Pages

Sunday, November 7, 2010

PHẠM HUẤN * MỘT NGÀY Ở HÀ NỘI





TÁC GIẢ





PHẠM HUẤN (1937-2005)

Phạm Huấn tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt năm 1956 và Trường Đại Học Quân Sự năm 1963. Ông cũng từng theo học các trường quân sự tại Hoa Kỳ như Infantry School (Fort Benning, Georgia) năm 1958, Civil Affairs School, (Fort Gordon, Georgia) năm 1962, và Special Warfare School (Fort Braggs, North Carolina) năm 1965.cũng là một nhà báo quân đội kỳ cựu thời VNCH, đã từ trần hôm 21-10-2005 tại San Jose, California, thọ 68 tuổi.

Từ những năm trước 1975, nhà báo Trung tá Phạm Huấn từng ở trong bộ biên tập Diều Hâu và là chủ tịch Hội Phóng Viên Chiến Tranh Việt Nam. Ông cũng phục vụ trong tư cách thành viên Ban Liên Hiệp Quân Sự 4 Bên và 2 Bên, đặc trách về báo chí sau khi Hiệp Định Ba-lê đứợc ký kết vào năm 1973, và sau thực hiện chuyến đi Hà Nội về vấn đề trao trả tù binh các bên.

Bút ký “Cuộc Triệt Thoái Cao Nguyên 1975” của Phạm Huấn là một trong những quyển sách được bán chạy nhất tại hải ngoại. Qua cuốn sách này, độc giả biết được nhiều bí mật trong cuộc rút quân của Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Cao Nguyên (Vùng 2 Chiến Thuật) cũng như “Quyết Định Cam Ranh” ngày 14, Tháng Ba năm 1975 của các tướng lãnh Miền Nam Việt Nam đưa đến sự suy sụp tinh thần của quân lực Miền Nam Việt Nam, và cuối cùng là sự tan rã của Việt Nam Cộng Hòa.

Phạm Huấn là bào đệ của cựu Đại Tá Phạm Hậu, tức thi sĩ Nhất Tuấn, nguyên Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã của Việt Nam Cộng Hòa và là bào huynh của ông Phạm Long, một phóng viên kỳ cựu, và mới đây là xướng ngôn viên Đài Little Saigon Radio, ở Orange County.

HÀ NỘI SAU 19 NĂM

Thiếu tá Phạm Huấn, thiếu tá Đinh Công Chất, thiếu úy Dương Phục, 3 sĩ quan QLVNCH đầu tiên, thành viên của ban liên hợp quân sự 4 bên đã đi Hà Nội để quan sát vụ trao trả tù binh Mỹ ngày 18-2-1973. Ba sĩ quan trên là những người đã ở Hà Nội nhiều năm, và nay trở lại Hà Nội để thấy sự tiêu điều, buồn thảm của Hà Nội. Thành phố Hà Nội còn nguyên vẹn, nhưng gần 20 năm dưới chế độ Cộng Sản, Hà Nội 36 phố phường của những ngày trước năm 1954 không còn nữa; hay nói cách khác Hà Nội của chúng ta, của những người không Cộng Sản, đã chết thật.

Thiếu tá Phạm Huấn và thiếu úy Dương Phục trong hơn một giờ đồng hồ đã cho biết rất nhiều hình ảnh của Hà Nội ngày nay trong cuộc mạn đàm với các văn nghệ sĩ. Chương trình này được đài Saigon truyền đi tối thứ hai 19-2-1973. Dưới đây là các chi tiết trong chuyến trở lại Hà Nội của ba người Việt Nam tự do đầu tiên trong cuộc hành trình đặc biệt.


Hà Nội bài hát của Hoàng Dương là Hà Nội 20 năm trước, Hà Nội của một triệu người rời bỏ vào năm 1954, Hà Nội với những tà áo màu tung gió, với những tiếng guốc reo vui. Hà Nội mà những người đứt ruột bỏ đi, đã nuôi nấng một mong ước, giữ chặt một niềm tin, Hoàng Dương đã nói trong bài hát của ông : “hãy tin ngày ấy anh về”. Hà Nội 36 phố phường, Hà Nội mà nhạc sĩ Trần Văn Nhơn của chúng ta đã gọi là “Trái tim của Việt Nam”, Hà Nội mà với mùa thu cuối cùng ta bỏ đi xanh xao như mất máu đó, Hà Nội bây giờ ra sao ?

Trong hai mươi năm chiến tranh tàn phá, trong hai mươi năm người Hà Nội bỏ đi, hai mươi năm Hà Nội sống dưới chế độ Cộng Sản cái trái tim của Việt Nam đó đã đập như thế nào, những Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Bẩy Mẫu có những gì thay đổi. Người Hà Nội bây giờ sinh sống ra sao, trong phóng sự này chúng tôi xin mời quý vị độc giả trở lại Hà Nội, nhìn lại Hà Nội qua những tiết lộ của thiếu tá Phạm Huấn và thiếu úy Dương Phục, hai trong số ba sĩ quan VNCH đầu tiên đã đáp máy bay ra Hà Nội dự cuộc phóng thích tù binh ngày 18-2-1973.

Hỏi : Thưa anh Phạm Huấn, hôm chúa nhật vừa qua, anh là một trong những người Việt Nam tự do đầu tiên đã ở Hà Nội, trở lại Hà Nội, xin anh cho biết cuộc hành trình từ Saigon đi Hà Nội như thế nào và anh đã ghé những đâu ở Hà Nội?



Đáp : Trước hết, tôi phải nói ngay với các anh, đối với những người khác thì chuyến đi vừa qua người ta có thể nói là ra Bắc hay ra Hà Nội, nhưng đối với tôi một người từng sống ở Hà Nội nhiều năm, thì tôi gọi đó là một chuyến trở về Hà Nội. Tôi được lệnh đi vào lúc 10 giờ sáng ngày 17-2-1973, sau khi sửa soạn cũng như thông báo cho một số bạn bè thân của tôi, dù biết trước giờ khởi hành là 5 giờ sáng 18-2-1973, nhưng tôi đã vào căn cứ Tân Sơn Nhất lúc 10 giờ đêm để ngủ tại đó. Khoảng thời gian từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng tôi chỉ chợp mắt được hơn một tiếng đồng hồ, còn lúc nào cũng trằn trọc nghĩ đến chuyến trở về Hà Nội của mình. Cũng nói thật với các anh đây là chuyến đi đặc biệt, bất ngờ và kỳ thú nhất trong cuộc đời của tôi. 5 giờ sáng thì các phái đoàn tới Tân Sơn Nhất, và đúng 5g30 máy bay cất cánh.


