Pages

Wednesday, May 5, 2010

TRƯỜNG GIANG * VÕ CỔ TRUYỀN

*


Võ Cổ Truyền Việt Nam
Tác Giả: Trường Giang




Dân tộc Việt Nam có truyền thống thượng võ từ ngàn xưa. Mỗi lần nhắc đến lịch sử Việt Nam, không một ai có thể phủ nhận được lịch sử của một dân tộc hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những chiến công lừng lẫy của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... là những điểm son tô điểm cho trang sử vàng Việt Nam.

Ngay từ đời nhà Lý (thế kỷ thứ I đến III), để chống lại quân xâm lăng nhà Tống, nước ta đã có tổ chức phép Bảo Giáp, tức là phép lấy dân làm lính. Một bảo gồm 10 nhà, 500 nhà hợp thành một đô bảo. Mỗi đô bảo có đặt 2 người chánh, phó để dạy dân luyện tập võ nghệ. Nhờ thế mà ở thời kỳ này, nền võ bị nước ta rất nổi tiếng. Năm 1075, đời vua Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân sang đánh chiếm Khâm Châu, Liêm Châu, và Ung Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc).

Sang đời Trần, ngay từ đời vua Trần Thái Tông (1225-258) đã lập ra Giảng Võ Đường ở kinh thành Thăng Long nhằm làm chỗ luyện tập võ nghệ, trau dồi binh pháp, và khuyến khích tất cả trai tráng trong nước đều phải tập võ. Nhờ thế mà khi quân Mông Cổ tràn sang nước ta, nhà Trần đã có ngay hơn 20 vạn quân để chống giặc. Cũng trong thời kỳ này, Trần Hưng Đạo đã soạn sách Binh Thư Yếu Lược mang đặc thù nghệ thuật dùng binh của nước ta.

Kỳ thi võ đầu tiên ở nước ta được sử sách ghi lại là kỳ thi năm 1429 do vua Lê Thái Tổ tổ chức. Thi gồm phần lý thuyết (võ kinh) và thi thực hành(bắn cung, phóng lao, lăn khiên, v.v..). Nhà Lê cũng lập ra trường Giảng Võ: học sinh của trường học tập trong ba năm; mỗi năm đến tháng chạp thì có kỳ sát hạch; hết ba năm thì có kỳ thi tốt nghiệp do Bộ Binh chấm; ai đỗ được tuyển làm quan võ. Ngay trong thời kỳ thịnh trị của nước ta là đời vua Lê Thánh Tông (1460-1496), nhà vua cũng rất chú trọng đến việc võ bị. Vua Thánh Tông đặt ra các điều quân lệnh để tập luyện bộ trận, mã trận, thủy trận, tượng trận.

Sang đến thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVIII), Trịnh Cương lập ra Sở Võ Học để mở những trường dạy võ, gọi là Học Võ Đường. Chúa Trịnh tuyển dụng những vị quan nổi tiếng làm giáo thụ để dạy cho con cháu các quan lại và những người trong hoàng tộc. Mùa xuân và mùa thu, học sinh tập võ nghệ. Mùa đông và mùa hạ học lý thuyết gọi là võ kinh (binh pháp). Hàng năm học sinh phải trải qua kỳ thi tiểu tập vào mùa xuân và mùa thu; thi đại tập vào tháng 2, tháng 4, tháng 8, tháng 11. Sau đó, cứ đến kỳ thi võ ba năm một lần do triều đình tổ chức theo lệ định, học sinh của Học Võ Đường sẽ cùng với thí sinh trong cả nước dự thi; và khi đấy ai đỗ sẽ được bổ dụng làm quan võ.

Dưới thời Lê-Trịnh, thi võ được tổ chức 3 năm một lần, gồm các môn bắn cung, múa giáo, múa gươm, phi ngựa bắn cung, chạy bộ bắn cung, và sau cùng là hỏi về binh pháp Tôn Tử và làm một bài văn sách trả lời về phương lược huấn luyện chiến thuật công thủ và trận pháp. Các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, thi ở địa phương, gọi là Sở Cử. Các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì có kỳ thi ở kinh đô, gọi là Bác Cử. Người đỗ được gọi là Cống Sĩ (Cử Nhân Võ), cao hơn là Tạo Sĩ (Tiến Sĩ Võ); và khi đó, được cử làm quan. Nhưng, đã là võ quan rồi, hàng năm, đến mùa xuân và mùa hạ vẫn phải thi sát hạch. Ai đạt yêu cầu thì được thưởng, ai không được thì bị phạt tiền hoặc bị giáng chức.

