Pages

Wednesday, March 24, 2010

VỀ MỘT NGƯỜI THEO CỘNG SẢN: BS. DƯƠNG QUỲNH HOA

*


BS. DƯƠNG QUỲNH HOA (1930-2006)
Một bước đi sai, nghìn bước hận
Lỗi Người (?) hay bỏi phận mình oái oăm!
(Tố Hữu )
Một bài học: BS Dương Quỳnh Hoa
Tiếc Cho Một Người Lầm Lỡ Đã Nằm Xuống

(Thân tặng tất cả những người Việt còn có tấm lòng yêu quê hương).


Lời nói đầu.
-Bà Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (DQH) nằm xuống ngày thứ bảy 25–2–2006 tại Sài Gòn, và được hỏa táng vào ngày thứ ba 28/2. Báo chí trong nước cho đến hôm nay, không hề loan tải tin tức trên. Đài BBC có phỏng vấn Ông Võ Nhơn Trí ở Pháp về tin nầy và phát đi ngày 28/2.




Sự im lặng của Việt Nam khiến cho người viết thấy có nhu cầu trang trãi và chia xẻ một số suy nghĩ về cái chết của BS DQH để từ đó rút ra thêm một kinh nghiệm sống về tính chất "chuyên chính vô sản" của những người cầm quyền tại Việt Nam hiện tại.



Ô. Bà DQH và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam

BS. DQH là một người sống trong một gia đình theo Tây học, có uy tín và thế lực trong giới giàu có ở Sài Gòn từ thập niên 40. Cha là GS Dương Minh Thới và anh là LS Dương Trung Tín; gia đình sống trong một biệt thự tại đường Bà Huyện Thanh Quan xéo góc Bộ Y tế (VNCH) nằm trên đường Hồng Thập Tự. LS Tín đã bị ám sát tại Đà Lạt trong đó cái chết của ông cũng không được soi sáng, nhưng đa phần có nhiều nghi vấn là do lý do chính trị vì ông có khuynh hướng thân Pháp thời bấy giờ. Về phần Bà Hoa, được đi du học tại Pháp vào cuối thập niên 40, đã đỗ bằng Bác sĩ Y khoa tại Paris và về lại Việt Nam vào khoảng 1957 (?). Bà có quan niệm cấp tiến và xã hội, do đó Bà đã gia nhập vào Đảng CS Pháp năm 1956 trước khi về nước.

Từ những suy nghĩ trên, Bà hoạt động trong lãnh vực y tế và lần lần được móc nối và gia nhập vào Đảng CSVN. Tháng 12/1960, Bà trở thành một thành viên sáng lập của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam VN dưới bí danh Thùy Dương, nhưng còn giữ bí mật cho đến khi Bà chạy vô "bưng" qua ngõ Ba Thu –Mõ Vẹt xuyên qua Đồng Chó Ngáp. Ngay sau biến cố Tết Mậu Thân, tin tức trên mới được loan tải qua đài phát thanh của Mặt Trận."

Khi vào trong bưng, Bà gặp GS Huỳnh Văn Nghị (HVN) và kết hôn với GS. Trở qua GS Huỳnh Văn Nghị, Ông cũng là một sinh viên du học tại Pháp, đỗ bằng Cao học (DES) Toán. Về VN năm 1957, ông dạy học tại trường Petrus Ký trong hai năm, sau đó qua làm ở Nha Ngân sách và Tài chánh. Ông cũng có tinh thần thân Cộng, chạy vô "bưng" năm 1968 và được kết nạp vào đảng sau đó.


Do "uy tín" chính trị quốc tế của Bà Hoa thời bấy giờ rất cao, Mặt Trận, một lá bài của CS Bắc Việt, muốn tận dụng uy tín nầy để tạo sự đồng thuận với chính phủ Pháp hầu gây rối về mặt ngoại giao cho VNCH và đồng minh Hoa Kỳ. Từ những lý do trên, Bà Hoa là một người rất được lòng Bắc Việt, cũng như Ông Chồng là GS HVN cũng được nâng đỡ theo. Vào đầu thập niên 70, Ông được chuyển ra Bắc và được huấn luyện trong trường đảng. Tại đây, với một tinh thần thông thoáng dân tộc, cộng thêm nhiều lý luận toán học, Ông đã phân tích và chứng minh những lý thuyết giảng dạy ở trường đảng đều không có căn bản lý luận vững chắc và Ông tự quyết định rời bõ không tiếp tục theo học trường nầy nữa.


Nhưng chính nhờ uy tín của Bà DQH trong thời gian nầy cho nên ông không bị trở ngại về an ninh. Cũng cần nên nói thêm là ông đã từng được đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Kinh tế nhưng ông từ chối.


Ô.B DQH và Đảng Cộng sản VN
Chỉ một thời gian ngắn sau khi CS Bắc Việt giải tán Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, Ô Bà lúc đó mới vở lẽ ra. Về phần Ô HVN, ông hoàn toàn không hợp tác với chế độ. Năm 1976, trong một buổi ăn tối với 5 người bạn thân thiết, có tinh thần "tiến bộ", Ông đã công khai tuyên bố với các bạn như sau:"Các "toi" muốn trốn thì trốn đi trong lúc nầy. Đừng chần chờ mà đi không kịp. Nếu ở lại, đừng nghĩ rằng mình đã có công với "cách mạng" mà "góp ý" với đảng". Ngay sau đó, một trong người bạn thân là Nguyễn Bá Nhẫn vượt biên và hiện cư ngụ tại Pháp. Còn 4 người còn lại là Lý Chánh Trung (giáo sư văn khoa Sài Gòn), Trần Quang Diệu (TTKý Viện Đại học Đà Lạt), Nguyễn Đình Long (Nha Hàn..g không Dân sự), và một người nữa người viết không nhớ tên không đi. Ông Trung và Long hiện còn ở Việt Nam, còn ông Diệu đang cư ngụ ở Canada.


Trở lại BS DQH, sau khi CS chiếm đóng miền Nam tháng 4/1975, Bà Hoa được "đặt để" vào chức vụ Tổng trưởng Y tế, Xã hội, và Thương binh trong nội các chính phủ. Vào tháng 7/75, Hà Nội chính thức giải thể chính phủ Lâm thời và nắm quyền điều hành toàn quốc, chuyển Bà xuống hàng Thứ trưởng và làm bù nhìn như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định… Chính trong thời gian nầy Bà lần lần thấy được bộ mặt thật của đảng CS và mục tiêu của họ không phải là phục vụ đất nước Việt Nam mà chính là làm nhiệm vụ của CS quốc tế là âm mưu nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á.


Vào khoảng cuối thập niên 70, Bà đã trao đổi cùng Ô Nguyễn Hữu Thọ:"Anh và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho chế độ. Chúng ta không thể phục vụ cho một chế độ thiếu dân chủ và không luật lệ. Vì vậy tôi thông báo cho anh biết là tôi sẽ trả lại thẻ Đảng và không nhận bất cứ nhiệm vụ nào trong chính phủ cả". Đến năm 1979, Bà chính thức từ bỏ tư cách đảng viên và chức vụ Thứ trưởng. Dĩ nhiên là Đảng không hài lòng với quyết định nầy; nhưng vì để tránh những chuyện từ nhiệm tập thể của các đảng viên gốc miền Nam, họ đề nghị Bà sang Pháp. Nhưng sau cùng, họ đã lấy lại quyết định trên và yêu cầu Bà im lặng trong vòng 10 năm. Mười năm sau đó, sau khi được "phép" nói, Bà nhận định rằng Đảng CS Việt Nam tiếp tục xuất cảng gạo trong khi dân chúng cả nước đang đi dần đến nạn đói. Và nghịch lý thay, họ lại yêu cầu thế giới giúp đỡ để giải quyết nạn nghèo đói trong nước. Trong thời gian nầy Bà tuyên bố :" Trong hiện trạng của Đất Nước hiện tại (thời bấy giờ), xuất cảng gạo tức là xuất cảng sức khỏe của người dân" Và Bà cũng là một trong những người đầu tiên lên tiếng báo động vào năm 1989 cho thế giới biết tệ trạng bán trẻ em Việt Nam ngay từ 9,10 tuổi cho các dịch vụ tình dục trong khách sạn và các khu giải trí dành cho người ngoại quốc do các cơ quan chính phủ và quân đội điều hành.



