Pages

Monday, November 22, 2010

BS.HỒ VĂN CHÂM * HUẾ - ĐÀ NẴNG



Minh Vũ Hồ Văn Châm

Perspective Formation of Hue-DaNang Twin Cities

Hue and Da Nang are two cities situated side by side in the middle of Vietnam. Hue is well known as a leading historical and cultural center, whereas Da Nang is famous for its economic potential and international communication role. Organized under the form of twin cities, Hue-Da Nang will be an incomparable political, economical, social and cultural center of Vietnam. Located in the middle, Hue-Da Nang will eradicate the discrepancies between North and South, level off regional diversities and therefore, consolidate the unification of the country. Situated in the intersection of both air and sea international transportation lines, Hue-Da Nang will be the communication nostrils to the ouside world, as well as the gateway to infiltrate and develop Upper Part Indochina and South West China.

Huế là Hóa, là Hóa Châu. Hóa Châu cùng với Thuận Châu là sính lễ vua Chiêm Thành Chế Mân dâng vua Đại Việt Trần Anh Tông năm 1306 để cưới công chúa Trần Huyền Trân.

Hóa Châu ngày đó là giải đất từ sông Bồ đến sông Túy Loan, bao gồm cả hai thành phố Huế và Đà Nẵng ngày nay. Từ nhà Trần trở đi, trãi qua các triều Hồ và Hậu Lê, kể cả thời kỳ Minh thuộc, các vùng đất sau này phát triển thành Huế và Đà Nẵng luôn luôn cùng thuộc về một phân hạt hành chánh. Chỉ từ thời các chúa Nguyễn cho đến ngày nay, Huế và Đà Nẵng mới trực thuộc 2 phân hạt hành chánh riêng rẽ. Tuy vậy, 2 thành phố này có quá trình phát triển khác biệt nhau, do đó có những chức năng lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội khác biệt nhau, đồng thời lại có những mặt mạnh mặt yếu có thể bổ khuyết cho nhau, nên có thể tổ chức thành một phức hợp đô thị vô cùng hoàn chỉnh để trở thành trung tâm địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, của miền Trung và của cả nước.

Năm 1558, niên hiệu Chính Trị năm đầu triều Lê Anh Tông, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đặt hành dinh tại xã Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương. Trấn Thuận Hóa lúc bấy giờ gồm 2 phủ là Tiên Bình và Triệu Phong. Phủ Tiên Bình lĩnh 2 huyện Khương Lộc (Quảng Ninh) và Lệ Thủy, và 2 châu Bố Chính (Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch) và Minh Linh (Vĩnh Linh, Gio Linh). Phủ Triệu Phong lĩnh 6 huyện Vũ Xương (Đăng Xương), Hải Lăng, Đan Điền (Quảng Điền, 1/2 Phong Điền), Kim Trà (Hương Trà, 1/2 Phong Điền), Tư Vinh (Phú Vang, Phú Lộc), và Điện Bàn (Điện Bàn, Hòa vang, Đà Nẵng).


Năm 1570, niên hiệu Chính Trị thứ 13 triều Lê Anh Tông, Nguyễn Hoàng được kiêm lĩnh trấn Quảng Nam, đeo ấn Thuận Quảng Tổng Trấn Tướng quân, đặt quân hiệu là dinh Hùng Nghĩa. Nguyễn Hoàng dời tổng hành dinh sang xã Trà Bát, cũng thuộc huyện Vũ Xương, đồng thời lập dinh trấn Quảng Nam ở Cần Húc (Duy Xuyên ngày nay). Nguyễn Hoàng lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong đặt làm phủ Điện Bàn thống thuộc trấn Quảng Nam, đổi phủ Tiên Bình thành phủ Quảng Bình, phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa.


Năm 1611, niên hiệu Hoằng Định thứ 12 triều Lê Kính Tông, Nguyễn Hoàng sai quân đánh chiếm vùng đất phía nam phủ Hoài Nhơn, đặt làm phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Thế là miền Trung Trung Bộ, từ Quảng Bình đến Phú Yên, được chính thức định hình, nhất thống thành một mối trong tay Đoan Quận công Nguyễn Hoàng. Các cộng sự viên thân tín của Nguyễn Hoàng như Nguyễn Ủ Dĩ, Mạc Cảnh Huống, Tống Phước Trị, đã hết lòng gíúp đỡ Nguyễn Hoàng sửa sang nội trị, biến vùng Thuận Quảng thành nơi phồn vinh an lạc.

