Pages

Wednesday, February 24, 2010

TRANG NGUYẼN * Y HỌC

*

Cà-phê và bệnh “Alzheimer’s”
Trang Nguyễn
(theo tài liệu và “Science Daily”)


Cà-phê

Tính cho đến nay thì đề tài cà-phê đã được mọi giới, từ các nhà khoa học qua các giới y học đến văn nhân thi sĩ đề cập đến khá nhiều. Trên khắp thế giới hình như chả có nước nào mà không có người hàng ngày không đụng đến tách cà-phê. Do đó mà nếu như ai nấy đều có lý do để bàn về chất liệu cà-phê theo góc độ chuyên môn hoặc không chuyên môn, tức thuần túy về mặt tì vị của mình, thì cũng là phải rồi.


Có đông đảo con người ta uống cà-phê như vậy cho nên đã từ lâu giới y học vẫn quan tâm theo dõi, phân tích coi xem tác dụng của nó đối với sức khỏe con người lợi hại ra làm sao. Có người uống vào thì tuy tỉnh như sáo thế nhưng ngủ thì vẫn ngủ được. Có người uống nó vào, thích đấy thế nhưng lại mất ngủ. Có người uống vào thì ăn uống vẫn bình thường, có người chỉ cần một tách là sau đó cảm thấy như “ngang bụng”, hết còn muốn ăn uống cái gì khác. Có những người muốn tránh tình trạng mập phì bèn sử dụng cà-phê như chất liệu nhằm hãm bớt nhu cầu ăn uống của mình. Có đề tài nghiên cứu nói rằng uống cà-phê không thì không sao, nhưng uống cà-phê chung với sữa đặc hay sữa tươi thì cái bụng nó ở trong tình trạng “lình bình”, khó tiêu hóa.


Ðọc báo đọc chí kể về sinh hoạt của các nhà văn nhà thơ, các thám tử trong ngành cảnh sát khi đeo đuổi một công việc gì đấy thì cứ thế ăn uống không gì khác hơn là “ít mẫu bánh mì và sáng trưa chiều tối là cà-phê” !
Có tài liệu y học nói rằng cà-phê có tác dụng trợ tim, nhưng vấn đề là phải “có chừng mực điều độ”, và tiếp đó là lên một danh mục khuyến cáo những ai trong cơ thể có vấn đề này hay vấn đề kia thì nên kiêng cữ cà-phê. Trong khi đó thì đâu phải người ghiền cà-phê nào hàng ngày cũng theo dõi các đề tài khoa học, y học về món uống này, cho nên ai uống cà-phê thì vẫn cứ thế tiếp tục uống; cho đến khi kiểm nghiệm thấy cơ thể của mình nó phản ứng ra sao đấy, không mấy bình thường, thì bấy giờ mới tính chuyện hạn chế nó lại hoặc cùng lắm thì mới phải ngưng uống.



Giở tài liệu thuộc loại hết sức tổng quát về món uống này thì thấy người ta tóm lược nó như sau:Kể về lai lịch của cà-phê thì thấy ghi là bằng chứng “khả tín nhất” về việc uống cà-phê hay việc người ta biết đến cây cà-phê là vào khoảng giữa thế kỷ mười lăm tại Yemen ở miền Nam bán đảo Á-rập. Từ Ethiopia cà-phê được du nhập vào Ai Cập và Yemen, rồi đến thế kỷ mười lăm đã lan qua Armenia, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, từ thế giới Hồi Giáo, cà-phê được đưa qua Ý, và kế đó là qua phần còn lại của Âu Châu, Nam Dương và cả Nam lẫn Bắc Mỹ.


Ở Việt Nam, thời Pháp thuộc thực dân pháp đưa người vào cai trị thì cũng đem theo món cà-phê; các lớp thị dân ở những thành phố lớn bắt đầu tập uống theo. Trên thế giới, cà-phê là món nông phẩm xuất cảng thuộc vào hàng tầm cỡ. Năm 2004 nó là món hàng xuất cảng chính của 12 nước và năm 2005 thì nó là món nông phẩm xuất cảng đứng vào hàng thứ bảy trên thế giới tính về mặt trị giá xuất cảng. Về mặt môi sinh, vẫn có một số tranh luận về việc trồng trọt cà-phê và ảnh hưởng của nó đối với môi trường xung quanh. Và cũng đã có khá nhiều đề tài nghiên cứu phân tích về tương quan giữa việc tiêu thụ cà-phê với một số tình trạng bệnh lý. Mặt khác thì tác dụng nói chung của cà-phê là có lợi hay có hại đối với cơ thể con người bình thường, không tật bệnh gì, thì vẫn còn là đề tài chưa thật đã ngã ngũ.

