Pages

Friday, December 24, 2010

TỰ DO NGÔN LUẬN





Quyền lực và quyền người !!!

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 113 (15-12-2010)

Trong một đất nước theo thể chế văn minh hiện đại, các quyền con người ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền công bố cách đây 62 năm (10-12-1948) và sau đó được chi tiết hóa hơn trong 2 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Văn hóa và Xã hội công bố ngày 16-12-1966 (tính ra có tới 26 quyền), tất cả đều được công nhận và được bảo vệ bằng nhiều cơ chế trong xã hội mà ta có thể gọi là những quyền lực, những quyền lực phục vụ quyền người. Theo ý kiến chung thì có 7: đó là lập pháp, hành pháp, tư pháp, công an, quân đội, báo chí và tôn giáo.


Nhân dịp thế giới vừa mừng Ngày Nhân quyền quốc tế lần thứ 62, chúng ta thử xem 7 quyền lực ấy phục vụ quyền người như thế nào trong chế độ Cộng sản Việt Nam hôm nay, sau đó sẽ xét xem nguyên nhân và hậu quả của sự việc này.

1- Các quyền lực phục vụ thế nào ?

a- Ai cũng biết Quyền lập pháp (nằm trong tay Quốc hội do dân bầu) là quyền soạn thảo Hiến pháp rồi các luật lệ phục vụ nhân quần xã hội. Quốc hội còn đóng vai trò xem xét, chất vấn hành pháp, tức là chính phủ. Thế nhưng tại Việt Nam, thành viên Quốc hội qua 11 khóa đều do đảng CS chọn lựa, đều là thành viên hoặc cảm tình viên của đảng, thay vì làm dân biểu thì làm đảng biểu (đảng biểu gì làm nấy). Họ đã soạn ra nhiều bản Hiến pháp dành quyền cai trị tuyệt đối và vĩnh viễn cho đảng, soạn ra những luật lệ phần lớn có lợi cho đảng hay các phe nhóm trong đảng. Trong quá khứ, họ chẳng bao giờ dám chất vấn chính phủ, càng không dám chất vấn đảng. Gần đây thì có hiện tượng một số đại biểu xem xét nội các của Nguyễn Tấn Dũng, phản đối dự án đường sắt cao tốc, hạch hỏi về việc khai thác bauxite, đòi điều tra vụ vỡ nợ của Vinashin, đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng… Nhưng rồi chẳng đi tới đâu. Cơ quan quyền lực tối cao trên danh nghĩa vẫn là cơ quan bất lực thê thảm trên thực tế!



b- Quyền tư pháp nơi Tối cao Pháp viện là quyền xem xét Hiến pháp và các Luật do Quốc hội ban hành. Xem xét Hiến pháp có đúng và đủ không, các luật có vi hiến và mâu thuẫn nhau không. Quyền tư pháp nơi các tòa án là xem xét những vụ việc và những con người vi phạm luật pháp, bảo vệ công lý, trừng trị kẻ gian ác và bênh vực người ngay lành. Thế nhưng tại Việt Nam, cho tới giờ này chẳng hề có viện Bảo hiến, và các luật chồng chéo nhau thì vô số kể, dù đó là từ trung ương hay địa phương.


Tòa án thì trở thành công cụ để hợp thức hóa các hành động sai trái hay các quyết định bất công của đảng, của phe phái trong đảng, của thành viên đảng tại bản địa. Trong vô số các vụ án hình sự, công lý thuộc về kẻ có quyền lớn hay tiền nhiều. Trong mọi vụ án chính trị, quan tòa luôn có sẵn bản án trong túi, và kẻ chiến thắng cuối cùng bao giờ cũng là đảng.


c- Quyền hành pháp nằm nơi bộ máy nhà nước, bộ máy hành chính, có mục đích phục vụ các vấn đề, các nhu cầu, các quan hệ của công dân mà có liên quan tới luật pháp, tới trật tự xã hội. Người dân đến các cơ quan công quyền để giải quyết giấy tờ có liên quan đến việc sinh tử, việc làm ăn, việc cư ngụ, việc sở hữu… trong tư thế của một chủ nhân đến với đầy tớ được mình trả lương và tự xưng là công bộc.


