Pages

Tuesday, November 23, 2010

TRẦN BÌNH NAM * BÀ AUNG SAN SUU KYI




Aung San Suu Kyi: người phụ nữ phi thường

Trần Bình Nam

Bà Aung San Suu Kyi (San Suu Kyi) một nhà đấu tranh dân chủ Miến Điện vừa được chế độ độc tài quân nhân Miến trả tự do hôm Thứ Bảy 13/11 sau nhiều năm bị quản thúc tại gia. Bà San Suu Kyi sinh ngày 19/6/1945 và là người thành lập Liên minh Quốc gia Dân chủ (National League for Democracy – NLD) đấu tranh cho một nền dân chủ đa đảng tại Miến Điện. Liên minh NLD thành lập năm 1989 trong phong trào quần chúng và sinh viên đòi thiết lập chế độ dân chủ tại Miến Điện để chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử do nhóm quân nhân cầm quyền hứa hẹn tổ chức.

Bà San Suu Kyi, con gái út của tướng Aung San, người thành lập đảng Cộng sản Miến Điện và cũng là người xây dựng quân đội Miến lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Anh giành độc lập cho Miến. Trong Thế chiến 2, Nhật Bản chiếm Miến Điện và sau khi Nhật đầu hàng người Anh trao trả độc lập cho Miến năm 1948, một năm sau khi tướng Aung San bị ám sát. Tướng Aung San kết hôn với bà Daw Khin Kyi, một nữ điều dường viên năm 1942 và sinh hạ được ba nguời con, hai trai một gái. Tướng Aung San bị ám sát ngày 19/7/1947 năm ông 32 tuổi, lúc bà San Suu Kyia mới lên hai. Mẹ bà trở thành một nhân vật được quý trọng trong chính quyền Miến Điện và được giao phụ trách các vấn đề xã hội và giáo dục. Năm 1960 bà Daw Khin Kyi được bổ nhiệm đại sứ Ấn Độ. Bà San Suu Kyi theo mẹ sang New Delhi học trung học tại đó.


Năm 1964 bà sang Anh học đại học. Năm 1967 bà tốt nghiệp cử nhân Chính trị học và Kinh tế học. Sau đó bà sang Mỹ tiếp tục con đường học vấn đồng thời làm việc bán thời cho văn phòng Tổng thư ký Liên hiệp quốc (ông U Thant, Tổng thư ký Liên hiệp quốc người Miến Điện). Năm 1972 bà kết hôn với ông Michael Aris, người Anh, một chuyên viên về văn minh Tây Tạng quen biết nhau thời gian bà San Suu Kyi học ở Anh. Sau lễ cưới bà San Suu Kyi theo chồng sang vương quốc Bhutan, một tiểu quốc trong dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Bà San Suu Kyi và ông Aris có hai con trai. Alexander Aris sinh năm 1973 và Kim Aris sinh năm 1977.


Bà nuôi dạy Alexander và Kim theo phong tục Miến Điện. Năm1986 bà đưa hai con về tham dự lễ chuẩn bị xuất gia như mọi thanh niên Miến Điện . Năm 1988 là năm định mệnh gắn liền bà với cuộc đấu tranh đòi dân chủ của Miến Điện. Tháng Ba năm đó bà San Suu Kyi về nước săn sóc Mẹ bị bệnh nặng. Tháng 5 sinh viên Rangoon xuống đường phản đối chế độ quân nhân của đảng Xã Hội Miến Điện (Burma Socialist Program Party) do tướng Ne Win cầm đầu sau cuộc đảo chánh quân sự năm 1962 đưa đến sự từ chức của tướng Ne Win ngày 3/7/1988 . Sinh viên Miến Điện tiếp tục xuống đường đòi hủy bỏ chế độ xã hội quân phiệt tái thiết lập chế độ dân chủ. Các cuộc biểu tình bị đàn áp, 5.000 người bị bắn chết trên đường phố. Ngày 15/8 bà San Suu Kyi viết một thư ngỏ gởi chính phủ quân nhân yêu cầu thiết lập một Hội đồng Tư vấn để chuẩn bị một cuộc bầu cử có nhiều đảng chính trị tham dự.