Cà-phê và bệnh Alzheimer's

Tạp chí “Science Daily” số ra ngày 6 Tháng Bảy Dương lịch có bài nói về cà-phê với đoạn mở đầu rất dễ làm giới uống cà-phê hài lòng như sau: Chất “caffeine” giúp làm đảo ngược những hư hao về mặt trí nhớ nơi giống chuột có những triệu chứng về bệnh “Alzheimer's”. Những người quen uống cà-phê lại có thể có thêm lý do để uống thêm một tách nữa trong ngày. Bởi khi một số chuột già người ta tạo điều kiện sao cho có những triệu chứng của bệnh “Alzheimer's” được cho chất “caffeine” vào cơ thể, tương đương với dung lượng năm tách cà-phê một ngày, thì các mặt hư hao về trí nhớ của chúng được đảo ngược theo như bản phúc trình của các nhà nghiên cứu ở trung tâm Florida Alzheimer's Disease Rearch Center thuộc viện đại học University of South Florida. Những công trình nghiên cứu liên tục được công bố trên Journal of Alzheimer's Disease trên mạng vào ngày 6 Tháng Bảy cho thấy chất “caffeine” làm sụt giảm một cách đáng kể các mức bất thường của chất “protein” có liên quan đến căn bệnh “Alzheimer's”, cả ở trong não bộ cũng như trong máu của bầy chuột có những triệu chứng của căn bệnh này. Cả hai cuộc nghiên cứu đều dựa trên cơ sở một công trình nghiên cứu trước đây của trung tâm ADRC ở Florida khi cuộc nghiên cứu đó cho thấy là chất “caffeine” được đưa vào cơ thể của chuột trước khi chúng trưởng thành có tác dụng ngăn ngừa những vấn đề có liên quan đến trí nhớ nơi giống chuột được người ta tạo điều kiện cho có những triệu chứng của bệnh “Alzheimer's” khi chúng về già.

Người dẫn đầu công trình nghiên cứu, Tiến Sĩ Gary Arendash, một chuyên gia về thần kinh học tại trung tâm ADRC ở Florida đã phát biểu: “Những khám phá mới mẻ này đã trưng dẫn bằng chứng là chất ‘caffeine’ có thể là một phương thức có khả năng thành công trong việc trị liệu bệnh ‘Alzheimer's’ đã hình thành nơi bệnh nhân. Ðiều này quan trọng bởi ‘caffeine’ là một dược chất an toàn khi sử dụng cho con người nói chung; nó xâm nhập vào óc dễ dàng và xem như nó trực tiếp tác động vào quá trình phát triển của căn bệnh”. Dựa vào những kết quả đầy hứa hẹn như thế đối với giống chuột, các nhà nghiên cứu ở trung tâm ADRC và Byrd Alzheimer's Center thuộc University of South Florida đều hy vọng có thể bắt đầu tiến hành những cuộc thử nghiệm với người để đánh giá coi xem chất “caffeine” liệu có lợi cho những ai bắt đầu có triệu chứng phát sinh của bệnh “Alzheimer's” hay đã bị bệnh đó ở dạng còn nhẹ, theo như lời Tiến Sĩ Huntington Potter, giám đốc trung tâm ADRC ở Florida và cũng là một nhà điều tra các cuộc nghiên cứu về chất “caffeine”. Nhóm nghiên cứu đã có thể xác định rằng chất “caffeine” đưa vào cơ thể những người già chưa bị lú lẫn đã nhanh chóng tác động vào máu có mức “Ẳ-amyloid” y hệt như nơi giống chuột bị bệnh “Alzheimer's”. Ông Potter nói: “Ðấy là một số trong những cuộc thử nghiệm đầy hứa hẹn từ trước đến giờ trên giống chuột mắc bệnh ‘Alzheimer's’ khi kết quả cho thấy là chất ‘caffeine’ làm giảm nhanh chóng chất ‘beta amyloid’ nơi ‘protein’ trong máu, và đấy là một tác dụng được biểu hiện trong não bộ, và mức giảm sút đó có liên quan đến lợi ích về mặt nhận thức được sự vật, sự việc”.

