TƯỞNG NHỚ NHÀ VĂN CHU TỬ
Sáng ngày 2-5 của 29 năm về trước tại Subic Baỵ Tôi đứng dưới con đường dốc lối đi bệnh xá nhìn lên đám người đi ngược về khu tạm trú, chưa kịp vỡ cơn mừng đã vội tắt nụ cười, sững câm bởi vừa nhìn thấy Sơn với đôi nạng gỗ, có Vân dìu đỡ, khấp khểnh lê từng bước.
Bà người làm tay bồng tay dắt hai đứa con gái của đôi vợ chồng người con trai lớn của nhà văn Chu Tử. Cả bà Hai lẫn Vân cũng vừa nhận ra tôi, mừng tủi khóc òa lên cùng một lúc. Tôi đón nhận tin ông Chu Tử chết trong buổi sáng hoang mang xao xác đó. Buổi sáng ngơ ngẩn như hồn đi lạc, xác thân cũng lạc, đường đột bước đi đến nơi bờ bến lạ, không ý thức được rằng mình đi như thế là đi xa đất nước, là rời bỏ quê hương. Tôi nghe choáng váng và lòng tầm tã một cơn mưa buồn thảm...
Trọn cái tiểu gia đình đứng trước mặt tôi đều mang thương tích từ mảnh vụn B-40 quân Cộng bắn vào chiếc Việt Nam Thương Tín. Quả đạn đã giết được người và chỉ giết một người trong cái đám đông hốt hoảng chạy tìm đời sống và đất sống. Con người xấu số đó là nhà văn Chu Tử. Định mệnh nào tai ác đã thù hằn theo đuổi để hại cho bằng được con người khốn khổ tài hoa ấy, trong quãng giờ khắc điêu linh bất hạnh ấy của quê hương, và bằng cung cách gớm ghê thảm khốc dành cho một hình hài yếu đuối như hình hài Chu Tử, trưa ngày 30 tháng Tư, 1975 – khi ông buồn bã đứng dựa thành tàu, nhìn Saigon lần cuối, nhìn quê hương lần cuốỉ... Chu Tử bị bắn một lần hồi tháng Tư, 1966 ngay trước nhà ttrong con hẻm trường Hoài An, Phú Nhuận - vỡ một mảnh hàm - nhưng ông sống sót và hồi phục chóng vánh kỳ diệu trong thương yêu phẫn nộ của công luận.
Viên đạn oan khiên nghiệp chướng ngày 30 tháng Tư 75 cũng đã thổi bay hàm dưới và là viên đạn chí tử, dứt điểm mà định mệnh đã dành cho đời Chu Tử. Tôi như nhìn thấy ông nằm ngay trước mặt, đau đớn, quằn quại trên vũng máu và kêu rên, và gọi tên thống thiết đứa con gái thương yêu Chu Vị Thủy đã cùng mẹ, cùng em và chồng con ở lại...
Tôi như nghe được cả tiếng ông giục Sơn dốc trọn ống thuốc ngủ cho ông nuốt chửng để khỏi kéo dài cơn thảm thiết. Chu Tử đã chào thua định mệnh, chết dữ dằn và phải chết trầm hà. Số mệnh tham lam đã bắt ông phải trả cả vốn lẫn lời quá nặng. Tôi đã vô cùng gần gụi và có quá nhiều kỷ niệm với nhà văn Chu Tử. Đầu năm 64, tờ Ngày Nay của ông Hiếu Chân bị đóng cửa, tôi đã rời Ngày Nay, theo ông trong cái ê-kíp đầu tiên viết mướn cho cho những vị chủ báo, có vị không bao giờ viết báo.
Từ tờ Tương Lai, Tiền Tiến của “vua thầu khoán” Đỗ Cường Duy. Rồi tờ Thân Dân của cụ Nguyễn Thế Truyền, Tranh Đấu của ông “vua đái đường” Ngô Đức Mão, Bến Nghé của “vua bóng bàn” Đinh Văn Ngọc... cho đến khi Chu Tử xin được măng-xét ra riêng tờ Sống, đứng tên Chủ nhiệm, tất cả kéo nhau về tòa soạn cũ trên đường Hồ Xuân Hương. Cái “ê-kíp Chu Tử” đầu tiên ấy chỉ vỏn vẹn có vài người. Ngồi thường trực trong tòa soạn có Hoàng Anh Tuấn, Trọng Tấu, Đằng Giao và tôi.
