Pages

Tuesday, March 2, 2010

TIN THẾ GIỚI * TRUNG QUỐC & MỸ

*
TIN BBC

TQ muốn thách thức ảnh hưởng của Mỹ


Quân đội Trung Quốc tập dượt

Một sỹ quan cao cấp của Trung Quốc nói nước này phải xây dựng một nền quốc phòng hùng mạnh nhất thế giới và mau chóng truất ngôi "vô địch" của Hoa Kỳ.

Các tham vọng dân tộc chủ nghĩa lại một lần nữa được nhấn mạnh trong một cuốn sách tiếng Hoa mới xuất bản, tựa đề Trung Quốc Mộng (中国梦), của chuẩn tướng Giải phóng quân Trung Quốc Lưu Minh Phúc (刘明福).

Trong cuốn sách, ông Lưu thẳng thắn kêu gọi Bắc Kinh không nên khiêm nhường nữa mà "gấp rút trở thành số một thế giới".

Ông nói việc Trung Quốc nổi lên sẽ khiến Washington lo ngại và dẫn tới nguy cơ chiến tranh, cho dù Trung Quốc chỉ muốn "trỗi dậy một cách h̀oa bình".

Một số trích dẫn từ cuốn Trung Quốc Mộng: "Mục tiêu to lớn của Trung Quốc trong thế kỷ 21 là trở thành số một thế giới, cường quốc hàng đầu"; "Nếu như trong thế kỷ 21 mà Trung Quốc không trở thành số một và cường quốc hàng đầu được thì không thể tránh khỏi sẽ là kẻ tụt hậu bị cho ra rìa".

Quyển sách 303 trang tỏ rõ lập trường dân tộc, chống Mỹ, khá mạnh mẽ.

Tướng Lưu viết rằng nếu Trung Quốc tìm cách vươn lên vị trí siêu cường, thì "cho dù Trung Quốc có tư bản chủ nghĩa hơn Mỹ đi nữa, Mỹ vẫn tìm cách kiềm chế Trung Quốc".

Sự cạnh tranh giữa hai nước là cuộc thi tài để "trở thành quốc gia dẫn đầu", và là xung đột về vị thế thống trị thế giới.

Tuy nhiên cuốn Trung Quốc Mộng được nói là không đại diện cho quan điểm của chính phủ Bắc Kinh, vốn kín tiếng hơn về các tham vọng của mình.

Các nhà quan sát cho rằng sự ra đời của quyển sách này cho thấy áp lực của dư luận đòi hỏi ban lãnh đạo Trung Quốc phải chuyển các thành tựu kinh tế thành bước nhảy vọt về uy lực trước các quốc gia phương Tây.

Trỗi dậy về quân sự

Chuẩn tướng Lưu Minh Phúc là giảng viên Đại học Quốc phòng Trung Quốc và việc ông cho ra mắt cuốn sách cũng được nhìn nhận là nay giới chức quân đội đã bắt đầu tham gia vào gây áp lực đòi Bắc Kinh phải có thái độ cứng rắn hơn trước.

Trước đây, dường như các kêu gọi như thế này chỉ do các blogger vô danh đăng tải trên mạng internet.

Hãng tin Reuters trích lời ông Lưu nói: "Quyển sách chỉ nói lên quan điểm riêng của tôi, nhưng nó cũng phản ánh phần nào một làn sóng tư tưởng (trong nước Trung Quốc)".

Cuối tuần này Bắc Kinh sẽ thông báo ngân sách quốc phòng năm 2010, vốn đã được tăng gần 15% trong năm 2009.

Có nhận định Bắc Kinh sẽ tăng ngân sách quốc phòng để ra tín hiệu cho chính quyền Obama sau khi Mỹ quyết định thực thi hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ đôla cho Đài Loan.

Ông Alan Romberg, chuyên gia về Trung Quốc và Đài Loan tại Trung tâm Henry L. Stimson ở Washington DC, được hãng Reuters trích lời nói rằng khi giới tướng lãnh lên tiếng thì chắc chắn lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải lắng nghe.

"Tuy nhiên tôi cho là nhà chức trách sẽ tìm cách kiểm soát các phản ứng trong dư luận, ngay cả khi họ chấp thuận xem xét các kiến nghị này."

Cuốn Trung Quốc Mộng xuất bản từ tháng 01/2010, nhưng nay mới được mang ra bán rộng rãi ở Bắc Kinh.

