Pages

Friday, November 12, 2010

VŨ ÁNH * HỒI KÝ NGUYỄN VĂN THIỆU




1. Mời nghe khỏi đọc:

(Audio) Tâm Tư Tổng Thống Thiệu 10/09/2010 by: hh75

(Xin bấm vào hình bên dưới để nghe Audio toàn bộ)


Về cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”




Ðây là một cuốn sách thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu.” Hai cuốn trước đó là “Hồ sơ mật Dinh Ðộc Lập” và “Khi đồng minh tháo chạy.” Tất cả những tác phẩm của ông đều rất đồ sộ với phần tổng hợp những chứng liệu đã được giải mật của Hoa Kỳ và bộ sưu tập của riêng ông.

Từng là Tổng Trưởng Kế Hoạch và Cố Vấn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cho nên những điều mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết ra trong tác phẩm của ông phải là những điều cần đọc và nên đọc. Ðiểm cần nhấn mạnh ở đây rằng lần này, có phần tâm tư của Tổng Thống Thiệu, một cựu lãnh đạo VNCH mà cho đến lúc qua đời, không có cuốn hồi ký nào hay để lại những bút tích về một giai đoạn chiến tranh nghiêm trọng liên hệ đến sự mất còn của miền Nam Việt Nam.


Tất cả sự nghiệp của ông đều trông chờ vào kho dữ kiện bí mật trong chiến tranh Việt Nam của văn khố quốc gia Hoa Kỳ được giải mật nhiều năm trước đây và công trình đọc, chọn lựa, sưu tầm, phân tích và tổng hợp của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Vì thế ít nhiều cũng không thể tránh được cách nhìn chủ quan. Ông đã từng nhấn mạnh đến khía cạnh đặc biệt về con người ông Thiệu mà trong tác phẩm tác giả mô tả là một người rất khép kín và tác giả đã cho rằng vì tình cờ của lịch sử, có may mắn làm việc gần Tổng Thống Thiệu trong gần 3 năm và sau này còn gặp ông rất nhiều lần tại London và Boston nên được biết một phần nào con người ông.


Cái được biết mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho tới nay mới đưa ra để mọi người cùng biết, đó là câu tuyên bố với phóng viên của báo “Now,” theo đó, tờ báo này cho rằng Tổng Thống Thiệu đã tuyên bố : “I have nothing to do with them” (dịch ra: Tôi không còn mắc mớ gì với họ nữa) vào lúc phong trào thuyền nhân lên cao nhất. Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, khi trả lời câu hỏi của nhà báo Anh, thực ra Tổng Thống Thiệu chỉ muốn nói: “Hiện nay tôi chẳng còn chính quyền, chẳng còn phương tiện và làm được gì đối với vấn đề thuyền nhân” (Theo tiến sĩ Hưng, đáng lẽ ông Thiệu phải nói: “I have nothing to do for them” và ông Hưng cho biết, Tổng Thống Thiệu nói rằng phóng viên của tờ báo Anh đã phịa ra, ông nói [for] mà “nó” phịa ra [with] nên sai hẳn nghĩa).


Tôi tin rằng tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng ở gần ông Thiệu nên có thể ông đã nói đúng lời ông Thiệu kể lại. Thế nhưng, mặt khác chúng ta cũng nên hiểu rằng, tại London, dù một tờ báo lớn như tờ “Now,” tôi không biết người ký giả có thu thanh để làm bằng chứng không, và liệu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có viết thư chính thức yêu cầu tờ báo này đính chính không? Lúc đó, dù đang nằm tù ở trong nước, nhưng tôi cũng hiểu được rằng một người như Tổng Thống Thiệu sẽ được báo chí quốc tế săn đón lắm, ông có nhiều cơ hội để nói lại cho đúng khi trả lời phỏng vấn các tờ báo khác. Vả lại, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng vào lúc đó cũng không thiếu gì cơ hội có thể nói với báo chí để giúp “clear up” theo yêu cầu của Tổng Thống Thiệu, nhưng không hiểu sao mà để tới nay ông mới viết ra trong khi nhân chứng đã qua đời. Ngay trong lúc sinh thời của Tổng Thống Thiệu, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nói ra được điều này thì quý hóa biết mấy.