Vợ chồng Trần Dạ Từ – Nhã Ca và Tú Kếu mỗi đêm đến làm tin, dịch tin. Duyên Anh phụ trách trang thiếu nhi. Vũ Dzũng, Đỗ Quý Toàn trang Thanh niên, Sinh viên. Nguyễn Ang Ca ký giả thể thao, kịch trường. Võ Hà Anh phóng viên chạy ngoài. “Cô” Kim Chi Hoàng Anh Tuấn lo giải đáp tâm tình và tử vi đẩu số! Anh Hợp, Nguyễn Thụy Long, Tuấn Huy, Nguyễn Đức Nam, Lương Quân, Tiền Phong Từ Khánh Phụng viết tiểu thuyết trang trong, lâu lâu mới ghé một lần đưa bài và lấy tiền nhuận bút. Nhân vật “ngoại hạng” phải kể là “chí sĩ” Minh Vồ đặc trách mua bông giấy và ngoại giao với phòng Kiểm duyệt bộ Thông Tin, xin lại giấy phép mỗi khi bị chính quyền đóng cửa...
Tôi đã gần gụi ông Chu Tử trong cả đời sống bên ngoài tòa báo, can dự vào nhiều biến cố của gia đình ông như một thành phần ruột thịt. Ông cũng coi tôi như ruột thịt của gia đình và dành cho tôi một tin cậy, mến thương sâu đậm. Tôi đã chứng kiến ông hoan lạc, bi thương, vui, buồn, hờn giận... Chứng kiến một Chu Tử hồn nhiên đúng như Nguyễn Mạnh Côn nhận xét, “Một tâm hồn đứa trẻ trong thể xác ông già”. Nhưng có lẽ tôi thấy đời ông thống khổ nhiều hơn hạnh phúc. Thể xác ông phải chịu những đớn đau nhiều và quá độ đối với hình hài yếu mảnh nhưng mạnh mẽ tinh thần phấn đấu. Như chứng kiến lần Minh Vồ chở ông sau chiếc vespa, bị taxi đụng gẫy chân để Chu Tử phải chống nạng và có bút hiệu Kha Trấn Ác trong mục “Ao Thả Vịt”. Lần ông bị bắn bốn viên đạn, phải đóng đinh trong hàm để giữ bộ răng giả, tay run lật bật khó khăn cầm bút và mất ngủ đến rên la kêu trời réo đất hàng đêm...
Nhưng tất cả những đau đớn thể xác ấy gom lại cũng không bằng cái đau thương thống khổ của ông ngày Chu Trọng Ly, đứa con trai út ông đặt lòng thương quý đã hủy mình bằng viên đạn carbine nổ vào đầu năm 14 tuổi. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, dịch giả Phan Huy Chiêm và tôi đã ở bên ông, trong căn phòng cho mượn của ông thẩm phán Phạm Hải Hồ đằng sau khu chợ Bà Chiểu, mủi lòng, bối rối, cảm thương, cực cùng xúc động trước cơn vật vã và tiếng khóc thê lương của người cha cô khổ. Bao nhiêu năm đã trôi qua. Bao nhiêu ngày 30 tháng Tư đánh dấu Việt Nam quốc hận.
Bao nhiêu năm tôi đã ngậm ngùi tưởng niệm Chu Tử chết cùng vận nước. Tôi day dứt nhớ và tiếc nhiều điều chưa trọn vẹn cùng ông. Chu Tử sống mang không biết bao nhiêu ngộ nhận và ân oán. Một con người có văn tài và khí phách, sống giữa đám đông mà lúc nào cũng cô đơn thê thảm, cũng muốn bung phá và nổi loạn vì cái đớn hèn khiếp nhược ở chung quanh... Tôi nghĩ, thôi thà Chu Tử chết trầm hà như thế là yên phận. Người như ông, đem thân lưu lạc mà nhìn thấy đám nhân loại nhơ bẩn quá nhiều, lừa dối, gian manh, đê tiện quá nhiều, sẽ héo hon, cô đơn thê thảm gấp trăm lần cái cô đơn thê thảm ngày xưa trên đất nước...
