Pages

Tuesday, November 9, 2010

TRUYỆN NGẮN TRẦN NHU







CON NGƯỜI LÀ VỐN QUÝ
Truyện Ngắn
TRẦN NHU

Trung tá Trần anh Kim và các anh em cưu chiến binh Quân Đội Nhân Dân!

GS Nguyễn văn Canh:
Nhà văn Trần Nhu, nguyên là Giáo sư Sử Học tại Hà nội. Năm 1981, ông vượt biển từ Hải phòng, sang Hồng Kông, vào Hoa Kỳ tị nạn cộng sản. Tác phẩn mới nhất của ông là Tinh Thần Nhập Thế của Phật Giáo Việt nam ( 2005) và cũng là tác giả Giác Thư gửi Tướng Lãnh Quân Đội Nhân Dân và Giá Của Tự Do Luôn Cao (2006).


Tôi Phạm Văn Phú, nguyên quán Tiền Hải, Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, đại đội phó, Đại Đội Hai, Tiểu Đoàn Ba. Sư Đoàn 308 đã giải ngũ. Tôi là một con người. Và con người cần những nơi chốn ăn ở khác loài vật, sinh hoạt khác loài vật.


Thế mà gần hai mươi năm đi lính, sau khi giải ngũ, tôi không có nhà ở, nơi chốn nương tựa không còn, tương lai , nghề nghiệp, tiền tài cũng không Nên đã hai năm qua, tôi sống như con vật. Và tôi cũng sống theo lối của con vật, không có nhà cửa vật dụng. Không có một thứ tiện nghi nào ráo, hoàn toàn không, trong cái gầm cầu Long Biên nầy. Cũng không phải chỉ có mình tôi. Ở đây có đủ mọi hạng người, nào thôn quê, nào dân thành thị, nào trí thức , nào bộ đội phục viên, thanh niên vô nghề nghiệp, già trẻ trai gái đủ màu sắc. Mỗi khoang gầm cầu không biết chứa bao nhiêu người. Ban ngày họ đi tứ xứ kiếm ăn, đêm tối mò về những các hóc ở gầm cầu ngủ: Không điện, không nước, tối tăm mịt mù.


Họ là những con người khốn khổ hèn mạt, hay bầy súc vật ? Sống với nhau như bầy đàn ? hay chỉ là những nông dân mộc mạc, những người công nhân thất nghiệp, những quân nhân bị sa thải… những người, mà mạng sống không được đánh giá cao lắm. Mặc dù “Bác Hồ” luôn luôn đề cao “ con người là vốn quý”
Có lẽ con người chỉ được đòi hỏi làm người, khi có quyền, có tiền. Còn khốn khó nghèo hèn đều là súc vật cả.





Tôi không nói quá đáng đâu, gầm cầu Long Biên thì bạn biết rồi: Đầy bụi, đầy rác bẩn, đầy ruồi muỗi, đầy những vật ô uế. Tôi nghĩ: nơi đây là nơi sống của chó- nhưng chẳng thấy có con chó nào. Mặc dù chỗ nầy đúng là nơi những con chó hoang sống. Bốn bề tứ phía là những giấy lộn vỏ đồ hộp, phân người phóng uế bừa bãi. Khí trời nóng, mùi hôi thối rữa bốc lên ngùn ngụt, tạo thành một luồng không khí ngột ngạt ghê tởm chụp lên những mạng sống bé bỏng, những đứa trẻ, những người bất hạnh , những thân xác gầy gò, gần như không còn chịu đựng được cái nóng kinh người vào mùa hè, và cái giá lạnh của mùa đông, với những phương tiện sống quá ư khắc nghiệt. Ấy thế mà họ vẫn sống trong nhiều năm qua, và tiếp tục sống trong thời gian sắp tới. Thật khả năng thích ứng của con người vô giới hạn. Lạ làm sao, tụi nhóc chúng cứ sống như thế một cách tự nhiên và
những thằng bé tí hon nầy không hề coi đó là nơi trú của những con thú hoang, mà chúng cứ đinh ninh rằng: gầm cầu nầy đích thực là nhà của chúng. Nhiều đứa sinh ra ở đây và cũng tử ở đây !





