Pages

Friday, June 4, 2010

TRẦN BÌNH NAM * PHÁP LUẬT MỸ


*


Làm trái luật mà không vi phạm luật!

Trần Bình Nam

Đó là câu chuyện “don’t ask, don’t tell” (đừng hỏi và đừng tự khai) bắt đầu từ năm 1993 thời tổng thống Clinton, và nay quốc hội Hoa Kỳ đang trong tiến trình thảo luận sửa đổi.

Hôm Thứ Năm 27/5/2010 Ủy ban Quân vụ Thượng nghị viện với 16 phiếu chống 12 và toàn thể Hạ nghị viện với 234 phiếu chống 194 thông qua tu chính bãi bỏ luật P.L.103-160 (Điều10, Khoản 654). Luật P.L.103-160 minh thị “người đồng tính luyến ái không đủ điều kiện phục vụ trong quân đội.”

Tu chính quy định rằng nếu thành luật sẽ có hiệu lực sau khi 3 giới chức cao cấp nhất của quân đội là Tổng thống (Tổng tư lệnh), Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng liên quân ký văn bản xác nhận (trước ngày 1/12 năm 2010) rằng người đồng tính luyến ái phục vụ trong quân ngũ không làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Ngọn ngành câu chuyện khá ly kỳ này cho thấy một nền dân chủ hoàn hảo đôi khi cũng đẻ ra những quái thai vì tương nhượng lẫn nhau mà quên thực tế “trái phè phè trước mắt” .

Luật P.L.103-160 ban hành năm 1993 nói về điều kiện để phục vụ trong quân đội (Military Personnel Eligibility Act of 1993) được báo chí đặt tên một cách hài hước “Don’t ask, don’t tell” (Đừng hỏi, đừng tự khai) là một trong những quái thai đó. Lẽ dĩ nhiên dưới một chế độ độc tài thì có quá nhiều quái thai nên không ai buồn nói tới.

Trở về nguồn gốc của câu chuyện. Trước hết thái độ đối với vấn đề đồng tính luyến ái của mỗi người ảnh hưởng bởi quan niệm bảo thủ hay phóng khoáng và bởi tôn giáo. Người ngoan đạo và người bảo thủ cho rằng người đồng tính luyến ái là một mẫu người không bình thường, và nên tạo điều kiện sống và sinh hoạt thích hợp cho họ. Đối với những người bảo thủ và người ngoan đạo này đời sống trong quân ngũ không phải là một đời sống thích hợp cho người đồng tính luyến ái và sự hiện diện của họ trong quân ngũ vừa bất tiện cho họ vừa làm giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Lối suy nghĩ này thường bị phê bình là kỳ thị, nhưng cũng có thể được diễn dịch như tính nhân đạo. Trong quân đội nước nào cũng vậy, các tướng lãnh thường không muốn thành phần đồng tính luyến ái ở trong quân ngũ.

Tuy nhiên trước thập niên 1980 tại Hoa Kỳ dư luận chưa đặt nặng vấn đề này. Vào năm 1981, sau khi ông Ronald Regan đắc cử tổng thống, không khí bảo thủ lên cao, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ ban hành quy chế ghi rõ: “người đồng tính luyến ái không thích hợp phục vụ trong quân đội” (nguyên văn: homosexuality is incompatiple with military service).

Thành phần đồng tính luyến ái và những người phóng khóang trong xã hội lai rai chống quy chế của Bộ quốc phòng. Năm 1992 khi ra tranh cử tổng thống, ông Bill Clinton hứa rằng nếu đắc cử (và trở thành Tổng tư lệnh quân đội) ông sẽ hủy bỏ quy chế 1981.

