Pages

Friday, April 23, 2010

GIAO CHỈ SAN JOSE * GIỚI THIỆU NGÀN GIỌT LỆ RƠI


30 tháng Tư – 31 năm sau: Chuyện đời thành tiểu thuyết – Tiểu thuyết thành chuyện phim NGÀN GIỌT LỆ RƠI
Giao Chỉ – San Jose 2006, Apr 20, 2006



Lời nói đầu: Sau 30 năm cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam đã có nhiều hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Cuộc binh đao giữa hai miền Nam Bắc, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đưa đến cảnh gia đình chia cắt. Câu chuyện được ghi lại lần này là một nhà chia đôi ngả. Cha và con trai theo miền Bắc. Mẹ và 5 con theo miền Nam. Câu chuyện thật và đầy đủ tình tiết để dựng nên một cuốn phim làm di sản cho đời sau.

Phim ảnh Hoa Kỳ thường hay phỏng theo các cuốn tiểu thuyết hoặc ký sự dựa theo chuyện có thật đã xảy ra.

Nếu người Việt chúng ta làm một cuốn phim tại hải ngoại để có thị trường phải là phim nói Anh ngữ, có cái vai Mỹ – Việt, tình tiết éo le, hấp dẫn, pha chút màu sắc điệp viên với các giây phút lo sợ kịch tính. Đồng thời có những lúc vai chính phải ray rứt nội tâm.

Màn ảnh chiếu gần, diễn tả bằng nét mặt.

Sự lựa chọn giữa lý tưởng và bổn phận của các vai chính làm cho chuyện phim đóng mở, lôi cuốn khán giả. Nội dung cần có cơ hội để lấy ngoại cảnh từ Việt Nam, Nhật Bản, Hạ Uy Di, Hoa kỳ và Âu châu.

Vai chính đi từ những phân cảnh của gia đình Việt Nam trong chiến tranh đến các buổi tiếp tân của ngoại giao đoàn tại các quốc gia Tây phương. Từ các phòng ăn tráng lệ tại các câu lạc bộ sĩ quan Hoa Kỳ cho đến các chiến khu ở rừng già Nam Bộ. Từ văn phòng của bộ ngoại giao chính phủ cộng sản Việt Nam đến cơ sở tình báo của Hải quân trong Ngũ Giác Đài. Một chuyện phim như thế mà phỏng theo một câu chuyện hồi ký có thực thì vô cùng lý thú. Có thể tìm thấy không? Trên thực tế chuyện này đã xảy ra.

Chúng ta có thể tìm được câu chuyện tình tiết như vậy với nội dung bao gồm cuộc chiến Quốc Cộng giữa Việt Nam với Việt Nam. Giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Câu chuyện gián điệp thực sự xảy ra đã được kể trong cuốn hồi ký của một phụ nữ.

Người đàn bà viết cuốn sách này tên là Đặng Mỹ Dung và cuốn sách này tựa đề là Ngàn Giọt Lệ Rơi. Nguyên tác Anh ngữ là A Thousand Tears Falling. Bà Yung Krall sáng tác theo thể tự truyện dựa vào cuộc đời của cha mẹ rồi đến chính cuộc đời của tác giả. Tất cả mọi danh tính đều giữ nguyên như là một sử liệu.
Dựa theo tác phẩm này, chúng tôi viết bản phác họa cho một cuốn phim tương lai của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Đây là phim truyện về một người chủ gia đình theo kháng chiến rồi đi tập kết 54 trở thành nhân viên cao cấp trong chính phủ cộng sản. Người vợ ở lại miền Nam trong vùng quốc gia rồi di tản qua Hoa Kỳ. Bà đã từ chối không về sống với chồng ở Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, con cái mỗi người theo một ngả.

Tiếp theo cuộc chiến Quốc Cộng tiếp tục bàn giao cho thế hệ thứ hai. Tác giả là con gái trong gia đình đã thành hôn với một sĩ quan hải quân Mỹ. Trong hoàn cảnh éo le, cô gái đã trở thành gián điệp nhị trùng. Một bên là cha ruột, một bên là chồng. Đứng giữa hai phe thù nghịch nhưng tác giả thực sự làm việc cho phía Hoa Kỳ. Đã góp phần phá vỡ âm mưu của Hà Nội cài người vào Bộ Ngoại Giao tại Hoa Thịnh Đốn.

