Pages

Monday, May 10, 2010

PHAM TRƯƠNG LONG * PHẠM HỒNG SƠN

PHẠM TRƯƠNG LONG * PHẠM HỒNG SƠN
*

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ


Phạm Trương Long
viết sau khi được tin ông Phạm Hồng Sơn bị bắt giam ngày 27 tháng 3 năm 2002*.

Phạm Hồng Sơn**

Tôi cũng như nhiều người chỉ mới biết Phạm Hồng Sơn khoảng thời gian gần đây, qua bài viết "Những Tín Hiệu đáng mừng cho Dân Chủ tại VN" của anh trên mạng internet. Tôi có trao đổi điện thư với anh với tư cách một người Việt hải ngoại lưu tâm đến vấn đề dân chủ tại VN. Trong thời gian tiếp xúc ngắn ngủi nhưng khá xúc tích đó tôi đã có nhiều thiện cảm với anh. Phản hồi của anh đầy chân tình, đúng là của một người có suy nghĩ độc lập. Ðến khi đọc bản dịch Thế Nào là Dân Chủ anh gửi tặng thì không nghi ngờ gì nữa, đây là một người thật sự suy tư trăn trở về đất nước. Chưa kịp góp ý về bản dịch thì được tin anh bị công an mời làm việc hôm 25/26 tháng 3, 2002. Tôi bàng hoàng như được tin một người thân mắc nạn. Tôi gọi điện thoại. Cả 2 số thường lẫn di động đều bị cúp (28/03/2002).

Sau đó được thêm tin anh bị bắt và gia đình bị mất tin tức. Tôi hãi hùng tưởng như mình đi ngược thời gian hơn 50 năm và đang sống trong thế giới "đêm giữa ban ngày" của Arthur Koestler. Một lực lượng công an 8 người, có cả cấp tá, lục xét nhà anh, tịch thu tài liệu, máy tính. Tôi nghĩ đến những màn truy bức quen thuộc xảy ra thời gian qua đối với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, LM Nguyễn Văn Lý và người bạn trẻ Lê Chí Quang ... Quyền tự do hiển nhiên với chúng ta ở hải ngoại xem ra người dân trong nước không hề được biết đến. Ở Việt Nam nội chỉ nói đến dân chủ cũng đủ bị đi tù rồi.

Một lần nữa, chế độ CSVN cho thấy nó không hề thay đổi bản chất sta-li-nít và luôn đi ngược trào lưu tiến hóa của loài người. Trong khi toàn thế giới từ Âu sang Á đến Châu Mỹ La-tinh chuyển hóa theo xu thế thời đại là dân chủ, nhà nước pháp quyền không dùng bạo lực với công dân, CSVN trái lại vẫn duy trì chế độ nhà nước công an trị hoàn toàn lỗi thời, đi ngược lợi ích dân tộc. Khi một chế độ chỉ biết dùng bạo lực để tự cứu lấy nó thì rõ ràng nó không có chính nghĩa và không còn khả năng nào khác để tồn tại. Sau 27 năm cai trị toàn quốc, cũng như Trung Cộng sau Thiên An Môn, chế độ cộng sản cho thấy nó chỉ tồn tại được bằng đàn áp, qua họng súng và guồng máy công an đi đôi với một chính sách ngu dân triệt để.

Phạm Hồng Sơn đã làm gì để phải bị chế độ đàn áp? Câu đề tặng chung trong bản dịch Thế nào là Dân chủ anh viết như sau:

"Xin kính tặng tất cả những người khao khát Tự Do, Hòa bình và mưu cầu một cuộc sống đầy đủ trên đất nước Việt Nam."

Anh nói lên tâm trạng ý hướng của mình nhưng cũng là một sự thật: trên đất nước Việt Nam có những người khao khát Tự Do. Sự thật này chính là vấn nạn lớn nhất của dân tộc.

Anh quảng bá dân chủ trong nước, ngay trong lòng một chế độ cực kỳ phản dân chủ. An h lại nói đến Hòa bình, một bóng ma đang ngày đêm ám ảnh chế độ với gương diễn biến hòa bình ớ Liên Xô và Ðông Âu.

Anh lại dùng Internet, phương tiện nhanh chóng hữu hiệu nhất để quảng bá đưa tin đến nhiều người nhất, kể cả hải ngoại.

Dân chủ, Hòa bình và Internet là các thứ CSVN hiện sợ nhất. Chính những thứ này đang đe dọa trực tiếp sự tồn tại của chế độ. Và đó là lý do chính khiến họ muốn dập tắt tiếng nói của anh như dập tắt một đám cháy rừng. Những cáo buộc của công an như anh có liên lạc tiếp xúc với những người tranh đấu cho dân chủ trong nước cũng như một số người Việt ở hải ngoại chỉ là lý cớ vặt vãnh.

