Pages

Saturday, May 1, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * VŨ HÒANG CHƯƠNG

*


VŨ HOÀNG CHƯƠNG (1916-1976)




Trước 1945, Vũ Hoàng Chương đã nổi danh với Thơ Say (1940) và Mây (1943). Cốt cách của ông là cốt cách của một lãng tử. Ông thuộc trường phái lãng mạn , nhưng nghệ thuật ông cũng là nghệ thuật tượng trưng cho nên đôi khi rất xa xôi bí hiểm và rất cao siêu, bóng bẩy. Sau 1954, Vũ Hoàng Chương vào Nam và đã sáng tác khá nhiều.

THƠ
Rừng Phong Sai gòn, 1954
Hoa Đăng, SG, 1959.
Trời Một Phương, SG, 1962.
Lửa Từ BI, SG, 1963. Ánh Trăng Đạo, SG, 1966.
Bút Nở Hoa Đàm, SG, 1967.
Cành Mai Trắng Mộng, SG, 1968.
Ngồi Quán, SG, 1970.

TUYỂN TẬP THƠ:
Ta Đợi Em Từ Ba Mươi Năm
Cảm Thông ( Communication)
Tâm Tình Người Đẹp (Les 28 étoiles)
Đời Vắng Em Rồi Say Với Ai.
BÚT KÝ
Ta Đã Làm Chi Đời Ta. TrươngVĩnh Ký,SG, 1972.
KịCH
Tâm Sự Kẻ Sang Tần. SG,1961.




Rừng Phong in lần thứ nhất năm 1954 nhưng trong đó có những bài thơ làm trước 1945. Thời tiền chiến, Vũ Hoàng Chương đã nổi danh về những bài thơ về tình yêu và đam mê, sau 1945, ông vẫn tiếp tục sáng tác theo hai chủ đề trên. Vũ Hoàng Chương là một thi sĩ lãng mạn. Tinh hoa của thi ca lãng mạn là thuở hoa niên bướm ong rạo rực, nhiều mơ mộng đắm say cũng như lúc đẹp nhất của một ngày là buổi bình minh. Thơ Say và Mây là tinh hoa của Vũ Hoàng Chương, nhưng sau 1954, Vũ Hoàng Chương vẫn cho đời những bài thơ dịu ngọt như Chờ đợi hoài công, Bài ca hoài Tố.

Ông ca tụng tính yêu, đã say mê hình bóng giai nhân, và đau khổ vì yêu:
Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm
Heo may chớm đã lên mùa gió
Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm
. . . . . . . . . . . . .
Ngai trống, vàng son lợt sắc rồi
Lòng ta hoàng hậu chẳng về ngôi
Hồ ly không hiện, người không đến
Chỉ ánh trăng vào khuôn cửa thôi

Hiu hắt tình trai một kiếp suông
Mênh mông nệm gối rét căn buồng
Lệ sa bạch lạp ngàn đêm trắng
Thơ vút sầu say, rượu nhập cuồng ( Chờ đợi hoài công)

Vũ Hoàng Chương luôn hoài niệm mối tình ngày xưa, mối tình thuở hoa niên:
Mùa đã sắp thu rồi, trăng ướt sương
Nến lụi chiêm bao, nằm xa nhớ thương
Hỏi tiếng xưa còn gió thơm canh trường
Em Kiều Thu giờ lầu ai phấn hương? (Bài ca hoài Tố)
Em Kiều Thu ạ! Mười năm cách
Lòng gã Hoàng lang vẫn ngậm ngùi
( Tình thuở thanh bình)
Nhớ xưa còn tuổi hai mươi
Cả một vườn hoa của bướm
Lòng con hồ điệp chơi vơi
Tám nẻo dài thăm nhụy ướm (Hoa nào của bướm)

Vũ Hoàng Chương khi vào Nam cũng tiếp nối cuộc sống của một nghệ sĩ nhiều đam mê:
-Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
Để ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.( Nguyện cầu)
-Ta say, ta đốt
Ta nằm, ta quên
Và ta nhớ, thuở lòng ta lẫn một
Với âm dương, đằm thắm ý giao duyên
Là đây ngọn lửa đoàn viên
Khói hương tiền sử bên đèn nao nao.(Bài ca dị hỏa)

