Pages

Monday, January 18, 2010

NGUYỄN QUANG DUY * CHÍNH LUẬN

*


Đừng Để Mất Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông.

Nguyễn Quang Duy

Ngày 18/1/2010, nhà cầm quyền Bắc Kinh và Hà Nội kỷ niệm 60 năm chính thức trao đổi ngoại giao. Trong 60 năm có lúc hai đảng xem nhau như đồng chí, như anh em. Cũng có lúc đảng Cộng sản Việt Nam xem Trung Quốc như “kẻ thù truyền kiếp của dân tộc”. Mối liên hệ hiện thời được diễn tả ngắn gọn như sau : Trung Quốc phẩy tay,Đảng chỉ tay, Chính phủ phủi tay, Mặt trận vỗ tay, Quốc hội giơ tay, dân trắng tay” (trích Chỉ thị số 34-CT/TW)

Mối liên hệ nêu trên thật ra chỉ được một thiểu số cầm quyền ra công củng cố. Đại đa số dân Việt ngược lại đang vận động để Việt Nam thoát khỏi kiếp chư hầu Trung Quốc. Giới luật gia trí thức vận động quốc tế hóa Biển Đông. Giới báo chí mang thông tin, tạo quan tâm đến quần chúng đồng bào. Giới quân đội đòi chuyên môn hóa, hiện đại hoá quân đội, để giữ nước, để bảo vệ dân chài không bị quân đội Trung Quốc áp bức. Giới sinh viên thanh niên xuống đường đòi trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam.

Ngày 17/3/2009, Chương trình nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao, đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Tranh chấp chủ quyển tại Biển Đông: Lịch sử, Địa lý, chính trị và Luật pháp quốc tế” Điện báo Tuần Việt Nam cho biết hội thảo đã đề ra một số khuyến nghị sau:

  1. Chính sách của Việt Nam về Biển Đông phải đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại toàn diện, bao gồm cả an ninh, phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Phải đặt vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo dõi các động thái của Trung Quốc, quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc- các nước ASEAN, quan hệ Trung-Đài.
  2. Phải xây dựng được hồ sơ pháp lý đầy đủ về vấn đề này dùng để đấu tranh chính trị, tuyên truyền, đàm phán và lúc cần cho việc phân xử tại Tòa án quốc tế.
  3. Quốc hội cần thông qua luật về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Chính phủ cần có chiến lược biển toàn diện và đồng bộ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó chú ý đến việc hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh răn đe.
  4. Nên 4 hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông: Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóa và Phi nhạy cảm hóa.
  5. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông dựa trên hai sức mạnh là dân tộc và thời đại. Dân tộc: là khối đại đoàn kết dân tộc (trong và ngoài nước); và Thời đại là luật pháp quốc tế, tính chính nghĩa của Việt Nam.
  6. Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học về Biển Đông. Cấp học bổng đi học tại nước ngoài. Tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc của các thế hệ mai sau, coi đó là một chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của ta.

Ngày 04/12/2009, Tại Hà Nội một cuộc hi tho khác về Biển Đông do Trung tâm Lut Bin và Hàng hi quc tế, Khoa Lut, Đại Học Quc gia, Hà Ni, tổ chức nhằm: “Xây dng h sơ pháp lý v ch quyn ca Vit Nam đi vi hai qun đo Hoàng Sa và Trường Sa” đã được tiến hành. Khai mc hội thảo, Phó giáo sư Tiến Sỹ Nguyn Bá Diến nêu rõ trong bi cnh tranh chp ch quyn ti Bin Đông ngày càng din biến phc tp đòi hi phi xây dng mt h sơ pháp lý v ch quyn ca Vit Nam đi vi bin đo nói chung, đi vi Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng, để đu tranh bo v ch quyn và tiến ti vic trình lên các cơ quan có thm quyn gii quyết tranh chp quc tế có chc năng xét x như: Tòa án công lý quc tế, Tòa án quc tế v lut bin, Trng tài quc tế.

Cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang cố gắng hành xử vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 để lôi kéo quốc gia ASEAN ngăn chặn chiến lược lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Xưa nay các diễn biến về chủ quyền lãnh thổ chỉ diễn ra dưới hình thức tranh biện qua các lời tuyên bố, thông cáo, văn thư hay bạch thư giữa hai bên. Với Trung Quốc việc quốc tế hoá Biển Đông là một điều không thể chấp nhận được.