Tuy nhiên, nếu mọi người đều chấp nhận rằng Tổng Thống Thiệu nói: “Hiện nay tôi chẳng còn chính quyền, chẳng còn phương tiện và làm được gì cho vấn đề thuyền nhân” thì cũng phải trả lời một câu hỏi khác, bởi vì riêng vấn đề thuyền nhân thì ở đây biết bao nhiêu cá nhân, bao nhiêu tổ chức, nhưng họ có chính quyền nào đâu, sao họ vẫn có cách làm một điều gì đó cho thuyền nhân, dù lớn, dù nhỏ. Lịch sử giúp đỡ thuyền nhân ở đây thì nhiều lắm, không sao mà kể cho hết, và đặc biệt có những người chỉ đóng góp tiếng nói của họ. Ông Thiệu, dù là cựu lãnh đạo, là cựu tổng tư lệnh quân đội của một miền đất chống trả mãnh liệt với Cộng quân, cho nên dù ông phải bỏ đi giữa lúc mệnh nước nghiêng ngả vì những áp lực, một tiếng nói của ông, một hành động nhỏ nhặt của ông đối với thuyền nhân sẽ nhân rộng những ảnh hưởng và tôi tin rằng niềm tin của thuyền nhân cũng như của anh em chúng tôi trong cảnh tù đầy trong các trại tù ở Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn. Nhưng rất tiếc là Tổng Thống Thiệu đã không hành động như thế.
Còn việc ai ra lệnh bỏ cao nguyên và Quân Ðoàn II–một thảm kịch kinh hoàng mà những ai ở trong đoàn di tản từ Pleiku về Nha Trang đều rõ–dẫn đến ngày 30 tháng 4, 1975 thì quả thật cho đến nay chúng tôi mới được nghe nói là Tổng Thống Thiệu ra hai lệnh: Rút Pleiku để hy vọng đánh bọc tái chiếm Ban Mê Thuột vì “đứng về phương diện quân sự Ban Mê Thuột quan trọng hơn Pleiku nhiều.” Ông Thiệu còn bảo nếu rút được hai sư đoàn khỏi Quân Ðoàn II mà thấy khó khăn quá không lấy lại Ban Mê Thuột được thì đem 2 đơn vị này ra yểm trợ cho tướng Ngô Quang Trưởng (Quân Ðoàn I).


Nhưng ngay cả tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng thừa nhận là chưa nghe ai nói đến lệnh thứ hai ngoài Tổng Thống Thiệu. Vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, ông Thiệu đã ra lệnh cho bộ Tổng Tham Mưu theo dõi và giám sát. Ðáng lẽ tướng Cao Văn Viên phải gọi cho tướng Phạm Văn Phú để bàn bạc chương trình rút, thế mà “không hiểu vì sao tối hôm ấy tướng Phạm Văn Phú đã rút chạy.” Tác giả “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” cho biết ông có hỏi Tổng Thống Thiệu rằng tại sao tổng thống không tuyên bố hay giải thích gì về điều này, thì Tổng Thống Thiệu nói: “Tôi nói ra thì người ta bảo mình chạy tội, tôi hy vọng một ngày nào đó một trong những quý vị họp với tôi ngày hôm đó có đủ can đảm đứng lên nói hết sự thật.”


Tại sao Tổng Thống Thiệu lại sợ dư luận bảo ông chạy tội? Ông từng lãnh đạo một đất nước, từng được cử tri trao cho quyền lực để điều hành cho nên có việc ông làm được, có việc ông không làm được, có việc ông gặp những khó khăn, áp lực từ mọi phía. Một tổng thống như ông cần phải nói ra cho cử tri rõ, cho quốc hội, quân đội và chính phủ rõ, bất kể ông bị cáo buộc như thế nào. Sự thực được công khai hóa là phương thức tốt nhất giúp mọi người gượng lại được để tiếp tục chiến đấu trong bối cảnh còn nước còn tát.

Tôi nghĩ là Tổng Thống Thiệu không hiểu rằng vào giai đoạn sau cuộc họp quyết định tại Cam Ranh, biết bao nhiêu người lính, bao nhiêu công chức, bao nhiêu người dân… chỉ trông chờ vào tiếng nói của ông, nhưng Tổng Thống Thiệu đã im lặng suốt cho đến ngày 21 tháng 4, 1975 ông mới đổ dồn vào việc công kích người Mỹ đã trói tay ông và quay lưng với đồng minh VNCH trong bài diễn văn từ chức với lời cam kết ở lại chiến đấu cùng quân đội. Và rồi ngày 25 tháng 4, ông âm thầm cùng Thủ Tướng Khiêm rời khỏi nước. Lúc này thì đã quá muộn và không ai có phép thần thông nào để lật ngược tình thế nữa.
Vì thế, bản thân tôi và tôi cũng tin rằng nhiều người khác đã không ngạc nhiên khi nghe thấy tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng tiết lộ lý do khiến ông Thiệu không viết hồi ký.

Ông bảo: “Mỹ đã phản bội mình rồi, bây giờ đừng có vạch áo cho người xem lưng , đừng có bêu xấu nhau nữa cho người ta cười thêm cho.” Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật lịch sử, ông không thể nói như thế được. Liên hệ giữa ông và người Mỹ không phải là liên lạc cá nhân. Những người dân miền Nam Việt Nam, những người đã từng bỏ lá phiếu vào thùng để bầu ông lên ngôi vị lãnh đạo họ, phải biết áp lực của người Mỹ với ông như thế nào, họ bỏ Việt Nam Cộng Hòa như thế nào, họ phản bội như thế nào bởi vì từ đó họ có thể rút ra một bài học. Không ai có quyền cười ông cả và ngay như nếu phải trả một cái giá nào đó của sự cười chê, ông cũng phải có can đảm đứng ra nhận lãnh.


Những người Việt Nam tị nạn cộng sản ở Mỹ, ở Úc, ở Canada thực tình cũng đã quên ông và cũng ít người còn nghĩ tới sự cần thiết phải có hình ảnh của ông trong đời sống của họ, cho đến những năm gần đây đã có những người có ý muốn phục hồi điều mà họ gọi là danh dự cho ông. Nghĩ cho cùng, ông không phải là nhà lãnh đạo vô tích sự. Trong giai đoạn cầm quyền, ông đã thực hiện được nhiều dự án có giá trị trong đó phải kể đến luật “Người cày có ruộng.” Nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã bảo toàn được danh dự của một người lính, điều đó không có nghĩa là vào lúc vận nước đang nổi trôi ông dám nhận trách nhiệm và chết cho tổ quốc của mình, nếu cần.


Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã qua đời rồi. Ông cũng cần được yên nghỉ ở một thế giới không còn hận thù. Nhưng trong chốn dương gian, cuộc chiến về ông vẫn còn trên sách vở, trên báo chí cho nên bất cứ khi nào còn người, còn những tác giả làm công việc nói thay cho ông, chừng đó vẫn còn những cuộc tranh luận, vẫn còn thắc mắc như người ta vẫn thường thắc mắc mỗi lần có những tài liệu mật về cuộc chiến Việt Nam được giải mật.


Như tên gọi, cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” chuyên chở đầy những tâm tư của một cố tổng thống VNCH, nhưng không phải là do đích thân ông Thiệu nói ra mà do một người làm việc thân cận với ông, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nói thay. Nhưng điều đáng tiếc là trong đó, Tổng Thống Thiệu đề cập đến 2 vị tướng liên hệ nhiều nhất đến lệnh bỏ Pleiku hay bỏ cao nguyên trung phần Việt Nam thì cả hai vị–đại tướng Cao Văn Viên và thiếu tướng Phạm Văn Phú–đã ra người thiên cổ, trong đó tướng Phú đã chọn cái chết trong danh dự vào ngày 30 tháng 4, 1975: Tuẫn tiết vì không chịu để lọt vào tay địch quân.
(V.A.) theo Việt herald




Kỳ 2


Cuốn sách của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng dĩ nhiên là vẫn bán được bởi nó có một giá trị nhất định, bởi những độc giả ủng hộ ông Thiệu cần biết thực sự về nỗi lòng của vị cựu nguyên thủ VNCH nghĩ gì về biến cố ngày 30 tháng 4, 1975, bởi những người có ý muốn phục hồi danh dự của một nhà lãnh đạo đào thoát giữa lúc đất nước trên bờ vực thẳm hy vọng có thể rút ra được một chi tiết nào có thể củng cố được cho những lời biện minh cho lãnh tụ, bởi những người nào muốn nhìn xem những dữ kiện lịch sử có bị sửa chữa hay không để có thể rút ra được bài học cho chính mình và cuối cùng những ai chạy theo chính sách đổ lỗi cho nhà lãnh đạo này có thể thể yên trí về những lời cáo buộc.


Nói tóm lại, tác giả Nguyễn Tiến Hưng với “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” vẫn là một bậc thầy về cách khai thác thương mại từ một đống những kho tài liệu mật đã hết “mật,” hay những chuyện riêng tư chỉ có hai người biết với nhau mà người ta tưởng là sử liệu. Tôi nói “tưởng là sử liệu” bởi vì câu chuyện riêng tư đó chỉ là chuyện riêng tư và nếu không chứng minh được đó là sự thật thì chắc chắn chúng không phải là sử liệu. Nó chỉ là sử liệu khi người ta nêu được nhân chứng khả tín hay phù hợp với những liệu khác.


Chẳng hạn như việc Tổng Thống Thiệu viết thư nhờ ông Hưng làm cách nào để đính chính một lời tuyên bố của ông về phong trào thuyền nhân bị báo “Now,” mà theo lời Tổng Thống Thiệu, đã bóp béo lời ông thay vì “for” thì họ viết thành “with” thực ra không phải là tâm tư của ông Thiệu mà chỉ là chuyện “đính chính,” “nói lại cho đúng.” Nhưng một câu hỏi được đặt ra: Liệu phóng viên báo “Now” đã không cải chính theo lời Tổng Thống Thiệu yêu cầu vì họ đã có băng thu thanh hay không?


Theo nghĩa thông thường mà nhiều người hiểu thì chữ “tâm tư” dùng để mô tả những ý nghĩ phát xuất từ cõi lòng của mình về một tình trạng, một sự việc, một biến cố, hay về những con người trong quá khứ hoặc hiện tại. Trong gần suốt tác phẩm, người đọc chỉ thấy “những điều ông suy nghĩ, tính toán và thổ lộ sự chua xót, kèm theo những điều chúng tôi (tác giả) đã tìm hiểu thêm được về tâm tư Tổng Thống Thiệu đối với đồng minh.” Tướng Nguyễn Văn Thiệu là Tổng Thống hai nhiệm kỳ, là Tổng Tư Lệnh Quân Ðội VNCH. Cho nên, khi bỏ đất nước để ra đi giữa lúc vận nước đã như chỉ mành treo chuông, ông có tâm tư gì không sau khi đã định cư yên ổn tại nước Anh?


Không ai có thể tin là ông Thiệu không có. Cũng không ai có thể tin rằng Tổng Thống Thiệu không nghĩ đến hàng chục tướng lãnh dưới quyền ông, nhưng ông nghĩ thế nào về các tướng đã tuẫn tiết, các tướng đã lưu vong ở Mỹ, các tướng đã bị bắt làm tù binh và bị đẩy vào các trại tù Cộng Sản thì hoàn toàn kín như bưng. Hơn nữa, không thấy ông Thiệu nghĩ gì về công hay tội của chính ông trong nhiều năm cầm quyền nhưng cuối cùng đã không làm trọn được tín niệm: Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.