Dưới thời Nguyễn (từ đầu thế kỷ 19), việc tổ chức thi võ đã hoàn chỉnh. Cũng như thi văn, thi võ có ba kỳ thi: thi Hương ở các địa phương, thi Hội ở kinh đô; thi Đình tại sân triều. Thi Hương gồm có ba trường. Trường thứ nhất thi xách tạ; trường thứ hai thi múa côn, đâm giáo múa khiên và đao; trường thứ ba thi bắn súng. Nếu đỗ cả ba trường vào loại ưu, bình thì được gọi là Cử Nhân Võ; còn đỗ loại thứ là Tú Tài Võ. Chỉ có Cử Nhân Võ mới được vào thi Hội. Nội dung của thi Hội giống như kỳ thi Hương, nhưng yêu cầu cao hơn. Đặc biệt thí sinh phả i đấu côn quyền với 5 ngườì lính cấm vệ. Nếu thắng được 3 người mới được xét đỗ. Lính cấm vệ nào thua thì bị phạt lương; nên các trận đấu thường rất quyết liệt. Qua được kỳ thi Hội, thí sinh sẽ vào kỳ thi Đình. Tại kỳ thi này, thí sinh thi võ kinh (tức lý thuyết về binh pháp, trận đồ...). Ai đỗ sẽ được gọi là Tạo sĩ (Tiến Sĩ Võ); nếu đỗ vớt được gọi là Phó Bảng Võ. Sau đó, các vị tân khoa sẽ được bổ dụng làm quan võ. Khoa thi võ đầu tiên mở vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837), có 3 trường thi là Thừa Thiên, Hà Nội, và Thanh Hóa. Đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1846) ấn định lại thi Hương (lấy Tú Tài Võ và Cử Nhân Võ) vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu; thi Hội (lấy Phó Bảng Võ) vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Còn thi Đình (lấy Tiến Sĩ Võ) thì tổ chức ngay sau khi thi Hội.

Có thể lúc bấy giờ ở các địa phương trong cả nước cũng có lập ra những trường võ, hoặc có những lò võ dân gian nổi tiếng. Điển hình ở miền Trung có vùng đất võ Bình Định với những nhân vật lừng danh giỏi võ như ông Chảng (thầy dạy võ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); các tướng lãnh Tây Sơn như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân... - đây có những lò võ và địa phương khắp nơi biết đến bởi thế mạnh của mình, như "roi Thuận Truyền, quyền An Thái". Các địa danh Bãi Tập Voi, Trưng Võ; câu ca dao:


Ai về Bình Định mà coi,
Con gái cũng biết múa roi đi quyền.
là dấu ấn hiển hiện về truyền thống giỏi võ và thượng võ của đất Bình Định. Trường võ Bình Định dưới thời nhà Nguyễn được triều đình cho phép tổ chức các khoa thi Hương để tuyển chọn nhân tài nghành võ, phục vụ đất nước.

Ở Nam Bộ, cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, nổi tiếng có võ Ba Giồng (nay thuộc Tiền Giang). Dạy và học võ để rèn luyện thể chất, giúp con người vượt qua thử thách, hiểm nguy, bệnh tật ở vùng đất mới. Đồng thời cùng nhằm trau dồi nhân cách theo tinh thần thượng võ có từ ngàn đời của dân tộc ta, tạo nên những con người có phong cách mã thượng, vị tha:


Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng
và tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh vì nước:


Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phụng,
Giặc đến nhà chẳng vụng gươm đao
Sách "Gia Định Thông Chỉ" của Trịnh Hoài Đức, phần tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) có nói đến việc người dân ở đây "rất thượng võ và thích diễn võ nghệ" hoặc "Ba Giồng, phủ Kiến An, là đất ưa dụng võ".

Đến thời Pháp thuộc (đầu thế kỷ XIX), thực dân Pháp đã ra lệnh cấm dân chúng tập võ vì chúng sợ đây là một võ khí giúp dân ta chống lại chúng. Sự cấm đoán kéo dài gần ngót một thế kỷ này đã làm nền võ thuật cổ truyền Việt Nam bị thất truyền, mất mát rất lớn.

Do quan hệ lâu đời trong lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc cho nên võ Tàu, đặc biệt là võ Thiếu Lâm, có ảnh hưởng rất lớn đến võ thuật nước ta. Trung Quốc đã xâm lược và đô hộ nước ta tính ra cả nghìn năm. Nhiều đợt người dân Trung Quốc sang nước ta lập nghiệp, họ cũng mang theo môn võ Thiếu Lâm để luyện tập, truyền bá ra mãi rồi nhiều người tưởng đó là môn võ bản xứ, như trường hợp các bài quyền Mai Hoa, Liên Hoa, Thập Bát Ban Võ Nghệ... Sự trùng lập này càng về sau càng nhiều hơn vì võ cổ truyền không được dạy một cách bài bản. Nhưng nói chung võ Thiếu Lâm đi quyền một cách cứng chắc, chuyên dùng sức mạnh thì võ ta có tính linh hoạt, thoạt cao thoạt thấp, tránh né nhiều và thừa cơ để tung những đòn bất ngờ, nguy hiểm. Điều này có lẽ do phù hợp với người nước ta nhỏ con hơn người Trung Quốc ở phía Bắc.

Hiện nay không thiếu người có nhiệt tâm muốn khôi phục lại võ cổ truyền. Thanh thiếu niên cũng thích học võ cổ truyền vì tính dân tộc, tính lịch sử, và phù hợp với bản chất của người nước ta hơn một số môn võ ngoại nhập. Do đó nếu được tổ chức tốt và có sự hỗ trợ tốt, khả năng phục hồi và phát huy võ cổ truyền không phải là điều khó thực hiện.
http://thuvien.datviet.com/chitiet.asp?ID=50189&TheLoai=21
*

No comments:

Post a Comment