Chúng tôi trở về Hà Nội bằng chiếc C130 của không lực Hoa Kỳ, sau 3 giờ rưỡi bay thì tới phi trường Gia Lâm của Hà Nội. Đây là một chuyến đi rất sớm cho nên những người khác thì đều ngủ, nhưng tôi và hai sĩ quan Việt Nam khác thì hầu như không có phút nào chúng tôi nhắm mắt được, bởi vì, lòng lúc nào cũng bồi hồi xúc động và chỉ mong cho sớm đến Hà Nội.
Chúng tôi đến phi trường Gia Lâm lúc 9 giờ sáng. 9 giờ trong Nam tức là 8 giờ ở ngoài Bắc.
- Khi anh tới phi trường Gia Lâm, anh có thấy phi trường và nhà cửa chung quanh bị hư hại nhiều không ?

- Phi trường Gia Lâm bây giờ, sau những trận mưa bom của HK trước đây, nhà ga chính bị sập một góc cũng như phi đạo đầy những vết bom mới được sửa chữa tạm. Tôi nhìn thấy ở một góc phi trường có vài ba cái máy bay tương tự như loại DC3, tức là C47 của quân đội mình, các máy bay dân sự hầu như không có một cái nào hết. Chúng tôi ở đó khoảng một giờ đồng hồ và đến buổi chiều khi trở lại Gia Lâm dự lễ phóng thích tù binh, cũng không có một máy bay nào khác hơn mấy cái máy bay của Hoa Kỳ, trong đó có một chiếc C141 đón tù binh.


- Từ Gia Lâm anh về Hà Nội bằng xe gì ?
- Chúng tôi di chuyển bằng loại xe bus nhỏ, tương tự như xe Air Việt Nam để chở các phi công và nữ tiếp viên của mình ở Saigon.

- Tôi xin lỗi được cắt ngang câu trả lời của anh để hỏi thêm anh về hình ảnh của thị trấn Gia Lâm tức khu vực mà anh từ phi trường Gia Lâm qua đó lên cầu Long Biên về Hà Nội đó ?
- Thị trấn Gia Lâm hiện bị ảnh hưởng rất nặng sau các vụ không tập phi trường Gia Lâm trước kia, khu vực này hoang tàn sụp đổ. Những thửa ruộng hai bên đường từ thị trấn Gia Lâm về tới Sông Hồng đầy những hố bom, các cơ sở quân sự, theo tôi biết, đã bị tàn phá rất nặng.


- Ở ngay cuối thị trấn Gia Lâm tức là cái dốc nối liền cầu Long Biên, ngày xưa có một nhà máy rượu, thời kỳ người Pháp ở Việt Nam, họ dùng đó làm trụ sở phòng Nhì. Bây giờ nhà máy rượu đó họ làm rượu trở lại hay vẫn là cơ quan Quân Sự và có bị oanh lạc không ?
- Thưa anh, tôi không có nhận rõ, nhưng các sĩ quan Bắc Việt chỉ cho tôi một số cơ sở, họ nói cơ sở dệt, có thể họ nói khác đi chăng (?). Nhưng hầu hết các cơ sở quân sự ở khu vực này đều bị hủy diệt.


- Thưa anh, họ đưa phái đoàn quân sự của mình về Hà Nội thì họ đưa tới đâu ?
- Tôi kể tiếp chặng đường từ Gia Lâm về Hà Nội. Chúng tôi di chuyển bằng loại xe buýt nhỏ, khi tới sông Hồng thì cầu Long Biên ngày xưa của mình đã bị máy bay dội bom sập mất ba, bốn nhịp rồi. Bây giờ có một vài đoạn đã được sửa chữa, tôi thấy những đoạn rất dài vẫn chưa sửa xong.

Thành thử ngang sông Hồng Hà _ các anh nhớ sông Hồng rất rộng, bề ngang tới non hai cây số_ họ làm hai cái cầu nổi, cũng như cầu dã chiến của công binh QLVNCH làm để vượt sông trong các cuộc hành quân, một cái đi về Hà Nội và một cái ngược lại. Ngày xưa mỗi lần đi từ Gia Lâm về Hà Nội, chúng mình di chuyển mất mười phút xe chạy, bây giờ thì mất khoảng độ nửa giờ; và con đường từ ở bên kia sông vào thành phố cho đến khi tôi nhìn thấy nhà Bác Cổ, đây là một con đường rất nhỏ, bụi mù và bẩn thỉu.


- Như vậy, họ đưa các anh về nơi trú ngụ bằng đường bờ Sông chứ không phải dốc hàng Đậu ?
- Không phải chúng tôi ra Hà Nội để được đi chơi hay được cư ngụ tại đâu hết. Đây là một chuyến công tác hẳn hoi và chúng tôi chỉ đến địa điểm chính tại Hà Nội tức là Gia Lâm (nơi trao trả tù binh Mỹ) và Hỏa Lò mà chính quyền Hà Nội đặt là khách sạn Hilton của Mỹ để nhốt tù binh tại Hà Nội. Chỉ có 2 địa điểm thôi, nhưng vì tôi, như các anh đều biết, chúng mình ở Hà Nội quá lâu thành thử những con đường, những danh lam thắng cảnh của Hà Nội mình đều nhớ tất cả. Cho nên tôi cũng lợi dụng lúc di chuyển từ Gia Lâm về Hỏa Lò quan sát để biết rõ Hà Nội ngày nay.
- Thế anh đi bằng con đường đó, cây cột Đồng Hồ ở đường bờ sông có còn không ?


- Chỗ đó tôi không được đi qua. Tôi có thể nói ngay với các anh là trung tâm thành phố Hà Nội, ngoài tòa tổng lãnh sự Pháp ở đường Trần Hưng Đạo (Gambetta cũ) là bị sập, còn những đường phố chính mà trước kia mình biết rất sang trọng như đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Gia Long, Tràng Tiền, chung quanh hồ Hoàn Kiếm v.v… thì còn nguyên vẹn. Nhưng rất tiếc tôi không hiểu tại sao, thủ đô Hà Nội sau 19 năm dưới chế độ Cộng Sản, bây giờ tiêu điều và xơ xác quá. Không có một kiến trúc nào đặc biệt tại Hà Nội so với trước năm 1954.

Tôi tưởng Hà Nội tiêu điều nhưng không ngờ đến quá sức tưởng tượng như tôi nghĩ. Khu trung tâm thành phố như Gia Long, Lý Thường Kiệt, Tràng Tiền ... nhà cửa trông rất là cũ kỹ, không có sửa sang quét vôi gì hết. Tôi có cảm tưởng như đã 10, 15 năm nay không được quét vôi lại. Những con đường đó đi đường nhìn thấy dân chúng phơi quần áo, tôi xin lỗi được tả chân, phơi cả những cái quần đen, những áo màu cháo lòng trên cửa sổ thì còn gì là phố xá, nhà cửa của Hà Nội ?