Chuyện thật đã xảy ra tại Mỹ vào cuối thập niên 70.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, phe quốc gia và đồng minh Hoa Kỳ thường bị phía cộng sản cài người nằm thật sâu vào các cơ quan của ta nhưng phe ta chưa hề có được những đòn gián điệp đáng kể lừa được đối phương.

Câu chuyện Ngàn Giọt Lệ Rơi là một biệt lệ đặc biệt cần được biết đến, cần được nhắc lại và cần được đóng thành phim.

Cảm khích với nội dung của tác phẩm, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị sau đây là câu chuyện về một cuốn phim tương lai, nhân dịp 31 năm sau kể từ tháng 4-1975.

***
PHÁC HỌA CHUYỆN PHIM “NGÀN GIỌT LỆ RƠI”

“A thousand Tears Falling” bắt đầu từ ngoại cảnh tại Nhật Bản. Thời gian lúc đó là tháng 6-1975, không gian là tại phòng tiếp tân của đại khách sạn Nhật Bản tại Đông Kinh.

Tại đây, một hội nghị quốc tế với các nước Đông Nam Á đang diễn ra. Ông Đặng Văn Minh là trưởng phái đoàn của nước cộng sản Việt Nam vừa chiến thắng Sài Gòn 2 tháng trước, đến dự hội nghị với niềm tự hào và được sự lưu ý của báo chí thế giới.

Tuy nhiên, cũng vào chiều hôm đó tại Đông Kinh, người cán bộ cao cấp của phe cộng sản gặp lại con gái sau 23 năm xa cách.

Từ hình ảnh trong đại sảnh của khách sạn quốc tế tại Tokyo, phía trước treo cờ các nước dự hội nghị có cờ đỏ sao vàng. Hình ảnh vị trưởng phái đoàn rạng rỡ tươi cười mở đầu cuốn phim để tiếp đến hình ảnh chiến khu với cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Ông Minh sinh năm 1909 tại Vĩnh Long, đi theo Kháng Chiến và trở thành nhân viên cao cấp của Mặt Trận. Năm 1954, ông dẫn con trai lớn là Đặng Văn Khôi ra Bắc. Vợ ông Minh là bà Trần Thị Phàm và 5 con nhỏ ở lại miền Nam. Khi chia tay hẹn 2 năm trở lại nhưng thật sự phải hơn 20 năm sau người cộng sản mới vào được Sài Gòn thì lúc đó đã biết bao nhiêu vật đổi sao rời.

Người con trưởng theo bố ra Bắc đã trở thành sĩ quan ưu tú của quân đội nhân dân được gửi đi Nga học về hỏa tiễn phòng không năm 1968.

Đến năm 1975, ông Minh trong khi vẫn một lòng trung thành với chế độ và trở nên cán bộ cao cấp ngành ngoại giao thì người con trưởng Đặng Văn Khôi có thái độ chống chiến tranh nên đã bị sa thải khỏi quân đội miền Bắc.

Tại miền Nam, người con trai thứ của ông bà là Đặng Hải Vân, lúc ông tập kết chỉ có 5 tuổi sau này đã trở thành phi công của Không Quân Cộng Hòa. Nhưng không may Hải Vân đã bị thiệt mạng trong một phi vụ bay huấn luyện tại Hoa Kỳ lúc 21 tuổi. Chị Đặng Mỹ Dung là con thứ tư của ông bà đã thành hôn với đại úy phi công của Hải Quân Hoa Kỳ tại Sài Gòn và năm 75 gia đình sống tại Hawaii.

Cuộc sống thơ mộng và bình yên của ông Krall và bà Mỹ Dung hoàn toàn thay đổi từ tháng 4-1975.

Cũng vào tháng 4-1975, lúc đó cha của bà Dung là ông Minh đang làm đại sứ cộng sản Hà Nội tại Nga Sô, mẹ của bà và đứa em út thì kẹt ở Sài Gòn.

Với bao năm xa cách, với quan niệm về cuộc sống khác biệt, bà Phàm vợ ông Minh không hề có ý muốn ở lại Sài Gòn để chờ đoàn tụ với chồng. Đặng Mỹ Dung liền yêu cầu thiếu tá Krall tìm cách về Sài Gòn đón gia đình bà qua Mỹ.

Khi ông Krall qua Sài Gòn đã lâu mà chưa có tin tức gì. Tại Hawaii, bà Đặng Mỹ Dung lo sợ đã nói chuyện trực tiếp qua điện thoại cầu cứu với đề đốc Gaylor, tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương tại Trân Châu Cảng.