Vào lúc bấy giờ, hai trung tâm thị tứ Huế và Đà Nẵng chưa xuất hiện. Cho đến mãn đời, Nguyễn Hoàng vẫn đặt đại bản doanh ở Trà Bát, thuộc huyện Vũ Xương. Đến đời con là Nguyễn Phước Nguyên, năm 1626 mới dời vào Phước Yên thuộc huyện Quảng Điền, và gọi Phước Yên là Chính Dinh, còn Trà Bát thì đổi tên lại là Cựu Dinh. Nhưng địa thế Phước Yên chật hẹp nên Nguyễn Phước Lan năm 1637 dời phủ vào Kim Long thuộc huyện Hương Trà, sát cạnh thành phố Huế ngày nay. Đến năm 1687, Nguyễn Phước Trăn dời phủ xuống Phú Xuân, cũng thuộc huyện Hương Trà, ở góc đông nam Kinh thành Huế ngày nay.


Năm 1713, Nguyễn Phước Chu dời phủ ra Bác Vọng thuộc huyện Quảng Điền. Năm 1739 Nguyễn Phước Khoát lại dời phủ trở về Phú Xuân, bên tả phủ cũ. Như vậy, cho dù Kim Long ngày nay đã nằm bên trong thành phố Huế, chính xác là mãi đến đầu thế kỷ 18 (năm 1739), với việc Võ Vương tám đời trở lại Trung Đô (bát thế hoàn Trung Đô), đô thành Phú Xuân, tức là thành phố Huế ngày nay, mới thực sự dứt khoát là thủ phủ của xứ Đàng Trong. Sau thời kỳ các chúa Nguyễn, nhà Tây Sơn tiếp tục đóng đô ở Phú Xuân.


Năm 1802, Gia Long thống nhất sơn hà, và Phú Xuân trở thành kinh đô của cả nước. Về phần thành phố Đà Nẵng thì sự xuất hiện chậm hơn, chỉ kể từ khi trở thành nhượng địa của Pháp theo hòa ước Harmand năm 1883. Vì là nhượng địa được nhà cầm quyền Pháp gia tâm kiến thiết, lại là cảng biển nước sâu, nằm ở vị trí đầu mối các đường hàng không hàng hải quốc tế, nên Đà Nẵng nhanh chóng phát triển thành một đô thị đông đúc, thay thế vai trò của các cảng Hội An và Thanh Hà để trở thành cửa ngõ của Triều Đình Huế và trung tâm kinh tế thương mãi của miền Trung Trung Bộ.

Bàn về vị thế của một trung tâm thị tứ, các nhà viết sử nước ta xưa nay có những quan điểm không tương đồng khi đề cập đến thành phố Huế. Bỏ qua thời sơ sử mịt mù khi vùng Huế được sử cũ đoán định là bộ Việt Thường, ngay trong thời Bắc thuộc, từ năm 111 trước Công nguyên trở về sau, sử cũ nước ta tỏ ra rất mờ mịt về vùng Huế. Sử cũ không mấy khi đề cập đến vùng Huế trong thời kỳ Nhật Nam (1), thảng hoặc có nói tới thì cũng là nhân dịp nhắc lại những điều trong sử Trung Quốc có liên hệ đến vùng Huế, với những điều nhận định và phỏng đoán sai lầm.


Thí dụ rõ nét là việc tưởng lầm từ sau năm 248 sau Công nguyên khi thành Khu Túc mất về Lâm Ấp, Giao Châu không còn quận Nhật Nam, do đó mà có sự lẫn lộn thành Khu Túc ở Nguyệt Biều phía tây nam Huế với lũy Cao Lao Hạ ở phía bắc Quảng Bình. Đương nhiên là sử cũ đối với vùng Huế thời kỳ Ô Ri (1) lại càng mờ mịt hơn, sai lầm hơn, thí dụ như việc đoán định thành Phật Thệ vào thời Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành, chém vua Xạ Đẩu bắt nàng Mỵ Ê, là Thành Lồi Nguyệt Biều ở Huế. Thực tế lịch sử là Thành Lồi Nguyệt Biều là di tích thành Khu Túc thời Bắc thuộc, và thành Phật Thệ là thành Vijaya (Chà Bàn) ở Bình Định.