Trong Rừng Phong, Vũ Hoàng Chương vẫn nối tiếp chủ đề siêu thoát. Vũ Hoàng Chương chịu ảnh hưởng Phật và Lão Trang. Ông thắc mắc về cuộc đời . Ông luôn tìm kiếm chân lý. Phải chẳng tất cả là hư không, là hư ảo, là giấc mộng, là đau khổ?
Phải chăng muôn kiếp nặng nề
Từ Hư Không tới lại về Không Hư
Lẽ nào mộng cả thôi ư
Người ơi! Gịọt bể chứa dư tang điền. ( Bài ca siêu thoát)

Những cơn say cũng là hình thức siêu thoát:
-Trở gót quê Say ngược Suối Điều
Nét hoa mờ tỏ sóng phiêu diêu
Lên tiên về tục thương Từ Thức
Lấy ảo làm chân học Thúy Kiều ( Ngẫu cảm)
-Mặt khói chơi với hề ngọn đèn chênh vênh
Kìa núi tà dương đỏ dậy
Lam mờ bể nguyệt lung linh
Đã mở cánh huyền vi hề sau rèm hiển hiện
Còn nguyên khối hỗn mang hề vũ trụ sơ sinh
. . . . . . . . . . . .
Đèn hôm nay ngọc đỏ
Khói nơi này tơ xanh
Ta ơi hề ta ơi
Kìa thoáng chân thân vừa hiện đó
Nụ cuời say hoan lạc đến vô tình ( Bài ca tận túy)

Thi sĩ quan niệm cuộc đời là những cuộc siêu thoát, là những bước phiêu du từ bao độ luân hồi tử sinh:
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về .( Nguyện cầu)

Sau cùng, cái chết là một hình thức của siêu thoát:
Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn
Cho tròn một kiếp chẳng phân vân
Lòng cây mấy thuở ai người biết
Từng khóc từng reo đã mấy lần
Nhựa ứ càng cao niềm giục giã
Đất trời mong mỏi nức hương lân
Cánh hoa sắp hé phô kiều diễm
Nụ thoát hình trong phút nhập thần ( Thoát hình)


Thơ của Vũ Hoàng Chương là cái nhìn về mình và cuộc đời. Phần lớn là nỗi buồn tuôn ra cùng tiếng thở dàì áo não. Trước kia Vũ Hoàng Chương đã cảm thấy lạc loài vì nhân thế coi khinh, nay Vũ Hoàng Chương vẫn cảm thấy mình là một người khách lạ giữa cuộc đời xa lạ:
Ta đến nhân gian lạ cõi bờ
Này sông lưu lạc, núi chơ vơ
Nỗi buồn sông núi ai người biết
Máu cũng chưa hề rỏ phím tơ ( Nỗi buồn sông núi)
Ông buồn vì mộng và thực khác xa nhau, và ông cũng buồn vì thân thế đắng cay của người nghệ sĩ nghèo:
Lửa khóa mây then vách bốn trời
Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi
Vẫn chưa ý gửi hồn thơ được
Mà đã dâu toan hóa biển rồi
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi
Tin xuân lạnh lắm rồng ao cạn
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi ( Ngẫu cảm)

Ngoài tình yêu, thơ Vũ Hoàng Chương còn là tiếng oán than thời ly loạn. Ông nhớ đến thuở thanh bình ngày xưa chàng Vũ cũng như những đôi trai gái cùng trang lứa đã yêu nhau nhưng bây giờ là chia ly, tang tóc:
Ôi thôi cuộc thế hết thanh bình
Cái tuổi thơ ngây của chúng mình.
Đã hết rồi em!. . . và cũng hết
Cả mùa thu ấy đẫm men tình ( Tình thuở thanh bình)

Vũ Hoàng Chương là nhà thơ siêu thoát, siêu thực. Nhưng con người của Vũ Hoàng Chương là một con người thực tế. Ông như một cây cổ thụ đứng trên núi cao, cành lá tỏa bốn phương và nở hoa đến tận chín tầng trời nhưng cội rễ bán chặt lòng đất, đá và suối khe. Ông có hai cái nhìn: một cái nhìn mơ mộng và một cái nhìn thực tế. Ông là thi sĩ và cũng là một chiến sĩ. Ông là con người yêu nước cổ điển, nghĩa là yêu nước theo truyền thống dân tộc, theo quan điểm của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ chống Nguyên, Minh Thanh xâm lược trong khi cộng sản tôn thờ Stalin, Mao Trạch Đông:

Sát cánh vua cùng dân
Chung lòng với tướng quân
“Phá cường địch” cờ ai sáu chữ
Báo hoàng ân là báo quốc ân
Trăm họ chẳng ai còn lưỡng lự
Sông núi nào riêng một họ Trần.
Bình Than lạ nổi phong vân
Một gươm Tiết chế hai lần trao tay.

