Pages

Wednesday, April 14, 2010

HOÀNG LAN CHI * KÝ

*

Những người tình “ Chu văn An”!

Hoàng Lan Chi

Tôi là dân Bắc kỳ chín nút tức Bắc Kỳ di cư 1954. Bắc kỳ này khi di cư vào Nam còn “nhỏ híu” nhưng “chảnh” lắm, nhất định giữ giọng Bắc của mình cơ chứ không lai căng gì cả. Nhất là tôi lại học Gia Long chứ chả học Trưng Vương vậy mà giọng nói không bị lai là vì yêu tiếng Bắc của mình lắm lắm. Lý do nào tôi học Gia Long thì đã viết trong nhiều tuỳ bút. Ở đây chỉ nhắc lại là thường thì Gia Long “bồ tèo” với Petrus Ký nhưng cái cô Gia Long Bắc Kỳ này không thân thiết với dân ấy mà lại thích dân “Chu Văn An” cơ. Có gì đâu, cùng tông bắc kỳ mà!


Người miền Nam sợ con rể Bắc vì nói con trai Bắc hay có tính gia trưởng này và …láu cá nữa chứ. Còn tôi, tôi chỉ thấy con trai Bắc thông minh, lém, ăn nói dí dỏm làm mình vui chứ mấy ông “Nam Cờ” lắm khi thành thật quá thấy “cù lần lửa” chết đi được! Tôi chỉ chơi nhiều với dân Chu Văn An khi lên đại học. Lý do chính là “made in con nhà giáo”! Thuở trung học bị ông bố kềm kẹp cấm không có bạn trai thì lấy đâu ra bạn mà chơi. Phí của giời vì: Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba (Thơ Nguyên Sa) Cái ông thi sĩ này yêu con gái còn vị thành niên khôn bỏ xừ đi ấy.


Tuổi mươì ba là tuổi mới truởng thành, còn ngây thơ vô tội chứ chưa vô số tội! Vì ngây thơ vô tội thì tình yêu sẽ thuần tuý tình yêu và chưa hề tính toán. Nói theo kiểu các bạn trẻ bây giờ là “yêu anh vì đó là anh”! Tôi quen một dân Chu Văn An ngay đầu năm thứ hai đại học. Trường hợp quen cũng dễ thương tuy không lãng mạn theo kiểu mưa rơi và trú cùng mái hiên. Hôm đó, anh chàng đứng cạnh tôi nơi cửa sổ ghi danh.

Một con sâu từ cây còng me tây chơi gian ác đu xuống rồi bình thản đậu trên tay cô nàng Bắc Kỳ chỉ sợ …ma và sâu. Nói nào ngay hồi đó tôi hiền lắm chứ chả như bây giờ. Bây giờ ấy à, chị Ngô Minh Hằng chọc tôi “Người đánh Nam dẹp Bắc mà lại sợ ma và sâu”! Ý chị Hằng ám chỉ việc tôi viết bài “uýnh” việt gian cứ bén như dao bổ cau ấy mà. Con sâu dù bé tí cũng đủ làm hồn vía lên mây và tôi hét lớn. Có lẽ vì âm thanh quá lớn… làm phiền hàng xóm nên anh chàng giật mình và túm cổ con sâu vặt ra làm sáu mảnh!

Tôi nhìn anh chàng cười duyên một cái. Này các ông “ Chu văn An” ạ, con gái Bắc Kỳ cũng ranh ma lắm đấy chứ chả vừa đâu. Thấy mình có cái gì “đèm đẹp” là lợi dung tối đa. Ví dụ tôi biết có đôi mắt nai rất ư là “tồ và ngố” nên chuyên môn mở to mắt ra cái điều em ngây thơ lắm em chả biết gì đâu. Hay biết mình có cái răng hơi “khênh khểnh” nên gặp dịp tốt là nàng khoe ngay tắp lự! Cũng chả biết ma xui đất khiến thế nào mà sau đó chúng tôi chơi với nhau rất lâu. Nhưng duyên số không có nên sau khi ra trường một năm thì đường ai nấy đi. Mấy chục năm sau chúng tôi gặp lại trên đất khách sau khi gặp nhau ở net! Việc gặp lại này xin nhường cho CVA Đàm Trung Phán (biệt danh Lãng Xẹt) kể nhé:


