Pages

Saturday, May 1, 2010

LINH THẢO * VŨ HOÀNG CHƯƠNG

LINH THẢO * VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Vũ Hoàng Chương Và Những Vần Thơ Lẻ


Linh Thảo


Vũ Hoàng Chương có một lượng thơ khá lớn với nhiều tập thơ ra đời từ thời tiền chiến (phong trào thơ mới 1932-40) và thời hậu chiến (sau 1954). Tập thơ đầu của ông là THƠ SAY (1940), sau là Mây (do ĐỜI NAY xuất bản).

Khoảng năm 1943, nhà xuất bản Đời Nay xuất bản một Giai Phẩm Xuân có đăng vở kịch thơ VÂN MUỘI của ông.

Năm 1954, ông từ Bắc di cư vào Nam và xuất bản các tập thơ RỪNG PHONG, HOA ĐĂNG, CHÚNG TA MẤT HẾT CHỈ CÒN NHAU... Một số thơ mà ông liệt vào loại NHỊ THẬP BÁT TÚ, được đăng trên các tạp chí ở miền Nam. Nhị thập bát tú là những bài thơ làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt (4 câu 7 chữ) có tất cả 28 chữ, nên gọi là Nhị thập bát tú (28 vì sao).

Một tập thơ được các môn sinh tập trung các bài thơ tình của ông hồi trẻ và xuất bản ở hải ngoại sau năm 1975 là: TA ĐỢI EM TỪ BA MƯƠI NĂM.

Cũng sau năm 1975, ở Hoa Kỳ, nhà xuất bản Xuân Thu đã in lại VÂN MUỘI, cùng các tập thơ: CẢM THÔNG, ĐỜI VẮNG EM RỒI SAY VỚI AI, TÂM SỰ KẺ SANG TẦN, LOẠN TRUNG BÚT.

Vũ Hoàng Chương là một trong số ít nhà thơ sành Hán văn, thích thư họa, nên ông đã từng làm thơ, dịch thơ, làm câu đối bằng chữ Hán.

Trước năm 1945, ông vào Nam dậy học, và sinh hoạt văn nghê.. Sau năm 1975, ông bị đưa đi học cải tạo và mất sau đó không bao lâu đi được tha.

Ở đây, người viết không đề cập đến Vũ Hoàng Chương qua số lượng thơ lớn cới nhiều tập thơ đã xuất bản của ông. Chỉ nhắc đến một ít bài hay vần thơ lẻ của ông, Việt văn lẫn Hán văn, mà ít người biết đến, không nhớ hay do thơ đăng rải rác đây đó trên các báo mà không được tập trung vào một tác phẩm nhất đi.nh.

Trước hết, thử phát họa đôi nét về con người Vũ Hoàng Chương. Thời xưa, hồi còn trẻ, ông đam mê nhiều thứ: rượu, thuốc phiện, ả đào, khiêu vũ... Những cái đam mê này cũng chỉ để tìm những nguồn cảm hứng cho thơ theo cái "mốt" của thời đại bấy giờ. Bài SAY ĐI EM, QUÊN, NGHE HÁT được trích dẫn trong tập THI NHÂN VIỆT NAM là tiêu biểụ

Sau năm 1975 vào Nam, có lẽ vì là nhà giáo, ông không còn có cái đam mê thời trước, mà chỉ có cái đam mê sáng tác thi ca, và có cái cốt cách, phong độ của kẻ sĩ.

Thơ Vũ Hoàng Chương rất đa dạng: thơ tình, thơ hoài cổ, thơ triết lý... mặt nào cũng có phong vị riêng, rất Vũ Hoàng Chương.