Trong cuốn sách, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng có minh định rằng ông không phải là sử gia nên không viết sử. Ông chỉ chú trọng đến chính Tổng Thống Thiệu và nói đến tâm tư của người lãnh đạo miền Nam đặc biệt là về đồng minh. À ra thế! Nhưng nếu ông Nguyễn Văn Thiệu chỉ là một ông Nguyễn Văn Thiệu bình thường thì không nói làm gì, thì không ai buộc ông phải có những suy nghĩ về chính mình đối với biến cố 30 tháng 4, thay vì chỉ nghĩ đến chuyện đồng minh Hoa Kỳ phản bội không những đối với ông mà còn đối với hàng chục triệu dân dưới quyền lãnh đạo của ông.


Hành động, suy nghĩ, và tâm tư của ông là dữ kiện lịch sử. Cho nên những dữ kiện chỉ có riêng tác giả và Tổng Thống Thiệu biết không thể giúp cho độc giả suy nghĩ gì được bởi nó không được chứng minh rõ ràng, không thể “clear” được như chữ nghĩa ông Thiệu dùng trong thư gởi cho tác giả từ London. Một điều rất khó hiểu là trong “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” mà lẽ ra tác giả phải thêm vào hàng chữ “với đồng minh Hoa Kỳ,” có nhiều nhân chứng rất quan trọng phải để cho họ phản bác vì liên quan đến cá nhân họ. Nhưng tiếc thay những nhân chứng ấy đã chết. Người chết thì làm sao mà biện minh, đồng ý hay phủ nhận?


Thí dụ ở Chương 2, nhan đề “Ai cố vấn cho Tổng Thống Thiệu rút quân?,” là một chương tôi cho rằng rất quan trọng, bởi vấn đề này gây tranh luận và kéo dài cho đến bây giờ trong giới HO chúng tôi nói riêng và đồng hương nói chung. Nhưng khi đọc từ trang 40 cho đến trang 63, tôi hơi thất vọng vì tất cả những dữ kiện liên hệ rất nhiều đến các tướng lãnh VNCH cũng như Hoa Kỳ, từ tướng Ðồng Văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tướng John Murray, tùy viên quân sự Mỹ, người kế vị tướng Creighton Abrams, đại sứ Graham Martin, tướng Ted Sarong, ông Ngô Khắc Tỉnh bộ trưởng và là người thân của ông Thiệu, tướng Westmoreland, đại tướng Cao Văn Viên, tướng Ngô Quang Trưởng, tướng Phạm Văn Phú. Nhưng thử hỏi còn bao nhiêu người trong số những nhân chứng này còn sống để có thể giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề?


Tướng Trưởng là người chịu trách nhiệm về kế hoạch rút Quân Ðoàn I và tướng Phạm Văn Phú là người chịu trách nhiệm về việc rút Quân Ðoàn II sau cuộc họp ở Cam Ranh. Nhưng đâu phải cứ làm tướng muốn rút là rút. Phải có lệnh của thượng cấp. Thượng cấp ấy là Tổng Thống Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội. Trong “Tâm tư Tổng Thống Thiệu,” tác giả Nguyễn Tiến Hưng cho thấy vấn đề phải bỏ đất nước rất phức tạp và ông Thiệu phải chọn lọc nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng cuối cùng cuộc rút quân tại Quân Ðoàn I cũng như Quân Ðoàn II đã trở thành một thảm họa. Lỗi tại ai?


Theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng, về cuộc họp tại Cam Ranh, một cuộc họp quyết định số phận của vùng cao nguyên Trung Phần Việt Nam, Tổng Thống Thiệu “cứ nhắc đi nhắc lại” rằng ông ra “2 lệnh chứ không phải một lệnh: Ðó là thứ nhất rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột và thứ hai Bộ Tổng Tham Mưu theo dõi, giám sát cuộc triệt thoái này. Như vậy là có sự sai biệt giữa tường thuật của đại tướng Cao Văn Viên và những gì Tổng Thống Thiệu kể lại, theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng. Trong khi tướng Viên chỉ viết: “Nhiệm vụ của Quân Ðoàn II là phối trí lại các đơn vị cơ hữu của quân đoàn để chiếm lại Ban Mê Thuột theo lệnh của tổng thống.”


Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Nguyễn Văn Thiệu thì nói là ra 2 lệnh trong khi Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên thì nói chỉ có một lệnh, vậy ai đúng, ai sai? Tổng Thống Thiệu, đại tướng Viên, thiếu tướng Phú, nghĩa là 3 trong số 5 nhân vật chính trong buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3, 1975, quyết định rút bỏ Quân Ðoàn II, chỉ còn đại tướng Trần Thiện Khiêm và trung tướng Ðặng Văn Quang là còn sống.