Lời nói chỉ vắn tắt báo cáo chuyện chồng bà về Sài Gòn để lo cứu gia đình sao chưa thấy qua, nhưng bà nói thêm một tin tức động trời bà là con gái của đại sứ cộng sản Việt Nam tại Mạc Tư Khoa.

Lập tức guồng máy quân báo của Hải Quân Hoa Kỳ chuyển động và cả FBI lẫn CIA nhập cuộc.

Hệ thống tình báo Mỹ ghi nhận ngay đây là một đầu mối vô cùng quan trọng mà tại sao lâu nay không ai biết. Ngay cả lúc hồ sơ thành hôn của vị sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ cũng không ai lưu ý đến mối liên hệ huyết tộc quan trọng của cô dâu nước Mỹ có đầu mối Hà Nội. Họ cứ tưởng đây là cô gái thuần túy Sài Gòn.

Tiếp theo khi chuyến bay chở mẹ và em gái út của Đặng Mỹ Dung ra khỏi Việt Nam do CIA Sài Gòn trực tiếp sắp đặt thì một khế ước bất thành văn đã bắt đầu. Mỹ Dung nợ khối tình báo Mỹ một yêu cầu. Cuộc đời điệp viên khởi sự.

Khi bà Minh đã yên ổn tại Hoa Kỳ thì hơn 60 ngày sau Mỹ Dung dắt con nhỏ qua Nhật Bản thăm thân phụ đã hơn 20 năm xa cách. Guồng máy tình báo của thế giới tự do mở chiến dịch để Con Chim Xanh với Ngàn Giọt Lệ lên đường công tác.

Bây giờ xin mời khán giả trở lại Đông Kinh của tháng 6-1976.

Cánh cửa phòng họp riêng của đại sảnh Tokyo hé mở, một cán bộ ngoại giao của Hà Nội bước vào trình với thủ trưởng Đặng Quang Minh: “Thưa đồng chí thủ trưởng, bà Việt kiều ở Mỹ và đứa con lai đã có hẹn xin vào gặp.”

Ông Minh vẫn còn đang xem hồ sơ hội nghị, nói mà không nhìn lên: “Đây là đại diện Hội Việt Kiều Yêu Nước đến để động viên và mừng đất nước thống nhất.

Đồng chí mời vào đi.”

Đặng Lệ Dung bước vào cùng con gái nhỏ nép một bên.

Hơn 20 năm qua, lúc thân phụ ra đi, cô là đứa bé con. Giờ đây, đứa cháu ngoại lai Mỹ xinh đẹp của ông mắt mở to nhìn người đàn ông xa lạ mà e ngại.

Cuộc gặp gỡ riêng tư nhưng hết sức khách sáo. Cả cha con đều phải đóng kịch dù rằng trong lòng như lửa đốt.

Trước khi chia tay, ông Minh nói nhỏ với con gái là sẽ thu xếp để gặp lại người vợ cũ là bà Phàm đã hiện di tản qua Hoa Kỳ.

Sau cuộc gặp gỡ lần đầu tiên vào tháng 6-1975, cuộc đấu tranh chiến tranh chính trị, tình báo và ngoại giao giữa hai cha con bắt đầu. Một bên là Việt Nam cộng sản đã thống nhất và một bên là guồng máy tình báo Hoa Kỳ.

Cả hai bên đều tìm cách mua chuộc lẫn nhau. Cuốn phim Ngàn Giọt Lệ Rơi thực sự sẽ có cả hàng trăm phân cảnh hết sức độc đáo để dàn dựng.

Thủ trưởng Đặng Quang Minh về báo cáo lên bộ chính trị và được đồng ý cho phép qua Paris gặp lại vợ con. Ông dự trù sẽ thuyết phục để đưa vợ con trở về Hà Nội dưới hình thức chiến thắng ngoại giao sau khi tuyên bố là gia đình ông ở Sài Gòn đã bị Hoa Kỳ áp đảo bắt phải di tản. Hà Nội chắc chắn một lần nữa sẽ đạt được một thành tích đánh bại Hoa Kỳ trên diễn đàn dư luận quốc tế.