Điều đáng nói là cái phong độ kẻ sĩ của ông đã biểu lộ rất mực, sau năm 1975, trong một buổi họp văn nghệ do Thanh Nghị, một nhà văn từ bưng về thành, tổ chức để ca tụng Tố Hữu, về hai câu thơ trong bài "ĐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG": "Thương cha thương mẹ thương chồng, Thương mình thương một thương ông thương mười". Được mời phát biểu ý kiến, Vũ Hoàng Chương đã chê hai câu thơ đó là không chân thật khi đặt lời ấy vào miệng một bà mẹ Việt Nam, cũng như vào miệng con trẻ khi tập nói: "Tiếng đầu lòng con gọi Stalin." Ông cho đó là loại "thơ thợ", thơ tuyên truyền, không có gì đáng gọi là thơ hay, trong lúc các văn nghệ sĩ khác như Thanh Nghị, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và những người khác đều hết lời khen Tố Hữu đã có những câu thơ tuyệt tác, "xuất thần khẩu chiếm" đó.

Cũng nên biết rằng Vũ Hoàng Chương là một thi sĩ đồng thời với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, cùng là những tài danh trong làng thơ mới, nhưng lại được Nhất Linh, chủ soái Tự Lực Văn Đoàn, gọi là "Thi Vương" (vua thơ) .

Có lẽ vì lời phát biểu "ươn ngạnh", không xu phụ nhà lãnh đạo văn nghệ miền Bắc, nên sau đó Vũ Hoàng Chương đã bị đưa đi cải tạo tư tưởng.

Trong tù, ông đã làm bài thơ khí khái:
Thấm thoát vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nặng bằng non
Một manh chiếu lỉa hồn ngây ngất
Ba chén cơm rau xác mỏi mòn
Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
Bao nhiêu nước chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai một tấm son.

Vào dịp Tết Bính Thìn - 1976, khi chưa đi cải tạo, sống dưới chế độ mới, "trong khoảng thời gian tranh tối tranh sáng của thời sư.... Lúc ấy, buổi hỗn quân hỗn quan, lúc thú vật đội lốt người, tác yêu tác quái", như Nguyễn Mạnh Trinh đã viết, Vũ Hoàng Chương có bài thơ VỊNH BỨC TRANH GÀ LỢN, với ngụ ý châm biếm sâu sắc:

Sáng chưa sáng hẳn tối không đành
Gà lợn om xòm rối bức tranh
Rằng vách có tai thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh

Qua hai bài thơ trên, Vũ Hoàng Chương có thái độ "khinh thế ngạo vật" trước thời cuộc biến thiên của nước nhà. Ông không là một kẻ khiếp nhược, chẳng tỏ vẻ gì lo sợ trước nghịch cảnh, như nhận định sau đây của Nguyễn Huệ Chi, một nhà văn miền Bắc, dù ông này vẫn phục tài và có cảm tình với Vũ Hoàng Chương:

"Đã từng sống trong không khí cải cách ruộng đất đợt V, hồi 1955 ở khi IV, tôi thấu hiểu nỗi sợ đến khủng khiếp về một cái gì không ra ngô ra khoai, về sự chờ đợi trong nặng nề khắc khoải, phải đếm từng giây phút một cho bớt cô đơn lạnh lẽo mà Vũ Hoàng Chương đã từng sống..." (sic)

Một số bài thơ của Vũ Hoàng Chương có tính chất thời sự, có lẽ ông chỉ cảm khái nhất thờị Chủ yếu thơ ông là thơ tình. Song thơ tình Vũ Hoàng Chương thời hậu chiến khác thơ tình thời tiền chiến, có ngôn ngữ chau chuốt, điêu luyện với giọng thơ phóng khoáng, tài hoa, có phong thái "thơ cẩm tú đàn anh họ Lý" của thi ca Đường, Tống:

Trở gót quê say ngược Suối Điều
Nét hoa mờ tỏ sóng phiêu diêu
Lên tiên về tục thương Từ Thức
Lấy giả làm chân học Thúy Kiều

Một số thơ khác của Vũ Hoàng Chương mang nét đấu tranh, do biến chuyển xã hội, thời Đệ Nhất Cộng Hòa:

Giờ điểm lâu rồi hỡi Tuổi Xanh
Có nghe nét chữ réo tung hoành
Có nghe giòng mực sôi trên giấy
Nhịp bốn nghìn thu Sử Đấu Tranh
Đáp tiếng nghìn xưa thề chiến đấu
Quên thân giằng cướp lấy sơn hà
Đứng lên đòi lại bằng xương máu
Sông núi vàng son của chúng ta

và trong vụ Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, bảo vệ Phật Pháp:

Thương chúng sanh trầm luân bể khổ
Người sẽ phăng đêm tối đất đầy
Bước ra ngồi nhập định hướng về tây
Gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ...

