Đối sách với Đại Hội thứ 11
Trần Bình Nam
Đại Hội thứ 11 của đảng cộng sản Việt Nam theo chương trình sẽ được triệu tập vào đầu năm 2011. Đảng cộng sản Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị nhân sự, và những cuộc tranh chấp dành chỗ đi dự đại hội, dành ghế trong Ban Chấp Hành Trung Ương đảng và trong Bộ Chính Trị bắt đầu.
Bên cạnh là màn sơn phết đảng đối với quần chúng. Ngày 12/3 đảng cho người tổ chức mời cô Ngô Thị Bích Diễm đang tị nạn ở Hoa Kỳ về Huế nói chuyện về mối tình thi ca của cô với nhạc sĩ họ Trịnh (qua bài hát Diễm Xưa bất hủ) để tạo ra khuôn mặt đảng tình cảm. Ngày 15/3 đảng trả tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý vì lý do sức khỏe trước khi mãn hạn để tạo bộ mặt đảng nhân đạo và khoan hồng. Và sẽ còn nhiều nhiều nữa! Như dấy động phong trào đảng viên đòi dân chủ để tạo khuôn mặt đáng dân chủ! Và như một thông lệ, mỗi lần đại hội tới, các nhà đấu tranh dân chủ trong nước và hải ngoại – nhất là hải ngoại – đều lên tiếng hy vọng ảnh hưởng đến đường lối của đảng cộng sản Việt Nam theo một chiều hướng ích lợi cho quốc gia. Nhìn lại 3 đại hội 8, 9, 10 của đảng cộng sản Việt Nam trong các năm 1996, 2001, 2006 chúng ta thấy hình như đảng cộng sản Việt Nam theo một bài bản không khác gì nhau.
Nội bộ, các tay then chốt trong bộ máy quyền hành sắp xếp nhân sự của Trung ương đảng và Bộ chính trị và các nhân vật chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Ban Bí thư, Chủ tịch Quân ủy, Bộ trưởng quốc phòng và Bộ trưởng bộ Công an. Và sau khi dàn nhân sự đã sắp xếp xong, nhóm có ưu thế đưa ra bản thảo Báo cáo Chính trị để đảng viên các cấp và nhân dân đóng góp ý kiến.
Nói là bản thảo, thật ra đây là đường lối đã được rà soát và đồng thuận của nhóm sẽ cầm quyền. Và nói là để đảng viên và nhân dân đóng góp chỉ là trò chơi dân chủ, nhằm ba mục tiêu:
(1) phỉnh gạt dư luận quốc tế
(2) lừa gạt người Việt hải ngoại
(3) thăm dò dư luận nội bộ đảng để gạt trước những thành phần không theo đường lối lãnh đạo từ trên xuống.
Với đại hội thứ 11, cái “bản cũ soạn lại” đã bắt đầu: Mở màn ngày 10 tháng Ba, ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ chính trị huynh hoang nói chuyện về đại hội với tinh thần mới làm ra vẻ như tập đoàn lãnh đạo đã có quyết tâm làm một cuộc cách mạng nội bộ. Tiếp theo sau, ông Nguyễn Anh Tuấn đại diện giới truyền thông tổ chức một cuộc nói chuyện trực tuyến để cho một số chuyên viên cò mồi nói về tính ưu việt của đại hội. Cả hai màn kịch nhỏ giáo đầu cho màn kịch lớn là Hội nghị Trung Ương thứ 12, Khóa 10 trong cuối tháng Ba, một Hội nghị trung ương bàn về Đại Hội.
Theo tiền lệ của các đại hội trước, chưa chắc gì Hội nghị Trung ương này chung quyết được hai vấn đề nhân sự và chính sách, nhưng sẽ là điểm khởi đầu cho một chiến dịch sơn phết đại hội của đảng, và bộ máy truyên truyền của đảng phát động phong trào hướng về đại hội từ trong nước cho đến ngoài nước .
Trong nước nhân dân không hề quan tâm đến đại hội đảng vì họ quá quen thuộc với lề lối tuyên truyền “biết rồi khổ lắm nói mãi” của đảng . Đảng viên cấp tỉnh ít lên tiếng vì họ hiểu luật chơi. Các đảng viên cao cấp thì tích cực vận động, đấm đá nhau nhưng mọi việc chỉ diễn ra trong hậu trường. Lên tiếng công khai chỉ có một số đảng viên cao cấp đã nghỉ hưu lên tiếng về một số vấn đề trong bản dự thảo Báo cáo Chính trị. Các nhân vật này ở trong một tư thế không giành quyền hành được với ai và với quá trình đóng góp cho bộ máy kềm kẹp của Đảng họ không lo sợ cho an toàn cá nhân. Sự lên tiếng này nếu không giúp gì được cho đàn em thì cũng quét được một lớp sơn màu mè cho đảng. Qua các đại hội trước đây chúng ta thấy tướng hồi hưu Võ Nguyên Giáp và cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt từng lên tiếng đôi lúc rất căng thẳng, nhưng hầu như không có một thay đổi - dù nhỏ - nào trong đường lối và nhân sự đã sắp xếp.
Riêng những nhà đấu tranh dân chủ trong nước, trong đó có nhiều thành phần cựu đảng viên ly khai, hiểu rõ màn kịch này nhưng họ có nhu cầu hiện diện và cảnh giác quần chúng nên họ tích cực lên tiếng đóng góp về nội dung Bản báo cáo chính trị, góp ý kiến về nhân sự, và nhất là ý kiến về các đối sách ngoại giao đối với các khối thế lực trên thế gới như với Hoa Kỳ, Trung quốc, Cộng đồng Âu châu, và khối Asean … Nhưng những người đấu tranh trong nước không có ảo tưởng ảnh hưởng đến hay thay đổi được đường lối đã định.
Về nhân sự, trên thực tế dù ông A hay ông B làm Tổng bí thư cũng không có gì khác nhau chừng nào bản Hiến pháp vô hồn với điều 4 đặt đảng lên đầu của nhân dân và ngồi xổm trên lưng của quốc hội vẫn còn đó. Sau Nguyễn Văn Linh (đại hội 6, 1986) để thi hành chính sách đổi mới để sống còn, các tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh mỗi người một vẻ nhưng không ông nào mang đến một điều gì mới lạ cho đất nước.
Chúng ta từng đòi hỏi những điều căn bản trên, và chúng ta cần đòi nữa, đòi hỏi mãi để xoáy vào nhân dân trong nước, xoáy vào dư luận quốc tế rằng tại Việt Nam hôm nay dưới chế độ độc tài cộng sản không có đảng chính trị nào được tồn tại ngoài đảng cộng sản Việt Nam; không có cơ quan ngôn luận nào nằm ngoài sự kiểm soát của đảng; các cuộc bầu cử từ các hội đồng nhân dân địa phương đến quốc hội đều là những màn dối trá chính trị của đảng cộng sản Việt Nam để đưa đảng viên ra nắm hết các cơ quan đại diện dân; và đảng dùng quân đội và công an để đàn áp mọi tiếng nói đối lập. Những gì đảng cộng sản nói và làm trong thời gian chuẩn bị đại hội chỉ là những phương án có tính huê dạng để lừa bịp dư luận quốc tế, phỉnh gạt nhân dân.
Đường chúng ta đi là hãy cùng một hướng, và bằng những sách lược cụ thể, thực tế, ôn hòa không đe dọa một ai từng bước qua thời gian dồn áp lực đẩy mở cánh cửa dân chủ.
Trần Bình Nam March 15, 2010
binhnam@sbcglobal.netwww.tranbinhnam.com
No comments:
Post a Comment