Thế nhưng tại Việt Nam, hành chính đã trở nên “hành là chính”. Nhân viên nhà nước tự coi mình như kẻ ban ơn, bắt người dân phải đợi chờ, phải lui tới, phải khúm núm, phải xin xỏ, thậm chí phải hối lộ (thủ tục “đầu tiên”)… Rủi “có vấn đề” (tức là liên quan tới một vụ việc chính trị hoặc đơn giản là xung đột với quan trên) thì đừng hòng mong xét đơn, cấp giấy, giải quyết vụ việc một cách suôn sẻ…



d- Công an cảnh sát, theo định nghĩa, là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giúp đỡ dân lành, duy trì trật tự xã hội. Họ thường được gọi là bạn dân. Thế nhưng ngành công an trong các chế độ CS đã khét tiếng với những cái tên không bao giờ xóa mờ trong lịch sử tội ác của nhân loại, như KGB (Liên Xô), Securitate (Rumani), Stasi (Đông Đức)…


Công an Việt Nam cũng chẳng kém. Với châm ngôn “Chỉ biết còn đảng còn mình” (tức “chỉ biết có đảng có mình”), công an cảnh sát thay vì làm đầy tớ nhân dân (như họ thường nói) thì lại làm đầy tớ, chó săn của đảng (CSCĐ), của những đảng viên cấp cao hay cấp thấp đang có quyền lực điều động họ. Họ là lực lượng sách nhiễu hăm dọa các nhà đối kháng, khủng bố ép cung các bị cáo chính trị, đánh đập hành hạ các dân oan đấu tranh, thậm chí đôi lúc còn gây thương vong cho những công dân chỉ vi phạm luật đi đường. Họ bị gọi là “xã hội đỏ”, tàn ác và nham hiểm hơn cả “xã hội đen”. Hiện nay, vô số công an mang tâm tính của côn đồ cũng như vô số côn đồ mang sắc phục công an. Bằng chứng thì nhiều vô kể.



e- Quân đội là lực lượng bảo vệ quốc gia, giữ gìn bờ cõi, canh giữ vùng trời vùng biển của Tổ quốc, chống lại mọi lực lượng ngoại thù. Họ là công cụ của nhân dân, của đất nước, không bao giờ bị chính trị hóa thành công cụ của một giai cấp, một đảng phái, một thế lực nào cả.


Thế nhưng cái tên gọi “Quân đội nhân dân” tại Việt Nam chỉ là một từ mai mỉa. Điều này càng thấy rõ qua một bài viết gần đây, “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng làm thất bại âm mưu “phi chính trị hoá quân đội” của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay”, đăng trên www.tuyengiao.vn ngày 29-11-2010. Trong thực tế, quân đội nhân dân VN một thời nằm dưới sự điều động của CS Quốc tế (để xâm lăng VNCH) và nay thì nằm dưới sự khống chế của CS Trung Hoa và thái thú Trung Hoa, nên bao vùng đất vùng biển đã lọt vào tay Đại Hán, bao ngư dân đã sa vào tay Tàu Cộng, và bao con dân đang phập phồng trước nguy cơ xâm lược từ phương Bắc.



f- Báo chí, theo một định nghĩa rất tuyệt vời, là “tôi tớ của Sự Thật”. Nhà báo là người ghi lại trung thực các sự kiện xã hội, các tâm tư quần chúng, là kẻ dám công bố sự thật và trình bày lẽ phải. Đó là tiếng nói của nhân dân, là đối trọng của chính quyền, tồn tại nhờ vào sự tín nhiệm của quần chúng và sự công nhận của xã hội.


Thế nhưng tại Việt Nam, các cơ quan ngôn luận được nuôi bằng “bầu sữa nhà nước” (đa phần), được trơ trẽn quy chụp danh hiệu “báo chí cách mạng”, bị áp đặt nhiệm vụ “tiếng nói của đảng”. Tiếng nói tuyên truyền chính sách, đường lối của trung ương đảng (giúp đảng thống trị), tiếng nói bênh vực kế hoạch, hành vi của đảng bộ địa phương (giúp đảng viên cướp giật), tiếng nói lên án các nhà đối kháng đòi dân chủ, vu khống các oan dân đòi quyền lợi. Thành thử người dân gặp bất công chẳng biết thông tin cho công luận như thế nào (ngoại trừ nhờ các nhà dân báo “lề trái” trên mạng). Các tờ báo và nhà báo “lề phải” có lương tâm ngay chính, có ý thức độc lập, có tinh thần phục vụ thật là hiếm hoi.



