Pages

Monday, January 31, 2011

NGUYỄN THIÊN THỤ * TÍN HIỆU TRUNG CỘNG






TÍN HIỆU TRUNG CỘNG

I.TÍN HIỆU

Vạn vật không phải câm nín mà có một ngôn ngữ. Rất ít người hiểu được ngôn ngữ này. Có người hiểu đầy đủ ý nghĩa, có người hiểu lờ mờ, có người hiểu sai, giải thích sai như Marx cho rằng vô sản chôn sống tư bản.
Hiện tượng là cái xuất hiện bên ngoài. Lão tử, Hegel và các triết gia đời sau đã nêu lên những cặp phạm trù, trong đó có phạm trù hiện tượng và bản chất. Hiện tượng báo hiệu bản chất xấu tốt. Cổ nhân có câu:
Coi mặt mà bắt hình dung,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

Hiện tượng cũng là cái hiện tại báo hiệu tương lai. Tại sao vậy? Bởi vì quá khứ, hiện tại và tương lai có mối tương quan nhân quả.
Kiến thức khoa học này là do kinh nghiệm tích lũy. Cổ nhân ta có câu:

Thâm đông, hồng tây, dựng may
Ai ơi xin đợi ba ngày hẵng đi.

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.

Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa
Tháng ba mưa đám, tháng tám mưa cơn.
Gió heo may, chẳng mưa dầm thì bão giật.

Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước.
Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

Bệnh hoạn hiện tại là do cách ăn uống, hoạt động và môi trường quá khứ. Nhức đầu, chóng mặt, đau bụng là những triệu chứng báo hiệu bệnh hoạn của cơ thể.

Kinh Dịch Quẻ Thuần Khôn nói : Lý sương kiên băng chí 履霜,堅冰至 ( đi trong sương thì biết tuyết sẽ đến ). Phần Văn ngôn giải thích :
Nhà nào tích lũy điều lành thì tất có thừa phúc ; nhà nào tích lũy điều chẳng lành thì tất có thừa tai vạ . Như việc bề tôi giết vua, con giết cha, nguyên do không ở trong một buổi sớm chiều; tất dần dà có từ lâu rồi, mà người ta không biết lo toan từ sớm vậy (tích thiện chí gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương: Thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triều nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ. Do biện chi bất tảo biện dã).

Chính trị, giáo dục có hệ quả lâu dài. Quản trọng (730 – 645 TCN) nói:
"Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã
Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã"
Tạm dịch:

"Kế một năm, chi bằng trồng lúa
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
Kế trọn đời, chi bằng trồng nguời.
Trồng một, gặt một, ấy là lúa
Trồng một, gặt mười, ấy là cây
Trồng một, gặt trăm, ấy là người"

Những đường lối giáo dục và chính trị sai lầm của cộng sản thì tác hại lâu dài khó mà sửa chữa nhanh chóng được. Chế độ cộng sản khởi đầu với Stalin và Mao tàn ác và nghèo khổ, tham nhũng, bất công thì sớm muộn sẽ bị dân chúng vùng lên đạp đổ.

Phải nhìn quá khứ để biết hiện tại, phải nhìn hiện tại để biết tương lai. Biết để tránh tai họa hoặc biết để sửa chữa những sai lầm. Nếu không sửa chữa thì bị sụp đổ hoặc bị tiêu diệt.Lão Tử khuyên
Vi chi ư vị hữu, trị chi ư vị loạn 爲之於未有, 治之於未亂( Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình).(ch.64)
Có hai cách tránh tai họa. Một là thay đổi chính sách cho hợp lòng dân và sự phát triển của đất nước. Hai là đàn áp, nhưng đàn áp cũng là cách làm cho dân chúng nổi loạn, đưa đến sụp đổ hoàn toàn.

II. QUY LUẬT BIẾN DỊCH

Vũ trụ và con người là vô thường, là biến dịch. Con người khám phá vũ trụ và đi tìm chân lý không ngừng vì mỗi ngày chúng ta chỉ tìm thấy được một phần vũ trụ, một phần chân lý.Ta tạm cho rằng có hai loại khoa học là khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Khoa học tự nhiên thì chính xác còn khoa học nhân văn thì thuộc khoa học không chính xác.

Marx khoe rằng lý thuyết của ông là khoa học. Điều này hoàn toàn sai vì khoa học phải được thí nghiệm, ứng dụng, và khách quan và có giá trị vượt thời gian và không gian. Các chính sách công hữu hóa, tịch thu tư liệu sản xuất của tư sản, lao động cưỡng bách, phá bỏ văn hóa truyền thống chưa được đưa ra thí nghiệm mà đã áp dụng. Và kết quả là bi thương. Như thế chủ thuyết Marx chỉ là những không tưởng, những ý tưởng điên rồ đáng lý phải đưa ông vào viện tâm thần. Thế mà hàng triệu người hoan hô, trong đó có những triết gia lừng danh thế giới!