Đào Vũ Anh Hùng
http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=0&tabId=475&ArticleID=858
Kỷ niệm 30 năm ngày giỗ Nhà văn CHU TỬ
Buổi sáng ngày 29-4-2005 tôi ngồi trong nhà uống trà một mình, anh tổ phó an ninh khu phố tới trước cửa nhà tôi nhắc nhở treo cờ, kỷ niệm chiến thắng 30-4. Tôi biết chứ, ngày 30-4-1975 là ngày nhà văn nhà báo Chu Tử bị tử nạn trên đường di tản, năm nào gia đình ông cũng làm giỗ kỷ niệm ông vào ngày đó, nhưng để tránh lôi thôi phải đổi thành vào ngày âm lịch (19-3 âm lịch). Anh em bạn bè của ông Chu Tử nhớ ngày đó mà đến, tôi cũng đến cách đây một ngày. Ðể cắm nhang cho ông cho vẹn tình vẹn nghĩa. Có tiếng người nào trong xóm:
- Cha nội, hôm nay mới là 29 à!
Anh tổ phó an ninh trả lời cáu kỉnh, tỏ quyền uy:
- Lệnh của phường có thi hành không thì bảo.
Tôi thì lẩm bẩm:
- Biết rồi khổ lắm nói mãi.
Nhà văn Chu Tử, tác giả tiểu thuyết YÊU nổi tiếng một thời, đã thành một hiện tượng trong giới trẻ Việt Nam trong những năm 1960, kéo dài đến năm 1970 và ảnh hưởng còn mãi mãi, nay đã gần nửa thế kỷ người ta vẫn còn nhắc đến, dù tác phẩm của ông đã bị nhà nước cầm quyền mới loại trừ nằm cùng trong danh sách tác phẩm bị kết án là đồi trụy, biệt kích văn nghệ sau ngày 30-4-1975, cần phải tiêu diệt, cùng thời với những sách báo xuất bản ở miền Nam Việt Nam, bị thiêu đốt và bị tiêu diệt. Những văn nghệ sĩ miền Nam bị bắt bỏ tù, không mang một tội danh nào rõ ràng. Phần đông những nhà báo, nhà văn miền Nam phải gác bút ngần ấy năm trời, vì bị kỳ thị ra mặt... Nhưng tinh thần người cầm bút miền Nam vẫn còn đó, nếu có dịp.
Năm nay sau 30 năm chiến thắng đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, người chiến thắng tổ chức thật xôm tụ, họ nói có khác hơn mọi năm, có ca tụng chiến thắng, nhưng nay thì mong có sự hòa hợp dân tộc do lòng khoan dung của người chiến thắng. Họ lôi cổ vài anh tướng Ngụy gần đất xa trời lên nói chuyện về lòng nhân đạo của cách mạng trong ngày 30-4-1975, quên đi quá khứ kêu gọi nhân dân Việt Nam, kể cả ở nước ngoài hãy quên đi quá khứ để xây dựng lại đất nước. Quên đi quá khứ sao? Người Do Thái có quên được Hítler tàn sát dân Do Thái không? Trung Quốc Ðại Hàn có quên đi được quân đội Nhật hoàng gây bao nhiêu đau thương trên đất nước họ không, gần đây nhất là nước Cambuchia có quên được bọn diệt chủng Khờ Me Ðỏ không? Hình như lời kêu gọi ấy đến nay đã muộn màng quá rồi.
