Pages

Wednesday, May 12, 2010

TIN TỔNG HỢP * VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH DƯỚI ĐẤT




“Vạn lý trường thành" dưới lòng đất sắp ra mắt công chúng 06/09/2006 17:55

Di tích văn hoá cấp quốc gia, địa đạo “Trường thành dưới lòng đất” của Trung Quốc có quy mô lớn nhất trên thế giới được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm sắp ra mắt công chúng.
"Vạn lý trường thành dưới lòng đất" sắp ra mắt công chúng Khu địa đạo này được phát hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20, với quy mô lớn, phân bố rộng trên nhiều khu vực, kết cấu đường hầm cực kỳ phức tạp, bố cục chặt chẽ. Về thiết kế nội đạo, các chốt chặn đều có thiết kế phục vụ mục đích quân sự như điểm quan sát, nơi ẩn nấp, cửa che chắn, đồng thời cũng có các công trình phục vụ sinh hoạt như lỗ thông hơi, nơi đặt đèn, bếp đất. Vật liệu chủ yếu dùng gạch nung men xanh có độ cứng cao. vì vậy nhiều chuyên gia khẳng định đây là công trình tầm cỡ quốc gia do một cơ quan cơ mật của nhà nước trực tiếp thiết kế xây dựng.
Vạn lý trường thành Nằm giữa Bắc Kinh và Thiên Tân, trên địa bàn huyện Vĩnh Thanh (Hà Bắc), đây vốn là khu vực chiến trường biên giới, chiến tranh kéo dài hàng trăm năm giữa hai nước Tống – Liêu; cũng là nơi dân gian truyền tụng về những trận đánh nổi tiếng. Theo các ghi chép ở Vĩnh Thanh, thời Tống, phía Bắc Vĩnh Thanh đã thuộc Liêu, có thể đây là công trình do triều đình nhà Tống xây dựng làm chiến tuyến chống Liêu. Hiện nay các địa phương Vĩnh Thanh, Hùng Huyện, Bá Châu đã khai quật xong toàn bộ địa đạo. Xem xét tổng thể phần đã phát quật, ghi chép trên sách vở và truyền thuyết dân gian về hệ thống địa đạo thì toàn bộ công trình chạy theo hướng Đông - Tây dài 65 km, phân bố rộng (phạm vi) theo hướng Bắc – Nam 25 km, diện tích 1600 km2. Hàng trăm nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, địa chất, du lịch... Trung Quốc đã tham dự hội thảo về địa đạo này. Tất cả đều có nhận định chung: Địa đạo được xây dựng vào thời Tống – Liêu, mục đích chính là công trình quân sự, có tính năng như Vạn lý tường thành ở Bắc Kinh. Đây là phát hiện quan trọng của lịch sử quân sự Trung Quốc, có thể gọi là “Trường thành trong lòng đất”, một bảo vật quốc gia. Đình Hải (theo THX)

http://www.vtc.vn/13-5956/van-hoa/van-ly-truong-thanh-duoi-long-dat-sap-ra-mat-cong-chung.htm



Hồ sơ mới giải mật Thứ Tư, 05/05/2010-4:48 PM

Kinh ngạc “vạn lý trường thành hạt nhân” dưới đất của Trung Quốc

Gần đây, hầm lò hạt nhân Bồi Lăng - Trùng Khánh, Trung Quốc được mệnh danh là động nhân tạo lớn nhất thế giới đã chính thức mở cửa đón khách du lịch vào thăm quan. Trước đây, hầm ngầm này mang trong mình những tuyệt mật về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Công trình này hoàn toàn do bàn tay và khối óc con người tạo ra, nó được bắt đầu xây dựng năm 1967, năm 1984 hoàn thành đưa vào sử dụng công trình quốc phòng bí mật, năm 2004 những thông tin về hầm lò này mới dần được tiết lộ.

"Mối uy hiếp" từ Mosscow và đòn hạt nhân dự phòng

Những năm 60 của thế kỉ trước, quan hệ giữa hai cường quốc trong phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Trong năm 1968, Liên Xô gia tăng triển khai quân đội dọc theo biên giới với Trung Quốc, đặc biệt là vùng giáp gianh với Tân Cương nơi mà phong trào ly khai người Turk hoạt động mạnh.

Ngay từ năm 1961, Liên Xô đã có khoảng 12 sư đoàn, 200 máy bay trên vùng biên giới thì đến cuối năm 1968 con số này tăng lên 25 sư đoàn, 1.200 máy bay và 120 tên lửa tầm trung. Trước tình hình đó, Bắc Kinh quyết định xây dựng một hầm hạt nhân bí mật ở khu vực Tây Nam Trung Quốc nhằm đề phòng một cuộc chiến có thể xảy ra giữa hai người anh em này. Một sườn núi trong dãy Bồi Lăng, Trùng Khánh được lựa chọn, để đảm bảo bí mật tuyệt đối, tất cả những người được cho là "có vấn đề" đều bị thuyên chuyển đi nơi khác.