Nhân Ngày Hoàng Sa 19/1/2010, người viết xin được đề cập lại chiến lược Biển Đông của Trung Quốc, điểm qua một số sự việc đang xảy ra, dựa trên những lập luận từ phía Trung Quốc để xem lại gỉai pháp về Biển Đông và góp vài nhận định cá nhân đến bạn đọc xa gần đang quan tâm đến chủ quyền dân tộc.

Biển Đông trong chiến lược toàn cầu

Tháng 10/1979, Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chính thức công bố văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua (1949-79)”. Văn kiện này vạch rõ chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền của Trung Quốc:

Chiến lược của những người lãnh đạo Trung Quốc có những thay đổi rất lớn. Nhưng có một điều không thay đổi: đó là mục tiêu chiến lược muốn nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác.

Tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956, Chủ tich Mao Trạch Đông đã nói: ‘Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hoá, khoa học kỹ thuật và công nghiệp…Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới’

Sau đó, tháng 9 năm 1959, tại Hội nghị của Quân uỷ trung ương, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: ‘Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta’”

Văn kiện này cho biết theo tài liệu “Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc” của Mao Trạch Đông viết năm 1939 do hiệu sách Tân Hoa thư điếm (Dực Nam) tái bản tháng 6 năm 1949, trong đó có đoạn viết:

Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Nêpan và Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam…”

Đường vẽ chấm là “biên giới” của Trung Quốc theo quan điểm bành trướng, những vùng đánh số là những lãnh thổ mà nhà cầm quyền Bắc Kinh cho là đã bị nước ngoài “chiếm mất” bao gồm: một phần lớn đất vùng Viễn Đông và Trung Á của Liên Xô (số 1, 17, 18), Át Xam (số 6), Xích Kim (số 4), Butan (số 5), Miến Điện (số 7), Nêpan (số 3), Thái Lan (số 10), Việt Nam (số 11), Lào, Campuchia…


Văn kiện trên cho biết :”Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ.”

Để thực hiện chiến lược này, Trung Quốc đã nhiều lần tấn công và chiếm đóng biển đảo của Việt Nam. Năm 1956, khi quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc cho quân chiếm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, lợi dụng Hoa Kỳ rút khỏi miền Nam, Trung Quốc oanh tạc quần đảo Hoàng Sa và chiếm các đảo phía Tây, do quân Việt Nam Cộng hoà đang đóng giữ. Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc. Năm 1988, khi Liên Sô muốn rời khỏi Đông Dương, Trung Quốc lại tấn công quần đảo Trường Sa. Sáu đảo đã bị quân Trung Quốc chiếm đóng. Từ đó đến nay họ tiếp tục lấn chiếm các đảo nhỏ của Việt Nam khi có điều kiện.

Năm 1982 cùng với 118 quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc ký Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Theo Công Ước, Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của các quốc gia là 200 hải lý để đánh cá hay khai thác dầu khí.

Ngay sau đó Trung Quốc đưa ra thuyết Biển Lịch Sử hay Lưỡi Bò Trung Quốc. Lưỡi Bò Trung Quốc liếm sát bờ biển các quốc gia Đông Nam Á, cách Quảng Ngãi, Việt Nam 40 hải lý, cách Natuna, Nam Dương 30 hải lý, cách Sarawak, Mã Lai và Palawan, Phi Luật Tân, 25 hải lý. Chiếm trọn 3 túi dầu khí đang khai thác là Bãi Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, Bãi Natuna của Nam Dương và Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi Luật Tân. Bao trùm hơn 80% Biển Đông.

Lưỡi Bò Trung Quốc

Luật sư Nguyễn Hữu Thống cho biết: “… vì thuyết Biển Lịch Sử chỉ là một chính sách giả tưởng hay một khẩu thuyết vô bằng, không căn cứ vào các điều khoản của các hiệp ước và công ước quốc tế, kể cả Luật Biển và Luật Tục Lệ Quốc Tế. Vì biết rõ điều đó nên, từ thập niên 1990 khi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được ban hành, Trung Quốc không bao giờ dám chấp nhận để Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế thụ lý những vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Hoàng Sa thì đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Còn Trường Sa thì hiện nay đang bị 6 quốc gia chiếm giữ là: Phi Luật Tân, Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Mã Lai Á và Brunây. Nhiều mỏ dầu và khí lớn đã được phát hiện trên thềm lục điạ các quốc gia trong vùng. Biển đông lại nằm trên trục giao thông hàng hải quốc tế và trên một vị trí chiến lược quân sự. Bởi thế các tranh chấp về đảo và lãnh hải sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Năm hữu nghị Việt-Trung