Nhiều lúc tôi tự hỏi: Con người là cái gì ? Một con vật ? hay một công cụ ? Nhưng con người không giống công cụ, không giống con vật. Con người có một linh khí và một tình cảm. Dẫu rằng những kẻ bất hạnh sống với nhau đôi khi còn thanh cao, chân thành hơn cả những kẻ quyền quý. Hai năm qua sống ở gầm cầu, tôi có một người bạn già tên Tuyên. Người gầy gò, nhỏ th, nhưng có vầng trán cao, có đôi mắt sáng chứng tỏ một đời sống nội tâm dồi dào phong phú.


Lão thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa, rành chữ Hán, chữ Nôm, giỏi khoa chiêm tinh, dịch lý, tử vi – Nhưng các cụ thường nói: “ Ở đời chữ tài liền với chữ tai một vần “. Quả không sai!
Lão đã bị nhà nước cho đi tẩy não sáu năm, ở tận Hà Giang Bắc Mục. Có người bảo lão bị đi tẩy não vì chữ nghĩa. Có người bảo lão đi tẩy não về tội gàn bướng. Có người lại bảo lão bị đi tẩy não vì xem tử vi. Họ kể rành rọt rằng: Chính lão đã xem lá số cho một số các vị trong Bộ Chính trị, và các bà lớn, các cô, các cậu ấm. Rồi thiên hạ đồn đại gần xa đến tai trung ương đảng.
Họ trả giá cho lão bằng cái án tập trung cải tạo sáu năm.


Ở tù ra vợ lão đã chết ! số lão lại không có con, nhà cửa của lão bị nhà nước tịch thu ráo. Thân thích có đấy, nhưng chẳng ai dám chứa chấp người đã có án. Lão đành phải đến trú ngụ ở gầm cầu. Tôi với lão nằm kề nhau. Lão đối xử với tôi tử tế. Có lúc cơn bịnh sốt rét cũ tái diễn. Hai hàm răng tôi bắt đầu đánh cầm cập, tôi cố kìm cơn run nhưng không sao cưỡng nổi. Tôi cắn răng như cắn cả đường gân máu.


-Không hề gì, đâu có nghĩa lý gì, đời sống như bóng mây! Lão nói. Và chỉ có lão chăm lo cho tôi ăn uống những ngày ốm, đói, chuyện của lão còn dài. Tôi tạm gác lại để kể qua về người hàng xóm ở phía sau lưng chúng tôi. Đó là một gia đình có hai vợ chồng và sáu đứa con, đứa lớn nhất khoảng
15 tuổi, nhỏ nhất mới một tuổi. Họ làm nghề kéo xe “ba gác”, chỗ họ chiếm cứ khá rộng, nơi ăn nằm lại được lót ván khá tinh tươm. Họ có cả bếp dầu để nấu ăn hằng ngày, gia đình nầy ở gầm cầu trên mười năm nay.


Tôi hỏi: Hai bác đẻ nhiều thế ? Ông ta thản nhiên trả lời:
-Có tiền có của là cán lớn thì tối đến người ta kéo nhau đi chơi. Các ông quan to hơn thì tối nào chẳng đi dự tiệc, họ cứ yến tiệc, liên hoan lễ lạc đều đều, thiếu gì thứ để tiêu khiển. Họ đi xe Pobéda, xe Volga đen bóng của Nga, xe Mercedes Tây Đức. Nếu đi xa như Nha trang, Vũng Tàu. Đà Lạt, Sầm Sơn thì họ dùng máy bay lên thẳng M16-M18 thiếu gì. Còn chúng tôi dân đen tiền
không có, cán gậy cũng không. Chẳng đi đâu. Chúng tôi không có chỗ nào chơi một tí. Thế là cứ sòn sòn…


Quanh hàng xóm của tôi với lão, đại loại, vơ vẩn là những người như thế. Công việc của tôi hằng ngày là sáng vác bơm xe đạp đi, tối vác bơm về gầm cầu ngủ. Nhưng dạo nầy tụi nhóc con và bộ đội phục viên, thương binh làm nghề nầy quá nhiều. Họ giành hầu như hết khách của tôi. Tôi dự định đổi nghề, nhưng chưa biết làm gì ?

