Mỹ thành ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam?
TIN BBC
Ông Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, từng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo trong nước rằng Hoa Kỳ có khả năng duy trì ổn định tại vùng Đông Nam Á.
“Việt Nam cần Hoa Kỳ đóng vai trò đối trọng trong việc đương đầu với các tham vọng lẫn thách thức truyền thống và phi truyền thống trong khu vực,” tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng VietnamNet ngày 17/2.
Chưa đầy một ngày sau bài phỏng vấn này đã bị rút xuống. Tuy một số website khác ở Việt Nam vẫn lưu giữ bài viết này.
Ông Thắng cho rằng nếu đứng trên quan niệm địa chính trị, “một trong những ‘đối tác chiến lược’ hàng đầu của Việt Nam hiện nay phải là Hoa Kỳ.”
Tổng kết của Bộ Ngoại giao Hà Nội cho thấy Việt Nam hiện nay có quan hệ ‘đối tác chiến lược’ với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc. Và Tây Ban Nha.
Nhà ngoại giao thâm niên, nguyên trưởng nhóm Tư vấn Lãnh đạo bộ Ngoại giao nhắc đến phát biểu của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt về quan tâm chiến lược chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả việc duy trì quân bình lực lượng ở Đông Nam Á
Raymond Burghardt-Cựu ĐS Mỹ tại VN
“Hoa Kỳ và Việt Nam cùng có chung nhiều lợi ích chiến lược, trong số đó có cả việc duy trì quân bình lực lượng ở Đông Nam Á.”
Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Nam Á-TBD, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từng tỏ ý quan ngại Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự tại Biển Đông thời gian gần đây.
Theo ông Đinh Hoàng Thắng, chính trị gia từ đảng Dân Chủ Mỹ muốn Hoa Kỳ có vai trò rõ ràng hơn trong tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải tại Biển Đông. Và ông trích phát biểu của Jim Webb: “Hoa Kỳ cần xác định rõ ràng, chi tiết và cụ thể công việc bảo vệ chủ quyền của các quốc gia trong khu vực này.”
Khi nào xảy ra?
Nhu cầu tìm kiếm đồng minh từ phía Việt Nam là có, nhu cầu từ phía Mỹ cũng được xác định, vậy khi nào ‘quan hệ chiến lược’ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới xảy ra?
Ông Đinh Hoàng Thắng đặt kỳ vọng vào 2010, thời điểm hai nước kỷ niệm 15 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ nhân dịp 15 năm hai nước thiết lập bang giao (1995-2010) lại đúng vào thời điểm Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội 11 sẽ là một tín hiệu quan trọng cho thấy tầm nhìn toàn cầu của lãnh đạo hai nước.”
Trong thập kỷ tới, nhà ngoại giao Việt Nam nói, “cục diện thế giới và khu vực có quá nhiều yếu tố bấp bênh.”
Sự trỗi dậy (nhiều mặt) của Trung Quốc và Ấn Độ, theo ông Thắng, sẽ gây ra một số thay đổi lớn, “đến mức diện mạo của cái trật tự được kiến tạo và xây dựng từ sau thế chiến thứ hai sẽ không tồn tại nữa.”
Để đối ứng với tình trạng này, ông Thắng đề nghị Việt Nam khẩn trương “hoàn thiện khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước lớn,” coi các quan hệ này “là nền móng chắc chắn và bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập.”
“Con thuyền Việt Nam giữa một đại dương mênh mông sóng dữ phải biết tự trang bị cho mình nhiều “phao cứu hộ,” cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói.
“Phải thiết lập cho được “một hệ thống truyền tin” trong suốt để cả khi sóng yên biển lặng lẫn khi hữu sự, chúng ta có bạn bè đối tác, tạo thêm càng nhiều thế và lực cho ta càng tốt.”
Tuy nhiên khơi thông quan hệ Việt Mỹ không phải là chuyện dễ dàng. Trong lúc quan hệ quốc tế diễn tiến một cách nhanh chóng, quan hệ Việt–Mỹ diễn ra một cách chậm chạp, theo phái viên VietnamNet.
“Phải mất 20 năm quan hệ này mới được bình thường hóa hoàn toàn (1975-1995), và đến 2010 này đã là 15 năm rồi nhưng bang giao hai phía vẫn “vó câu khấp khểnh bánh xe gập gềnh,” tờ báo điện tử viết.