*******

Lãng Xẹt và Hoàng Lan Chi Khoảng năm 2001, tôi đọc trên Internet thấy tên một tác giả nghe rất ngộ: Hoàng Lan Chi (HLC) và tôi bắt đầu đọc những bài viết của HLC. Tác giả viết văn theo lối học trò, mang một niềm nuối tiếc không những của thời còn là một nữ sinh Gia Long, một sinh viên trường Khoa Học mà còn cả một bầu trời Miền Nam nước Việt trước năm 1975. Ðiều đặc biệt là tuy tác giả còn đang sống tại Việt Nam mà “Bà Bà LC” cứ thẳng tay mà “vuốt mặt nhà nước”. Thời kỳ này, Lãng tôi bắt đầu vào đọc và viết trên Vietbao Online. Cũng vì vậy mà Xẹt tôi đã có dịp “gặp” HLC vừa trên Phố Rùm (Forums), vừa qua I- Meo. Một hôm tôi đọc trên Quán Gió bài viết “Những người tình Chu Văn An” của HLC. Tôi nhìn con ruồi bay qua màn hình điện toán và mỉm cười vu vơ, chẳng qua là vì tôi cũng đã là một cựu học sinh của trường Chu Văn An. Ðọc đến đoạn HLC nhắc tới người tình CVA mang tên T nay đã có vợ Mỹ và năm đứa con, tôi cười hô hố và suýt té khỏi cái ghế có năm cái bánh xe. Nhân vật T này rất đặc biệt vì hai “điểm son” đó nhưng lại chẳng có xa lạ gì với tôi: hắn là bà con với bà Cai BN của tôi! Hắn không những đã “dám” lấy vợ Mỹ mà còn “dám” có một lúc 5 đứa con trên cái “cõi-đờí-thiên-hạ-có-ít-con” này nữa. Tôi ngưng cười và gọi BN vào đọc bài viết này. Xẹt tôi bèn I- meo ngay cho “chàng Trương” để nghe hắn tâm sự ra sao. Sau khi tôi được nghe đương sự “thú nhận tội lỗi”, T và BN kể cho tôi nghe nhiều mẩu chuyện của thời sinh viên ngày xưa và tôi cũng được trở về với khung cảnh của Việt Nam vào cuối thập niên 60 và trước hồi tháng 4,1975. Vì những kỷ niệm dễ thương của thuở mới vào đời đó mà vợ chồng tôi bắt đầu viết I- meo cho HLC. BN và HLC cùng là dân Bắc Kỳ 9 Nút và cựu nữ sinh Gia Long! Lúc đó, HLC vẫn còn đang kẹt lại ở Việt Nam . HLC và tôi thường hay “gặp” nhau trên Phố Rùm của Vietbao Online. Vâng, từ CVA Lãng Xẹt Đàm Trung Phán, khi đọc tuỳ bút của tôi, T nhận ra ngay Hoàng Lan Chi chính là QG ngày xưa vì thuở sinh viên chàng ta chuyên bỏ giờ học ngồi bậc thềm xem truyện ngắn của tôi đăng trên các báo thời đó. “Văn QG lúc nào cũng vậy”.


