Pages

Thursday, July 1, 2010

TRẦN BÌNH NAM * DO THÁI

*

Kho bom nguyên tử & chính sách “không nhìn, không chối” của Do Thái

Trần Bình Nam


Cách đây hơn 24 năm, ngày 5/10/1986, tờ The Sunday Times, một tờ báo hằng tuần uy tín của Anh xuất bản tại Luân Đôn đăng một tin làm chấn động thế giới:


Do Thái làm bom nguyên tử từ năm 1966, và hiện có một kho bom nguyên tử ngang hàng với 5 nước Hoa Kỳ, Nga Xô, Trung quốc, Anh và Pháp.


Tin này do một chuyên viên nguyên tử Do Thái tên là Mordechai Vanunu tiết lộ. Ông Vanunu cho biết trung tâm sản xuất vũ khí nguyên tử của Do Thái đặt tại Dimona trong sa mạc Negev nằm ở phía Nam Do Thái. Vanunu 31tuổi làm việc tại trung tâm đó gần 10 năm. Ông cho rằng khả năng nguyên tử của Do thái – dù để tự vệ - là một đại họa cho nhân loại nếu được xử dụng để đánh các nước A Rập chung quanh. Ông Vanunu nói năm 1973 khi Ai Cập bất ngờ tấn công Do Thái trong mùa lễ Zom Kippur 1973, bà Golda Meir thủ tướng Do Thái đã cho lệnh chuyển bom nguyên tử đến các phi trường quân sự sẵn sàng xử dụng. Ông Mordechai Vanunu cho rằng cách tránh tai họa là tiết lộ cho thế giới biết Do Thái có một kho bom nguyên tử để các nước đừng khinh xuất tạo ra chiến tranh nguyên tử. Ông không có một ý đồ lợi lộc nào.

Ông Vanunu lén chụp hình các thiết bị và dụng cụ thí nghiệm tại Dimona rồi tìm cách trốn đi Úc châu. Trước đó ông Mordechai Vanunu đã bỏ đạo Do Thái và theo Anh Giáo do mục sư John McKnight ở Úc đỡ đầu. Đến Úc châu ông Vanunu đến tá túc tại họ đạo của mục sư McKnight và tìm các liên lạc với tờ Sunday Times ở Luân Đôn. Tờ Sunday Times biết tin này là một tin có thể làm đảo lộn tình hình thế giới nên vội thiết lập một Ban Điều Tra (Insight Team) để kiểm chứng tính chính xác của nguồn tin.


Những bằng chứng và lời tường trình của ông Mordechai Vanunu đã làm các chuyên viên nguyên tử kinh ngạc. Thế giới vốn đã nghi Do Thái đang lén chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng không ai ngờ Do Thái có khả năng nguyên tử cao không kém 5 nước Hoa Kỳ, Nga Xô, Anh, Pháp & Trung quốc và đã sẵn sàng từ giữa thập niên 1960. Các tấm hình của ông Vanunu cho thấy các cơ sở chế plutonium (một kim loại phóng xạ để làm bom nguyên tử) mua của Pháp đặt tại Dimona trong một khu công thự không làm ai chú ý và đã qua mắt các vệ tinh do thám quốc tế cũng như của các đoàn thanh tra Liên hiệp quốc trong nhiều năm. Dựa vào tài liệu do ông Vanunu cung cấp, các chuyên viên nguyên tử của Hoa Kỳ và Anh đồng đánh giá mỗi năm trung tâm Dimona có thể chế biến 40 kg plutonium đủ để làm được 10 quả bom nguyên tử cỡ trung bình. Và vào năm 1986 Do Thái đã có ít nhất 100 quả bom nguyên tử, cao gấp 10 lần khả năng người ta nghi ngờ Do Thái có thể có. Đó là chưa kể một lò nguyên tử (atomic reactor) 26 megawatts mua của Pháp nâng cấp lên 150 megawatts có khả năng sản xuất thêm chất plutonium . Khả năng này được xác nhận bởi giáo sư Theodore Taylor, một chuyên viên nguyên tử thượng thặng của Hoa Kỳ, và tiến sĩ Vật lý học người Anh ông Frank Barnaby. Gíáo sư Taylor là học trò của nhà khoa học Robert Oppenheimer, cha đẻ bom nguyên tử của Hoa Kỳ. Và tiến sĩ Barnaby từng làm việc tại trung tâm nghiên cứu nguyên tử Anh Berkshire đặt tại Aldermaston và trước khi nghỉ hưu là Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình của Thụy Điển. Sau khi quan sát 60 tấm hình và 2 tuần lễ phỏng vấn, tiến sĩ Barnaby nói: “Với con mắt của một nhà vật lý học, tôi xác nhận ông Mordachai Vanunu phải từng làm việc tại một trung tâm chế biến chất plutonium và sản xuất vũ khí nguyên tử “