Cuộc chiến đã kết thúc hơn 35 năm qua, tất cả những bí mật của việc rút lui Vùng I và Vùng II Chiến Thuật là điều đã được bàn cãi rất nhiều với đủ thứ tài liệu phần lớn là nằm trong khối tài liệu mật đã hết mật của Mỹ. Trong khi người phải chịu trách nhiệm cho việc này là Tổng Thống Thiệu thì ông lại không chịu chính thức nói ra mà lại chỉ nói riêng với tác giả Nguyễn Tiến Hưng. Nếu tác phẩm này được in ấn trước khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hay những tướng lãnh liên quan thành người thiên cổ thì tốt biết bao. Nhưng ngược lại, nó lại được in ra sau khi họ qua đời rất lâu. Thành thử vấn đề được nêu ra vẫn còn tồn tại.


Ở trang 58, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng viết: “Tôi hỏi ông là bây giờ mọi chuyện đã rồi, Tổng Thống nghĩ thế nào về việc rút quân này. TT Thiệu đã nhắc lại cho tôi câu ông nói ngày 26 tháng 3 tại Dinh Ðộc Lập khi tôi hỏi về Pleiku: ‘Tôi ra lệnh đúng mà thi hành sai, cũng như làm sao TT Nixon có thể sang đây để kiểm soát được tướng Creighton Abrams.’”


Câu tuyên bố của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu rất quan trọng bởi vì có thể hiểu đây như một lời cáo buộc tướng Phạm Văn Phú (Tư Lệnh Quân Ðoàn II) đã không thi hành đúng lệnh ông. Nhưng tướng Phú đã tuẫn tiết để bảo toàn danh dự trong biến cố 30 tháng 4, 1975 khác với vị Tổng Tư Lệnh của ông dã không bảo toàn được danh dự của một tổng tư lệnh quân đội. Bây giờ làm cách nào để tướng Phú có thể lên tiếng để xác nhận rằng ông nhận được 2 lệnh hay chỉ nhận được 1 lệnh và làm sao Tổng Thống Thiệu có thể tái xác nhận rằng ông có nói với tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đúng như đã được ghi lại?


Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng còn viết ở trang 59: “Khi tôi hỏi ông Thiệu là tại sao ông không ghi lại cho lịch sử về việc này? Ông nói: ‘Tôi hy vọng một ngày nào một trong những người có mặt hôm ấy (buổi họp ở Cam Ranh ngày 14 tháng 3 năm 1975) sẽ nói ra điểm này.’ Ý ông muốn nói là nếu tự mình nói ra thì bị coi là bào chữa.”


Ðọc tới đoạn này, tôi tự hỏi: “Một nhà lãnh đạo như Tổng Thống Thiệu thì thừa hiểu ông không thể bào chữa gì được. Ông là người đứng đầu hành pháp trên cả Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Ông lãnh đạo thì ông phải chịu trách nhiệm trước dân chúng là những người đã bầu ông lên, cho dù cấp dưới có làm sai lệnh của ông về việc rút khỏi Pleiku. Tổng Thống Thiệu không để lại bút tích hay ghi lại sự việc quan trọng như vậy đã là một điều sai. Dư luận có thể nghi ngờ ông muốn xóa dấu vết để dễ qui trách cho người dưới quyền vì thực ra, tình hình cuối tháng 3 đã tuyệt vọng rồi.


Dù có nói gì đi nữa, dù tướng Phú, tướng Trưởng hay tướng Viên không làm theo đúng lệnh rút của ông thì Tổng Thống Thiệu vẫn phải nhận trách nhiệm không đổ cho ai được. Khi viên chức dưới quyền của một bộ làm sai lệnh gây ra hậu quả lớn, vị bộ trưởng phải xin lỗi và có khi phải từ chức để tỏ thiện chí nhận hết trách nhiệm, huống chi một tổng tư lệnh quân đội đối với một tư lệnh quân đoàn.


Vì thế, qua những trang sách mà tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng gởi độc giả về vụ rút lui khỏi Pleiku, dù ông không nói ra nhưng rõ ràng việc sắp xếp những sự kiện cho thấy tác giả muốn giúp Tổng Thống Thiệu biện minh mà không cần viết hồi ký.


Nhưng cá nhân, tôi cho rằng ý định của tiến sĩ Hưng thất bại. Ở đây có nhiều người muốn biện minh cho việc ra đi của Tổng Thống Thiệu vào ngày 25 tháng 4, 1975 với chứng cớ nào là Mỹ ép ông phải ra đi, nào là nếu không bị Mỹ thì vẫn có thể bị những kẻ thù ám sát vân... vân và vân... vân.


Thế nhưng một nhà lãnh đạo yêu nước, yêu quân đội, yêu dân thì sẽ không kể số gì đối với những đe dọa hay áp lực kể cả cái chết, bởi vì chính ngay trong bài diễn văn từ chức ngày 21 tháng 4, 1975, Tổng Thống Thiệu đã hứa ở lại và chiến đấu với quân đội đến giây phút cuối cùng và sau đó ông đã phản lại lời hứa.


Nhìn vào tên của tác phẩm thứ ba của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, tôi vẫn nghĩ khi đọc, nó sẽ làm cho tôi dễ chịu hơn, sẽ có những dữ kiện trong sáng hơn về ông Thiệu thay vì chỉ là một đống dữ kiện nói lên cái bẽ bàng về cuộc sống chung của VNCH với một đồng minh không chung thủy. Cũng như nhiều người khác, tôi cũng hy vọng là ít ra thì ông Thiệu cũng có những tâm tư có thể thay cho một phần cuốn hồi ký của ông để làm dịu đi sự bực dọc của nhiều người khi sang định cư ở Mỹ mà không thấy nhà lãnh đạo nào của VNCH tỏ ra ân hận chứ chưa nói là nhận lỗi về những diễn biến đầy máu, nước mắt, những cái chết, những sự hy sinh vô ích và cả một miền đất rộng lớn như miền Nam Việt Nam phải sống dưới sự cai trị khắc nghiệt và tàn bạo của người Cộng Sản.


