Pages

Monday, December 13, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * CÁC VĂN THI SĨ MIỀN NAM





CÁC VĂN THI SĨ MIỀN NAM & HẢI NGOẠI
SUY NGHĨ VỀ CỘNG SẢN



Các văn thi sĩ ở đây gồm những người quê hương ở phía nam Bến Hải, và những người miền Bắc di cư vào miền Nam trong khoảng 1945-1975. Những người này đã có những cái nhìn về chủ nghĩa cộng sản rất thấu đáo và sáng suốt.
Từ trước tại Miền Nam đã có những người hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản như Huỳnh Giáo chủ, Phạm Công Tắc. Và trước đó là những Sư Vãi Bán Khoai, Tứ Thánh , Nguyễn Văn Thới.. . Tư tưởng cuả các vị này đã được thể hiện qua kinh sách Bửu Sơn Kỳ Hương truyền qua Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài.
Tứ Thánh là một cậu bé 9 tuổi được thánh nhập xác phàm, trong khoảng 1925 đã đọc những câu thơ tuyệt diệu truyền đời nói về tương laì Việt Nam:
Chiến tranh xảy ra giữa Pháp và Cộng sản:
Phiên bang đảng cộng đôi đàng.
Chiến tranh giành giựt xóm làng thác oan.

Pháp (cờ tam tài: ba màu), Mỹ ( quốc huy con ó) rút khỏi Việt Nam:
Ba màu phải chịu thớt thưa.
Cây cùng nòi giống sớm trưa giúp rày.
Thanh- long nối gót trổ tài.
Thòng vòi lấy nước phun ngoài âu quân.
Kiếm chi khó nổi bền quân.
Rút về Gia- định ngăn chừng Đồng- nai.
Trời ôi ! sao ó biến (biếng) bay.
Xe kia biến (biếng) chạy tại ai xe ngừng.
Súng sao biến (biếng) nổ không chừng.
Chư bang thập bát ngập ngừng ngẩn ngơ.

Nhưng Mỹ sẽ trở lại:

Gầm trời ó cất cánh bay.
Nửa chừng dấp dới bằng nay dập dều.

Chiến tranh thú ba sẽ xảy ra tại biên giới Việt Miên:
Đổi Châu-Đốc, đổi Tịnh-Biên.
Thất- sơn lại đổi Hoa liên Nhà-Bàn.
Qua liền năm nước chật đàng.
Qua lộ Văn giáo máu tràn như sông.
Đổi nhật, đổi nguyệt, đổi phong.
Đổi năm, đổi tháng, đổi trong ngày giờ.
Cộng sản thất bại:
Chó thấy trời mọc phải tru.
Thảm thương chú cộng công phu đợi chờ.
. . . . . . . .. ... ..... .. .. . ..
Thương công chú cộng chan dầm.
Vào sanh ra tử lại lầm kế ai.

Hội Long Hoa sẽ mở tại vùng Thất Sơn, thế giới hòa bình, Việt Nam thịnh trị.
Núi rừng trồ ngọc trổ ngà.
Long-hoa lại trổ trên tòa Thượng-nguơn.
Nam-bang một lá quế đơn.
Năm châu tựu hội Thất sơn đông đầy.
TỨ THÁNH

Bửu Sơn Kỳ Hương cũng có Sấm Trạng Trình (Giảng Xưa) nói về Việt Cộng ngu dốt và tàn ác:
Chừng nào thằng ngốc làm vua,
Thế gian cạo trọc, thầy chùa để râu.
Cuộc đời ai dễ biết đâu,
Yêu tinh đặng thế bóp đầu thằng kiên.
Quan làng ỷ thế, ỷ quyền,
Dầu khôn giả dại mới yên phận mình.
. .. . .... .... . .. ... ..... ...... . . . . . ..
http://thanhsi.org/samgiang-giangxua/SamTrangTrinh.mp3
hoặc:
BỬU SƠN KỲ HƯƠNG * SẤM TRẠNG TRÌNH (GIẢNG XƯA)

Ông Nguyễn Văn Thới trong 9 quyển Kim Cổ Kỳ Quan đã nói rất rõ về tương lai thế giới và Việt Nam, trong đó ông nói về Việt cộng làm tay sai Trung Quốc và bị Trung Quốc xâm lăng:
Ông cũng kết tội Việt Cộng tàn ác, đối xử tàn bạo với nhân dân miền Nam.
Sau 1945, một số người theo Tàu, một số người theo Pháp, Mỹ. Ông Ba đã biết sự phân hóa trong đất nước Việt Nam:
Bầu Tây thêm vị bầu Tàu.
(TG, 231, 73)

Nước lộn xỏ rế Tây Tàu,
Đố ai biết đặng chỗ nào nước trong?
(TG, 202; 16)

Sau khi Pháp Mỹ về nước thì Việt Nam khốn khổ vì nghèo đói và độc tài:
Càng thấy khổ ngày càng túm rụm,
Tây về Tây người khó bụm khu . (KT 278, 19)
Tây về đói khát nằm dài
Đừng lo mắng lén chưởi xài người Tây
(Thừa nhàn)
Ông kết tội Hồ Chí Minh và cộng sản là bọn " giật đồ", cướp bóc:
Mắc mưu chú Nhẫn chú Hồ ,
Truông mây chiếm cứ dực (giật) đồ ăn no
Giàu nghèo chưa chắc đừng lo
Hội nầy nhà ngói của kho chẳng còn
(Thừa nhàn)