Đến khi đứng trên bình diện địa lý nhân văn mà xét đoán thì quan điểm các nhà viết sử và địa chí nước ta trong việc khen chê thành phố Huế lại càng khác biệt nhau. Tác giả Ô Châu Cận Lục là Dương Văn An thì cho rằng thành Hóa Châu rất lớn, núi sông hùng vĩ, hiểm trở : sông lớn ở huyện Đan Điền dòng sông rất xa, đường sông rất dài, miếu cũ Minh Uy chận trên đầu núi, thành lớn Hóa Châu dài đến cửa sông. Tác giả Phủ Biên Tạp Lục là Lê Quý Đôn ca tụng thành Phú Xuân là nơi phồn hoa đô hội : mái nhà nguy nga, đài cao rực rỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm vẽ khéo đẹp cùng cực.

Các sử quan nhà Nguyễn lại càng chủ quan hơn đến độ đại ngôn quá mức. Đại Nam Nhất Thống Chí viết rằng phủ Thừa Thiên là cái Kho Trời (Thiên phủ), và xưng tụng đất Kinh Sư là cái rốn của Trời Đất. Tác giả Việt Nam Sử Lược là Trần Trọng Kim nhận định rằng Huế ở vào một nơi đường giao thông bất tiện. Tác giả Việt Sử Toàn Thư là Phạm Văn Sơn, và hầu hết các nhà sử địa học hiện nay đều có chung quan điểm rằng Huế là một vùng đất nghèo, kinh tế kém phát triển.

Ngoại trừ lời lẽ của các sử quan nhà Nguyễn mang nặng tính chất ước lệ nên không phản ánh thực tế, các quan điểm khác của các nhà viết sử và địa chí nước ta vừa nêu trên đây đều xác đáng. Tuy nhiên, những điều nhận xét này còn thiếu tính chất bao quát nên chưa đánh giá đúng mức các mặt mạnh mặt yếu của thành phố Huế. Thật vậy, sự phê phán chỉ chú trọng đến vị thế của thành phố Huế về mặt kinh tế, lại còn bị giới hạn bởi thế đứng và góc nhìn thu hẹp trong khuôn khổ sinh hoạt xã hội phong kiến nông nghiệp.


Trong thực tế, thế mạnh của thành phố Huế là ở các mặt lịch sử và văn hóa, xuyên qua vai trò chính trị và vị trí chiến luợc của trung tâm thị tứ này từ thời bắt đầu có chính sử cho đến ngày nay. Thật vậy, trước khi trở thành Phú Xuân, tức là Kinh Thành Huế ngày nay, vùng Huế đã là cái nôi của nhiều địa điểm chính trị và chiến lược quan yếu như thành Tây Quyển, thành Khu Túc, huyện Thọ Lãnh, bến Ôn Công, thành Hóa Châu, cửa Tư Dung.

Từ cuối thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, vào đời Tây Hán, thành Tây Quyển ở phía bắc Huế là quận lỵ quận Nhật Nam. Các khai quật khảo cổ năm 1997 đã phát hiện di tích một tòa thành xưa ở làng Thành Trung, huyện Quảng Điền. Còn phải chờ các khảo nghiệm bổ túc để xác định đây là di tích thành Tây Quyển đời Hán, hay đây chỉ là di chỉ của một tòa thành khác do người Tàu hay người Chiêm xây dựng về sau thay thế thành Tây Quyển đã bị vua Lâm Ấp Phạm Văn san bằng năm 347 sau Công nguyên, dưới triều Tấn Mục Đế.

Xa hơn một chút về phía nam là thành Khu Túc, ngày nay còn di tích là Thành Lồi ở làng Nguyệt Biều huyện Hương Thủy. Vào đời Tây Hán, Khu Túc là một trạm trên con đường chiến lược nối quận lỵ Tây Quyển với huyện lỵ Tượng Lâm. Cuối đời Đông Hán, từ khi Tượng Lâm nổi lên tự chủ vào năm 192, Khu Túc trở thành tiền đồn bảo vệ thành Tây Quyển. Năm 248, đời Đông Ngô, Lâm Ấp chiếm thành Khu Túc và sửa sang thành căn cứ quân sự trọng yếu, vừa để làm bàn đạp tấn công Giao Châu, vừa để làm tiền đồn bảo vệ kinh đô Trà Kiệu. Đến đời Tấn, vua Lâm Ấp Phạm Văn xây lại thành Khu Túc bằng gạch với quy mô to lớn.