Cái gì đã thôi thúc anh làm? Tôi nghĩ là tâm thức. Người không có tâm thức thôi thúc không làm chuyện như anh. Với khả năng dịch thuật của anh (và sau thấy tin tức cho biết anh là bác sĩ, ở lứa tuổi 30), theo tôi nghĩ, muốn sống yên thân đầy đủ vật chất không phải là chuyện khó. Nhưng anh không chọn con đường yên thân. Những bài viết của anh tôi được đọc sau này cho thấy anh hiểu biết rộng cũng như suy tư có chiều sâu. An h có suy nghĩ độc lập, hành xử theo lương tri, và đó là giá trị của con người Phạm Hồng Sơn.

Hiểu được thế nào là dân chủ tất phải thấy cái quý giá của Tự Do. Tự Do đi đôi với Dân chủ. Không có dân chủ không thể có tự do thực sự. Dân tộc Việt Nam suốt hơn cả trăm năm qua không có được cái cơ may theo kịp trào lưu tiến hóa của thế giới vì không hề được biết đến tự do theo đúng nghĩa của nó. Hết bị thực dân đến cộng sản đè đầu cưỡi cổ, người dân bị tước đoạt tự do. Cái họ biết đến chỉ là thứ tự do ban phát từ trên. Phạm Hồng Sơn tất phải cảm nhận sự mất mát to lớn này của dân tộc, không những trong quá khứ mà còn cho nhiều thế hệ tương lai. Có lẽ đó là lý do thôi thúc anh quảng bá dân chủ.

Anh nói những gì anh cần nói, không lách quanh co. Ðịa chỉ, điện thoại, địa chỉ e-mail anh để công khai. An h báo thẳng cho lãnh đạo cộng sản về việc làm của anh. Tôi không nghĩ Phạm Hồng Sơn ngây thơ tin rằng anh có thể cải hóa những đầu óc hủ hóa trong đám lãnh đạo cộng sản, hoặc không thấy trước những khó khăn nguy hiểm chờ chực anh.

Tai họa đã đến với anh vì những người cầm quyền không muốn nghe đến sự thật anh nói đến. Những chế độ độc tài đều sợ sự thật. Phản ứng uy hiếp nhanh chóng cho thấy sự sợ hãi của họ. Dưới mắt CSVN, Tự Do có nghĩa là trả quyền lại cho người dân, điều đi ngược với lý do tồn tại của chế độ. Vì đầu óc xơ cứng, không có khả năng suy nghĩ độc lập như anh, họ cảm thấy quyền lực bị động chạm trước hết. Họ cho thấy thêm lợi ích dân tộc không phải là mối quan tâm của chế độ và việc họ làm thành thuộc nhất là dùng bạo lực.

Nói về dân chủ với người cộng sản không những chỉ tổ phí công vô ích, lại mang họa vào thân, như gương Hà Sĩ Phu hoặc BS Nguyễn Ðan Quế trong nước. Phạm Hồng Sơn lại thêm nói về dân chủ theo kiểu Mỹ, một mô hình người cộng sản không ngớt vu vạ nói xấu để biện minh cho giáo điều Mác-xít Lê-ni-nít và sự tồn tại của họ. Có lẽ anh cũng biết những điều đó. Nhưng anh vẫn làm.

Phải nói đây là một việc làm đầy can đảm và ý nghĩa. Một người trong nước vì tấm lòng dám làm chuyện như anh rất đáng để chúng ta quý trọng. Việc dịch thuật và quảng bá dân chủ như Phạm Hồng Sơn làm đáp ứng một nhu cầu thiết thực, có ích và cấp bách hàng đầu đối với xã hội VN. Nó lại thuộc phạm trù tư duy, học thuật, không ai có thể vì bất cứ một danh nghĩa nào có quyền ngăn chận việc làm này. Những người quảng bá dân chủ, đặc biệt là ở trong nước, thực ra đáng được biễu dương là những người tiên phong can đảm đất nước rất cần.

Việc truy bức Phạm Hồng Sơn là một việc làm xuẫn động để lộ sự hèn nhát của chế độ. Nó không chỉ là một sự vi phạm trắng trợn quyền tự do của cá nhân anh trong lãnh vực tư duy. Nó còn ngăn chận người dân nói chung không được tiếp cận với những kiến thức tư tưởng tiến bộ của loài người để xã hội có thể phát triển và theo kịp đà văn minh của thế giới. Khống chế suy nghĩ độc lập của một cá nhân hoặc từ khước tước đoạt con người quyền căn bản về mở mang kiến thức là hành động không chấp nhận được đối với xã hội văn minh loài người.