Khoa học thì phải thống nhất. "Một cộng một là hai"," Nước một trăm độ thì sôi" là những chân lý, những định luật khoa học có giá trị vượt không gian và thời gian. Ở Nga, Algerie, Iran hay Trung Quốc, các ông Archimede, Marx, Leon Tolstoy, Stalin, Lỗ Tấn.. . đều phải chấp nhận, không thể nói khác. Thế nhưng thuyết của Marx lại được các đệ tử của ông gạt bỏ những điều quan trọng. Marx bảo thế giới loài người phải tiến theo 5 giai đoạn: cộng sản nguyên thủy, bộ lạc, phong kiến, tư bản rồi cộng sản. Lenin lại bảo rằng có thể bỏ qua giai đọan phát triển tư bản chủ nghĩa mà tiến thẳng lên cộng sản chủ nghĩa. Marx bảo giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến , Mao thì nói giai cấp công nông là giai cấp lãnh đạo, và sau Giang Trạch Trạch Dân thì cho công nông thương là ba thành phần cốt cán của đảng cộng sản...

Marx còn bảo chủ nghĩa cộng sản là tất yếu. Nhưng trong xã hội hiện nay nhiều xã hội không phát triển theo năm hình thái của Marx. Chủ nghĩa Marx là tất yếu thì khi có điều kiện cần và đủ, nước sẽ sôi, đóng thành băng hay thành chất lỏng không cần cầu khẩn, đọc thần chú hay hoan hô đả đả đảo. Nếu cộng sản chủ nghĩa là tất yếu thì tự tư bản sẽ đầu hàng, sẽ giải tán, không cần đấu tranh giai cấp, không cần vô sản chuyên chính.. .

Theo Hegel, Marx nêu lên Duy vật biện chứng pháp, cho rằng vật chất luôn vận động, cuộc sống và xã hội ở trong một trạng thái chuyển động và thay đổi liên miên. Và trong quy luật phủ định của phủ định, Marx còn bảo rằng xã hội tiến lên theo con đường thẳng hoặc trôn ốc, cái sau thay thế cái trước, cái sau tốt đẹp hơn cái trước . Thế mà trong triết lý Marx, Marx cho rằng chủ nghĩa Marx là đỉnh cao của nhân loại, sau đó không còn hình thái xã hội nào khác, nghĩa là vật chất, xã hội, thế giới hết vận động! Như vậy là Marx tự mâu thuẫn. Thực tế thì cho thấy chủ nghĩa tư bản tồn tại trong khi chủ nghĩa Marx bị suy sụp, ngay tại Trung Quốc, Việt Nam, chủ nghĩa Marx chỉ còn là hình thức.

Chủ nghĩa Marx sai lầm cho nên Gorbachev đã giải tán đảng cộng sản, Đông Âu và Liên Xô sụp đổ và Đặng Tiểu Bình phải trở lại con đường tư bản chủ nghĩa.Những điều đó cho thấy Marx sai lầm mà hàng triệu người hoan hô, hy sinh tính mạng cho lũ yêu tinh, trong đó có những triết gia và trí thức lừng danh thế giới không nhiều thì ít đã theo Marx hoặc có cảm tình với cộng sản như Louis Althusser, Merleau-Ponty, Jean Hyppolite, Jean Paul Sartre, B. Rusell và trong đó có cả ông triết gia Trần Đức Thảo, và nhà đại trí thức Nguyễn Mạnh Tường đáng thương của Việt Nam chúng ta!

Nếu Marx đừng hung hăng chỉ trích người khác, đòi lật đổ văn hóa truyền thống, đừng cho rằng triết thuyết của ông là khoa học, chủ nghĩa Marx là tất yếu và đừng khởi xướng cuộc tàn sát nhân danh công bằng xã hội và quyền lợi vô sản thì chúng ta không có gì phải bàn cãi. Chúng ta sẽ coi Marx và bọn theo Marx chỉ là những nhà chính trị, bọn khởi loạn như trăm ngàn đám khác trong lịch sử.

III.LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG

Chủ nghĩa Marx không có tính khoa học, chế độ cộng sản không là tất yếu. Vũ trụ là vô thường, là biến dịch cho nên Trung Quốc cũng không thoát khỏi quy luật này, nghĩa là chính quyền cộng sản không thể tồn tại mãi. Chủ nghĩa cộng sản tại Trung Cộng không những bị nhân dân khai tử và trào lưu thế giới tấn công mà còn bị chính người cộng sản Trung Quốc chỉ trích và chống đối.

1. TRẦN ĐỘC TÚ (1879 - 1942)


Người đầu tiên lập đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 1921 là Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu. Bên cạnh hai ông này còn có chân tay của đệ tam quốc tế giám sát là Maring (tức Henk Sneevliet, người Hà Lan) và Nikolsky (người Nga). Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu tuy là người cộng sản vẫn có tinh thần dân tộc độc lập, không muốn làm nô lệ cho đệ tam quốc tế, theo lệnh của Stalin. Cùng trong lúc này, Trotsky (1879-1940) chống Stalin độc tài, và Trần Độc Tú cùng Lý Đại Chiêu theo Trotsky. chống Stalin và đệ tam quốc tế. Stalin mưu truất phế Trần Độc Tú lập Mao Trạch Đông do vậy Mao Trạch Đông tôn thờ Stalin và triệt hạ phe Trần Độc Tú.