Thủy Kinh Chú chép rằng thành Khu Túc có chu vi 6 dặm, cao 2 trượng, có mở nhiều lỗ vuông, có 5 tầng gác, có lầu cao 7, 8 trượng, chung quanh có 2 vạn nóc nhà. Từ Khu Túc, năm 347, Phạm Văn tiến ra chiếm Nhật Nam, bắt giết Thái Thú Hạ Hầu Lãm, san bằng thành Tây Quyển, và đắp lũy Bình Chánh để tính chuyện chiếm đóng lâu dài. Năm 349, Đằng Tuấn đem đại quân Giao Quảng phản công, nhưng bị Phạm Văn đánh thua, phải lui về Cửu Chân. Phạm Văn cũng bị thương mà chết, con là Phạm Phật lên thay.


Năm 351, Đằng Tuấn tiến quân chiếm lại Nhật Nam, đuổi Phạm Phật về lại thành Khu Túc, và cắt phần đất phía nam của huyện Tây Quyển đặt thêm huyện Thọ Lãnh (Huyện Phú Lộc ngày nay) để củng cố biên cương phía nam của Giao Châu. Năm 359, Phạm Phật lại ra quấy phá Nhật Nam, khiến Ôn Phóng Chi phải huy động quân thủy bộ vào đánh dẹp. Phạm Phật lại lui về cố thủ thành Khu Túc. Từ đó, hai bên giảng hòa, lấy bến Ôn Công (Mủi Chân Mây) làm ranh giới Giao Châu-Lâm Ấp. Năm 399, con Phạm Phật là Phạm Hồ Đạt lại đánh hãm Nhật Nam, bắt giết Thái Thú Cảnh Nguyên, tiến chiếm Cửu Đức, và bao vây thành Giao Chỉ, nhưng cuối cùng bị Đỗ Viện đánh bại nên lại lui về cố thủ thành Khu Túc.


Đến đời Tống (Nam triều), năm 431, Phạm Dương Mại II đem chiến thuyền vượt biển ra cướp phá Cửu Đức, Nguyễn Di Chi phải cất quân đánh dẹp, và Phạm Dương Mại II lại lui về cố thủ Khu Túc. Những trận đánh vừa kể trên đây đã làm nổi bật vị thế chiến lược của thành Khu Túc trong các vai trò bàn đạp tiến công Giao Châu và căn cứ phòng thủ Lâm Ấp.


Để giải quyết dứt điểm mối hiểm họa này, năm 446, Tống Văn đế sai Đàn Hòa Chi, Tiêu Cảnh Hiến, Tông Xác, Khương Trọng Cơ, Kiều Hoàng Dân đem đại binh chinh phạt Lâm Ấp, hạ thành Khu Túc và tiến chiếm Trà Kiệu. Mất thành Khu Túc, từ đó, Lâm Ấp chịu quy phụ Trung Quốc. Tuy rằng khoảng 100 năm sau, đời Lương, nhân Lý Bôn nổi lên xưng đế ở Giao Châu, Rudravarman (Luật Đà La Bạc Ma) thừa cơ kéo binh ra chiếm Nhật Nam, củng cố lại thành Khu Túc, nhưng chẳng bao lâu, nhà Tùy chiếm lại Giao Châu và năm 605, sai Lưu Phương đem quân hạ thành Khu Túc, chiếm đóng Trà Kiệu, lấy lại đất cũ Nhật Nam, và lấy thêm đất Tượng Lâm đến tận mũi Diều (Varella) đặt quận Lâm Ấp. Từ đó thành Khu Túc biến khỏi vũ đài lịch sử.

Năm 618, nhà Đường lên thay nhà Tùy, nhưng Thái Thú Lý Giao cát cứ vùng Nhật Nam, chống lại nhà Đường. Tuy về sau, nhà Đường hàng phục được Lý Giao, nhưng vẫn không cai trị được Nhật Nam, vì nhân lúc có loạn Nam Chiếu, người Lâm Ấp nổi lên khôi phục đất cũ. Từ năm 758, đời Đường Túc Tông, toàn bộ Nhật Nam trong thực tế mất hẳn về Lâm Ấp (có tên mới là Hoàn Vương). Từ năm 875, nhà Đường dứt khoát bỏ đất Nhật Nam, và gọi nước láng giềng phương nam của Giao Châu là Chiêm Thành (Champapura).