Mọi năm tới ngày này anh em chúng tôi gặp nhau, thắp cho ông Chu Tử nén nhang tưởng niệm. Chúng tôi ôn lại những năm tháng đã trôi qua, những năm tháng chúng tôi cùng hành nghề làm báo viết văn với nhau. Những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn trong những ngày tháng hành nghề, cùng với nhà báo Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống. Ðối với tôi, một người làm báo cộng tác với nhiều tờ báo, nhưng báo Sống vẫn là tờ báo chính, tình nghĩa với ông Chu Tử từ ngày đầu đến ngày cuối, tôi thành nghề, thành danh nhà văn nhà báo cũng từ tờ báo ấy. Từ một thanh niên yêu nghề, còn lơ ngơ trong nghề nghiệp, rồi trưởng thành đi đến thành công, đều khắp các anh em, chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi quí mến người đàn anh dẫn đầu, mãi mãi không thể nào quên. Với đám nhà báo cứng đầu cứng cổ chúng tôi, thường giữa chủ nhiệm và ký giả ít khi có sự hòa hợp, vì không phục tài năng của nhau cũng như sự đối xử có phần tệ hại với ký giả ở vài ba tờ báo khác, nhưng với báo Sống và ông Chu Tử thì không có chuyện đó. Mười năm chúng tôi làm việc với nhau, kết với nhau thành một khối, trong tình trong nghĩa, mỗi ngày có thêm anh em, đời sống chúng tôi như ruột thịt... cho đến khi bầy đoàn bị tan rã vì báo bị đóng của bị khủng bố vì tội ăn ngay nói thật, cho đến lúc chế độ Việt Nam Cộng Hòa bại trận (30 Tháng Tư 1975). Tôi nói ông Chu Tử là một chủ nhiệm tuyệt vời, những người anh em còn lại trên thế gian này vẫn nghĩ đến ông, cả những người anh em thân hữu của báo Sống, đã 30 năm qua tình cảm vẫn nguyên vẹn, người nào trong anh em “dạo chơi miền tiên cảnh” thì cứ đi, người còn lại đến với ông, thắp cho ông nén nhang tưởng nhớ. 30 năm qua bao nhiêu người anh em đã ra đi, đến hôm nay dự đám giỗ ông Chu Tử tôi thấy vắng bóng nhiều anh em xưa: Nhà thơ trào phúng Tú Kếu, nhà văn Mặc Thu, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, một thân hữu của báo Sống từ ngày đầu, cũng mới qua đời, chỗ ngồi kia mới năm ngoái còn có nhà báo Phan Nghị, anh đã nằm xuống trong năm qua, lần cuối cùng anh dự buổi giỗ của ông Chu Tử khi sức khỏe anh đã suy yếu lắm rồi, vào tuổi 80. Còn nhiều những anh em khác đi nước ngoài. Tôi vẫn cảm thấy xôn xao như khi còn đông đủ anh em ngày nào... Tôi cũng già yếu như các anh em có mặt ở đây và mang nhiều thứ bệnh, không biết mình sẽ gục ngã lúc nào, sang năm tôi còn ngồi với anh em nữa không, tôi cho là mình nghĩ dại dột, nhưng tôi bình tĩnh khi nghĩ đến điều đó. Một cuộc đời đầy bất trắc đâu có nói trước được điều gì. Chú Ðông con (Nguyễn Ðình Ðông) làm việc trong ban trị sự báo Sống, liên tiếp bao nhiêu năm đều có mặt trong bữa giỗ ông Chu Tử, chú ấy còn trẻ tuổi hơn chúng tôi, khỏe mạnh, vậy mà cũng đã qua đời vì một tai nạn đáng tiếc. Ðiểm mặt người quen của báo Sống thì buổi giỗ này thiếu nhiều lắm. Nghĩ lại anh em chúng tôi càng buồn, buồn vào ngày 30 tháng Tư. Năm nay vẫn làm giỗ vào ngày 19 tháng Ba âm lịch, chỉ cách ngày 30-4 dương lịch có ba ngày, nhưng sự bồi hồi trong lòng mọi người vẫn nguyên vẹn. Nhà báo, nhà thơ, nhà văn Hồ Nam, ký bút hiệu làm thơ là Vương Tân, ngậm ngùi đọc bài thơ: GỬI CHU TỬ
Anh đi ba mươi năm
Trên biển cả mênh mông
Tôi ở ba mươi năm
Trong ngục tù ngạo nghễ
Chúng nào giết được anh
Chu Tử luôn bất tử
Sống, Yêu và sống mãi
Một đời những thiên thu
Anh gieo rắc tình yêu
Chúng gieo rắc thù hận
Anh vinh danh sự thật
Chúng nói dối lừa gạt
Lịch sử đã sang trang
Kịch nào cũng hạ màn
Tôi vẫn là tôi nói
Nói thật và nói thẳng
Tôi vẫn là tôi làm
Làm thơ và uống rượu
Ngất ngưởng giữa cuộc đời
Ðể vinh danh con người
Những con người dám sống
Dám yêu và dám chết
Những con người tử tế
Những con người bất diệt
Dám xoay chuyển đất trời
Dám vượt lên tất cả
Ðể cứu rỗi chính mình
Trong bão táp thời đại. Bài thơ anh ký tên là Vương Tân, bút hiệu làm thơ của anh trong nhiều năm. Bài thơ anh làm khá bạo, mà tôi biết phát xuất tự trong tâm trạng của anh, những người Việt Nam ở phía bại trận còn ở lại Việt Nam suốt 30 năm qua, hiểu tất cả, thấm thía cuộc đời, Hồ Nam tức Vương Tân, tức Hồ Lô, tên Hồ Lô do anh em thân mật đặt cho anh, vì anh như chiếc hồ lô chứa rất nhiều, mà không có nắp đậy, có dịp là xả, một con người ăn ngay nói thẳng, vì vậy suốt ba mươi năm qua anh bị ở tù hơi nhiều lần. Mà chứng nào vẫn tật ấy, không chừa được.