Ngày 21/8 bà San Suu Kyi nói chuyện trước 500.000 người tụ tập trước cổng chùa Shwedagon, một ngôi chùa lớn tại Rangoon kêu gọi giới quân nhân nhanh chóng thiết lập một chế độ dân chủ để cứu nước. Chồng bà, ông Michael Aris và hai con đều có mặt trong buổi nói chuyện lịch sử này để yểm trợ tinh thần.


Tình hình đòi dân chủ trong nước sôi sục . Thoạt tiên giới quân nhân kiêng nễ bà San Suu Kyi vì bà là con gái của một vị anh hùng Miến Điện.Nhưng một tháng sau giới quân nhân bắt đầu hành động chống bà. Ngày 18/9 quân đội Miến thành lập Hội đồng Quốc gia Vãn hồi Trật Tự và Luật pháp (State Law and Order Restoration Council – SLORC) ban hành lệnh giới nghiêm cấm mọi cuộc tụ họp trên 4 người và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử đa đảng thiết lập chế đô dân sự trong tương lai để ve vãn thế giới và làm yên lòng dân. Ngày 24/9 bà San Suu Kyi cùng với một số trí thức đồng chí hướng thành lập Liên Minh Quốc gia Dân chủ (National League for Democracy – NLD) chuẩn bị tham gia cuộc bầu cử.

Bà San Suu Kyi được bầu làm Tổng Thư Ký Liên minh Sau khi thành lập đảng NLD bà San Suu Kyi bất chấp lệnh cấm tụ họp đi khắp nước vận động cho đảng NLD. Có lần bà bước thẳng vào mũi súng đã lên đạn của hàng lính cản để mở đường đi. Vào những ngày cuối năm 1988 mẹ bà qua đời. Dân chúng Rangoon ùn ùn kéo nhau tham dự đám tang ngày 2/1/1989 như một thái độ ủng hộ bà San Suu Kyi.

Trong tang lễ, bà San Suu Kyi thề trước linh cửu Mẹ rằng bà sẽ theo gương cha mẹ đấu tranh phục vụ nước Miến Điện dù phải trả bằng sinh mạng mình. Phản ứng của Hội đồng SLORC quyết liệt. Ngày 17/2/1989 SLORC ra lệnh cấm bà San Suu Kyi ra tranh cử dân biểu. Và bốn tháng sau, ngày 20/6, ra lệnh quản thúc bà tại gia và bắt giam các sinh viên biểu tình trước ngôi nhà của bà. Bà San Suu Kyi tuyệt thực đòi trả tự do cho sinh viên.

Ông Michael Aris đến Rangoon yêu cầu được ở tù với các sinh viên. Cuộc bầu cử hứa hẹn được tổ chức ngày 27/5/1990. Dù bà San Suu Kyi đang bị quản thúc, đảng NLD vẫn thắng 82% ghế quốc hội. Nhưng nhóm tướng lãnh cầm đầu Hội đồng Quốc gia Vãn hồi Trật Tự và Luật pháp không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử. Tháng 10/1990 bà San Suu Kyi được giải Nhân Quyền Rafto (do giáo sư Thorolf Rafto thành lập) và tháng 7/1991 bà được giải Nhân quyền Sakharov do Nghị viện Âu châu trao tặng.

Ngày 14/10/1991 bà được giải Hòa bình Nobel. Hội đồng SLORC cho phép bà đi Oslo lãnh giải với điều kiện đi luôn. Bà từ chối rời khỏi nước. Hai người con thay bà lãnh giải. Số tiền thưởng 1.3 triệu mỹ kim bà San Suu Kyi dùng thiết lập quỹ sức khỏe và giáo dục cho người nghèo. Năm 1995 Hội đồng quân nhân chấm dứt lệnh quản thúc nhưng không cho phép bà ra khỏi thủ đô Rangoon. Bà San Suu Kyi bắt tay vào việc tái tổ chức đảng NLD. Hội đồng SLORC ra lệnh cấm bà phát biểu ở nơi công cọng chống chính quyền và mở một chiến dịch truyền thông công kích bà là người mất gốc lấy chồng ngoại quốc và có hành động phá rối an ninh quốc gia theo lệnh của nước ngoài. Chiến dịch bôi nhọ của SLORC không mang lại kết quả gì chỉ làm cho nhân dân Miến thuộc mọi tầng lớp ủng hộ bà hơn.


