Pages

Wednesday, May 5, 2010

THI VÕ NGÀY XƯA

*



Thi Võ ngày xưa

Phép thi hội cũng y như phép thi hương, duy mỗi kỳ phải nặng hơn thi hương một chút. Ví như thi hương quả tạ nặng một trăm mười cân thì thi hội thì phải nặng một trăm hai mươi cân, thi hương đi mười sáu trượng thì thi hội phải đi hai mươi trượng.


Võ nghệ của ta cũng có nhiều cách, nhưng có mấy lối thường dùng nói qua sau này:

1. Tập xách nặng - Dùng một hòn đá hoặc quả chì nặng độ năm sáu chục cân, khi tập giơ lên nhắc xuống cho cứng gân xương, tập được rồi lại dần dần dùng quả nặng hơn mà tập.

2. Tập đu - Kiếm cành cao nào dễ vịn, hoặc trồng cột bắc giá, mỗi ngày thong thả đánh đu từ từ mà đưa mình lên và hạ mình xuống độ năm sáu lần, hễ đưa được cánh tay đem đầu gối lên sát cành cây hoặc giá đu thì mới được và tập lộn mình trên giá cho dẻo gân xương.

3. Luyện chân tay - Trước hết dùng một thùng thóc, mỗi ngày giương thẳng hai bàn tay, mà đâm xỉa vào thóc, lâu rồi gân tay rắn chắc, có thể đâm thủng được cây chuối, đá mãi thành chai, có thể đá vào tường gạch cũng không biết đau.


4. Tập nhảy - Kiếm một cỗ gò thấp, mỗi ngày tập nhảy. Thoạt tiên bỏ đầy cát vào hai ống quần, buộc lại mà nhảy. Trước nhảy còn nặng sau dần dần quen mà nhẹ đi. Đến lúc tập được bỏi hết cát đi, thì nhảy nhẹ mình lắm, có thể cao tới mái nhà cũng nhảy được.


5. Tập côn, tập đấu rồi tập khiêm mộc, tập múa đại đao - Mỗi cách đã có một bài dạy, khi động, khi tĩnh, khi lên khi lui, khi múa mình khi nhảy nhót, đều có phép cả. Thầy dạy võ cầm mõ làm hiệu, khi trò nghe theo tiếng mõ mà đi bài.

Trong khi tập thường phải ăn cháo cho nhẹ người dễ tập. Nếu lúc mới tập thì đau gân xương thì nấu nước lá tre mà xông mình hoặc uống thì khỏi mà lại khoẻ thêm nữa.


Võ kinh - Võ kinh của ta thì chẳng qua chỉ những cách xem giờ, kén ngày, coi thiên văn, xét địa lý, tính nhâm độn và các phép huyền ảo v.v...

Còn phép thi võ về những triều trước thì không rõ như thế nào. Duy bổn triều ta, từ năm Minh Mạng thứ mười bảy, mới mở khoa thi võ ở Thừa Thiên, sau lại mở thêm trường thi ở Hà Nội và ở Thanh Hoá. Năm Thiệu Trị thứ năm, nghị định cứ năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa võ hương thí; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì mở khoa võ hội thi. Cứ thi văn chương thì kế đến thi võ.


Cách thức thi chia làm ba kỳ:

Kỳ thứ nhất xách tạ. Quả tạ đúc bằng chì, nặng hai trăm hai chục cân An Nam. Hai tay mỗi bên xách một quả, đi được mười sáu trượng (mỗi trượng vài bốn hước tây, mười sáu trượng thành ra sáu mươi bốn thước tây) trở ra; hoặc xách một tay một quả, được ba mươi hai trượng trở ra thì là ưu hạng, xách hai quả đi được mười hai trượng trở ra, xách một quả đi được hai mươi bốn trượng trở ra thì là bình hạng, xách hai quả đi được mười sáu trượng trở ra thì là thứ hạng. Không được như số ấy thì là liệt hạng.

Kỳ thứ hai thi múa côn sang (Thời Minh Mạng kỳ này thi múa còn đánh quyền, còn đấu gươm mộc, đến thời Thiệu Trị mới đổi cách này). Côn sắt nặng 30 cân, chia ba cầm một phần côn, vừa đi vừa múa và làm bộ nhảy nhót, đâm đánh, hễ đi được ngoài sáu chục trượng là bình hạng, ngoài bốn chục trượng là thứ hạng, không đầy số ấy là liệt hạng.


Ngọn sang (ngọn giáo) dài bảy thước bảy tấc An Nam, người thi một tay cầm đốc sang, một tay cầm giữa khúc, đứng cách người bù nhìn ba trượng, múa may nhảy nhót, ba bốn thước, rồi mắt nhìn cho kỹ chạy tuột đến đâm giữa rốn bù nhìn. Hễ đâm chúng mà sống mũi sang thì là ưu hạng, trúng không là bình hạng, trúng sượt qua là thứ hạng, không trúng là liệt hạng.


Kỳ thứ ba thì bắn súng hiệp, đứng cách xa chỗ ụ bắn hai chục trượng năm thước, bắn sáu phát súng, hễ hai phát trúng đích, một phát trúng vành tròn, ba phát trúng ụ đất là ưu hạng; một phát trúng đích, một phát trúng vành tròn, bốn phát trúng ụ đất là bình hạng, hai phát trúng vành tròn, bốn phát trúng ụ đất là thứ hạng; sáu phát không trúng cả, hoặc trúng đích được một phát đều là liệt hạng.


Quán cả ba kỳ, hễ ai có ưu bình thì lấy vào hạng đỗ cử nhân, toàn một hạng thứ thì lấy đỗ vào hạng tú tài. Kỳ phúc hạch hỏi thì ba câu võ kinh, tuỳ văn lý mà chia thứ bậc trên dưới.

Phép thi hội cũng y như phép thi hương, duy mỗi kỳ phải nặng hơn thi hương một chút. Ví như thi hương quả tạ nặng một trăm mười cân thì thi hội thì phải nặng một trăm hai mươi cân, thi hương đi mười sáu trượng thì thi hội phải đi hai mươi trượng. Thi trúng đủ ba kỳ cho vào hạng trúng cách. Kỳ đình thí ai biết chữ thì vào, không biết chữ xin thôi cũng được.


Đình thi hỏi một bài đại nghĩa trong võ kinh, một vài điều yếu lược về phép dùng binh của danh tướng lịch triều và một vài điều thời sự. Xét văn lý hơn kém thế rồi định phân số. Hễ có phân số thì lấy đỗ vào hạng võ tiến sĩ, ban áo mũ cờ biển, cho vinh quy cũng như tiến sĩ thi văn. Ai không được phân số nào, hoặc chỉ trúng hội thí mà không vào đình thí thì cho đỗ vào hạng phó bảng

Phong tục Việt Nam.

http://www.dulichtrongoi.com/modules.php?mod=news&CNid=10&NWid=99

No comments:

Post a Comment