Pages

Friday, December 24, 2010

RFI * NHẬT BẢN & TRUNG CỘNG


Nhật Bản công khai xác định : Quân đội Trung Quốc là mối đe dọa quốc tế


Duyệt binh Trung Quốc (24/11/2010)
Duyệt binh Trung Quốc (24/11/2010)
REUTERS/Stringer
Trọng Nghĩa

Đang trong chiều hướng hòa dịu trở lại sau nhiều tuần lễ sóng gió, quan hệ Nhật Trung hôm nay (17/12/2010) đã lại bất ngờ trở nên căng thẳng. Nguyên nhân là vì chính sách quốc phòng mới, vừa được Tokyo công bố, đã xác định rằng tiềm lực quân sự của Trung Quốc là một mối đe dọa không chỉ cho vùng Châu Á, mà cho cả quốc tế.



Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, đã lên tiếng đả kích những lời lẽ bị coi là ‘’vô trách nhiệm’’. Đối với Bắc Kinh, không một quốc gia nào "có quyền tự cho mình là đại diện của cộng đồng quốc tế, hoặc đưa ra những bình luận vô trách nhiệm về sự phát triển của Trung Quốc". Theo bà Khương Du, Bắc Kinh ‘’không hề đe dọa bất kỳ ai’’.

Phản ứng gay gắt của Trung Quốc được đưa ra ít lâu sau khi chính quyền Nhật Bản chính thức thông qua một kế hoạch quốc phòng thực hiện trong vòng 10 năm tới đây, tăng cường lực lượng quân sự xuống các đảo ở phía Nam, một kế hoạch được xem là nhằm đối phó với hiểm họa đến từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Từ ngữ trong tài liệu, mang tên là Bản Hướng dẫn về Chương trình Quốc phòng, mang tính chất mạnh mẽ khác thường khi nhắm vào Trung Quốc và các hoạt động ngày càng gia tăng của hải quân nước này, xem đấy là một vấn đề đáng ‘’quan ngại’’ cho cả khu vực lẫn thế giới. Bản hướng dẫn nói :

« Trung Quốc đang tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự và gia tăng hoạt động trong các vùng biển bao quanh nước này. Cộng thêm với tính chất thiếu minh bạch của Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến quân sự và an ninh, chiều hướng này trở thành một mối quan ngại cho khu vực và cộng đồng quốc tế. »

Chính sách quốc phòng mới của Tokyo được ban hành trong bối cảnh mới đây quan hệ ngoại giao Nhật Trung căng thẳng hẳn lên chung quanh sự cố tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông. Nơi này do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Bên cạnh đó, các động thái của Trung Quốc dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông cũng làm nhiều nước quan ngại, từ Việt Nam cho đến Hoa Kỳ.

Một cách cụ thể, theo kế hoạch mới, Tokyo sẽ tăng cường lực lượng tàu ngầm của mình, từ 16 chiếc hiện nay lên thành 22 chiếc, cũng như sẽ hiện đại hóa các phi đội chiến đấu cơ. Hệ thống tên lửa chống tên lửa cũng được củng cố thêm, với các dàn phóng hỏa tiễn Patriot PAC-3 đặt trên đất liền, được tăng từ 3 lên thành 6 dàn, trong lúc hệ thống tên lửa ngăn chặn SM-3 trên biển, cũng được nâng lên từ 4 lên thành 6 đơn vị bố trí trên các khu trục hạm loại Aegis.

Về quan điểm phòng thủ, Tokyo cũng thay đổi đối tượng cần ưu tiên dè chừng. Nếu chiến lược cũ tập trung phòng thủ ở mạn Bắc, dự phòng nguy cơ đến từ Liên Xô, rồi sau đó là Nga, nước vẫn tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên quần đảo Kuriles, thì giờ đây, trọng tâm chú ý được dồn xuống phía Nam.

Lực lượng đồn trú trên đảo Hokkaido đối diện với Nga sẽ được tái triển khai, trong lúc nhiều đơn vị hải, lục, và không quân sẽ được bố trí trên quần đảo Nansei ở phía Nam, gần Okinawa, và gần khu vực có tranh chấp với Trung Quốc. Đây cũng là khu vực mà hải quân Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Kế hoạch quốc phòng mới của Nhật Bản dự trù đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, đồng thời cũng khẳng định trở lại tính chất thiết yếu của liên minh với Hoa Kỳ.