Một lũ Trịnh Hồ dực (giật) đồ ải ải
Tào mang
Bây lại xưng trung tứ tung lũ nịnh
.
(Cáo thị)

Sống trong chế độ cộng sản, bọn cộng sản độc tài tham nhũng, làm cho con người bị tha hóa, mất tự do, không có dân chủ và công lý:

Dân xưa như thể gỗ tròn
Dân nay bát giác dạ còn lục lăng
Thương dân không cội không căn
Tây-phiên trấn thủ lo ăn bạc tiền
Đa ngân phá luật phản tiền
Tòa-sơ thầy kiện cải liền bạc trăm
Khiến dân bất chánh tà tâm
Người quấy mà có bạc trăm phải rồi
Đồng bạc bất chánh bại tồi
Mắt tham đồng bạc thôi rồi nghĩa nhân.
(Thừa nhàn)

Cộng sản Bắc Việt ( Bắc địa) phỉnh phờ, lừa dối. Chúng xuyên tạc lịch sử, chúng bắt văn nghệ sĩ ca tụng chúng theo chủ trương hiện thực xã hội chủ nghĩa nghĩa là theo chủ trương nói láo và nịnh hót. Ai nói thẳng, ai trung cang đảm lược phê bình chúng thì chúng bỏ tù hoặc trừng phạt nặng nề như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm :

Trách thay Bắc địa lộng tình
Tác thơ kinh sử bất bình trung cang
Đêm nằm nát một lá gan
Oán thù nịnh tặc chẳng an trong lòng.
(Thừa nhàn)

Tận nhà Hớn Bắc kinh á vị ấy làm vậy người cũng không ngờ
Nam kỳ địa bị vây thậm khổ
Biệt từ hải ngoại khứ mang mang
Trức (Trực) đáo lâm san an tỵ tử
Ta hồ hung dữ tử vô phân
Chư sự tùng tân vận ân chí
Hoàng thiên định lý ý vị ngoan.
(Bốn tuồng)

Sau 30- 4-1975, dân miền Nam từ nhân viên chính phủ, sĩ quan quân đội và nhân dân ( sát hại quân thần ) bị cộng sản giết hại, tù đày mặc dù họ chẳng có tội tình gì:

Kẻ không tội bắt giam ?
Còn người gian tham khỏi hại ?
Người khiến nhiều lẽ Nam kỳ tồn bại
(Ý người muốn)
Tuyệt kỳ hang sát hại quân thần
(Kim cổ)

Cộng sản (Tây phiên) bắt dân đi đào kinh và lao động không phân biệt dân thành thị, thôn quê, không phân trí thức và lao động

Bắc chiên nhiều người quên cười biếng khóc
Tây phiên nả tróc bắt tốc cường thọ trường dân bộ
Đa binh nhứt ngộ nhập mộ đa điền
Làng bắt đi liền kinh tiền Vỉnh Tế tận thế đa nhơn
Quan cựu vô phân hành đàn nhựt dạ
.
( Cáo thị)

Sau 1975, dân miền Nam bỏ nước ra đi. Sài gòn dân cư đông đúc, có lúc tan tác ( bể om). Dân chúng Sai gòn và các tỉnh phải bỏ nước vượt biển, các nước thấy dân ta bơ vơ nên thương xót ( cảm thương) mà giúp đỡ bằng cách cho định cư tại Mỹ,Pháp, Anh,Úc, Nhật, Đức. . .
Thương đông đảo là xứ Saì gòn,
Bể om việc trước, hao mòn khắp nơi.
Cũng như buồm ra biển chạy khơi,
Cám thương các nước không nơi cậy nhờ. (KT, 202, 47)
(Xứ Sài gòn : có thể hiểu là miền Nam)

Phe Cộng sản theo Trung Cộng và bị Trung Cộng lợi dụng để rồi chúng xâm chiếm Việt Nam:
Bọn Trung Cộng đã làm Thầy ( cố vấn) cho Việt Cộng, dạy chính trị, quân sự và cung cấp vũ khí cho Việt Cộng, Việt Cộng đắc chí, cam tâm làm nô lệ bưng trầu rót nước:
An Nam con chú bên Tàu,
Ra tài dao bảy dạ vào búa tay.
Nghề võ người thiệt tài hay,
Bưng mâm, bưng nước giỏi nay lạ lùng.
(TG218, 48)

Ông Ba biết trước việc Trung Cộng sau 1975 thay đổi bộ mặt, ló đuôi chồn, ra sức ép buộc Việt Nam, quấy rối, xâm phạm Việt Nam:
Nên muôn dân kẻ dọc người ngang,
Cũng vì bởi Tàu man quấy rối (KT, 278, 20)

Trung Cộng phạm nhiều tội với Trời Phật. Tội thứ nhất là xâm lăng Việt Nam. Chúng không chỉ quấy rối biên cương và hải đảo. Chúng sẽ đưa quân xâm chiếm Việt Nam, giết hại vô số người Việt:
Sát Nam địa Tàu nguy mới đáng
(KT 276, 20)
Vì dã tâm xâm chiếm Việt Nam mà Trung Cộng gặp thất bại đắng cay:
Bắc Kinh dương lụy cảm chuổi sầu,
Tại vì ai sớm dứt Nam lầu. (KT 260,131)

Pháp vì lòng tham chiếm Việt Nam rồi cũng phải bỏ. Tàu tham chiếm Việt Nam rồi cũng phải lui:
Tây tham tây chịu gian nan,
Tàu tham Tàu cũng chớ tham khúc tùng.
(TG 239, 90)

Ông Ba Thới đã thấy một ngày Trung Quốc sẽ bị mất nước và Việt Nam do đó mà phục quốc, đòi lại những đất đai đã mất, và không còn bị Trung Quốc lấn áp về kinh tế, chính trị:
Bắc kinh mất, nước Nam nhờ
(Tiềng giang, 209, 29)

Hiện nay Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và biên giới Việt Nam. Chúng dàn quân biển Đông. Chúng có đánh chiếm toàn quốc Việt Nam hay không? Theo văn nghĩa, các chữ" Sát Nam", " Qua nước Nam" , " dứt Nam lâu " thì có nghĩa là Trung Quốc sẽ đổ bộ, chiếm đánh và tàn sát người Việt từ Bắc chí Nam chứ không phải chỉ lấp ló ở biên cương và ngoài hải đảo.

