Pages

Wednesday, May 5, 2010

BÙI MỸ DƯƠNG * THƯ GỬI MẸ


Lòng mẹ bao la như biển Thái-Bình



Thế là mẹ tôi đã rời bỏ thế-gian và chúng tôi hơn một năm người ta thường nói : “Sống lâu chết mau.” Tôi tưởng như mới đây ba mẹ con bà cháu còn lang thang trên phố Bolsa ăn qùa, tôi bế cháu ngoại, mẹ một tay chống gậy một tay vịn vai tôi để đi vào tiệm ăn trưa.



Những tiệm thường được chiếu cố là tiệm Tài-Bửu, trong đó món mẹ ưa là bánh canh tôm cua, sôi chiên phồng, gà da giòn. Tiệm cháo Chợ Cũ Wonton soup với món cháo cá tươi, cô chủ rất khéo biết mẹ sợ hành, tỏi, chỉ một lần mà cô nhớ mãi nên cụ thích ghé ăn nhiều lần. Cô âu yếm trò chuyện với mẹ về những món ăn ngoài bắc , thăm hỏi sức khỏe và khen mẹ tôi đẹp. Tiệm cơm tấm Trần qúi-Cáp cụ rất thích vì cụ bảo: “bụng mợ nhà quê ăn cơm cho chắc bụng” Món này ngoài thịt nướng thơm ngon còn thêm bát nước canh trong và ngọt.



Các cụ khi phải rời xa xứ chưa thích hợp với phong tục tập quán và ngôn ngữ, con cháu ngày ngày đi học, đi làm nên thường cảm thấy đơn lẻ. Khi xưa bố tôi còn sống mẹ rất vui, hai cụ tương-đắc từ lúc xem phim bộ Trung-Hoa đến những phim trên Tivi vì bố luôn giảng nghĩa và bàn luận. Sau bố không còn, mẹ buồn nhiều vì ngoài sự thương yêu bà còn cảm thấy trống vắng không người tâm sự trò chuyện chia sẻ.



Để tìm nguồn vui nho nhỏ tôi thường đưa cụ ra tiệm ăn, ngoài món hợp khẩu cụ còn được nói chuyện với bà con người Việt cùng ngôn ngữ. Cụ rất thích ở với tôi vì chúng tôi cư ngụ ngay tại Thủ-đô của người Việt tỵ-nạn, nơi đây người Việt nhiều hơn người bản xứ nên cảnh sắc, người và những món ăn quốc hồn, quốc túy không làm cho ta thấy xa lạ, coi như vẫn sống nơi quê-hương.


Nhớ mẹ, tôi cứ miên man trong kỷ-niệm có với cụ cách đây không lâu, ôi! làm sao còn tìm được nữa, giờ này mẹ đã cùng bố nơi tiên cảnh hưởng hạnh-phúc vĩnh-cửu, còn tôi ở lại thương nhớ khôn nguôi.

Mẹ là con cầu-tự ( phải cúng bái mãi mới có) bà ngoại sáu lần sinh nở chỉ có mẹ là người chót chịu ở lại trần-gian. Hữu sinh vô dưỡng các cụ cho là có ma quỷ quấy phá, theo lời khuyên cụ mang mẹ vào đền đức Thánh Trần hưng-Đạo mong nương tựa oai quyền và lấy họ của Thánh: Trần Mỹ. Con nhà hiếm, mẹ được cưng chiều, ông ngoại thương và thèm con trai thường gọi mẹ là Chú, bà luôn ở bên cạnh từ lúc làm việc đến lúc ăn uống vì thế mẹ biết thưởng thức nhiều thứ mà ông tôi thích như Cầm, Kỳ, Thi, Tửu, nên về tửu lượng mẹ ăn đứt bố.



Ngày xưa ảnh chụp còn rất đắt đỏ và giới hạn, ông ngoại là hoạ-sĩ truyền thần rất giỏi, cụ được các vị quan chức trong triều nhờ vẽ chân dung. Khi về Việt-Nam thăm quê hương, mẹ đã thấy bức vẽ một vị quan triều Nguyễn ở trong nội thị mà ông ngoại là tác giả. Mẹ cũng có cái gene đó, người vẽ đẹp và giống mẫu, bà thường giúp bố minh hoạ một số phụ bản cho sách của nhà.

Ông ngoại tuy sống trong thời cổ nhưng cụ có tinh thần mới nên mẹ đã được đi học và thông thạo Pháp ngữ, lối ăn mặc thời trang với áo dài Cát-tường, lúc đầu là khăn vành dây sau đổi ra lối vấn tóc trần, lông mày vòng cong và kẻ nhỏ kiểu Maclaine Detrick. Với hình ảnh vừa tả mẹ thực đẹp và tân thời như những nhân vật trong tiểu thuyết của Tự-lực văn-đoàn, đẹp dịu-dàng và hiền-từ, có thể vì những nét đáng yêu đó mà bố đã cãi lệnh ông bà nội bãi-hôn và quyết tâm cưới cho được mẹ.