Sau khi rời nhiệm vụ trong chính phủ, Bà trở về vị trí của một BS nhi khoa. Qua sự quen biết với giới trí thức và y khoa Pháp, Bà đã vận động được sự giúp đở của hai giới trên để thành lập Trung Tâm Nhi Khoa chuyên khám và chữa trị trẻ em không lấy tiền và Bà cũng được viện trợ thuốc men cho trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng nhất là acid folic và các lọai vitamin. Nhưng tiếc thay, số thuốc trên khi về Việt Nam đã không đến tay Bà mà tất cả được chuyển về Bắc. Bà xin chấm dứt viện trợ, nhưng lại được "yêu cầu" phải xin lại viện trợ vì…nhân dân (của Đảng!).


Về tình trạng trẻ con suy dinh dưỡng, với tính cách thông tin, chúng tôi xin đưa ra đây báo cáo của Bà Anneke Maarse, chuyên gia tư vấn của UNICEF trong hội nghị ngày 1/12/03 tại Hà Nội :" Hiện Việt Nam có 5,1 triệu người khuyết tật chiếm 6,3% trên tổng số 81 triệu dân. Qua khảo sát tại 648 gia đình tại ba vùng Phú Thọ, Quảng Nam và Tp HCM cho thấy có tới 24% trẻ em tàn tật dạng vận động, 92,3% khuyết tật trí tuệ, và 19% khuyết tật thị giác lẫn ngôn ngữ. Trong số đó tỷ lệ trẻ em khuyết tật bẩm sinh chiếm tới 72%.

Vào năm 1989, Bà đã được ký giả Morley Safer, phóng viên của đài truyền hình CBS phỏng vấn. Những lời phỏng vấn đã được ghi lại trong cuốn sách của ông dưới tựa đề Flashbacks on Returning to Việt Nam do Random House, Inc. NY, 1990 xuất bản. Qua đó, một sự thật càng sáng tỏ là con của Bà, Huỳng Trung Sơn bị bịnh viêm màng não mà Bà không có thuốc để chữa trị khi còn ở trong bưng và đây cũng là một sự kiện đau buồn nhất trong đời Bà. Cũng trong cuốn sách vưà kể trên, Bà cũng đã tự thú là đã sai lầm ở một khoảng thời gian nào đó. Nhưng Bà không luyến tiếc vì Bà đã đạt được mục đích là làm cho những người ngoại quốc ra khỏi đất nước Việt Nam.





Sau cùng, chúng tôi xin liệt kê ra đây hai trong những nhận định bất hủ của BS DQH là :"Trong chiến tranh, chúng tôi sống gần nhân dân, sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẽ thù tiềm ẩn". Và khi nhận định về bức tường Bá Linh, Bà nói:" Đây là ngày tàn của một ảo tưởng vĩ đại".


Theo nhiều nguồn dư luận hải ngoại, trước khi ký kết Thương ước Mỹ-Việt dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton, hai chính phủ đã đồng ý trong một cam kết riêng không phổ biến là Việt Nam sẽ không đưa vụ Chất độc màu Da cam để kiện Hoa Kỳ, và đối lại, Mỹ sẽ ký thương ước với Việt Nam và sẽ không phủ quyết để Việt Nam có thể gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tương lai.


Có lẽ vì "mật ước" Mỹ-Việt vừa nêu trên, nên Việt Nam cho thành lập Hội Nạn nhân chất Độc Da cam/Dioxin Việt Nam ngày 10/1/2004 ngay sau khi có quyết định chấp thuận của Bộ Nội vụ ngày 17/12/2003. Đây là một Hội dưới danh nghĩa thiện nguyện nhưng do Nhà Nước trợ cấp tài chính và kiểm soát. Ban chấp hành tạm thời của Hội lúc ban đầu gồm: - Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước làm Chủ tịch danh dự; - Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND làm Chủ tịch; - GS,BS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm Phó Chủ tịch; - Ô Trần Văn Thụ làm Thư ký. Trong buổi lễ ra mắt, Bà Bình đã khẳng định rõ ràng rằng:"Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất chất độc hoá học da cam phải thừa nhận trách nhiệm tinh thần, đạo đức và pháp lý. Những người phục vụ chính thể Việt NamCộng Hòa cũ ở miền Nam không được đưa vào danh sách trợ cấp".


Theo một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì đây là một tổ chức của những nạn nhân chất Da cam, cũng như các cá nhân, tập thể tự nguyện đóng góp để giúp các nạn nhân khắc phục hậu quả chất độc hoá học và là đại diện pháp lý của các nạn nhân Việt Nam trong các quan hệ với các tổ chức và cơ quan trong cũng như ngoài nước. Thế nhưng, trong danh sách nạn nhân chất da cam trong cả nước được Việt Nam ước tính trên 3 triệu mà chính phủ đã thiết lập năm 2003 để cung cấp tiền trợ cấp hàng tháng, những nạn nhân đã từng phục vụ cho VNCH trước đây thì không được đưa vào danh sách nầy (Được biết năm 2001, trong Hội nghị Quốc tế tại Hà Nội, số nạn nhân được Việt Nam nêu ra là 2 triệu!). Do đó có thể nói rằng, việc thành lập Hội chỉ có mục đích duy nhất là hỗ trợ cho việc kiện tụng mà thôi.


Vào ngày 30/1/2004, Hội đã nộp đơn kiện 37 công ty hóa chất ở Hoa Kỳ tại tòa án liên bang Brooklyn, New York do luật sư đại diện cho phía Việt Nam là Constantine P. Kokkoris. (Được biết LS Kokkoris là một người Mỹ gốc Nga, đã từng phục vụ cho tòa Đại sứ Việt ở Nga Sô và có vợ là người Việt Nam họ Bùi). Hồ sơ thụ lý gồm 49 trang trong đó có 240 điều khoảng. Danh sách nguyên đơn liệt kê như sau: - Hội Nạn nhân Chất Da cam/Dioxin Việt Nam; - Bà Phan Thị Phi Phi, giáo sư Đại học Hà Nội; - Ông Nguyễn Văn Quý, cựu chiến binh tham chiến ở miền Nam trước 1975, cùng với hai người con là Nguyễn Quang Trung (1988) và Nguyễn Thị Thu Nga (1989); - Bà Dương Quỳnh Hoa, Bác sĩ, nguyên Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, và con là Huỳnh Trung Sơn; và - Những người cùng cảnh ngộ.


Đây là một vụ kiện tập thể (class action) và yêu cầu được xét xử có bồi thẩm đoàn. Các đương đơn tố các công ty Hoa Kỳ đã vi phạm luật pháp quốc tế và tội ác chiến tranh, vi phạm luật an toàn sản phẩm, cẩu thả và cố ý đả thương, âm mưu phạm pháp, quấy nhiễu nơi công cộng và làm giàu bất chánh để (1) đòi bồi thường bằng tiền do thương tật cá nhân, tử vong, và dị thai và (2) yêu cầu tòa bắt buộc làm giảm ô nhiễm môi trường, và (3) để hoàn trả lại lợi nhuận mà các công ty đã kiếm được qua việc sản xuất thuốc khai quang


Không có một bằng chứng nào được đính kèm theo để biện hộ cho các cáo buộc, mà chỉ dựa vào tin tức và niềm tin (nguyên văn là upon information and belief). Tuy nhiên, đơn kiện có nêu đích danh một số nghiên cứu mới nhất về dioxin của Viện Y khoa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, công ty cố vấn Hatfield Consultants của Canada, Bác sĩ Arnold Schecter của trường Y tế Công cộng Houston thuộc trường Đại học Texas, và Tiến sĩ Jeanne Mager Stellman của trường Đại học Columbia, New York.


Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến trường hợp của BS Dương Quỳnh Hoa cũng như quá trình hoạt động của Bà từ những năm 50 cho đến hiện tại. Tên Bà nằm trong danh sách nguyên đơn cũng là một nghi vấn cần phải nghiên cứu cặn kẽ. Theo nội dung của hồ sơ kiện tụng, từ năm 1964 trở đi, Bà thường xuyên đi đến thành phố Biên Hòa và Sông Bé (?) là những nơi đã bị phun xịt thuốc khai quang nặng nề.