Nhưng rất tiếc, cho tới nay, vẫn chỉ thấy chuyện đổ lỗi cho nhau về biến cố 30 tháng 4, 1975 chứ chưa hề có nhà lãnh đạo nào nhận lỗi.


Tất cả đổ cho “Big Minh” là gọn ghẽ nhất!


Kỳ 3.


Những chương kế tiếp trong “Tâm tư Tổng Thống Thiệu” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cũng không có gì lạ. Vẫn chỉ là phần tổng hợp những chi tiết từ những kho tài liệu giải mật. Trong phần Tổng Thống Thiệu chọn giờ để từ chức thì có một chi tiết sai nho nhỏ của tác giả, đó là ông Thiệu đọc diễn văn từ chức vào buổi trưa ngày 21 tháng 4, 1975 tại Dinh Ðộc Lập chứ không phải tối Chủ Nhật.


Buổi trưa hôm đó, bài diễn văn từ chức của Tổng Thống Thiệu được Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia trực tiếp truyền thanh và tôi là người bị chỉ định điều khiển buổi trực tiếp. Người phóng viên nói trước máy vào buổi trưa hôm đó là ông Nguyễn Mạnh Tiến và đây là buổi trực tiếp hay nhất trong đời làm phóng viên của anh ở Việt Nam, trong lúc ngoài trời có một cơn mưa nhỏ.


Tôi bỏ qua những chi tiết nói về những diễn biến tại Dinh Ðộc Lập sau diễn văn từ chức vì đây không phải là mục tiêu của bài này. Tôi muốn đề cập tới chương 11 nhan đề “Chớ có trao quyền cho tướng Minh” trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu.” Chương này cũng rất quan trọng vì liên hệ đến việc chuyển giao quyền hành cho tướng Dương Văn Minh.


Từ lâu, những người không ưa tướng Dương Văn Minh có khuynh hướng không công nhận ông là một tổng thống hợp pháp cũng như không coi ông là một tổng thống cuối cùng của chế độ.


Tôi không quan tâm lắm về chuyện này, bởi tôi nghĩ rằng lúc nào đó sự thật cũng vẫn là sự thật. Dư luận chính trị ở đây không thể bóp méo được sự thật. Tôi và nhiều người khác trong ngành truyền thanh đã chứng kiến những giây phút căng thẳng khi Quốc Hội VNCH cố gắng làm sao cho sự chuyển quyền phải hợp hiến. Cuối cùng thì nó đã hợp hiến và được loan báo trên hệ thống truyền thanh quốc gia VNCH. Hàng triệu người đã có dịp theo dõi tiến trình này qua báo chí và hệ thống truyền thông của nhà nước.


Thế rồi, những năm tháng trong các trại tù Cộng Sản sau khi VNCH “sập tiệm,” chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này. Nhưng cũng kể từ đó, chúng tôi chẳng buồn nói tới việc hợp hiến hay không hợp hiến trong việc chuyển quyền cho đại tướng Dương Văn Minh, người hùng của chiến dịch Rừng Sát thời Tổng Thống Diệm. Ðiều quan trọng là ông Minh tuy phải mang cái nhục của một tổng thống đầu hàng, nhưng rõ ràng đã tránh được cho Sài Gòn thành biển máu, tránh cho những người lính phải hy sinh thêm nữa một cách vô ích khi tình hình chẳng còn cách gì cứu vãn được.


Ngồi ở những buồng giam trong rừng xanh núi đỏ, đám tù nhân chúng tôi đôi lúc nhớ lại và nói với nhau những chuyện cũ. Có đứa vẫn lý tưởng bàn chuyện hợp hiến hay không hợp hiến khi ông Minh lên nắm quyền. Nhưng nhiều bạn tù với tôi có khi bực dọc: “Hợp hiến với lại chẳng hợp pháp, chúng mày cứ bới bèo ra bọ, mẹ kiếp lúc đó được người ta tiếp nhận đống xà bần cho là may rồi, bỏ chạy hết mà còn cứ nói mẽ mãi.”


Tôi cũng chẳng còn lạ gì khi nghe nói tới giải pháp này nọ trước khi ông Minh lên cầm quyền 1 ngày rưỡi. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu,” tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng lại dùng một tác phẩm “ma” là cuốn “Saigon et Moi.” Càng ngạc nhiên hơn khi ông Hưng viết về đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Marie Merillon, xin trích:


“Dù sao chúng tôi cứ tưởng là một công chức chuyên nghiệp, làm việc theo thủ tục hành chánh, đầy đủ bổn phận là được rồi. Có ngờ đâu cái tên của ông đã dính chặt vào những diễn biến tại Saigon vào giờ thứ hai mươi tư. Chính ông đã kể lại rất rõ ràng những cố gắng của ông trong cuốn hồi ký 'Saigon et Moi' nhưng vì một lý do nào đó, cuốn sách này đã bị thu hồi ngay sau khi xuất bản (1983) nên ít ai được đọc” (trang 218-Tâm tư Tổng Thống Thiệu).