Năm ngoái, một cuốn sách mang nội dung dân tộc chủ nghĩa khác có tên Trung Quốc bất cao hứng cũng đã thu hút chú ý của dư luận.

Sách này chê trách thái độ thụ động và kêu gọi người Trung Quốc có hành động cổ súy uy tín quốc gia.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/03/100302_china_us_dominence.shtml

TIN VOA

Trung Quốc tăng 7,5% ngân sách quốc phòng

Trung Quốc vừa loan báo sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 7,5 phần trăm trong năm nay – đây là mức tăng ít nhất trong hơn 2 thập niên. Các số liệu được công bố tại một cuộc họp báo hôm nay, trước khi diễn ra phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, khai mạc vào ngày mai. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

Việc công bố ngân sách quốc phòng diễn ra sau những lời phản đối liên tục mới đây của Bắc Kinh về vụ Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan
Hình: AFP

Việc công bố ngân sách quốc phòng diễn ra sau những lời phản đối liên tục mới đây của Bắc Kinh về vụ Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan

Chia sẻ

Tin liên hệ

Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh: "Chi phí quốc phòng của Trung Quốc là thấp so với tầm cỡ về địa lý và dân số"

Ông Lý Triệu Tinh, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, nói rằng ngân sách quốc phòng mới của Trung Quốc cho năm 2010 sẽ là gần 78 tỷ đôla, tức là tăng 7,5 phần trăm so với năm trước.

Ông Lý cho biết mức tăng này nhỏ hơn so với những năm trước đó. Ông nói những khoản gia tăng chi phí quốc phòng phần lớn sẽ được dùng để đa dạng hóa các khả năng quân sự và hỗ trợ cho việc hiện đại hóa quân lực. Ông nói khoản tiền này cũng sẽ được dùng để giúp nâng cao mức sống của nam nữ quân nhân.

Ông nói chi phí quốc phòng của Trung Quốc là thấp so với tầm cỡ về địa lý và dân số.

Ông nói ngân khoản mà Trung Quốc chi cho quân đội sẽ chỉ chiếm 1,4 phần trăm tổng sản phẩm quốc dân. Ông so sánh tỷ lệ này với tỷ lệ hơn 4 phần trăm của Hoa Kỳ, và khoảng 2 phần trăm của Anh, Pháp và Nga.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng số liệu chính thức chỉ chiếm một phần ngân khoản thực thụ dành cho quân đội và đã kêu gọi có thêm sự minh bạch trong các khoản chi tiêu về quân sự của Trung Quốc.

Ông Lý nói nước ông đã đệ trình các báo cáo về dự chi quốc phòng thường niên lên Liên Hiệp Quốc và đã tình một báo cáo quốc phòng quan trọng hai năm một lần.

Trung Quốc đã đóng một vai trò ngày càng tích cực hơn trong các vấn đề quân sự quốc tế. Một lực lượng đặc nhiệm hải quân đã lên đường đi nam bộ Trung Quốc hôm nay để thay thế các tàu quân sự của Trung Quốc đã đi tuần tra trong Vịnh Aden để bảo vệ tầu bè quốc tế khỏi bị hải tặc ở ngoài khơi Somalia.

Việc công bố ngân sách quốc phòng diễn ra sau khi có những lời phản đối liên tục mới đây của Bắc Kinh về vụ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, một hòn đảo mà Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của họ.

Ông Lý nói Trung Quốc coi dân chúng ở Đài Loan là ‘ruột thịt’ và ông cho rằng “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Về vấn đề Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, ông Lý ví như hai anh em đang ôm nhau, mà lại có kẻ đâm sau lưng một trong hai người.

Bang giao giữa Trung Quốc và Đài Loan đã cải thiện trong mấy tháng gần đây, sau mấy chục năm thù nghịch. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì hàng trăm phi đạn nhắm vào hòn đảo này.

Trong khi đó, ông Lý nhắc lại lập trường của Trung Quốc là nước ông cực lực chống đối việc các nhà lãnh đạo nước ngoài gặp lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, Đức Đạt lai Lạt ma. Tổng thống Obama đã tiếp Đức Đạt lai Lạt ma tại Washington hồi tháng trước.

Trung Quốc cáo buộc nhà lãnh đạo Tây Tạng là mưu tìm độc lập cho Tây Tạng. Đức Đạt lai Lạt ma bác bỏ lời tố giác này và nói ngài chỉ mưu tìm thêm quyền tự trị văn hóa và tôn giáo cho quê hương của mình.

