Pages

Monday, June 21, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * TRUYỆN & KÝ CỦA PHAN BỘI CHÂU

*



TRUYỆN & KÝ CỦA PHAN BỘI CHÂU

NGUYỄN THIÊN THỤ


A. NGỤC TRUNG THƯ
B. TỰ PHÁN

Năm 1914, bị giam tại Quảng Đông, Phan Bội Châu viết Ngục Trung Thư. Đây là một thiên hồi ký của Phan Bội Châu kể cuộc đời ông từ niên thiếu cho đến 1914. Hơn mười năm sau, bị an trí tại Huế, Phan Bội Châu viết lại tiều sử đời mình và đặt tên là Phan Bội Châu Niên Biểu. Nhưng nhà xuất bản Anh Minh tại Huế, năm 1956 khi ấn hành thiên hồi ký này đật tên là Tự Phán. Sau này cũng có nhà xuất bản, như nhóm Sử Địa Sài gòn phục hồi tên cũ là Phan Bội Châu Niên Biểu.



Đặt tên Tự Phán cũng có cơ sở vì mở đầu, Phan Bội Châu viết Lời tự phán. Nhưng Tự Phán thì không đúng và không hay. Không đúng vì không phải tên do Phan Bội Châu đặt ra. Không đúng vì tự phán chỉ là lời nói đầu chứ không phải nội dung của thiên hồi ký này. Không hay vì tự phán hay tự phê, tự kiểm điểm đồng nghĩa, có ý tiêu cực và bắt buộc. Nhà xuất bản Anh Minh Huế có công truyền bá các tác phẩm của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng nhưng đã đi xa công việc của nhà xuất bản, thiếu sự tôn trọng nguyên văn tác giả. Dẫu sao Tự Phán hay Phan Bội Châu Niên Biểu là thiên hồi ký về cuộc đời của Phan Bội Châu từ thiếu thời cho đến 1925 là năm bị Pháp bắt về Việt Nam. Tại Việt Nam, có nhiều nơi xuất bản thiên hồi ký này:
- Phan Bội Châu . Tự Phán. Nhà xuất bản Anh Minh, Huế, 1956.
-Phan Bội Châu. Phan Bội Châu Niên Biểu. Nguyễn Khắc Ngữ chú thích. Sử Địa xb, Saigon, 1971.

Trong lời tựa, Phan Bội Châu viết:
Đội ơn các thân bằng quá yêu, đốc xúc đến ba bốn lần , bảo rằng: Mày phải gấp, trừ khi mày chết, viết cho xong bản sử của mày. Vậy nên kính vâng lời mà thảo bản vở này đề là Phan Bội Châu niên biểu ( Nguyễn Khắc Ngữ, 12)
Phan Bội Châu Niên Biểu khác với Ngục Trung Thư hai điểm chính:
-Ngục Trung Thư viết tiểu sử của ông từ thiếu thời đến 1914. Phan Bội Châu Niên Biểu : viết tiểu sử của ông từ thiếu thời đến 1925, dài hơn 11 năm và có nhiều sự kiện quan trọng.
- Phan Bội Châu Niên Biểu viết sau nên tác giả đã quên và lẫn lộn một số việc.
Thí dụ:
- Phan Bội Châu gặp Lý Tuệ
Ngục Trung Thư : chuyến thứ hai 1906.
Phan Bội Châu Niên Biểu: gặp chuyến thứ nhất 1905.
- Phan Bội Châu được tha:
Ngục Trung Thư : tháng ba năm bính thìn (1916);
Phan Bội Châu Niên Biểu: tháng hai năm đinh tị (1917).



Chúng ta đã biết Phan Bội Châu viết Phan Bội Châu Niên Biểu trong thời gian bị an trí tại Huế, nhưng cụ thể viết năm nào và đến khi nào thì hoàn tất. Nhiều bằng chứng cho thấy tác phẩm được viết xong trong khoảng 1928-1929. Theo Anh Minh, sách này được viết năm 1929 (5). Theo Chương Thâu, sách này phải xong trước 1937 vì năm này, Phan Bội Châu nhận được một bản Ngục Trung Thư từ Nhật Bản gửi về. Nếu tài liệu này có trước khi viết thì đã không có sự sai biệt .
Xét hồi ký này, chúng ta thấy những chi tiết sau:
-Thư Phan Bội Châu gửi Phan Chu Trinh năm 1929.
-Tựa của Huỳnh Thúc Kháng đề năm 1929.
-Trong sách, ông viết: Cách đây độ 6 năm, bọn Phan Bá Ngọc thường dụ dỗ ông về nước làm Cao Đẳng giáo viên (112). Phan Bá Ngọc bị ám sát ngày 11-2-1922,.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận là sách viết năm 1928, và xong trong năm 1928- 1929.
Sách có 75 mục nhưng không đánh số, chép theo lối biên niên, kể từ quá khứ đến hiện tại, chia ba thời kỳ:
-đệ nhất kỳ: thời thơ ấu.
-đệ nhị kỳ: thời tráng niên.
-đệ tam kỳ: từ khi xuất dương về sau.
Trong lời nói đầu, tức lời tự phán, ông tự nêu uu khuyết điểm:
Ông có ba khuyết điểm:
(1). Sức tự tin quá mạnh, cho rằng việc nào cũng thành. Đó là cái tội không tự lượng sức mình.
(2). Quá thật thà, tin người, không cơ cảnh, quyền thuật.
(3). Chỉ lo việc lớn, không để ý đến việc nhỏ. Đó là tội sơ lược bất tiểu tâm.
Ngược lại, ông cũng có ba ưu điểm:
(1). Luôn hăng hái, không sợ nguy hiểm.
(2). Không quên tình cảm anh em, đồng bào.
(3). Luôn hướng đến mục dích, linh động mà thay đổi kế hoạch.