Trong khi một số cộng sản theo Trung Cộng, một số phản đối. Muốn có độc lập, tự do, Việt Nam họ phải cầu viện Tây phương. Một người nào đó đã sang Âu Mỹ cầu viện, và được Âu Mỹ đồng ý viện trợ, nên khi trở về, thành công trong việc giành độc lập cho Việt Nam:
Qua Tây nhất bái cúi đầu,
Trở về Nam quốc lập lầu Nam bang ( Thừa nhàn)

Không những nước ta độc lập mà còn có mười tám nước " chư hầu". Có lẽ lúc bấy giờ địa lý thế giới biến cải, trật tự thế giới được lập lại, có mười tám tiểu quốc với nước ta trở thành một liên bang. Phải chăng vì tình hình chính trị, kinh tế và quân sự đòi hỏi, nước ta liên kết với Miên, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Phi Luật Tân, Singapore và các nước nữa thành Liên bang Việt Nam hay liên bang Đông Dương, hoặc liên bang Đông Nam Á mà Việt Nam là nước đứng đầu.

Trước đó, Sư Vãi Bán Khoai đã nói:
Nước Nam như thể cái lầu/Ngày sau các nước đâu đâu phục tùng.
Giảng Xưa của Đức Sư Vải Bán Khoai, phần IV.
http://www.hoahao.org/LanguageID_2_CatID_283_ArticleID_3516_.aspx

Ông Ba cũng có ý kiến tương tự và nhắc lại nhiều lần:

Nước Nam như thể cái chùa
Ngày sau các nước bốn mùa bán buôn
(Vân Tiên 2)


Ngài Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã thấy ngày cộng sản chiến thắng và thất bại, đã khuyên các đạo hữu:

Khi Cộng sản đúng thời đúng buổi
Chiếm Nam Quan cho đến mũi Cà Mau
Lúc bấy giờ Hội Thánh phải nói sao?
Khi đã lở lâm vào trong thế khó
Khi Cộng Sản chiếm quyền hành trong lúc đó
Biết bao nhà tôn giáo phải suy vi
Cấp lãnh đạo và các phẩm chỉ huy
Đứng không vững cho nên vấp ngã
Làm tên tuổi lợi danh tiêu mất cả.
Cộng ngày sau sẽ tan rã không còn.
Khi dân tình khôi phục lại nước non
Khuyên tín hữu lòng son cố tránh.

THÍCH THIỆN MINH * PHẠM CÔNG TẮC



Sau 1954, một số văn thi sĩ và học giả miền Bắc vào Nam đã tăng cường lực lượng chống cộng tại miền Nam. Người nhiệt tình nhất là tiểu thuyết gia, lý thuyết gia Nguyễn Mạnh Côn, bên cạnh đó còn có Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng là những kịch tác gia tích cực. Nổi bật nhất là Doãn Quốc Sỹ và nhóm Sáng Tạo.

Trước cuộc chiến tranh ý thức hệ, các thi sĩ đã lựa chọn chỗ đứng cho mình trong lòng dân tộc.
Nguyễn Chí Thiện sống trong lòng cộng sản đã anh dũng chống cộng. Trong Hoa Địa Ngục, ông viết nhiều bài thơ tuyệt diệu:

Khiếp sơ, sững sờ tê dại,
Lịch sử quay tít vòng ngược lại
Thời hùm beo rắn rết công khai.
Ngàn vạn đãu trường mọc dậy giữa ban mai
Đúng lúc đất trời nhợt nhạt
Bọn giết người giảo hoạt
Nâng cốc mừng thắng lợi liên hoan

. . . .. . . . . . .

Bãi sú, bờ lau,rừng rú
Thây người vun bón nuôi cây
Đạo lý tối cao ở xứ đồng lầy
Là lừa thầy phản bạn
Và tuyệt đối trung thành vô hạn
Với Đảng, với đoàn, với lãnh tụ thiêng liêng
Hạt thóc hạt ngô phút hóa xích xiềng
Họa phúc toàn quyền của đảng (28).

Tội nặng hơn hết là Hồ Chí Minh. Dưới mắt Nguyễn Chí Thiện, Hồ Chí Minh là một hung thần, ác quỷ, đã gây ra bao đau khổ cho nhân dân Việt Nam:

Hang Pác Bó hóa thành hang ác thú
Bác Hồ già hóa dạng bác Hồ Ly
Đôi dép lốp nặng bằng trăm đôi dép sắt
Bộ ka ki vàng, vàng như mắt dân đen
Quỷ quá đê hèn, lừa đảo!
Gia tài tra khảo cướp trơn tay ( 31-32).

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói đến chiến tranh Việt Nam, đến cuộc tấn công mậu thân 1968 của Cộng sản tại miền Nam.