Ông nói thêm: “Mục đích của chúng tôi là có cho được ngân khoản cần thiết để từ những mặt trị liệu cho giống chuột ta có thể tiến hành mở những cuộc thử nghiệm được thiết kế hoàn chỉnh về mặt lâm sàng cho người”. Ông Arendash và những đồng nghiệp của ông khỏi sự để tâm từ nhiều năm trước đây đến tiềm năng của chất “caffeine” trong việc chữa trị bệnh “Alzheimer's”, sau khi một cuộc nghiên cứu bên Bồ Ðào Nha cho biết kết quả là những người bị bệnh “Alzheimer's” đã ít uống cà-phê hơn những người không mắc phải triệu chứng đó trong suốt 20 năm liền.


Từ đấy thì nhiều cuộc nghiên cứu không có kiểm tra về mặt lâm sàng đã cho thấy rằng việc uống chất “caffeine” có điều độ có khả năng bảo vệ người ta khỏi tình trạng mất trí nhớ khi trở về già một cách bình thường. Thế nhưng các cuộc nghiên cứu được kiểm tra hết sức chặt chẽ đối với giống chuột mắc bệnh “Alzheimer's” thì đã cho phép các nhà nghiên cứu tách tác dụng của chất “caffeine” đối với trí nhớ ra khỏi những yếu tố khác về mặt sinh hoạt như do các loại ẩm thực và vận động, theo như lời ông Arendash.

Công trình nghiên cứu vừa mới được công bố của trung tâm ADRC ở Florida bao gồm 55 con chuột được người ta hoán cải về mặt “gien” để từ đó chúng nẩy sinh những triệu chứng của bệnh “Alzheimer's” khi chúng già đi. Sau khi những cuộc thử nghiệm về mặt động thái - “behaviour” - đã xác định là đám chuột đó có những triệu chứng mất trí nhớ vào lứa tuổi 18 cho đến 19 tháng - tức là tương ứng với người ở độ tuổi 70- thì các nhà nghiên cứu đã cho hòa lẫn chất “caffeine” vào nước cho nửa đám chuột đó uống.


Nửa kia thì chỉ được cho uống nước không. Ðám chuột bị bệnh “Alzheimer's” tiếp thu được tương đương với năm tách loại 8 “ounces” cà-phê loại thường hàng ngày. Tức đấy cũng là tương đương với dung lượng “caffeine” -500 milligrams- trong 2 tách cà-phê loại đặc biệt của Starbuck's, hoặc trong 14 tách trà, hoặc trong 20 ly giấy Coca hay Pepsi. Ðến cuối thời gian nghiên cứu hai tháng, đám chuột được cho uống chất “caffeine” đã hoạt dộng khấm khá hơn khi người ta thử nghiệm chúng về mặt trí nhớ cũng như về trí năng nói chung. Thật vậy, trí nhớ của chúng là tương tự như đám chuột cùng cỡ tuổi nhưng chưa bị lú lẫn. Còn bầy chuột thử nghiệm chỉ được cho uống nước thuần thì vẫn tiếp tục hoạt động kém hơn.


Ngoài đấy ra thì đám chuột được cho uống chất “caffeine” cho thấy là mức “beta amyloid” trong máu giảm đi 50%. “Beta mayloid” là chất tạo nên những “mảng” - “plaques”- trông “bầy nhầy”, vốn là một biểu hiện đặc trưng nơi căn bệnh “Alzheimer”. Những cuộc thử nghiệm khác do cùng nhóm chuyên gia đó thực hiện cho thấy là chất “caffeine” xem ra như có khả năng phục hồi trí nhớ bằng cách tiết giảm cả hai loại “enzymes” cần thiết để tạo nên chất “beta amyloid”. Các nhà nghiên cứu cũng có ý kiến cho rằng chất “caffeine” chế ngự được các thay đổi ở dạng viêm trong não, dẫn đến tình trạng quá dư thừa chất “beta amyloid”.