Đầu năm 1993, một tuần lễ sau khi nhậm chức tổng thống, ông Clinton sửa soạn ban hành quyết định hành chánh để cho phép người đồng tính luyến ái phục vụ trong quân đội ông gặp sự chống đối mạnh mẽ của giới tướng lãnh nên khựng lại. Cho mãi đến ngày 19/7/1993 ông mới tìm được một công thức dung hòa xác định rằng, người đồng tính luyến ái có thể phục vụ trong quân đội với điều kiện không khai báo với cơ quan tuyển mộ mình là người đồng tính luyến ái và giới chức quân đội sẽ không hỏi khuynh hướng giới tính (sexual orientation) của một quân nhân. Thế là trên ngôn từ người đồng tính luyến ái không được phục vụ trong quân ngũ, nhưng trên thực tế người đồng tính luyến ái cứ được đăng lính như thường. Quái thai là ở chỗ đó!

Thượng nghị sĩ Sam Nunn (Dân Chủ, bang Georgia) Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng nghị viện thấy cái mẹo vặt của tổng thống Clinton nên ông vận động quốc hội ban hành luật P.L. 103-160 xác định “Người đồng tính luyến ái không đủ điều kiện phục vụ trong quân đội” trở lại quy chế 1981 trên giấy trắng mực đen. Nhưng nể tổng thống Clinton, quốc hội đồng ý để Bộ quốc phòng bỏ câu hỏi về giới tính trong “phom (form) nhập ngũ. Người đồng tính luyến ái khỏi khai và cứ được nhập ngũ phục vụ quân đội.

Sự dung hòa của tổng thống Clinton bằng quyết định hành chánh là một quái thai đã đành. Nhưng luật P.L. 103-160 cũng không khá gì hơn - nếu không muốn nói là tệ hơn - vì vẫn duy trì tình trạng giả dối đó với một mức độ cao hơn là biến thành luật. Đó là lý do báo chí vẫn gọi luật P.L. 103-160 là luật “Đừng hỏi, đừng tự khai” một nhóm chữ đẻ ra từ công thức dung hòa của tổng thống Clinton.

Thế là để dung hòa giữa bảo thủ và phóng khoáng, giữa Cộng hòa với Dân Chủ, giữa ngoan đạo và không ngoan đạo quân đội duy trì một tình trạng “luật một đàng, làm một nẻo”.

Trong 17 năm qua xã hội có nhiều thay đổi. Khối người đồng tính luyến ái càng ngày càng đòi hỏi quyền bình đẳng và trở thành một thế lực chính trị. Quân đội bắt đầu thu nhận nhiều phụ nữ (trước kia rất giới hạn), phụ nữ được tham dự các công tác tác chiến như đàn ông và phụ nữ sắp có thể phục vụ trên tàu ngầm, nơi chỗ ăn chỗ ở rất bất tiện cho phụ nữ. Quan trọng hơn nữa chiến tranh tại Iraq và Afghanistan làm tăng nhu cầu tuyển mộ. Và đầu năm 2009 một vị tổng thống Dân chủ da đen lên cầm quyền. Tất cả điều kiện đều hướng về khuynh hướng bãi bỏ luật cấm người đồng tính luyến ái phục vụ trong quân ngũ.

Do thỏa thuận giữa tổng thống Obama và quốc hội hôm Thứ Năm 27/5/2010 quốc hội đã đi nửa đoạn đường. Mùa hè năm nay khi Thượng nghị viện thông qua tu chính, tu chính biến thành luật, tổng thống Obama, bộ trưởng quốc phòng Robert Gates và Tham mưu trưởng Liên quân Đô đốc Michael Mullen sẽ bày tỏ sự đồng ý một cách nhanh chóng và chấm dứt tình trạng ỡm ờ đối với việc người đồng tính luyến ái phục vụ trong quân đội trước ngày bầu cử tháng 11/2010 .

Năm 2010 sẽ là năm chấm dứt tình trạng “Làm trái luật mà không vi phạm luật” trong quân đội, và cũng là một năm đánh dấu sự thắng lợi của cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của giới đồng tính luyến ái ./,

Trần Bình Nam

June 1, 2010

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

*

No comments:

Post a Comment