2. MAO TRẠCH ĐÔNG (1893-1976)

Tuy xưng là đệ tử Marx, Mao đã phản lại Marx khi Mao chủ trương công nông liên hiệp, và nhất trí với Lenin là "tiến lên XHCN bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa".
Theo đưởng lối Lenin và Stalin, Mao cấm tư hữu, lập chế độ cộng sản, phát triển các nông trường, công trường và hợp tác xã, bắt nhân dân phải làm nô lệ cho đảng cộng sản. Cũng như Lenin, Stalin, Mao không phải là một nhà kinh tế mà lại hoang tưởng khởi xướng các chính sách kinh tế vĩ đại như "Đại nhẩy vọt" vào thời kỳ cuối những năm 50 của thế kỷ XX nhấn mạnh biện pháp sản xuất quy mô , sản xuất thủ công, nhưng cuối cùng bị thất bại và phải hủy bỏ. Sinh viên , dân chúng biểu tình khắp nơi, các lãnh tụ cao cấp như Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình cũng lên tiếng phản đối, và Mao mất quyền bính. Mao bèn đưa ra chiến dịch "Đại Cách mạng văn hóa vô sản" vào những năm 60 của thế kỷ XX để trừ khử những kẻ chống đối và tiêu diệt tinh thần phản kháng trong nhân dân.

3. ĐẶNG TIỂU BÌNH (1904-1997)
Năm 1926, Đặng Tiểu Bình rời Paris sang Nga học Trường Đại học Phương Đông mang tên Tôn Trung Sơn. Ông cùng học với Tưởng Kinh Quốc. Ông làm ủy viên chính trị trong quân đoàn của Phùng Ngọc Tường, tham gia Bắc phạt. Sau khi bị Phùng Ngọc Tường cho giải ngũ, ông đi Tây An rồi Hán Khẩu, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Tháng 7 năm 1952, ông được cử làm Phó Tổng lí (Phó Thủ tướng) Chính vụ viện (sau đổi là Quốc vụ viện), kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-kinh tế. Năm 1956, ông vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị, làm Tổng Bí thư nhưng chỉ là nhân vật đứng cuối cùng (thứ 6) trong Ban Thường vụ, sau Mao Trạch Đông (Chủ tịch Đảng), Lưu Thiếu Kì, Chu Ân Lai, Chu Đức và Trần Vân (đều là Phó Chủ tịch Đảng).

Năm 1966, trong Cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình bị phê phán nặng nề là "tên số hai trong Đảng đi theo chủ nghĩa tư bản", rồi bị cách tuột hết mọi chức vụ. Ngày 20 tháng 3 năm 1973, ông rời Giang Tây, quay trở lại Trung Nam Hải (Bắc Kinh), sau khi được phục hồi công tác. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi Phó Chủ tịch Đảng. Về mặt chính quyền, ông trở lại cương vị Phó Thủ tướng, rồi Phó Thủ tướng thứ nhất. Khi Chu Ân Lai lâm bệnh nặng, ông chủ trì công việc của Quốc vụ viện. Năm 1976, sau khi Chu Ân Lai mất, thế lực chống đối viện cớ ông có tư tưởng phản cách mạng và tác động đến Mao Trạch Đông, vì vậy ông lại bị Mao Trạch Đông cách hết các chức vụ, chỉ còn danh hiệu đảng viên và hộ khẩu Bắc Kinh.

Sau khi nhóm người được gọi là "bè lũ bốn tên" bị lật đổ, Đặng Tiểu Bình được khôi phục tất cả các chức vụ: Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng. Từ đây, ông bắt đầu đưa Trung Quốc bước vào kỉ nguyên mới.

Sau khi trở lại chính trường, năm 1978 , Đặng Tiểu Bình tung ra chương trình ‘Bốn hiện đại hóa’ và lại để cho dân dán ‘Đại tự báo’ nhưng lần này là để tố cáo những đau khổ do Cách mạng Văn hóa gây ra.

Đặng Tiểu Bình đã mạnh dạn đạp đổ chính sách quốc hữu hóa, dẹp bỏ các HTX, công trường và nông trường tập thể, và mở của buôn bán với tư bản. Đó là những chính sách kinh tế hoàn toàn khác với Marx, Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông. Ngoài ra, ông còn thực hiện nhiều chính sách như chính sách nghỉ hưu, không ngồi mãi cho đến chết như trong chế độ của Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông.