-Thế là con ác nhả sân bay rồi bỗng lên dần
Thế là bầy rắn nhổ neo vừa phun nọc độc
Thế là đoàn bọ hung sang số bay đi
Thế là cánh tay người buông rũ liệt
Thế là xong. . . là hết. . . .
Thế là không còn chi. . .
Ôi Chiến tranh làm biệt ly
Như bọt vỡ trên sông trên biển
Như bụi nát nhừ trên đường ra hỏa tuyến . .
(Thế là)

-Khổ đau tràn bốn cửa Thành
Dư ba chợ Bến, hồi thanh xóm Chùa
Ngựa Thời gian phá trường đua
Hí lên cho bước Giao Mùa nhịp theo
Đường Hai Mưoi lắng chuông gieo
Gối tay thế kỷ nằm heo hút buồn
Dưới kia thác lũ mưa nguồn
Lệ hay mạch nước ào tuôn vỡ bờ?
Lật coi giòng máu chưa mờ
Bạch thư dày mấy muôn tờ đất đen.
( Đào sâu trang sử)


Một số thi nhân Miền Nam đã ngồi tù trong đó có Vũ Hoàng Chương. Tô Thùy Yên đã nói lên nỗi đau khổ khi trở về nhà sau bao năm bị cộng sản giam cầm:

Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Sống tàn đời kẻ sĩ tàn mùa
Trên dốc thời gian, hòn đá cuội
Lăn dài kinh động cả hư vô ...
Hề, ta trở lại gian nhà cỏ
Tử tội mừng ơn lịch sử tha
Ba vách, ngọn đèn xanh, bóng lẻ
Ngày qua ngày, cho hết đời ta...
...Ta ngồi cho đến khi trời trắng
Đồng ruộng xanh đông đúc tiếng người
Ta rảo quanh làng hóng chuyện phiếm
Đời người cũng chuyện phiếm mà thôi...
(Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ)

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay,
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi…

(Ta về)

Thanh Tâm Tuyền đã nói lên những ngày tháng khổ sai trong nhà tù cộng sản:

Tuột dốc té nhào trên hẽm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu
Duỗi soài chân tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem nghe mưa mau
Tưởng chừng thi thể ai thối rữa
Hồn viễn vông chẳng chút oán sầu
Mưa giăng tấm lưới trắng dày khít
Làng xóm dưới núi ở phương nào?
Gió lạnh tái tê bó liệm chặt
Lã thiếp người quên bẵng xước đau
Đầm mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt hoen nhòa thấm giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm tối mịt
Sông xa núi thẳm quê nhà đâu?
(Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa)

Du Tử Lê đã lên tiếng tố cáo cộng sản giết hại nhân dân, và làm cho đời sống nhân dân ngày càng thêm cơ cực:
Khi ở đây mới chiều
quê hương tôi đã sáng
buổi sáng, không áo quần
buổi sáng không miếng bánh
buổi sáng cố nuốt trôi
trăm ngàn đe dọa mới
Khi ở đây mới chiều
quê hương tôi đã sáng
buổi sáng chờ tin chồng
- chết rồi trong nhà ngục
buổi sáng chờ xác cha
lãnh về không nguyên vẹn
( Thơ Tình. buổi sáng quê hương tôi)

Vì cộng sản mà Du Tử Lê cùng hàng trăm ngàn người Việt Nam đã bỏ xứ ra đi liều thân trên biển cả để tìm tự do. Du Tử Lê đã tâm sự với người bạn ngoại quốc:
Anh nghe gì vọng lại?
Bên kia thái bình dương
từ vùng tăm tối đó
đồng bào tôi lên đường

Ba năm vùng biển ấy
bao người đã tan thây
ba năm vùng Đông Á
ai đếm? Bao tù đầy.

Hãy hình dung hộ tôi
Tóc người trôi đầy biển
xác trẻ vữa như vôi
những tiệc người của cá
Nhưng họ vẫn ra đi
dù nhân gian ngoảnh mặt
nhưng họ vẫn an nhiên
ném thân vào cõi chết
Bởi mặt trời phương đông
đã không còn mọc nữa
và họ muốn làm người
nên chẳng còn cách khác
(Thơ Tình. bình minh nhân loại mới)

Thi sĩ Trần Hồng Châu đã nói đến nỗi khổ của nhân dân ta phải đi kinh tế mới và họ đã phải trở về sống đầu đường xó chợ ở Sài Gòn:

Ngã Sáu Sài Gòn có những bộ lạc về từ rừng sâu tiền sử
Từ kinh tế mới âu sầu mất hướng
Trại lưu đày dựng bên bờ đại lộ quê hương
Bên kim tự tháp rác rưởi trầm ngâm
Lửa hờn căm đốt sôi lòng nồi nhỏ
Sưởi ấm ruột gan rét cóng giữa trưa hè
Bằng những hạt cơm trừu tượng
Bằng vài lời hứa. . . thiên đường trần gian. . .
(Nửa Khuya Giấy Trắng. Tháng 4.. . Mưa Ngâu dầm dề)

Thi sĩ đã chứng kiến bao cuộc sống của Sài Gòn đã bị vô sản hóa, bần cùng hóa sau 1975:

Tôi đi xe bus Sài Gòn
Xa cảng miền Tây
Xe Cây Mai Phú Thọ Hòa
Xe tã như giẻ rách
Trong lòng quê hương
Rách tơi bời!
Kính chiếu hậu vỡ từng mảng vụn
Như con ngươi mắt trợn trừng nhìn vào thực
tế phủ phàng
Mui xe gồ ghề mu rùa cong cong
Đập mạnh vào sọ não người tài xế già
theo nhịp bánh xe quay
. . . . . . . . . .
Xe nêm cối có đứa trẻ mồ côi
Mặt rầu rầu bán trái cóc với kẹo đồng đôi
Có anh thương phế binh gãy đàn tay trái
Chiều nay ta trở về bại tướng què chân. . .
Có thằng móc túi bị lôi phăng xuống bến
Vào trụ sở quân cướp ngày oai phong
Có hơi người nồng nặc giữa chiều đông
Có mùi rác rưởi trên xe gầy ốm tong teo
Đồng bào tôi áo chằng áo đụp
Mình võ vàng ngàn nỗi thiếu ăn
Đồng bào tôi đi về đâu chiều vô định
Giòng lịch sử lênh đênh chiếc bách
Đồng bào tôi có tội tình gì?
(Nhớ Đất ThươngTrời . Sài gòn xe bus nội ngoại thành)

Ông cũng tố cáo việc cộng sản bán dân:
Tin AFP rao truyền khắp năm châu bốn biển
''Trong năm năm gần đây 5000 (hay 50,000?) con gái Việt Nam đã được bán buôn dưới nhiều hình thức''
Những người con gái từng thấy trong ca dao
Trong thơ Nguyễn Bính chân quê
Trong thơ Hàn Mặc Tử chị ấy năm nay còn gánh
thóc dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
50 năm trước đây, thời thực dân mấy đời
bánh đúc có xương
Họ còn được là cô dâu trinh trắng nón quai thao về
nhà những chàng trai quan họ quần chùng
áo dài nguyên nếp tình quê
5000 ngưồi con gái Việt Nam ấy, hôm nay sau cơn mê sảng ý thức hệ,
mà họ không hề tạo nên,
đã là món hàng tươi sống xuất khẩu
1. Về những phường dạ lạc Hồng Kông
2. Về những xóm yên hoa Ma Cao
3. Về đảo quốc Đài Loan xả xui bằng chữ ngàn vàng
4. Về vùng Lưỡng Quảng chiều mưa biên giới em đi về đâu?
5. Về niềm tủi nhục ngửa nghiêng Vọng Các thủ đô
ổ nhện suốt sáng thâu đêm. . . .
( Hạnh Phúc Đến Từng Phút Giây. Mẹ Âu Cơ hôm nay khóc hay cười?)


Một đôi khi thi sĩ cũng châm biếm chủ nghĩa cộng sản:
Lằn đường, lane đường
Mù mịt tít mù
Chạy mút mùa như đời cải tạo không án lệnh
Chạy phân minh nhị nguyên
Như đường ranh tư bản dẫy chết. . . vẫn sống nhăn răng
Như đường ranh vô sản tiến nhanh tiến mạnh về thiên đường mù
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây . Buổi chiều góc cạnh)

Thi sĩ tin tưởng một ngày kia dân Việt Nam sẽ vùng lên đập tan xích xiềng để giành lấy tự do:
nhất định
sấm sét cuồng phong sẽ vùng dậy
từ những đốm lửa nhỏ
từ những di động vi ba
Tần Thủy hoàng chết khô
Trong lửa đỏ Hàm Dương
phần thư! phần thư!
nhưng bài thơ vẫn tồn tại
trọn vẹn
ung dung
trên nẻo đường khai phá
nẻo đường tự do
(Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây. Làm thơ sau cơn hồng thủy)

Phan Lạc Phúc it khi làm thơ nhưng trong những ngày tháng xa gia đình đã có vần thơ trác tuyệt:
Có nghĩa gì chia xa
Có nghĩa gì cách trở
Anh phải sống bằng tình xưa
Anh sống bằng nỗi nhớ
Anh nhớ em buổi sáng

Anh nhớ em buổi trưa
Nhớ em khi trời nắng
Nhớ em khi trời mưa

Nhớ em trong giấc ngủ

Thấy em đầy trong mơ. . . .

(Nỗi nhớ - Bè Bạn Gần Xa)


Các văn sĩ có ý thức chính trị thì rất đông đảo, nhất là sau 1975. Các tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan mang tính chất chính trị rất sâu sắc. Trong Gánh Xiếc, Doãn Quốc Sỹ đã so sánh gánh xiếc và cộng sản:
Khắp nơi báo chí đều đăng tin 'Một gánh xiếc làm trò quỷ thuật bị lộ tẩy'. Ông kết luận bằng một suy tưởng về triết lý chính trị. Ông viết về cuộc di cư của đồng bào miền Bắc vào miền Nam:
Đó cũng là sự tích một gánh xiếc. Có điều khác là gánh xiếc ở Ấn Độ đến rồi phải đi , ở Bắc Việt hiện nay trái lại có gánh xiếc đến, chính dân chúng phải đi. Gánh xiếc chính quyền có khác!Và tôi nghĩ: nếu trong đám đông xem trò quỷ thuật chỉ cần một người tỉnh mà cả gánh xiếc phải tan thì trong khi những gánh xiếc chính quyền to nhỏ trên sân khấu quốc tế làm trò, số người tỉnh có khi là hầu khắp thế giới. Họ không thất bại sao được? (24)

Ông kết án cộng sản:
Sau sáu năm kháng chiến, rồi tới một ngày kia tỉnh ngộ lòng đau như cắt. Tâm chẳng tự hỏi vì quá vô tình hay quá thực thà chỉ biết tỉnh ngộ thì đã quá muộn, nhưng dù quá muộn còn hơn không (158).
Ghét thực dân và cộng sản, ông viết:
Ở thế giới Thực dân tư bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.''( Gìn Vàng Giữ Ngọc)


