Pages

Thursday, February 18, 2010

TIN TỔNG HỢP * MỸ & TRUNG QUỐC

*



TIN VOA

TQ trình bầy kháng nghị về cuộc gặp giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và TT Mỹ

Các giới chức ở Bắc Kinh đã mời đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc đến để phản đối cuộc hội kiến hôm qua giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Peter Simpson gửi về bài tường thuật.

Cuộc mít tinh ủng hộ cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh tụ tại thủ đô Washington
Hình: AP

Bà Tsewang Lhamo (giữa), 71 tuổi, cầm tấm hình của Tổng thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma trong 1 cuộc mít tinh ủng hộ cuộc gặp gỡ giữa 2 nhà lãnh tụ tại thủ đô Washington, 18/2/2010


Chỉ vài tiếng đồng hồ sau các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một thông cáo nói rằng cuộc gặp này đã “gây tổn hại nghiêm trọng” đến bang giao Trung-Mỹ.

Ông nói: “Chúng tôi tin rằng các hành động của phía Hoa Kỳ đã can thiệp nghiêm trọng vào nội bộ Trung Quốc, làm tổn thương nghiêm trọng đến cảm nghĩ của nhân dân Trung Quốc và gây phương hại nghiêm trọng đến bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mời đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh đến để đưa ra “những lời trình bầy nghiêm nghị” – nói rằng Hoa Kỳ đã “vi phạm thô bạo đến quan hệ quốc tế” qua việc làm lơ trước những lời cảnh báo của họ là không nên gặp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đang sống lưu vong.

Một nữ phát ngôn viên Sứ quán Hoa Kỳ nói rằng đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, ông Jon Huntsman, đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải rằng đây là lúc hai nước tiến tới và hợp tác vì lợi ích “của hai quốc gia, của khu vực và thế giới.”

Bà nói rằng Hoa Kỳ đã trông đợi một phản ứng giận dữ, mặc dầu đã cảnh báo Bắc Kinh từ nhiều tháng trước rằng Tổng thống Obama sẽ bất chấp nhiều lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị làm mất mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Bà nói: “Tôi không cho rằng đây là một sự bất ngờ. Tổng thống đã bầy tỏ sự quan ngại của ông về nhân quyền ở Tây Tạng và sự ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma như một nhân vật tôn giáo quốc tế. Tôi không thể nói rằng những gì để xoa dịu Bắc Kinh về cuộc gặp gỡ này nhưng dĩ nhiên chúng tôi đã nói với phía Trung Quốc từ nhiều tháng trước, và thực ra khi Tổng thống Obama đến Trung Quốc hồi tháng 11 ông đã có đề cập đến ý định gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma khi ông mở cuộc họp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được nhiều vị Tổng thống Hoa Kỳ mời gặp – thường là ở với tư cách riêng, từ năm 1991.

Tổng thống Obama đã trì hoãn cuộc hội kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma hồi năm ngoái để tránh sự xa rời của Bắc Kinh trước chuyến công du Trung Quốc. Quyết định đó đã gây phẫn nộ trong giới lập pháp và các tổ chức nhân quyền.

Phản ứng của Trung Quốc được coi là thông lệ. Nhưng căng thẳng đã sẵn sôi sục về nhiều vấn đề, trong đó có vụ bán vũ khí cho Đài Loan, quan hệ thương mại và những lời cáo buộc về tin tặc của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Sứ quán Hoa Kỳ nói tiếp: “Tôi sẽ không coi đó là một sự thay đổi về đường lối ngoại giao. Đây là xu hướng trong mối bang giao giữa hai bên, rằng chúng tôi có những vấn đề mà chúng tôi không đồng ý và chúng tôi còn nhiều vấn đề khác đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với phía Trung Quốc.”

Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho hay Tổng thống rất hài lòng khi nghe tin Trung Quốc và giới lãnh đạo Tây Tạng ở nước ngoài đã mở lại các cuộc đàm phán và kêu gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đối thoại thêm.