T viết như thế. Ngày tôi đến Virginia , thành phố tình nhân xứ hoa anh đào thì T lên gặp tôi. Mấy chục năm hội ngộ nơi đất khách, hai mái đầu đã bạc. Chút kỷ niệm xưa chỉ còn là kỷ niệm. Khi tôi gửi bài “Những người tình Chu Văn An” đầu tiên lên web Quán Gió khoảng năm 2001 thì giời ơi, bao ông CVA xôn xao. Ông nhận mình là T, ông nhận mình là L…Đó là do ông webmaster tường trình vì chính anh ta cũng khoái “con bé” và nhận làm em gái văn nghệ! Một cựu CVA là ông Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cũng chú ý bài ấy. Năm 2006 có việc phỏng vấn ông Vinh, ông hỏi tôi về bài đó, tôi ngớ người ra vì không dè ông Vinh cũng nhớ bài ấy.


Toàn bộ “Những người tình CVA” trong bài viết ấy đều là có thật trăm phần trăm nhưng gia vị mắm muối bột ngọt tôi nêm vào đó thì chỉ có tôi và các đương sự biết! Nhớ lại thuở trước chúng ta có những nề nếp mà bây giờ đã quá lỗi thời. Nhắc lại nếp xưa sẽ làm chùng tim cao niên chúng ta nhưng với bọn trẻ thời nay thì có khi họ lại ré lên cười. Chẳng hạn như cô em họ tôi “Mẹ em bảo ngày xưa mẹ đi học về, mỗi góc phố đều có người đứng nhìn! Còn em bây giờ mà thấy thằng nào như vậy, em nghĩ thằng đó khùng hay vô gia cư vô nghề nghiệp!” Ừ nhỉ, đã qua rồi thời chúng ta với thuở quen nhau thật lãng mạn!


Tôi còn nhớ chàng T của tôi thuổng ở đâu đó được bài thơ như sau: Em có biết đường đến trường mấy ngả Con đường nào anh đếm bước nhiều hơn Gốc cây nào anh thường quen đứng đợi Nhớ nhung gì khi bóng ngả hoàng hôn Hồi đó tôi khờ và tồ lắm, cứ ngỡ thơ của chàng cơ nên tôi viết cho chàng như sau: Em vẫn biết đường đến trường nhiều ngả Đường không em anh đếm bước nhiều hơn Gốc me tây anh thường quen đứng đợi Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn! Ấy, tôi viết đúng ‘thực tế” lắm đó nhé. Là nhiều lần chàng đứng đợi tôi nè. Là trường Khoa Học có nhiều cây còng me tây lắm cơ.


Chỉ có điều tôi phịa là “Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn”! Chàng viết và hỏi thế thì mình cứ nhận chàng nhớ mình đâu có siu phải không? Nhưng nói nào ngay, chàng này có lời tỏ tình mà tôi đã viết thành một tuỳ bút với cái tựa là “Lời tỏ tình dễ thương” và các netter “nhí” tha đi khắp nơi. Bây giờ chàng chỉ còn là một hình ảnh của dĩ vãng đã vô cùng xa mờ. Hiện nay tôi có nhiều “Người tình Chu Văn An” khác! Tôi phải “copy” lại cái câu tôi viết vào khoảng năm 2001 trong bài “Hỡi người tình Chu Văn An” nhé. Đó là “Người tình không phải là người tình mà là người tôi có cảm tình”! Ca va! C’est tout! Ấy, từ khi sang xứ Cờ Hoa tôi bực mình vì cái vốn Anh văn của mình quá.


Ngày xưa sinh ngữ chính là Pháp, còn Anh Văn chỉ học vỏn vẹn ba năm và xì tốp cả hai thứ khi vào đại học. Do đó sang đây tôi bị trở ngại ngôn ngữ ghê quá. Chính vì thế trong giai đoạn đầu tôi luôn nhờ vả “người tình T” của tôi và sau đó đã viết “Vẫn có anh bên đời” để ám chỉ việc, mấy chục năm sau, “Quỳnh ngày xưa vẫn có anh nhưng …là thông dịch cho Quỳnh!’ Vì thế lâu lâu phải xổ Pháp ra cho đỡ bực mình vì có biết tiếng Anh đâu cưa chứ?! “Người tình CVA” là “fan” của tôi thì khá nhiều.