Chiến tranh là một thực tại vây phủ nước Việt trong bao thế kỷ cho nên các tác giả đã chú trọng đến các đề tài chiến tranh. Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Xuân Vũ, Kim Nhật cho chúng ta thấy chiến tranh xảy ra công khai trước mắt mọi người bằng súng đạn, bom, và mã tấu. Nhã Ca mang tâm trạng đau đớn của người dân đêm đêm sợ hãi khi nghe tiếng đại bác. Đại bác đã đến trong cơn mộng, và AK cũng đã hiện đến trước mắt bà với nhà tan, vườn cháy và xác người vương vãi khắp nơi trong Giải Khăn Sô cho Huế. . Nhã Ca đã nói đến sự sợ hãi và căm thù của nhân dân Huế đối với cộng sản và bọn tay sai như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân. . .

Xuân Vũ, Kim Nhật là những nhân vật từ thế giới bên kia bất chợt hiện đến kể cho chúng ta những câu chuyện bi thảm trên đường mòn Hồ Chí Minh và mật khu Việt Cộng. Phan Nhật Nam, Phạm Huấn, viết về những trận đánh mà đại bác của địch vang rền suốt ngày đêm cho một tiền đồn heo hút. Phan Nghị, Phan Lạc Tiếp viết về những vùng đất xa với những nghĩa quân đang gìm nấc súng suốt ngày đêm trong hầm đầy bùn và nước lạnh .Trong số này, Xuân Vũ là người mạnh mẽ nhất đã nói lên sự gian dối và tàn bạo của cộng sản. Ông cũng nói lên óc thực dân và óc cục bộ của cộng sản miền Bắc đối với người Nam bộ tập kết ra Bắc.

Ông đã viết lời tựa cho quyển Đường Đi Không Đến , trong đó có đoạn:
Yêu nước thì phải thương dân, trước hết phải lo cho dân có cơm áo. Yêu nước nhất quyết không phải là mưu đồ sự nghiệp cá nhân, mặc cho dân chúng lầm than, quê hương tan nát. Yêu nước càng không phải là điên cuồng nhắm mắt đưa toàn dân vào con đường tranh đấu ngu xuẩn và vô vọng có thể mang tới hậu quả diệt quốc, diệt chủng. Yêu nước lại càng không phải là cưỡng bức nhân dân thắt lưng buộc bụng, nhịn đói nhịn khát để tập trung tài nguyên nhân lực vào việc dùng vũ lực mưu toan áp đặt một nền nếp suy tư và những phương thức hành động đã được đúc khuôn mà dân chúng mong muốn (9).

Khắp truyện, chúng ta thấy biết bao cảnh đau khổ mà thanh niên nam nữ đủ hạng người phải chịu đựng dưới ách thống trị của cộng sản bạo tàn. Biết bao thanh niên nam nữ đã trở thành nạn nhân trên đuờng mòn Hồ Chí Minh. Họ đã đói khát, bệnh tật. Họ đã trở thành những bộ xương trắng trên Trường Sơn hoặc trở thành những con người tàn phế khi về đến chiến khu miền Nam. Họ là ai? Nếu lập một danh sách, chắc dài mấy tập. trong truyện này, ta chỉ thấy một số nhân vật tượng trưng cho những người Trường Sơn. Là Xuân Vũ, nhà văn; cô Thu, diễn viên múa; Chân , sinh viên Hà Nội, Ngạc , người Hà Đông, và một số người Nam Bộ như ông già Chín Sử; cậu Mai, liên lạc viên. Chúng ta phải kể đến những người Nam Bộ nằm trên Trường Sơn để phục vụ cho công việc xâm chiếm Lào mà không được về Nam như Thành, Tư Ớt. . .

Họ đã xem con người như một công cụ, một con vật. Họ đã coi Mạng người không bằng mạng kiến (150). Họ không tha một ai. Các cán bộ lãnh đạo nếu vào Nam thì đi bằng những con đường đặc biệt như đi máy bay qua ngả Kampuchia. Họ bắt thanh niên nam nữ đi bộ suốt Trường Sơn, nhất là đem cặp chân diễn viên múa mà trèo núi (95). Hy sinh có ý nghĩa khi tự nguyện. Trong chế độ cộng sản, hy sinh có nghĩa là bắt buộc. Ở đây chữ nghĩa đã hoàn toàn biến dạng. Tác giả viết:
Sự hy sinh là một điều cao quý. Đến một mức độ mà con người còn chấp thuận thì nó còn là một sự cao quý nhưng một khi bắt buộc người ta phải chịu đựng quá sức thì nó trở thành một sự dã man (77).