Không có tiếng vỗ tay tán thưởng, chúng tôi lặng người để tưởng niệm ông Chu Tử, Hồ Nam tự rót cho mình một ly rượu và uống cạn... Con người anh như thế, tuổi gần tám mươi rồi nhưng vẫn lắm điều. Ðối thủ của anh là Phan Nghị, nay không còn nữa, anh không nói nhiều như năm ngoái năm kia, trong những buổi giỗ ông Chu Tử tranh nhau nói, gần như cả bàn chỉ nghe tiếng hai anh, anh nào cũng đầy kỷ niệm với Chu Tử từ thuở nảo thuở nào, nhưng năm nay anh có bài thơ...
Trong bữa giỗ vợ chồng Chu vị Thủy, Ðằng Giao cũng cho chúng tôi biết, Chu Sơn (con trai lớn của của ông Chu Tử, và là anh của Chu vị Thủy) ở bên Mỹ, trong năm nay sẽ tái bản tiểu thuyết Yêu của Chu Tử trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, phát hành tại Houston, Texas. Ông Chu Tử cùng với gia đình con trai là Chu Sơn đi cùng chuyến tầu, khi vừa tới biển Cần Giờ hồi 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín bị đạn pháo, ông Chu Tử bị tử nạn, hai đứa cháu nội của ông bị thương rất nặng.
Tôi đã được nghe chuyện này mấy ngày sau, khi Sài gòn bại trận và ông Dương văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Tôi biết rõ chi tiết hơn, khi vào trong trại học tập cải tạo, giam chung với những người đi trên chiếc tầu ấy, dại dột nghe lời tuyên truyền mà quay trở về Việt Nam. Anh Hài, người tù cùng trại, biết tôi là người từng làm báo Sống nên đã kể cho tôi nghe từng chi tiết khi ông Chu Tử táng mạng bởi cú đạn B40 từ bờ biển Cần Giờ bắn ra trúng tầu, xác Chu Tử được thủy táng ngay khi ra tới cửa biển Vũng Tầu trên biển Ðông.
Vĩnh biệt Chu Tử, ba mươi năm đã trôi qua rồi, một giấc mơ hay một cơn ác mộng? Có nghĩa lý gì đâu, ngày 30 tháng Tư là ngày vui của người chiến thắng và cũng là ngày buồn của nhiều người Việt Nam. Xuất bản lại tiểu thuyết của nhà văn Chu Tử trong cộng đồng người Việt ở một nơi có tự do tư tưởng, có tự do báo chí là một điều an ủi, mát lòng cho linh hồn của ông ở ngoài biển đông cùng với bao trăm ngàn linh hồn người miền Nam bỏ nước ra đi tìm Tự Do không được may mắn đến bến bờ hạnh phúc
Tôi được nghe những đài phát thanh nước ngoài tường thuật lại buổi lễ cầu siêu lẫn với tiếng sóng biển ầm ầm, rồi tiếng khóc sụt sùi của một vài người khi nói đến người thân yêu phải nằm lại trên mảnh đất xa lạ, và những giọng nói thuật lại vẫn mang những âm hưởng kinh hoàng dù những chuyện xảy ra trên biển cách đây 30 năm. Những thuyền nhân vượt biển may mắn thoát chết, ngày nay cuộc sống của họ đã yên ổn và họ được định cư ở nhiều nước trên thế giới, nay ba mươi năm sau quay trở lại những trại tạm cư bên bờ biển đông để cầu siêu cho linh hồn những thuyền nhân đã tử nạn. Mà nhà văn Chu Tử là nạn nhân đầu tiên trong ngày tháng Tư đau buồn ấy.
Ngày này mỗi năm chúng tôi lại tìm đến nhau, uống với nhau ly rượu trong bữa giỗ ông Chu Tử, nhắc lại những kỷ niệm xưa, những ngày tháng tự do, hạnh phúc cùng làm báo với ông Chu Tử dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Buổi lễ nào rồi cũng phải tàn, tiệc nào cuối cùng rồi cũng phải chia tay. Khói nhang trên bàn thờ đốt lên để tưởng niệm ông Chu Tử cũng đã tàn, anh em tôi lần lượt ra về, trời đêm trên xứ Gia Ðịnh xưa thật buồn, năm nay mùa mưa đến rất muộn... Gia Ðịnh, Phú Nhuận 30-4-2005
NGUYỄN THỤY LONG
*
- Cha nội, hôm nay mới là 29 à!