Lão già Tuyên bảo tôi :
-Sao cậu không đi nhập băng đảng cướp ! Bây giờ bộ đội phục viên, thương binh họ tổ chức đi ăn cướp nhiều lắm. Đó là một nghề không cần phải bỏ vốn đầu tư, chỉ cần lòng can đảm dũng cảm, mà loại như các cậu thì có thừa. Vả lại nghề nầy rất hợp thời. Sao cậu không làm ?


Thấy tôi lặng im lão dừng lại, bĩu môi, lão lại nói tiếp :
-Cậu chân chính quá ! mà tình đời đen bạc, điên đảo xoay xoả thành một hệ thống, nên phải tuỳ thời biến đổi theo đạo. Không có gì bất di bất dịch cả. Lão nói rất chậm. Và cứ nhìn tôi mắt sáng lạnh. Có thể lão nói đúng, đúng một cách tàn nhẫn, và cũng vô cùng trâng tráo. Nhưng rất nhân tình.

Tôi như sững lại. Cảm thấy nhức nhối đến khủng khiếp. Lão lại nhìn tôi cười lập lờ, nụ cười tắt dần chuyển hóa sang chua chát, khinh bạc.


Tự dưng tôi thấy lạnh buốt xương sống. Lạnh rỡn tóc gáy, run lên bần bật . Cái đầu co rụt lại giữa hai vai.
-Cậu sao thế ? Lão hỏi. Lại sốt phải không ?
-Vâng, có lẽ.
Tôi run rẩy trả lời rồi nhìn lảng đi nơi khác. Trong tôi có nỗi buồn u uất, tê tái, của căn bịnh khó có thể chữa lành, và lúc này tôi tự như một con chó hoang ốm.
-Vì sao không uống kí ninh ? Lão hỏi, mắt nheo lại.
-Không có.
-Cửa hàng dược phẩm Quốc Doanh không bán kí ninh à ?
-Có bán. Nhưng phải có giấy giới thiệu
-Cơ quan nào ?
-Sở thương binh, xã hội, tôi đã đến hai ba lần rồi. Nhưng còn phải chờ Thủ Trưởng xét…


Lão thốt lên , giọng phẫn nộ.
-Sao dả man thế ! Dã man thế !
Tôi im lặng. Lão thong thả nói:
-Ôi thật đáng thương những người lính !
Hiển nhiên là câu nói giản dị chân thành ấy đã gợi lại bao nhiêu chuyện buồn đau, uất hận trong tôi. Tôi nhìn lão cúi đầu xuống mái tóc bạc phơ cũng như đang chịu một sức nặng ghê gớm của ký ức sôi động đang hiện ra cả một thế giới thương đau, hãi hùng, nặng nề. Và hiện tại đói nghèo, lạc hậu không thay đổi. Con người không được làm “Người” tiếc thật !
Từ đó lão với tôi trở nên thân mật. Lão hỏi :
-Chẳng lẽ cậu cứ sống mãi thế nầy hay sao ? Hay cậu sợ đi tù ?
Lão nhướng mày nhìn tôi, làm một dấu hỏi, chờ đợi. Thấy tôi vẫn lặng thinh. Lão quay đi cười “ khinh thị”…


-Vào tù có nhà ở, lại được nuôi ăn. Tôi nói.
-Cậu đừng tưởng lầm. Lão bảo. Nó bắt làm hơn cả con vật, đánh đập chết bỏ.
Rồi lão kể những câu chuyện trong tù… Tôi cảm thấy ớn lạnh. Hai chúng tôi ngồi im lặng khá lâu.
Cả tuần lễ sau, tôi cứ nằm bệt ở gầm cầu, không đi bơm xe đạp nữa, chỉ nghĩ đến chuyện trộm cướp, mặc dầu lúc đầu tôi chẳng muốn nghĩ, mà cũng chẳng muốn làm những chuyện đó. Bỡi tôi là con người đã từng say sưa lý tưởng cách mạng, giải phóng, nên cảm thấy đau đớn, nhức nhối đến kinh
khủng. Ôi ! Nó cũng là một nỗi đau chung, nỗi đau xa xôi, nỗi đau rất gần, nỗi đau của mọi người Việt nam, nhất là những ngưòi lính. Tôi rùng mình sợ hãi cố nhớ lại một cách vô vọng, từ trong đáy lòng, từ ngõ ngách sâu kín của ký ức tôi suốt mấy chục năm theo Bác, Đảng, làm cách mạng giải phóng, nay đến ngày chiến thắng, lại gầm cầu, xó chợ và trở thành tên lưu manh!