Nhưng các giới chức sốt sắng xác minh rõ với Bắc Kinh rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma không được tiếp đón trong cương vị một nhà lãnh đạo chính trị. Hai nhân vật đã gặp nhau trong phòng Bản Đồ của Tòa Bạch Ốc, chứ không phải tại Văn phòng chính thức Hình bầu dục của Tổng thống Hoa Kỳ, và chỉ có một bức ảnh duy nhất của hai người chụp chung được công bố.

Đa số người Tây Tạng ở Trung Quốc tiếp tục tôn thờ lãnh tụ tinh thần sống lưu vong của họ và đã thắp hương và đốt pháo chào mừng cuộc hội kiến.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã gặp riêng Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton.

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/world/China-US-Dalai-Lama-02-19-10-84772252.html





TIN BBC


Trung Quốc giận dữ vì Đức Dalai Lama

Nghe/xem bằng Real Player hoặc Windows Media Player

Bắc Kinh nói chuyến thăm của Đức Dalai Lama tới Washington đã "làm tổn hại nghiêm trọng" quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc đưa ra thông cáo mạnh mẽ phản ứng lại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh tụ tinh thần Tây Tạng.

Trước đó, Trung Quốc bày tỏ "sự không hài lòng nghiêm trọng và phản đối quyết liệt" trước chuyến thăm của một người mà họ xem là kẻ ly khai.

Washington đã giữ cho chuyến thăm của Đức Dalai Lama yên ắng để nhấn mạnh đây là cuộc gặp riêng chứ không mang tính chính trị.

Dù vậy, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã triệu đại sứ Mỹ Jon Huntsman đến gặp để bày tỏ sự phản đối.

Thông cáo bộ ngoại giao nói: "Hành vi phía Mỹ can thiệp nghiêm trọng chính trị nội bộ của Trung Quốc và làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm quốc gia của nhân dân Trung Quốc."

Trung Quốc chưa bao giờ vui vẻ trước các cuộc gặp như vậy, theo phóng viên BBC Quentin Sommerville ở Bắc Kinh.

Nhưng lần này, họ bày tỏ sự bất mãn bằng ngôn từ cứng hơn bao giờ hết.

Phóng viên đài chúng tôi nói cuộc gặp nêu bật hồ sơ nhân quyền xấu của Bắc Kinh và nhắc thế giới rằng nhiều người Tây Tạng rất bất mãn với sự cai trị cứng rắn của Trung Quốc tại Tây Tạng.

Người phát ngôn của ông Obama nói trong cuộc gặp, Tổng thống Mỹ bày tỏ "sự ủng hộ mạnh mẽ" cho quyền của người Tây Tạng.

Cuộc gặp kín diễn ra ở Phòng Bản đồ của Nhà Trắng, thay vì Phòng Bầu Dục mang tính chính thức hơn, để ra dấu hiệu với Trung Quốc rằng đây là chuyến thăm riêng tư.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng, Tổng thống ca ngợi quyết tâm phi bạo lực của Dalai Lama và "sự tìm kiếm đối thoại với chính phủ Trung Quốc".

Đức Dalai Lama nói với các nhà báo bên ngoài Nhà Trắng rằng ông đã nói với tổng thống về sự ngưỡng mộ Hoa Kỳ như "nhà tranh đấu cho dân chủ, tự do và giá trị con người" và sáng tạo.