Người Chiêm xây dựng thành Châu Ri (sau này là thành Hóa Châu), hiện còn di tích tại làng Lại Ân, huyện Quảng Điền, gần Ngã ba Sình, để cai trị miền bắc Chiêm Thành. Năm 1307, đời Trần Anh Tông, Đoàn Nhữ Hài đổi tên châu Ri là Hóa Châu, và thành Hóa Châu là lỵ sở của vùng đất trải dài từ huyện Hương Trà đến phủ Điện Bàn, bao gồm cả hai thành phố Huế và Đà Nẵng ngày nay. Vì vị trí chiến lược quan yếu, năm 1391, thành Hóa Châu được Hồ Quý Ly tu bổ đại quy mô, và năm 1402, đường cái quan từng chặn có phố xá, có trạm ngựa, gọi là Thiên lý cù, được thiết lập để nối liền thành Hóa Châu với kinh thành Tây Giai. Vị trí chiến lược quan yếu này đã được tướng nhà Minh là Trương Phụ nêu rõ trong lời thề quyết tử khi tấn công căn cứ địa kháng chiến của nhà Hậu Trần: Ta sống phen này là ở Hóa Châu, ta chết phen này cũng ở Hóa Châu.

Thành Hóa Châu và cửa biển Tư Dung (nay là Tư Hiền) là mũi xung kích của căn cứ địa Thăng Long trong sự nghiệp nam tiến của dân Đại Việt. Các đạo vương sư các triều Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê chinh phạt Chiêm Thành đều cho thủy quân ghé lại Tư Dung trước khi tiến công kinh đô Chiêm Thành là thành Phật Thệ. Cửa Tư Dung nguyên trước tên là Ô Long. Nhân đoàn thuyền đưa công chúa Huyền Trân về Chiêm có ghé lại nghỉ ngơi nên nhà Trần mới đổi thành Tư Dung. Đời Mạc đổi là Tư Khách, qua triều Lê Trung Hưng lại lấy tên cũ Tư Dung. Năm 1841, Thiệu Trị năm đầu, đổi thành Tư Hiền (2). Vua Lê Thánh Tông còn lưu lại bài thơ Tư Dung hải môn lữ thứ:

Lâu thuyền kích cổ đáo Ô Long,
Bách nhị quan hà thử yếu xung.
Liệt chướng huyền nhai thanh xúc xúc,
Kê thiên phách lãng bích trùng trùng.
Tiên triều sự nghiệp truyền di tích
Nam quốc dư đồ nhận cựu phong.
Nạp cấu tàng ô hà hải lượng,
Nhân gian vô xứ bất triều tông.

Đến đời Trịnh Nguyễn, Phú Xuân trở thành thủ phủ và là trung tâm phát triển kinh tế và bành trướng lãnh thổ của Đàng Trong. Kể từ năm 1611, Nguyễn Hoàng sai quân đánh chiếm vùng đất phía nam phủ Hoài Nhơn đặt làm phủ Phú Yên, gồm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đến năm 1744, Nguyễn Phước Khoát lên ngôi vương, rồi lần lượt lấy các đất Tầm Bôn, Lôi Lạp, Ba Thắc, Trà Vinh, đặt các đạo Đông Khẩu, Tân Châu, Châu Đốc, Kiên Giang, Long Xuyên, chỉ trong vòng 150 năm, cương giới phía nam nước ta đã tiến từ đèo Cù Mông đến bờ vịnh Xiêm La, lânh thổ mở rộng gấp 2 lần so với lúc vua Lê Thánh Tông thống nhất Đại Việt với Chiêm Thành năm 1471.

Dưới thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn, công việc tây tiến cũng rất rầm rộ. Ngay từ năm 1613, Nguyễn Phước Nguyên đã đặt dinh Ai Lao gồm 6 thuyền quân tại thượng nguồn sông Cam Lộ để không chế các bộ tộc Lục Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Qui Hợp. Đến đời Minh Mạng thì một số phủ nội thuộc được thiết lập tại Trung và Hạ Lào, và Vạn Tượng trở thành đất bảo hộ. Đối với Chân Lạp, từ năm 1674, Nguyễn Phước Tần đã can thiệp vào nội tình mà chia nước này làm 2, đặt một vua chánh ở Long Úc, và một vua phó ở Sài Côn. Đến đời Minh Mạng thì toàn bộ vùng Biển Hồ trở thành Trấn Tây Thành, gồm 33 phủ và 2 huyện.