Trước đó, người Trung Quốc cũng đã quan tâm nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhiệm vụ này được giao cho xưởng 404 đóng tại Cam Túc, Bắc Kinh đã thiết lập những cơ sở công nghiệp quốc phòng thuộc loại tuyệt mật nghiên cứu xây dựng lò phản ứng hạt nhân, sản xuất nước nặng. Đến đầu những năm 60, khi quan hệ Trung - Xô ngày một xấu đi, Trung Nam Hải tỏ ra lo lắng trước nguy cơ hứng chịu một cuộc chiến tranh hạt nhân từ chính Kremlin - thành trì phe xã hội chủ nghĩa.

Mùa hè năm 1966, Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ phê duyệt kế hoạch tuyệt mật về việc xây dựng công trình quốc phòng mang số hiệu 816, chọn sườn núi Tiêm Tử thuộc thị trấn Bạch Đào, Bồi Lăng, Trùng Khánh làm nơi đặt lò phản ứng hạt nhân bí mật chủ yếu sản xuất các thanh nhiên liệu hạt nhân Plutoni 239 là nguyên liệu chính chế tạo bom nguyên tử.

Kế hoạch tuyệt mật

Lực lượng đặc nhiệm, đoàn 8342 lập tức được thành lập trực thuộc Quân ủy Trung Ương trực tiếp chỉ huy được ra lệnh tuyển lựa kĩ càng nhân sự từ sĩ quan đến binh lính lên tới trên 2 vạn người lập tức triển khai đào hầm xuyên núi. Để hoàn thành công trình này, người ta đã mất 8 năm với hơn 6 vạn người đào, vận chuyển 1,51 triệu mét khối đất đá.

Theo chỉ thị từ Bắc Kinh, công trình này phải chịu được sức công phá của bom 100 kiloton phát nổ trên không và sức công phá của các loại bom 1000 bảng tấn công trực tiếp, tồn tại được trong điều kiện xảy ra động đất 8 độ ríc te.

Để hoàn thành hầm ngầm hạt nhân bí mật này, cả một ngọn núi đã được đào rỗng lòng, toàn bộ hầm lò tổng cộng có 9 tầng, cao 79,6 m, trong đó riêng hầm đặt lò phản ứng hạt nhân đã cao tới 69 m với tổng diện tích lên tới 13.000 m2, rộng bằng một nửa sân bóng. Xung quanh ngọn núi Tiêm Tử được đào 19 động lớn nhỏ làm lối ra vào cho nhân viên, xe pháo, cửa thông gió, ống thoát nước và kho bãi.

Giới chức quân sự Bắc Kinh tự hào cho rằng 816 chính là Vạn lý trường thành dưới lòng đất của họ. Đường vào trong hầm hạt nhân ở hầu hết các cửa động được thiết kế khá rộng rãi, cao trên 13 m, rộng 7 m. Ngoài quy mô hoành tráng, công trình này còn đặc biệt ở chỗ kiến trúc cực kì phức tạp và nhiều tầng, động con trong động to, trong động có nhiều gian phòng khác nhau với độ cao bình quân 5m

Công trình này có tổng cộng 18 phòng với hơn 130 địa đạo, giao thông hào và đường hầm nối các động với nhau có chiều dài tổng cộng 21 km. Đến lúc nghiệm thu, công trình đã hoàn thành 60% khối lượng thiết bị cần lắp với tổng kinh phí đầu tư khoảng 740 triệu nhân dân tệ.

Lò phản ứng hạt nhân sâu trong lòng núi

Lò phản ứng hạt nhân được lắp đặt trong hầm ngầm 816 là loại lò phản ứng nước nặng vừa có thể sử dụng để sản xuất nhiên liệu Plutoni 239 vừa có chức năng phát điện. Lò phản ứng hạt nhân đặt trong khu vực trung tâm của hầm ngầm bí mật 816, được thiết kế với quy mô cực kì hoành tráng. Phòng đặt lò phản ứng cao 25,2 m, toàn bộ khoang hầm cao 69 m được chia thành 9 tầng. Mỗi một tầng hầm lại có các buồng chức năng khác nhau xoay quanh hầm hạt nhân khoang trung tâm.

Ngoài hầm đặt lò phản ứng, trong khoang này còn được thiết kế các khoang phụ xử lý các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nước thải từ lò phản ứng. Phần lõi của lò phản ứng nằm ở tầng 8 của khoang hầm, cao 23 m. Nó được đặt trên giá thép đường kính 1 m, 4 chân vững chãi, xung quanh có tổng cộng 1984 đường ống công nghệ. Toàn bộ phần lõi lò phản ứng này được đặt gọn trong buồng cách ly phóng xạ có độ dày 1m được lót bằng cát thạch anh chở từ Vân Nam tới. Mái vòm ngay trên lò phản ứng là các quạt thông gió xếp thành nhiều lớp.