Đa số quý cụ CVA đọc văn thấy nghịch ngợm, gợi nhớ ngày xưa nên thích. Ai thì tôi cũng chơi hết cả nhưng mức độ thân thì sau này tôi không dám thân với ai. Lý do năm 2001 gì đó, tôi khá thân với một anh vì anh làm thơ, viết văn đều hay cả dù xuất thân ngành khoa học. Chúng tôi chơi công khai ở một forum, nơi có nhiều người tham gia. Anh đã viết một câu chuyện ngồ ngộ làm “netters” thích thú theo dõi và sau đó ở đoạn cuối anh làm các “netters” chưng hửng vì nhân vật nữ chính của câu chuyện đó là …Lan Chi! Chính tôi cũng bị bất ngờ.

Tối đó, anh gọi về Việt Nam cho tôi và hai anh em cười vui hể hả. Từ câu chuyện của anh đã gợi hứng cho tôi viết “Bẩy ngày ngà ngọc”, một chuyện tình lồng trong phong cảnh Việt Nam và được nhiều “netters” đón nhận. Thậm chí một trang web nào đó còn lấy ra đọc. “Bẩy ngày ngà ngọc”, nghe thì tưởng “nhảm nhí” nhưng thực ra thì chả nhảm tí nào mà lại rất lãng mạn mơ mộng. Ông chồng cũ của ca sĩ Lệ Thu, ký giả Hồng Dương viết cho tôi “Lan Chi ơi, truyện này dễ thương, giọng văn cao sang lắm…”


Tôi không hiểu giọng văn cao sang là sao? Còn Vũ Trung Hiền, em ruột nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cũng khen nhưng bảo tôi “Cái chi tiết hai người kéo nhau lên Ban Mê Thuột mà …chả có gì nghe không thực”! Ơ hay, Vũ Trung Hiền “trần tục” quá đi, tại sao hai người lại “phải có gì”! Trở lại anh bạn trên. Sau đó khi khổng khi không bà xã anh (cũng sinh hoạt cùng trang net đó và chính chị làm quen tôi trước anh) nổi cơn Hoạn Thư. Từ đó khi gặp quý cụ fan, tôi cũng chơi nhưng sau một thời gian thì “ông/tôi” để các bà khỏi mất công ghen. Năm 2008 tôi nhận mail của CVA Pat Lâm xin phép phổ bài thơ.


Tôi không nhớ nổi thơ nào liên quan đến dân CVA cả để mà chấp thuận đơn thỉnh cầu của đương sự! Pat Lâm kêu trời “Thơ mình mà không nhớ?!”! Sau đó Pat Lâm phải giải thích, đó là một ông CVA gửi truyện “Những người tình CVA” và Pat Lâm thích mấy câu thơ cuối của bài viết và đã phổ nhạc. Anh Bùi Bảo Sơn đưa lên web CVA 65-66 gì đó của anh. Thú thật nghe bản nhạc thấy cũng vui vui và vì tôi thích tiếng huýt sáo!

Tôi nói với Pat Lâm “Chắc ngày xưa ông hát hay lắm. Bây giờ nghe hơi khàn khàn nhưng còn chất lắm đó! Sau nữa nghe ông huýt sáo làm tôi nhớ thuở sinh viên của tụi mình quá”. Bản nhạc của Pat Lâm được ai đó làm youtube và khá phổ biến ở net. Buồn cười là từ người xa lại nhận họ hàng với người gần. Nôm na thế này, nghe Pat Lâm kể về web CVA, tôi kể cho Pat Lâm nghe, tôi và Bùi Bảo Sơn chưa gặp bao giờ nhưng không xa lạ vì hai gia đình là bằng hữu từ thuở Thái Bình.