Anh tổ phó an ninh trả lời cáu kỉnh, tỏ quyền uy:
- Lệnh của phường có thi hành không thì bảo.
Tôi thì lẩm bẩm:
- Biết rồi khổ lắm nói mãi.
Nhà văn Chu Tử, tác giả tiểu thuyết YÊU nổi tiếng một thời, đã thành một hiện tượng trong giới trẻ Việt Nam trong những năm 1960, kéo dài đến năm 1970 và ảnh hưởng còn mãi mãi, nay đã gần nửa thế kỷ người ta vẫn còn nhắc đến, dù tác phẩm của ông đã bị nhà nước cầm quyền mới loại trừ nằm cùng trong danh sách tác phẩm bị kết án là đồi trụy, biệt kích văn nghệ sau ngày 30-4-1975, cần phải tiêu diệt, cùng thời với những sách báo xuất bản ở miền Nam Việt Nam, bị thiêu đốt và bị tiêu diệt. Những văn nghệ sĩ miền Nam bị bắt bỏ tù, không mang một tội danh nào rõ ràng. Phần đông những nhà báo, nhà văn miền Nam phải gác bút ngần ấy năm trời, vì bị kỳ thị ra mặt... Nhưng tinh thần người cầm bút miền Nam vẫn còn đó, nếu có dịp.
Năm nay sau 30 năm chiến thắng đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, người chiến thắng tổ chức thật xôm tụ, họ nói có khác hơn mọi năm, có ca tụng chiến thắng, nhưng nay thì mong có sự hòa hợp dân tộc do lòng khoan dung của người chiến thắng. Họ lôi cổ vài anh tướng Ngụy gần đất xa trời lên nói chuyện về lòng nhân đạo của cách mạng trong ngày 30-4-1975, quên đi quá khứ kêu gọi nhân dân Việt Nam, kể cả ở nước ngoài hãy quên đi quá khứ để xây dựng lại đất nước. Quên đi quá khứ sao? Người Do Thái có quên được Hítler tàn sát dân Do Thái không? Trung Quốc Ðại Hàn có quên đi được quân đội Nhật hoàng gây bao nhiêu đau thương trên đất nước họ không, gần đây nhất là nước Cambuchia có quên được bọn diệt chủng Khờ Me Ðỏ không? Hình như lời kêu gọi ấy đến nay đã muộn màng quá rồi.
Mọi năm tới ngày này anh em chúng tôi gặp nhau, thắp cho ông Chu Tử nén nhang tưởng niệm. Chúng tôi ôn lại những năm tháng đã trôi qua, những năm tháng chúng tôi cùng hành nghề làm báo viết văn với nhau. Những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn trong những ngày tháng hành nghề, cùng với nhà báo Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo Sống. Ðối với tôi, một người làm báo cộng tác với nhiều tờ báo, nhưng báo Sống vẫn là tờ báo chính, tình nghĩa với ông Chu Tử từ ngày đầu đến ngày cuối, tôi thành nghề, thành danh nhà văn nhà báo cũng từ tờ báo ấy. Từ một thanh niên yêu nghề, còn lơ ngơ trong nghề nghiệp, rồi trưởng thành đi đến thành công, đều khắp các anh em, chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi quí mến người đàn anh dẫn đầu, mãi mãi không thể nào quên. Với đám nhà báo cứng đầu cứng cổ chúng tôi, thường giữa chủ nhiệm và ký giả ít khi có sự hòa hợp, vì không phục tài năng của nhau cũng như sự đối xử có phần tệ hại với ký giả ở vài ba tờ báo khác, nhưng với báo Sống và ông Chu Tử thì không có chuyện đó. Mười năm chúng tôi làm việc với nhau, kết với nhau thành một khối, trong tình trong nghĩa, mỗi ngày có thêm anh em, đời sống chúng tôi như ruột thịt... cho đến khi bầy đoàn bị tan rã vì báo bị đóng của bị khủng bố vì tội ăn ngay nói thật, cho