Pages

Tuesday, June 29, 2010

RFA * PHIM HỒ CHÍ MINH *

*

Phim “Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại”
2010-06-28

Ngày 27/6, tại Tiểu bang Virginia - Hoa Kỳ, bộ phim tiếng Anh: “Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại” vừa chính thức ra mắt. Tạp chí Câu chuyện hàng tuần kỳ này xin gửi tới quý vị giới thiệu về bộ phim này.

Photo courtesy of saigonforsaigon.org

Hình bìa DVD phim “Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại".



Đối với rất nhiều người Việt ở trong nước, mỗi khi nói đến chủ tịch Hồ Chí Minh họ thường gọi ông bằng cái tên thân thương Bác Hồ. Trong con mắt họ, chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị anh hùng dân tộc, là niềm tự hào. Đã có rất nhiều bộ phim và sách được xuất bản trong và ngoài nước ca ngợi Hồ Chí Minh. Nhưng đồng thời cũng không hiếm sách và phim tài liệu đưa ra những khía cạnh khác về đời tư của ông, không dễ chấp nhận đối với nhiều người và đặc biệt là Đảng cộng sản Việt Nam. Một trong những bộ phim như thế vừa được ra mắt tại Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 6 này. Đó là bộ phim tiếng Anh có tên Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại.

Viết mới kịch bản tiếng Anh

Chiều chủ nhật ngày 27 tháng 6, tại tiểu bangVirginia, phong trào quốc dân đòi trả tên Sài gòn cho Sài gòn đã chính thức ra mắt bộ phim tiếng Anh có tên Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại. Trước đó vào ngày 13 tháng 6, bộ phim cũng đã được chính thức ra mắt tại Houston, Texas.

Có khoảng 70 người đã đến tham dự buổi ra mắt bộ phim, phần lớn là cộng đồng người Việt tại vùng Washinton DC, chỉ có một số người nước ngoài.



Ông Jean Lacouture là một tác giả Pháp đã có nhiều tác phẩm về HCM cuối đời cũng phải nói là tôi bị đánh lừa và chúng ta cần phải viết lại lịch sử đó.

GS Nguyễn Ngọc Bích

Bộ phim có nội dung tư liệu cũng giống như bộ phim Sự thật về Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt được ra mắt vào năm ngoái. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch nghị hội toàn quốc của Việt tại Hoa Kỳ, người viết kịch bản cho bộ phim tiếng Anh cho biết nguyên nhân những người sản xuất quyết định làm bộ phim này thay vì dịch nguyên bộ phim Sự thật về Hồ Chí Minh sang tiếng Anh như sau:

Nguyễn Ngọc Bích: Phong trào quốc dân đòi trả tên Sài gòn cho Sài gòn là phong trào đó nảy ra cái ý làm phim sau phim sự thật về Hồ Chí Minh. Cá nhân tôi không có thuộc vào phong trào, nhưng sau khi phim ra và người ta nói có nhu cầu cần có phim tiếng Anh về Hồ Chí Minh thì lúc bấy giờ tôi mới để ý và người ta nghĩ là tôi là người có khả năng viết kịch bản thẳng trong tiếng Anh thay vì dịch ra từ tiếng Việt vì bao giờ nó cũng gượng gạo và không những thế cái góc nhìn nó không thuyết phục bằng cách mà ta nhìn từ góc nhìn của người Tây phương.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đưa ra một ví dụ đơn giản trong phim như việc ông Hồ Chí Minh có nhiều vợ, đối với người Việt nam thường cho là đạo đức giả, còn đối với người nước ngoài chuyện đó là hoàn toàn bình thường. Vì thế trong bộ phim này, những người làm phim khai thác sâu hơn về khía cạnh mất nhân tính của ông Hồ Chí Minh khi ông cho giết người đàn bà có tên Nông Thị Xuân đã chung sống với ông, và hai người phụ nữ khác đã biết chuyện này để bịt đầu mối.

Những người làm phim cho rằng đã đến lúc những người nước ngoài cần phải hiểu một cách chính xác và đầy đủ hơn về lịch sử Việt nam, thay vì chỉ dựa vào những thông tin ca ngợi một chiều ông Hồ Chí Minh. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích giải thích:

Nguyễn Ngọc Bích: Người nước ngoài là càng cần hơn nữa, vì bây giờ nước ngoài đang nuôi dưỡng một số gọi là huyền thoại về ông Hồ Chí Minh, lấy ngay cái quyển của ông Wiliam Duiker cách đây mấy năm có lẽ là cái tiểu sử dày nhất về ông Hồ Chí Minh trong bất cứ thứ tiếng nào, chúng ta đọc và chúng ta sẽ thấy rất nhiều huyền thoại đó vẫn được tiếp tục đưa ra. Thành ra ông Jean Lacouture là một tác giả pháp đã có nhiều tác phẩm về HCM cuối đời cũng phải nói là tôi bị đánh lừa và chúng ta cần phải viết lại lịch sử đó. Người nước ngoài cũng như người nước mình cũng cần phải biết cái lịch sử đúng như nó xảy ra. Tôi cho rằng lý do đó, giá trị của lịch sử là thế, vì thế nên chúng tôi nghĩ là chúng ta không có lật lại cái gì cả, chúng tôi chỉ bày ra những gì nó không đúng thì chúng tôi nêu nó ra thôi.