‘Quá chậm’
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về Việt Nam và Đông Dương học tại Đại học George Mason ở Washington DC đồng ý với nhận định quan hệ Việt Mỹ diễn tiến quá chậm. Ông cho rằng chậm trễ như vậy trong bang giao là do phía Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Hùng: Từ lâu lắm rồi VN quan tâm đến nước Mỹ như là đe dọa về diễn biến hòa bình. Suốt từ năm 1990 trở đi, Việt Nam coi Mỹ là diễn biến hòa bình thành ra đi sát với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không phải là người dễ chơi. Đến đầu thế kỷ 21, nhất là từ 2001 trở đi đến những năm 2005, 2006 đe dọa của TQ đối với Việt Nam nó lớn hơn diễn biến hòa bình.
Do vậy giới ngoại giao Việt Nam phải quyết định rõ ràng, cái gì là cái đe dọa nhiều nhất cho VN? Đe dọa từ Trung Quốc hay là đe dọa từ diễn biến hòa bình. Khi mà giải quyết vấn đề đó xong rồi thì mới đặt quan hệ ngoại giao giữa VN và Mỹ trên cái căn bản đó được.
Bài trả lời phỏng vấn của ông Hoàng Đình Thắng giống như đưa ra quả bóng thăm dò. Phải nói cái thời điểm này rất quan trọng. Hai bên đã làm đối tác quốc phòng rồi thì bây giờ phải có những định chế rõ rệt đi. Để làm thêm nữa.
Chưa đầy một năm nữa Việt Nam sẽ họp Đại hội Đảng. Ông Hoàng Đình Thắng có vẻ kêu gọi sự đồng thuận trong Đảng. Đồng thuận xong rồi thì Đảng mới chuẩn bị nhân sự để thi hành quyết định ấy, trong Đại hội sắp tới. Tức là sắp xếp người để vào cái Đại hội đó, sắp xếp người vào chức vụ để thi hành cái quyết định đó.
Vấn đề đặt ra từ giờ đến lúc đó phải có quyết định rõ rệt muốn đi theo đường nào.
BBC: Hà Nội đang đón chờ chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton từ tháng Tư trở đi. Và hy vọng tổng thống Mỹ Barak Obama sẽ thăm Việt Nam trong thời gian nước này giữ chức chủ tịch khối Asean. Chuyện đó có xảy ra không, thưa giáo sư?
Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Obama có nhiều quan tâm lắm. Cái nghị trình ngoại giao của Mỹ là rất lớn. Đối với Việt Nam phải có cái gì ghê gớm lắm ông ta mới qua, chẳng hạn như biến chuyển to lớn, VN có cái quyết định gì ghê gớm lắm, hay ở Đông Nam Á có biến chuyển lớn lắm.
Người Mỹ có nói rằng ở Asean, một đằng các anh lo chơi với Trung Quốc, một đằng các anh cứ lo “chống Mỹ cứu nước” thì không thể được. Bây giờ anh muốn chơi với tôi thì anh phải thực tâm hơn. Nếu anh thực tâm hơn thì anh phải giải quyết cho tôi những vấn đề chúng tôi thắc mắc, vấn đề làm cho chúng tôi phiền lòng. Là bởi vì nếu chúng tôi đi với anh, có hai việc sẽ xảy ra đó là Trung Quốc họ sẽ không bằng lòng. Cái thứ hai là Quốc hội Mỹ sẽ không bằng lòng. Thì anh phải làm cho chúng tôi vui vẻ để tôi có thể nói cho Quốc hội của tôi được.
Cho nên nhân quyền sẽ luôn là một vấn đề chứ chẳng phải không, nó sẽ ở đó. Tuy rằng hai bên phải tìm cách “quản lý” cái việc đó. Không phải một trở ngại, nhưng nó sẽ là yếu tố đóng góp tích cực vào việc tăng cường chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Việt Nam.
BBC: Việt Nam có thể chơi nước cờ tay ba, Việt Nam-Mỹ-Trung Quốc như thế nào để lợi dụng được cả hai, thưa giáo sư?
Nguyễn Mạnh Hùng: Khi người ta làm chiến lược người ta cần biết đâu là đe dọa lớn nhất đối với mình và tìm cách đối phó. Ngày xưa họ nói Mỹ là đe dọa thì bây giờ Mỹ hết đe dọa rồi. Cho nên mình phải quyết định. Và phải chăng Việt Nam cần phải lợi dụng cái mối quan hệ tay ba, giữa VN, Mỹ và TQ để có thể thủ lợi.