Phía Hoa Kỳ, Hoa Thịnh Đốn đã cho phép CIA giúp đỡ hai mẹ con bà Minh qua Pháp để bắt nhịp cầu làm việc trực tiếp với tòa đại sứ cộng sản Việt Nam tại Paris. Tình báo Mỹ chấp nhận nhập cuộc.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chính trị giữa cộng sản và Hoa Kỳ đã trở thành một mối xung đột và mâu thuẫn trong nội bộ gia đình họ Đặng, vượt ra khỏi tầm tay của những thế lực đằng sau từ cả hai bên.

Ông Minh hết lòng thuyết phục bà vợ tao khang trở về với một đất nước nay đã thanh bình, độc lập, thống nhất và hoàn toàn chiến thắng. Ông thề thốt lấy cả cuộc đời ra để bảo đảm cho sự an toàn của bà và người con út cùng đi với bà.
Nhưng bà Minh vẫn còn dè đặt và sau cùng quyết định ở lại Hoa Kỳ. Một quyết định sáng suốt mà ngày nay bà vẫn cho là hết sức may mắn.

Trong thời gian đó, phe cộng sản hết lòng chiều chuộng móc nối với Đặng Mỹ Dung với hy vọng cô sẽ thuyết phục bà mẹ. Và hơn nữa, dù bà Minh chưa muốn về Hà Nội nhưng Mỹ Dung với ảnh hưởng sẵn có trong quân đội Mỹ, có thể dễ dàng trở thành một nguồn tin đáng giá và tốt nhất là chuyển hộ các tài liệu trên đường hàng không từ Hoa Thịnh Đốn qua Paris.

Con Chim Xanh của Ngàn Giọt Lệ Rơi luôn luôn sẵn sàng hợp tác như là người cảm tình với phe chiến thắng mà thân phụ của cô cũng góp phần.

Dần dân Mỹ Dung gián tiếp trở thành một phụ nữ Việt Nam yêu nước kết hôn với người Mỹ những vẫn hồn nhiên đóng góp công tác cho chính phủ Hà Nội và các tổ chức thân Cộng.

Cũng vào thời điểm đó, sinh viên thân cộng Trương Đình Hùng là con của luật sư Trương Đình Dzu đang hoạt động cho tình báo cộng sản. Hùng du học Mỹ trước 1975 và tiếp tục ở lại Hoa Kỳ móc nối lấy tin tức từ Bộ Ngoại Giao. Hùng rất tin tưởng ở sự thân hữu chặt chẽ của Mỹ Dung với Hà Nội và tòa đại sứ cộng sản Việt Nam tại Pháp.

Ronald Humphrey là nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ được phép đọc tài liệu tối mật.

Lúc còn ở Việt Nam, Humphrey lấy cháu gái Võ Thị Định, một nữ cán bộ quân sự của Giải Phóng Miền Nam. Hà Nội đưa điều kiện nếu Ronald muốn cho phép đem vợ qua Mỹ phải lấy hồ sơ mật của Bộ Ngoại Giao Mỹ trao cho Trương Đình Hùng.

Trương Đình Hùng nhờ Đặng Mỹ Dung chuyển tài liệu cho cộng sản qua tòa đại sứ Việt Nam tại Paris đưa tài liệu cho Việt cộng. Tài liệu Humphrey đưa ra qua tay Hùng đến Mỹ Dung thì CIA đổi thành tài liệu giả để chuyển qua Pháp.

Khi chính phủ Hoa Kỳ quyết định truy tố Trương Đình Hùng và Humphrey thì cần có Mỹ Dung ra làm nhân chứng. Nếu như thế là cuộc đời gián điệp sẽ chấm dứt và đồng thời bà chấp nhận mọi rủi ro thách đố về sau.

Đây là một quyết định khó khăn đối với một phụ nữ. Lần đưa mẹ ra khỏi Việt Nam, Mỹ Dung đã phải trả giá bằng cách bước vào con đường chông gai của nữ điệp viên. Lần này lại thêm một thử thách mới.

Sau cùng Mỹ Dung yêu cầu chính phủ Mỹ phải cam kết đưa cha và anh bà được vào Mỹ, trước khi phiên tòa bắt đầu.

Việc này sẽ được thu xếp trước khi vụ gián điệp tại Bộ Ngoại Giao được chuyển qua tòa án. Hồ sơ cam kết mật đưa lên tổng thống Carter xin chấp thuận. Guồng máy tình báo Hoa Kỳ lại mở chiến dịch mới.

Bà Mỹ Dung viết thư cho Lê Duẩn, tổng thư ký và Nguyễn Duy Trinh bộ trưởng ngoại giao Hà Nội xin cho cha là Đăng Quang Minh qua London gặp gia đình vợ con vì bà Minh bị bệnh nan y có thể chết.