Một khuynh hướng khác rất phong phú là văn chương tù đày. Các văn sĩ phần lớn là sĩ quan đã bị cộng sản giam giữ, sau khi ra nước ngoài đã viết lên những thiên hồi ký để tố cáo tội ác của cộng sản với thế giới bên ngoài. Các văn sĩ này rất đông như Trần Văn Thái (Trại Đầm Đùn) , Hà Thúc Sinh (Đại Học Máu), Phan Lạc Phúc (Bè Bạn Gần Xa), Hiếu Đệ ( Niềm Đau Bạc Tóc, Lưu Xứ U Minh), Lucien Trọng (ENFER ROUGE MON AMOUR, Hỏa Ngục Đỏ, Mối Tình Tôi); Trần Tri Vũ ( Những Năm Mất Trắng). . . . Trong "Đại Học Máu", Hà Thúc Sinh viết: Trong lời mở đầu, Đại Học Máu, Hà Thúc Sinh viết rằng: Đại Học Máu không phải là một tác phẩm tiểu thuyết văn chương, cũng không thể nằm trong hình thức một hồi ký chính trị, hoặc một bút ký lao tù. . . (mà là) bản phúc trình của một người lính VNCH bị bỏ rơi, bị ở tù cộng sản, rồi thoát được ra ngoài, ngồi viết lại để kính gửi tới những ai còn thương yêu và còn quan tâm đến nước Việt Nam còn ở lại . . .
Một số tù nhân lại là gốc xã hội chủ nghĩa cũng đã đóng góp khá nhiều vào kho tàng văn học Việt Nam như Trần Dần, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyễn Chí Thiện, Phùng Quán, Phùng Cung, Tuân Nguyễn. . .

Một số văn thi sĩ viết về chủ đề vượt biên như Võ Kỳ Điền, Đặng Phùng Quân, Hàn Song Tường, Uyên Giang. Năm 2003, Ngụy Vũ tại California đã đề xướng chương trình thi viết về những cuộc vượt biển. Số đông đã tham dự và gửi bài về khá đông đủ, phần lớn là do những người cầm bút không chuyên nghiệp. Kết quả, tháng 3-2003 đã xuất bản các tập “Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông”.
Trong tập truyện " Người Đưa Đường", Võ Kỳ Điền đã nói lên nỗi khổ của nhân dân miền Nam bị cộng sản bỏ tù và cướp nhà cửa:
Thằng Hai bị bắt đi học tập, vợ đã về quê Mõ Cày để sinh sống. Cái xe đò của thằng Ba bị lấy, tụi nó nói khéo là trưng dụng. Cái nhà bị ty Giao Thông Vận Tải Đường Bộ muợn làm văn phòng. Gia đình phải làm đơn xin xỏ lắm mới được ở tạm sau nhà xe. Tao thấy mấy đứa cháu nội đi lao động mà đứt ruột đứt gan.[.. .]. Thằng nhỏ dầm mưa trải nắng chịu không thấu, phần bị sốt rét nóng mê man được chở về. . .(43)

Một số văn thi sĩ như Nhã Ca, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Ngọc Ngạn , Võ Kỳ Điền . . . hướng về đề tài xã hội Việt Nam dưới thời cộng sản. Nhã Ca đã nói đến nỗi đau đớn của các văn nghệ sĩ và gia đình bà bị cướp tài sản và bắt đi kinh tế mới.

Sài Gòn Cười Một Mình dày 261 trang, gồm các truyện. Ở đâu chúng ta cũng thấy những cảnh đau khổ của nhân dân miền Nam sau 1975. Một phần lớn dân chúng miền Nam phải thất nghiệp, và phải chịu cảnh lao tù. Ở đâu, người dân cũng phải đương đầu với chế độ mới, và bọn công an phường khóm. Đây là những bản án dành cho chế độ cộng sản:

- Những gia đình rách nát đau khổ vì chồng, cha , con em đi ngồi tù vì tội ‘’ ngụy quân, ngụy quyền’’, và một số đã chết trong tù ( Chợ què, Vẫn có mùa xuân tới, Trong nhà ngoài phố ).
-Xã hội băng hoại vì trộm cướp giết người ( Chợ què ,Vẫn có mùa xuân tới, Gia đình chị Mười Một).
-Cán bộ lường gạt, cướp bóc dân chúng: cộng sản cướp nhà hàng chả giò Phú Hương ( Trong nhà ngoài phố, 90- 92)
-Học sinh bị bóc lột, phải đi lao động cực khổ ( Coi chừng cái búa)
-Dân chúng phải đóng góp quá nhiều: phải mua công trái, đóng tiền tiết kiệm, tiền mua sổ nhu yếu phẩm, quyên góp các nghĩa vụ, tiễn đưa thanh niên đi quân dịch, cứu trợ lụt lội, yểm trợ chiến sĩ, anh hùng lao động, anh hùng quân đội. . . ( Trong nhà ngoài phố, 90)
- Công an làm tiền ( Chợ què, Trong nhà ngoài phố, Gia đình chị Mười Một)

Ngoài ra, Sai Gòn Cười Một Mình là những bức tranh xã hội, tả các cảnh vật, các sinh hoạt của đủ hạng người tại miền Nam sau 1975 như chợ trời ( Chợ què), dân bụi đời Sài gòn ( Gia đình chị Mười Một, Một mảnh đêm đường Tự Do, Sài gòn), người tù cải tạo trốn trại (Vẫn có mùa xuân tới ) hay được tha về ( Sài gòn cười một mình ), xe đò, công viên, cùng cuộc sống của những người buôn hàng chuyến ( Của nợ).