- Anh có đi ngang qua căn nhà mà anh ở khi xưa không ?
- Tôi có được đi ngang qua căn nhà trước khi di cư vào Nam tôi trọ học, tôi xúc động lắm, muốn khóc được. Còn y hệt nhưng tiêu điều xơ xác hơn nhiều.
- Nói như vậy Hà Nội của ba mươi sáu phố phường thuở xưa bây giờ không còn nữa ?
- Hà Nội thuở xưa bây giờ không còn nữa, so sánh Hà Nội trước năm 1954 với bây giờ, nghĩa là sau 19 năm, sinh hoạt của Hà Nội, quang cảnh của Hà Nội – dù là khu trung tâm thành phố - không bị phá hủy bằng bom đạn, nhưng hiện nay trông tiêu điều và so với trước tôi nghĩ chỉ bằng 2 phần 10.

Các anh tưởng tượng một ngày ở Hà Nội, khoảng năm, sáu giờ đồng hồ đi ngoài phố, tôi chỉ đếm được mười hai, mười ba cái xe du lịch loại nhỏ, và theo các sĩ quan Bắc Việt, thì hầu hết là xe của chính quyền Hà Nội. Và tôi cũng không nhìn thấy một thiếu nữ nào mặc áo dài, thiếu nữ duy nhất của miền Bắc mặc áo dài mà tôi nhìn thấy trong ngày công tác ở Hà Nội là cô nữ ký giả gặp ở Gia Lâm. Còn tất cả là quần đen, áo cánh vải thô màu xám, hoặc màu trắng cháo lòng. Cũng như phương tiện di chuyển “văn minh” của Hà Nội bây giờ là những chiếc xe đạp cũ kỹ.

- Những tàu điện thuở xưa có còn hay không ?
- Có, khi đi ngang hồ Hoàn Kiếm tôi chụp được hình 2 cái tàu điện. Đây, các anh có thể nhìn quang cảnh tàu điện. Trời lạnh các anh biết đầu năm miền Bắc của mình “rét tháng ba bà già còn chết rét”, thế mà ngày đầu năm có người đi chân không, mặc áo mỏng manh.
- Cái hình anh chụp đây ở đường Bờ Hồ còn thấy rõ cả nhà Bưu Điện và hình như còn xích lô đạp nữa, chếch sang đây là nhà Godard này, như thế vẫn còn cả, anh chụp bức hình này vào lúc nào mà hình như tôi thấy ở trên hồ Hoàn Kiếm có sương mù nữa.


- Thưa anh, tôi được đi qua hồ Hoàn Kiếm, có lẽ nhờ sự khéo léo của chúng tôi và sự may mắn của 3 sĩ quan QLVNCH sinh trưởng tại miền Bắc muốn được thấy lại hồ Hoàn Kiếm thân yêu của mình ngày xưa. Cho nên khi ăn bữa trưa chung với các phái đoàn, tôi có gạ với một ông trung tá của BV, tôi nói nịnh ông ta : “Trung tá đáng lẽ phải là một nhà ngoại giao mới đúng”.

Tại vì ông ta nói rất nhiều, từ lúc chúng tôi rời Saigon cho đến khi tới Gia Lâm, rồi Hỏa Lò trong các phái đoàn chỉ có một mình ông ấy nói nhiều nhất mà thôi. Tôi nói : “Trung tá là một sĩ quan cao cấp của BV không đúng, trung tá phải là một nhà ngoại giao và một nhà ngoại giao rất giỏi mới phải”. Vì thế, mà ông ta ra lệnh cho xe đi một vòng Hồ Gươm. Xe chạy với một tốc độ rất mau nhưng nhờ ngồi sát cửa sổ, mấy bức hình tôi chụp được thấy rõ cả Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Và khi thấy tàu điện ở đầu hồ mừng quá, tôi bấm hình liền, anh thấy mấy tấm hình bị hư đó.


- Đó là xe điện chạy từ phía chợ Hôm lên không phải hàng Đào xuống ?
- Vâng đúng như vậy, nhìn hình ảnh hai chiếc xe điện và đồng bào miền Bắc bây giờ các anh thấy có đau xót không. Giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, đồng bào toàn quần đen, áo xám chân đất, mong manh, đội nón đi xe đạp. Hà Nội không bao giờ kẹt đường hết, tại vì xe đạp bây giờ vẫn như hồi trước bọn mình đi học; trước mình đi hàng ba, bây giờ họ đi hàng bốn, hàng năm, vì đường xá đâu có xe cộ gì. Chẳng hạn như khi chúng tôi đi qua khách sạn Métropole hồi trước, bây giờ họ gọi là khách sạn Hòa Bình, những con đường rất lớn, như đường Lý Thường Kiệt, đường Ngô Quyền, bây giờ trống trơn, như các anh nhìn mấy bức hình, tôi có chụp bức hình tôi đứng ở giữa ngã tư hai đường đó.


- Đúng như bức hình này, đây là kế cận với khách sạn Phú Gia nếu tôi không lầm, Pharmacie Vũ Đỗ Long, Vũ Đỗ Thìn ngày xưa đó, tức là trước nhà của nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, bây giờ anh đi ngang đó anh có thấy cái cầu Thê Húc thay đổi ? Đền Ngọc Sơn vẫn như thế, cái cầu có còn sơn màu đỏ không ?


- Nó không có màu gì cả, nó xám theo với thời gian, cũ kỹ … và không là màu gì hết. Tôi đã quan sát kỹ lưỡng cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn nhưng cái nổi bật nhất ở hồ Hoàn Kiếm bây giờ, nói ra thì các anh buồn, nhưng sự thật cái nổi bật nhất ở hồ Hoàn Kiếm bây giờ không phải là Tháp Rùa, mà là cái khẩu hiệu tuyên truyền của nhà nước Cộng Sản, họ làm một cái bảng rất lớn sơn màu đỏ chót viết khẩu hiệu tuyên truyền. Và tại đền Ngọc Sơn cũng thật vắng vẻ, hôm chúng tôi ra là 16 tháng giêng mà không thấy các bà mẹ, các cô gái đi lễ đầu năm như trước kia.


- Thưa anh có lẽ anh chú ý về phía mặt hồ quá, phía tay trái phía rạp xi nê Philarmonique có còn không ?
- Còn nguyên, tôi đã nói với các anh cả khu trung tâm thành phố Hà Nội trừ tòa tổng lãnh sự Pháp, và theo các sĩ quan Bắc Việt, phía sau chợ Hôm, khu Khâm Thiên, các phi trường Bạch Mai, Gia Lâm bị bom mà thôi. Hà Nội vẫn còn đây nhưng buồn nản, Hồ Gươm với những ghế đá từ mấy chục năm về trước nhưng không có một ai ngồi cả.