Trong khi đó, ông Lý trấn an các phóng viên rằng tình hình ở vùng sắc tộc có nhiều biến động là Tân Cương nay đã ổn định. Tân Cương có khối dân đa số là người Uighur theo đạo Hồi và hồi tháng 7 năm ngoái đã chứng kiến những vụ bạo động sắc tộc tệ hại nhất.

Ông Lý nói sự ổn định được phục hồi ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương là nhờ Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính phủ cả ở cấp trung ương lẫn địa phương, và quân đội.
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/world/china-military-03-04-2010-86330027.html

*

VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Bảy, 27 tháng 2 2010 RSS

Bắc Kinh 'đang ngày càng mạnh bạo' ở khu vực biển Đông

Hồi đầu tháng Hai vừa qua, một cuộc điều trần về sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông, đã diễn ra tại Quốc hội Hoa Kỳ, với sự tham gia của nhiều chuyên gia và các nhà ngoại giao cấp cao. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với một trong các diễn giả của buổi điều trần, Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Henry L. Stimson ở thủ đô Washington.

Tiến sĩ Richard Cronin
Hình: Richard Cronin

Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Henry L. Stimson ở thủ đô Washington


Tin liên hệ

Ðường dẫn liên hệ

VOA: Ông từng cho rằng Bắc Kinh ‘đang ngày càng mạnh bạo’, thậm chí là ‘khiêu khích’, khi khẳng định chủ quyền ở khu vực biển Đông (mà Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa). Lý do nào đưa ông tới quan điểm như vậy?

Tiến sĩ Richard Cronin: Tôi nghĩ rằng các tuyên bố của Trung Quốc bấy lâu nay không được thừa nhận theo Công ước Quốc tế về Luật Biển. Phần lớn khu vực biển Nam Trung Hoa là vùng lãnh hải mang tính lịch sử. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở vùng biển trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines và một số nước khác.

Hơn nữa, Trung Quốc đã gây áp lực buộc các công ty dầu mỏ nước ngoài không khai thác tại các lô mà Việt Nam đề nghị họ thăm dò. Bắc Kinh đã nói với các công ty này rằng nếu họ khai thác ở các khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, họ sẽ không thể hoạt động kinh doanh ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Theo tôi biết, các công ty này còn được hứa rằng nếu họ không thăm dò ở vùng biển tranh chấp, họ sẽ được cho phép khai thác thêm các lô thuộc lãnh hải Trung Quốc trên vùng biển Nam Trung Hoa. Đó là một áp lực ảnh hưởng tới Việt Nam và các nước khác vì họ không thể khai thác các mỏ dầu khí ở ngoài khơi nếu Trung Quốc chưa cho phép.

Một vấn đề khác nổi lên gần đây là quyền tự do hoạt động trên vùng biển quốc tế và qua các tuyến đường hàng hải thuộc khu vực EEZ hay vùng lãnh hải của các nước khác. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã can dự vào một số vụ việc gây hấn với tàu hải quân Hoa Kỳ đi qua khu vực gần đảo Hải Nam và một số khu vực khác. Hoa Kỳ thực sự quan ngại về vấn đề này vì Washington ưu tiên bảo vệ quyền tự do hoạt động trên vùng biển quốc tế cũng như hoạt động thương mại và di chuyển của tàu chiến qua biển Nam Trung Hoa.

VOA: Có quan ngại cho rằng việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân là một mối đe dọa tiềm tàng đối với các nước tranh chấp ở biển Đông. Ông có nghĩ như vậy không?

Tiến sĩ Richard Cronin: Tôi cũng cho rằng việc Trung Quốc tăng cường hải quân đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng sẽ còn lâu khả năng của Trung Quốc mới có thể thách thức hải quân Hoa Kỳ. Tôi thực sự không nghĩ rằng Washington sẽ từ bỏ ảnh hưởng sức mạnh hải quân của mình ở châu Á – Thái Bình Dương vì đó là khu vực quan trọng với Hoa Kỳ.

Nhưng rõ ràng Trung Quốc muốn thách thức bằng cách mua sắm các thiết bị mới như các tàu tấn công có trang bị tên lửa. Dường như đó là một cuộc chạy đua vũ trang âm thầm, dù phía Hoa Kỳ không làm vậy. Rõ ràng Bắc Kinh gia tăng việc từ chối tiếp cận đối với các khu vực họ cho là quan trọng ở vùng biển Nam Trung Hoa, mà theo luật quốc tế, có thể thuộc về Việt Nam và các quốc gia khác.

