Pages

Monday, November 22, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * NGUYỄN DUY & QUÊ HƯƠNG







NGUYỄN DUY, QUÊ HƯƠNG MIỀN TRUNG & VIỆT NAM

NGUYỄN THIÊN THỤ

Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê Thanh Hóa. Ông vào bộ đội, từng vào chiến trường miền nam và Cao Miên. Ông làm thơ khoảng 1970, đăng trên các tạp chí miền Bắc. Ông đã xuất bản khoảng 13 tập thơ.



TÁC PHẨM
Thơ :
- Cát Trắng (1973); Ánh Trăng (1984);
- Đãi Cát Tìm Vàng (1987); - Mẹ và Em (1987)
Kịch thơ: Em Sóng (1983)
Tiểu thuyết: Khoảng Cách (1986)
Bút ký: Nhìn Ra Khoảng Rộng Trời Cao (1986).



Ông được giải nhất cuộc thi báo Văn Nghệ năm 1973, và giải thưởng thơ năm 1985 với tập thơ Ánh Trăng, là người đầu tiên ở Việt Nam phát hành thơ theo kiểu thi ca cụ thể (concrete verse), hay còn gọi là thị giác thi ca ( visual poetry) của Tây phương như là triển lãm thơ, viết
thơ trên thúng, mủng, tranh giấy dó, lịch đề thơ. . .Tháng 7 năm 1995, ông sang Mỹ du lịch. Tháng 7 năm 200, ông sang Đức diễn thuyết về thơ.
Cũng như đa số nhà thơ Việt Nam hiện nay, Nguyễn Duy đề cao tình yêu. Một số thơ về tình yêu của Nguyễn Duy rất dễ thương:

Bộn bề công việc bấy lâu
hẹn nhau dành dụm cho nhau một chiều
đường nào cũng lắm thương yêu
lối nào cũng đẹp rất nhiều lứa đôi
trong veo là nắng với trời
ngổn ngang thân mến là người với nhau. . .
( Mưa trong nắng, nắng trong mưa)

Trắng trong từng hạt rơi rơi
để cho em nép vào tôi thế này

Trắng trong từng hạt bay bay
để cho tay chạm vào tay giật mình

Sấm chi sấm động thình thình
để cho xa lạ mà thành nhớ nhung. . .
( Đám mây dừng lại trên trời )

Tình yêu trong thơ Nguyễn Duy rất nhẹ nhàng, là một tình yêu xa cách:
Chờ em từ bấy tới giờ
lại làm ra vẻ tình cờ qua đây
tình cờ gió thổi lá bay
hóa ra đã hẹn từ ngày chưa quen

Chao. .. đêm biết đẹp chừng nào
vẫn xin em chớ làm sao giữa trời
sáng hoài mà chẳng có đôi
đẹp như trăng cũng lẻ loi khuyết tròn
(Ca dao vọng về)

Trong tình yêu, Nguyễn Duy là một lữ khách
Sông Thao thêm một lần tôi tắm
thêm một lần tôi đến để rồi đi
gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng
tôi nhìn em để không nói năng gì

Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ
để mang về cái nhớ bâng quơ
xin chớ hỏi tại làm sao như vậy
tôi vốn không rành mạch bao giờ

Em dưa tiễn, bước chân gìn giữ lắm
hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê
yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé
giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về ( Sông Thao)

Bài thơ viết 31- 12- 1996 tặng cô Ea Sola là một suy nghĩ về tình yêu, ông cho rằng yêu là phiêu lưu:
Xin em đừng nản lòng yêu
Tình tang là cuộc phiêu lưu tuyệt vời.
Xin em đừng ngán cuộc chơi
Phiêu lưu đã nhất trần đời là mơ
Xin em đừng mỏi mong chờ
Phiêu lưu tới bến tới bờ còn xa.
( Bài ca phiêu lưu)