Căng thẳng

Cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng diễn ra ngay sau khi Trung Quốc bày tỏ mạnh mẽ thái độ không hài lòng trước việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,4 tỉ đôla Mỹ.
Căng thẳng Trung-Mỹ

* Google - Trung Quốc bác bỏ đã đứng đằng sau một vụ tấn công mạng bị cáo buộc là do Trung Quốc thực hiện đối với công cụ tìm kiếm này của Mỹ

* Đài Loan - một vụ mua bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan trị giá USD6,4 tỷ đã khiến Bắc Kinh giận dữ

* Tây Tạng - Trung Quốc nói rằng một cuộc họp giữa Hoa Kỳ với Đức Dalai Lama "sẽ làm suy yếu mối quan hệ giữa hai nước"

* Thương mại – tranh cãi về xuất nhập khẩu thịt, truyền thông, lốp xe hơi và nguyên vật liệu

* Iran - Hoa Kỳ lo ngại Trung Quốc sẽ không hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với chính quyền Tehran trước các chương trình hạt nhân của Iran

* Biến đổi khí hậu - Mỹ thất vọng trước quan điểm cứng rắn của Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen

Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc sẽ được thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết.

Một nguyên nhân gây căng thẳng nữa là việc kiểm duyệt internet, sau khi có những tuyên bố của công cụ tìm kiếm khổng lồ Google rằng nó đã bị tấn công "tinh vi và có mục tiêu" từ bên trong Trung Quốc.

Ông Obama cũng đưa ra những dấu hiệu cứng rắn hơn trong các vấn đề tranh chấp bấy lâu nay về tiền tệ của Trung Quốc, mà theo một số thương nhân thì hiện đang được duy trì với mức yếu giả tạo.

Tuy nhiên, Mỹ muốn Trung Quốc hỗ trợ tại Liên Hiệp Quốc về việc trừng phạt Iran về chương trình hạt nhân của nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc giận dữ trước việc Mỹ hỗ trợ cho Đức Dalai Lama.

Bắc Kinh đã vô cùng tức giận hồi năm 2007 khi Tổng thống George W Bush đã tiếp Đức Dalai Lama tại Nhà Trắng và tham dự một buổi lễ tại đó ông đã được trao tặng huy chương Congressional Gold - danh dự dân sự cao quý nhất của Mỹ.

Đó là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã xuất hiện trước công chúng cùng với nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong.
.http://www.bbc.co.uk/vietnamese/


Trung Quốc giận dữ sau cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thanh Hà, Tú Anh

Bài đăng ngày 19/02/2010 Cập nhật lần cuối ngày 19/02/2010 15:47 TU

Tổng thống Barack Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phòng Tình hình, Nhà Trắng, ngày 18/02/2010Ảnh : Whinte House / Pete Souza

Tổng thống Barack Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại phòng Tình hình, Nhà Trắng, ngày 18/02/2010
Ảnh : Whinte House / Pete Souza

Bất chấp những lời phản đối liên tục từ phía Trung Quốc, hôm qua, 18/02/2010, tổng thống Mỹ Barack Obama đã đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng. Để xoa dịu Bắc Kinh, buổi hội kiến được tổ chức khiêm tốn, không có sự tham dự của các đài truyền hình.

Nhưng đúng như Nhà Trắng thông báo trước, sau cuộc hội kiến, Đức Đạt Lai Lạt Ma có quyền tự do tiếp xúc với báo chí. Trước một đạo binh nhà báo, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng liên tục trả lời các câu hỏi của phóng viên và Ngài tuyên bố rằng cuộc tranh đấu của nhân dân Tây Tạng vừa « ôn hòa » vừa có « chính nghĩa ».

Phát ngôn viên của Nhà Trắng Robert Gibbs xác nhận thêm là trong cuộc gặp gỡ, tổng thống Obama bày tỏ sự « ủng hộ bảo toàn bản sắc tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ Tây Tạng, bảo vệ nhân quyền của người Tây Tạng bên trong nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ».

Cũng theo phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ, ông Obama khen ngợi con đường « trung dung, bất bạo động và đối thoại » với Trung Quốc mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đang theo đuổi.

Một ngày sau khi tổng thống Mỹ đón tiếp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng tại Nhà Trắng, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản đối một cách mạnh mẽ. Thông cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích Hoa Kỳ « can thiệp vào nội tình Trung Quốc, làm tổn thương tình cảm dân tộc của người Trung Hoa ».