Nội dung chính của tác phẩm cho chúng ta biết những hoạt động cách mạng của Phan Bội Châu tại hải ngoại. Chúng tôi xin tóm lược một hai việc.

(1). Du học sinh tại Nhật:
Có khoảng 200 du học sinh Bắc Nam Trung tại Nhật. Trên hết là hội Duy Tân, dưới là Việt Nam Công Hiến hội trông coi du học sinh. Hội chia làm bốn đại bộ:
-Kinh tế bộ
-Kỷ luật bộ
-Giao tế bộ
-Văn thư bộ.
Hội trưởng là Kỳ ngoại hầu Cường Để, Hội Tổng Lý kiêm Giám Đốc là Phan Bội Châu.
Có 12 người phụ trách bốn đại bộ.
a. Kinh tế bộ ủy viên: Đặng Tử Mẫn, Đặng Bỉnh Thành, Phạm Chấn Yêm.
b. Kỷ luật bộ ủy viên: Đàm Ký Sinh, Phan Bá Ngọc, Hoàng Quang Thành.
c. Giao tế ủy viên: Phan Thế Mỹ, Nguyễn
Thái Bạt, L:âm Quảng Trung.
d. Văn thư bộ ủy viên: Hoàng trọng Mậu, Đặng Ngô Lân, Hoàng Hưng. . .
(2). Việt Nam Quang Phục hội:
Phan Bội Châu viết như sau về việc Việt Nam Quang Phục hội ra đời:

Năm nhâm tí (1912), mùa xuân tháng giêng, Tôn Trung Sơn đã bị cử làm Trung Hoa lâm thời đại tổng thống. Bạn quen tôi là Hồ Hán Dân làm Quảng Đông Đô đốc. Đô đốc Thượng Hải là Trần Kỳ Mỹ lại là người rất tương đắc với tôi. Đảng nhân ta ở các nơi về hiệp gồm có 100 người. Kỳ ngoại hầu ở Hương Cảng, cụ Lão Bạng ở Xiêm bây giờ cũng thảy lại hội.

Quyển này rất ích lợi, giúp kẻ hậu sinh hiểu được tác giả và phong trào cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, quyển này cũng cho ta thấy quân chủ và tư bản vẫn cho tù nhân một số tự do: ít nhất là tự do viết và đọc, trong khi cộng sản khắt khe tàn bạo, chúng cấm đoán mọi thứ, bắt tù nhân sống chật chội, thiếu cơm ăn, áo mặc mà phải lao động cật lực!

C . TRÙNG QUANG TÂM SỬ

Đây là một bộ lịch sử tiểu thuyết viết về giai đoạn vua Trần Trùng Quang chống quân Minh. Trong Phan Bội Châu Niên Biểu, Phan Bội Châu viết rằng tác phẩm này viết lúc ngồi tù ở Quảng Châu ( 1913-1916). Quyển này, Văn Học, Hà Nội xuất bản, 1971.
Năm 1957, nhà Văn Học Hà Nội xuất bản cuốn Hậu Trần Dật Sử. Cuốn này bằng Hán văn, tìm thấy ở Diễn Châu, Nghệ An., mất bìa và không đầy đủ. Sau này, Đặng Thai Mai đính chính tên sách.
Khoảng 1967, Chương Thâu tìm thấy một bản Trùng Quang Tâm Sử ở Trung Quốc, được in trong Binh Sự Tạp Chí số 132, tháng 4-1925, ở Hàng Châu, Triết Giang, ký tên B.G trước, Hiến Hán dịch, nhưng phần cuối ghi BC trước. Trong Phan Bội Châu Niên Biểu, ông đã nói đến việc làm báo quân sự:
Lúc bấy giờ ở Bắc Kinh, tôi tiếp được giấy của mấy người bạn tôi là Lâm Lượng Sinh hiện làm Hàng Châu quân sự biên tập xã Tổng lý lịch sử quân sự tạp chí. . . Tiếp được giấy của Lâm tiên sinh tôi mớI bỏ Bắc Kinh về Hàng Châu gánh chức biên tập viên cho quân sự tạp chí, mỗi tháng 70 đồng (201).