Từ năm 1968 đến 1976, nguyên đơn BS Hoa là Tổng trưởng Y tế của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam và ngụ tại Tây Ninh. Trong thời gian nầy Bà phải che phủ trên đầu bằng bao nylon và đã đi ngang qua một thùng chứa thuốc khai quang mà máy bay Mỹ đã đánh rơi. (Cũng xin nói ở đây là chất da cam được chứa trong những thùng phuy 200L và có sơn màu da cam. Chất nầy được pha trộn với nước hay dầu theo tỷ lệ 1/20 hay hơn nữa và được bơm vào bồn chứa cố định trên máy bay trước khi được phun xịt. Như vậy làm gì có cảnh thùng phuy rơi rớt!?). Năm 1970, Bà hạ sinh đứa con trai tên Huỳnh Trung Sơn (cũng có tên trong đơn kiện như một nguyên đơn, tuy đã mất) bị phát triển không bình thường và hay bị chứng co giật cơ thể. Sơn chết vào lúc 8 tháng tuổi.


Trong thời gian chấm dứt chiến tranh, BS Hoa bắt đần bị chứng ngứa ngáy ngoài da. Năm 1971, Bà có mang và bị sẩy thai sau 8 tuần le.ã Năm 1972, Bà lại bị sẩy thai một lần nữa, lúc 6 tuần mang thai. Năm 1985, BS Hoa đã được chẩn bịnh tiểu đường. Và sau cùng năm 1998 Bà bị ung thư vú và đã được giải phẩu. Năm 1999, Bà được thử nghiệm máu và BS Schecter (Hoa Kỳ) cho biết là lượng Dioxin trong máu của Bà có nồng độ là 20 ppt (phần ức). Và sau cùng, kết luận trong hồ sơ kiện tụng là: Bà BS Hoa và con là nạn nhân của chất độc Da cam.


Qua những sự kiện trên chúng ta thấy có nhiều điều nghịch lý và mâu thuẫn về sự hiện diện của tên Bà trong vụ kiện ở Brooklyn? Để tìm giải đáp cho những điều nghịch lý trên, chúng tôi xin trích dẫn những phát biểu của Bà trong một cuộc tiếp xúc thân hữu tại Paris trung tuần tháng 5/2004. Theo lời Bà (từ miệng Bà nói, lời của một người bạn tên VNT có mặt trong buổi tiếp xúc trên) thì "người ta đã đặt tôi vào một sự đã rồi (fait accompli).


Tên tôi đã được ghi vào hồ sơ kiện không có sự đồng ý của tôi cũng như hoàn toàn không thông báo cho tôi biết. Người ta chỉ đến mời tôi hợp tác khi có một ký giả người Uùc thấy tên tôi trong vụ kiện yêu cầu được phỏng vấn tôi. Tôi chấp nhận cuộc gặp gỡ với một điều kiện duy nhất là tôi có quyền nói sự thật, nghĩa là tôi không là người khởi xướng vụ kiện cũng như không có ý muốn kiện Hoa Kỳ trong vấn đề chất độc da cam." Dĩ nhiên cuộc gặp gỡ giữa Bà Hoa và phóng viên người Uùc không bao giờ xảy ra. Bà còn thêm rằng:" Trong thời gian mà tất cả mọi người nhất là đảng CS bị ám ảnh về việc nhiễm độc dioxin, tôi cũng đã nhờ một BS Hoa Kỳ khám nghiệm (khoảng 1971) tại Pháp và kết quả cho thấy là lượng dioxin trong máu của tôi dưới mức trung bình (2ppt)." Đến đây, chúng ta có thể hình dung được kết quả của vụ kiện.Và ngày 10 tháng 3 năm 2005, Ông chánh án Jack Weinstein đã tuyên bố hủy bõ hoàn toàn vụ kiện tại tòa án Brooklyn, New York.


Bài học được rút ra từ cái chết của BS DQH

Từ những tin tức về đời sống qua nhiều giai đoạn của Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, hôm nay Bà đã đi trọn quảng đường của cuộc đời Bà. Những bước đầu đời của Bà bắt đầu với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên, lý tưởng phục vụ cho tổ quốc trong sáng. Nhưng chính vì sự trong sáng đó Bà đã không phân biệt và bị mê hoặc bởi những lý thuyết không tưởng của hệ thống cộng sản thế giới. Do đó Bà đã bị lôi cuốn vào cơn gió lốc của cuộc chiến VN.


Và Bà đã đứng về phía người Cộng sản. Khi đã nhận diện được chân tướng của họ, Bà bị vỡ mộng và có phản ứng ngược lại. Nhưng vì thế cô, Bà không thể nào đi ngược lại hay "cải sửa" chế độ. Rất may cho Bà là Bà chưa bị chế độ nghiền nát. Không phải vì họ sợ hay thương tình một người đã từng đóng góp cho chế độ (trong xã hội CS, loại tình cảm tiểu tư sản như thế không thể nào hiện hữu được), nhưng chính vì họ nghĩ còn có thể lợi dụng được Bà trong những mặc cả kinh tế – chính trị giữa các đối cực như Pháp và Hoa Kỳ, trong đó họ chiếm vị thế ngư ông đắc lợi. Vì vậy, họ không triệt tiêu Bà. Hôm nay, chúng ta có thể tiếc cho Bà, một người Việt Nam có tấm lòng yêu nước nhưng không đặt đúng chỗ và đúng thời điểm; do đó, khi đã phản tỉnh lại bị chế độ đối xử tệ bạc.

Tuy nhiên, với một cái chết trong im lặng, không kèn không trống, không một thông tin trên truyền thông về một người đã từng có công đóng góp một phần cho sự thành tựu của chế độ như Bà đã khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, suy nghĩ về tính vô cảm của người cộng sản, cũng như suy nghĩ về tính chuyên chính vô sản của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Đối với chế độ hiện hành, sẽ không bao giờ có được sự đối thoại bình đẳng, trong đó tinh thần tôn trọng dân chủ dứt khoát không hề hiện hữu như các sinh hoạt chính trị của những quốc gia tôn trọng nhân quyền trên thế giới. Vì vậy, với cơ chế trên, hệ thống XHCN sẽ không bao giờ biết lắng nghe những tiếng nói "đóng góp" đích thực cho công cuộc xây dựng Đất và Nước cả.



Bài học DQH là một bài học lớn cho những ai còn hy vọng rằng cơ hội ngày hôm nay đã đến cho những người còn tâm huyết ở hải ngoại ngõ hầu mang hết khả năng và kỹ năng về xây dựng quê hương. Hãy hình dung một đóng góp nhỏ nhặt như việc cung cấp những thông tin về nguồn nước ở các sông ngòi ở Việt Nam đã bị kết án là vi phạm "bí mật quốc gia" theo Quyết định của Thủ tướng Việt Nam số 212/203/QĐ-TTg ký ngày 21/10/2003. Như vậy, dù là "cùng là máu đỏ Việt Nam" nhưng phải là máu đã "cưu mang" một chủ thuyết ngoại lai mới có thể được xem là chính danh để xây dựng quê hương Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Chúng ta, những người Việt trong và ngòai nước, còn nặng lòng với đất nước, tưởng cũng cần suy gẫm trường hợp Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa ngõ hầu phục vụ tổ quốc và d dân tộc trong sự thức tỉnh, đừng để bị mê hoặc bởi chủ thuyết cưỡng quyền. Tổ quốc là đất nước chung - Dân tộc là tất cả thành tố cần phải được bảo vệ và thừa hưởng phúc họa bình đẳng với nhau. Rất tiếc điều này không xảy ra cho Việt Nam hiện tại

Ghi chú: Ngày 03/3/2006, trên báo SGGP, GS Trần Cửu Kiếm, nguyên ủy viên Ban Quân y miền Nam, một người bạn chiến đấu của Bà trong MTDTGPMN, có viết một bài ngắn để kỷ niệm về BS DQH. Chỉ một bài duy nhứt từ đó đến nay.Mong tất cả trí thức Việt Nam, đặc biệt là trí thức miền Nam học và thấm thía bài học nầy qua trường hợp của BS Dương Quỳnh Hoa.



Trường hợp Dương Quỳnh Hoa

Posted on May 30, 2008 by hoanghaithuy


Mỗi năm người có mười hai tháng,
Ta suốt năm dài Một Tháng Tư!