Ngay đầu năm nay, ngày 2/1/2010, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng phản đối khi Quốc vụ viện Trung Quốc công bố một kế hoạch phát triển kỹ nghệ du lịch trong vùng Hải Nam thành một nơi du lịch quốc tế lớn, bao gồm dự án phát triển du lịch Hoàng Sa là. Bà Nga tuyên bố việc làm của phía Trung Quốc là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.” Ngay sau đó, ngày 4/1/2010, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Jiang Yu đã bác bỏ những lời tuyên bố phiá Việt Nam, và cho rằng Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi được” trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước đó ngày 26/12/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua "Luật bảo vệ hải đảo” đặt hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam là thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bà Nguyễn Phương Nga trả lời báo chí rằng luật Bảo vệ hải đảo mà Trung Quốc vừa thông qua liên quan tới vùng Biển Đông là "hoàn toàn không có giá trị pháp lý".

Ngày 6/1/2010, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường cho biết, lãnh đạo hai nước đã “nhất trí” lấy năm 2010 làm “Năm hữu nghị Việt-Trung”. Ông Tường cho rằng giải pháp thiết thực hiện nay là tạm gác lại tranh chấp Biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết, trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước. Ông Tường đã vượt quá vai trò của nhà ngoại giao lên giọng bắt nạt "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại"! Câu bắt nạt trên tóm gọn chiến lược của Trung Quốc dành cho Việt Nam.

Ngày 12/1/2010, bài “Thuyết phục để Trung Quốc không thành kẻ bắt nạt thế giới” trên điện báo vietnamnet.vn, sau ít tiếng đồng hồ đã bị gỡ xuống không cho biết lý do. Bài báo viết về cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo sư Joseph Nye, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, về câu chuyện phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu khủng hoảng và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Giáo sư Nye dẫn lại lời của Tổng thống Mỹ Barack Obama: Mỹ vừa muốn hợp tác với Trung Quốc, vừa tăng cường liên minh với Nhật Bản, hợp tác với Ấn Độ "giữ không để Trung Quốc thành kẻ bắt nạt thế giới", vì lợi ích của thế giới và của chính Trung Quốc. Ông Dũng đáp lời cho rằng: "Mọi hành vi bắt nạt nước khác đã lỗi thời. Bất kỳ quốc gia nào muốn đứng trên bắt nạt dân tộc khác thì thời đại này cũng khó thực hiện được và không có lợi cho bất kỳ ai".

Người Việt chúng ta hẳn chưa quên hai bài học về “hợp tác” giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam. Bài học thứ nhất là “Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam – Trung Quốc” ký ngày 30-12-1999, ta mất ải Nam Quan, thác Bản Guốc và nhiều phần đất ông cha để lại. Bài học thứ hai là “Hiệp ước phân định lãnh hải” ký ngày 25-12-2000, so với các Hiệp Định về biên giới Pháp-Trung trước đây, Việt Nam mất khoảng 10,000 Km2 lãnh hải Vịnh Bắc Việt.

Những tuyên bố trước đây của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không giá trị về pháp lý

Tạ Quốc Tuấn nghiên-cứu các lời tuyên-bố của hai chính-phủ Bắc-kinh và Đài-bắc liên-quan đến vấn-đề chủ-quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1951 đến nay, đã đi đến kết luận: “… cả hai chính-phủ này có luận-cứ vu-vơ, mơ-hồ và võ-đoán. Họ chỉ nói đi nói lại nhiều lần là Trung-quốc có chủ-quyền bất-khả tranh-nghị hay chủ-quyền hợp-pháp và chủ-quyền đó có từ xa-xưa lắm rồi, nhưng lại không đưa ra được một bằng-chứng cụ-thể nào, căn-cứ vào các tiêu-chuẩn lịch-sử, địa-lý hay luật quốc-tế, để chứng-minh là chủ-quyền đó thuộc về Trung-quốc.” Chính vì thế ngay từ thời Pháp, đã hai lần người Pháp đề nghị (năm 1932 và năm 1947) nhờ Quốc Tế phân xử tranh chấp lãnh hải đều bị Trung Hoa từ chối.