Trước khi tôi tới Hà Nội, tôi chờ đợi và bị xúc động đến cùng cực khi biết được Hà Nội của mình tiêu điều. Tất nhiên tình cảm của mình để trong lòng, mình thấy đau đớn, cái đau đớn riêng tư của những người đã xa Hà Nội 19, 20 năm, trở về mà thấy thành phố yêu dấu ngày xưa bây giờ tiêu điều xơ xác, rách nát như vậy. Khi trả lời các cán bộ Cộng Sản khi họ đề cao Hà Nội, họ nói : “Một ngày về Hà Nội của các anh, một ngày về Hà Nội huy hoàng.

Đây công viên Thống Nhất đẹp như thế này, hy vọng lần sau vợ anh sẽ được ra, anh sẽ dắt vợ con anh trong những buổi sáng chủ nhật hay là những ngày nghỉ ra đây để tâm sự hàn huyên …” Tôi thấy đó là cả một sự tuyên truyền rỗng tuếch không thể nghe được, tất cả Hà Nội bây giờ nói ra càng thêm đau lòng, vì ngay cả cái công viên Thống Nhất trong một sáng chủ nhật đầu năm cũng vắng hoe rất ít người tới.


- Anh đi qua đường phố có cón thấy các cô gái má hồng nữa không ?
- Hết rồi, các anh ạ. Hồi trước không biết các anh học ở trường nào. Tôi học ở trường Chu Văn An, có những buổi “bát” một vài giờ để đi đón các cô nữ sinh Trưng Vương. Bây giờ ngay cả các nữ sinh của hai trường nổi tiếng nhất của Hà Nội ngày trước là trường trung học Trưng Vương, Tây Sơn, theo các sĩ quan Bắc Việt cho biết, Trưng Vương không còn đồng phục áo dài màu lam, và các cô Tây Sơn cũng không còn thướt tha áo dài trắng nữa. Tất cả quần đen, áo cánh.


Trước kia, khi chưa được trở lại Hà Nội tôi tưởng phụ nữ miền Bắc ăn mặc như phụ nữ Trung Cộng đều mặc áo cổ cao hoặc áo ngắn đồng màu. Tôi nghĩ như vậy coi còn gọn ghẽ trông được, ai ngờ bây giờ học mặc quần đen áo cánh màu cháo lòng, hoặc màu xám nhạt vải Nam Định.
- Theo như hình ảnh công viên này thì trước năm 1954 không có, hoặc một công viên khác được sửa đổi đi phải không ?

- Đúng, công viên này là công viên được kiến tạo sau này, với một phần của hồ Bẩy Mẫu, nhưng các anh thấy vắng hoe không có ai hết, chỉ có số cán bộ của họ.
- Trong dịp anh đi ra ngoài đó anh có dịp tiếp xúc với người dân nào hay không ?
- Tôi lạc vào rừng cán bộ của họ từ Gia Lâm cũng như ở Hỏa Lò, lúc nào tôi cũng bị họ vây lấy.
Họ hỏi và đặc biệt nhất là ai cũng hỏi tôi những câu hỏi giống nhau hệt như đã học thuộc lòng trước. Tôi cảnh giác tránh được những chuyện họ gài bẫy tuyên truyền. Cũng như các anh em phóng viên ở Saigon mỗi người có một cái cassette; nhưng họ thì không thẳng thắn như mấy anh em phóng viên đài Saigon đâu.

Máy thu bande họ dấu trong áo lạnh, trong áo mưa mặc ngoài. Micrô họ đút túi khi nào bất thình lình mở ra, để thâu lén. Nhưng khi tôi trả lời họ thì với tư cách một người ở Hà Nội, sống ở Hà Nội rất lâu, tôi trả lời họ một cách cởi mở, còn chuyện họ gài tôi để tuyên truyền, để mua chuộc thì tôi đã có chuẩn bị trước, tôi hóa giải ngay. Cũng có thể với cái nghệ thuật cắt xén, các phóng viên đài Hà Nội có thể làm được một vài điều. Chẳng hạn như câu tôi nói : “tôi cũng như nhiều người khác mơ ước được thấy lại Hà Nội, nhưng trở lại đây, thấy thành phố tiêu điều tôi lẻ loi cô độc, và thương Hà Nội ngày xưa của tôi nhiều quá”. Tôi nói với một phóng viên của đài Hà Nội như vậy và tôi hy vọng họ không cắt câu này ra làm hai.


Tôi cũng đã nhiều lần bảo họ đừng tuyên truyền tôi vô ích. Tôi ở trong quân đội 17, 18 năm rồi, tôi biết họ là cán bộ chìm, là những phóng viên của đài Hà Nội, đấy là một bộ máy tuyên truyền rất là ngược ngạo (tôi nói nguyên văn với họ như vậy); trong những cuộc hành quân ở Hạ Lào, hồi đánh nhau lớn ngoài Quảng Trị tôi thỉnh thoảng có vặn đài Hà Nội nghe, để thấy sự thật họ tuyên truyền như thế nào ? Nghe riết rồi chúng tôi muốn đập bể cái máy thu thanh ra.


Các anh nghĩ xem họ tuyên truyền tôi như thế nào ? Họ nói nguyên văn thế này : “Anh có biết sở thú đất nước chúng ta bây giờ có thêm một con thú mới chưa ?”. Tôi chưa hiểu họ định nói gì nhưng vẫn bảo “các anh cứ nói đi”. Họ tiếp : “Đó là xác một chiếc B52 bị bắn rớt ở Hà Nội”. Ai chẳng biết có B52 bị bắn rơi ở Hà Nội, không phải một cái mà là mười mấy cái, nhưng các anh thử tưởng tượng họ nói phi lý như thế này : “B52 đối với dân Hà Nội chẳng ăn thua gì, có khi B­52 thả cách nhà tôi 50 thước, và cả nửa giờ liền mà tôi không sao hết”.

Tôi buồn cười quá và trả lời : “Thôi các anh im đi, mình nói chuyện khác, đừng nói chuyện B52 hay là nói chuyện để tuyên truyền. Tôi ở trong quân đội 17, 18 năm, ít nhất cũng biết tầm ảnh hưởng của bom B52 cả 1, 2 cây số. Tôi đã gặp các sĩ quan tù binh Bắc Việt ở An Lộc, Tây Nguyên, Hạ Lào, Quảng Trị tôi biết họ sợ B52 ­như thế nào rồi, ở xa cả cây số còn muốn ói máu nữa huống là … “
- Đó là những câu chuyện mà anh tiếp xúc với các cán bộ của họ, trong dịp ở Hà Nội anh có dịp tiếp xúc với một người dân nào hay không ?
- Đây cũng có thể nói là chuyện đau buồn nhất của tôi. Ngoài những câu chuyện với cán bộ Cộng Sản hay là cách đối chọi của tôi với những lối tuyên truyền trắng trợn của họ, thú thực với anh khi đi ngang qua các đường phố, gặp đồng bào miền Bắc của mình, tôi rất vui mừng và biểu lộ sự vui mừng để có một sự thông cảm với họ.