Thơ Thi sĩ Thanh Nam thiêng thật là thiêng. Ông làm bài Thơ Xuân Đất Khách trong có hai câu trên đây vào những năm 1977, 1978 khi ông ở thành phố Seattle. Năm ấy ông mới sống đời lưu vong-biệt xứ có hai, ba năm, nên ông mần Thơ nói lên chuyện “Người ta mỗi năm có 12 tháng, ta suốt năm dài chỉ có một Tháng Tư”, Thi sĩ bị ám ảnh suốt năm vì Ngày 30 Tháng Tư 1975. Nếu Nhà Thơ còn sống ở đời này đến Tháng Tư năm nay, năm 2008, chắc ông sẽ mần Thơ:

Đời người biết có bao nhiêu tháng,
Ta suốt đời ta Một Tháng Tư!

Thi sĩ Thanh Nam qua đời hơi sớm. Nếu ông không bị bệnh, không phải có thể mà là rất có thể năm nay, năm 2008, ông vẫn sống, ông vẫn mần Thơ. Thi sĩ Thanh Nam hơn ông Thuyền Trưởng Hai Tầu Văn Quang, hơn người anh em cùng vợ của tôi — anh Hát Hát Tê — có hai, ba tuổi chứ bao nhiêu. Nhiều lắm là ông Thanh Nam ra đời năm 1930, Thế kỷ 20. Năm nay, 2008, nếu ông còn sống, ông mới Bẩy Bó Lẻ Tám Que: 78. Vì ông nổi tiếng sớm, năm 1952 ông đã có tiểu thuyết được xuất bản ở Hà Nội, nên người đời tưởng ông cao tuổi.


Bay HongBa mươi năm sau khi Thi sĩ Thanh Nam làm 2 câu Thơ trên, Tháng Tư năm nay, năm 2008, tôi nhắc lại Thơ ông; năm nay tôi phải nhắc lại Thơ ông vì đúng như Thơ ông diễn tả, với nhiều người Việt Nam lưu vong, biệt xứ — trong số có tôi — suốt đời bị ám ảnh, bị đau xót, bị vỡ tim vì Ngày 30 Tháng Tư. Trong 19 năm 6 tháng sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 tôi sống ở giữa lòng Thành phố Thủ đô Sài Gòn thương đau, tôi cũng đau buồn mỗi năm khi Tháng Tư trở về, nhưng vì đang sống trong Địa Ngục, tôi đau quanh năm, tôi buồn vô kể, tôi buồn mỗi năm 12 tháng, nên khi Tháng Tư trở về, tôi không buồn hơn những Tháng Ba, Tháng Năm bao nhiêu. Từ ngày bánh xe lãng tử đưa tôi sang Kỳ Hoa Đất Trích, được sống trong Tự Do, phải xa quê hương nên tôi thương nhớ quê hương — quê hương của tôi là Sài Gòn — mỗi năm Tháng Tư về, ở xứ người, tôi buồn ra rít. Tháng Tư nơi Đất Trích, tôi buồn hơn những Tháng Tư tôi sống ở Sài Gòn.



Từ Tháng Tư 1995 đến nay là 13 năm, 13 Tháng Tư, Tháng Tư năm nào tôi cũng viết một, hai bài về Ngày 30 Tháng Tư 1975. Những bài tôi viết chỉ là than khóc, thương tiếc, buồn đau, tưởng nhớ. Bi thì có, hùng thì không. Không có hào hùng, cũng không có bi hùng một ly ông cụ nào trong những bài tôi viết, và trong suốt cả đời tôi. Từ 10 năm nay, cứ sau mỗi Tháng Tư, tôi lại tự nhủ: Sang năm mình sẽ không viết gì về Tháng Tư nữa. Tôi tự nhủ như thế vì có những gì tôi thấy, tôi nhớ, tôi đau về Ngày 30 Tháng Tư 1975 tôi đã 10 lần kể, tôi đã viết ra hết rồi:

Năm năm cứ đến Ngày Oan Trái,
Ta thắp hương lòng để nhớ thương.
Thôi thế Em về yên Xóm Cỏ,
Cây Đời đã cỗi gốc Yêu Đương.
Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió,
Cho đống xương tàn được nở hương.

Thơ thương khóc Nhân Tình, Nhân Bánh nhưng cứ coi như Em, Người Tình trong Thơ là Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, cứ coi Ngày Oan Trái Anh mất Em, Ta mất Nhau là Ngày 30 Tháng Tư 1975. Em đã về yên Xóm Cỏ! Người Tình đã ra nghĩa địa, thương khóc đến mấy Nàng đã chết là Nàng đã chết. Nàng chết đến nỗi không còn ai có thể chết hơn Nàng. Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa của tôi đã tiêu vong, tôi có thương tiếc chừng bao cũng không thể làm cho Quốc Gia của tôi sống lại. Nhưng tiếc thương tôi cứ tiếc thương.

Em gần hãy mộng trang hồng sử,
Chờ sáng mai trời rạng ánh dương.
Em xa hãy trọn sầu ly xứ,
Còn Nhớ Thương Em cứ nhớ thương. *

Người là thế. Thú vật còn tiếc thương, còn nhớ thương, nói chi là Người.

Năm 1979 sau 24 tháng nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, văn huê là Cửa Ngõ Tù Đầy của những công dân Quốc Gia VNCH ở Sài Gòn, gọi đúng tên là Trung Tâm Thẩm Vấn Nhân Dân của Sở Công An VC Thành Hồ, tôi xách cái sắc du hành Pan American Made in ChoLon Rách — trở về mái nhà xưa dzột nát và vòng tay gầy của người vợ hiền. Sau 24 tháng cách xa, chị vợ ở nhà một mình, anh chồng nằm phơi rốn 12 tháng trong xà-lim, rồi 12 tháng trong phòng tù đông tù, nay lại được sống bên nhau trong căn nhà nhỏ, bên ánh đèn mờ, rủ rỉ kể chuyện nhau nghe, Alice kể:

- Anh bị bắt rồi, trong mấy tháng trời thằng Huỳnh Bá Thành nó cứ gọi em lên Sở. Mỗi lần bọn Công An Phường đem giấy gọi vào nhà, em lại sợ không biết có chuyện gì xẩy ra với anh trong tù không. Giấy gọi nó có để vì việc gì đâu, nó chỉ ghi “Về việc: sẽ cho biết sau.” Nó gọi em đến Sở lúc 9 giờ, nó để em ngồi chờ đến 10 giờ, có khi 11 giờ nó mới ra tiếp. Có lần đến 2, 3 giờ trưa nó mới thả cho em về. Em mệt, em đói lả đến đi không nổi. Mà nó ba hoa toàn chuyên ba lăng nhăng không à. Nó khoe chúng nó yêu nước, chúng nó có chính nghĩa, nhân dân về phe chúng nó. Khoe mãi hết chuyện, nó hỏi em: “Chị đã coi phim Chiến Tranh và Hòa Bình chưa?” Em nói em coi rồi, nó nói: “Không. Chị phải xem phim Chiến Tranh và Hòa Bình của Liên Xô cơ. Phim Mỹ không hay bằng phim Liên Xô.” Nó nói: “Rồi chị coi. Chúng tôi sẽ xây dựng nước Việt Nam thành một vườn hoa trên bờ biển Thái Bình Dương.” Nó nói gì mặc nó, nhưng khi nó nói:

- Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa nó đã chết rồi. Anh chồng chị cứ đào cái thây ma nó lên, anh ấy than khóc nó.

Em chịu không nổi, em nói:

- Nếu Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa nó đúng, thì nó có chết cả trăm năm cũng cứ đào xác nó lên mà than khóc nó. Tại sao lại không? Nó mới chết có hơn một năm nay mà!

Alice giao hẹn:

- Nếu Quốc Gia mình trở lại, ai dành cái gì thì dành, em dành thằng Ba Trung. Em sẽ xích cổ nó vào chân giường em, em cho nó ăn uống đàng hoàng nhưng em bắt nó suốt ngày phải nói: “Xây nước Việt Nam thành vườn hoa bên bờ Thái Bình Dương.”

Nàng kể:

- Có lần Ba Trung nó dọa em: Đáng lẽ chúng tôi phải bắt chị.

Em nói:

- Các anh bắt tôi đi, tôi cám ơn. Tôi mong các anh bắt tôi. Các anh cho tôi vào tù, tôi sẽ không còn phải lo gì nữa. Bây giờ tôi phải lo nuôi các con tôi, nuôi chồng tôi trong tù, tôi mệt quá.