Về sau, thơ Vũ Hoàng Chương chuyển sang địa hạt triết lý với NHỊ THẬP BÁT TÚ:

Ta ngắm trông vào cái chính ta
Hồn xanh trong nếp áo thu già
Tay kia từng níu trời cao mãi
Nay chống ô chờ đất nở hoa

Ngày song thất 1963 (7-7-63), Nhất Linh tự hủy mình, như Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, để phản đối nhà Ngô kết án ông là phản loạn, Việt Nam đã khóc nhà văn cách mạng qua hai câu đối chữ Hán:

- Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ
- Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiên Phong hóa hậu Văn hóa, ư trung lập ngôn

Tạm dịch:

Mấy chục năm bút mực lừng danh, một dễ đứt hai dễ mất, mà ba còn mãi
Đêm bảy bảy trời mưa rớt phượng, trước Phong hóa sau Văn hóa ngôn luận để đời

Ghi chú hai câu đối nhiều ý nghĩa này:

1/ một, hai = bút mực, ba = danh
2/ Nhất = Nhất Linh, Nhị = Nhị Linh (bút hiệu Khái Hưng), Tam = Tam Linh ( bút hiệu khác của Nhất Linh và Nguyễn Tường Tam (tên Nhất Linh).
3/ đoạn, tuyệt = cũng là tên ĐOẠN TUYỆT, một tác phẩm của Nhất Linh
4/ phượng = chỉ Nhất Linh, mà cũng là tên nhà xuất bản Phượng Giang, kế tiếp nhà xuất bản đời Nay, do Nhất Linh chủ trương.
5/ Phong hóa = tờ báo có trước Ngày Nay (thập niên 1930) của Nhất Linh.
6/ Văn hóa = tức tạp chí VĂN HÓA NGÀY NAY do Nhất Linh chủ trương, cùng với nhà xuất bản Phượng Giang, vào thập niên 1950.

Vốn sành chữ Hán, Vũ Hoàng Chương từng dịch bài LIÊU TRAI ĐỀ TỪ của Vương Ngư Dương ở sách LIÊU TRAI CHÍ DỊ của Bồ Tùng Linh:

Cô vọng ngôn chi vọng thính chi
Đậu bằng qua giá vũ như ty
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ
Ái thính thu phần quỷ xướng thi

THƠ ĐỀ SÁCH LIÊU TRAI:

Nói bứa bừa đây nghe bứa bừa
Dây dưa giàn đậu phới tơ mưa
Chuyện đời chừng đã đầy ngao ngán
Thích lắng mồ thu quỷ đọc thơ

Cách dịch thơ của Vũ Hoàng Chương rất phóng túng, ít chịu gò bó theo nguyên tác, kể cả từng chữ, câu và luôn cả ý. Ngôn ngữ dịch của ông khá đặc biệt, kênh kiệu mà tân kỳ (bứa bừa, phới tơ mưa).

Với bài TAM THƯỚNG HẢI VÂN dưới đây, của Trần Bích San, ông đã đảo thứ tự trên dưới hầu hết số câu và dịch rất thoát, dùng chữ khéo, tuy có phần không sát lời thơ nguyên tác, và vẫn diễn rất đạt và mở rộng cái ý tưởng hàm súc của tác giả (nhất là những câu 3-4, 5-6).