Mẹ rất khéo tay và chịu khó bà có cả bốn chữ Công, Dung, Ngôn, Hạnh.Nữ công gia-chánh: thêu thùa, đan khâu, bánh trái, cỗ bàn, mẹ đều giỏi vì bà là con gái tỉnh-thành. Tôi cảm phục bà và thường hỏi tại sao bà dám lấy bố, một học sinh nghèo từ quê lên tỉnh học? Có thể bà đã nhìn xa thấy được ngoài vẻ đẹp trai, tài ba, và đức độ còn có một tương lai sáng lạng sau này. Mẹ chỉ cười, tôi giải thích hộ:

Yêu thì thất bát sông cũng lội, thập lục đèo cũng qua? Về quê theo chồng mặc dầu chân yếu tay mềm, mẹ cũng phải hòa theo nếp sống dân quê. Bà cũng đi nhổ cỏ, bắt sâu, nuôi lợn vớt bèo, xay thóc, giã gạo, chăn tằm hái dâu, kéo sợi. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp để phụ giúp lợi tức thêm cho gia-đình mẹ làm bánh, đan len, dạy may thêu cho những người giầu có trong làng. Ở với đại gia đình nhà chồng gồm bà nội chồng, cô chồng, mẹ chồng và đông các em chồng bà cũng chịu nhiều đắng cay và khổ cực.

Mẹ hiền lành khéo léo và thương bố nên bà chịu đựng vì thế cụ bà, các bà cô thương yêu và bênh vực . Mẹ làm dâu suốt một đời vì bà nội ở chung với gia-đình tôi cho đến ngày mãn phần, những lúc đau yếu mẹ sớm hôm hầu hạ, sau này bà nội rất thương, trước khi qui tiên cụ đã khen và cám ơn mẹ. Mẹ đã chinh phục được những người trong họ ngoài làng vì xưa họ có thành kiến với con gái tỉnh: nào người tỉnh ăn trắng mặc trơn làm sao hòa nhập với nếp sống dân quê chân lấm tay bùn, nào người mảnh dẻ, ẻo lả nhét con gỗ vào cũng không có con. Những điều họ gán cho được chứng minh chúng tôi sáu đứa đã ra đời: 4 trai, 2 gái. Với đàn con đông, mẹ luôn sát cánh với bố lo gây dựng sự-nghiệp trông mon con cái.



Ôi có bà mẹ nào không thương con, trong hoàn-cảnh đất nước tang-thương bà cũng nổi trôi theo nạn nước có những lúc không cơm ăn ,không áo mặc, bà nhường cơm sẻ áo cho chúng tôi được no lành. Bà đã dùng thể-lực của chính mình san sẻ cho các con bằng chứng là bà đã kiệt lực ngã bệnh vì thiếu dinh-dưỡng.


Sau cơn bĩ-cực là tới thời thái-lai, như đã nói ở trên bố có quyết tâm và có chí nên cụ thành công trong lãnh vực văn-hóa: Viết sách, sự thành công đó đã khiến cho gia-đình mát mặt, con cái có phương tiện học để tiến thân sau này. Mẹ lúc trẻ vất vả nay được an-nhàn, bố một mực thương yêu nên bà rất hạnh-phúc, con cháu đầy đàn qúi mến cha mẹ, ông bà. Duy có một điều rất tội là bà yếu xương( Có thể khi xưa thiếu thốn lại nhiều con) nên chân tay bị gẫy nhiều lần khiến đau đớn thường xuyên, bà phàn nàn là số khổ không hoàn toàn vui lúc tuổi già. Đất nước trải qua nhiều đổi thay bố mẹ đã gìa, các cụ buông bỏ tất cả, hai người đã sang sống với các con, ở đây được chính phủ nuôi dưỡng đầy đủ.




Bố luôn nghĩ lúc nào mình cũng phải làm việc gì có ích nên cụ vẫn họat động về văn hóa, gíáo dục, việc làm của bố có gía trị lâu dài. Bố mẹ tôi đã mất nhưng người để lại rất nhiều công trình, sự nghiệp có ích cho đời sau. Bố mẹ là những mẫu mực gia-đình hạnh-phúc chúng tôi mong theo được gương đó để làm đẹp cho đời. Ngày nay nhìn lại quãng đời đã qua thấy bố mẹ là những tấm gương sống về cuộc đời thành-công và hạnh-phúc.

Bố có nghị-lực, có quyết tâm, bền gan, phấn đấu và đức-hạnh, mẹ là người đàn bà Việt-Nam, đẹp, hiền-lành, có tứ-đức, tam-tòng có công, dung, ngôn, hạnh. Bố mẹ đã có một cuộc đời đạo-hạnh, cả hai cùng hưởng hạnh-phúc cho tới tuổi gìa, rồi hai cụ cùng nhau cưỡi hạc về trời rất êm ả. Mẹ ơi theo lời ước-nguyện của Bố Mẹ con cùng các em, các cháu mang cốt về rải trên sông Hồng-Hà nơi quê hương để ở đó Bố Mẹ tìm lại những nơi yêu dấu xưa mà hai người đã gặp nhau và kết hợp nên một cặp thật hạnh-phúc. Chúng con và các cháu kính chào Bố Mẹ, mong Bố Mẹ ở nơi cao xanh nhưng vẫn nhớ và phù-hộ cho đám con cháu còn ngụp lặn trong cõi trầm-luân này.

Kính mến. Con gái của Bố Mẹ Bùi Mỹ Dương. ( mùa đông 2001)


*

No comments:

Post a Comment