Than ôi..! Đã 30 mùa lá rụng đi qua cuộc đời vợ chồng tôi kể từ ngày, trong căn nhà nhỏ, ảm đạm, tối, trong nhà ban ngày có khách cũng phải bật đèn, nhưng đằm thắm Tình Yêu, xanh biếc Mến Thương, vợ tôi giao hẹn Quốc Gia trở lại, ai dành cái gì thì dành, Nàng dành anh Cu Công An VC Ba Trung Huỳnh bá Thành. Nhưng, như những năm 1970, Văn sĩ Vladimir Nabokov, tác giả tiểu thuyết Lolita, mơ cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ đánh sụm bà chè bọn Cộng sản trên khắp thế giới, để ông trở về Thành phố Thánh Peter thời thơ ấu của ông, giấc mơ Nàng Alice Sài Gòn xích cổ anh Công An VC vào chân giường, Nàng bắt anh suốt ngày phải nói câu: “Xây nước Việt Nam thành một vườn hoa trên bờ Thái Bình Dương..” không thành, Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa của Nàng, của tôi, một đi là không trở lại.

Cũng có cái may cho tôi là tôi không ngày nào phải nhìn bộ mặt thiểu não của anh Công An VC bị xích cổ dưới chân giường của vợ tôi. Giả như chuyện ấy xẩy ra, chuyện Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa trở lại, vợ tôi xích cổ anh Công An VC Ba Trung Huỳnh bá Thành dưới chân giường Nàng, anh năn nỉ tôi xin Nàng cởi xích cho anh, tôi mí làm sao? Tôi, chuyên viên Ba Phải, ai nói gì cũng cho là đúng, cả nể, không có ý riêng, không bao giờ quyết đoán, tôi thương người: thấy người bị xích cổ nơi chân giường thì thương nhưng nể vợ, chiều vợ: Nàng hận, nàng ức, nàng khổ nhiều rồi, nay Nàng chỉ có cái dzui là xích cổ anh Công An VC nơi chân giường, mình cũng làm Nàng mất dzui sao?

Quốc Gia một đi không trở lại, nhưng thương khóc Quốc Gia thì mỗi năm cứ đến Tháng Tư, không phải chỉ mình tôi, nhiều người Việt Nam ở hải ngoại thương khóc. Như năm nay, 2008, đã 33 năm, 33 lần, biết bao nhiêu người thương khóc vì Ngày 30 Tháng Tư, bao nhiêu bài viết, bao nhiêu lời thơ. Nhiều lắm, không kể xiết. Đất Nước ơi..! Ba mươi năm, chúng tôi vẫn nhớ, vẫn thương, vẫn khóc!

Bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn, chúng chiếm ngay, chúng dùng ngay Đài Truyền Hình của tôi. Nhân vật Bắc Cộng lên màn ảnh TiVi Sài Gòn trước nhất là anh Huy Cận. Rồi tôi thấy lục tục xuất hiện mấy trự trong cái gọi là Chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam. Anh Huỳnh tấn Phát, Thủ Tướng, sướng đến nỗi trả lời phỏng vấn của người trong bọn anh mà anh cứ cười toe, cười toét, anh không biết nói gì cả, anh ngây ngô, ngấy ngố.


Tôi thấy ông già Lâm Văn Tết. Những năm 1960 tôi thấy ông Lâm văn Tết vài lần trong vài cuộc họp báo. Ông đi theo bọn Bắc Cộng hồi nào ai mà để ý. Nay ông về Sài Gòn trong đám bèo nhèo lẹo tẹo theo đuôi bọn lính Bắc Cộng; lên màn ảnh TiVi ông Lâm văn Tết Giải Phóng đội mũ bê-rê, ngồi đó, không nói chi cả. Rồi ông lại mất tích, lần này ông mất tích luôn.

Việc anh Huỳnh tấn Phát là Thủ Tướng cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Vịệt Nam làm tôi có chút théc méc. Theo cái nhớ rất có thể không đúng của tôi thì Thủ Tướng Chính phủ LTMNVN là bác sĩ Phùng văn Cung. Năm 1968 bác sĩ PV Cung là Trưởng Ty Y Tế Tỉnh Châu Đốc. Tết Mậu Thân, ông đi theo bọn Việt Cộng. Cuối năm 1975, đầu năm 1976, một anh bạn tôi trước vẫn khai thác gỗ trong rừng, nay móc nối làm ăn với bọn Bắc Cộng, hay kéo tôi đi ăn nhậu với anh. Trong một lần đi với bạn tôi gặp cô con gái của ông Phùng văn Cung. Anh bạn tôi muốn nhờ cô này chạy dùm cho anh mấy cái hợp đồng khai thác cây rừng, anh cho rằng cô quen biết nhiều giới cán bộ VC.

Ông Phùng văn Cung có hai cô con, cô tôi gặp đây là cô lớn. Năm ấy tôi không biết cô từng là vợ của anh Phan lạc Tuyên, Cựu Đại Úy Quân Lực Quốc Gia VNCH, tác giả bài thơ được phổ nhạc Tình Quê Hương “Anh về qua xóm nhỏ. Em chờ dưới gốc dừa. Nắng chiều lên mái tóc. Tình quê hương đơn sơ..” Sau cuộc đảo chính bất thành năm 1961, Đại úy Phan lạc Tuyên chạy sang Nam Vang rồi theo VC. Tháng Tư năm 1975 cô con Bác sĩ Phùng văn Cung đã ly dị với chồng là Phan lạc Tuyên. Năm ấy cô trạc 30 tuổi, phấn son, chưng diện kiểu tiểu thư Sài Gòn, cô kể:

- Sau Tết Mậu Thân, ba tôi đi ra khu, mẹ con tôi vẫn ở Sài Gòn. Chính quyền Quốc Gia không làm khó gì chúng tôi cả. Sau đó những người Việt Cộng đưa mẹ con tôi sang Nam Vang, từ Nam Vang chúng tôi lên phi cơ bay sang Bắc Kinh, rồi bay về Hà Nội, gặp lại ba tôi.

Cô kể:

- Họ cho chị em tôi sang Liên Xô học. Hàng tháng chúng tôi phải đến họp ở Tòa Đại Sứ. Trong buổi họp bọn du học sinh Bắc kỳ chúng nó cứ thi nhau than nghèo, kể khổ, rồi cám ơn Bác và Đảng, nhờ Bác và Đảng, bố mẹ chúng nó mới được đi giép, mùa đông được nằm ngủ có mền. Nhiều đứa vừa kể vừa khóc. Cứ nghe chúng nó nói như vậy là tôi tức cười, tôi nhịn cười không được. Ông Đại sứ cứ mách hoài với ba tôi chuyện tôi cười.

Một buổi sáng năm 1977, trong một xà-lim ở Khu B Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, nhìn qua ô cửa gió ra ngoài, tôi thấy một nữ tù nhân bị công an đưa vào phòng thẩm vấn. Người nữ tù ấy giống cô con ông Phùng văn Cung tôi đã gặp. Giống quá là giống. Cô bị bọn Công An Thành Hồ bắt ư? Có thể lắm.

Tháng Năm 2008, người Nữ đảng viên Đảng Cộng sản Dương quỳnh Hoa được nhiều ngừơi viết ở hải ngoại nhắc đến. Mời quí vị đọc một đoạn trong bài viết về Đảng viên CS Dương quỳnh Hoa của người viết Nguyễn Văn Lục.

DƯƠNG QUỲNH HOA. Trích:

Phần đông những người của MTGPMN đều là trí thức, chuyên viên. Có tất cả khoảng 30 người vào khu. Chỉ có ba cặp vợ chồng, còn tất cả đi một mình. Có thêm 6 thanh niên chưa quá 30 tuổi. Vào khu rồi bà Dương Quỳnh Hoa mới thành hôn với kỹ sư Huỳnh Văn Nghị. Ngay sau 1975, chừng một tháng, Hà Nội đã xóa sổ MTGPMN. Từ đó phần đông những người theo Mặt Trận bất mãn, chống đối và ly khai. Họ là những người như Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Nguyễn Trọng Văn, (ba người này không vào khu, vẫn ở thành phố) Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa. Trước đây, họ bị coi là bù nhìn, sau họ cảm thấy bị phỉnh gạt trắng trợn. Phần lớn âm thầm, nuốt nhục rút lui, hoặc trốn ra ngoại quốc như Bộ trưởng Trương Như Tảng.