Tuy ông có can đảm chống đối Marx, Mao thực hiện cải cách kinh tế, ông vẫn giữ nguyên chính trị, quân sự và đảng cộng sản. Ông đã phạm hai tội ác là tàn sát sinh viên tại Thiên An môn và đem quân đánh phá các tỉnh miền bắc Việt Nam.

4. TRIỆU TỬ DƯƠNG (1917-2005)

Cùng với Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương có ý hướng chống Mao để cải cách. Từ năm 1951, ông đã đưa ra nhiều biện pháp cải cách và thành công . Năm 1965, ông trở thành bí thư đảng uỷ Quảng Đông, giải tán HTX, cho nông dân làm chủ ruộng đất trong khi vẫn quy định các hợp đồng sản xuất tới từng hộ cá thể. Ông ủng hộ các cuộc cải cách của Lưu Thiếu Kỳ, rồi bị cách chức năm 1967, và bị cưỡng bách lao động. Ông trở lại Quảng Đông năm 1972, và được Chu Ân Lai khôi phục tư cách chính trị năm 1973, vào Uỷ ban Trung ương, và được cử tới tỉnh Tứ Xuyên, là tỉnh lớn nhất nước làm bí thư thứ nhất tỉnh này năm 1975.

Về mặt kinh tế, Triệu Tử Dương đưa ra những cải cách nông nghiệp một cách căn bản và theo định hướng thị trường với nhiều thành công, dẫn tới tăng trưởng sản xuất công nghiệp tới 81% và sản lượng nông nghiệp 25% trong vòng 3 năm. Đặng Tiểu Bình coi "Kinh nghiệm Tứ Xuyên" là mô hình cho Cải cách kinh tế Trung Quốc và Triệu Tử Dương được bầu làm thành viên dự khuyết Bộ chính trị năm 1977 và trở thành thành viên đầy đủ năm 1979. Ông gia nhập Ban Thường vụ Bộ chính trị năm 1982. Về Tứ Xuyên, ông bị thủ hạ của bè lũ bốn tên mưu sát nhưng thoát chết.
Sau 6 tháng làm Phó thủ tướng, Triệu Tử Dương được chỉ định làm Thủ tướng năm 1980 thay thế Hoa Quốc Phong, được chỉ định làm người kế tục của Mao, người khi ấy đang dần bị Đặng Tiểu Bình hất cẳng.

Ông đã đưa ra "lý thuyết giai đoạn đầu tiên," một tiến trình biến đổi hệ thống xã hội chủ nghĩa đặt ra nền tảng giai đoạn cho hầu hết các cải cách kinh tế sau này ở Trung Quốc. Với tư cách Thủ tướng, ông đã áp dụng nhiều chính sách từng mang lại thành công ở Tứ Xuyên, gồm cả việc trao quyền tự quản hạn chế cho các doanh nghiệp công nghiệp và tăng quyền tự quyết trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Triệu Tử Dương khuyến khích các tỉnh ven biển phát triển trở thành những vùng kinh tế đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài và tạo ra các cổng xuất khẩu.

Chính sách này đã mang lại tăng trưởng mạnh mẽ trong cả sản lượng nông nghiệp và công nghiệp trong suốt thập niên 1980, nhưng cải cách kinh tế của ông cũng bị chỉ trích vì dẫn tới lạm phát.

Ông tin rằng tăng trưởng kinh tế kết nối trực tiếp với dân chủ hóa. Ngay từ năm 1986, Triệu Tử Dương là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Trung Quốc kêu gọi thay đổi, bằng cách đưa ra các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử từ cấp xã cho tới Uỷ ban Trung ương.

Tháng 1 năm 1987, Đặng Tiểu Bình buộc nhà lãnh đạo phe cải cách Hồ Diệu Bang từ chức vì quá khoan dung với các sinh viên phản kháng; Triệu Tử Dương lên thay thế ông làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ghế Thủ tướng được nhường lại cho Lý Bằng. Điều này khiến ông trở thành ứng cử viên sẽ thay thế Đặng trở thành nhà lãnh đạo tối cao. Trong khi Tổng bí thư Triệu Tử Dương nới lỏng kiểm soát chính phủ trong lĩnh vực công nghiệp và tạo lập các vùng tự do kinh doanh ở các tỉnh ven biển,

Ông không tự cao và khoác lác như Lenin và Mao, trong Đại hội Đảng năm 1987 Triệu Tử Dương tuyên bố Trung Quốc đang ở trong "một giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội" có thể kéo dài 100 năm.
Ông có những chủ trương táo bạo:
- Tách biệt các vai trò của Đảng và Nhà nước,
-Nới rộng về tự do ngôn luận và tự do báo chí
-giảm kiểm soát nhà nước với các doanh nghiệp và tăng cường sở hữu tư nhân qua cổ phần hóa.
Đó là những việc tối kị của cộng sản.Nửa sau năm 1988 môi trường chính trị của Triệu Tử Dương dần giảm sút vì bị bọn bảo thủ và tham nhũng phản kháng.
Cái chết của Hồ Diệu Bang ngày 15 tháng 4 năm 1989, cộng với khó khăn kinh tế gia tăng do lạm phát, là cơ sở nảy sinh sự phản kháng trên diện rộng năm 1989 của sinh viên, trí thức, và các thành phần dân cư đô thị bất mãn khác biến thành vụ Thiên An môn. Phe bảo thủ kết tội ông.