Ông Bùi văn Bảo, thân phụ Bùi Bảo Sơn là bạn thân bác và cả cha tôi. Sau đó anh Sơn gửi mail với cái tựa “Nhận họ hàng”! Một cư dân CVA khác nhưng “duyên” tái ngộ không phải từ diễn đàn CVA mà là từ “group” Tổng Nha Kế Hoạch. Tổng Nha Kế Hoạch, nơi tôi làm việc đầu tiên ngay sau khi ra trường năm 1971, trực thuộc Bộ Kế Hoạch và Phát Triển Quốc Gia. Năm 2008, vô tình tôi “lụm” được ông Phó Tổng Giám Đốc Trần Lương Ngọc từ “group CP” (nhóm du học thời VNCH với học bổng Colombo, CP là Colombo Plan). Sau đó tôi viết bài “Bác Phó của tôi”. Rồi “Bác Phó” giới thiệu bài với group “Tổng Nha” của bác. Từ đó, tôi lai rai trò chuyện trong group này cũng như group Khoa Học của tôi.


Một chuyên viên Tổng Nha, cư dân CVA, đã viết lại kỷ niệm xưa thật dễ thương làm trái tim già cỗi của tôi bồi hồi. Cư dân CVA này viết như sau, thử hỏi quý cụ CVA là có đúng dân CVA “lém” như Lan Chi nhận xét không nhé: “ Cô Quỳnh Giao này có trí nhớ tốt thật. Tôi nhớ lúc ấy tôi làm ở Nha Viện Trợ. Anh Từ Trì đã chuyển sang Bộ Ngoại Giao. Giám Đốc NHa Viện Trợ lúc đó là anh Trần Hữu Dũng. Khi cô Quỳnh Giao đến làm việc, thấy cô bé này " hay hay" nên mấy anh chuyên viên trẻ thách nhau đến làm quen. Và tôi đã nhận lời đưa cô nhân viên mới này đi giới thiệu khắp nơi. Tôi nhớ mình thắng được chầu cà phê vỉa hè đường Lê Thánh Tôn. It lâu sau tôi chuyển sang làm việc ở trụ sở 244 Phan Thanh Giản, cùng bộ phận nghiên cứu dưới quyền Ông Nguyễn Như Cương và không có dịp gặp lại cố nhân Quỳnh Giao nữa.

Vậy mà đã hơn 30 năm rồi. Năm ngoái, khi đọc lại bài viết của Lan Chi về ngày cô vào làm ở Tổng Nha Kê Hoạch, tôi làm được một bài thơ ngắn, trong đó có mấy câu :

" Một vùng như thể" trên trang Web
Người vẫn nguyên đài các diễm kiều
Có nhớ Saigon ngày xưa ấy
Có kẻ vì ai đã mộng nhiều

"Một vùng như thể " là tôi lấy phần đầu câu Kiều.( Một vùng như thể cây Quỳnh cành Giao )Trên trang Web là cô em gái Đỗ Nghiêm Trinh gởi hình Lan Chi trên e mail cho những anh em Kế Hoạch . Ngay từ ngày Quỳnh Giao vào làm ở Kế Hoạch là tôi nghĩ đến câu thơ này mỗii lần nghĩ đến cô, và hình như tôi nghĩ đến cô hơi nhiều. LQT”

Oregon hay mưa. Mưa Oregon không gợi nhớ mưa Sài Gòn vì rả rích. Anh bạn CVA bắt viết cho đặc san CVA, không cho Lan Chi “xu huyền” mà Lan Chi thì không biết viết gì nữa. Thôi thì nhắc lại chuyện “Những người tình CVA” vậy! Tình cũ có, tình mới có nhưng điều ngậm ngùi là: …có những “người tình CVA” mà Lan Chi thấy rất đáng yêu bởi dân CVA lúc nào cũng đáng yêu cả vì thông minh, lém lỉnh, dí dỏm nhưng không yêu được vì quý cụ đang là “chim hót trong lồng”!!!

Thành phố hoa hồng Portland 2010 Hoàng Lan Chi

*

No comments:

Post a Comment