Dù sao, “bỏ quên” là một hình thức khai trừ nhẹ nhàng nhất mà họ may phúc được hưởng.

Hoặc xin ra khỏi đảng như vợ chồng bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Bà Dương Quỳnh Hoa mất ngày 25/02/2006, tại Sài Gòn. Sinh thời, bà theo học ngành Thuốc tại Sài Gòn, rồi sang học ở Pháp, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp vào những năm 1948-1954. Với tư tưởng xã hội và cấp tiến như thế, bà tham gia MTDTGPMN. Sau này bà thú nhận, đó là một ảo tưởng chính trị trong đời.

Ông Huỳnh Văn Nghị, chồng bà đã phản đối quyết định thống nhất ngay lập tức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Liên Minh các lực lượng dân chủ và hòa bình. Họ bị loại trừ. Bà xin ra khỏi đảng, nhưng thời đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng ý với điều kiện bà phải giữ im lặng. Nhưng sư im lặng đó không kéo dài được lâu khi bà phải chứng kiến quá nhiều điều “phản cách mạng” từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam “thực thi” cái lý tưởng mà bà đã hy sinh cả đời sống cho nó. Khi được tờ báo Far Eastern Economic Review (FEER) phỏng vấn vào ngày 17/10/1996: “Quel est l’évènement le plus marquant pendant les 50 années passées?” Bà trả lời: “L’effondement du mur de Berlin qui mit un terme à la “grande illusion“. Tạm dịch: “Biến cố nào được kể là nổi bật nhất trong 50 năm qua?” DQH: “Sự sụp đổ bức tường Bá Linh và chấm dứt một “ảo tưởng.”

Khi được Stanley Karnow phỏng vấn về sự thất bại của cộng sản Việt Nam, bà Dương Quỳnh Hoa trả lời:

- Tôi đã là người cộng sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa cộng sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế, lý tưởng của tôi đã không còn. (“I have been a Communist all my life, but now I’ve seen the realities of Communism, and it is a failure – mismanagement, corruption, privilege, repression. My ideals are gone.“)

Những người khác như quý ông Trịnh Đình Thảo (1901-1982), vợ là bà Ngô Thị Phú, quê quán Sóc Trăng. Ông Lâm Văn Tết ( 1896-1982) Ông bà Phùng Văn Cung, vợ là Lê Thoại Chi. Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, Nhà văn Thanh Nghị, Hoàng Trọng Quỳ, vợ là nghệ sĩ Tâm Vấn, Ông bà Trần Kim Bảng, bút hiệu Thiên Giang, vợ là nữ sĩ Vân Trang, thân sinh ra Gs Địa chất Trần Kim Thạch. Em gái bà Vân Trang là nghệ sĩ Mộng Trung, vợ Trần Văn Khê. Giáo sư Nguyễn Văn Chì, vợ là là bà Nguyễn Đình Chi, Chánh án Phạm Ngọc Thu, Võ Ngọc Thành, dược sĩ Hồ Thu, kỹ sư Cao Văn Bổn, kỹ sư Tô Văn Cang, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, chức sắc Cao Đài Nguyễn văn Ngỡi, bà Bùi thị Nga, vợ ông Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát.

Bài thứ hai về bà Dương Quỳnh Hoa, đăng trên Net, người viết Phan Kiến Quốc, viết tại Sài Gòn ngày 15 Tháng 3, 2007.

Tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Paris, bà Dương Quỳnh Hoa về làm việc tại Sài Gòn và trở thành đảng viên cộng sản vào cuối thập niên 50. Vào bưng sau trận đánh thất bại Tết Mậu Thân, bà trở nên biểu tượng của giới trí thức miền Nam chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng sau gần 20 năm đi theo Đảng, niềm vui chỉ đến với bà chưa đầy nửa năm. Sau khi chế độ cộng sản khai tử Mặt Trận Giải Phóng miền Nam cuối năm 1975, bà đã lần lần nhận ra bộ mặt thật của chế độ: những người đảng viên không chiến đấu cho đất nước, dân tộc mà chỉ làm theo lệnh của cộng sản quốc tế với mục đích nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á. Cuối thập niên 1970 bà nói với Nguyễn Hữu Thọ:

- Tôi và anh chỉ là những kẻ bù nhìn, là những món đồ trang sức rẻ tiền. Chúng ta không thể nào phục vụ một chế độ thiếu dân chủ và không luật lệ.

Sau đó bà tuyên bố trả lại thẻ Đảng và từ chối mọi nhiệm vụ chính thức. Đảng CS không ra tay thủ tiêu bà vì sợ đụng đến thành phần cán bộ gốc Nam bộ nhưng yêu cầu bà giữ im lặng.

Giữa thập niên 1990, nhân chuyến đến thăm VN của Tổng Thống Pháp Mitterrand, Đài Truyền Hình Pháp làm một phóng sự về cuộc sống thường nhật của vợ chồng bà Dương Quỳnh Hoa, ông chồng bà Hoa cũng là một trí thức tốt nghiệp tại Pháp nhưng đã sớm nhìn ra bản chất của chế độ ngay từ những năm 1970 nên ông “mũ ni che tai” ngay từ thời ấy. Hình ảnh êm đềm của hai vơ chồng già bơi xuồng qua những con lạch nhỏ vói hàng dừa rủ bóng đã không che dấu được những nhận xét vô cùng chua chát về chế độ. Khi được phỏng vấn về các nhà lãnh đạo Việt Nam bà trả lời lạnh lùng:

- Đó là những kẻ ngu si đần độn, bởi vì họ là cộng sản..

Trước đó bà đã trả lời phỏng vấn của Đài CBS Mỹ:

- Trong chiến tranh, chúng tôi sống trong lòng nhân dân. Ngày nay, khi quyền lực nằm trong tay Đảng, Đảng coi nhân dân như kẻ thù.

Hình ảnh sau cùng khán giả truyền hình Pháp thấy về bà Dương Quỳnh Hoa là con thuyền nhỏ trôi khuất trong đám dừa nước, để lại đằng sau một vệt nước dài như những mối u uẩn cho đến suốt cuộc đời của bà.

Ngày 25/2/2006, người nữ đảng viên-cán bộ cộng sản đã đóng góp một phần không nhỏ vào Chiến thắng 1975 lặng lẽ từ trần. Không kèn không trống, không một lời phân ưu, cáo phó, không một mẩu tin trên các cơ quan thông tấn nhà nước.

Bay Hong and HusbandTôi — kẻ viết những dòng này — là một người Sài Gòn chân chính và là người Việt Nam vô sản chân chính kiêm chuyên chính. Là người Sài Gòn chân chính vì tôi sống ở Sài Gòn 40 năm trong 60 năm đầu của đời tôi, vì tôi yêu thương Sài Gòn, vì tôi biết ơn Sài Gòn, vì tôi không phụ bạc Sài Gòn; tôi là người Việt Nam vô sản chân chính và chuyên chính vì theo định nghĩa “vô sản” của Các Mác, Lê-nin, tôi là người không có cái gọi là “tư liệu sản xuất”, một xu “tư liệu sản xuất” tôi cũng không có. Tôi là công nhân làm thuê.


Từ khi không sống nhờ cơm cha, áo mẹ nữa, viết rõ là từ năm tôi 20 tuổi, tôi bán sức lao động kiếm cơm ăn, áo mặc cho tôi và vợ con tôi. Tôi ngồi gò lưng tôm, cặm cụi viết một bài gọi là phóng sự tiểu thuyết trong khoảng từ 3 giờ đến 5 giờ đồng hồ, đem đến bán cho những ông Hồ Anh, chủ Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, ông Quốc Phong, chủ Tuần báo Kịch Ảnh, ông Sáu Khiết, chủ Tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai, tôi được trả số tiền — cho là 1.000 đồng — cùng trong thời gian 5 tiếng đồng hồ đó ông Hồ Anh nằm phây phây với một em poule de luxe thơm như múi mít, ông Quốc Phong ngồi ung dzung đánh chắn, ông Sáu Khiết thơ thới đưa vợ nhỏ đi chơi Vũng Tầu, các ông vẫn có số tiền vô là 5.000 đồng.