Lời Đại Vương truyền nín cỏ cây
Ba quân hào khí ngất tầng mây
Vụt nghe tướng lệnh, vươn mình thét:
-Sông Bạch Đằng tôi có mặt đây!
Hán hồ cũng đến chôn thây
Trước sau một khúc sông này mà thôi...

Triều non bạc lên ngôi, giờ lịch sử
Và xuống ngôi, theo lệnh Đại Vương truyền.
Nước rút đi, như ngàn vạn mũi tên
Lấy Đông Hải làm bia nhằm bắn tới
Một ám hiệu Kình nghê vừa mắc lưới,
Thuyền Vương Sư liền quật khởi tranh phong
Tay chèo nổi ngược cơn dông
Tiêng hò “Sát Thát” vang sông ngập bờ.
(Bài Ca Sát Thát)


Dưới vầng nguyệt lạnh lùng quan ải,
Dưới vầng dương thiêu đốt quan san
Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại
Mà chí lớn dọc ngang
Mà nghiệp lớn huy hoàng
Vẫn ngàn thu còn mãi
Vẫn ngàn thu người áo vải đất Qui Nhơn?
Ôi người xưa Bắc Bình Vương
Đống Đa một trận trăm đường giáp công
Đạn vèo năm cửa Thăng Long
Trắng gò xương chất, đỏ sông máu màng.
(Bài ca bình Bắc )

Hình như trong tiềm thức, ông đã thấy rõ cái họa mất nước vì cộng sản Việt Nam dâng biển và đất liền cho cộng sản Trung Quốc cho nên ông đã gào thét: "Trả Ta Sông Núi "

Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng, núi nguy nga
Trả ta sông núi bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta…
Trả ta sông núi từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta

Cờ báo phục hai bà khởi nghĩa
Ðuổi quân thù, xưng đế một phương
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc, miếu đường uy nghi
Xót nòi giống, quản chi bồ liễu
Dòng Cẩm Khê còn réo tinh anh
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời

Bể dâu mấy cuộc đổi dời
Lòng trăm họ vẫn dầu sôi bừng bừng
Mai Hắc Ðế, Phùng Hưng, Bố Cái
Liều thế cô dằng lại biên cương
Ðầu voi, Lệ Hải Bà Vương
Dù khi chiến tử vẫn gươm anh hào
Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?
Núi sông ấy của người dân Việt
Chống Bắc phương, từng quyết thư hùng
Ngô Quyền đại phá Lưu Cung
Bạch Ðằng Giang nổi muôn trùng, sóng reo
Hồn tự chủ về theo lửa đuốc
Chữ thiên thu: Nam Quốc sơn hà
Phá tan nghịch lỗ không tha
Tướng quân Thường Kiệt gan già mấy mươi
Gươm chiến thắng trỏ vời Ðông Bắc
Hịch vải nêu tội giặc tham tàn
Dựng nhân nghĩa, vớt lầm than
Danh thơm ải ngoại, sấm ran biên thùy
Khí thiêng tỏa chói tư bề
Phường đô hộ có gai ghê ít nhiều?…

Cũng như bao thi sĩ khác, Vũ Hoàng Chương đã đau khổ nhìn thấy khói lửa tràn ngập quê hương:
Một vầng trăng huyết
Rụng đỏ kinh kỳ
. . . . . . . . .
Say thành bại nhân gian cuồng vọng
Riêng mình ta vạn kiếp bi thương
Đã sa ngôi cũ hoàng vương
Còn toan đổ máu phơi xương làm gì ( Bài ca thời loạn)

Ngồi Quán do Lửa Thiêng ấn hành năm 1970. Những bài thơ trong tập này đều được sáng tác trong năm 1968-1969. Trong tập này, chủ đề chính là chiến tranh Việt Nam, là cuộc tấn công mậu thân 1968 của Cộng sản tại miền Nam.