Ngoài hai ông Taylor và Barnaby, Ban Điều Tra Sunday Times còn nhờ nhiều chuyên viên nguyên tử khác của Anh đánh gía các tiết lộ của ông Vanunu, nhưng Sunday Times không tiện nêu tên tuổi vì các chuyên viên này đang làm việc tại các cơ sơ nghiên cứu và sản xuất bom nguyên tử của Anh . Sau khi bài báo Sunday Times xuất hiện, chính phủ Do Thái không nhìn nhận nhưng cũng không chối mình đã chế tạo bom nguyên tử. Đồng thời xác nhận rằng quả có một chuyên viên nguyên tử người Do Thái tên là Mordechai Vanunu làm việc cho Ủy ban Nguyên tử lực quốc gia ở Dimona, và đã được cho nghỉ việc cùng với 180 nhân viên khác để tiết kiệm ngân sách. Chính phủ Do Thái còn tiết lộ rằng sau khi nghỉ việc Mordechai Vanunu đã ghi tên theo học triết học tại đại học Beersheba ở West Bank (Tây ngạn sông Jordan) và có tiếp xúc linh tinh với các sinh viên A Rập tại đó. Thái độ của chính phủ Do Thái được hiểu Do Thái đã có vũ khí nguyên tử nhưng không công khai nhìn nhận.

Do Thái áp dụng một chính sách hiểu sao cũng được, hay là chính sách “không nhìn, không chối” (atomic ambiguity strategy) để cảnh cáo các nước A rập chung quanh, đồng thời tỏ ý tuân hành nguyên tắc chung của thế giới, chính yếu là ý muốn của 5 nước trong Ủy ban Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc là không lan truyền vũ khí nguyên tử. Thái độ này hợp ý nhất đối với Hoa Kỳ . Và đó là lý do Do Thái có vũ khí nguyên tử nhưng ít được các cơ quan truyền thông thế giới nhắc nhỡ tới.

Một tuần lễ sau, trong số báo ngày Chủ Nhật 12/10/1986 tờ Sunday Times lại loan tin ông Mordechai Vanunu mất tích. Bài báo viết rằng ngày 30/9 ông Vanunu rời khách sạn nơi Sunday Times thuê cho ông tạm trú trong thời gian Đoàn Kiểm Tra làm việc nói ông sẽ đi vắng vài ngày, nhưng không trở lại và Sunday Times mất liên lạc với ông. Câu chuyện được mọi người biết một cách chi tiết lúc đó là: Tháng 9 năm 1986 ông Mordechai Vanunu rời Do Thái đi Úc châu qua ngỏ Mạc Tư Khoa và Bangkok với một cuốn phim chưa khai triển gồm 60 tấm hình những bí mật nguyên tử của Do Thái ông chụp được.

Ông không gặp khó khăn nào tại Nga và Thái Lan. Đến Sidney ông Vanunu tiếp xúc với Sunday Times và một nhà báo khác tên là Oscar Guerrero người Columbia. Ngày 12/9 tờ Sunday Times đưa ông qua Anh để kiểm chứng thêm. Ngày 28/9 trong khi Sunday Times đang kiểm chứng tính chính xác của Mordechai Vanunu tờ Sunday Mirror, một tờ báo khác tại Luân Đôn đăng tải tin Do Thái làm bom nguyên tử của nhà báo Guerrero cung cấp. Tờ Sunday Mirror không tin nguồn tin của Guerrero nhưng cho đăng bản tin với mục đích cảnh giác dư luận báo chí đừng mắc lừa Guerrero. Bài báo đăng một tấm hình của ông Vanunu và Guerrero với những chi tiết do Guerrero phóng đại.