Trước hết nói Mỹ quan tâm đến Biển Đông, khi mà Việt Nam lừng khừng thì Hoa Kỳ đã thiết lập xong quan hệ với các nước xung quanh rồi. Những nước này lớn, mạnh và trung thành với Mỹ hơn. Ví dụ như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Hay Singapore. Ngay cả Thái Lan nữa, Hoa Kỳ có quan hệ tốt hơn Việt Nam. Chế độ chính trị thích hợp hơn. Và được Quốc hội Mỹ thoải mái hơn. Cho nên Việt Nam cũng chỉ là thứ yếu tôi. Nếu phải chọn một trong hai nước cộng sản, thì Trung Quốc có cái lợi vì họ là nước lớn. Nhưng vì Việt Nam là nước nhỏ cho nên cũng có cái lợi, đó là Mỹ không coi VN là đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh của họ. Và cũng không thể là kẻ thù của Mỹ được. Cho nên đối với Mỹ, Mỹ thấy thoải mái với VN hơn.
Về phương diện cải tổ chính trị, VN là nước nhỏ cho nên dễ cải tổ chính trị hơn Trung Quốc, thành ra đó là yếu tố tích cực để có thể tác động đến bang giao Việt Mỹ. Như tôi từng nói lịch trình của ông Obama khá bận, chỉ khi nào, chỗ nào có cái gì ghê gớm lắm ông mới sang thôi.
Thành ra nó sẽ tùy thuộc vào ba điểm. Thứ nhất là chuyến thăm Việt Nam của bà Clinton, xem cái tác động của khối Asean ra làm sao. Sau này thì ông thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng có thể thăm Mỹ để bàn về vấn đề nguyên tử. Hai cái điểm này, cộng thêm một điểm nữa là xem có cái gì tác động thêm đối với VN không, thì bấy giờ ông Obama mới quyết định sang thăm Việt Nam được. Từ giờ đến lúc đó có nhiều yếu tố xảy ra mình không thể biết được. Mình chỉ có thể đoán rằng nghị trình ngoại giao của Mỹ thì dày đặc. Và cái vấn về Việt Nam thì không ở cao lắm. Thậm chí còn là thấp. Hai yếu tố này cho ta thấy có hy vọng nhưng không hy vọng nhiều. Cả đại sứ Mỹ tại VN, Michael Michalak cũng đã nói, ông sẽ cố gắng nhưng không hy vọng nhiều.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100305_viet_us_partnership.sh
Việt Nam cần cải thiện nhân quyền nếu muốn có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ
Cập nhật Thứ Năm, 04 tháng 3 2010
Trong phiên điều trần hôm 3/3 trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về tình hình chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Kurt Campbell nói rằng Việt Nam cần cải thiện tình hình nhân quyền nếu muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, trong khi dân biểu Ed Royce, thành viên Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Hoa Kỳ thì cho rằng đã đến lúc phải đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo. Dân biểu Royce cũng cho rằng Hoa Kỳ cần có hành động nhiều hơn để các chính phủ vi phạm nhân quyền trong khu vực phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
Minh Anh Thứ Năm, 04 tháng 3 2010
Tin liên hệ
Ngoài vấn đề an ninh và kinh tế, dân chủ và nhân quyền cũng nằm trong những nội dung chính của cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ lần này.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell nhận định rằng cam kết của Hoa Kỳ về dân chủ và bảo vệ nhân quyền là yếu tố không thể thiếu trong sự giao tiếp với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và việc cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng cho những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội, khuyến khích các nước trong khu vực tôn trọng các quyền của con người đã được quốc tế công nhận đối với người dân nước họ.
Chất vấn về vấn đề nhân quyền, dân biểu Ed Royce, một người lâu nay vẫn rất quan tâm đến tình hình nhân quyền của Việt Nam, đã đề cập đến các vụ xét xử một loạt các nhà bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây của giới hữu trách Việt Nam cũng như vụ việc các tu sĩ phật giáo bị sách nhiễu. Ông Royce nói
“Liên quan đến vấn đề đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nuớc cần Đặc biệt Quan tâm về Tự do Tôn giáo (CPC), tôi có thể nói rằng uỷ ban về tự do tôn giáo đã báo cáo về những gì đang xảy ra ở các nhà thờ công giáo, những gì đang xảy ra ở các tu viện phật giáo, về vụ việc tu viện phật giáo bị công an chìm tới quấy nhiễu v.v. Bây giờ là lúc cần đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.”