Bắc Kinh cũng bày tỏ sự giận dữ qua việc triệu đại sứ Mỹ Jon Huntsman lên bộ Ngoại giao để phản đối.

Thông tín viên Zylberman từ Thượng Hải phân tích thái độ của Trung Quốc :

"Phản ứng chừng mực của Trung Quốc như đã được báo trước, cho dù báo chí chính thức Trung Quốc hôm nay lên án tổng thống Hoa Kỳ vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế. Đây là điều dễ hiểu do chính quyền Trung Quốc luôn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một chính khách chứ không phải là một vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Do vậy, trong mắt của Bắc Kinh, việc tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma là một hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sáng nay, Bắc Kinh đã từ tốn yêu cầu chính quyền Obama nỗ lực lành mạnh hóa quan hệ Mỹ - Trung, có nghĩa là một mối quan hệ có khuynh hướng gần gũi hơn đối với đường lối ngoại giao của Bắc Kinh.

Trung Quốc cho rằng, tổng thống Obama đã tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma với mục tiêu làm quên đi những khó khăn kinh tế của bản thân nước Mỹ, vào thời điểm mà Hoa Kỳ chuẩn bị bầu cử giữa nhiệm kỳ được dự trù vào tháng 11 sắp tới. Vì vậy, trước mắt, Bắc Kinh không đưa ra những biện pháp trừng phạt cụ thể.

Tuy nhiên về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang tỏ thái độ mập mờ trên một số hồ sơ quốc tế, chẳng hạn như là trên vấn đề trừng phạt Iran. Về điềm này, Bắc Kinh không mấy hưởng ứng chủ trương trừng phạt nhắm vào Teheran, thế nhưng Bắc Kinh vẫn chưa chính thức sử dụng đến quyền phủ quyết."

Qua việc đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, tổng thống Obama giành lại được cảm tình của công luận Mỹ.

Sau đây là phân tích của nhà báo Phạm Trần từ Washington.

Nhà báo Phạm Trần_Washington_20100219

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6957.asp



Đức Đạt Lai Lạt Ma là con tin trong cuộc mặc cả Mỹ-Trung ?

RFI

Đức Tâm

Bài đăng ngày 18/02/2010 Cập nhật lần cuối ngày 18/02/2010 14:50 TU

Cờ Tây Tạng và Mỹ Reuters

Cờ Tây Tạng và Mỹ
Reuters

Ngày hôm nay, 18/02/2010, tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng, bất chấp những lời cảnh báo của Trung Quốc là cuộc gặp này sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương.

Trước chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã hủy bỏ cuộc gặp với lãnh đạo tinh thần Tây Tạng vì không muốn làm phật lòng Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự nhượng bộ này của ông Obama đã càng làm cho Trung Quốc lấn tới.

Cuộc gặp giữa tổng thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn ra trong bối cảnh bang giao Mỹ-Trung đã tồi tệ đi một cách nhanh chóng. Mới đây thôi, vào cuối tháng chín năm ngoái, trong hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nước – G20, ở Pittsburgh, Pennsylvania, cả hai nước còn nêu ra ý tưởng là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ thành lập nhóm G2, với tham vọng lãnh đạo thế giới.

Thế nhưng, giờ đây, Trung Quốc coi giai đoạn hồ hởi nói trên như là thuộc về quá khứ xa xôi. Ngày 12 tháng hai, xã luận tờ China Daily tố cáo tổng thống Mỹ vẫn níu giữ những suy nghĩ theo kiểu thời chiến tranh lạnh trong tiềm thức. Trong khi đó, Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc hành xử ngày càng « ngạo mạn ».