Luật sư Nguyễn Hữu Thống nghiên cứu Công Pháp Quốc Tế cho biết Trung Quốc hoàn toàn không có lý lẽ gì để xác minh Hoàng Sa Trường Sa là một phần lãnh thổ của họ. Ông Thống còn cho biết năm 1995 đã gửi một Bản Tường Trình đến 7 vị nguyên thủ các Quốc Gia trong Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á để trình bày nhận định nêu trên.

Khi phân tích lập luận của hai phía Trung Quốc – Việt Nam, Tiến sĩ Luật học Đặng Minh Thu đặt biệt chú ý đến việc: Trung Quốc nói rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa vì những lời tuyên bố trước đây của phiá Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Ngày 15/ 6/1956, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ông Ung văn Khiêm đã nói với ông Li Zhimin, tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam “theo những tài liệu của Việt Nam, trên phương diện lịch sử, Xisha và Nansha thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.” Xử lý thường vụ Giám đốc Phòng Á châu Sự vụ Việt Nam ông Lê Lộc, đã nói thêm: “Trên mặt lịch sử, các đảo Tây Sa và Nam Sa đã là đất đai của Trung Quốc từ đời Nhà Tống (960-1279)”.



Ngày 14/9/1958, Phạm Văn Đồng gửi bức công hàm cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai xác nhận “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” và “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.” Nhiều điều trong Bản tuyên bố ngày 4/9/1958 đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc. Năm 1977, Phạm Văn Đồng đã phải xác nhận rằng: “Lúc đó là thời kỳ chiến tranh nên tôi phải nói như thế!”.



Ngày 9/5/1965, nhà cầm quyền Hà Nội đã chỉ trích Mỹ vi phạm "hải phận Trung Quốc chung quanh các đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa)". Thêm vào đó báo Nhân Dân nhiều lần đề cập đến không phận Trung Quốc trên đảo Hoàng Sa.

Tiến sỹ Đặng Minh Thu lập luận “Những lời tuyên bố trên không có hiệu lực vì trước năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý những đảo này. Lúc đó, những đảo này nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà; mà các chính phủ Việt Nam Cộng hoà luôn luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.” và “…đứng trên phương diện thuần pháp lý, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp. Trước năm 1975, các quốc gia và lãnh thổ tranh chấp gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hoà và Philippin. Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp.”



Mặc dù khi quân đội Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, Hải quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã một lòng hy sinh cố giữ lãnh thổ ông cha, nhà cầm quyền Hà Nội đã lặng im đồng lõa cho sự kiện. Sau này khi bị Trung Quốc tấn công, đảng Cộng sản mới tuyên bố khác đi. Như điều 4 của Tuyên bố do Bộ Ngoại giao nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa (7/8/1979) nhấn mạnh:

“…Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự, lúc đó vẫn dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã tuyên bố rõ ràng cương vị của họ như sau:

- Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những câu hỏi thiêng liêng cho tất cả mọi quốc gia;

- Những khó khăn về biên giới lãnh thổ, thường tồn tại trong các cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng do lịch sử để lại, có thể vô cùng rắc rối và nên được nghiên cứu kỹ càng; và

- Các quốc gia quan tâm nên cứu xét vấn đề này trong tinh thần công bằng, tôn trọng lẫn nhau, hòa nhã, láng giềng tốt và giải quyết vấn đề bằng sự thương lượng.”



Tiến sỹ Đặng Minh Thu đi xa hơn lập luận: “Nếu đặt giả thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một thì dựa trên luật quốc tế, những lời tuyên bố đó cũng không có hiệu lực... vì Trung Quốc đã không bị thiệt hại gì, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không hưởng lợi gì qua những lời tuyên bố đó. Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ là một lời hứa bị tác động bởi hoàn cảnh chiến tranh. Cuối cùng, nếu xem ba lời tuyên bố này như là của Việt Nam nói chung, thì nó thiếu tính liên tục và trường kỳ để có thể làm mất đi chủ quyền của Việt Nam, với tư cách là một chủ thể duy nhất, đã hành xử và khẳng định quyết liệt từ hơn ba thế kỷ nay… muốn bảo đảm cho sự chiếm hữu của Trung Quốc không thể tạo ra chủ quyền được, thì Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa (và cả Trường Sa nữa). Việt Nam cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa ra trước Toà án Quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý.” Nói tóm lại các tuyên bố của nhà cầm quyền Hà nội khi ấy chỉ có giá trị chính trị và hòan tòan không có giá trị về pháp lý.