Như vậy, từ vai trò xung kích của căn cứ địa Thăng Long, vùng Huế đã chuyển mình trở thành trung tâm phát triển kinh tế và bành trướng lãnh thổ của dân tộc Đại Việt, không những về phương nam mà còn về phương tây, đem cương giới phía tây nước ta đến bờ sông Mêkông và vùng Biển Hồ. Lãnh thổ nườc Đại Nam với kinh đô Huế vào đầu thế kỷ 19, dưới triều Minh Mạng, đã mở rộng gấp 4 lần so với thời Đinh Tiên Hoàng dựng nước Đại Cồ Việt với cố đô Hoa Lư vào thế kỷ thứ 10.

Vùng Huế có bề dày lịch sử và văn hóa vô cùng đồ sộ. Lịch sử vùng Huế trong lòng lịch sử Đại Việt không phải chỉ bắt đầu từ năm 1306 lúc nhà Trần gã công chúa Huyền Trân đổi lấy 2 châu Ô Ri, mà lùi lại rất xa vào thời hồng hoang của đất nước chúng ta khi vùng Huế được sử cũ đoán định là Việt Thường. Sự đoán định này chính xác đến mức độ nào thì còn là vấn đề cần nghiên cứu thêm. Có điều chắc chắn là vùng Huế, từ thời cổ đại, cùng với miền bắc Trung Bộ, là địa bàn giao thoa của 2 nền văn minh Đông Sơn và Sa Huỳnh, và mãi cho tới ngày nay còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hoá của nước Việt cổ.


Đến thời Bắc thuộc, với việc vùng Tượng Lâm nổi lên tự chủ và trở lại với văn hóa Ấn Độ thì vùng Huế là nơi đối đầu của 2 nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, xuyên qua những cuộc tranh chấp dằng co kéo dài hàng mười mấy thế kỷ, giữa Giao Châu và Lâm Ấp, rồi giữa Đại Việt và Chiêm Thành, Chân Lạp, đưa đến kết quả là sự hình thành đất nước và con người Việt Nam ngày nay. Như vậy, thế mạnh của Huế là thế mạnh lịch sử và văn hóa, với vị trí chiến lược của thành Khu Túc thời Bắc thuộc, với vai trò chính trị của thành Hóa Châu thời Trần Lê, với dấu ấn văn hóa của cố đô Phú Xuân thời các vua chúa nhà Nguyễn. Đem so sánh Huế với các trung tâm lịch sử và văn hóa khác thì Huế ngang ngữa với Luy Lâu và Thăng Long, và hơn hẳn Hoa Lư và Gia Định.

Mặt khác, nhiều người nhận xét rằng Huế ở vào một nơi đường giao thông bất tiện, là một vùng đất nghèo, kinh tế kém phát triển. Những điểm này đều rất đúng nếu đất nước cứ đứng mãi một chổ trong khuôn khổ xã hội phong kiến nông nghiệp với các phương tiện sinh hoạt và kỷ thuật hạn chế. Ngày học giả Trần Trọng Kim viết Việt Nam Sử Lược, đường số 1 chỉ rộng 4 mét, đường số 9 là đường đất, và xe hơi ở Huế và ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, phía tây và phía nam Huế, núi non trùng trùng điệp điệp, việc đi lại phải lên đèo xuống ải, quả là khó khăn, bất tiện. Nhưng ngày nay, hầm đường bộ xuyên Hải Vân đã vừa khai thông, chẳng bao lâu nữa xe hơi sẽ qua lại hai chiều (3).


Con đường đèo ngoằn ngoèo quanh co dài 22 kilômét và lên cao 500 mét được thu ngắn chỉ còn 6 kilômét trên cùng một mặt phẳng. Khoảng cách giữa Huế và Đà Nẵng chỉ còn lại tám, chín chục kilômét, không những việc ra bắc vào nam trở nên dễ dàng mà việc giao thương với thế giới bên ngoài thông qua cửa khẩu Đà Nẵng cũng rất thuận tiện. Đường số 9 lại trùng hợp với dự án xa lộ Á Châu nay mai sẽ thực hiện. Đèo Lao Bảo có độ dốc tương đối thấp, và những điểm cao nhất cũng chỉ trên dưới 200 mét, nên những dự án công trình quan yếu như đường xe lửa Đông Hà-Savanakhet được dự trù từ thời Nhật thuộc, và kênh đào Mêkông-Đông Hải do Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp Quốc Trần Minh Tiết (4) chủ trương, đều có thể thực hiện dễ dàng với các phương tiện kỷ thuật tiến bộ hiện thời.