Trả lời về vấn đề này Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell nói rằng Việt Nam cần phải cải thiện thành tích nhân quyền nếu muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ:
"Tôi có thể nói là chúng tôi có những quan ngại thật sự về sự thụt lùi trong vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam cũng đồng thời muốn có một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ vì những lý do chiến lược. Chúng tôi đã lập luận với họ rằng sẽ rất khó để có được một mối quan hệ như vậy nếu họ không thực hiện những bước cụ thể để cải thiện tình hình trong nước.”
Về vấn đề đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, ông Campbell nói rằng ông cần thêm thời gian để cân nhắc và duyệt xét lại vấn đề này và sẽ trả lời trước các nhà lập pháp trong thời gian sớm nhất có thể.
Năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ. Trong khi quan hệ về mặt kinh tế đã đạt được một bước tiến dài và Hoa Kỳ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam thì vấn đề nhân quyền vẫn là một thách thức trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tuy vậy, cách tiếp cận vấn đề nhân quyền của Việt Nam giữa quốc hội và bộ ngoại giao Hoa Kỳ lại có phần khác biệt. Trong khi một số các nhà lập pháp tại quốc hội Hoa Kỳ muốn đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC và vận động thông qua một đạo luật nhân quyền đối với Việt Nam thì đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lại muốn sử dụng đường lối đối thoại đối với vấn đề này.
Trong cuộc họp báo nhân dịp đầu năm 2010, Đại sứ Michael Michalak nói, xin trích dẫn: ‘tại thời điểm này chúng tôi muốn tiếp tục các cuộc đối thoại về nhân quyền để xem chúng tôi thể đạt được tiến bộ hay không. Ví dụ trong cuộc đối thoại lần gần đây nhất về nhân quyền chúng tôi đã thỏa thuận về 3 dự án khác nhau liên quan đến vấn đề quản trị chính quyền mà chúng tôi đang hợp tác với chính phủ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng hiện tại đó là phương hướng hành động đúng đắn đối với chúng tôi”.
Liên quan tới vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell nhận định rằng về mọi mặt như địa chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế, Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực vô cùng quan trọng và rõ ràng là các nước trong khu vực muốn Hoa Kỳ duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ và tích cực ở đây. Oâng khẳng định rằng chính sách của Hoa Kỳ bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò là một sức mạnh ‘thường trú’ (resident power) chứ không chỉ là một vị khách của khu vực bởi những gì xảy ra trong khu vực sẽ có tác động trực tiếp đến an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ.
"Trong vài thập niên tới các vấn đề như việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự mất cân bằng về mặt quân sự ở đông bắc Á, bạo lực cực đoan ở Nam Á, vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tràn lan sẽ gây nên những thách thức to lớn nhất đối với Hoa Kỳ và phần còn lại của khu vực. Những thách thức này sẽ tiếp tục rất nghiêm trọng ở Đông Á. Tình huống này đòi hỏi Hoa Kỳ phải đóng một vai trò lãnh đạo, trong đó có việc tăng cường và mở rộng các đồng minh của chúng ta, thiết lập các đối tác mới và tăng cường khả năng của các tổ chức đa phương"
Ông Campbell cũng cho rằng điều căn bản để đối phó với những thách thức của khu vực là việc tiếp tục khuyến khích Trung Quốc trở thành một thế lực cho sự ổn định, an toàn và thịnh vượng của khu vực cũng như khuyến khích họ tiếp tục hội nhập vào hệ thống quốc tế.
Một chiến lược hướng về phía trước của Hoa Kỳ được xây dựng trên những mối quan hệ như vậy cũng như sức mạnh của Hoa Kỳ với vai trò là một cường quốc dân chủ và lãnh đạo ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là điều quan trọng để đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu.
Ông Campbell khẳng định rằng Hoa Kỳ sẵn sàng và có thể đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực tăng cường khả năng của họ để đạt tới thành công. Dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Ngoại truởng Hillary Clinton, Hoa Kỳ sẵn sàng đối mặt với những thách thức này.
Đại sứ Mỹ 'hài lòng' về quan hệ quốc phòng
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091202_us_viet_defence.shtm
Tư lệnh Không quân Mỹ thăm Việt Nam
Báo Việt Nam đưa tin đại tướng Gary North, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ vừa tới thăm Việt Nam.
Bản tin ngắn của TTXVN nói đại tướng North đã được Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tiếp.