Tam niên tam thướng Hải Vân đài
Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt
Kiền không trích nhãn tiểu trần ai
Văn vô sơn thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
Hưu đạo tần Quan chinh lộ hiểm
Mã đầu hoa tận đới yên khai

BA LẦN VƯỢT HẢI VÂN

Ba năm vượt ải đã ba lần
Nhẹ cánh chim trời dạo Hải Vân
Ngắm rộng kiền khôn coi cũng bé
Lên cao nhật nguyệt tưởng đâu gần
Gió sương như búa tài thêm chuốt
Hồ bể làm nghiên bút mới thần
Đầu ngựa rừng hoa chen khói nở
Cười ai kêu hiểm lối sang Tần

Vũ Hoàng Chương đã dịch:

Xưa hạc vàng bay ngút bóng người
Đây lầu Hoàng hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc đi đi mất
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi

Bài dịch này cùng vẫn theo lối dịch không đi sát nguyên tắc. Vũ Hoàng Chương không chịu phụ thuộc triệt để lời thơ của tác giả, chỉ tạo ngữ khí và ngữ cảnh riêng của mình để diễn dịch thơ của ngườị Có thể nói đây là một cách chuyển tác bài thơ này sang bài thơ khác với những ý chính được lưu giữ lại.

Thơ chữ hán của Vũ Hoàng Chương cũng rất điêu luyện. Mở đầu thi phẩm RỪNG PHONG ông có hai câu thơ:

Lãnh quế trầm hương thương hải nguyệt
Loạn bồng tâm đới bạch vân thu

và ông tự dịch:
Quế lạnh hương chìm trong bể biếc
Cỏ bồng mây trắng rối lòng thu

Vẫn lối dịch phóng khoáng, đảo lộn trật tự trong câu nguyên tác để diễn ý thợ Có thể hiểu câu thơ trên:
Trăng biển xanh lặng quế chìm hương
Mây thu trắng rối bồng trĩu dạ

Năm Ất Mão (1975) vào đêm trừ tịch, Vũ Hoàng Chương đã sáng tác bài thơ chữ Hán KHAI XUÂN THẠCH KHÚC với nhiều điển tích khó hiểu:

Tường vân mãn tọa tọa bôi minh
Hy chúc xuân khai dạ bán quỳnh
Đông liễu Tây đào song tận mỹ
Tần tang Yên thảo nhất hồi thanh
Tần giao cố quốc hoài kim phấn
Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình
Đồi ngoạ dữ sa trường tuý ngoạ
Cổ lai thuỳ giả chiếm cao danh

Dịch: KHÚC THẦM ĐẦU XUÂN
Mây vờn quanh chỗ chén lung linh
Vui chúc đầu xuân mọi tốt lành
Tây liễu Đông đào đôi vẻ đẹp
Tần dâu Yên cỏ một màu xanh
Phấn hương nước cũ dù mang dạ
Vách đá lời ngông đã vọng tình
Nát rượu cùng say lăn chiến địa
Xưa nay ai đã vượt hơn danh?
(Thiên Nhất Phương dịch)

Bài này bộc lộ ít nhiều tâm sự của tác giả giữa buổi giao thời năm 1975. Hai câu cuối tác giả vẫn tự cho mình là một kẻ "đồi ngoạ" (đồi nhiên tuý ngoạ = say quá nằm liều) tức là một văn nhân bất đắc dĩ.

o0o
Nhắc đến Vũ Hoàng Chương, người mà Nhất Linh đã phong thì "thi vương" và một nhà văn sau này (Nguyễn mạnh Trinh) gọi là "ngôi sao Bắc đẩu" trên thi đàn Việt Nam.

Thực vậy, Vũ Hoàng Chương là nhà thơ tài hoa, phóng dật cả trong lối sống và trong sáng tác thi cạ Hơn nữa, ông còn là một kẻ sĩ, "uy vũ bất năng khuất", để rồi phải nhận lãnh cái chết sau một thời gian bị giam giữ trong tù.

Hồi trước, vào năm 1963, Vũ Hoàng Chương đã tôn vinh Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (với câu đối dẫn trên), thì sau này ông cũng bất hủ với sự nghiệp "lập ngôn" của ông.

Trích:http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=17822



No comments:

Post a Comment