Trong thơ, Nguyễn Duy trình bày một số suy tư về chiến tranh. Ông là bộ đội, sống trong chế độ cộng sản nhưng ông hơi xa cách với lý luận cộng sản. Ông không nuôi căm thù, ông không muốn giết người lập công:
Đứng lại!
nó vẫn chạy trước tôi ba bước
nó thằng biệt động quân non choẹt
ngón tay tôi căng thẳng trên nấc cò
băng đạn AK va bụng tôi tấm tức
chỉ cần nửa tích tắc
không! Một phần mười tích tắc
ngón tay tôi tôi khẻ nhích nửa li
thì hắn không được làm người nữa
- Đứng lại!
hắn vẫn cắm cổ chạy. . .
băng đạn đập bụng tôi tấm tức
đập mạnh hơn là ý nghĩ trong tôi:
' Giết hắn dễ thôi
cứu hắn sống đời người - mới khó. . .'
nghĩ đó nâng tôi vượt lên
vượt lên. . .
vượt lên. . .
với tất cả sức mình
bắt được hắn
đứng lại . . .
( Đứng lại)


Cộng sản dạy căm thù và chém giết. Bài này, Nguyễn Duy viết năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị, bày tỏ lòng nhân từ, không muốn giết người. Trong ba cách ở chiến trường, bắn hạ, thả hay bắt sống. Anh đã chọn bắt sống đối phương. Bởi vậy, Hà Nguyên Trừng, trưởng ban tuyên huấn trung ương viết báo phê bình bài này là theo tinh thần chủ nghĩa nhân đạo chung chung. Nguyễn Duy cũng đã sang chiến trường Kampuchia, năm 1989, khi rút lui, ông viết:
Ta mặc niệm trước Ăng- co đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình!
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại.
( Đá ơi)

Nguyễn Duy là một trong số ít người nhận thức được cái phi lý của chiến tranh. Chiến tranh xâm lược cũng như chiến tranh giải phóng đếu tàn ác như nhau. Có lẽ Nguyễn Duy thuộc hạng người yêu hòa bình, không thích chém giết, và ông đã hiểu những tàn bạo, dã man của chiến tranh mà người ta dán nhãn hiệu giải phóng, tự do, nhiệm vụ quốc tế, và nỗi khổ của nhân dân dưới bom đạn và lừa dảo. Ý nghĩ của ông là hoàn toàn trái với quan điểm của đảng cộng sản về giải phóng miền Nam, giải phóng Kampuchia, vì ông không có cái vui mừng chiến thắng như những người khác. Ông cho rằng chiến tranh Trung Việt năm 1979 là một khôi hài đẫm lệ giữa A Qui và Chí Phèo. Mười năm sau trở lại Lạng Sơn, ông viết:
Trớ trêu nỗi Hữu Nghị quan
Giá như máu chẳng lênh loang mặt đèo.
A Qui túm tóc Chí Phèo
Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua
(Lạng Sơn 1989)

Ông cũng làm thơ hài hước để chỉ trích cuộc đời. Ông theo nghệ thuật châm biếm của ca dao:
Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi
Người cười nói xúc phạm người ngậm tăm
Siêng làm xúc phạm phàm ăn
Kẻ đi xúc phạm người nằm dài lưng.
( Xẫm ngọng )
Tuy nhiên thơ Nguyễn Duy là ca dao hiện đại, nó có cái cười nhẹ nhàng, hóm hỉnh:
Từ trong chủ nghĩa chui ra
Vươn vai một cái đảng ta chui vào.

Bác Hồ nằm ở trong lăng
Nửa đêm thức dậy nghiến răng một mình
Cháu con ăn nói linh tinh
Đem cả tên mình gọi cá dưới ao
( Ao cá bác Hồ )

Chúng ta bắt gặp nụ cười hài hước của ông trong nhiều bài thơ. Nguyễn Duy làm thơ xã hội. Ông đã tả cuộc sống Việt Nam ở thành thị. Đó là cảnh cơm hàng quán chợ , mà ngày nay người ta gọi là 'cơm bụi'. Đây là một biến thái của xã hội chủ nghĩa đổi mới. Trước đây những hàng quán cá thể bị đuổi khỏi cuộc đời, nay với chủ trương mở cửa, các món ngon của 36 phố phường Hà Nội lại ào ào xuất hiện. Ông có cái giọng hài hước nằm sẵn bên trong:

Xa nhau cực nhớ cực thèm
Ai về Hà Nội gửi em đôi lời
Cô đầu thời các cụ chơi
Ta nay cơm bụi bia hơi tà tà
Lò mò Cẩm Chỉ, Bắc Qua
Mà coi giai gái vặt quà như điên
Tiết canh hàng Bút, hàng Phèn
Bún xuôi Tô Lịch, phở lên Hàng Đồng.
( Cơm bụi ca)

Việt Nam trải qua nhiều cơn khủng hoảng. Trưóc 1985 là khủng hoảng thiếu. Sau 1985 là khủng hoảng thừa. Hàng quán nổi lên ào ào, phong trào thể thao cuồn cuộn, xuất bản sách tới tấp, xổ số mọi ngày mọi nơi và đặc biệt là thi hoa hậu mọi ngành mọi kiểu. Nguyễn Duy đã cười cợt:
Ta dán mắt vào lỗ lồi lõm mỹ học,
Nét đẹp sinh thành từ đường cong
Nhan sắc phô phang cái lý luận của nó
Tài năng đừng hòng mà chen ngang
Cả vô thức, ý thức đều bị loại
Cuộc thi dành cho những gì trời cho
Người thi người còn ta thi nhìn
Khán giả buông lơi cái nhìn thành thực
Ban giám khảo có vẻ nhìn nghiêm túc
Nhà giáo dục nhìn he hé mắt
Nhà chức sắc nhìn nghiêng
Nhà phê bình nhìn xiên. .
(Hoa hậu vườn nhà ta)

Ông vạch ra những vấn đề của Việt Nam. Bài Kim mộc thủy hỏa thổ là những lời phê phán chế độ một cách kín đáo. Ở đâu, ông cũng thấy có nhiều vấn đề, nhất là vấn đề xã hội, về chế độ mà ông đang sống. Ta cũng gặp ở đây một vài châm biếm:
Nón hành khất ngã vấn đề xó chợ
trẻ lang thang vấn đề bụi đời
Lổn nhổn hành tinh vấn đề đẻ và đói. . .
. . . . . . . . .
Vấn đề nước cầm đầu lũ lụt
vấn đề lửa thủ phạm hỏa hoạn. . .

Ông là thơ, ông bất mãn chế độ kìm kẹp văn học nghệ thuật của cộng sản cho dù lúc này cộng sản đã có phần dễ dãi:
Ta khao khát tiếng hát dun dế
Không kiểm duyệt không biên tập
Rộng hơn nữa, ông mơ ước tự do:
Ta cần sống và cần đủ thứ
cần dinh dưỡng cần khí thở
cần giấc mơ nõn ngọn rau xanh
. . . . . . . .
ta ao ước cái bay chim chóc
không hộ chiếu không biên giới
Ông cho rằng Việt Nam là một nước có 'những bất ổn đầy rẫy', thiếu những lãnh đạo tài giỏi mà lại có quá nhiều kẻ gian tham, nhũng lạm:
Khủng hoảng thiếu thần linh
Khủng hoảng thừa yêu quái

Ông gọi cán bộ đảng là vĩ nhân tôm cá vì bọn họ đa số thiếu văn hóa, thường tuyên bố những lời thô bỉ và trắng trợn, và chuyên môn hành động gian dối, xảo quyệt:
Ta nhờn nhợn cái há mồm vĩ nhân tôm cá
Khạc đủ đồ nghề thằng nọ con kia
Ta mặc cảm cái đèn điện không có điện
Lủng lẳng trần nhà thường làm ta giật mình
Ta ngan ngán bóng quan hoạn giả thiến giả đạo
Vừa ăn hoa hồng vừa xơi hoa đào
Những phường buôn cứt bán chó
Nợ khó đòi thì làm gì nào. . .

Ông đã thẳng thắn phê bình đảng cộng sản đã tôn vinh những thần tượng giả:
Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên thum thủm cả tim gan
Thần tượng thì là thần tượng giả, xứ sở
thì nghèo nàn
mà khoe là xứ sở phì nhiêu:
Thời hậu chiến ta vẫn người trong cuộc
Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày!