Tôi còn đang nghĩ ngợi đến ngày xưa, và ngày nay, thì lão lại bảo tôi. Nếu cậu có gan, thì vào nhà các cụ lớn…
Tôi hỏi:
-Cụ biết nhà những ông nào ?
Lão kể, vanh vách! Nhà của Tổng Bí Thư Lê Duẩn, nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà của Chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh… có đầy đồ vật quý.
Lão tả tỉ mỉ, trên tường dưới lớp kính nhà nào cũng treo rất nhiều những bức họa đắt tiền , khung bằng vàng, dưới là những pho tượng tuyệt tác bằng đồng đen, bằng đá hoa cương ngà ngà vàng vàng nhẵn bóng, cạnh những cặp đồi mồi cực kỳ lớn, những bộ da hổ lớn, những cặp ngà voi, những bộ khay chén bằng bạc, bằng gỗ quý, bên cạnh những tủ lớn, tủ nhỏ, trong tủ bày những chuỗi ngọc lớn, và hàng trăm thứ châu báu hiếm lạ không thể kể xiết, mỗi thứ có giá trị hằng trăm triệu đồng. Lão bảo: cậu chỉ cần vài thứ là sống một cuộc đời vương giả rồi.


Nghe lão kể, tôi cứ ngồi ngây như phổng. Không ngờ cái họ nhà vô sản, cái loại người thường tự nhận là đầy tớ của dân lại giàu sang đến thế.



Biết lão giỏi nghề tướng số, tử vi. Một hôm tôi hỏi: cụ xem mệnh của tôi năm nay ra sao ?
Suy ngẫm một lúc lão nói:
-Cậu được thần lực Như Lai hộ trì. Và sở đắc năng lực thiện căn. Phước đức đại từ bi “tâm” Và thêm nữa nhân duyên dẫn khởi. Mệnh của cậu đã đến hồi chung kết, phải là người trả được nợ, gỡ được duyên, thoát được giây xích xiềng của Ngã quỷ ràng buộc. Đến chỗ chí trí, chí thiện, bởi có sao lộc tồn chiếu thủ hai cung, điền tài thì chủ đại phải có vàng chôn ngọc cất trong năm nay. Sao ở nơi sinh vượng, đắc địa, có ảnh hưởng mạnh, có sức chiếu sáng. Lão cắt nghĩa: Vượng là thịnh mạnh. Mạnh ắt ảnh hưởng nhiều và kết quả nhanh. Đắc địa là thứ sao Bắc Đẩu được cung an thuộc hướng Bắc. Như hổ ở trong rừng. Như anh hùng chiếm được đất của địch quân. Không chừng cậu lại đi làm cách mạng giải phóng nữa, mà phải có cương vị lãnh đạo cơ đấy.


-Nhưng tại sao các tinh tú ở quá xa ta lại có thể ảnh hưởng đến từng cá nhân từng người được? Tôi hỏi.
-Nếu tinh tú ở trên trời không ăn nhập gì đến chúng ta thì khoa học thực dụng giải thích thế nào về ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng. Và các thiên thể khác với trái đất. ? Lão hỏi ngược lại . Tôi đành ngồi thinh lặng nghĩ : Có thể trên đời nầy không có thần thánh ma quỷ. Nhưng chắc chắn phải có một sức mạnh siêu nhiên chi phối đời sống và hoàn cảnh con người. Mà đời sống có ưu tư, vạn vật sinh rồi diệt, địa cầu và các tinh tú xoay chuyển, sức mạnh đó kỳ bí có thể mắt trần thế không thể
thấy được.