Thế rồi những đoạn sau đó, độc giả không hiểu tác giả dùng tài liệu nào khác hay là vẫn dùng tài liệu “Saigon et Moi,” một cuốn hồi ký chỉ nghe nói và không hề có bằng chứng nào là của ông Mérillon, tại sao lại bị thu hồi và khi đọc tiểu sử của vị đại sứ cuối cùng của nước Pháp tại VNCH, cũng không thấy ghi tác phẩm “Saigon et Moi” được nói là của ông và cũng chẳng có tài liệu nào ghi lý do thu hồi cuốn sách và ai có quyền thu hồi. Cá nhân ông tự ý thu hồi, Bộ Ngoại Giao Pháp hay Tổng Thống Pháp? Hơn nữa không một tiệm sách nào ở thủ đô Paris có ghi đầu sách mang tên “Saigon et Moi.”


Ai cũng biết, tác giả Nguyễn Tiến Hưng là người có học vị cao và quảng giao. Ông còn có thể “quậy” được đống tài liệu mật được giải mật của Hoa Kỳ, còn liên lạc được nhiều chính khách Hoa Kỳ và thế giới, bạn bè Mỹ Việt của ông trong giới trí thức còn rất đông. Sao ông không chịu khó đưa ra bằng chứng cho thấy quyển sách ấy có thật, lý do nó bị thu hồi, chính ông Mérillon hay là ai ra lệnh thu hồi và nếu bị thu hồi thì tất nhiên gia đình Jean Marie-Mérillon vẫn còn bản thảo và bản in chính để lưu trữ?


Ai là người trong gia đình ông cựu đại sứ này còn lưu trữ những tài liệu. Tác giả lại là người có mối thân tình–theo như mô tả của chính ông trong “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” (trang 218)–cho nên tôi nghĩ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng có thừa điều kiện để chứng minh cuốn “Saigon et Moi” có thật.


Ðiều này khá quan trọng vì ở Little Saigon này đã có một cựu sĩ quan cao cấp VNCH không biết lôi ở đâu ra một bản tóm tắt được nói là của cuốn “Saigon et Moi” do một tác giả khác tóm lược chứ không phải của Jean Marie Mérillon, dịch ra đăng báo, đọc trên đài loạn cả lên. Cái “láu” của người được gọi là tóm tắt cuốn “Saigon et Moi” cho tới giờ này vẫn là cuốn sách “ma” là dùng một vài sự kiện có thật mà ai cũng biết để thêm vào những chi tiết không thể phối kiểm được. Nội dung chỉ là đổ vấy tướng Dương Văn Minh tội “trên trời” chỉ có Thượng Ðế mới biết.


Không những thế, cuốn sách lại còn dựng chuyện tướng Nguyễn Khoa Nam đòi tử thủ nhưng Tổng Thống Dương Văn Minh không chịu. Cũng giống như tướng Phạm Văn Phú, tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Ðoàn IV và Vùng IV Chiến Thuật, đã tuẫn tiết. Tổng Thống Dương Văn Minh cũng đã mang những u uẩn xuống tuyền đài, báo chí ngoại quốc lúc đó còn đầy ra ở các văn phòng đường Tự Do cũng không nói gì nhiều đến vai trò của Jean Marie Mérillon như được mô tả trong bản tóm lược của “Saigon et Moi.”


Vậy thì những nhân chứng đã chết có thể nào biện minh được không? Khi các nhân chứng đã chết, không còn biện minh được trong khi những chuyện họ nói ra là chuyện “tầy trời” thì phải chăng những tác giả đã “ép cung” họ ở dưới âm phủ để viết lại những chuyện này không?


Vì thế, những đoạn sau trong Chương 11 như “Giải pháp Bảo Ðại,” “Tướng Minh không phải De Gaulle,” “Ông Thiệu cố vấn: chớ có trao quyền cho tướng Minh,” “Pháp muốn tướng Minh lên ngôi ngoài khuôn khổ Hiến Pháp...” trong đó có một số chi tiết như chuyện tại sao ông Thiệu không ưa tướng Dương Văn Minh và tướng Dương Văn Minh định tổ chức ám sát ông Diệm khi ông Diệm từ Dinh Ðộc Lập ra phi trường Tân Sơn Nhất, việc dẹp Ấp Chiến Lược vân... vân... mức độ tin cậy đối với những chứng cớ tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đưa ra rất thấp.


Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng có cái may mắn ra nước ngoài cùng vợ con trước cả Tổng Thống Thiệu, Thủ Tướng Khiêm cùng nhiều tướng lãnh VNCH khác, nhưng lại không có cái may mắn chứng kiến cái gia tài mà các quí vị để lại cho những người dân, người lính, và hàng triệu công chức cán bộ VNCH chỉ còn là “tương bần,” thì lúc đó có đến 10 ông đại sứ như Jean Marie Mérillon, có đến trăm ông đại sứ như ông Graham Martin, có đến ngàn ông tướng như tướng Vanuxem cũng không cứu nổi miền Nam Việt Nam.