Trùng Quang Tâm Sử có 20 hồi. Mục đích kêu gọi dân Việt Nam đứng lên chống thực dân Pháp. Vai trò quan trọng là cậu bé Nguyễn Xí ở Nghệ An nuôi chí giết giặc cứu nước. Trước việc quân Minh bắt dân nộp sưu cao thuế nặng, Nguyễn Xí nói:

-Thảm quá! Thảm quá! Con thề nhất định phải giết bọn giặc đó để làm phúc cho nhân dân ta.
- Con thề giết hết bọn giặc đó! Thề giết hết bọn giặc đó!

Xí có một người bạn bị giam vì thiếu thuế, Xí cướp ngục cứu bạn rồi trốn lên núi, lập căn cứ chống Minh, lực lượng ngày càng mạnh. Sau cha con Đặng Tất gia nhập, tôn ông Khoáng làm vua, lấy hiệu là Trùng Quang (24)
Truyện viết về cuộc chiến đãu giữa phe phục Trần với quân Minh, như bắt quan huyện lấy ấn , cướp quân lương của quân Minh. . .Trùng Quang Tâm Sử có nhiều đoạn diễn tả rất sống động. Đoạn dưới đây tả việc Nghĩa quân bắt quan huyện lấy cái ấn.

Khoảng mười giờ đêm, hai người đều dắt dao sắc sau lưng đi vào huyện đường, tớI chỗ chiếu đánh bạc, xỉa tiền bạc ra đánh liền mấy ván đều bị thua. Bọn chúng thấy bạc xộp đều tranh nhau nhường chỗ. Lúc ấy hai người mới nhận rõ mặt tên quan huyện. Lại chừng hơn hai tiếng đồng hồ, khi tất cả các con bạc còn đương cay cú, say sưa thì hai người ngấm ngầm rời chiếu để rình đợi lúc quan huyện hở cơ. Một lúc lâu, thấy quan huyện đứng dậy đi đại tiện, hai người theo sát sau. Gần đến nhà xí, hai người bèn túm lấy tai tên quan huyện và nói: '' Có việc khẩn cấp phải phiền quan, xin quan huyện chớ lên tiếng, nếu lên tiếng thì chết. Họ liền thò dao nhọn ở trong bọc ra. Dưới bóng đèn lưỡi dao chiếu sáng lấp loáng như chớp. Tên quan huyện sợ quá, không dám lên tiếng, chỉ khẽ giơ tay lên, run lẩy bẩy, miệng lắp bắp như người trúng phong. Hai người kéo hắn vào nhà riêng, ghé tai nói nhỏ: Chúng tôi chẳng xin gì, chỉ có mảnh giấy này đây, xin quan lớn đóng cho một cái triện là đủ. Viên quan huyện nhìn thấy giấy đó là một tờ trát của huyện đường phái người mua sắt để sung vào việc công nhu, tức là một tờ công văn hóa mãi. Hắn còn trầm ngâm chưa kịp đáp, hai người lại thức gấp tên quan huyện liền phải bỏ ấn triện ra đóng ngay vào cuối giấy, rồi lấy con dấu nhỏ đóng kiềm vào các chỗ trọng yếu theo như mệnh lệnh của hai người. Đóng dấu xong, hai người nói: Đa tạ quan lớn, nhưng còn phải phiền quan lớn việc nữa, tức là nhờ quan lớn đưa chúng tôi ra cửa huyện.''
Tên quan huyện không biết làm cách nào hơn đành phải nghe theo. Hai người cùng tên quan huyện đi ra, vừa đi vừa làm ra vẻ cười đùa. Đến cổng huyện thì vẫy cho hắn trở vào, rồi hai người vụt đi mất (93-94).

Trong truyện, Phan Bội Châu dùng các từ hiện đại lúc bấy giờ như đảng, chi bộ, cách mạng thì không thích hợp cho giai đoạn cuối Trần. Đây là một tác phẩm tiểu thuyết mới đầu tiên có xu hướng chính trị chống Pháp.


Phan Bội Châu là một nhà cách mạng, một nhà văn lớn của Việt Nam giữa lúc Pháp xâm lược Việt Nam, chữ Hán đã bị bãi bỏ và quốc ngữ đang lên. Ông tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của sĩ phu và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Ông là nhà văn nối tiếp hai giòng văn tự. Thơ văn chữ Hán của ông khá nhiều mà thơ văn quốc ngữ cũng rất phong phú. Về tác phẩm quốc ngữ của ông, chúng tôi sẽ trình bày ở quyển Văn Học Quốc Ngữ.

Trích VĂN HỌC CỔ ĐIỂN của NGUYỄN THIÊN THỤ
(chưa xuất bản)


**

No comments:

Post a Comment