-Thế là con ác nhả sân bay rồi bỗng lên dần
Thế là bầy rắn nhổ neo vừa phun nọc độc
Thế là đoàn bọ hung sang số bay đi
Thế là cánh tay người buông rũ liệt
Thế là xong. . . là hết. . . .
Thế là không còn chi. . .
Ôi Chiến tranh làm biệt ly
Như bọt vỡ trên sông trên biển
Như bụi nát nhừ trên đường ra hỏa tuyến . .(Thế là)
-Khổ đau tràn bốn cửa Thành
Dư ba chợ Bến, hồi thanh xóm Chùa
Ngựa Thời gian phá trường đua
Hí lên cho bước Giao Mùa nhịp theo
Đường Hai Mưoi lắng chuông gieo
Gối tay thế kỷ nằm heo hút buồn
Dưới kia thác lũ mưa nguồn
Lệ hay mạch nước ào tuôn vỡ bờ?
Lật coi giòng máu chưa mờ
Bạch thư dày mấy muôn tờ đất đen. ( Đào sâu trang sử)


Vũ Hoàng Chương là nhà thơ lãng mạn, là nhà thơ quốc gia và cũng là một nhà thơ Phật giáo. Cũng như Nhất Linh, ông đã phản đối hành động đàn áp Phật giáo của Ngô Đình Diệm cho nên ông đã sáng tác rất nhiều bài thơ ủng hộ công cuộc tranh đấu của Phật giáo chống gia đình họ Ngô. Đó là các tác phẩm: Lửa Từ Bi, SG, 1963; Ánh Trăng Đạo, SG, 1966; Bút Nở Hoa Đàm, SG, 1967.
Ông là một nhà thơ yêu nước, nhà thơ chống chiến tranh, chống cộng sản cho nên sau 1975, ông trở thành mục tiêu đầu tiên của cuộc thanh trừng văn nghệ sĩ quốc gia. Theo Mai Thảo, những năm cuối cùng, sống trong cảnh cơ cực của hỏa ngục, tâm linh và nghệ thuật củaVũ Hoàng Chương đã lên đỉnh cao:

. . . một thân thế non tây lồng trong một bình sinh xế tà thình lình đuổi đạt được khỏi nó tấm mùng khói sương cô tịch vây phủ, tự thắp sáng lại bằng một thắp sáng rực rỡ. Giữa thắp sáng lại này, một Vũ Hoàng Chương rất hài đồng, rất tươi thắm và cũng rất lớn đi ra.
Làm xanh thắm lại cái úa héo, giữ chặt trên cành sinh trái tử sắp rụng, chất lục diệp tố đến tự những nguồn hô hấp nào? Tự hai nguồn. Một của thơ. Một của đời sống. Hai nguồn trong một liên hệ tuyệt diệu.


Nếu tài thơ bao giờ cũng ung dung chuyển đảy được nó tới nhiều đất trời khác biệt, không chôn chết một đất trời cố định- những sức thơ tầm thường không bao giờ thực hiện được vận động này của thơ- cõi thơ sau, cõi thơ sáu mươi, cõi thơ phơi phới vô cùng riêng Vũ Hoàng Chương đưa mình tới được là một thoát vượt, một bỏ lại rất xa cách sau lưng mọi cõi thơ Vũ Hoàng Chương trước, và cõi thơ sau này, ánh sáng của ngôi sao bắc đẩu mới khởi sự trong suốt, thật sự vòi vọi.
Hãy nhớ lại ba đỉnh của vòm trời cũ. Là Mây, Hoa Đăng và Rừng Phong.

Tâm thức ba vùng trời cũ là:
Đêm hỏa táng trần tâm cõi đời nghiêng đổ
Thịt xương ơi, nằm nhé đất oan khiên.
Trần cấu lâng lâng ngoài cửa mộ
Ta thoát hình nương khói bay lên.
Đâu đó tà dương hề treo ngọn bắc
Đâu đó cuồng phong hề reo đáy chai
Mùa chi ngày chi tuổi bao rồi nhỉ
Quanh chiếu rộn tang thương hề tinh anh ngoài đời.