Chỉ tội cho những người ở lại. Họ đã tiêu tuổi thanh xuân trong chiến trận, rồi trong những năm dài tù đầy, ra khỏi trại tù thì lại phải sống trong cái nhà tù lớn Việt Nam và khi được lòng nhân đạo của người Mỹ ngó ngàng tới đưa sang được đất nước tự do này thì tóc đã bạc trắng, da đã đồi mồi. Cái may mắn còn lại của họ là giờ đây họ còn cơ hội đọc lại, suy gẫm lại những gì được phơi ra trước ánh sáng ban ngày: Xấu, tốt, ngay thẳng, khuất lấp, chính, tà rất phân minh. Nhất là, sau cả một giai đoạn dài sống và chiến đấu trong chiến tranh, thăng trầm, qua nhiều biến cố chính trị, quân sự, người miền Nam Việt Nam ở hải ngoại cũng như ở trong nước không dễ gì để cho bị, hay tự đeo vào mắt mình những cặp ba trá (miếng da che hai bên mắt để chỉ nhìn thấy một đường) đối với tất cả các vấn đề thiết thân với họ.


Vì thế, đừng có ai hy vọng gì khi đổ tội một cách bất công cho người phu đổ rác mà nên đổ tội cho những ai xả rác trong căn nhà Việt Nam. Tướng Dương Văn Minh chỉ là một người phu đổ rác và theo tôi ông là một tổng thống đầu hàng, nhưng không phải là người dâng miền Nam cho Cộng Sản. Dù là ông Minh hay bất cứ một ông nào khác tiếp nhận cái gia tài “tương bần” do ông Thiệu để lại, cũng sẽ phải hành động như ông Minh mà thôi, nghĩa là với mục đích tránh đổ thêm máu một cách vô ích. Tổng Thống Dương Văn Minh, nhà lãnh đạo cuối cùng của VNCH, đã bị Cộng Sản quản thúc một thời gian sau khi đầu hàng. Sau đó ông bị tống xuất sang Pháp rồi từ Pháp ông xin sang tái định cư tại Pasadena. Ông giữ im lặng cho đến khi nhắm mắt và được chôn cất tại đây.


Như vậy, điều quan trọng nhất trong biến cố 30 tháng 4, 1975 là không ai dâng miền Nam cho Cộng Sản mà là VNCH đã thua trận. Ðầu hàng là một biện pháp mà tổng thống cuối cùng của VNCH dùng để giải quyết cuộc chiến vì không thể nào khác hơn được và do muốn tránh đổ máu vào giờ thứ 25 khi những người lẽ ra phải gánh trách nhiệm đã bỏ đi. Ðiều quan trọng là cho tới phút cuối cùng, VNCH vẫn duy trì trật tự và không hỗn loạn.


Cho nên, với tư cách là một nhà báo đã đọc cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu,” tôi có thể nói rằng tác phẩm không phải là tâm tư của một nhà lãnh đạo mà chỉ là một lời biện minh giùm Tổng Thống Thiệu sau khi ông đã mất được khá lâu. Ðiều rõ ràng là ông Thiệu không hề muốn để lại một bút tích nào nói đến tư tưởng và hành động của ông khi cầm quyền. Vả lại, ông Thiệu cũng thừa hiểu rằng ông không thể nào biện minh cho hành động bỏ ra đi từ ngày 25 tháng 4, 1975 dù là bỏ đi với bất cứ lý do nào. Ðiều quan trọng là trên đất nước tự do này, bất cứ ai cũng có thể biện minh cho người mình thích, nhưng nó đòi hỏi lời biện minh phải có chứng cớ khả tín và không nên đổ tội cho người khác để biện minh cho mình.


Ðiều thắc mắc cuối cùng của tôi là cái kho tài liệu mật không còn mật nữa về chiến tranh Việt Nam còn nhiều, và càng đọc người ta lại càng thấy một số chính quyền và chính khách Hoa Kỳ rất tàn độc đối với đồng minh và thật tử tế với kẻ thù. Nhưng tôi nghĩ có lẽ công bằng hơn thì chúng ta cũng tự trách mình trước đã. Chúng ta thấy chính quyền VNCH từ Ngô Ðình Diệm cho tới Nguyễn Văn Thiệu, có chính quyền nào mà không do Mỹ dựng lên. Ðó là điểm yếu mà chúng tôi, khi còn hoạt động trong ngành tuyên truyền của VNCH, rất khó đối phó khi kẻ địch nêu lên vấn đề này.


Lẽ ra cuốn “Tâm thư Tổng Thống Thiệu” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nên có thêm phần phân tích này và đòi những nhà lãnh đạo nào từng cầm quyền bính tại VNCH nên có một lời xin lỗi dân chúng miền Nam Việt Nam về việc đã không bảo vệ được họ mà ngược lại đã không chịu nhận những lỗi lầm dẫn đến sự sụp đổ của VNCH. Và một điều nữa cũng cần lưu ý càng bênh vực các ông Ngô Ðình Diệm hay ông Nguyễn Văn Thiệu mà không dẫn chứng được bằng dữ kiện thì càng làm cho các cuộc tranh luận thêm gay gắt và người chết cũng chẳng được yên ổn. (V.A.)




(Nguồn: http://www.vietherald.com)






AUDIO

1 of 1 File(s)

No comments:

Post a Comment