Dù các ông không phải làm, phải viết một chữ nhưng các ông là chủ báo, các ông có tờ báo là “tư liệu sản xuất, công cũ sản xuất”, các ông có bọn công nhân vô sản — như tôi — cong lưng làm việc cho các ông dzui thú sự đời mà các ông vẫn có tiền vô. Tôi kể để quí vị thấy tôi là “người Sài Gòn vô sản chân chính và chuyên chính.” Không ai có thể là “người Sài Gòn vô sản chân chính-chuyên chính” hơn tôi. Trong cái gọi là Khóa Bồi Dzưỡng Chính Trị cho Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn Hàng Thần Lơ Láo tổ chức tại Sài Gòn Cờ Đỏ Tháng Bẩy năm 1976 — sau khi bọn Công An Thành Hồ cho vô tù khoảng 30 ký giả, văn nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh Sài Gòn – trong bản khai gọi là “Bản Thu Hoạch” sau khóa học, tôi ghi thành phần giai cấp của tôi là “Vô sản.” Anh Việt Cộng Theo Đuôi Vũ Hạnh cự tôi:

- Sao anh lại để trong lý lịch anh là thành phần Vô sản?

Coi bộ anh ta nghĩ một cách ngu ngốc rằng giai cấp vô sản là quí lắm, chỉ những người cộng sản mới được tự nhân là giai cấp vô sản, bọn Sài Gòn chống Cộng như tôi là không được.

Tôi hỏi lại:

- Không phải Vô sản thì tôi là cái gì?

- Anh là Tiểu Tư sản.

Tôi cãi:

- Làm sao tôi là Tiểu Tư sản cho được? Tư sản là của riêng mà sản xuất được ra của cải vật chất. Tôi có cái gì là tư liệu sản xuất đâu? Tôi bán sức lao động của tôi cho chủ báo… Sức lao động không phải là công cụ sản xuất, không phải là tư sản. Tôi không phải là Tiểu Tư sản, tôi là Vô sản.

Tiểu Tư sản không xấu gì, Vô sản không hay gì, nhưng mình ở giai cấp Vô sản thì dù nó có kề dzao vào cổ mình, nó có dzí súng vào mang tai mình, nó bắt mình không được nhận mình ở giai cấp Vô sản, mình cũng không chịu. Tôi kiêu hãnh vì suốt đời tôi, tôi sống lương thiện, tôi bán sức lao động của tôi để sống, tôi không ăn bám, tôi cũng không bóc lột ai cả.

Vì là dân vô sản chuyên chính nên, như cả triệu người dân Sài Gòn cùng thời, tôi bận làm, bận kiếm tiền, bận ăn chơi, trong bao năm tôi mù tịt về chuyện thời sự cùng chuyện chính chị, chính em, tôi có nghe nói loáng thoáng đến bà Dương Quỳnh Hoa nhưng tôi chẳng biết bà ta làm những trò trống gì. Nhưng.. viết tôi chẳng biết gì là không đúng hẳn, tôi có biết bà Dương Quỳnh Hoa nhưng chỉ biết rất qua loa, tôi biết bà DQ Hoa trong thời du học ở Pháp, có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản, giao du với bọn cộng sản.


Nhưng đất nước bị Cộng sản gây chiến, máu đổ, lệ rơi, thanh niên anh tuấn chết tan xương vì nước, những người đẻ bọc điều sang Tây học, dzính dzấp với bọn gọi là Phe Tả — Phe Thổ Tả — có gì là lạ. Ở Sài Gòn những năm 1962, 1963, nghe nói bà Dương Quỳnh Hoa có thời giao dzu thân mật với ông Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Chính phủ Việt NamCH. Tôi quên tên ông này, chỉ nhớ ông làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin sau ông Trần Chánh Thành. Ông này cũng là bác sĩ, từng quen biết bà DQ Hoa khi hai người cùng học ở Pháp. Ông mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, thuộc loại Playboy Trí thức, con nhà giầu, đẹp trai, học giỏi, kính trắng.


**

Tết Mậu Thân, bà Dương Quỳnh Hoa ra khu theo VC, tôi không biết, hay là có nghe nói mà tôi chẳng để ý. Tôi chẳng để ý cũng đúng thôi, bà DQ Hoa ở Sài Gòn hay ra khu ăn thua mẹ gì đến tôi. Thế rồi..

Thế rồi.. những ngày như lá, tháng như mây, một buổi tối năm 1982, hay năm 1983, khoảng 9 giờ, nằm bên cái radio Sony cũng già lão, ọp ẹp, rệu rã như tôi trong căn gác lửng tối om, vo ve tiếng muỗi, tôi nghe Đài Phát Thanh BiBiSi — BBC — kể chuyện bà Dương quỳnh Hoa, Giám đốc Bệnh Viện Nhi Đồng 2, ở Nhà Thương Grall, trả lời phỏng vấn của ký giả ngọai quốc, về tình trạng nhiều trẻ em Sài Gòn bị thiếu ăn nên đau ốm, còm cõi. Ký giả ngoại quốc hỏi: “Tại sao các em lại thiếu ăn?” Bà Hoa nói:

- Dân Việt nghèo không nuôi nổi con.

- Tại sao dân Việt Nam bây giờ lại nghèo quá đến như thế?

Bà Hoa trả lời:

- Đảng Cộng sản gây ra tình trạng ấy. Đảng dùng toàn những người ngu dzốt điều hành công việc nhà nước.

Nghe bà nói thế, tôi nhớ đến lời của Tổ sư CS Lê-nin “dậy” về “người trí thức”, một chuyện tôi mới láp nháp đọc được. Đại khái, Lê-nin phân giải:

- Có hai loại “trí thức” đi với Đảng. “Trí thức Tư sản” và “Trí thức Vô sản.” “Trí thức Tư sản” làm cách mạng phá sự thống trị xã hội của giai cấp tư sản-tư bản bóc lột, nhưng khi thành công không chịu chấp nhân thực hiện chế độ “vô sản chuyên chính”. “Trí thức Vô sản” khi đoạt được chính quyền, chấp nhận thực hiện chế độ “Vô sản chuyên chính.”

Vô sản chuyên chính” là lời nước vỏ lựu, máu mào gà, là pom-mát để bôi cho trơn, để mập mờ đánh lận con đen của bọn Cộng sản. Tên thực của nó là “Cộng sản độc tài.” “Vô sản chuyên chính” là nói bậy. “Vô sản” không có quyền chuyên chính, chuyên tà gì cả. “Vô sản” dưới ách Cộng sản khổ nhục hơn dưới ách Tư Bổn. Cướp được chính quyền, những người trí thức tư sản muốn thấy những người có học trong bộ máy chính quyền, muốn đất nước được trị theo pháp luật, muốn có sự phân quyền Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp, muốn có tự do ngôn luận, tự do bầu cử. Bọn Cộng sản khi cướp được chính quyền thì cho giới trí thức đi chỗ khác chơi, chịu câm mõm thì chúng cho ngồi chơi không sơi nước, ọ ẹ thì chúng cho dzô tù mút chỉ cà tha kiêm mút mùa Lệ Thủy.


Chúng tiêu diệt giai cấp tư sản, chúng cấm dân “làm ăn cá thể,” tức làm riêng, chúng diệt hết nông dân, tiểu thương, tiểu công nghệ, chúng cấm tiệt mọi thứ Tự do, chúng dùng toàn bọn ngu dzốt làm việc nước. Vì ngu dzốt, bọn gọi theo Tầu Cộng bằng cái tên Tẫu là cán bộ dễ bảo, bảo gì làm nấy. Vì ngu dzốt, bọn viên chức xã hội chủ nghĩa phá nát xã hội, làm nhân dân nghèo đói te tua, làm đất nước nát hơn, không phải nát hơn cái mền Sakymen, mà nát hơn cái giẻ rách. Nhân dân đói khổ, các em nhỏ thiếu ăn, nhưng bọn cộng sản cứ dzửng dzưng, cứ hung hăng thúc đít nhân dân “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa.” Đảng viên Dương Quỳnh Hoa là “trí thức tư sản” đi theo Đảng nên không chấp nhận “Cộng sản độc tài.”


