Pages

Thursday, May 6, 2010

TRẦN NGỌC THỤ * THƠ NGUYỄN BÍNH & ĐOÀN VĂN CỪ *

*

Mẹ - trong thơ Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ
Trần Ngọc Thụ

Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ là người cùng quê. Đoàn Văn Cừ người làng Đô Quan, huyện Nam Trực, Nguyễn Bính làng Thiên Vinh, huyện Vụ Bản, cùng tỉnh Nam Định. Hai nhà thơ lại là người cùng thời. Đoàn Văn Cừ sinh năm 1913 hơn Nguyễn Bính 5 tuổi, Nguyễn Bính sinh năm 1918 nhưng cha ông cùng xuất hiện, cùng nồi tiếng trong làng thơ mới trước năm 1940, ấy là năm 1939. Khi Nguyễn Bính cho in "Lỡ bước sang ngang" trên Tiểu thuyết thứ Năm, Đoàn Văn Cừ cũng tung ra chùm ngũ sắc Chợ tết, Hội xuân... trên báo Ngày nay. Dầu cho trước đó và sau đó, Nguyễn Bính có hàng ngàn bài thơ hay, Đoàn Văn Cừ có nhiều trăm bài thơ hay thì "Lỡ bước sang ngang" và chùm "Ngũ sắc Chợ tết" vẫn là cái đỉnh cao nhất trong thơ của hai ông.

Và một trùng hợp lạ lùng, rất thú vi nữa, là đúng 3 năm sau, năm 1942, mỗi ông có một bài thơ viết riêng về Mẹ của mình một cách hết sức trân trọng thành kính. Và lạ nữa, là hình như hai bà thân mẫu đều mất năm 1918, năm Nguyễn Bính được sinh ra và Đoàn Văn Cừ được 5 tuổi. Hình ảnh hai bà mẹ đều được đặt trong trường hợp miêu tả giống nhau. Đó là dịp tết Nguyên Đán cố truyền, thời điểm của lễ nghĩa quan trọng nhất trong một năm, thể hiện rõ níât đức hạnh cao quý của người đàn bà nước Nam.

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đã trăm chiều
...
Xong ba ngày tết mẹ tôi lại
Đầu tắt mặt tối nuôi chồng con.

(Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính)

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.

(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

Đấy là những người mẹ mẫu mực, tần tảo làm ăn, quán xuyến công việc nội trợ gia đình, chăm sóc chồng con, hiếu thảo với đôi bên cha mẹ, thành kính với tổ tiên, nghiêm cẩn với lệ tục làng nước.

Mẹ tôi thắt chặt chiếc khăn sồi
Rón rén lên bàn thờ ông tôi
Đôi mắt người trông thành kính quá
Ngước xem hương cháy đến đâu rồi

(Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính)

Tới trường làng gặp những người quen
Ai cũng khen u nết thảo hiền
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.

(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

Không những đẹp về phẩm hạnh, hình ảnh bà mẹ còn đẹp giòn giã trong cách nhìn riêng của mỗi người con:

Mẹ tôi uống hết một cốc rượu.
Mặt người đỏ tía vì hơi men
Người rủ cô tôi đánh tam cúc
Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen

(Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính)

Thúng cắp bên hông nón đội đầu
Khuyên vàng yếm thắm áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng môi hồng má đỏ au

(Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ)

Xét về hành trình và năm tháng, Đoàn Văn Cừ và Nguyễn Bính không có quan hệ gần gũi với nhau. Sự trùng hợp trong thơ là ngẫu nhiên, nhưng lại có nguồn gốc chung sâu xa là đạo lý làm người, là truyền thống văn hiến, thi thư lễ nghĩa, là cảnh ngộ giống nhau, mồ côi mẹ rất sớm, suốt một đời khát khao tình mẫu tử! Nguyễn Bính mất sớm năm 48 tuổi (1966), còn Đoàn Văn Cừ vẫn đang sống vượt tuổi 90. Năm 1993, đúng 51 năm sau “Đường về quê mẹ", Đoàn Văn Cừ ở tuổi 80 còn viết một bài thơ nữa nhớ về mẹ và em gái rất tha thiết. Bài "Nhớ tuổi hoa niên", có những câu:

Đâu biết ngày nay mẹ đã già
Em giờ hương sắc cũng phôi pha
Hỡi cảnh năm xưa còn có nhớ
Những người thân mến của ta không?


“Tết của mẹ tôi", "Đường về quê mẹ" là những bài thơ hay viết về mẹ của hai nhà thơ tài hoa sau 24 năm mồ côi mẹ. Cảm xúc dồn nén, hun đúc, với những hình ảnh, những câu chuyện xác thực trong đời sống riêng biệt đã làm nên sức lay động sâu sắc đến người đọc. Nói là hình ảnh xác thực và câu chuyện xác thực bởi vì, ngay khi Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi còn ẵm ngửa, ông không thể nhìn thấy mẹ sống và làm việc như thế nào, nhưng những điều ông kể trong thơ đều là chuyện có thật, hình ảnh có thật đó các cô, các dì,, các anh, các chi trong gia đình kế lại. Mà chuyện kể có thể còn nhiều hơn thế nữa. Còn Đoàn Văn Cừ may mắn hơn khi mẹ mất ông đã 5 tuổi, đã được học hành, đã vài lần lon ton theo mẹ về quê ngoại. Con đường về quê ngoại của ông từ làng Đô Quan sang làng Cố Gia dài đến vài cây số, đi qua lớp lớp những cánh đồng màu cát trắng, cát vàng, bạt ngàn ngô, khoai, cà, đỗ.

Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp
Người xới cà, ngô rộn bốn bề


Rồi các hình ảnh:

Tà áo nâu in gữa cánh đồng
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng


Thì đúng là hình ảnh rất thật trên con đường có thật đó.

Nói nhiều đến từ "thật" là vì gần đây một nhà thơ khi bình thơ Đoàn Văn Cừ có nói: Đường về quê mẹ là bài thơ nhiều màu sắc, đủ 12 màu như bài Chợ tết, và Đoàn Văn Cừ lấy hình ảnh của những thiếu nữ nông thôn đương thời để viết về mẹ mình ngày xưa, tạo nên hình ảnh người phụ nữ nông thôn tiêu biểu thời xưa. Nói như thế thật không thấu lý đạt tình.

Đoàn Văn Cừ đã từng tâm sự: ông nhớ rất rô về mẹ. ông vô cùng yêu quý mẹ và nhớ thương mẹ da diết. Lớn lên làm thơ, ông luôn luôn tâm niệm phải viết được đúng về mẹ của mình.

Phải chăng những bài thơ về mẹ thường rất hay ở chỗ chân cảm và rất độc đáo ở chỗ sự thật riêng tư.


*

No comments:

Post a Comment