Lão tiếp tục giảng giải:
-Cậu có biết, trong vũ trụ có hàng tỉ tỉ các tinh tú, mỗi tinh tú đều có vị trí, chức năng riêng. Và có mối liên hệ với vạn vật, có ảnh hưởng trực tiếp đến cả nhân loại và vạn vật hữu thể, họặc vô hình.
-Thế cụ có tin con người phải trải qua nhiều kiếp không ? Tôi hỏi.
-Tôi tin ở thuyết luân hồi, con người trở lại trong nhiều kiếp, và bánh xe lịch sử không ngừng lại: Có sanh, có diệt tức là luân hồi rồi. Tôi nghiệm, và tôi thấy như thế cậu ạ.


Bỗng đột nhiên cao hứng tôi hỏi :
-A ! Thế cụ có biết tiền kiếp của Hồ Chí Minh, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn không ?
Dường như đã nghiền ngẫm từ lâu, lão nói:
-Tiền kiếp của các vị đó là những ông vua, bà chúa của nước Chiêm Thành trước đây, đầu thai vào họ để báo oán. Nó là một sự trả thù man dại.Vậy sức mạnh tiền ẩn nào đã đưa họ và cả nước vào mê lộ giết chóc, hãm hại lẫn nhau trong cảnh đầu rơi máu chảy thành sông, huynh đệ tương tàn ? Gốc rễ, ngọn ngành từ đâu ?

Đó là sự cừu hận mất nước, dân bị diệt chủng. Nhưng trong lòng của người Chiêm Thành còn mang hận thù sùng sục, cuồn cuộn. Nên họ phải đầu thai làm người Việt nam. Chính vì thế mà họ không biết thương dân ta . Họ mặc thân xác Việt, tên họ Việt. Nhưng thần trí của họ là Chiêm Thành. Hồ Chí Minh. Lê Đức Thọ. Lê Duẩn… không cùng huyết thống với ta. Điều đó thật quá rõ. Lão nói giọng khẳng quyết, nghiêm nghị.
-Cậu cứ ngắm thật kỹ những bộ mặt ấy xem, rành rành là mẫu người Chiêm Thành. Không một chút Việt Nam nào hết. Khi bọn nầy chết, đất nước có thay đổi gì không ? Chưa, bọn khác thay thế chúng còn tệ hơn.
-Thế cụ có biết bọn đó là những ai không ?


-Rất có thể thằng “hoạn lợn” với thằng chột lên làm vua “ Lê Đức Anh”. Bọn này vì địa vị và quyền lợi chúng sẽ bám chặt vào đít quan quan thầy Bắc Kinh. Chúng sẽ dâng đất cho Tầu, đến lượt thằng Mán, thằng Mường thì nước mình gần như trở thành một tỉnh của Tầu. Và đạo lý lúc đó suy đồi kinh khủng. Người mình ra nước ngoài làm nô lệ đông vô kể. Phụ nữ Việt bị bày bán đấu giá ở các chợ ngoại quốc như người bán heo, Nhục lắm cậu ơi!
-Cụ có tin đây là một định mệnh tàn nhẫn mà tôi với cụ là những mảnh nhỏ của định mệnh đó ?