Huyền thoại và sự thật

Poster quảng cáo cho bộ phim Sự thật về Hồ Chí Minh. Photo   courtesy of saigonforsaigon.org
Poster quảng cáo cho bộ phim Sự thật về Hồ Chí Minh. Photo courtesy of saigonforsaigon.org

Bộ phim Hồ Chí Minh, Con người và Huyền thoại dài khoảng 70 phút được chia thành 14 phần. Mỗi phần là một phần lịch sử Việt nam gắn chặt với cuộc đời của ông Hồ Chí Minh, trong đó nói đến những huyền thoại về ông và những chứng minh lịch sử khác xa với các huyền thoại đó.

Những huyền thoại về Hồ Chí Minh như việc ông có thể sử dụng thành thạo tiếng Pháp, hay là tác giả của Nhật ký trong tù, được những người làm phim sử dụng các tư liệu lịch sử và các cuộc phỏng vấn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chứng minh ngược lại. Sự thật về con người Hồ Chí Minh thánh thiện đã hy sinh cuộc sống riêng tư cho dân tộc cũng được những người làm phim đưa ra các dẫn chứng lịch sử cho thấy ông hoàn toàn không phải như vậy. Trong bộ phim người ta có thể thấy hình ảnh của ít nhất 3 người vợ cả chính thức lẫn không chính thức của ông Hồ Chí Minh là Tăng Tuyết Minh, người Trung Hoa, Nguyễn Thị Minh Khai, và Nông Thị Xuân. Trong đó người vợ cuối được cho là đã bị giết hại sau khi có con với ông Hồ Chí Minh và muốn trở thành vợ chính thức của ông.



Những sự kiện đau lòng trong lịch sử Việt Nam như cải cách ruộng đất những năm 1950s khiến hàng vạn người chết và cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân năm 1968 với vụ thảm sát hàng ngàn dân thường ở Huế, cũng là các phần quan trọng của bộ phim. Theo các nhà nghiên cứu được phỏng vấn trong phim, ông Hồ Chí Minh lúc đó là Chủ tịch nước, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm lịch sử về những vụ thảm sát này. Ông được so sánh không khác gì những tội phạm chiến tranh như Polpot ở Cambuchia hay Stalin ở Liên Xô trước đây.

Kết thúc bộ phim là những di sản mà Hồ Chí Minh đã để lại cho đất nước Việt nam, đó là sự độc quyền của Đảng cộng sản dẫn đến nạn tham nhũng tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và xã hội.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết những người làm phim không có ý định đả phá Việt nam mà chỉ đơn thuần đưa ra các sự kiện lịch sử. Ông nói:



Bên cạnh thành quả kinh tế khá rõ ràng mà chúng tôi không phủ nhận thì cũng có những thứ bị phê phán không phải từ chúng tôi mà ngay từ trong nước, như bán đất, bán biển, bauxit, rừng.

GS Nguyễn Ngọc Bích

Nguyễn Ngọc Bích: Khi chúng tôi làm phim này chúng tôi không nhắm vào việc đả phá nhất là các thành tích về mặt kinh tế ở trong nước, nhưng mà ngược lại, bên cạnh thành quả kinh tế khá rõ ràng mà chúng tôi không phủ nhận thì cũng có những thứ bị phê phán không phải từ chúng tôi mà ngay từ trong nước, như bán đất, bán biển, bauxit, rừng.v.v… những chuyện đó đâu cần phải chúng tôi mới nói lên được. Nhưng nếu nói đó là di sản ông Hồ chí minh thì không đúng, bởi vì thực sự là con cháu ông ấy bây giờ làm chuyện đó, nhưng một số chuyện đã bắt đầu từ khi ông Hồ Chí Minh còn tại thế. Trong đó chúng ta phải thấy như các trường hợp nhân văn giai phẩm, cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, học tập cải tạo, hay là nhượng cho Trung cộng đất, biển của đất nước.

Vì mục đích của bộ phim là nhằm hướng tới những khán giả người nước ngoài, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nói về mong muốn của những người làm phim khi phổ biến bộ phim này như sau:

Nguyễn Ngọc Bích: Chúng tôi nghĩ đễn vấn đề rộng hơn nhiều, tức là người quần chúng nói chung, nhất là những sinh viên học về Việt nam cần phải hiểu về Việt nam. Chứ bây giờ có khoảng 800 lớp ở đại học Mỹ dạy về chiến tranh Việt nam, thì tôi nghĩ là cái đó là một trong các nhóm người chính mà chúng tôi nhắm vào là đưa ra sự thật về đất nước mình thôi. Cái này chúng tôi cũng sẽ thực hiện, bây giờ nó mới có bằng tiếng Anh thôi thì chúng tôi sẽ tìm cách sẽ có ấn bản bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, Nga, vân vân, đó là một chuyện.

