Pages

Tuesday, July 20, 2010

KHUYẾT DANH * ĐÊM NHẠC PHẠM DUY

*
PHẠM DUY: 'Giấc Mơ Hồi Hương'

Cô Gái Đồ Long

Trong phạm vi nào đó, âm nhạc và chính trị là hai phạm trù đối kháng với nhiều cá nhân coi âm nhạc đơn giản chỉ vị nghệ thuật và không – với những người dùng các sáng tác để ca tụng chế độ mình phục vụ hay bày tỏ chính kiến, quan điểm, tâm trạng về thời cuộc. Và như thế, Phạm Duy là một trường hợp mà hầu như ai cũng tỏ tường lý lịch và không nhất thiết phải mổ xẻ thêm nữa. Ở đây chỉ đề cập tới vài chuyện trong những năm qua khi ông quay về…




Phạm Duy 2005.

Phàm làm người, nhất là một nhân vật văn nghệ đặc biệt như Phạm Duy thì chuyện bỏ đi rồi lại quay về rất có nhiều cái dở nếu bàn về lập trường và quan điểm sống. Ở vào thời điểm tháng 5/2005, khi ông chính thức định cư Việt Nam sau 30 năm tha hương, hầu hết các báo đều hết lời ca tụng, tâng bốc Phạm Duy lên tận mây xanh. Người ta nhắc ông như người bạn thân thiết với nhạc sĩ Quốc ca Văn Cao và cùng Văn Cao sáng tác nhiều ca khúc trong thời kháng chiến chống Pháp, người ta khẳng định chắc nịch lần nữa rằng ông chính là một trong những cây đại thụ hiếm hoi còn lại của nền tân nhạc Việt Nam.

Người ta cũng chỉ nói me mé rằng Phạm Duy đã sáng tác gần 1.000 ca khúc nói lên niềm vui, nỗi buồn, vinh quang, tủi nhục của người Việt trong suốt các thời kỳ sôi động nhất của lịch sử và lờ đi những chuyện phản phé, cũng như tư tưởng chống Cộng công khai của ông trước đây. Báo chí Việt Nam đã làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình, trong xu thế cởi mở xem sự kiện Phạm Duy là động thái lên dây cót cho nhiều Việt kiều vứt bỏ e ngại rào cản mà quay về, ông trở thành nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ.

Nếu nói theo cách khác, Phạm Duy đã trở thành con bài cho công cuộc vận động kiều bào và là điển hình hoàn hảo của chính sách hòa hợp dân tộc.






Trong suốt 5 năm qua, nếu theo dõi sẽ thấy có 70 bài hát, 7 album cùng nhiều sách của Phạm Duy đã được cấp phép, in ấn đẹp mắt xuất bản đến với công chúng, không bỏ bèn gì đối với gia tài của ông. Nhưng, thật là chẳng nên mơ mộng thêm điều gì nếu nhìn qua vài nhân vật cũng có nhân thân khá đặc biệt khác như Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Vũ Thành An – 10 bài Không tên hiện vẫn chưa được phép lưu hành, cho dù nhạc sĩ này nghe đâu đã bỏ đời đi tu.

Công lao đó không thể không nói tới Phương Nam Phim, nơi độc quyền khai thác các sản phẩm trí tuệ của Phạm Duy. Với những live show hoành tráng và nhiều mỹ cảm thực hiện tại Sài Gòn - Hà Nội như Ngày trở về, Con đường tình ra đi…trong đó có chương trình và album còn được để cử giải thưởng Cống Hiến. Ngày nào còn ngồi rung đùi nheo mắt ngắm nắng ở Mỹ có lẽ Phạm Duy cũng chẳng thể mơ được đến như thế! Phạm Duy còn có nhiều trường ca và tổ khúc viết trong 30 năm nay, ông thường ước ao giá được phổ biến nữa thì còn gì bằng.

Mới tháng trước, Phạm Duy tự thực hiện tổ khúc Bên kia sông Đuống để tặng nhà thơ Hoàng Cầm khi bạn già này từ giã thế gian. Ông nhờ Mỹ Linh hát và Duy Cường hòa âm phối khí, xong mang tặng cho gia đình Hoàng Cầm …để lên bàn thờ. Kiểu này gọi là đĩa lậu đây! Khi kể xong chuyện, Phạm Duy còn bảo rằng nếu trước khi ông ra đi như Hoàng Cầm mà nghe được những tổ khúc của mình được công bố rộng rãi trên sân khấu thì đời mới thật mãn nguyện lắm lắm. Làm người ai chẳng tham lam!