Đó là tâm thức hình giảo quấy động quằn quại trong một thạch động kín bịt. Hồn tuy đắm khổ đau những muốn bay lên cùng khinh thanh, chướng nghiệp chưa yên rũ được, nhà ngục hình hài. Tưởng là thoát hình, đâu có thoát hình. Thịt xương ném trả đất oan khuất đâu có ném trả. Thực hiện cuộc thiêu hủy trần tâm bằng một lửa. Thì thiêu hủy. Nhưng khác nào ngọn lửa hủy giận dữ của Hồ Dzếnh:' Lửa giận tan rồi, than tối đen' (ChânDung 15 Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam, 16-17).

Vũ Hoàng Chương bị bắt ngày 13-4-1976. Họ tịch thu 60 bài thơ cuối cùng của thi sĩ (27). Họ bắt ông vì ông là nhà thơ hàng đầu của miền Nam, vì ông không theo chúng mà còn làm nhiều bài thơ mang tính cách chống cộng. Một vài tài liệu cho thấy trước khi ông bị bắt, cộng sản đã chiêu hàng ông, bắt ông phải ca tụng bài thơ của Tố Hữu quỳ lạy Stalin nhưng ông đã thẳng thắn cho rằng đó không phải là thơ, mà là những lời nịnh hót đê tiện. Vì vậy, hôm sau, Vũ Hoàng Chươngđã bị bắt giam và bị trả thù cho đến chết.Biết tấm thân già yếu của thi sĩ chỉ còn thoi thóp, chúng bèn cho về.


Hơn nữa, trong thời gian quân quản, dân chúng miền Nam đã kính yêu ông, nhắc nhở ông, coi ông như một nhà thơ tiên tri cho vận mệnh đất nuớc đen tối khiến cho hàng vạn người băng qua biển cả để tìm tự do:

Lũ chúng tôi lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh.
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh. . .
(Thơ Say, Phương xa)


Sau 1975, em trai của Vũ Hoàng Chương là Vũ Hoàng Địch và một số văn nghệ sĩ hàng đầu của chế độ đã vào thăm Vũ Hoàng Chương. Họ nói những gì với Vũ Hoàng Chương? Họ nói cho Vũ Hoàng Chương những tội ác của cộng sản đối với nhân dân và đối với văn nghệ sĩ? Họ khuyên ông nên ở loại với đảng và nhân dân vì đảng luôn luôn yêu quý những nhân tài như ông? Hay họ khuyên ông đầu hàng? Khuyên ông đứng lên tố giác tội ác Mỹ ngụy, tội ác của các văn nghệ sĩ Miền Nam ( như Vũ Hạnh, một cộng sản nằm vùng đã làm). Có lẽ Vũ Hoàng Địch đã kể cho Vũ Hoàng Chương con đường đau khổ của ông và của các văn nghệ sĩ miền Bắc sống dưới chế độ cộng sản vì đó là dẫn dụ và cũng là răn đe. Bài học lịch sử này cũng sẽ được lặp lại cho nhân dân và văn nghệ sĩ miền Nam. Vũ Hoàng Địch, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi đã thực hiện chỉ thị của Đảng nhưng họ đã thất bại. Vũ Hoàng Chương đã trầm tĩnh đón nhận bàn tay máu của cộng sản. Có thể ông đã hiểu cộng sản vì ông cũng đã sống trong lòng chiến khu Việt Minh. Và cũng có lẽ ông đã đi sâu vào thiền, vào được trung tâm của Phật cho nên ông vẫn bình tĩnh coi thường tù đày và chết chóc.Ông đã chọn con đường danh dư và chiến đấu trong bất khuất.

Mai Thảo đã nói đến cái chí khí bất khuất của Vũ Hoàng Chương:
Anh em văn nghệ sĩ miền Nam, ngoại trừ một thiểu số khiếp nhược, nói chung đã có một phong cách nghiêm chỉnh, lúc thất thế, trong bi thảm, trước kẻ thù. Nhưng gương mẫu nhất, rực rỡ nhất tuy từ hai cách thế biểu hiện khác biệt, qua suy nghĩ và nhận thức tôi là Vũ Hoàng Chương và Thanh Tâm Tuyền (23) mất ngày 19-8-76. 12 giờ khuya. 13-4-76.
Bài thơ sau cùng của Vũ Hoàng Chương là tiếng chuông báo tử của tự do văn nghệ miền Nam:
Cứ coi như từ biệt
Liền tay thảo một chương
Bút vạch không thành nét
Chữ viết không thành hàng
Bây giờ trở về trước
Là mây trời dọc ngang
Từ nay là bóng tối
Chia hai từ dao vàng (39).