Một khi mà chất “caffeine” cải thiện trí nhớ nơi bầy chuột với tình trạng “Alzheimer's” ở dạng phát sinh thì các nhà nghiên cứu nói trên đều tò mò muốn biết xem nó có thể tăng khả năng về trí nhớ nơi đám chuột bình thường nhưng được cho uống chất đó từ lúc mới qua tuổi trưởng thành cho đến già. Kết quả cho thấy là không có gì thay đổi. Ông Arendash cho biết là giống chuột chỉ được cho uống nước suốt đời thì cũng chả khác gì giống chuột không bị “Alzheimer's” nhưng được cho uống nước có thêm chất “caffeine” cũng suốt đời. Ông nói thêm: “Như vậy có nghĩa là chất ‘caffeine’ sẽ không làm gia tăng khả năng về mặt trí nhớ trên các mức bình thường. Thay vào đó thì nó xem ra chỉ có lợi cho những con chuột bị bệnh ‘Alzheimer's.’”

Các nhà nghiên cứu nói trên không biết nếu như một dung lượng “caffeine” thấp hơn 500 mg một ngày dành cho bầy chuột bị bệnh “Alzheimer's” thì liệu kết quả có được như đã thử nghiệm hay không, theo như ông Arendash. Tuy thế, đối với phần đông con người ta thì mức tiêu thụ chất “caffeine” có điều độ như vậy -500 mg một ngày- là không có tác hại gì về mặt sức khỏe theo như cả Hội Ðồng Nghiên Cứu Quốc Gia -“National Research Council”- lẫn Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia - “National Academy of Sciences”. Có điều, theo lời ông Arendash, những ai bị cao áp huyết và những phụ nữ có mang thì nên tiết giảm mức tiêu thụ cà-phê hàng ngày. Ông nói thêm rằng nếu các đợt thử nghiệm quy mô hơn, hoàn chỉnh và triệt để hơn mà cũng cho thấy là chất “caffeine” cũng có khả năng chữa chạy được bệnh “Alzheimer's” nơi con người y như nơi giống chuột thì đấy quả là một lợi ích đáng kể. Bệnh “Alzheimer's” tác hại đến gần nửa số dân Hoa Kỳ ở lứa tuổi 85 trở lên và căn bệnh đó cũng đã khiến chi phí chữa trị cho lớp người thuộc lứa tuổi 65 và trên đó tăng lên gấp ba, theo tài liệu thống kê của tổ chức “Alzheimer's Association”.


Ngoài công trình nghiên cứu của trung tâm ADRS ở Florida, của Byrd Alzheimer's Center và Eric Pfeiffer Suncoast Alzheimer's and Gerontology Center tại USF, các giới nghiên cứu của Bay Pines VA Healthcare System, Saitama Mediacl University ở Saitama bên Nhật, cùng với Washington University School of Medicine ở St. Louis đều đã có tham gia hợp tác.


Sau khi người viết bài này đọc hết mớ tài liệu kể trên rồi kể lại cho một người bạn những nội dung chính thì ông ấy trầm ngâm giây lát và thắc mắc: “Tôi thì xưa giờ vẫn thích cà-phê nhưng mỗi lần uống lại đâm ra khó ngủ. Giả sử như nay mai tôi già thêm ít nữa rồi cứ thế mất trí nhớ dần và đến chừng đó đành phải uống cà-phê để cho trí nhớ có cơ phục hồi nhưng đêm đến cứ thế mà thức trắng thì rồi làm sao?” Người viết ở đây chỉ còn có nước trả lời ông bạn: “Chừng đó thì vấn đề không còn thuộc phạm trù khoa học hay y học nữa mà chuyển qua phạm trù triết học mất rồi. Hoặc là ông chẳng còn nhớ cái gì cả. Hoặc là ông uống cà-phê, trí trớ được phục hồi để ông thức trắng đêm mà hồi tưởng những kỷ niệm buồn vui trong suốt quãng đời đã qua của mình; ông muốn đàng nào?”


*

No comments:

Post a Comment