Quốc lộ 1B ngang qua thị trấn A Lưới đang được thi công, đường bộ từ Ngã ba Tuần lên A Lưới đã có sẵn và đã được nâng cấp, nhờ vậy, việc giao thông giữa Huế và Tây Nguyên sẽ rất dễ dàng. Với vị trí nằm ở trung độ bắc nam của Việt Nam, và ở đầu mối hành lang đông tây của bán đảo Đông Dương, Huế vẫn là một địa điểm chiến lược chính trị và quân sự vô cùng quan trọng. Nay mai, với việc hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vừa nói trên đây, Huế sẽ trở thành một trung tâm phát triển kinh tế và xã hội cũng quan trọng không kém : Huế sẽ là đầu mối của việc xâm nhập và khai thông nội địa các xứ Tây Nguyên, Lào và Bắc Thái Lan.

Vai trò đầu mối xâm nhập và khai thông nội địa của Huế sẽ được Đà Nẵng tích cực hổ trợ. Đà Nẵng có thế mạnh về kinh tế vì hậu phương Quảng Nam là một vùng đông dân và giàu sản vật. Đà Nẵng lại là mắt xích quan yếu của hệ thống hàng không hàng hải quốc tế. Đà Nẵng nằm ngay trên đường bay quốc tế A1 là đường bay chính nối liền Tây Âu với Đông Á. Đà Nẵng cũng nằm trên thủy đạo quốc tế nối liền Singapore với Hồng Kông.

Nếu thủy đạo này men theo bờ biển Phi Luật Tân thì lệ phí Hồng Kông (HongKong fee) của Đà Nẵng tương đương với Cam Ranh và Vũng Tàu, và thấp hơn Hải Phòng rất nhiều. Nếu thủy đạo này men theo bờ biển Trung Bộ và đảo Hải Nam thì Đà Nẵng và Cam Ranh nằm ngay trên hải trình, lệ phí Hồng Kông bị triệt tiêu. Đà Nẵng lại là cảng biển nước sâu (cảng Nam Thọ ở mặt đông bán đảo Sơn Chà), thuận lợi hơn các cảng Sài Gòn và Hải Phòng phải đi vào cửa sông.

Tóm lại, hai thành phố Huế và Đà Nẵng có quá trình phát triển riêng rẽ và khác biệt nhau, nên có những chức năng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng riêng rẽ và khác biệt nhau. Thế mạnh của Huế là về mặt lịch sử và văn hóa, nên Huế chủ yếu là một trung tâm chính trị. Thế mạnh của Đà Nẵng là về mặt giao thương và xã hội, nên Đà Nẵng chủ yếu là một trung tâm kinh tế. Duy trì tổ chức từ trước tới nay như là hai phân hạt hành chánh riêng rẽ, Huế và Đà Nẵng, bên cạnh các mặt mạnh không phát huy được hết ưu điểm, đã bộc lộ nhiều mặt yếu không dễ dàng gì khắc phục.

Nhưng nếu kết hợp Huế và Đà Nẵng lại thành một phức hợp đô thị có cùng chung tổ chức hành chánh và quản trị, các mặt mạnh mặt yếu riêng rẽ của Huế và Đà Nẵng sẽ bổ khuyết cho nhau, để biến phức hợp Huế-Đà Nẵng thành một đô thị hoàn chỉnh về mọi mặt. Huế-Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của miền Trung và của cả nước. Nằm ở vị trí trung độ bắc nam củaViệt Nam, Huế-Đà Nẵng là yếu tố cơ bản để kết hợp 3 miền Trung Nam Bắc, san lấp các dị biệt và giải hóa các mâu thuẫn địa phương, củng cố nền móng thống nhất của nước nhà.

Nằm ở vị trí giao điểm các hệ thống hàng không hàng hải quốc tế, Huế-Đà Nẵng là cửa ngõ của Việt Nam mở thông ra giao lưu với thế giới bên ngoài. Nằm ở đầu mối hành lang đông tây của bán đảo Đông Dương, Huế-Đà Nẵng là căn cứ xâm nhập và khai thông nội địa các xứ Tây Nguyên, Biển Hồ, Thượng Hạ Lào, Vân Nam, Miến Điện và Bắc Thái Lan.