Thời gian này tiếng nói của bà San Suu Kyi vang dội trên trường quốc tế qua các cuộc phỏng vấn lén ghi hình tại chỗ hay các cuộc phỏng vấn của các đài phát thanh nước ngoài qua điện thoại viễn liên. Tháng 8 năm 1995 bà phát biểu tại Hội nghị Phụ nữ quốc tế tại Bắc Kinh do Liên hiệp quốc tổ chức bằng băng ghi âm (bà Hillary Clinton, lúc đó là đệ nhất phu nhân đại diện Hoa Kỳ tham dự). Bà San Suu Kyi kêu gọi các nước ngoài không nên đầu tư vào Miến vì chỉ làm cho chế độ quân nhân vững mạnh thêm và càng kéo dài chế độ độc tài. Đây là một chọn lựa khó khăn cho bà San Suu Kyi vì cấm vận kinh tế làm yếu chế độ quân nhân nhưng cũng làm cho nhân dân thiếu thốn và kham khổ hơn.

Tuy nhiên, chỉ có các nước tây phương như Hoa Kỳ, cộng đồng Âu châu đáp ứng lời kêu gọi của bà không đầu tư buôn bán với Miến Điện, trong khi các nước trong khối Asean chủ trương không can dự đến nội bộ của nước khác vẫn làm ăn buốn bán với Miến, và thu nhận Miến làm hội viên. Và nhất là Trung quốc. Trung quốc đã lợi dụng sự cô đơn của chính quyền Miến ồ ạt đầu tư vào Miến, mua chuộc giới tướng lãnh để mua tài nguyên của Miến cũng như mượn đường qua Miến để vào Ấn Độ Dương không qua eo biển Malacca.

Tháng 3 năm 1999 chồng bà, ông Michael Aris mất tại Luân Đôn vì bệnh ung thư, không gặp được vợ trước khi qua đời. Năm 2000 bà San Suu Kyi lại bị quản thúc với lý do bà luôn tìm cách ra khỏi thủ đô để tiếp xúc với dân chúng. Năm 2002 do sự can thiệp của Liên hiệp quốc bà lại được trả tự do và được đi lại trong nước với sự hiểu ngầm rằng Hội đồng SLORC chấm dứt chiến dịch bôi nhọ bà và bà thôi không lặp lại lời kêu gọi quốc tế tẩy chay chính quyền quân nhân. Và hai bên sẽ nói chuyện hòa giải để tìm một giải pháp cho Miến Điện. Tuy nhiên Hội đồng SLORC chỉ hứa cuội. Và trước sự tố cáo của bà San Suu Kyi tháng 5 năm 2003 chính phủ Miến lại ra lệnh quản thúc bà tại gia thời hạn 6 năm.

Tháng 5/2009 trước thời hạn được trả tự do, Hội đồng quân nhân mới (dưới tên Hội đồng Hòa bình và Phát Triển (State Peace and Development Council –SPDC) lấy cớ bà San Suu Kyi tiếp một công dân Mỹ vi phạm điều lệ quản thúc gia hạn quản thúc bà thêm 18 tháng. Và Hội đồng quân nhân tính toán tổ chức bầu cử đa đảng ngày 7/11/2010, 6 ngày trước ngày theo lịch trình bà San Suu Kyi được trả tự do. Nhiều gỉả thuyết được đưa ra tại sao chính quyền Miến đã tổ chức bầu cử và sau đó trả tự do cho bà San Suu Kyi . Cách giải thích đơn giản là cuộc bầu cử do chính quyền quân nhân tổ chức bị dư luận thế giới cho là giả tạo và gian lận nên chính quyền quân nhân Miến trả tự do cho bà San Suu Kyi để giải tỏa sự phê bình của thế giới. Lối giải thích này chủ quan hơn là khách quan.


