gian tướng Giáp vắng mặt trung tướng Văn Tiến Dũng được thăng thượng tướng (Currey, trang 295). Trong cuộc phỏng vấn, tướng Võ Nguyên Giáp biết bà phóng viên từng bị trọng bệnh, ông vừa cười vừa khuyên bà: “Bà đừng có tin lời của bác sĩ. Họ là những con chim mang tin xấu cho người. Họ bảo tôi bị ung thư lá lách hay ung thư gì đó đại lọai như vậy đã 30 năm rồi. Nếu họ nói đúng thì tôi đã chết mất đất ít nhất cả chục lần rồi.” (Currey, trang 293).



Dựa vào lời nói của tướng Võ Nguyên Giáp và căn cứ vào sức khỏe hiện nay của ông gần 100 tuổi ông vẫn còn khỏe và trí óc minh mẫn người ta có thể nghiêng về giả thuyết bệnh ung thư được loan truyền của ông là bệnh chính trị do các đồng chí thân mến Lê Duẩn và Lê Đức Thọ dàn cảnh. · Tháng 12/2007 khi Trung quốc sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa thành quận huyện của tỉnh Hải Nam ông Giáp không một lời phản đối. Trái lại năm 1979 khi Trung quốc đánh qua biên giới phía Bắc tướng Giáp trong một cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài đã kết án Trung quốc bằng những lời lẽ nặng nề rằng “đây là một hành động xâm lăng vô cùng phi lý, tàn bạo và dơ bẩn nhất trong lịch sử.” (Currey, trang 309).


Cái gì có thể giải thích thái độ bất nhất sợ sệt này. ** Tháng 7/1991 tướng Giáp rời khỏi chức vụ Ủy viên Trung ương đảng và chính thức nghỉ hưu, một tháng trước ngày sinh nhật thứ 80 của ông. Thời gian nghỉ hưu ông có vẻ vẫn còn quan tâm đến việc quốc gia và từng lên tiếng chống tham nhũng, chống sự lạm quyền trong quân đội trong vụ TC2, chống chương trình để cho Trung quốc khai thác quặng bauxít ở cao nguyên miền Trung. Những việc đó cho thấy tướng Giáp luôn trăn trở với vai trò của ông và của đảng cộng sản mà ông đã phục vụ suốt đời đối với lịch sử. Tướng Giáp đã tiếp nối cha anh bất khuất đánh Nguyên, cự Thanh ghi Việt Nam vào lịch sử thế giới là một nước nhỏ đã đánh thắng hai cường quốc Tây phương. Cá nhân ông được ghi nhận như một danh tướng trên thế giới. Nhưng đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại trong công cuộc đưa đất nước đến chỗ cường thịnh và làm cho thế giới kính nể như mộng ước của tướng Giáp khi ông rời bỏ Huế để ra Thanh Hóa theo chân ông Đặng Thai Mai, người thầy và sau này trở thành bố vợ của ông tìm đường chống Pháp. Câu hỏi chính là: tướng Giáp là con người của lịch sử hay là nạn nhân của lịch sử? Tướng Giáp có trọn vẹn làm nên lịch sử không hay chỉ là “chiếc lá giữa dòng” như bao con người khác trong đó có những người lính gốc nông dân ông lùa ra chiến trường trong những trận đánh biển người của ông?


Trong khi chờ đợi lịch sử phán xét, nếu chúng ta kéo bức tranh vẽ cuộc đời của ông để nhìn thật gần chúng ta không khỏi thấy màu u ám. Nơi ông hòa hợp cái mạnh (qua lời nói) với cái yếu (trong hành động) và tỏa ra một cái gì bạt nhược. Ông đã bỏ qua nhiều cơ hội hành động khi bị các đồng chí của ông kém tài nhưng thủ đoạn hơn cắt lông cắt cánh. Và cuối đời hình như ông lo sợ, lo sợ cái cỗ xe ông đã dày công góp sức đóng nên sẽ nghiền nát ông như đã từng nghiền nát những đàn em thân tín của ông. Ông muốn được quốc táng! Tướng Giáp có là một danh tướng không, hay chỉ là danh hão do báo chí quốc tế tung hô? Nhưng dứt khoát ông không phải là dũng tướng. Đó là điều bất hạnh không những cho cá nhân tướng Giáp mà còn là điều bất hạnh cho dân tộc Việt Nam./.

Trần Bình Nam Jan. 21, 2010 binhnam@sbcglobal.net www.tranbinhnam.com

*

No comments:

Post a Comment