-Không, con người yếu hèn thường đổ thừa cho định mệnh một khi cuộc đời họ bất lực, họ tìm một lối giải thoát để an ủi, an phận, cúi đầu nhận chịu cái kiếp nô lệ. Và thế giới quanh họ vẫn tiếp tục trôi lăn trong ngu tối phũ phàng.
Phải quật cường đứng dậy diệt trừ ổ cướp trong BCT, dân tộc đang mong đợi, các cậu mà trừ khử được bọn chúng tên tuổi sẽ rực rỡ muôn đời, nêu danh muôn thuở.
Lúc nầy tôi thấy trên gương mặt của lão niềm vui và nỗi buồn đã đổi chỗ cho nhau như một đứa trẻ vui vẻ đập “bốp” một cái lên đùi. Phải trừ khử. Tôi vẫn băn khoăn về cái định mệnh. Lão giải thích:
-Cậu phải hiểu cái quan niệm định mệnh của người xưa cho rằng: “Tất cả hành vi của con người đều do túc mạng định sẵn” hay “ tất cả hành vi của con người đều do đấng tối cao định đoạt”. Nhưng đức Phật hoàn toàn phủ định các luận thuyết nầy. Ngài cả quyết rằng: “ Chỉ có con người định đoạt số phận của họ”. Và là điều chắc chắn, cái gì cũng có nhân, có duyên, không gì tự nhiên có, tự nhiên không. Cái nầy có và cái kia có, cái này không vì cái kia không. Đó là định luật duyên khởi của nhà Phật.


Còn cứ theo cái thuyết của định mệnh trên thì bọn sát nhân, trộm cướp đều do túc mệnh, hay một đấng tối cao nào đó định đoạt hoá ra bọn tội phạm chỉ như những cái máy….. bởi ý muốn của Thượng Đế. Và như vậy con người không có khả năng cải thiện đời sống, không có khả năng bỏ tà quy chánh ?
Không có lý nào như thế.
Thế chuyện nghiệp báo: Đó là một sự thật. Cái điều tiên quyết về nghiệp báo với Phật giáo rất rõ ráng, lão xác quyết về cái nhân diệt Chiêm Thành đẻ ra cái quả v.v…
-Nhiều những chuyện lạ. rắc rối. Như câu chuyện thanh toán nợ máu, nợ diệt chủng của dân Chiêm Thành, hoặc về khoa dịch lý, chiêm tinh , hay linh giác của thánh nhân.

Lão kể. Tôi không mấy hiểu những điều lão nói. Nhưng chính là nhờ có lão mà tôi học hỏi được nhiều điều mới lạ. Đối với tôi nó là một món quà vô giá. Có điều là tôi cảm thấy sợ hãi về những hành động của mình trong quá khứ. Tôi bảo lão: Mấy chục năm ròng theo Bác Đảng làm nghề bắn giết, bây giờ mới giải nghệ, lại làm nghề trộm cướp ! Việc đó ắt ảnh hưởng xấu đến kiếp sau?
-Không, không! Lão nói:
Cậu dứt khoát sẽ được ghi điểm “tốt”. Và còn mầm “thiện” cho kiếp sau nữa chứ.


Lão chỉ tay lên trời: Nói như đùa, triết lý như đùa, các vị tinh tú như những mảnh gương ấy nó phản chiếu trở lại, cũng như cậu soi gưong. Nên bất cứ một hành động nào dù tốt hay xấu đều được ghi lại trên ấy hết.
Tôi nghĩ thầm: Đi trộm cướp mà được ghi điểm “tốt”. Như đọc dược ý nghĩ của tôi. Bỗng lão kêu lên:
Xin trời – Phật chứng giám. Tôi không khuyên cậu đi cướp trộm. Tôi chưa hề có ý nghĩ ấy, mà có phải trộm cướp gì đâu ! Chính chúng nó mới là bọn đầu sỏ trộm cướp, bọn vơ vét của dân nhiều đến thế. Sống thừa thãi đến thế. Những kẻ giàu sụ,. vinh thân phì gia, sống trên mồ hôi xương máu của dân, bám vào chiến công và thành quả của lính. Không thể để chúng được sống êm thắm trọn vẹn hưởng một tài sản khổng lồ của quốc gia.
Giọng lão trở nên phẩn nộ, gay gắt: “ Những kẻ tước đoạt phải bị tước đoạt”
Đó là khẩu hiệu của Marx – Engel. Cậu nhớ không.?