Áp lực của thế giới Tây phương không làm thay đổi thái độ của chính quyền quân nhân. Chính quyền quân nhân không bị cô lập vì có sự ủng hộ và đầu tư dồi dào của Trung quốc, và thái độ “không quan tâm chuyện nội bộ của nhau” của các nước trong Hiệp hội Asean. Một giả thuyết khác là chính quyền quân nhân Miến Điện bắt đầu thấy áp lực của Trung quốc đè nặng lên đất nước và họ có nhu cầu tìm đường thoát hiểm trước khi quá muộn. Việc Hoa Kỳ trở lại Thái Bình Dương và sự thay đổi chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam là những yếu tố ảnh hưởng đến thái độ cởi mở của Miến Điện.

Tây phương trở lại Miến Điện mới có thể cân bằng và giải tỏa sức ép của Trung quốc. Và muốn Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu châu trở lại thì không thể không cải tổ chính trị (bằng bầu cử) và trả tự do cho bà San Suu Kyi. Nếu có một thái độ hòa giải, thí dụ chính quyền quân nhân Miến Điện chấp nhận một tiến trình cởi mở dù nhanh hay chậm, bà San Suu Kyi có thể chính thức yêu cầu quốc tế giải tỏa cấm vận, và Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu châu không chờ đợi gì hơn bước vào để cân bằng thế lực với Trung quốc .


Bà San Suu Kyi đã hết sức dè dặt trước khi bày tỏ thái độ chính trị của mình. Hôm Chủ Nhật 14/11, trước hàng chục ngàn người ái mộ tập trung trước sân trụ sở đảng NLD mừng ngày trở về bà nói bà không oán hận ai đã giam giữ bà, nhưng bà xác định ý nghĩa của dân chủ là “tự do ngôn luận”. Bà nói bà mong tiếp xúc với tướng Than Shwe, người lãnh đạo Hội đồng Hòa bình và Phát Triển để trao đổi ý kiến về một chương trình hành động có lợi cho đất nước. Trước những câu hỏi nóng hỗi của báo chí về quan điểm của bà đối với việc cấm vận bà San Suu Kyi trả lời “còn chờ đo lường ý kiến của nhân dân”.


Hiện nay các đảng đối lập có tham gia cuộc bầu cử đều tố cáo Hội đồng quân nhân gian lận bầu cử và muốn bà San Suu Kyi lên tiếng tố cáo. Ở vào vị trí tế nhị bà San Suu Kyi đã yêu cầu thành lập Ủy ban độc lập điều tra nhưng không nặng lời đả kích cuộc bầu cử. Và tuy một giới chức chính quyền nói, “việc trả tự do cho bà San Suu Kyi là vô điều kiện” bà San Suu Kyi cũng sẽ không đi về các tỉnh lúc này. Bà không muốn khiêu khích chính quyền. Bà hiểu các tướng lãnh trong Hội đồng quân nhân tuy đồng ý về một nhu cầu lôi kéo Tây phương để giải tỏa áp lực của Trung quốc, đa số cũng chưa sẵn sàng cải tổ chính trị và để cho bà San Suu Kyi tự do họat động.


Có thể họ sẽ để cho đảng NLD phục hoạt với một chương trình làm việc có thể chấp nhận dưới sự lãnh đạo của bà San Suu Kyi . Ông Kim Aris, con trai thứ hai của bà đang chờ xin chiếu khán vào Miến Điện tại Thái Lan. Kim Aris đến có thể sẽ mang đến cho bà San Suu Kyi nhiều thông tin và trao đổi ý kiến hữu ích để bà San Suu Kyi hoạch định một lối đi thế nào có lợi cho Miến Điện nhất. Tình hình địa lý chính trị Tây Thái bình Dương và Ấn Độ Dương đã thay đổi một cách căn bản, cấm vận Miến Điện không còn là một chính sách hữu ích.


Nếu trong 21 năm qua bà San Suu Kyi đã kiên nhẫn chịu đựng 3 lần quản thúc tổng cộng 15 năm để chờ một ngày đóng góp cho quốc gia dân tộc thì nhân dân Miến Điện cũng cần kiên nhẫn chờ bà suy nghĩ và hành động. Thái độ tố cáo, khiêu khích nhóm quân nhân lãnh đạo, tuyên bố thật kêu như một số người quá khích chờ đợi không phải là một thái độ khôn ngoan, và chắc hẵn không phải là chọn lựa của bà San Suu Kyi, người phụ nữ phi thường của thế kỷ./. Trần Bình Nam Nov. 20, 2010

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com


No comments:

Post a Comment