đến lúc chế độ Việt Nam Cộng Hòa bại trận (30 Tháng Tư 1975). Tôi nói ông Chu Tử là một chủ nhiệm tuyệt vời, những người anh em còn lại trên thế gian này vẫn nghĩ đến ông, cả những người anh em thân hữu của báo Sống, đã 30 năm qua tình cảm vẫn nguyên vẹn, người nào trong anh em “dạo chơi miền tiên cảnh” thì cứ đi, người còn lại đến với ông, thắp cho ông nén nhang tưởng nhớ. 30 năm qua bao nhiêu người anh em đã ra đi, đến hôm nay dự đám giỗ ông Chu Tử tôi thấy vắng bóng nhiều anh em xưa: Nhà thơ trào phúng Tú Kếu, nhà văn Mặc Thu, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, một thân hữu của báo Sống từ ngày đầu, cũng mới qua đời, chỗ ngồi kia mới năm ngoái còn có nhà báo Phan Nghị, anh đã nằm xuống trong năm qua, lần cuối cùng anh dự buổi giỗ của ông Chu Tử khi sức khỏe anh đã suy yếu lắm rồi, vào tuổi 80. Còn nhiều những anh em khác đi nước ngoài. Tôi vẫn cảm thấy xôn xao như khi còn đông đủ anh em ngày nào... Tôi cũng già yếu như các anh em có mặt ở đây và mang nhiều thứ bệnh, không biết mình sẽ gục ngã lúc nào, sang năm tôi còn ngồi với anh em nữa không, tôi cho là mình nghĩ dại dột, nhưng tôi bình tĩnh khi nghĩ đến điều đó. Một cuộc đời đầy bất trắc đâu có nói trước được điều gì. Chú Ðông con (Nguyễn Ðình Ðông) làm việc trong ban trị sự báo Sống, liên tiếp bao nhiêu năm đều có mặt trong bữa giỗ ông Chu Tử, chú ấy còn trẻ tuổi hơn chúng tôi, khỏe mạnh, vậy mà cũng đã qua đời vì một tai nạn đáng tiếc. Ðiểm mặt người quen của báo Sống thì buổi giỗ này thiếu nhiều lắm. Nghĩ lại anh em chúng tôi càng buồn, buồn vào ngày 30 tháng Tư. Năm nay vẫn làm giỗ vào ngày 19 tháng Ba âm lịch, chỉ cách ngày 30-4 dương lịch có ba ngày, nhưng sự bồi hồi trong lòng mọi người vẫn nguyên vẹn. Nhà báo, nhà thơ, nhà văn Hồ Nam, ký bút hiệu làm thơ là Vương Tân, ngậm ngùi đọc bài thơ: GỬI CHU TỬ
Anh đi ba mươi năm
Trên biển cả mênh mông
Tôi ở ba mươi năm
Trong ngục tù ngạo nghễ
Chúng nào giết được anh
Chu Tử luôn bất tử
Sống, Yêu và sống mãi
Một đời những thiên thu
Anh gieo rắc tình yêu
Chúng gieo rắc thù hận
Anh vinh danh sự thật
Chúng nói dối lừa gạt
Lịch sử đã sang trang
Kịch nào cũng hạ màn
Tôi vẫn là tôi nói
Nói thật và nói thẳng
Tôi vẫn là tôi làm
Làm thơ và uống rượu
Ngất ngưởng giữa cuộc đời
Ðể vinh danh con người
Những con người dám sống
Dám yêu và dám chết
Những con người tử tế
Những con người bất diệt
Dám xoay chuyển đất trời
Dám vượt lên tất cả
Ðể cứu rỗi chính mình
Trong bão táp thời đại. Bài thơ anh ký tên là Vương Tân, bút hiệu làm thơ của anh trong nhiều năm. Bài thơ anh làm khá bạo, mà tôi biết phát xuất tự trong tâm trạng của anh, những người Việt Nam ở phía bại trận còn ở lại Việt Nam suốt 30 năm qua, hiểu tất cả, thấm thía cuộc đời, Hồ Nam tức Vương Tân, tức Hồ Lô, tên Hồ Lô do anh em thân mật đặt cho anh, vì anh như chiếc hồ lô chứa rất nhiều, mà không có nắp đậy, có dịp là xả, một con người ăn ngay nói thẳng, vì vậy suốt ba mươi năm qua anh bị ở tù hơi nhiều lần. Mà chứng nào vẫn tật ấy, không chừa được.