Theo ông Evan Feigenbaum, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Hoa Kỳ, được báo Le Monde, số ra ngày hôm nay trích dẫn, thì chính quyền Bắc Kinh nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vừa qua chứng tỏ là Mỹ đang đi vào giai đoạn thoái trào, rằng Bắc Kinh sẽ ngày càng cứng rắn hơn còn Washington thì sẽ không có phương tiện để thực hiện chính sách ngoại giao của mình. Còn trong nhãn quan của chính quyền Obama, Trung Quốc vẫn chưa hành xử như một cường quốc có ý thức về những vấn đề lớn của quốc tế. Bắc Kinh chỉ quan tâm đến việc bảo vệ « những quyền lợi hẹp hòi ». Bằng chứng rõ ràng nhất là thái độ của Trung Quốc tại hội nghị về biến đổi khí hậu Copenhagen hồi tháng 12 năm ngoái.

Về mặt chính thức, bộ Ngoại giao Mỹ cố gắng giải thích rằng lợi ích của hai nước tương hợp với nhau trên nhiều lĩnh vực nhưng đôi khi cũng mâu thuẫn trên một vài vấn đề. Theo giới phân tích, một vài bất đồng đó lại không hề nhỏ. Đó là vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ và thâm hụt thương mại của Mỹ. Trung Quốc tìm cách cản trở phương Tây gây sức ép với Iran và Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân. Vừa qua, tập đoàn Google tố cáo những vụ tấn công tin học đến từ Trung Quốc … Về phần mình, Bắc Kinh đã nổi giận khi bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận bán hơn 6 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan và đe dọa tẩy chay một số công ty Hoa Kỳ tham gia vào vụ này.

Có 2 câu hỏi được đặt ra đằng sau cuộc khẩu chiến ác liệt Mỹ- Trung : Trước, hết, phải chăng đây là cuộc gặp mặc cả Mỹ - Trung ? Theo ông Kenneth Dewoskin, nguyên trưởng ban Trung Quốc- Bắc Á, đại học Michigan thì đúng như vậy. Vụ cãi cọ về tỷ giá đồng nhân dân tệ chỉ là bề mặt. Trong thời gian từ 2006 đến 2008, Trung Quốc đã nâng 21% giá trị đồng tiền quốc gia, nhưng điều này không hề làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, thậm chí ngược lại. Thực ra, Hoa Kỳ có hai mối quân tâm chính là Trung Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa cho các doanh nghiệp Mỹ và vấn đề sở hữu trí tuệ.

Thế nhưng, đây không phải là ý kiến của chuyên gia Feigenbaum. Theo ông, kể từ thời chính quyền Richard Nixon, chính sách của Mỹ là nhằm lôi kéo Trung Quốc hội nhập vào quan hệ quốc tế theo các điều kiện của Washington, do vậy mà bang giao song phương luôn trải qua các bước thăng trầm.

Câu hỏi thứ hai liên quan đến mức độ rủi ro trong quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung. Các nhà phân tích có cùng nhận định là giới lãnh đạo hai nước kiểm soát được tình hình nhưng mức độ căng thẳng lại tùy thuộc vào những yếu tố đối nội. Theo chuyên gia Feigenbaum, thì tại Mỹ, dân chúng ngày càng có thái độ thù ghét Trung Quốc. Tình hình cũng tương tự tại Trung Quốc.

Về phần mình, ông Dewoskin lại cho rằng so với thời kỳ chính quyền George Bush, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay lành mạnh hơn. Việc công khai hóa các bất đồng song phương càng thúc đẩy hai bên tìm kiếm thỏa hiệp. Ông nhấn mạnh, giới lãnh đạo hai nước sẽ phải đối đầu với những thách thức chính trị nội bộ khó khăn. Một trong những mối đe dọa lớn tại Trung Quốc là sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi. Còn tại Hoa Kỳ, nếu hồ sơ công ăn việc làm không được cải thiện nhanh chóng thì không loại trừ nguy cơ trỗi dậy của làn sóng bảo hộ mậu dịch. Và đó là những rủi ro đe dọa thực sự quan hệ Mỹ-Trung.

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6948.asp

*

No comments:

Post a Comment