Hôm rồi gặp, nghe Phạm Duy tâm sự: “Tôi ngày nào cũng đi bộ 3 tiếng đấy. Khỏe ra lại ăn được nhiều, cô giúp việc nhà nấu ngon lắm. Hiện Duy Minh đang sống với tôi, bố con chuyện trò rất hiểu ý nhau nên tinh thần cũng thoải mái. Buồn thì đi gặp vài người bạn khề khà thôi cũng hết buổi. Lâu rồi tôi không đi qua Mỹ nữa, năm ngoái chỉ sang để chữa bệnh đau ruột, mãn tính chữa mãi không khỏi nên thôi giờ không đi nữa. Tôi đã về Việt Nam 5 năm rồi, đây là nơi cuối cùng tôi chọn để ở và chết, không ưng đi đâu cả…”. Ở tuổi 91 như vậy coi cũng đã bằng an!

Nhưng đó là chuyện cá nhân ông, còn người làm kinh doanh lại không có lệ an phận như vậy, nhất là khi đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc để Phạm Duy được đường hoàng trở về. Trong chừng thời gian đó là live show, các ấn phẩm sách báo rồi băng đĩa…cứ mỗi lần ra mắt, muốn bán vé bán đĩa bán sách thì phải PR, tiếp thị, phải lên báo đánh trống khua chiêng la làng để người ta còn biết đường mà mua hàng. Nếu theo dõi báo chí trong nước, sẽ không khó nhận ra ngoại trừ vài tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ có những mối quan hệ thân thiết với PNF thì các tờ báo mang tính định hướng chính trị - xã hội cao như SGGP, Nhân Dân, Công An sau khi ồn ào với sự kiện “Trở về” của Phạm Duy đã không còn đăng tải tin, bài về ông nữa.

Mọi sự không tự nhiên mà như thế! Còn nhớ sau liveshow “Ngày trở về” tôi có bài review trên một trong những tờ báo đó và kết quả là ban biên tập đã được cấp trên gọi xuống nhắc nhở. Lần khác, khi bão Chanchu tàn phá miền Trung phòng trà Văn Nghệ có kết hợp với báo Công An tổ chức show “Phạm Duy – Về miền Trung” để quyên góp tiền cho nạn nhân lũ lụt. Thế nhưng giờ chót đã phải tháo băng rôn và gỡ tên báo ra vì có lệnh xuống là không được nhắc nhở gì tới Phạm Duy nữa, muốn tổ chức hát hò gì cứ âm thầm mà làm.

Nói như giọng hằn học của ông NSND Trọng Bằng: “Bàn đến Phạm Duy những người chân chính ở Việt Nam đã biết cả rồi, biết Phạm Duy như thế nào trong quá khứ, Phạm Duy có cái gì tốt, cái gì chưa tốt, bản chất của Phạm Duy và giá trị thật âm nhạc của anh người nghe đều hiểu cả. Sự trở về của Phạm Duy là sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, sự rộng lượng của nhân dân ta, nên đừng đặt mình ở vị trí cao, cứ nên im lặng mà làm việc thôi. Có những tác phẩm anh sáng tác đầu kháng chiển rất tốt, bây giờ Cục biểu diễn người ta khuyến khích cho phép anh trở về biểu diễn, thì cứ thế mà cống hiến thôi. Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ.


Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được.

Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta. Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc…”.


Nhưng không ít ý kiến phản biện lại: Đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại. Đã bảo hòa hợp mà sao lại nửa mùa như thế... Và người ta phỏng đoán rồi suy ra rằng: “À, Thì ra họ gia ơn cho về là may mắn lắm rồi!”. Có người còn hài hước qui cho bản chất không thay đổi của mấy anh Việt Cộng với ưu điểm – nhớ dai & khuyết điểm – thù dai. Trong cuộc trao đổi với những nhà văn Mỹ tổ chức tại Việt Nam tháng 6 vừa qua, nhà thơ Nguyễn Duy còn hào hứng nói:“ Vấn đề gì chính trị chưa giải quyết được thì văn hóa giải quyết”. Nhưng hình như đó chỉ là những định kiến và là chuyện nhạy cảm mà hai bên đều mơ mộng sẽ vượt qua được.




Duy Minh.

Về mặt trận báo chí là thế. Nhưng suy cho cùng, Phạm Duy cũng chẳng vì vài bài báo tâng bốc mà nổi tiếng hơn hay cát-xê tăng cao hơn như kiểu thường tình showbiz. Cái quan trọng - mà riêng cá nhân tôi vẫn dõi theo ông, là những ca khúc Phạm Duy viết sau khi trở về đã không còn hay nữa. Đã cố nghe vài bài nhưng thú thật là bây giờ rặn óc mãi vẫn không nhớ nổi cái tựa.

Với Phạm Duy bây giờ chỉ có thể gói gọn lại một câu: Cái mới không hay và cái hay thì lại không mới. Và người ta vẫn cứ say mê những ca khúc đã thuộc về dĩ vãng, bíu lấy cái vầng sáng cũ kỹ kia. Lớp khán giả này hiện đa phần đã lớn tuổi và không hứa hẹn gì nhiều cho tương lai của nhạc Phạm Duy.