Một chế độ không mở mang dân trí lại còn ngăn cản việc này như CSVN đang làm là mang một trọng tội với đất nước. CSVN đã theo đuổi chính sách ngu dân trong suốt hơn 50 năm qua. Kết quả tai hại cho đất nước là đại bộ phận con người sống dưới chế độ cộng sản mất hết khả năng tư duy độc lập, từ người dân bình thường đến giai cấp lãnh đạo, trí thức, đại diện các tôn giáo v.v. Não trạng chỉ biết phục tùng này càng thể hiện rõ theo nấc thang xã hội: càng lên cao càng u tối, hèn nhát. Chỉ cần nhìn vào kiến trúc thượng tầng của xã hội Việt Nam hiện nay để thấy điều này. Từ cấp lãnh đạo bám víu loanh quanh định hướng xã hội chủ nghĩa, tư tưởng HCM, đến hiện trạng các nhà tu hành quốc doanh làm công cụ cho đảng và Nhà Nước, đến trí thức "mang tim chó" (Dương Thu Hương) ... tất cả đều là sản phẩm của chính sách ngu dân lâu ngày của cộng sản VN.

Chính sách ngu dân ngoài ra còn là cả một sự điếm nhục cho dân tộc, nhất là trong thời đại ngày hôm nay. Người dân Việt Nam phải chịu tủi nhục hai cấp: một mặt thua kém các quốc gia tự do dân chủ trong vùng như Nam Hàn, Ðài Loan, Nam Dương ..., mặt khác lại bị xếp xuống ngang hàng các dân tộc không có tự do, sống tăm tối do bọn ngu dân cai trị như Bắc Triều Tiên, Cuba, Irak, Afghanistan dưới chế độ Taliban Cũng là con người, nhưng có dân tộc được sống tự do, có nhân phẩm, dân tộc Việt Nam lại phải sống dưới ách một chế độ chuyên chế ngu dân. Người Việt chân chính không ai không ý thức thấm thía nỗi nhục này của dân tộc. Suất diễn hãi hùng quen thuộc đã xảy ra với Phạm Hồng Sơn.

Việc Phạm Hồng Sơn bị lao lý đặt anh vào hàng ngũ những người can đảm trong nước đi trước đã trở thành những biểu tượng cho công cuộc tranh đấu cho tự do dân quyền tại Việt Nam như LM Nguyễn văn Lý, anh Lê Chí Quang. An h cũng như họ là những cánh én báo hiệu mùa xuân vĩnh hằng cho đất nước. Hoặc những đợt sóng bắt đầu dậy để quét sạch những rác rưởi tích lũy hơn 50 năm qua do chế độ cộng sản để lại trên đất nước chúng ta. Dân chủ là xu thế lịch sử thời đại, không một thế lực phản động nào đảo ngược được.

Dân tộc Việt Nam, dẫu bị cộng sản làm bạc nhược ý chí và dìm vào ngu tối như Nguyễn Chí Thiện và Hà Sĩ Phu từng nhận xét, vẫn tiếp tục sản sinh ra những người con có tâm thức, không u tối hèn nhát.

Phạm Trương Long

Tháng 5/2002

-------------------------------

* Ghi chú của LHNQVN-TS: ông Phạm Hồng Sơn bị bắt ngày 27 tháng 3 năm 2002 và bị phạt 13 năm tù giam ngày 18 tháng 6 năm 2003 vì đã dịch và phổ biến bài ‘’Thế Nào Là Dân Chủ’’ từ bản tiếng An h trên Trang Thông tin điện tử của tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Công luận thế giới đã đồng thanh phản đối bản án tù bất công và phi nhân đó vì hành vi của nhà cầm quyền CSVN vi phạm điều 19 Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. Áp lực quốc tế đã buộc nhà cầm quyền CSVN giảm án tù giam còn 5 năm.

** Bài phỏng vấn Bs. Phạm Hồng Sơn của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, trong đó, nhà dân chủ và nguyên tù nhân ngôn luận dưới chế độ độc tài CSVN trình bày một số nhận định của ông về vấn đề Dân chủ Việt Nam tiếp theo những tin tức về biến động chính trị ở Thái Lan và Phong trào Dân chủ ở Việt Nam’’: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/thailand-vietnam-05-06-2010-92955624.html

De : Liên Hôi Nhân Quyên Viêt Nam
Envoyé : samedi, 8. mai 2010 15:03
Objet : Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ phỏng vấn Bs Phạm Hồng Sơn về vấn đề Dân Chủ Việt Nam và tình hình chính trị Thái Lan

******************************************

No comments:

Post a Comment