Bốn xung quanh lò phản ứng là các lan can thép men theo tường hầm được sơn trắng vẫn lấp lánh những sắc màu phản xạ từ các khối đá thành núi. Cánh cửa vào hầm lò phản ứng được đúc bằng thép nguyên khối dày 20 cm. Phần đáy lò, cũng là tầng 3 của khoang hầm 816 nơi đặt bồn nước có đường kính xấp xỉ 20 m.

"Bộ não" của 816 lại nằm ở tầng 9 của khoang hầm, đó chính là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của hầm hạt nhân 816, chùm đèn pha lê sang trọng vẫn tỏa ra ánh sáng dịu mát từ trên mái vòm của tầng hầm. Ấn tượng nhất đối với những ai lần đầu tiên đặt chân vào gian phòng trung tâm điều khiển này chính là hệ thống máy tính khổng lồ chiếm gọn cả bề mặt 3 bức tường với diện tích lên tới 150 m2, chiều cao 2 m. Bảng điện tử phát ra ánh sáng vàng nhạt của những bóng đèn led, trên đó vẫn ghi rõ thời gian ngày 30/06/1978. Một điều thú vị nữa là dù bên ngoài đang mùa đông hay mùa hè thì nhiệt độ trong toàn bộ hầm ngầm 816 lúc nào cũng duy trì ở mức 250C.

Đứng từ cầu thang của tầng thứ 2 quan sát thấy bể chứa nước khá rộng, mặt nước dường như bị phủ một lớp váng bụi do toàn bộ công trình đã nhiều năm khong được duy tu bảo dưỡng. Thời kì còn hoạt động, trong hầm lúc nào cũng có hai tuốc bin công suất lớn, nguồn nước thải ra được dẫn xuống bế nước lớn sâu 10 m, dài 40 m và rộng khoảng 7 đến 8 m. Nguồn nước này được dùng để làm mát các thanh nhiên liệu và giảm độ phóng xạ phát ra từ chúng.

Hé mở những bí mật

Đến tháng 2/1984 tình hình quốc tế có nhiều diễn biến mới, quan hệ Trung - Xô đã bớt căng thẳng, nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa hai cường quốc này không còn. Khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền lãnh đạo Liên Xô năm 1985, ông đã cố gắng hàn gắn lại quan hệ bình thường với Trung Quốc. Các lực lượng quân sự của Liên Xô dọc theo biên giới với Trung Quốc được cắt giảm rất nhiều, quan hệ kinh tế bình thường đã được nối lại, và vấn đề biên giới dần dần lắng dịu.

Trong khi đó, tình hình nội bộ Trung Quốc có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc đại cách mạng văn hóa đã cuốn cả đất nước đông dân nhất thế giới này vào vòng luẩn quẩn, sản xuất kinh tế đình trệ, đời sống người dân hết sức khó khăn khiến ngân sách dành cho quốc phòng vốn đã eo hẹp nay càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều ý tưởng, nhiều dự định phát triển sức mạnh quân sự đã phải dừng lại. Công trình bí mật 816 bị đóng cửa, hoạt động sản xuất nhiên liệu vũ khí hạt nhân tại đây tạm thời bị gác lại.

Khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, ông thực thi chính sách cải cách mở cửa, tập trung phát triển kinh tế. Chính nhờ vào đường lối cải cách kinh tế đó, những năm sau này nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, ngân sách quốc phòng gia tăng, một phần công trình 816 lại được sử dụng vào việc chế tạo nhiên liệu hạt nhân phục vụ công nghiệp quốc phòng. Hiện nay, công năng sử dụng của nó đã được chuyển đổi làm nơi sản xuất hóa chất và quy hoạch phát triển du lịch.

Tháng 4/2003 Ủy ban Khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc quyết định giải mật thông tin về hầm ngầm hạt nhân bí mật 816, mở cửa công trình đón khách tham quan, vừa làm nơi giáo dục quốc phòng cho học sinh sinh viên, vừa phát triển du lịch.

Một quan chức của Tổng công ty Hóa chất Kiến Phong - Trùng Khánh, đơn vị đang trực tiếp quản lý và sử dụng một phần công trình bí mật này cho hay, hầm ngầm hạt nhân 816 là động nhân tạo lớn nhất ở châu Á tính đến thời điểm hiện tại. Các cơ quan chức năng Trung Quốc đang quy hoạch khu vực này trở thành trung tâm du lịch mở cửa cho khách tham quan chiêm ngưỡng thành tựu của ý chí, bàn tay và khối óc những người lính đặc công đoàn 8342.

Lê Dũng



http://www.doisongphapluat.com.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=9&ID=3945
*

No comments:

Post a Comment