Những ngày đầu tuần không yên ả, khi sáng ra hàng chục cuộc gọi tới hỏi về cái lệnh miệng của Ban tư tưởng Văn hóa yêu cầu không cho quảng bá liveshow Mơ giấc mộng dài của Phạm Duy – diễn ra vào hai ngày 17&18 tại nhà hát Hòa Bình cuối tuần này. Mặc dù có tổ chức họp báo nghiêm túc, nhưng coi như Phương Nam Phim đành ngậm đắng nuốt cay khi biết nhiều bài viết đã lên khuôn nhưng bị lột ra. Chưa hết, sáng nay không hiểu từ đâu có nguồn tin đồn: Mơ giấc mộng dài bị hủy show vì không xin giấy phép được, khiến nhà tổ chức xiểng niểng.




Giấy phép tổ chức của Mơ giấc mộng dài.

Kinh doanh tên tuổi Phạm Duy quả là chơi với lửa, đó cũng thể là những chuyện mà có lẽ PNF đã lường được khi quyết định đổ tiền vào ông. Lấy ý tưởng từ ca khúc nổi tiếng Tôi đang mơ giấc mộng dài, xuyên suốt chương trình sẽ là lời tự sự về dĩ vãng, về những cảm xúc đắm say mà những người sống trong tình yêu không bao giờ muốn để mất đi trong đời.

Tất cả nối kết lại thành những giai đoạn của đời người: Tuổi ấu thơ – Tuổi yêu đương – Tuổi day dứt – Tuổi đá vàng. Thực tế hiện nay chỉ mới có 70 ca khúc của Phạm Duy được cấp phép lưu hành, trừ những bài hát trong hai chương trình đã diễn ra, thì muốn chọn lọc trong số còn lại để làm một show mang chủ đề lớn là điều rất nan giải.




Ca sĩ 16 tuổi Xuân Nghi








Các ca sĩ tham gia Mơ giấc mộng dài.



Trong đám đông ca sĩ hiện nay, Phạm Duy đánh giá cao những người hát nhạc ông: Mỹ Linh, Đức Tuấn, Năm Dòng Kẻ, Nguyên Thảo, Khánh Linh và lần này, trong Mơ giấc mộng dài sẽ có thêm vài gương mặt bổ sung vào danh sách là Tấn Minh và Hà Anh Tuấn. Ngoài ra là hai tên tuổi gắn bó nhiều năm với các nhạc phẩm Phạm Duy: Ý Lan và Duy Quang. Giá vé đang bán ở Hòa Bình: từ 300.000 đến 1.500.000 VNĐ.





Với vợ chồng nhạc sĩ Xuân Hùng - chủ PT Văn Nghệ


P/s:
Người ta thường xài hai chữ Nhạy cảm khi muốn từ chối bàn thẳng về một vấn đề có thể gây tác động đến dư luận. Không chỉ Phạm Duy thuộc chủ đề nhạy cảm chính trị, mà gần đây vài nghệ sĩ hải ngoại cũng nằm trong danh sách đó. Ngày 6-6 vừa qua, chương trình Thắp sáng niềm tin – do Ngân hàng ACB thực hiện nhân kỷ niệm thành lập ACB; nhằm quyên góp tiền ủng hộ quỹ từ thiện Chung một tấm lòng. Đêm diễn đặc biệt có mời Ý Lan về hát và mua sóng phát trực tiếp trên HTV7. Tuy nhiên, vào giờ chót Đài truyền hình TP.HCM đã yêu cầu gạch tên Ý Lan ra khỏi chương trình – cùng với lý do trên: nhạy cảm. Do đó, người hâm mộ chỉ có thể xem Ý Lan tại các phòng trà hay những show diễn không ghi hình phát sóng cho đại chúng.





Ông Nguyễn Cao Kỳ chia vui trong tiệc mừng nhà Lý Huỳnh. Kế bên là nhạc sĩ Hồ Bông, người ngồi là NSND Huy Thành và Đoàn Dũng. Chụp ngày 26-6-2010 trong dịp Sách kỷ lục VN công nhận Tây Sơn hào kiệt là Bộ phim Điện ảnh - thể loại dã sử võ thuật, đầu tư quy mô và hoành tráng nhất Việt Nam. Đây cũng là một nhân vật nhạy cảm và không còn được nhắc tới nữa, mặc dù ông vẫn thường xuyên về thăm quê hương. Thật ra, một đất nước giàu mạnh và một chế độ đã vững vàng…người người trên dưới một lòng thì không cần đặt ra lằn ranh giữa nhạy cảm chính trị và văn nghệ thuần túy! Thường thì ta chỉ e ngại những kẻ khỏe - giàu - đẹp hơn mình…Haizaaa!!!

_________________





No comments:

Post a Comment