Xem miễn phí

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong một lần giới thiệu bộ phim sự thật về   Hồ Chí Minh trước đây. Photo courtesy of thoibao.com
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong một lần giới thiệu bộ phim sự thật về Hồ Chí Minh trước đây. Photo courtesy of thoibao.com

Bộ phim hiện đã được tải lên youtube để có thể xem miễn phí. Ngoài ra, những người làm phim cũng dự định sẽ gửi tặng thư viện Quốc hội Hoa kỳ bộ phim này làm tư liệu. Cuối buổi ra mắt phim, linh mục Nguyễn Hữu Lễ, người sản xuất bộ phim đã ký các đĩa DVD để gửi tặng người đến dự với mong muốn bộ phim sẽ được phát tán rộng rãi cũng giống như bộ phim Sự thật về Hồ Chí Minh trước kia.

Bộ phim Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại được hoàn thành trong vòng 1 năm và cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất là về phương tiện, vốn đầu tư. Theo giáo sư Nguyễn Ngọc Bích tiền làm phim chủ yếu là do đóng góp khoảng dưới 100.000 đô la, một con số thấp hơn rất nhiều so với chi phí một bộ phim tài liệu ở Mỹ vốn phải lên đến hàng triệu đô la. Thêm vào đó là việc phỏng vấn các chuyên gia nước ngoài cũng gặp khó khăn. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết:

Nguyễn Ngọc Bích:

Dù chúng tôi đã cố gắng đi phỏng vấn, chúng tôi cố gắng phỏng vấn những người ngoại quốc nhiều hơn người Việt nhưng nó cũng không đơn giản tại vì có những người ngoại quốc mà chúng tôi mời gọi mà họ từ chối vì lý do này hay lý do khác, chúng ta không biết động cơ của họ nên nó không được như mong muốn của chúng tôi.

Mặc dù mong muốn bộ phim được người nước ngoài đón nhận, các nhà làm phim cũng nhìn nhận bộ phim chỉ có thể hướng tới một số khán giả nhất định, quan tâm đến lịch sử châu Á mà thôi. Cuộc chiến Việt nam đã trôi qua 35 năm, và không phải những người nước ngoài nào cũng biết về nó, thậm chí cả những lớp trẻ người Việt sinh ra tại Mỹ. Ông Daniel Arant, một người đã từng phục vụ trong thời gian chiến tranh Việt nam năm 1968, một trong số ít những người nước ngoài có mặt tại buổi ra mắt phim nhận xét:



Chúng tôi nghĩ đễn vấn đề rộng hơn nhiều, tức là người quần chúng nói chung, nhất là những sinh viên học về Việt nam cần phải hiểu về Việt nam.

GS Nguyễn Ngọc Bích

Daniel Arant: Theo tôi thì phần lớn người Mỹ, đặc biệt là người Mỹ trẻ tuổi không biết gì về lịch sử này. Như người Mỹ thường nói là không có ý tưởng gì cả. Người Mỹ cũng như người Việt trẻ thì ít nhất là một nửa sinh ra sau chiến tranh. Họ không biết gì về cuộc chiến tranh này. Thực tế mà nói dù là người Mỹ hay người Việt trẻ thì họ cũng không biết nhiều về lịch sử. Có lẽ là họ cũng không quan tâm lắm trừ khi là có gì đó gắn bó như từ bố mẹ họ. Tôi có thể nói là phần lớn người Mỹ sẽ không quan tâm lắm bởi vì ngay chính lịch sử nước họ còn không nắm rõ.

Có mặt tại buổi ra mắt phim, Bùi Thiệp Quyên, 20 tuổi, cho biết bạn đến dự vì mẹ bạn báo cho biết sẽ có buổi ra mắt phim về Hồ Chí Minh. Quyên cũng đã được nghe mẹ kể về chiến tranh Việt nam và ông Hồ Chí Minh từ trước. Bạn nói bạn sẽ xem bộ phim khi về nhà. Với tiếng Việt lơ lớ, Quyên cho biết về suy nghĩ của mình như sau:

Bùi Thiệp Quyên: Em nghĩ là những người như em phải biết về Việt nam, về Hồ Chí Minh, mình phải biết về lịch sử của việt nam và sự hy sinh của cha mẹ qua bên này để mấy em có tự do.

Kết thúc buổi ra mắt, linh mục Nguyễn Hữu Lễ cho biết ông rất hài lòng về buổi ra mắt phim lần này và ông hy vọng bộ phim sẽ không chỉ có một triệu người xem như bộ phim sự thật về Hồ Chí Minh, mà còn nhiều hơn thế, bởi các nhà làm phim mong muốn lịch sử Việt Nam phải được nhìn nhận một cách đầy đủ và chính xác.

Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào thứ ba tuần tới.

Theo dòng thời sự:

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/HCM-the-man-and-the-myth-an-effort-to-introduce-VN-history-by-Vietnamese-community-abroad-VHa-06282010194815.html

*

No comments:

Post a Comment