Nhưng tất cả những người dân Hà Nội đều cúi gầm mặt xuống khi đoàn xe của chúng tôi đi ngang, mặc dù đoàn xe của chuúng tôi là một đoàn xe rất đặc biệt nhất là trong một ngày chủ nhật ở Hà Nội. Trên lộ trình đi tới Hỏa Lò, có một số trẻ em và các thiếu nữ lam lũ, nếu tôi nói đó là các thiếu nữ đáng yêu nhất của Hà Nội thì sợ các anh buồn, thì họ cũng reo hò, la hét khi thấy đoàn xe đi ngang. Tôi có đủ thông minh để hiểu chuyện này, tôi cũng muốn chờ đợi phản ứng của dân chúng, một nửa hình như họ muốn biểu lộ sự vui mừng khi thấy những người khách lạ tới Hà Nội, một nửa hầu như đã được huấn luyện học tập phải làm như vậy.

Họ la hét vậy thôi, tôi cũng không thấy họ có một hành động gì hết, về sau các ông “cớm” chìm của Bắc Việt giải thích rằng đó là dân chúng phẫn uất người Mỹ đã ném bom Bắc Việt nhưng họ cũng chỉ biểu lộ bằng thái độ ôn hòa.

Họ luôn luôn cố gài về vụ đồng bào ta biểu tình chống họ ở Ban Mê Thuột, Huế, v.v… Tôi đã trả lời là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa rất tiếc các vụ đó xảy ra và đã làm mọi cách để ngăn cản các vụ tương tự. Tôi cũng cho họ biết vụ Ban Mê Thuột do các đồng bào di cư chủ xướng, đó là những người từng phải bỏ cả sản nghiệp vào Nam năm 1954 và rồi khi vừa gầy dựng được một chút của cải; nhà cửa, làng mạc của họ lại bị chính các đồng chí của các anh thiêu hủy và tàn phá mặc dầu lệnh ngưng bắn lúc đó đã có hiệu lực.


- Như vậy, rốt cuộc trong chuyến đi đó anh không được nghe một lời nói nào không có tính cách chính trị ?
- Trong một ngày của tôi ở Hà Nội, không được nghe một lời nói chân thật nào của người dân ở đó, nhưng tôi hiểu được một lời nói, được diễn tả bằng một nụ cười của người thiếu nữ chừng 17, 18 tuổi. Trong bữa ăn trưa tôi được gặp cô đó, gọi là nữ phục dịch hay nữ phục vụ gì đó, khi nghe ông sĩ quan Bắc Việt gọi tên và cấp bậc tôi, vô tình tôi ngửng đầu lên thì tôi thấy cô ấy mỉm cười với tôi bằng một nụ cười chân thật

- Anh có nói anh có gặp một nữ ký giả, người mặc áo dài duy nhất ở Hà Nội khi đến phi trường Gia Lâm, cô ấy nói chuyện gì với anh không ?
- Người nữ ký giả áo dài thì không, nhưng một nữ ký giả khác tôi gặp ở Hỏa Lò, cô này mặc áo cánh, và đã nói chuyện với tôi ở Hỏa Lò. Buổi chiều ở phi trường Gia Lâm, cô ta lại hỏi tôi : “trước anh học ở đâu ?”, nghĩa là những câu hỏi y hệt những người khác đã hỏi tôi, cô ta cho biết là làm ở đài phát thanh Hà Nội. Tôi đã trả lời tôi học Chu Văn An.

Cô ta hỏi tiếp : “Anh có còn nhớ các thầy cũ ở đây không ?” Tôi đã trả lời : “May quá, thầy của tôi hồi đó là cụ Vũ Ngô Sán, hiệu trưởng trường Chu Văn An, sau khi di cư thầy tôi cũng lại vẫn làm hiệu trưởng trường Chu Văn An ở Saigon; các thầy khác như thầy Bùi Đình Tấn, Hùng Lân, Lê Trung Nhiên … thì cũng đều ở Saigon hết, tôi đâu còn thầy nào ở Hà Nội.” Tôi nói như thế không biết cô ta có buồn tôi không, nhưng tôi thấy mắt cô ấy quắc lên nhìn. Cô ta còn hỏi tôi là đồng bào ta ở trong Nam nghe đài Hà Nội có rõ không ?

Tôi trả lời là “các sĩ quan cao cấp như chúng tôi, đôi khi đi trận cũng mở đài Hà Nội để xem các anh chị, ngoài này tuyên truyền như thế nào, nhưng riết rồi thấy các anh các chị toàn nói sai sự thật, thành thử tụi tôi còn ít khi mở huống chi đồng bào, sức mấy mà đồng bào thèm mở. Trong Nam đồng bào nghe đài quốc gia, đài quân đội, hay đồng bào coi truyền hình, mà đồng bào thích tân nhạc, thích cải lương chứ đồng bào không thích tuyên truyền.”


- Anh nói tiếng “sức mấy” thành thử tôi thắc mắc về ngôn ngữ của họ ngoài đó, họ có khác chúng ta không ?
- Ngôn ngữ của họ cũng không có gì khác nhưng có một số từ ngữ họ sửa đổi, chẳng hạn như thăm viếng thì họ gọi là đi tham quan, khai triển vấn đề thì họ gọi là triển khai, đồng ý thì gọi là nhất trí hoặc là, xin lỗi các anh nghe không được …”đồng tình”.
- Nãy giờ anh nói nhiều về quang cảnh trong thành phố, về những nới mà anh đi qua, anh chưa nói đến Hỏa Lò nơi giam tù binh ?


- Đúng ra thì tôi không được phép nói vấn đề này với các anh, nhưng với tư cách người về từ Hà Nội, biết gì nói cái đó, mạn đàm với các anh cũng không có tính cách chính trị hay tuyên truyền gì hết, tôi cũng không đề cao một bên nào thành thử tôi cũng có thể kể chuyện Hỏa Lò cho các anh nghe. Khi chúng tôi vượt qua nhữn “ông” lính Bắc Việt “lỏi tì” chừng 15, 16 tuổi gác cổng.

Cửa Hỏa Lò mở ra và gặp một ông “cai ngục”, đúng ra phải gọi là ông đại úy chỉ huy trưởng Hòa Lò. Mặt rất là dữ, ông ta toàn gọi các anh em tù binh Mỹ bằng “chúng nó”, “những thằng tù” hay “những tên tù” chứ không khi nào gọi là tù binh. Ngoài đó họ gọi Hỏa Lò là “khách sạn Hilton” (Hilton là tên hệ thống khách sạn sang trọng nhất của nước Mỹ, tiền phòng mỗi ngày hạng chót 30 đô la)
(Vào lúc này thiếu úy Dương Phục mở cửa bước vào và được mọi người tiếp đón ân cần. Thiếu tá Phạm Huấn ngừng lại vài giây chờ đợi.)


