Pages

Sunday, November 7, 2010

TRẦN BÌNH NAM * TẬP CẬN BÌNH




Chọn lựa của Trung Quốc

Ngày 18/10/2010 Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc sau 4 ngày họp đã chọn ông Tập Cận Bình, ủy viên thường trực Bộ chính trị vào chức vụ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ông Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đang kiêm giữ chức Chủ Tịch Quân ủy Trung ương.

Ông Tập Cận Bình phụ tá ông Hồ Cẩm Đào để tập việc “nắm quân đội”, căn bản của quyền lãnh đạo.

Tượng Mao Trạch Đông

Trung Quốc không muốn xáo trộn như sau cái chết của Mao Trạch Đông

Học việc

Nếu lấy mẫu chuyển quyền từ ông Giang Trạch Dân sang Hồ Cẩm Đào 11 năm trước, các nhà quan sát đồng ý rằng đây là dấu hiệu đảng cộng sản đã đồng thuận chọn ông Tập Cận Bình làm lãnh tụ tương lai sau khi ông Hồ Cẩm Đào nghỉ hưu.

Năm 1999 ông Hồ Cẩm Đào được đưa vào chức vụ Phó Chủ Tịch Quân ủy Trung ương để học việc với Giang Trạch Dân. Đến đại hội thứ 16 năm 2002 ông Hồ Cẩm Đào được bầu làm Tổng bí thư, sau đó năm 2003 nắm Chủ tịch nước và năm 2004 nắm luôn chức vụ Chủ tịch Quân ủy.

Theo tiến trình đó người ta dự đoán rằng vào đại hội thứ 18 năm 2012, ông Tập Cận Bình sẽ được bầu làm Tổng bí thư đảng, sau đó năm 2013 sẽ trở thành chủ tịch nước, và theo tiền lệ năm 2014 sẽ kiêm luôn chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung Ương và hoàn toàn thay thế ông Hồ Cẩm Đào làm lãnh tụ tối cao.

Sự chuyển mọi quyền hành từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình sẽ kéo dài tối thiểu 4 năm và nhịp nhàng uyển chuyển để tránh mọi xáo trộn khi thay đổi lãnh đạo như đã xảy ra sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 và vẫn thường xẩy ra tại các nước cộng sản khác hay tại các nước độc tài.

Ông Hồ Cẩm Đào là người được ông Đặng Tiểu Bình (trước khi qua đời) chọn là người lãnh đạo kế nghiệp ông Giang Trạch Dân sau khi ông Giang Trạch Dân mãn nhiệm Tổng bí thư đã được các hậu duệ trong đảng thực hiện.

Thời kỳ lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào là thời kỳ Trung Quốc bước vào con đường phát triển kinh tế và trở thành một cường quốc.

Trong thời gian đó Trung Quốc đứng trước hai nhu cầu: (1) phát triển kinh tế qua sản xuất và xuất cảng và (2) nhu cầu sống sung túc của nhân dân. Nếu không muốn kể thêm nhu cầu cần cải tổ chính trị cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường.

Bắc Kinh nhìn từ cửa sổ khách sạn

Trung Quốc đứng giữa hai con đường Phát triển và Dân sinh

Phát triển và Dân sinh

Phát triển kinh tế qua đầu tư sản xuất và tăng mức sống của nhân dân để thu hẹp khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn là hai nhu cầu không thể thực hiện cùng một lúc.

Phải chọn ưu tiên: Trở thành cường quốc trước, dân sinh sau hay dân sinh đã và trở thành cường quốc sau.

Suốt 8 năm lãnh đạo vừa qua cá nhân ông Hồ Cẩm Đào và đảng cộng sản Trung Quốc đã trăn trở giữa hai nhu cầu đó.

Năm 2007 Đại hội 17 của đảng cộng sản có lẽ đã thảo luận vấn đề một cách rộng rãi, và Hồ Cẩm Đào với sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo đảng đã chọn hai ủy viên Trung ương đảng trẻ tuổi là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị.

Ông Tập Cận Bình có khuynh hướng phát triển kinh tế để trở thành cường quốc trước.

Trái lại, ông Lý Khắc Cường đại diện cho khuynh hướng “dân túy” (populist) lo cho dân trước, quốc gia hùng mạnh sẽ theo sau.