g- Quyền lực cuối cùng phục vụ quyền người chính là tôn giáo. Với nhiệm vụ hướng tín đồ đến Đấng Chân Thiện Mỹ và giúp tín đồ sống theo chân thiện mỹ, tôn giáo là tiếng nói của lương tâm, muối men của xã hội, ngôn sứ của sự thật và chiến sĩ của lẽ phải. Ngoài ra, với tính cách là một tổ chức độc lập, các giáo hội là lực lượng nối kết tín đồ để bênh vực dân lành bị áp bức, tố cáo cường quyền hành xử bất công, lên án các sai lầm và tội ác của chế độ, góp phần xây dựng một xã hội tự do dân chủ. Thế nhưng tại VN, các tôn giáo đang bị phân hóa và lũng đoạn: có những giáo hội quốc doanh bên cạnh những giáo hội chính truyền và có những thành phần quốc doanh trong lòng một giáo hội. Rất nhiều chức sắc giáo hội trở thành cán bộ tôn giáo và rất nhiều lãnh đạo tinh thần để tinh thần cho CS lãnh đạo.


Im lặng trước, thỏa hiệp với hay bênh vực cho chính quyền; trở thành con chó câm, vật trang trí hay ủng hộ viên của chế độ là điều không thể chối cãi nơi các tôn giáo hiện nay. Tín đồ lẫn phi tín đồ mong mỏi lời bênh vực hay việc hỗ trợ từ cá nhân hay tập thể lãnh đạo, từ một phần hay từ toàn phần giáo hội, rất nhiều phen đã phải thất vọng. Các tôn giáo tại VN hiện nay lẽ ra phải đóng vai trò như các tôn giáo tại Đông Âu thập niên 80-90 của thế kỷ trước.



2- Nguyên nhân sự yếu kém của các quyền lực.

Nguyên nhân chính là đảng CS đang nắm quyền độc tài và toàn trị tại VN. Độc tài là một mình thống lĩnh và toàn trị là quản lý mọi thực thể trong xã hội, từ mọi cá nhân đến mọi tập thể, từ mọi tổ chức đến mọi sinh hoạt, nhất là bảy quyền lực phục vụ quyền người nói trên. Tất cả phải trở thành công cụ cho đảng, phục vụ cho quyền và lợi của đảng, hay đúng hơn cho các nhóm lợi ích trong đảng. Hạnh phúc của nhân dân, tiến bộ của quốc gia, phú cường của đất nước, tồn tại của giống nòi; phát triển của kinh tế, thăng hoa của văn hóa, trong lành của môi trường, thành công của giáo dục đều trở thành bất khả, đều không thể nhờ vào 7 quyền lực phục vụ nói trên, vì như thế có nghĩa là cái đảng vô tôn giáo và vô tổ quốc, vô đối thoại và vô đối lập không thể tồn tại trên ghế quyền lực.



3- Hậu quả thê thảm cho quyền người:

Một khi 7 quyền lực phục vụ quyền người trên kia chỉ còn phục vụ quyền đảng, thì ai ai cũng nhận thấy : Người dân không còn được Quốc hội đại diện và không còn được luật pháp bảo vệ; không còn được bênh vực công lý và quyền lợi trước tòa án, cũng như phải gánh chịu những luật lệ chồng chéo, mâu thuẫn nhau; không còn được hệ thống hành chánh phục vụ trong mọi vấn đề cuộc sống như cư trú, hành nghề, sở hữu, quan hệ; không còn được công an bảo vệ tính mạng và tài sản; không còn được cùng đồng bào sống trong an ninh của đất nước nhờ lực lượng quân đội; không còn được nghe tiếng nói của sự thật hay không còn có thể cất lên tiếng nói của lẽ phải qua báo chí và mọi phương tiện truyền thông; cuối cùng là không còn được tự do diễn tả niềm tin và thực hiện những đòi hỏi của niềm tin qua tôn giáo, qua giáo hội của mình nữa.

Việc mất mọi quyền con người như thế là thực trạng tại Việt Nam hôm nay. Từ đó đi đến chỗ mất quyền dân tộc là chuyện cận kề.

BAN BIÊN TẬP


No comments:

Post a Comment