Thiếu tá Phạm Huấn nói tiếp : “có nhiều chuyện bịp lố bịch ở Hỏa Lò, chẳng hạn như sau khi các phái đoàn tới, đại diện Bắc Việt cho biết là 20 tù binh Mỹ được phóng thích hôm nay không chịu về vì lý do họ không muốn phòng thích trước các đồng đội của họ đã bị giam lâu ngày hơn”. Các sĩ quan Mỹ trong ban liên hợp quân sự rất lo lắng, nhưng tôi và thiếu tá Chất nghi ngờ lại có một chút tiểu xảo gì đây, nhưng tôi tin chắc là vào giai đoạn này Bắc Việt không còn dám lật lọng với Mỹ. Cuộc thương thuyết diễn ra trong 1 tiếng 15 phút, và rồi thì 20 tù binh Mỹ đã được thuyết phục.


Tù binh ở Hỏa Lò bị mang ra trình diễn theo lệnh của các sĩ quan Bắc Việt, họ cứ làm như không có sửa soạn gì trước; khi phái đoàn vào thấy cảnh một số tù binh đang tắm truồng, một người cạo râu, một vài người khác đang được lính Bắc Việt hớt tóc. Đây là những cảnh họ trình diễn ai cũng hiểu như vậy cả. Khi phái đoàn vào, viên trung tá Bắc Việt hướng dẫn làm bộ la ông đại úy : “hôm nay phái đoàn đến tại sao không cho chúng nó sửa soạn gì cả?”. Nói như thế rồi ông ta lại tự trả lời ngay : “ừ mà thôi cứ kệ chúng nó, để chúng nó tự nhiên”.


Tù binh Mỹ có một cái gì lo sợ ghê gớm, chắc là sự hành hạ tinh thần và thể xác mà nhà cầm quyền Bắc Việt đã dày vò họ trong những năm tháng địa ngục ở Hà Nội. Qua mắt cáo lưới sắt, khi tôi vào và chào các tù binh, trong một thoáng rất nhanh, tất cả anh em tù binh mắt như có ngấn lệ. Nhưng rồi họ lại cúi gầm xuống ngay. Một sĩ quan trong ủy ban quốc tế có hỏi một sĩ quan tù binh là anh ta được đưa về “Hilton Hà Nội” này từ bao lâu ? Trả lời 2 ngày. Viên cai ngục trừng mắt nhìn người tù binh. Sĩ quan ủy ban quốc tế yêu cầu lặp lại câu trả lời nhưng người tù binh Mỹ không dám lặp lại. Khi trở ra, đi ngang chỗ mấy người tù binh đang tắm khỏa thân gần một hồ nước, tôi đã nghiêm trang nói với họ : “Các anh là những anh hùng của nước Mỹ, các anh đã hy sinh cho sự đứng vững của VNCH và cả thế giới tự do nữa”. Người tù binh Mỹ đang xát xà bông đã đứng nghiêm chào tôi theo quân cách, những giây phút này muôn vàn xúc động.


- Tôi muốn đặt câu hỏi này với anh Dương Phục, anh đi qua những đường phố của Hà Nội anh có thấy một sạp báo nào ở đó không và anh có thấy báo chí được bày bán không ?
- Tôi xin nói ngay là tôi không thấy một sạp báo nào hết trên tất cả những con đường mà tôi đi qua. Về vấn đề báo chí thì qua các cuộc tiếp xúc với những phóng viên nhà nước ở Hà Nội, tôi được biết ngoài đó chỉ có một vài tờ báo chính thức của nhà nước mà thôi.


- Khi anh tiếp xúc với họ anh có đề cập tới những người làm văn học nghệ thuật ở ngoài Bắc không. Những người thuộc lớp cũ như Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, Ngọc Giao … các ca sĩ lớp trước ở đài Hà Nội như Ngọc Bảo, Minh Đỗ, Thanh Hiếu, Thanh Hằng còn không ?


- Chính họ đã hỏi tôi rất nhiều, vì họ cũng biết tôi là phóng viên và đi theo phái đoàn với tư cách sĩ quan báo chí. Tôi đã được nói chuyện với một phóng viên của đài phát thanh Hà Nội, chúng tôi đã nhận ra nhau sau một hồi nói chuyện và biết rằng cùng một nghề. Chúng tôi đã bàn chuyện báo chí, văn học nghệ thuật. Họ có nói rằng họ theo dõi chương trình phát thanh của chúng tôi rất là xít xao, họ biết rõ cả những chương trình nào hay dở, ăn khách … tên ca sĩ và tên các chương trình nổi tiếng của mình. Họ cũng biết tên tuổi một số các nhà văn, nhà báo đang nổi tiếng ở trong Nam, họ cũng hỏi đến một số các nhà văn cũ, những nghệ sĩ cũ như anh Phạm Duy, Chu Tử, Thanh Nam, Mai Thảo, cô Thái Thanh … về tình trạng của những người đó bây giờ ra sao.


Tôi định hỏi họ rất nhiều nhưng họ không để tôi kịp hỏi, đến một chục ông phóng viên của đài Hà Nội đi theo phái đoàn đã vây kín tôi để “truy” liên miên. Họ phỏng vấn tôi đến không kịp trả lời và họ khai thác toàn là vấn đề chính trị. Họ đã thâu băng một cách không đứng đắn, nghĩa là tôi không đồng ý. Nhưng họ đã thu lén, trời lạnh họ dấu máy trong áo mưa, micro dấu dưới áo hay trong túi, cùng nghề tôi nhận ra ngay và tôi bảo họ không nên làm như vậy.


Mới đầu họ rất hòa nhã, hỏi chuyện tôi về vấn đề thân thế, gia đình vợ con, nghe giọng Bắc thì họ hỏi chắc là cũng di cư. Họ hỏi và họ ghi chép đàng hoàng. Mới đầu gặp một người tôi tưởng họ hòa nhã hỏi thăm, nhưng về sau cả chục người khác lại cũng chỉ hỏi tôi những câu hỏi giống nhau từng chữ một. Không thể có sự trùng hợp như thế, nghĩa là họ đã có học tập và sắp xếp.
- Anh là người trẻ nhất trong phái đoàn trở lại Hà Nội, vậy anh có thể cho biết cảm tưởng của anh khi nhìn lại thành phố Hà Nội ?