Tiến sỹ Đặng Minh Thu không tin việc Trung Quốc sẽ chấp nhận giải pháp nhờ Quốc tế phân xử nên đề nghị :”Giải pháp hiện thời, thực tiễn nhất là Việt Nam đem ra khối ASEAN hoặc Liên hợp quốc để giải quyết. Liên hợp quốc là giải pháp có thể hữu hiệu hơn, vì đem ra cơ quan này có tính cách khoáng đại, cho phép Mỹ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia khác tham dự vào. Hơn nữa, trường hợp Liên hợp quốc không giải quyết được, hoặc nếu có vấn đề trong việc giải quyết, Liên hợp quốc vẫn có quyền đem vấn đề ra Toà án quốc tế và yêu cầu Toà cho ý kiến (avis consultatif) mà không cần sự đồng ý của bất cứ quốc gia nào. “Thủ tục cho ý kiến” của Toà án Quốc tế không có hiệu lực quyết định như một bản án thực sự, nhưng nó vẫn có một tác động mạnh mẽ trong dư luận thế giới.


Cũng cần nhắc đến nhiều cá nhân (như Luật Sư Nguyễn Hữu Thống) hay tổ chức Cộng Đồng Hải Ngọai (như Cộng Đồng Việt Nam Bắc Cali) hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa vẫn không ngừng lên tiếng trước Quốc Tế để tạo dư luận Hòang Sa – Trường Sa thuộc Việt Nam. Người Việt tự do cũng luôn luôn nhắc nhở nhau hướng về quê cha đất tổ, nơi một phần quê hương đang bị ngọai bang xâm chiếm. Các công trình nghiên cứu cá nhân nêu trên đã được thực hiện và phổ biến rộng rãi trên mạng lưới toàn cầu nhiều năm nay, cũng do tấm lòng hướng về quê hương của đàn con nơi đất khách quê người.

Về phía nhà cầm quyền Việt Nam, họ đã để mất nhiều cơ hội Quốc tế hoá Biển Đông. Và tình trạng Việt Nam mất Biển Đông càng trở nên trầm trọng hơn. Đến đây chúng ta có thể thấy việc công khai hoá và quốc tế hoá tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc là điều tối cần thiết phải làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên để dành lại chủ quyền dân tộc chính trị vẫn là vấn đề chủ yếu.

Vấn đề chủ yếu: Chính Trị

Việt Nam là một quốc gia cộng sản và vẫn là một mối đe doạ cho nền hoà bình thế giới. Thế nên khi Việt Nam vưà sắm vũ khí tân trang quân đội, các quốc gia trong vùng đã lo sợ và lên tiếng. Các tài liệu công khai và chính thức cộng sản Việt Nam luôn một cách vu vơ coi các quốc gia cổ vũ tự do là các thế lực thù địch. Lãnh đạo công sản thì tự ví mình như tên lính giữ đồn cho Trung Quốc, như Nguyễn Minh Triết từng tuyên bố “Việt Nam và Cu Ba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cu Ba thức thì Việt Nam ngủ. Việt Nam gác thì Cu Ba nghỉ”. Tên lính tiên phong thực hiện chiến lược tòan cầu cho Trung Quốc, trong đó “Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược” của Trung Quốc đã được đề cập trong văn kiện “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc…”.

Về đối nội, Luật sư Lê Công Định một trong rất ít người Việt có khả năng tranh tụng Quốc Tế. Ông Định có thể đại diện Việt Nam đưa Trung Quốc ra toà vì bất hợp pháp xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Trái ngược lại, vì những hành động ôn hòa nhưng tích cực dành lại tự do và dân chủ cho dân tộc, dành lại chủ quyền cho đất nước, ông đang bị tù và sắp ra toà cộng sản Việt Nam.



Ngày nay dưới mắt dân chúng, người cầm quyền Việt Nam do chính Trung Quốc sắp đặt. Trước Đại Hội lần thứ X, tháng 11-2005, Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam. Sau đó những nguồn tin không chính thức đưa ra chính Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu gặp toàn thể Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Tại cuộc gặp này, chủ tịch đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói một cách đại ý như sau: Trung Quốc không can dự vào việc sắp xếp nhân sự sắp tới của Đại hội X, nhưng chỉ yêu cầu “một điều”, là “không thay đổi tổng bí thư”. Tháng 4-2006, Nông Đức Mạnh lại được chọn làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Thế cho nên Nông đức Mạnh chỉ phục vụ lợi quyền Trung Quốc, Bauxite Tây Nguyên là một thí dụ điển hình.