Cộng sản cũng như bọn tôi tớ hoan hô chính sách đổi mới của Nguyễn Văn Linh. Nguyễn Duy không còn tin ở cộng sản, ông nghi ngờ, đặt câu hỏi:
Đổi mới thật chăng hay giả vờ đổi mới
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng ?

Thời Nguyễn Duy là thời mở cửa, tư bản vào đầu tư, người ta kinh doanh thân xác và bán tổ quốc từng phần:
Bước nhảy nảy tư duy thị trường
kinh doanh xác mình dù giá thậm rẻ mạt

quạ có mua ta bán trọn gói
hoặc bán từng phần trước khi thối rửa hết

cú có mua ta ta chấp nhận hạ giá
chấp nhận cho trả góp từng phần

như kiểu bán từng phần rừng bể núi sông
từng khúc ruột đất từng mẫu mặt bằng
từng miếng địa ốc

thời buổi thị trường mọi việc đều có thể
có thể nước này mua trọn nước kia

có thể lập những tập đoàn siêu quốc
những quốc gia mất nước từng phần

cái xác ta thì có nghĩa lý gì
ta tự tháo khớp và ta tự bán

Bài thơ này ông viết năm 1991, đăng Cửa Việt năm 1992. Vì bài Xông đất nhà thơ Tố Hữu của Phùng Quán, và có lẽ cũng vì bài này nữa, báo Cửa Việt bị đóng cửa như là một khuynh hướng muốn chấm dứt cởi trói cho văn nghệ! Sự phê bình của ông thì mù mờ, không rõ ràng quyết liệt như Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt.

Tuy nhiên, trong thơ Nguyễn Duy ta cũng thấy có những giọt nước mắt, những nỗi buồn cho ông và cho quê hương. Nguyễn Duy cũng viết về thôn quê, nơi ông đã từng sinh ra và trưởng thành. Chúng ta nên biết cộng sản đã từng tốn bao bút mực để tuyên truyền cho hợp tác xã, cho chính sách cải cách ruộng đất, chia đất cho dân nghèo, nào hứa hẹn sẽ tiến lên cày máy thay trâu, nào xóa đói giảm nghèo, nào tiến lên gấp năm gấp mười tư bản. Thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười lần xưa! Nhất là nghe những báo cáo hàng năm của tỉnh, của trung ương, ta cứ tưởng đất nước ta nay gần đụng nóc nhà trời! Thực tế thì sao? Cuối cùng thì được gì? Thân phận người nông dân có khá hơn thời trước không? Nguyễn Duy đã trả lời câu hỏi này qua thơ của ông. Bài thơ Về Làng của Nguyễn Duy là một đặc khảo về nông thôn Việt Nam, là những bức tranh nhỏ về Thanh Hóa, quê hương ông.
Thực tế vẫn là nghèo, cái nghèo muôn thuở :
- Gian ngoài thông thống gian trong
Suốt đời làm lụng sao không có gì?
- Đường làng cây cỏ lưa thưa
Thanh bình từ ấy sao chưa có gì?
- Mồ hôi đã chảy ròng ròng
Máu và nước mắt sao không có gì?

Sinh hoạt xã hội vẫn như xưa, không hề có tiến bộ, vẫn 'con trâu đi trước cái cày theo sau', và những lời hứa hẹn của đảng về một đất nước hiện đại chỉ là những truyện thần tiên cổ tích. Khi bước chân về đầu làng cho đến khi bước vào nhà, ở đâu cũng cũ càng như muôn năm trước:
- Gốc cây, hòn đá cũ càng
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm xưa
- Mẹ ta vo gạo thổi cơm
Ba ông táo sứt lửa rơm khói mù
Nhà bên xay lúa ù ù
Vẫn chày cối thậm thịch như thuở nào
- Vẫn đồng cạn, vẫn đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa.
Trong chuyến về quê, tác giả cảm thấy buồn nhiêu hơn vui:
Ngọt ngào một chút men quê
Cay tê cả lưỡi, đắng tê cả lòng!
Nguyễn Duy buồn vì thấy mình bất lực, không làm gì cho gia đình, cho làng xóm:
Ta đi mơ mộng trên trời
Để cha cuốc đất một đời chưa xong.