Tối ngày 18 tháng 5, Triệu Tử Dương được triệu tới nhà của Đặng và một cuộc nhóm họp vội vàng của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã kêu gọi áp đặt thiết quân luật .Trong cuộc tranh giành quyền lực sau đó, Triệu Tử Dương bị tước mọi chức vụ, bị quản thúc tại gia và Đặng đưa Giang Trạch Dân làm Tổng bí thư Đảng.

So với Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương tiến bộ hơn nhiều. Đặng Tiểu Bình chỉ chú trọng đổi mới kinh tế trong khi Triệu Tử Dương vừa cải cách kinh tế và chính triị, xã hội. Vì vậy mà ông bị Đặng Tiểu Bình và phe bảo thủ giam cầm.

5. LƯU Á CHÂU

Ông sinh năm 1952 là một trung tướng không quân, một nhà văn, có gốc rễ lớn, bố vợ là chủ tịch Lý Tiên Niệm. Ông đã trình bày tư tưởng của ông vào ngày 11/9/2002 trước các cán bộ quân đội cấp tiểu đoàn trở lên tại căn cứ không quân Côn Minh, Vân Nam., được đăng trên báo Phoenix (Phượng hoàng), tiếng Anh, xuất bản ở Hồng Kông sáng 12-8 -2010. Nội dung gồm những điểm chính:
1. Vấn đề nội trị của Trung Quốc: lựa chọn mô hình và kết cấu bộ máy chính trị Trung Quốc…
Chế độ chính trị của cộng sản không được lòng dân, không được tự do dân chủ:Nếu một thể chế không cho người dân được hít thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo, nếu hệ thống ấy không lựa chọn được những người tốt nhất làm đại diện cho chế độ và nhân dân để đưa vào các vị trí lãnh đạo, hệ thống ấy tất yếu phải diệt vong ... Dân chủ là điều cấp thiết nhất; không có dân chủ không thể có sự trỗi dậy bền vững .… … Dân chủ là điều cấp thiết nhất; không có dân chủ không thể có sự trỗi dậy bền vững; -Trong 10 năm tới, ở Trung quốc, một sự chuyển đổi từ chính trị của vũ lực, chính trị của cường quyền sang dân chủ là điều không thể tránh khỏi…

2/ So sánh Trung Quốc và Mỹ
Ông bênh vực Mỹ, ca tụng Mỹ: Mỹ dân chủ, Mỹ không xâm lược nước nào, chiến tranh chẳng qua là vì chiến thuật:

Điểm thứ nhất, không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị, phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có cương vị, có cương vị thì không có đầu óc.

Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế.

Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai anh sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược... … Liên Xô sụp đổ là vì cải cách chính trị tiến hành quá muộn, chứ không phải vì cải cách chính trị quá mức…
Nhiều bình luận gia cho rằng Lưu Á Châu là cọp giả nai.

6. ÔN GIA BẢO

Ông sinh năm 1942, là Thủ tướng thứ sáu, người đứng đầu Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và hiện ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm 14 tháng 3 vào lúc kết thúc phiên họp thường niên của Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đọc hai câu thơ “diệc dư tâm chi sở hướng hề, tuy cửu tử kì vưu vị hối” trong tập thơ Ly Tao của thi hào Khuất Nguyên, đại ý nói rằng vì tâm nguyện phục vụ đồng bào mà phải chết đi 9 lần thì cũng cam lòng. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nói thêm rằng ông dùng hai câu thơ này để nói lên chí khí của mình và hứa sẽ cố gắng hết sức để làm tốt công tác trong 3 năm tới đây, trước khi ông về hưu. Ông Ôn Gia Bảo nói thêm như sau:

"Công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc chẳng phải chỉ giới hạn trong sự phát đạt của kinh tế mà còn bao gồm công bằng công lý xã hội và sức mạnh của đạo đức. Trong vài năm còn lại trong chức vụ này tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện những điều này. Tôi tin rằng những nhà lãnh đạo sau này cũng sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này."


Các nhà quan sát cho rằng những lời lẽ khảng khái của ông Ôn Gia Bảo nêu bật những sức cản mà nhà lãnh đạo được dân chúng mến mộ này đang gặp phải trong việc thực thi các chính sách có lợi cho dân nghèo, thường được gọi là chính sách thân dân.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 14 tháng 3, ông Ôn Gia Bảo lại một lần nữa kêu gọi thực thi công bằng xã hội và cho rằng lạm phát, tham ô, và chênh lệch giàu nghèo đanh ảnh hưởng tới ổn định xã hội, thậm chí còn có thể gây bất ổn cho quyền lực của nhà nước.