Trước Đại Hội lần thứ XI, giới cầm quyền cộng sản đang phải đối đầu với đòi hỏi thay đổi chính trị và thoát ly ách chư hầu Trung Quốc, từ ngay bên trong đảng Cộng sản, trong quân đội, trong giới khoa bảng trí thức, trong giới ngoại giao. Những đòi hỏi này lan rộng đến mọi tầng lớp dân chúng trong và ngoài nước. Sau Năm hữu nghị Việt-Trung có thể sẽ có những thay đổi lớn về nhân sự đảng Cộng sản để từng bước dẫn đến thay đổi chính trị thực sự một cách hoà bình.

Trong một cuộc phỏng vấn do Nhã Trân, phóng viên Á Châu Tự Do thực hiện Luật sư Nguyễn Hữu Thống cho biết :”Vấn đề lãnh thổ - lãnh hải là do quốc dân. Dân mới quan trọng chứ không phải đảng. Đảng phải trả lại quyền cho dân thì dân mới đòi lại được chủ quyền đó. Đảng cộng sản như thế là vi phạm quyền của người dân. Đảng cộng sản đã toa rập với Trung Quốc rồi thì bây giờ phải trả lại cho quốc dân quyền đó. Phải cho người dân trở lại với chế độ dân chủ, với quyền dân tộc tự quyết, cho người dân bầu chính phủ dân cử của họ thì lúc đó mới có thể đấu tranh trên trường quốc tế được. Tức là trả lại quyền dân tộc tự quyết cho dân, đại diện quốc dân là quốc hội, tức là dân phải bầu lại quốc hội khác. Quốc hội dân cử đó lúc đó sẽ có lập trường về vấn đề đó. Quốc hội phải lên tiếng huỷ bỏ công hàm Phạm Văn Đồng.

Qủa thật, khi chưa thực sự có tự do ngôn luận thì sự thực vẫn là nhưng bí mật giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam – Trung Quốc. Khi chưa có tự do phát biểu chính kiến thì ngụy biện yêu nước vẫn là độc quyền của đảng Cộng sản. Khi chưa có tự do bầu cử chưa có một Hiến Pháp Tự Do một Quốc Hội Độc Lập, thì Trung Quốc vẫn đứng trong hậu trường để thu xếp để lèo lái giới cầm quyền Việt Nam, để giới này thực thi chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền cho Trung Quốc. Như vậy muốn giữ Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, Việt Nam phải có tự do và dân chủ.

Trong Tuyên bố ngày 7-8-1979, nhắc đến bên trên, đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức xác nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đặt “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là những câu hỏi thiêng liêng cho tất cả mọi quốc gia.” Nhân ngày Hoàng Sa năm nay (19-1-2010) người viết ước mong sẽ có những người lãnh đạo Việt Nam chính thức vinh danh những chiến sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã anh dũng hy sinh đền nợ nước trong trận đánh Hoàng Sa. Nỗ lực nhỏ này sẽ hàn gắn vết thương nội chiến đã chấm dứt gần 35 năm. Sẽ là đầu cầu cho cuộc hòa giải dân tộc. Sẽ là căn bản cho đồng thuận dân tộc để xây dựng một Hiến Pháp Tự Do, một Quốc Hội Độc Lập, để dồn tổng lực giữ và dành lại các phần đất cha ông để lại. Đừng để mất Hoàng Sa – Trường Sa – Biển Đông.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

15/1/2010


__


Tài Liệu Tham Khảo Chính

Bộ Ngoại giao nước Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua (1949-79), Nhà Xuất Bản Sự Thật Hà Nội.

Đặng Minh Thu (1995) Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Thử phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc, Tạp Chí Thời Đại Mới, Số 11 - Tháng 7/2007

Nguyễn Hữu Thống (1995)Hoàng Sa Trường Sa Theo Công Pháp Quốc Tế.

Nhã Trân, phóng viên RFA phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hữu Thống Sự thật về công hàm của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng”.

Trần Trường Thủy (2009), Những Kiến Nghị sau Hội Thảo Biển Đông, tuanvietnam.net

Tạ Quốc Tuấn, Vấn-đề chủ-quyền đối với hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa: Vài nhận-xét về lập luận của hai chính-phủ Bắc-Kinh và Đài-Loan, mạng Internet.


*

No comments:

Post a Comment