Ngoài ra thơ Nguyễn Duy cũng biểu hiện tình gia đình là một tình cảm đã bị bỏ quên trong thi ca và cuộc đời, nhất là trong xã hội chủ nghĩa trung với đảng, hiếu với dân, yêu tập thể, từ bỏ cá nhân chủ nghĩa !
Ông viết về Mẹ rất chân thành:
Bần thần hương huệ thơm đêm,
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao độI đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa.. .
( Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa )
Ông hoài niệm bà ngoại của ông khi ông trở về quê ngoại tháng 9-1983:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
. . . . . . . . .
tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
. . . . . . . . .
tôi đi lính lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
( Đò Lèn)

Ông cũng bày tỏ lòng thương yêu người vợ đảm đang của ông bị bệnh sụt xương sống năm 1993 bằng những vần thơ mộc mạc chân tình:
Nghìn tay nghìn việc không tên,
Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng
Thình lình em ngã bệnh ngang
Phang anh sất bất sang bang sao đành
Cha con chúa chỗm loanh quanh
Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia
Việc thiên việc địa việc nhà
Một mình anh vãi cả ba linh hồn. . .

Nguyễn Duy khá thành thục thơ lục bát. Tình cảm của ông nhẹ nhàng. Thơ ông đặc sắc ở chỗ trào phúng. Lời thơ và hình ảnh không đẹp. Chùm thơ viết ở Hoa Kỳ là những bài thơ nhạt nhẽo:
Người xe như suối tuôn xe
Nhà khe như núi đá khe tầng tầng
Vĩa hè viễn xứ chồn chân
Leo lên vỗ vỗ tượng thần tự do
( Lục bát New York)

Nhong nhong ngựa ông lên trời
đánh đu mấy gã cô bồi chân mây
Vợ trời trắng nõn múa may
cúi trông miền hạ thương bầy bò hoang
(Lục bát Texas)

Đôi khi thơ ông 'hiện đại hóa' quá cho nên mất tính cách thơ mộng:
Bao giờ cho tới ngày xưa
Yêu như các cụ cho vừa lòng ta
Cái thời chưa nhiễm si đa
Yêu lăn yêu lóc la đà đã chưa
( Được yêu như thể ca dao)
Quả đất nóng dần lên
Tầng ô zôn có vấn đề gì đó.
( Kim mộc thủy hỏa thổ)

Nguyễn Duy đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam đã trưởng thành trong giai doạn 1954-1975. Phần đông không xuất sắc. Nguyễn Duy cũng như các nhà thơ xưa nay
thường viết về tình yêu nhưng thơ Nguyễn Duy loại này không nổi bật Thơ ông là thơ châm biếm nhẹ nhàng. Đây là một sắc thái đặc biệt của ông trong văn học hiện đại.


Nói chung, thi ca thời này đã chia ra hai khuynh hướng rõ rệt. Đó là khuynh hướng tuyên truyền và khuynh hướng đối kháng. Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu thuộc lớp cán bộ tuyên truyền cho cộng sản. Nguyễn Bính cũng có thời chống đảng. Đa số thi sĩ chống đảng như Hữu Loan, Phùng Quán, Phùng Cung, Lê Đạt, Hoàng Cầm đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm đòi tự do, dân chủ. Một khuynh hướng nữa là khuynh hướng lãng mạn. Các đảng viên cao cấp có đặc quyền làm thơ lãng mạn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thanh Tịnh. . . Tuy nhiên trong dòng văn học
đối kháng, những nhà thơ này vẫn sáng tác thơ lãng mạn bởI vì lãng mạn là một khuynh hướng lớn trong văn học Việt Nam và thế giới mặc dầu cộng sản muốn bóp chẹt nó.



Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh là tay đàn, tay súng trong văn học hiện đại. Thi ca đối kháng rất hùng mạnh và mới mẽ, được nhân dân và các văn nghệ sĩ khen ngợi, và yêu mến. Một hình thức khác của văn học đối kháng là thi ca châm biếm. Loại này rát hiếm, Nguyễn Duy đại diện cho khuynh hướng này.

Trích Nguyễn Thiên Thụ. Văn Học Hiện Đại


TRÍCH THƠ NGUYỄN DUY

Thơ tặng người ăn mày

Tác giả: Nguyễn Duy

Ăn mày là ai? ăn mày là ta
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày

(Ca dao)

Sân ga Thanh Hóa chiều mưa đổ
một người mẹ dắt con
một em bé mắt tròn đen lay láy
một bàn tay run run chìa ra đấy
một thều thào như với riêng tôi:
“ơi các ông, các bà, các anh, các chị
ai làm ơn nuôi cháu nên người?”

Trả lời thế nào với cái nhìn đen láy
với bàn tay run run chìa ra đấy?
tôi nhận ra bàn tay vàng móng ấy
tay cấy cày làm hột gạo nuôi tôi

Bây giờ đồng trắng nước trôi
bàn tay chìa vào mặt tôi gấp gáp
hay là chính mẹ tôi từ trong đất
dắt đất lên để thử lòng tôi chăng?

Tôi giấu mặt vào giữa đám đông
tay lần mãi cái hầu bao rỗng lép
chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp
trả vào cái lòng tay trũng như đồng chiêm
đang ngửa lên?

Nhận về nuôi giúp mẹ đứa bé em?
chữ nghĩa tôi không sàng thành gạo
trong túi chỉ còn lạo xạo dăm bài thơ

Như đứa con bất hiếu tôi quay đi
xin nhận lấy tròn đen hai con mắt
hai con mắt trẻ thơ thành hai con ong đất
đào thịt chui vào ngực tôi

Hai con ong tôi xin tự nguyện nuôi
để cho mũi nọc ong độc địa
xâm lên vách tim tôi một dòng mai mỉa:
“cảm ơn lòng nhân ái của nhà thơ”

(Quê nhà, vụ lụt năm Quý Sửu – 1973)


Nhìn từ xa… Tổ Quốc!

[...]

Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng

[...]

Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường

[...]

Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công

Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc

Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Ðạo Chích thành tôn giáo phổ thông

[...]

VỀ LÀNG
Nguyễn Duy

Làng ta ở tận làng ta
mấy năm một bận con xa về làng
gốc cây hòn đá cũ càng
trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay

Cha ta cầm cuốc trên tay
Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
Lưng còng bạc nắng thâm mưa
bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì
Không răng… cha vẫn cười khì
rượu tăm còn để dành khi con về

ngọt ngào một chút nem quê
cay tê cả lưỡi đắng tê cả lòng
Gian ngoài thông thống gian trong
suốt đời làm lụng sao không có gì
không răng… cha vẫn cười khì
người còn là quý xá chi bạc vàng

Chiến tranh như trận cháy làng
Bà con ta trắng khăn tang trên đầu
vẫn đồng cạn vẫn đồng sâu
chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Đường làng cây cỏ lưa thưa
thanh bình từ ấy sao chưa có gì
không răng… cha vẫn cuời khì
giàu nghèo có số nghĩ chi cho buồn


mẹ ta vo gạo thổi cơm
ba ông táo sứt lửa rơm khói mù
nhà bên xay lúa ù ù
vẫn chày cối thậm thịch như thuở nào
Lũ em ta vác cuốc cào
giục nhau bước thấp bước cao ra đồng
mồ hôi đã chảy ròng ròng
máu và nước mắt sao không có gì


Không răng… cha vẫn cười khì
đời là rứa kể làm chi cho rầu
cha con xa cách đã lâu
mấy năm mới uống với nhau một lần…
Ruột ta thắt mặt ta nhăn
Cha ta thì cứ không răng cười cưòi
Ta đi mơ mộng trên trời
để cha cuốc đất một đời chưa xong
Nguyễn Duy


No comments:

Post a Comment