Giáng Sinh năm 1977, Hà Nội chấp thuận cho ông Minh xuất ngoại. Trong hai tuần lễ bên cha, cả hai chị em bà Mỹ Dung thuyết phục ông Minh đi Mỹ nhưng không thành công.

Cuộc tranh luận, phân giải trong gia tộc với nghĩa phu thê, và tình cha con của một gia đình Quốc Cộng đã kéo dài suốt mùa Giáng Sinh tại thủ đô sương mù London năm 1977.

Ông Minh đã dành cả cuộc đời đi theo con đường của ông, đêm nằm trằn trọc cùng phòng với đứa cháu ngoại thân yêu.

Bà Minh suốt thời gian nghe con gái và chồng tranh luận mệt nhoài nên đã nói những lời sau cùng trước khi chia tay đôi ngả. Bà yêu cầu chồng và các con từ nay chấm dứt tranh luận, cãi cọ qua lại về chính trị, về chủ thuyết, và tương lai. Hãy ngồi với nhau lần cuối trong tình huyết tộc rồi đường ai nấy đi.
Cuộc chia tay của hai phe đấu tranh chiến tranh chính trị trong một gia đình bây giờ chỉ còn toàn nước mắt của “Ngàn giọt lệ rơi.”

Sau cuộc họp mặt Giáng Sinh lịch sử 1977 của gia đình họ Đặng, Hoa Kỳ quyết định đưa vụ án ra ánh sáng. Chính phủ Mỹ truy tố Trương Đình Hùng và Ronald Humphrey mỗi người bị tù 15 năm. Cả hệ thống ngoại giao của cộng sản Hà Nội bị lung lay, rung động từ đại sứ Đinh Bá Thi tại Liên Hiệp Quốc cho đến đại sứ Đặng Văn Sung tại Paris.

Câu chuyện gián điệp nữ Đặng Mỹ Dung được viết lại thành ký sự bằng Anh ngữ nhưng CIA đã yêu cầu bỏ đi gần 200 trang trước khi in. Một ngày nào đó bản Việt ngữ sẽ phát hành đầy đủ hơn để chúng ta biết rõ về một gia đình Quốc Cộng đã chia ly, đoàn tụ và vĩnh biệt ra sao.

Về sau ông Đặng Quang Minh sống độc thân tại Hà Nội, thỉnh thoảng đi thăm mộ con trai là thiếu úy Đặng Hải Vân của KQVNCH tại miền Nam. Ông mất năm 1986, hưởng thọ được 77 tuổi.

Đặng Văn Khôi, người con trai lớn theo ông tập kết ra Bắc có đến chào cha trước khi vượt biên, hiện sống ở miền Đông Hoa Kỳ. Từ một sĩ quan của đơn vị phòng không quân đội nhân dân đã du học bên Nga, nay ông trở thành người tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Ông sống độc thân, năm nay 67 tuổi.

Bà Minh sống với vợ chồng Đặng Mỹ Dung đã về hưu. Khi được tin chồng chết, bà không muốn về chịu tang dưới nghi lễ của đảng cộng sản. Một lòng kiên quyết, bà muốn để cho chồng đi trọn con đường ông lựa chọn.

Ông chết trong lòng đất quê hương, nơi có mộ phần của con trai ông là sĩ quan miền Nam. Bà Minh qua đời khi nước Mỹ bước vào thế kỷ thứ 21. Có thể ông bà đã cùng đứa con trai đoàn tụ ở một nơi không còn khác biệt về ý thức hệ.

Cuốn sách A Thousand Tears Falling hiện được một số giáo sư Hoa Kỳ dùng để dạy cho các trường trung học. Còn cuốn phim A Thousand Tears Falling của Giao Chỉ thì đang dự thảo. Cũng mới chỉ là một ý kiến mà thôi. Chỉ sợ rằng để lâu quá thời gian sẽ làm cho nước mắt đã khô hết cả mất rồi. Nhưng dù lâu hay mau, câu chuyện Ngàn Giọt Lệ Rơi sẽ rất xứng đáng để quay thành phim. Và hàng triệu giọt nước mắt sẽ chan hòa rạp hát. Vì vậy chúng tôi xin kể lại chuyện này nhân ngày 30 tháng 4-2006, ba mươi mốt năm sau.

Giao Chỉ – San Jose 2006

No comments:

Post a Comment