Tuy nói tự do, dân chủ, bình đẳng xã hội, Ôn Gia Bảo vẫn không hành động gì, có lẽ chỉ là nói suông. Ông cũng như Lưu Á Châu có nhiều mặt bí hiểm.


Nói chung, Mao không trung thành với Marx, và những người lãnh đạo đảng về sau một số không nhiều thì it muốn chống lại Mao và mong muốn cải cách.

IV. HIỆN TRẠNG XÃ HỘI TRUNG QUỐC

Thời Mao, kinh tế Trung Quốc thấp kém vì chính sách kinh tế chỉ huy của Mao. Sau Mao, kinh tế thay đổi, nhưng xã hội phân hóa trầm trọng. Giai cấp mới nắm toàn bộ kinh tế, độc tài tham nhũng, liên kết với tư bản ngoại quốc để bóc lột nhân dân. Công nhân thành phố thì khá nhưng nông dân lên thành phố làm công nhân thi khốn khổ trăm bề.

Kinh tế Trung Quốc phát triển quá nhanh, nên phát triển không đồng bộ. Hai yếu tố xây dựng nền kinh tế Trung Quốc là đầu tư ngoại quốc và công nhơn rẻ.Nhơn công rẻ nhưng là nhơn công hạng hai. Họ nhận thức rằng họ bị bóc lột, và giới công nhơn đang bị bỏ quên. Và ngày nay bắt đầu một cuộc đấu tranh giai cấp.

Nông dân và công nhân làm lụng mệt nhọc mà không đủ ăn. Một số thanh niên đã tự tử vì phải làm quá nhiều , tinh thần khủng hoảng. Nông dân và dân chúng bị cướp nhà cửa đất đai y hệt như ở Việt Nam. Phong trào đình công đang đấu tranh đòi tăng lương ở Trung quốc bắt đầu từ những nhà máy sản xuất của kỹ nghệ Xe hơi.

Đây là khu vực kinh tế đang tăng trưởng rất mạnh, lợi nhuận nhiều và các công nhơn nắm rõ vai trò của mình, hiểu được sai biệt đồng lương giữa giai cấp công nhơn và giai cấp chủ nhơn” nhận định phân tích của một blogger trên mạng Sohu. Năm 2009 vừa qua, thị trường xe hơi Trung Hoa Cộng sản đã chiếm được vai trò số 1 của thị trường xe hơi thế giới, qua mặt Mỹ, với 13,5 triệu chiếc xe bán. Ngay từ đầu năm 2010, con số nầy được tăng, nhảy vọt: gần 72 % cho quý 1, đối chiếu với cùng thời điểm nầy năm trước.

Các thương hiệu Nhựt Bổn dẫn đầu. Toyota đang đầu tư thêm 475 triệu dollars vào nhà máy lắp ráp sản xuất mới ở Nansha để vượt từ 3,5 % lên 10 % thị trường xe ở Trung Quốc, sẽ qua mặt General Motors hiện đang đứng hàng số 1. Nhưng cuộc chạy đua cạnh tranh nầy đang được thực hiện với một sự kiểm soát gắt gao giá thành sản xuất.

Khoảng năm 200o, các phong trào đình công đòi tăng lương bắt đầu phát xuất từ những nhà máy các khu kỹ nghệ miền Nam Trung Quốc, Shenzhen, Zhongshan, Foshan,Nansha và ngay cả Canton, đang lan rộng đến miền Bắc. Nay đã đến Tianjin. Đây là một phong trào tự phát hoàn toàn độc lập không do Công đoàn Nhà nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo.

Các công nhân nay đã đình công . Năm 2010, 1300 công nhơn hãng Toyota được tăng lương 15%. Dĩ nhiên không được 20% như đòi hỏi nhưng cũng đã là một thành công lớn rồi. Từ nay công nhơn của Toyota Tianjian sẽ có số lương xấp xỉ 200 dollars US mỗi tháng. Thật là một sự tiến bộ vượt bực, 6 dollars mỗi ngày. Mới ngày nào đây họ chỉ được trả chưa đầy 2 dollars/ngày, bằng chỉ số nghèo do thống kê thế giới định nghĩa (Công nhơn Việt Nam còn tệ hơn nữa ngày nay, giữa năm 2010 vẫn còn ở mức trên dưới 2 dollars một ngày).

Và đình công thương thuyết ở Toyota Gosei, Tianjian vừa xong, thì 1100 công nhơn của Toyota Denso, ở Nansha, ở cách 2 000 cây số ở phía Nam, nằm giữa HongKong và Canton cũng bãi khóa, đình công và đòi tăng lương. Và Hãng Toyota Motor ở Canton sản xuất 360 000 xe hằng năm tê liệt không hoạt động được vì thiếu hàng để lắp ráp. Mặc dù ngay những ngày đầu của cuộc đình công, các báo chí thông tin được lệnh không nói một tiếng, không đăng một bài. Kiểm duyệt toàn bộ. Cớ sao phong trào đình công được phổ biến lan rộng như vậy. Ấy là do “Mạng Internet và điện thoại di động”. Thời đại thông tin đã phá vỡ hệ thống bưng bít của Đảng Cộng sản.