Năm 1974, con gái họa sĩ Mai Lân, đã xin nhà thơ một bài cho báo Văn , và đây chính là chúc thư của nhà thơ gửi cho hậu thế:
Lòng đá
Kể cả chuyến ngược chiều lên tuổi mộng
Vì nay trong vòng tay đôi mươi cũng chỉ là trống rỗng
Thì không còn chuyến đi nào làm ta ngạc nhiên
cho dẫu đi bằng không thuyền.
Khắp đâu đâu cũng chỉ là mảnh vỡ ta ra từ một
khối thuyền quyên
Họa may còn chuyến đi vào hư vô tên gọi văn chương
của những nấm mồ.
Đi chuyến ấy dòng đời ta tự xóa ta không
còn gì cũng không là ức triệu mảnh hồn
ghen kia mới thỏa mới chịu về nguyên mối tình
si mang hồn phiến đá
Đá sẽ dựng cho không-là- gì - hết
một phiến cao tận cùng sâu tận tuyệt mà không
chữ nào viết không âm nào ghi
Cao sâu lòng đá phẳng lì
mãi mãi chỉ riêng nàng được biết
từ đầu những chuyến Gã ra đi. (46)


Trước 1975, Vũ Hoàng Chương nhận sự giúp đỡ của gia đình Đông Hồ. Sau 1975, bọn cộng sản khủng bố ngấm ngầm khiến bà Đông Hồ tức Mộng Tuyết ( Thất Tiểu Muội) đã sợ hãi. Vì tế nhị và cao thượng, Vũ Hoàng Chương đã lui về ở chung với gia đình Đình Hùng trong một xóm nghèo. Lúc này, một số văn nghệ sĩ miền Bắc đã vào thăm hoặc kín đáo gửi lời thăm Vũ Hoàng Chương.
Đào Duy Anh xin Rừng Phong (27-28).
Đào Duy Anh nói: Tôi vào Nam chỉ để gặp anh..Thơ
trước sau tôi vẫn yêu nhất có hai người. Là anh và Lý Bạch.
Vũ Hoàng Chương đã đưa cho Mai Thảo xem lá thư Trần Dần gửi cho Vũ Hoàng Chương sau 30 năm xa cách vì chiến tranh, Trần Dần viết với tất cả sự tôn kính:
Thơ anh, thơ Đinh Hùng, sống muôn đời với thi ca Việt Nam (sđd, 19).

Trong các nhân vật Bắc Hà, thư của Trần Dần là thành thật và đáng tin cậy. Còn những nhân vật khác không biết tâm địa ra sao. Họ thật sự tôn trọng Vũ Hoàng Chương? Họ chỉ xã giao làm công việc trí vận của đảng mà trong tâm, họ là kẻ chiến thắng, coi Vũ Hoàng Chương là kẻ chiến bại đáng khinh, là kẻ ngụy quân, ngụy quyền đáng bị trừng phạt?


Vũ Hoàng Chương là nhà thơ hàng đầu của miền Nam và của cả nước Việt Nam. Ông đã cống hiến cho đời những hàng châu ngọc. Thơ ông tiếp nối dòng thơ tiền chiến với những ý tưởng tân kỳ và lời trang nhã,văn hoa ít người sánh kịp. Ông đem lại cho thi ca miền Nam một sinh khí mới, một nghệ thuật vững vàng trong khi thơ miền Bắc chỉ là tiéng thét và tiếng súng ở nơi ngục tù. Trái tim ông luôn hòa nhịp với những biến động của đất nước, ông không đứng ngoài mà tích cực và can đảm dấn thân và chịu đựng những gian truân của kiếp người và của dân tộc đau khổ. Thơ ông còn mãi với thời gian và tâm hồn ông đã chinh phục trọn vẹn tình cảm của người quốc gia yêu nước , yêu tự do và yêu văn hóa Việt Nam.

(Trích Nguyễn Thiên Thụ, Văn Học Sử Việt Nam - Văn Học Hiện Đại IV)

*

No comments:

Post a Comment