Không có tiếng vỗ tay tán thưởng, chúng tôi lặng người để tưởng niệm ông Chu Tử, Hồ Nam tự rót cho mình một ly rượu và uống cạn... Con người anh như thế, tuổi gần tám mươi rồi nhưng vẫn lắm điều. Ðối thủ của anh là Phan Nghị, nay không còn nữa, anh không nói nhiều như năm ngoái năm kia, trong những buổi giỗ ông Chu Tử tranh nhau nói, gần như cả bàn chỉ nghe tiếng hai anh, anh nào cũng đầy kỷ niệm với Chu Tử từ thuở nảo thuở nào, nhưng năm nay anh có bài thơ...
Trong bữa giỗ vợ chồng Chu vị Thủy, Ðằng Giao cũng cho chúng tôi biết, Chu Sơn (con trai lớn của của ông Chu Tử, và là anh của Chu vị Thủy) ở bên Mỹ, trong năm nay sẽ tái bản tiểu thuyết Yêu của Chu Tử trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, phát hành tại Houston, Texas. Ông Chu Tử cùng với gia đình con trai là Chu Sơn đi cùng chuyến tầu, khi vừa tới biển Cần Giờ hồi 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiếc tàu Việt Nam Thương Tín bị đạn pháo, ông Chu Tử bị tử nạn, hai đứa cháu nội của ông bị thương rất nặng.
Tôi đã được nghe chuyện này mấy ngày sau, khi Sài gòn bại trận và ông Dương văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Tôi biết rõ chi tiết hơn, khi vào trong trại học tập cải tạo, giam chung với những người đi trên chiếc tầu ấy, dại dột nghe lời tuyên truyền mà quay trở về Việt Nam. Anh Hài, người tù cùng trại, biết tôi là người từng làm báo Sống nên đã kể cho tôi nghe từng chi tiết khi ông Chu Tử táng mạng bởi cú đạn B40 từ bờ biển Cần Giờ bắn ra trúng tầu, xác Chu Tử được thủy táng ngay khi ra tới cửa biển Vũng Tầu trên biển Ðông.
Vĩnh biệt Chu Tử, ba mươi năm đã trôi qua rồi, một giấc mơ hay một cơn ác mộng? Có nghĩa lý gì đâu, ngày 30 tháng Tư là ngày vui của người chiến thắng và cũng là ngày buồn của nhiều người Việt Nam. Xuất bản lại tiểu thuyết của nhà văn Chu Tử trong cộng đồng người Việt ở một nơi có tự do tư tưởng, có tự do báo chí là một điều an ủi, mát lòng cho linh hồn của ông ở ngoài biển đông cùng với bao trăm ngàn linh hồn người miền Nam bỏ nước ra đi tìm Tự Do không được may mắn đến bến bờ hạnh phúc
Tôi được nghe những đài phát thanh nước ngoài tường thuật lại buổi lễ cầu siêu lẫn với tiếng sóng biển ầm ầm, rồi tiếng khóc sụt sùi của một vài người khi nói đến người thân yêu phải nằm lại trên mảnh đất xa lạ, và những giọng nói thuật lại vẫn mang những âm hưởng kinh hoàng dù những chuyện xảy ra trên biển cách đây 30 năm. Những thuyền nhân vượt biển may mắn thoát chết, ngày nay cuộc sống của họ đã yên ổn và họ được định cư ở nhiều nước trên thế giới, nay ba mươi năm sau quay trở lại những trại tạm cư bên bờ biển đông để cầu siêu cho linh hồn những thuyền nhân đã tử nạn. Mà nhà văn Chu Tử là nạn nhân đầu tiên trong ngày tháng Tư đau buồn ấy.
Ngày này mỗi năm chúng tôi lại tìm đến nhau, uống với nhau ly rượu trong bữa giỗ ông Chu Tử, nhắc lại những kỷ niệm xưa, những ngày tháng tự do, hạnh phúc cùng làm báo với ông Chu Tử dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Buổi lễ nào rồi cũng phải tàn, tiệc nào cuối cùng rồi cũng phải chia tay. Khói nhang trên bàn thờ đốt lên để tưởng niệm ông Chu Tử cũng đã tàn, anh em tôi lần lượt ra về, trời đêm trên xứ Gia Ðịnh xưa thật buồn, năm nay mùa mưa đến rất muộn... Gia Ðịnh, Phú Nhuận 30-4-2005
NGUYỄN THỤY LONG
*
No comments:
Post a Comment