Vào ngày 1 tháng giêng năm 2008, nhận thấy tình hình công nhơn bắt đầu căng thẳng, nhà cầm quyền Trung Cộng ra một đạo Luật Lao động buộc các nhà đầu tư ngoại quốc phải trả thêm 30% lương bổng gồm cả bảo hiểm sức khỏe và quỹ hưu trí. Thật là một tiến bộ lớn lao! Nhưng than ôi, Nhà cầm quyền Beijing gặp ngay sự phản kháng cúa các nhà đầu tư, và bắt đầu ngay 6 tháng sau, viện cớ có khủng hoảng kinh tế, các xí nghiệp ngoại quốc bắt đầu đuổi công nhơn, thậm chí khai phá sản đóng cửa và sau đó mở lại với một thương hiệu khác và mướn người rẻ hơn. Mùa thu cùng năm luật ấy bị bãi bỏ.Và cũng vì công nhân đình công liên tiếp, từ tháng 6-2010, các hãng ngoại quốc đã rút khỏi Trung Quốc mà sang Việt Nam.

Tại Trung Quốc và Việt Nam, giai cấp thống trị nắm toàn bộ kinh tế và lợi lộc khác, chúng bóc lột và ăn cắp tài sản nhà nước và tài sản nhân dân, trong khi dân chúng ngày càng nghèo khổ. Khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội TQ cũng ngày một gia tăng, tình trạng này giống các nước Châu Mỹ La Tinh, một trong những khu vực có mức chênh lệch giàu-nghèo cao nhất thế giới. Thực trạng có thể còn tồi tệ hơn các con số cho biết. Wang Xiaolu, phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia thuộc Sáng hội Cải tổ TQ, ước tính rằng mỗi năm có khoảng 1.300 tỉ đôla tiền thu nhập – tương đương 30% GDP của TQ – không được khai báo.

Trên 60% tiền thu nhập trốn thuế là của bộ phận giàu có nhất nước, tức 10% dân số TQ, đa số là đảng viên ĐCSTQ và thân nhân của họ. Việc sử dụng quyền lực chính trị để làm giàu quá đáng đã gây nhiều phẫn nộ trong dân chúng, và những người giàu có rất biết điều đó. Vì vậy hiện nay giới đại gia TQ phải sử dụng trên hai triệu người cận vệ, và nền công nghiệp an ninh tư nhân (private security industry) đã lớn mạnh ngành kinh doanh trị giá 1.200 tỉ đôla kể từ ngày nó được thành hình năm 2002.


V. NHÂN DÂN TRUNG QUỐC TRANH ĐẤU

1. Công nông

Chế độ cộng sản tàn ác cho nên nhân dân đã vùng lên chống đối. Từ khi Mao còn tại vị, nhân dân Trung Quốc đã nổi lên khắp nơi.
Trong khi hệ thống chính trị TQ tiếp tục đẻ ra nhiều lạm quyền, thì một xã hội giàu có hơn, đầy đủ khả năng hơn luôn luôn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (VKHXHTQ) ước tính rằng con số vụ bất ổn xã hội đã gia tăng từ 40.000 năm 2001 lên trên 90.000 vụ vào năm 2009. Thông tin của VKHXHTQ cho biết rằng những biến động này ngày càng lớn hơn, bạo động hơn, có khả năng tràn lan từ tỉnh này sang tỉnh khác hơn, các thành phần tham dự và các vấn đề tranh chấp-khiếu kiện trở nên đa dạng hơn.

2. Luật sư

Kể từ năm 2001, TQ đã tăng cường việc cải tổ hệ thống pháp luật, cải thiện luật thương mại, luật bảo vệ quyền tư hữu, luật bảo vệ quyền công dân, và tính chuyên nghiệp trong hệ thống toà án. Mỗi năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp trường luật; TQ hiện có 170.000 luật sư, hơn 13.000 văn phòng luật sư, hàng ngàn giáo sư luật khoa, và hàng chục ngàn nhân viên pháp lý. Nhiều người trong giới này ủng hộ một phong trào ngày càng lớn mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi công dân ( vệ quyền).

Trên cơ sở những quy định về dân quyền trong Hiến pháp, các luật sư Vệ Quyền đứng ra bảo vệ người dân chống nạn lạm quyền, một vấn nạn đang ngày càng trở nên trầm trọng. Năm 2009, chính nhà cầm quyền Trung Quốc cũng thừa nhận : Những vụ vòi vĩnh tiền bạc đã làm dấy lên 100 000 kháng nghị tập thể và đã có 12 triệu đơn khiếu nại được gửi cho chính quyền trung ương liên quan đến những tiêu cực của quan chức địa phương. Những năm 2000, Cao Trí Thịnh đã tham gia tích cực trong việc bảo vệ dân quyền.