- Tôi rời xa đất Bắc khi còn quá nhỏ (10 tuổi) cho nên tôi không có nhiều kỷ niệm ở Hà Nội hoặc những kỷ niệm rất là mù mờ tôi không có dịp so sánh chính xác Hà Nội xưa và nay. Nhưng chúng tôi cũng được đọc, được nghe các đàn anh nói về Hà Nội, vì thế khi mà trở về Hà Nội cũng có một nỗi xúc động rất lớn lao; chúng tôi được nghe, được tả một Hà Nội rất óng ả và thơ mộng, thế nhưng mà chúng tôi không nhìn thấy những hình ảnh như vậy, tôi cố ý nhìn mà không thấy một cô gái nào mặc áo dài đi trên đường phố, toàn là quần áo cán bộ hoặc là quần áo cánh.


- Các anh phóng viên đài Hà Nội mà anh tiếp xúc, họ ở lớp tuổi nào ?
- Họ phần đông lớn tuổi, có một anh tôi biết tên là Bội, mới đầu tôi hỏi tên anh ấy không nói, anh hỏi tên tôi, lẽ dĩ nhiên tôi chả có việc gì phải dấu, anh ghi chép tên tuổi tôi đoàng hoàng lắm, chỉ thiếu … số quân thôi. Tôi hỏi tên anh ấy mấy lần anh không nói, tôi bảo nếu anh thấy có gì trở ngại thì tôi cũng không tha thiết để biết quý danh. Về sau tôi biết anh ấy là Bội, tôi nhận ra giọng anh ta, là một chuyên viên trực tiếp truyền thanh như anh Nguyễn Mạnh Tiến của đài Saigon vậy. Tôi đã từng nghe anh ta trực tiếp ttruyền thanh đá banh, cũng như tôi đã từng nghe một phóng sự của anh ấy tường thuật trận đánh Quảng Trị. Anh ta nói nhanh lắm.

Anh đó là cứ đi theo tôi đều đều, anh ta nói cùng nghề mình sẽ gặp nhau trong một dịp khác, anh ta hỏi đủ thứ chuyện và luôn gài vấn đề chính trị vào. Tôi có nói : “chúng ta chỉ gặp nhau trong chốc lát mà thôi, tối nay tôi về Saigon, anh vẫn còn ở Hà Nội, chỉ nên nói những chuyện mưa gió, trời Hà Nội lạnh, nắng Saigon đẹp vậy thôi.”
- Ở ngoài đó họ có đài truyền hình không ?
- Có, họ có đài truyền hình và có gửi người tới làm việc, đó là theo như lời họ nói, nhưng vì họ gửi nhiều người quá tới vây chúng tôi nên cũng có người hớ nói ra cho chúng tôi biết. Chúng tôi có hỏi họ đài truyền hình lập lâu chưa, có bao nhiêu máy của dân chúng. Họ nói mới thành lập và có hằng mấy vạn máy thu hình. Chúng tôi cười mới lập mà sao có nhiều máy thế. Nhưng rồi lại có ông cho biết đài phát hình một ngày có một tiếng đồng hồ và còn trong thời gian trắc nghiệm. Để biết rõ những điều đó chúng tôi quan sát trong thành phố thì chẳng thấy một cái ăng ten nào trên các nóc nhà dân chúng, nếu có máy là phải có ăng ten. Chúng tôi hỏi họ về tiết mục trong chương trình truyền hình thì họ ầm ừ không ai biết, chúng tôi hỏi máy truyền hình của dân chúng hiệu gì, Nhật Bản hay Nga Sô, họ cũng không trả lời được.

Học đã có những thái độ lấp liếm rất buồn cười, chẳng hạn như khi tôi tường thuật vào máy ghi âm quang cảnh thành phố, tôi nói chẳng thấy một bóng áo dài nào trên đường phố, toàn là quần đen áo cánh, thì ngay lúc đó một ông sĩ quan nói chõ vào micro của tôi là ở ngoài này mặc áo cánh cho dễ làm việc, mặc áo cánh nhung không có áo rách. Thật là khôi hài.

- Các anh có thấy các cửa hàng buôn bán, các hàng rong đặc biệt như Sấu Dầm, Phá Sa Lạc Rang của Hà Nội thuở xưa không ?
- Chúng tôi có đi xe phớt ngang cửa hàng bách hóa Hà Nội nhưng không vào, các cửa hàng buôn bán thì hầu như không thấy hay là rất ít, tôi có thấy một vài hàng quán nhưng chỉ kiểu các quán cóc đầu đường của mình ở Saigon. Hàng rong như ngày xưa thì tôi không thấy. Tôi có thấy một vài quán cóc trên đường Lý Thường Kiệt, gần trường Nguyễn Trãi, nhà thủy tạ vẫn còn nguyên.

- Hồi nãy anh Phạm Huấn có nói về chuyến đi thăm anh em tù binh Mỹ ở Hỏa Lò tôi thắc mắc là ở đó có anh em quân đội mình bị bắt giữ hay không ?
- Tôi không thấy bóng dáng một chiến hữu nào của ta bị họ giam giữ ở đó cả.
- Trong ngày trở lại Hà Nội, anh cho biết về thành phố Hà Nội như thế cũng quá đủ, khi anh lên phi cơ nhìn lại thành phố Hà Nội lần cuối cùng anh nghĩ gì. Đây cũng là câu hỏi chót của chúng tôi.
- Đây là một câu hỏi cũng có ý nghĩa tương tự như các cán bộ CSBV hỏi tôi. Tôi cũng thành thực trả lời với họ rằng tôi chờ đợi sự trở về Hà Nội từ mười mấy năm nay. Khi tôi biết được sẽ đi Hà Nội tôi đã trằn trọc suốt đêm không ngủ, cũng như suốt ba tiếng rưỡi đồng hồ trời gần sáng trên máy bay, tôi vẫn từng phút từng phút mong đợi được đến Hà Nội để thấy lại thủ đô yêu dấu khi trước của mình. Nơi tôi đã lớn lên và sống những chuỗi ngày tươi đẹp nhất hồi 17, 18 tuổi. Khi thấy phi trường Gia Lâm đổ nát, tôi vẫn an ủi đây là khu vực quân sự là những mục tiêu oanh tạc, thành thử hoang tàn đổ nát thì cũng không ngạc nhiên, và không thất vọng.

Nhưng thú thực với các anh sau 5, 6 tiếng đồng hồ di chuyển trong thành phố, nhất là xem những phong cảnh mà mình yêu thích ngày xưa tôi thấy đau buồn và cô đơn vô cùng. Trước khi tới Hà Nội đã nhiều lần tôi muốn khóc. Tới Hà Nội như các anh biết, nhiệm vụ và vai trò tôi đã được ấn định rõ ràng, dù có xúc động có thương nhớ Hà Nội ngày xưa của mình tôi vẫn phải che dấu tình cảm đi. Nhưng sau một ngày về Hà Nội nhìn thấy cảnh tiêu điều của thành phố xưa, nhiều lúc vào trong phòng rửa mặt, tôi đã nấc lên để cố dằn những giọt nước mắt trào ra.