Sau 3 năm thử thách khuynh hướng cường quốc trước, dân sinh sau thắng thế và ông Tập Cẩm Bình đã được chọn làm người lãnh đạo Trung Quốc sau Hồ Cẩm Đào.

Ông Tập Cận Bình thuộc giới “con dòng” (princeling), con trai ông Tập Trọng Huân, một trong những công thần của chế độ đã cùng Mao Trạch Đông và các đồng chí khác xây dựng chính quyền cộng sản tại Trung quốc.

Ông Tập Trọng Huân là một người chủ trương cởi mở bị Mao thanh trừng năm 1968 trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa.

Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình 15 tuổi lúc nổ ra cuộc Cách mạng văn hóa

Tập Cận Bình

Năm đó ông Tập Cận Bình 15 tuổi bị đuổi về tỉnh Thiểm Tây lao động chân tay.

Sau cuộc Cách Mạng Văn Hóa, ông Tập Trọng Huân được hoàn chức trở về giúp việc cho Đặng Tiểu Bình, và ông Tập Cận Bình trở lại Bắc Kinh học tại đại học nổi tiếng Thanh Hoa.

Ông tốt nghiệp kỹ sư hóa học năm 1979 và sau đó bằng tiến sĩ về phát triển nông nghiệp.

Dưới thời Đặng Tiểu Bình ông phục vụ trong bộ máy lãnh đạo đảng tại tỉnh Phúc Kiến và từng là Bí thư Thành ủy thành phố Thượng Hải.

Ông Tập Cận Bình được tiếng là người trong sạch và tích cực khuyến khích mậu dịch.

Ông kết hôn với bà Bành Lệ Viện, một danh ca dân ca được dân chúng Trung Quốc ái mộ.

Chọn lựa ông Tập Cận Bình, đảng cộng sản Trung Quốc đã chọn con đường ưu tiên phát triển kinh tế để trở thành siêu cường.

Sự cải tổ chính trị và nhu cầu dân sinh sẽ được thực hiện trong một mức độ vừa phải có kiểm soát để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

Và trong thời gian 5 đến 10 năm tới thế giới không nên trông đợi một sự cải tổ chính trị sâu rộng nào theo hướng dân chủ hóa tại Trung Quốc.

Ngoài cải tổ chính trị trong chừng mực, đảng cộng sản sẽ quan tâm đến mức sống của dân để thu hẹp khoảng cách giữa giàu và nghèo trong xã hội.

Thành phần giàu đa số là đảng viên nắm các lĩnh vực kinh tế quốc doanh được hưởng lợi một cách quá đáng.

Thành phần nghèo là công nhân không có gốc rễ và nông dân.

Lý Khắc Cường

Ông Lý Khắc Cường được giao nhiệm vụ điều chỉnh khoảng cách giàu nghèo

Lý Khắc Cường

Người được giao nhiệm vụ điều chỉnh này là ông Lý Khắc Cường.

Chúng ta có thể nghĩ rằng vào đại hội 18 năm 2012 khi ông Tập Cận Bình nhận chức vụ Tổng bí thư, ông Lý Khắc Cường sẽ nắm một nhiệm vụ then chốt trong Bộ chính trị để bảo đảm rằng nhu cầu dân sinh sẽ không bị lãng quên.

Có thể đó là sáng kiến của ông Hồ Cẩm Đào tạo ra một hình thức đối lập trong nội bộ đảng để bảo đảm một sự phát triển bền vững và cân đối.

Quyết định chọn ông Tập Cận Bình làm lãnh tụ tương lai cho thấy đảng cộng sản Trung Quốc đã chọn thế kỷ 21 là thế kỷ của mình, và họ đang chuẩn bị “vượt đại dương” chấp nhận sóng gió trước mắt.

Tín hiệu của hội nghị Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ngày 18/10/2010 là một tín hiệu không thể nhầm lẫn về quyết tâm của Trung Quốc quyết trở thành siêu cường số một như vị trí của Hoa Kỳ hiện nay.

Trung Quốc đã bày bàn cờ và thế trận.

Hoa Kỳ nói riêng và thế giới Tây phương nói chung cần cảnh giác.

Riêng Việt Nam đang bị đe dọa bởi tham vọng của Trung Quốc, những người lãnh đạo Việt Nam hôm nay lại còn cần cảnh giác hơn nữa.

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở California, Hoa Kỳ.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/10/101029_tranbinhnam.shtml


No comments:

Post a Comment