Washington quan ngại về việc Bắc Kinh củng cố sức mạnh hải quân, không chỉ vì thách thức họ đối mặt mà vì an ninh, hòa bình và ổn định của các đồng minh, các quốc gia bạn hữu của Hoa Kỳ trong khu vực.

VOA: Bắc Kinh luôn luôn tuyên bố rằng ‘tranh chấp lãnh hải là vấn đề song phương’ và ‘không thể được giải quyết thông qua cơ chế đa phương’. Quan điểm của ông như thế nào?

Tiến sĩ Richard Cronin:
Cá nhân tôi đang đề xuất với một tổ chức nổi tiếng về việc tiến hành một cuộc hội thảo liên quan tới các quốc gia không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, nhưng hoạt động ở vùng biển Nam Trung Hoa. Tôi tạm thời chưa muốn tiết lộ tên của tổ chức lớn này.

Quan điểm của tôi cùng một số chuyên gia khác ở Nhật Bản cho rằng không nên để cho Trung Quốc đàm phán song phương với các quốc gia láng giềng, hay thậm chí là giữa Bắc Kinh với tất cả các nước láng giềng có tranh chấp quanh khu vực biển quốc tế có thuyền bè qua lại nhộn nhịp và có nguồn dầu, khí, hải sản phong phú, có giá trị này. Trung Quốc không muốn đàm phán đa phương, mà chỉ muốn đàm phán với mỗi quốc gia vào một thời điểm riêng rẽ trên cơ sở song phương mà thôi. Ngoài ra, những gì xảy ra ở vùng biển Nam Trung Hoa có ảnh hưởng toàn cầu cũng như quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ.

Tôi đang đề xuất tổ chức một cuộc hội thảo tại Tokyo với sự tham gia của các chuyên gia từ tất cả các quốc gia liên quan nhằm thảo luận vấn đề làm sao phối hợp quản lý khu vực này mà không cần giải quyết vấn đề trọng tâm là tranh chấp lãnh hải, vì theo tôi cuộc tranh chấp này sẽ không bao giờ có thể được giải quyết rốt ráo được.

Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh mâu thuẫn với Công ước Quốc tế về Luật Biển cũng như tuyên bố của các nước khác, và chính bởi vậy gần như không có cơ hội hóa giải được các tranh chấp đó, trừ khi chấp nhận các điều khoản của Bắc Kinh. Câu hỏi đặt ra là, các quốc gia thường xuyên hoạt động trên khu vực biển Nam Trung Hoa có thể đóng góp gì vào việc quản lý vùng lãnh hải và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.

VOA: Có ý kiến cho rằng Hoa Kỳ nên mạnh mẽ thể hiện hơn nữa nhằm ngăn chặn Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở biển Đông. Còn ông nghĩ sao, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Richard Cronin: Tôi nghĩ rằng đối với Hoa Kỳ, có hai quan ngại chính. Một là vấn đề địa chính trị và địa chiến lược. Hai là quyền tự do hoạt động trên vùng biển quốc tế và khả năng hợp tác quản lý tài nguyên, không chỉ liên quan tới việc khai thác dầu khí sâu dưới đáy biển, mà còn cả việc quản lý nguồn hải sản ở biển Nam Trung Hoa.

Các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố không nghiêng về phía nào liên quan tới cuộc tranh chấp, và mong muốn các giải pháp hòa bình đối với vấn đề bất đồng và tranh chấp. Nhưng nay thì cả thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi.

Những gì xảy ra ở biển Nam Trung Hoa liên quan tới quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. Vì thế, giờ không chỉ là sự đúng sai trong các tuyên bố chủ quyền, mà các bên còn cần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như không được sử dụng vũ lực để củng cố tuyên bố chủ quyền. Thậm chí, vấn đề này còn liên quan tới quyền lợi toàn cầu trong việc hợp tác quản lý các nguồn tài nguyên ở đó.

Xin cám ơn tiến sĩ Richard Cronin. Nếu Quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin chân thành cám ơn.

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/China-has-become-increasingly-assertive-in-South-China-Sea-02-27-10-85548197.html

*

No comments:

Post a Comment