Tôi nghĩ rằng nếu về Hà Nội để mà nhìn thấy những cảnh tiêu điều xơ xác, những cảnh sống cùng cực của người dân bây giờ, mà tôi thưa với các anh, còn kém những người dân ở Cao Nguyên miền Nam Việt Nam như ở Phú Bổn, Kontum, tôi có nói với họ_câu này cũng để trả lời anh luôn_với nhiệm vụ một quân nhân nếu được chỉ định thì đương nhiên tôi thi hành công tác; còn nếu không, không bao giờ tôi trở về Hà Nội một mình như vậy nữa. Tôi đã trả lời thế và lời nói này đã được các phóng viên đài Hà Nội ghi âm.
“Hà Nội, cái phần thân thể đó của đất nước chúng ta, sau gần hai mươi năm chiến tranh, xa cách, tưởng chừng đã đứt rời khỏi tổ quốc.
Nhưng cuộc trở về Hà Nội của ba sĩ quan QLVNCH như một lời nhắc nhở bàng hoàng rằng Hà Nội vẫn còn, Hà Nội chỉ bị dìm ngập trong bóng tối chứ Hà Nội không mất.



Hà Nội còn đó, nhưng Hà Nội ra sao ?

Những hình ảnh của Hà Nội, được mang ra khỏi Hà Nội mới nhất, những bức ảnh chụp Hồ Gươm vào ngày 18 tháng 2 năm 1973 vừa qua, cho thấy rằng Hà Nội còn đó, nhưng Hà Nội đã làm chảy nước mắt tất cả những người nhìn thấy lại Hà Nội.
Hà Nội nghèo, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội có thể nghèo đến thế !
Hà Nội già, nhưng người ta không thể tưởng tượng Hà Nội có thể già đến thế !


Người ta đã làm gì Hà Nội sau gần hai mươi năm đóng kín cửa Hà Nội, để khi chúng ta đẩy được cái cánh cửa quá khứ ra, Hà Nội chỉ còn như một cái xác không hồn như thế ?
Tất cả những lời khoa trương, dối trá cho Hà Nội, không còn che dấu được cho Hà Nội nữa. Bởi vì Hà Nội đã được nhìn tận mắt của một người yêu Hà Nội, muốn biết những sự thật về Hà Nội.
Sự thực là Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn, nhưng từ mỗi góc phố, mỗi con đường người ta chừng đều nghe thấy, nhìn thấy, tiếng thở than ngậm ngùi, vẻ điêu linh bạc nhược của Hà Nội.
Những tiên nga Hoàng Dương nói đến trong nhạc của ông hai mươi năm trước đâu ?


Những thanh niên đẹp trai đã khiến Xuân Diệu xưa cả quyết rằng “không gì đẹp bằng đẹp trai” đâu ?
Hơn một trăm bức hình Hà Nội, được mang ra khỏi Hà Nội, không ghi được của Hà Nội một nụ cười !
Người ta nhìn thấy gì trên các khuôn mặt của những người dân đi trên đường phố Hà Nội ?
Cái điều người ta đọc được đầu tiên và cũng làm cho người ta đứt ruột đau đớn là hình như người dân Hà Nội không còn ai có cá tính nữa. Họ cùng mang trên nét mặt một vẻ lạnh lẽo, âm thầm. Không một cô gái nào có nổi một chiếc áo dài.

Cũng không một thiếu nữ nào có nổi một đôi giầy. Họ đều mặt quần thâm, áo cánh, áo cánh nâu, áo cánh xám, áo cánh trắng màu cháo lòng, đi dép, thứ dép được cắt bằng lốp xe hơi cũ, quai bằng cao su và thứ dép bằng plastic màu ngà, hoặc đi chân đất. Đàn ông thì hầu hết mặc quần áo đại quân, hay đồng phục cán bộ màu xám. Riêng các thiếu nhi, các em đều phong phanh những chiếc áo vải mỏng, áo len cũ kỹ, dù ai cũng biết rằng, cái rét ở Hà Nội vào tháng giêng còn là cái rét cắt da, cắt thịt, các em phần lớn đi đất, và đất ở miền Bắc vào những ngày chưa hết tết này, phải được ví như những tảng nước đá.


Hà Nội quả thật đã kiệt quệ, đã hết màu sắc, dấu hiệu đầu tiên của những xã hội vui tươi, sung túc.
Các sĩ quan có dịp trở lại cố đô của chúng ta, nói rằng, hai mươi năm mà Hà Nội không có được một kiến trúc nào mới, ngoại trừ một cái công viên, đó là công viên Thống Nhất. Họ đã đi qua nhiều khu phố chính của Hà Nội, nhưng không hề thấy một cửa hàng nào mở cửa, không trông thấy một sạp bán sách báo nào ngoài đường.

Hai mươi sáu năm trước đây, nhạc sĩ Trần Văn Nhơn, từng đảm nhiệm chức vụ nhạc trưởng đài phát thanh Hà Nội, đã phác họa cảnh Hồ Gươm trong một nhạc phẩm của ông, bản Hà Nội 49, không ngờ đó lại cũng là bức chân dung của Hà Nội, của Hồ Gươm năm 1973 nữa :

Khắp chốn nay điêu tàn nhà xiêu đổ một cảnh nát tan

Hồ xanh nay vẫn xanh nhưng liễu xưa hồ đâu tá
Tôi đứng im lặng nhìn, nhìn tháp cũ bóng soi hồ Gươm
Tháp kia sao lạnh lùng như dấu muôn e thẹn căm hờn.

Ba người của Hà Nội ngày trước vừa trở lại Hà Nội, chẳng khác những giọt máu vừa chạy lại được về tim.

Ba giọt máu không đủ làm tươi lại trái tim khô héo, nhưng dù sao cũng đem lại một hy vọng !
Hai mươi năm với những núi xương, sông máu, những người có trách nhiệm với Hà Nội, đã không làm được cho Hà Nội lớn lên, lại làm cho Hà Nội trở thành èo uột, giống như một thành phố hấp hối như thế, đối với bất cứ một người Việt Nam đứng ở đâu đi chăng nữa vẫn là có tội.
Ôi ! “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” câu thơ ấy của Quang Dũng đã trở thành mũi dao đâm vào chính trái tim Hà Nội !

Hết rồi Hà Nội gót son.
Hết rồi Hà Nội, chân trắng ra về lối đẹp hơn của Văn Cao.
Hết rồi Hà Nội bay đến bên em điểm tô quầng mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung của Đoàn Chuẩn.
Hà Nội bây giờ là Hà Nội quần thâm áo cháo lòng, Hà Nội chân đất, chân dép nhựa, Hà Nội còng lưng đạp xe đạp.

No comments:

Post a Comment