Tôi bèn “vận dzụng” cái gọi là “Hiểu biết về Xã Hội Chủ nghĩa” ngu ngơ, lép nhép của tôi để viết một bài gọi là “phân tích chính trị” về trường hợp Nữ Đảng viên Dương quỳnh Hoa tỏ ra bất mãn với Đảng, tại sao người đảng viên này lại không chấp nhân “Vô sản độc tài?” Tôi viết bài và gửi bài sang Mỹ, sang Pháp, sang Úc. Tất nhiên tôi viết tay, chép ra làm ba, bốn bản, chữ nhỏ li ti, viết luôn cả hai mặt giấy, cho phong thư không quá dầy. Những năm 1982, 1983 tôi có thừa rất nhiều thì giờ.

Vì những bài viết như thế tôi bị bọn Công An P 25 đến nhà còng tay đưa đi tù lần thứ hai Tháng Năm năm 1984. Chúng dò biết tôi là người viết những bài ấy dễ thôi, không có kỹ thuật tình báo tinh vi, cao siêu gì. Chúng có những tờ báo Việt ở Mỹ, Úc, Pháp gửi về, chúng nghiên kíu những bài trong báo mà chúng thấy đúng là viết từ Sài Gòn gửi đi, chúng tính toán xem văn nghệ sĩ Sài Gòn nào có thể viết những bài ấy. Chúng theo dõi, kiểm xoát thư nước ngoài gửi về cho người ấy. Và chúng tìm ra bằng chứng. Thế thôi. Sau 1 năm nằm phơi rốn trong Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, 4 năm nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hòa, năm 1988 bọn CS Thành Hồ đưa tôi ra Tòa Án Nhân Dzân, tức tòa án chuyên xử nhân dzân, bọn Chánh án Tay Sai đọc cáo trạng về tôi, trong có tội:

- Viết những bài Tiền Trao, Cháo Múc, Trường Hợp Dương Quỳnh Hoa, Trường Hợp Hoàng Cầm, gửi ra nước ngoài.

Khi ấy nếu tôi bảnh, chỉ cần bảnh tí ti thôi, không cần bảnh nhiều, lại càng không cần hào hùng, khi chúng kể tội tôi như thế, tôi có thể hỏi:

- Các vị bắt tù tôi vì cho là tôi có tội đã viết ba bài đó. Quí vị cho tôi biết tôi đã viết những gì trong ba bài đó để các vị cho là tôi có tội?

Về bài Trường Hợp Dương Quỳnh Hoa, tôi có thể cãi:

- Tôi viết chống Đảng hay kêu gọi người khác lật dổ bàn thờ Bác Hồ đâu có? Trong bài ấy tôi chỉ viết bà Dương Quỳnh Hoa là “trí thức tư sản“, nên bà chống việc thực hiện chế độ “Vô sản chuyên chính.”

Nhưng như đã viết nhiều lần, tôi không được thông minh, miệng lưỡi tôi không sắc xảo, thêm vào đó là tôi sợ tù đầy, ra tòa tôi không dám cãi, không dám tỏ ra là người tù hào hùng, sợ nó phang án nặng, nên tôi im. Tôi tự an ủi bằng ý nghĩ: Cãi hay không chẳng ăn thua gì. Chúng nó đã định trước án tù của mình. Mình cãi, án tù của mình chỉ nặng hơn, không bao giờ giảm. Nói cho sướng miệng cũng được thôi, nhưng nó cho nằm trong tù thêm năm, bẩy năm nữa, coi bộ không được tí nào.

Vì nghĩ thế nên năm 1988, khi ra tòa, bị kết tôi “viết bài Trường Hợp Dương Quỳnh Hoa” gửi ra nước ngoài, tôi không hỏi tôi đã viết gì trong bài đó để bị cho là có tội với chế độ? Để bị bắt, để bị giam tù đã 4 năm? Đêm, nằm phơi rốn trên sàn xi-mo Nhà Tù Chí Hòa, nhớ lại vụ xử ban ngày, tôi thấy tôi đã bị án tù 2 năm vì bài viết về người đảng viên Dương Quỳnh Hoa, tù 2 năm vì bài viết về Thi sĩ Hoàng Cầm, tù 2 năm vì bài Tiền trao, Cháo múc, tù 2 năm vì tội là văn nghệ sĩ Sài Gòn. Ra tòa năm ấy, 1988, tôi bị án 8 năm tù khổ sai, sau rút xuống 6 năm.

Tôi đã viết khá nhiều về Hoàng Cầm, hôm nay tôi chỉ viết sơ về bài Tiền trao, Cháo múc.

Số là một hôm nằm buồn đọc một bài bọn Thợ Viết Cộng sản đả kích xã hội tư sản — những bài lý luận loại này bọn Thợ Viết Nga viết, bọn Cộng Hà Nội dzịch, đăng — chúng lên án “xã hội tư sản lạnh lùng, không tình nghĩa, chỉ biết tiền trao, cháo múc“. Tôi đọc mà điên tiết. Tôi viết bài “Tiền trao, Cháo múc” với lý luận quy luật “Tiền trao, Cháo múc” là đúng, là công bằng, là hợp pháp, hợp lý.


Vợ tôi vú tóp, mông teo vì đói, vì lo, vì thương chồng con, đêm 1 giờ sáng mới ngủ, 3 giờ sáng đã dậy, vất vả nấu được nồi cháo, đem ra đầu ngõ, bán từng bát, kiếm chút lời cháo cho con. Anh đến anh đòi ăn cháo, anh không trả tiền mua cháo, vợ tôi không múc cháo cho anh, anh hung hăng con bọ xít anh kết tôi vợ tôi là “bọn tư sản thối nát, bọn không chút tình người, bọn đòi phải trao tiền mới múc cháo.” Anh nói ngu hơn con chó. Trong bài này ngoài lý luận “Tiền trao, Cháo múc” là đúng, tôi chửi bọn Cộng sản là bọn “Tiền không trao, Cháo cứ múc“: chúng ăn cướp của dân, và là bọn “Tiền có trao, Cháo không múc“: chúng lấy không tiền của dân, dân nộp tiền cho chúng, chúng không làm gì có ích cho dân.


Trong số những cặp vợ chồng Hai Ngố, Ba Nghệt, Tư Hoạn, Năm Lành, Sáu Bảnh, dẫn xác vào khu theo Việt Cộng, viết có “Thanh Nghị Hoàng trọng Quỵ và vợ là Nữ nghệ sĩ Tâm Vấn” là không đúng. Nữ nghệ sĩ Tâm Vấn là vợ Thanh Nghị, nhưng khi Thanh Nghị bỏ nhà đi theo VC năm 1968, bà Tâm Vấn không còn là vợ Thanh Nghị nữa. Bà Tâm Vấn không tha thứ cho Thanh Nghị cái tội đi theo VC. Bà đoạn tuyệt ngay với Thanh Nghị, sau đó bà kết duyên với Bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Bà là vợ Bác sĩ Nguyễn Đan Quế từ năm 1970 đến bây giờ. Sau khi Chính phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam bị bọn Lê Duẩn, Lê đức Thọ bóp mũi cho chết, Phó Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa Hoàng trọng Quỵ bị cho làm nhân viên Thư Viện. Vì Trương như Tảng, một thành viên Chính phủ, bỏ trốn sang Pháp, chắc bọn Lê Duẩn cho công an canh chừng chặt chẽ những người như Hoàng trọng Quỵ, không để anh chị nào trốn đi nữa, nên, nghe nói, Hoàng trọng Quỵ than:

- Tôi bây giờ là thằng tù giữ sách.

Cũng nghe nói Thanh Nghị HT Quỵ chết không nhắm được mắt, phải nhờ bà Tâm Vấn đến vuốt cho mắt mới nhắm được.

Viết về Nữ Ca Sĩ Tân Vấn phải là một bài viết dài, trang trọng, không thể chỉ trong vài chục dòng. Nhưng bài Viết ở Rừng Phong hôm nay đã đủ dài. Đến đây xin tạm chấm dzứt Chương Trình Văn Nghệ Tạp Lục của Ban Tùm Lum.

.

.

.

————————————————————
* Thơ của người anh em cùng vợ với tôi, anh HHT.

** Quí vị nào nhớ tên ông Bác sĩ một thời xưa là Bộ Trưởng Bộ Thông Tin được kể trong bài này làm ơn cho tôi biết. Tôi cám ơn. CTHĐ

No comments:

Post a Comment