Theo ông Akira Kato, chuyên gia phân tích an ninh tại trường Đại học Oberlin ở Tokyo, thì Bản Hướng dẫn về Chương trình Quốc phòng Nhật Bản thông qua phản ánh một chuyển hướng rõ rệt, mà mục tiêu là đối phó với sức mạnh hải quân không ngừng gia tăng của Trung Quốc, được xem là một mối đe dọa chủ yếu đối với Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Lẽ dĩ nhiên, ngoài Trung Quốc, Chương trình quốc phòng mới của Nhật Bản cũng nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, là nước vẫn coi Tokyo là một kình địch.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20101217-nhat-ban-cong-khai-xac-dinh-quan-doi-trung-quoc-la-moi-de-doa-quoc-te

Nhật thay đổi chiến lược quốc phòng để đối phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên

Tàu khu trục Ikazuchi của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bên cạnh hàng không mẫu hạm USS George Washington của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận tại Thái Bình Dương ngày 5/12/2010.
Tàu khu trục Ikazuchi của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bên cạnh hàng không mẫu hạm USS George Washington của Hoa Kỳ trong cuộc tập trận tại Thái Bình Dương ngày 5/12/2010.
Reuters
Thanh Phương

Lần đầu tiên từ 40 năm qua, Nhật Bản đã quyết định thay đổi toàn diện chiến lược quốc phòng, bởi vì mối đe doạ chính đã chuyển từ Liên Xô cũ sang Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tokyo sẽ tổ chức lại quân đội thành các đơn vị cơ động, có thể nhanh chóng tham gia tác chiến bảo vệ các đảo phía Nam và chống lại hiểm họa tên lửa Bắc Triều Tiên.

Chiến lược quốc phòng hiện nay của Nhật Bản đã được vạch ra vào năm 1976 dựa theo kịch bản chủ yếu là bị Liên Xô tấn công. Kịch bản này đã dần dần được sửa đổi tiếp theo sau sự sụp đổ của Liên Xô, và những điều chỉnh sau cùng coi như hoàn tất sự chuyển đổi đó. Những sửa đổi này theo dự kiến sẽ được Hạ viện Nhật thông qua trong tuần này.

Thật ra thì từ mấy năm nay, Tokyo đã xem sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc và các tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là hiểm họa chính. Nay với chiến lược mới, quân đội có thể được triển khai với những đơn vị cơ động đến bất cứ nơi nào có sự đe dọa đến Nhật Bản. Theo chiều hướng này, Tokyo sẽ giảm bớt quân số của lực lượng bộ binh và tăng cường lực lượng hải quân. Cụ thể, số xe tăng hiện đang hoạt động sẽ giảm xuống còn 390, 600 khẩu đại pháo xuống còn 400 và 1.000 quân sẽ bị cắt giảm. Lực lượng bộ binh còn lại sẽ được triển khai xuống một đảo phía Nam của Nhật Bản. Hiện nay, lực lượng này được bố trí dàn đều ra khắp lãnh thổ.

Nói chung, mọi tiềm năng quân sự của Nhật Bản kể từ nay chủ yếu để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các lực lượng sẽ tập trung bảo vệ các đảo phía Nam của Nhật Bản. Số tàu ngầm tham gia tác chiến sẽ tăng từ 18 lên 22. Cũng trong khuôn khổ chiến lược mới, Nhật Bản cũng sẽ đẩy nhanh việc triển khai các chiến đấu cơ phản lực thế hệ mới và tăng cường các dàn phóng tên lửa Patriot từ 3 lên 6. Tokyo cũng sẽ trang bị tên lửa SM-3 cho toàn bộ 6 khu trục hạm Aegis. Cho tới nay, chỉ có ba tàu được trang bị vũ khí này.

Chiến lược mới được vạch ra trong bối cảnh Hoa Kỳ kêu gọi Nhật Bản gia tăng vai trò quân sự ở Đông Á trước những hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên, và thái độ ngày càng võ đoán của Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền biển đảo.

Nhưng những thay đổi nói trên dĩ nhiên đã gây phản ứng từ các nước láng giềng của Nhật Bản. Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại. Hàn Quốc cũng đã rất ngạc nhiên khi nghe Thủ tướng Naoto Kan vào tuần trước đề cập khả năng sửa đổi luật để có thể gởi quân Nhật đến bán đảo Triều Tiên giải cứu công dân Nhật trong trường hợp khẩn cấp, hoặc tìm kiếm những người đã bị Bắc Triều Tiên bắt cóc vào thập niên 1970.

Chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản hôm qua đã cải chính tuyên bố của Thủ tướng Naoto Kan, nói rằng Seoul và Tokyo chưa bao giờ bàn đến chuyện đưa quân Nhật đến Triêu Tiên. Nhưng tuyên bố của Thủ tướng Nhật chắc chắn sẽ còn gây phản ứng từ phía Hàn Quốc, khi chúng ta biết rằng, bán đảo Triều Tiên đã từng sống dưới ách đô hộ của Nhật trong hàng mấy chục năm và cho tới nay, quá khứ này vẫn còn khuấy động quan hệ giữa hai nước.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Nhật Bản - Phân tích - Quốc phòng - Trung Quốc

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20101214-nhat-thay-doi-chien-luoc-quoc-phong-de-doi-pho-voi-trung-quoc-va-bac-trieu-tien

No comments:

Post a Comment