“Trung tướng Trần Quang Khuê chào mừng đại tướng Gary North đến thăm và làm việc tại Việt Nam, coi đây là dịp tốt để lực lượng không quân hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu các lĩnh vực có thể hợp tác.”
Bản tin không đi vào chi tiết ‘các lĩnh vực có thể hợp tác’ là gì.
Tin của hãng Thông tấn của Nhà nước viết thêm: “Đại tướng Gary North mong muốn thời gian tới lực lượng không quân hai nước tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực như an toàn bay, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và dự báo thời tiết.”
Hợp tác không quân
Năm ngoái đã diễn ra cuộc họp lần đầu giữa các sỹ quan cao cấp thuộc Quân chủng Phòng không Không quân của Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ.
...Đây là dịp tốt để lực lượng không quân hai nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu các lĩnh vực có thể hợp tác
TTXVN
Cuộc họp hồi tháng Bảy năm 2009 có mục đích "chia sẻ thông tin và chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác trong tương lai".
Tiếp xúc này nằm trong chương trình Đối thoại Trực tiếp của không đoàn Thái Bình Dương (Pacific Air Forces' Airman-to-Airman Talks program).
Dẫn đầu đoàn không quân Mỹ là Trung tướng Chip Utterback, tư lệnh không đoàn số 13.
Thông cáo trích lời ông Utterback nói: "Quan tâm của chúng tôi tại cuộc thảo luận này là xây dựng mối quan hệ có ích cho tương lai".
"Qua các cuộc gặp trực tiếp với không quân các nước trong khu vực và đối thoại với cùng một ngôn ngữ của không quân, chúng ta có thể tìm thấy các điểm tương đồng và các cơ hội hợp tác trong tương lai."
Trong cuộc tiếp xúc ở Hà Nội ngày 22/7/2009, đại diện không đoàn số 13 đã giới thiệu với đại diện Bộ Tư lệnh Phòng không Việt Nam về không lực Hoa Kỳ và các chương trình huấn luyện phi công của Mỹ.
Trong thời gian qua quân đội hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã có một số chương trình hợp tác và trợ giúp huấn luyện.
Như đào tạo quân y, tiếng Anh, tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh, dự báo khí tượng thủy văn.
Lần đầu tiên sự hợp tác trao, đổi kinh nghiệm được mở rộng trong lĩnh vực không quân.
Một lĩnh vực khác cũng bắt đầu khởi động. Đó là bảo dưỡng chiến hạm cho hải quân Hoa Kỳ. Lần đầu tiên xưởng đóng tàuVinashin của Việt Nam sửa chữa một chiến hạm cho hải quân Mỹ.
Ngày 26/2/2010 vừa qua tàu hậu cần Richard. E. Byrd thả neo tại phía nam vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa để sửa chữa và bảo trì, theo hợp đồng với Vinashin Nha Trang.
Kể từ năm 1975, đây là chiếc tàu đầu tiên của hải quân Mỹ được nhận sửa tại Việt Nam. Công việc sửa chữa kéo dài hơn 2 tuần.
Tàu Richard. E. Byrd thuộc hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ. Tàu dài 210m, rộng 32,3m, trọng tải 40,000 tấn, thủy thủ đoàn là 145 người.
Giao lưu quân sự
Trở lại chương trình hợp tác không quân cấp cao Hoa Kỳ-Việt Nam, thiếu tá Nate Flint, phi công lái C-17 phụ trách chương trình tập huấn của không quân Mỹ được trích lời nói, cho dù lịch sử giữa hai nước có như thế nào, các sỹ quan không quân hai bên vẫn có thể trao đổi để học hỏi lẫn nhau.
Tiếp xúc không quân lần này là nỗ lực mới nhất trong quá trình mở rộng hợp tác quân sự giữa hai nước cựu thù.
Tháng Sáu năm 2009, Việt Nam cho phép Mỹ tìm kiếm nhân đạo ngoài khơi và ngày 22/04/09, lần đầu tiên hàng chục sỹ quan Việt Nam đã lên thăm hàng không mẫu hạm USS John Stennis đậu ở hải phận quốc tế cách bờ biển Việt Nam chừng 290 hải lý.
Các động thái này được đánh giá là cho thấy hai bên đã "thoải mái" hơn trong trao đổi quân sự.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam tháng Bảy 2009, đoàn không quân Hoa Kỳ có chương trình thăm trường Đào tạo Sỹ quan Không quân Nha Trang, gặp gỡ học viên; và thăm Sư đoàn 370 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
*
No comments:
Post a Comment