Thấy bài báo, ông Mordechai Vanunu nghĩ rằng nỗ lực của ông đã hỏng và tờ Sunday Times sẽ không bao giờ khai thác nguồn tin của ông. Ngày 30/9 Mordechai Vanunu cho Sunday Times biết ông sẽ đi vắng vài hôm. Sáng hôm đó, trong khi tiếp xúc với Sunday Times qua điện thọai Sunday Times cho biết họ đã hoàn tất việc kiểm chứng nguồn tin giá trị của ông và sẽ đăng tải trong số báo ngày Chủ Nhật 5/10/1986 . Rất phấn khởi ông Vanunu hứa với Sunday Times sẽ trở về khách sạn ngày 2/10 kịp trước khi báo phát hành.

Nhưng - như đã biết - ông không bao giờ trở lại ... Mấy hôm sau báo chí tại Do Thái loan tin Mordechai Vanunu đang bị cầm tù tại Do Thái. Chính phủ Anh cho điều tra và không tìm thấy bằng chứng nào Do Thái đã vi phạm chủ quyền của Anh . .. Cho mãi 18 năm sau, khi ông Mordechai Vanunu mãn án tù tại Do Thái thế giới mới có đủ các nét của toàn bộ bức tranh. ** Sau khi Mordechai Vanunu trốn khỏi Do Thái, thủ tướng Shimon Perez ra lệnh cho cơ quan tình báo Mossad của Do Thái tìm cách bắt cóc ông Vanunu mang về Do Thái trị tội. Chỉ thị của thủ tướng Perez là tránh vi phạm chủ quyền của Anh quốc, lúc đó đang có căng thẳng ngoại giao với Do Thái. Cơ quan Mossad cử nữ điệp viên bí danh Cindy, tên thật là Cheryl Hanin, một thiếu nữ Mỹ 25 tuổi tóc vàng xinh đẹp đến Luân Đôn để làm quen với ông Vanunu.

Cindy làm việc cho Mossad trong bộ phận tình báo tại các tòa đại sứ Do Thái ở nước ngoài. Hồ sơ nhân sự cho biết ông Mordachai Vanunu là một thanh niên phóng khoáng, nhiều nghệ sĩ tính. Đến Luân Đôn cô Cindy giả làm một du khách Mỹ chuyên nghề thử nước hoa đến Luân Đôn để trau dồi nghề nghiệp, trong khi bộ phận khác của Mossad tim cách tiếp cận với Mordechai Vanunu. Những ngày ở Luân Đôn chờ Sunday Times kiểm tra thông tin, Mordechai Vanunu thỉnh thoảng đi dạo phố, và cơ quan Mossad đã theo dõi được dấu vết của Mordechai Vanunu. Mossad bố trí Cindy gặp Mordechai Vanunu tại công trường Leicester. Tài tử gặp giai nhân điệu nghệ và nhanh chóng trở nên đôi nhân tình tha thiết.

Nhà báo Peter Hounam được Sunday Times biệt phái theo dõi giúp đỡ ông Vanunu cảnh giác rằng Cindy có thể là điệp viên Do Thái, nhưng ông Vanunu không tin cho rằng Cindy là một người Mỹ gốc Do Thái có khuynh hướng chống vũ khí nguyên tử như anh. Ngày 21/4/2004 trong một cuộc họp báo bất ngờ tại Jerusalem sau 18 năm tù ông Vanunu cho biết trong những ngày dong chơi ở Luân Đôn ông đang bực bội về bài báo “láo lếu” trên tờ Sunday Mirror thì Cindy rủ ông đi Rome chơi vài ngày cho khuây khỏa và ông đã bị bắt cóc tại đó. Mordechai Vanunu thuật lại rằng, chiều ngày 30/9/86 ông và Cindy vừa từ phi trường Rome về tới một căn phòng Cindy nói của bà chị ruột dành riêng cho cô thì ông bị hai người, một Do Thái, một Pháp phục sẵn trong phòng đánh anh gần ngất xỉu, chích thuốc mê vào người rồi dìu anh một cách kín đáo ra xe chạy đến một bờ biển vắng. Một chiếc thuyền máy nhỏ chờ sẵn đưa anh ra một chiếc tàu lớn hơn.