Ngày nay sự hình thành các phức hợp đô thị trên thế giới là một hiện tượng phổ biến. Theo với xu hướng đô thị hóa nông thôn, các điểm thị tứ lớn rộng ra và dần dà giáp ranh nhau, đưa đến hệ quả là chung quanh các thành phố lớn là các thành phố vệ tinh ken thành một mạng dày dặc một vài trăm kilômét.

Vùng Los Angeles có bề rộng hơn hai trăm kilômét, máy bay khi đã vào khu vực đô thị này còn phải bay nửa tiếng đồng hồ nữa mới tới phi trường chính. Các khu vực đô thị lớn khác như New York, London, Paris, Berlin, Calcutta, Pekin, Thượng Hải , Tokyo cũng có quá trình hình thành tương tự, nghĩa là có một thành phố trung tâm và hàng chục thành phố vệ tinh vây quanh. Trường hợp hai khu vực đô thị lớn ở gần nhau và có nhu cầu bổ khuyết cho nhau thì vẫn có thể kết hợp thành một phức hợp đô thị có hai trung tâm gọi là đô thị song sinh hay song lập (twin cites) như trường hợp Dallas-Fortworth và Mineapolis-Saint Paul.

Huế và Đà Nẵng cách nhau không tới 100 kilômét theo đường chim bay. Mặc dù giữa Huế và Đà Nẵng có những dãy núi Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân chắn ngang, đường bộ, đường sắt, đường biển giữa hai thành phố vẫn đi lại dễ dàng. Với phương tiện giao thông thô sơ thời trước, câu nói mai Huế xế Quảng vẫn là câu nói cửa miệng của dân gian.

Ngày nay, tuy với phương tiện giao thông vẫn còn lạc hậu, khoảng thời gian đó rút ngắn lại còn vài tiếng đồng hồ. Huống hồ giữa hai thành phố Huế và Đà Nẵng đã có sẵn một chuỗi dài trung tâm thị tứ: Phú Bài, Nong, Truồi, Cầu Hai, Bạch Mã, Cảnh Dương, Lang Cô, Liên Chiểu, Nam Ô. Với việc hình thành mạng lưới giao thông mới chung quanh Huế, với việc hiện đại hóa các tuyến đường sắt đường bộ đã có sẵn, với việc mở mang các trung tâm thị tứ từ Phú Bài đến Nam Ô, chắc chắn việc hình thành trong tương lai Phức Hợp Đô Thị Huế-Đà Nẵng là chuyện hiện thực.

Chú giải

1. Minh Vũ Hồ Văn Châm. Vùng Huế trong lòng lịch sử Đại Việt. Truyền Thông số 8, Tháng 05-2003, C.P. 101 Succ. Jean Talon, St Leonard, Canada H1S 2Z1.

Theo giòng lịch sử, Huế đã trải qua các thời kỳ như sau:

Thời kỳ Việt Thường (Hồng Bàng, Thục, Triệu).

Thời kỳ Nhật Nam (từ 111 trước Công nguyên đến 758 sau Công nguyên).

Thời kỳ Ô Ri (từ 758 đến 1306).

Thời kỳ Thuận Hóa (từ 1307 đến 1558)

Thời kỳ Đàng Trong (từ 1558 đến 1802).

Thời kỳ Kinh Sư (từ 1802 đến 1945).

Thời kỳ Thừa Thiên-Huế (từ 1945 đến nay).

2. Đoàn Khoách. Thắng cảnh Tư Dung. Trong Tuyển Tập Nhớ Huế, số 6, 1994,Võ Văn Tùng chủ biên, 9559 Bolsa Ave, suite D, Westminster, CA 92683, USA.

3. Hầm đường bộ xuyên Hải Vân do liên doanh quốc tế Nippon Koei (Nhật), Louis Berger (Mỹ), và TEDI (VN) xây dựng theo phương pháp NATM của Áo. Khởi công ngày 01-10-2000, thông hầm ngày 07-11-2003.

4. Trần Minh Tiết, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp Quốc. Về chính trị, theo chủ trương trung lập hóa Đông Dương của De Gaulle.

No comments:

Post a Comment