Hồi Ký của Nhã Ca khá dày với 560 trang, viết về cuộc đời của bà sau 1975. Đó là một cuộc đời đầy đau khổ vì bị giam về tội văn hóa phản động,và bị đánh về tội tư sản. Và đó cũng là kiếp nạn của các văn nghệ sĩ và nhân dân ta, kẻ mất nhà, mất của, người bị tù cho đến chết trong các trại giam của cộng sản. Trong tác phẩm này, Nhã Ca đã tố cáo chế độ lao tù cộng sản và xã hội cộng sản. Cộng sản bắt nhà văn, vu cho tội phản động, cộng sản thù ghét Chu tử, bắt con gái, con rể Chu Tử và trẻ sơ sinh, cháu ngoại của Chu Tử sinh được bảy ngày vào nhà tù (19-36). Một số công an ở T 20 ( Đề lao Gia Định) đã tịch thu hộ khẩu của gia đình bà, sau khi bà về, họ bắt chuộc lại, mỗi cái 2 ngàn đồng tiền mới, nếu không chuộc sẽ bị tạt at xit (108). Con gái Chu Tử, Chu Vị Thủy, được thả về thì nhà bị chiếm trên cắt dưới. Khoảnh còn lại thì từng viên gạch bông cũng bị lật lên vì ngờ phía dưới chôn vàng ngọc (125), và việc Vũ Hạnh, phó chủ tịch hội nhà văn thành phố, cùng bọn văn nô theo dõi Chu Vị Thủy lúc mẹ con họ bán bún riêu tại đường Lê Thánh Tông (125).

Khuynh hướng đồng quê là một khuynh hướng mạnh trong văn học và âm nhạc Tây phương. Trước 1945, Trần Tiêu, Nguyễn Công Hoan, Thanh Tịnh, Bùi Hiển. . .là những người đi tiên phong trong phong trào này.Trước 1975, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Sơn Nam được coi như là những nhà văn Nam kỳ. Ngày nay, tại hải ngoại các nhà văn Nam Kỳ lục tỉnh đã vươn mình đứng lên, tạo thành một lực lượng đông đảo như Võ Kỳ Điền, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An, Nguyễn Văn Ba,Võ Phước Hiếu. Một số nêu lên tội ác của cộng sản, nhất là Xuân Vũ ,Lê Xuyên và Võ Phước Hiếu.
Trong Như Nước Trong Nguồn, ông nói đến việc Việt Minh sát hại dân chúng trong 1945:
Phong trào bắt Việt gian làm nhiều người chết oan ức. Tám Thôi chưa kịp hoàn hồn sau vụ bắt cụ Bùi ở chùa Giác Hải bỗng nghe lũ trẻ la ó bắt được Việt gian sắp dẫn ngang nhà. . . Thì ra thằng Ba La, bạn chí thân của anh, bị trói thúc ké. (140-141).

Đó là cuộc đời của Tám Thôi. Sau 1945, thấy Sài Gòn đầy cảnh máu tanh, Tám Thôi lui về quê, dùng số tiền cần kiệm khi làm việc cho nhà thuốc Ông Tiên để cưới vợ và mua ruộng đất. Tám Thôi có hai đứa con lớn, sau 1975 phải đi ngồi tù, hai đứa con dâu phải về nương náu nhà ông. Tám Thôi phải quay về nghề câu tôm câu cá để nuôi sống gia đình. Cảnh khổ của ông cũng là cảnh khổ của đa số dân chúng xóm Rạch Rít khi cộng sản xâm chiếm miền Nam. Và con sông quê ông cũng mang số phận đau thương của dân tộc:
Bây giờ trong xóm ai cũng đổ bung ra sông ra rạch chăn ví, săn đuổi cá tôm, tranh nhau đắp đổi qua ngày. Tôm cá bây giờ càng hiếm hoi. Cuộc sống thêm vất vả buồn nôn (148).
Đó là cuộc đời của chú Năm Nghê con người vui vẻ nhưng sau 1975 bị ''ghép vào thành phần phản động chống chế độ'', họ cấm dân chúng tụ họp cho nên nhà chú không còn ai dám lai vãng, chú bệnh và chết trong cô đơn và nghèo khổ (73) .

Rồi bao biến cố xảy ra cho đất nước Việt Nam mà xóm Rạch Rít của Võ Phước Hiếu cũng không thoát khỏi cơn đại hồng thủy. Nào là học tập cải tạo, nào là sản xuất tập thể hóa nông nghiệp (146-147), .Hai ông giáo trong Như Nước Trong Nguồn là những con người bất khuất, có quá khứ chống Pháp , ông thầy Huế chết già, còn ông giáo Sử bị Việt Minh giết vì ông yêu tự do, không chịu khuất phục đảng vô sản, đảng của thiểu số người ngông cuồng không tưởng, rắp tâm muốn áp đặt bằng võ lực và hận thù (75).

Trong Hùm Chết Để DaNhư Nước Trong Nguồn, tác giả đã nói về cuộc đời của tác giả và các bạn bè vì chịu không thấu khổ ách cộng sản phải bỏ nước mà đi:
Tháng 6 năm 1979, sau thời gian mấy năm bị vùi dập trong những '' chiến dịch cải tạo'' , '' đánh tư sản mại bản'', '' kiểm kê công thương nghiệp'' và ''bài trừ văn hóa đồi trụy''. . . . tôi lặng lẽ cúi đầu tủi nhục, thấm thía bước xuống chiếc tàu cây định mệnh (Như Nước Trong Nguồn, 77).




Tóm lại, các văn thi sĩ miền Nam đã tích cực chống lại chủ nghĩa cộng sản tàn ác đã bán nước hại dân, tham nhũng, cướp tài sản nhân dân và tài sản quốc gia. Ngọn lửa thiêng này đã bừng lên trong các tôn giáo Miền Nam và trong dòng văn học hiện đại. Các văn thi sĩ và văn nghệ sĩ cũng như những người có đạo tâm, có ý thức dân chủ là tinh hoa của dân tộc, là những chiến sĩ tiền phong trong cuộc tranh đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng dân chủ cho tương lai gần đây.

No comments:

Post a Comment