Anh bị xiềng chân tay trên tàu, và sau 7 ngày lênh đênh trên Địa Trung Hải ngày 7/10 tàu cập bến Caesaria Beach tại Do Thái . Mossad đưa anh về nhà tù Shikma ở Ashkelon cách Jesusalem 60km. Báo chí tại Do Thái đăng đầy đủ vụ truy tố Mordechai Vanunu và phiên tòa xử Mordechai Vanunu nhưng không hề có một chi tiết tại sao Mordechai Vanunu đang ở Luân Đôn lại nằm trong nhà tù tại Do Thái. Chính phủ Do Thái xem như Mordechai Vanunu chưa bao giờ ra nước ngoài. Ngày 28/12/1986 tòa xử kín được ghi băng với công tố viên Ouzi Hason và luật sư bào chữa Amnon Zichroni. Ông Amnon Zichroni là một luật sư nổi tiếng tranh đấu cho nhân quyền. Công tố viên Hason kết ông Mordechai Vanunu hai tội. Thứ nhất là gíúp kẻ thù của Do Thái có thể lãnh án tử hình hay 25 năm cấm cố.

Tội thứ hai là tiết lộ bí mật quốc gia có thể lãnh án khổ sai chung thân. Sau khi luật sư Zichroni bênh vực, tòa án tuyên án Mordechai Vanunu 18 năm tù. ** Ông Mordechai Vanunu được phóng thích ngày 21/4/2004 với hai hạn chế: không được rời khỏi nước; thứ hai không được tiếp xúc với người nước ngoài . Hiện nay ông Vanunu vẫn sống tại Do Thái và thỉnh thoảng đụng chạm với pháp luật. Năm 2007 ông bị 6 tháng tù giam về tội kết thân tình cảm với một thiếu phụ người Na Uy. Về phần Cheryl Hanin, sau khi hoàn thành công tác cô sống tại thành phố Netanya ở miền Bắc Do Thái một thời gian trước khi trở về nguyên quán ở Florida, Hoa Kỳ sống với chồng. Cô Hanin tuyệt đối không tuyên bố điều gì với báo chí về điệp vụ của cô.


Cho đến nay Do Thái vẫn theo chính sách “không nhìn, không chối” về kho bom nguyên tử của mình và thế giới cũng nín thinh một cách rất yên ổn cho Do Thái như đó là một phần của chính sách Trung Đông của Liên hiệp quốc . Qua vụ Mordechai Vanunu vào năm 1986 các chuyên viên nguyên tử quốc tế xếp Do Thái vào quốc gia nguyên tử mạnh thứ sáu trên thế giới (sau Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Anh, Pháp, Trung quốc). Do Thái có một kho bom và nhiên liệu dự trữ có thể sản xuất 200 đầu đạn nguyên tử khác .

**

Iran thì sao? Theo dõi hoạt động hiện nay của Iran chúng ta có thể tiên đoán rằng: Iran sẽ chế tạo bom nguyên tử. Và Iran sẽ áp dụng chính sách không nhìn, không chối như Do Thái. Và rồi thế giới sẽ phải chấp nhận thực tế đó. Ngày 29/6/2010 cựu tổng thống Clinton khi trả lời câu hỏi: “Có cách gì ngăn cản Iran chế tạo bom nguyên tử không?” của nhà báo Wolf Blitzer của đài CNN trong chương trình “Situation Room”, ông Bill Clinton trả lời đại ý: Tôi không biết! Người ta có thể đánh phá cơ sở chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran. Nhưng thành công hay không là một chuyện khác và cái giá sẽ không lường trước được./.

Trần Bình Nam July 1, 2010 binhnam@sbcglobal.net www.tranbinhnam.com






*

No comments:

Post a Comment