Im lặng một lúc lâu. Lão lại nhìn thẳng vào mặt tôi:
-Có phải cậu là những thằng đã đem xương máu ra để bảo vệ cho lũ chúng không ? Có phải chúng đã xử tệ với những thằng lính như cậu không? Có phải các cậu là những thằng đói khát không ? Có.
Vậy thì, nghĩa là mình chỉ thực hành nhiệm vụ của mình thôi, mình làm một việc thiện có nhân, có quả, cậu lấy của những tên cướp đó chia cho những thằng đói khát như cậu, đúng là việc thiện, sẽ gặp điều lành.
Thấy tôi có vẻ hứng khởi, hưởng ứng. Lão vui vẻ cười to: -Nếu cậu lấy của kẻ cướp chia cho thằng nghèo , thì chư Đại Bồ Tát cho tới Hộ Pháp Long Thiên đều chắp tay hoan hỷ hộ trì cho cậu. Làm được việc đó, tức là Thánh giới, Thánh Hiền rồi. Nên cậu cần quyết tâm nỗ lực, hãy làm ngay đi, không được chậm trễ. Cậu phải nhớ điều nầy: “ Trong cái bất khả dĩ có thể là cứu cánh cái bất khả đắc”.


Ông cụ, cứ giọng ấy mà nhắc đi nhắc lại với tôi. Có khi lại pha cả triết lý Khổng, Mạnh nữa. Nhìn chòm râu ông cụ với những lời giảng giải vừa khôi hài, lại vừa nghiêm túc. Tự nhiên tôi thấy vừa đau vừa buồn cười.Chuyện rất oái oăm. Nhưng lại là sự thật. Bây giờ bọn lãnh tụ cách mạng vô sản ở trong những biệt thự rộng rãi, rất tráng lệ và tiện nghi không thua kém những Hoàng đế. Và bọn tài phiệt tư bản. Họ đầy tiền, tiêu pha phung phí. Trong lúc bọn lính tráng chúng tôi chết đói.


Như thế, một cuộc cách mạng chỉ thực hiện cho một thiểu số rất nhỏ giàu mạnh thôi. Trong quá khứ cũng như hiện tại, những người thua thiệt lớn nhất của cách mạng là nông dân, họ là cha anh của những người anh hùng đã làm nên chiến thắng. Nhưng những ngưòi anh hùng vô danh ấy ngày nay sống ra sao ? Hay là họ trở thành những nạn nhân trực tiếp của cách mạng. Ngày trước, họ là những người lính xung kích của cách mạng. Bây giờ họ là những kẻ vô thừa nhận! Thường lai vãng với bọn lưu manh, và trở thành lưu manh.
Đúng như lão nói:
Bộ đội phục viên, thương binh, bây giờ sống bằng nghề trộm cướp nhiều lắm!

Tôi suy ngẫm mãi, truyền thống cao đẹp trong tinh thần Việt Nam trao cho bao nhiêu thế hệ, ý chí và nguyện lực kiêu hùng chẳng lẽ lại dùng vào việc mưu sinh cho cá nhân hoặc một số người. Tôi quyết định trở lại quê hương Thái Bình.

Lão hỏi: Cậu về Thái Bình làm gì ?
-Gặp một số chiến hữu.
-Lại làm cách mạng nữa? lão hỏi. Tôi lặng thinh, trước khi ra bến xe, lão cho tôi một chíếc áo còn mới, một lọ thuốc ký ninh và một số tiền. Tự nhiên tôi cảm nhận như tình cha con. Chúng tôi nắm chặt tay nhau hồi lâu. Lão bảo: Các cậu đi làm cách mạng. Tôi chỉ khuyên một điều: Con người sống trên đời cần rất nhiều thứ như tiền bạc, danh vọng, địa vị….Nhưng trong tất cả những cái đó.
con người rất cần đạo đức làm nền tảng, làm cốt lõi, làm linh hồn. Thiếu đạo đức con người sẽ làm đổ vỡ tất cả.
TRẦN NHU

Ghi chú:
Tôi viết chuyện “ Con Người là vốn quý” từ năm 1988. vất xó đó, nay đọc lại thấy vẫn có ích cho bạn đọc hồi tưởng lại về một thời kỳ của đất nước…Nếu ai muốn in ấn đều được khuyến khích, nhưng phải ghi rõ xuất xứ và thông qua tác giả theo địa chỉ. Trần Nhu PO. Box 124, Marina, CA. 93933

No comments:

Post a Comment