Có những người dân oan vượt hàng ngàn cây số đến cầu cứu ông, bởi khi đó ông nổi tiếng nhờ đã nhiều lần thắng kiện chống lại các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, người dân tin tưởng ông vì họ biết rằng ông dành 1/3 thời gian làm việc của mình cho các hồ sơ " vì dân", và sẵn sàng đứng ra biện hộ miễn phí. Một người bạn của ông là Đằng Bưu cho biết : " Anh Cao nhận rất nhiều vụ kiện mà không hề sợ làm mất lòng chính quyền". Sự tận tụy của ông trong việc bảo vệ lợi ích người dân đã được bộ Tư Pháp Trung Quốc xếp vào nhóm " 10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc" vào năm ông 34 tuổi.

Trên cơ sở những quy định về dân quyền trong Hiến pháp, các luật sư Vệ Quyền đứng ra bảo vệ người dân chống nạn lạm quyền, một vấn nạn đang ngày càng trở nên trầm trọng. Năm 2009, chính nhà cầm quyền Trung Quốc cũng thừa nhận : Những vụ vòi vĩnh tiền bạc đã làm dấy lên 100 000 kháng nghị tập thể và đã có 12 triệu đơn khiếu nại được gửi cho chính quyền trung ương liên quan đến những tiêu cực của quan chức địa phương. Những năm 2000, Cao Trí Thịnh đã tham gia tích cực trong việc bảo vệ dân quyền.

Có những người dân oan vượt hàng ngàn cây số đến cầu cứu ông, bởi khi đó ông nổi tiếng nhờ đã nhiều lần thắng kiện chống lại các cơ quan nhà nước. Hơn nữa, người dân tin tưởng ông vì họ biết rằng ông dành 1/3 thời gian làm việc của mình cho các hồ sơ " vì dân", và sẵn sàng đứng ra biện hộ miễn phí. Một người bạn của ông là Đằng Bưu cho biết : " Anh Cao nhận rất nhiều vụ kiện mà không hề sợ làm mất lòng chính quyền". Sự tận tụy của ông trong việc bảo vệ lợi ích người dân đã được bộ Tư Pháp Trung Quốc xếp vào nhóm " 10 luật sư giỏi nhất Trung Quốc" vào năm ông 34 tuổi.

3. Sinh viên

Từ thời Mao Trạch Đông trị vì, sinh viên biểu tình khắp nơi. Trong thời Đặng Tiểu Bình, sinh viên cũng đã nổi lên. Những cuộc phản kháng ban đầu chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ, ngày 16 tháng 4 và 17 tháng 4, dưới hình thức lễ tang dành cho Hồ Diệu Bang và những yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc phải sửa đổi các quan điểm chính thức của họ về ông. Ngày 18 tháng 4, 10.000 sinh viên tiến hành một cuộc biểu tình ngồi tại Quảng trường Thiên An Môn, phía trước Đại lễ đường Nhân dân.

Cùng trong buổi chiều ngày hôm đó, vài ngàn sinh viên tụ tập trước Trung Nam Hải, trụ sở chính phủ, yêu cầu gặp mặt các lãnh đạo chính phủ. Họ đã bị lực lượng an ninh giải tán. Trong đêm ngày 21 tháng 4, ngày trước lễ tang Hồ Diệu Bang, khoảng 100.000 sinh viên đã tuần hành trên Quảng trường Thiên An Môn và tụ tập ở đó trước khi nơi này bị đóng cửa chuẩn bị cho lễ tang. Cùng ngày hôm ấy, những cuộc phản kháng diễn ra tại Tây An (Thiểm Tây) và Trường Sa (Hồ Nam).
Cuộc biểu tình tiến đến đòi hỏi chống tham nhũng và mở rộng cải cách vì họ cho rằng việc laz2m của Đặng Tiểu Bình chưa đủ.

Không giống những cuộc phản kháng trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1987, gồm chủ yếu sinh viên và giới trí thức, các cuộc phản kháng năm 1989 có được sự hỗ trợ to lớn từ giới công nhân thành thị, những người đang lo lắng trước tình trạng lạm phát và tham nhũng ngày càng gia tăng. Tại Bắc Kinh, họ được rất nhiều người ủng hộ. Họ cũng được ủng hộ tại các thành phố lớn ở khắp Trung Quốc Đại lục như Ô Lỗ Mộc Tề, Thượng Hải và Trùng Khánh; và sau này là ở Hương Cảng, Đài Loan và các cộng đồng Hoa kiều ở Bắc Mỹ và châu Âu.Ngày 4 tháng 5, xấp xỉ 100.000 sinh viên và công nhân tuần hành ở Bắc Kinh yêu cầu cải cách tự do báo chí và một cuộc đối thoại chính thức giữa chính quyền và các đại biểu do sinh viên bầu ra.

Ngày 19 tháng 5 lúc 4 giờ 50 phút sáng, Tổng thư ký Triệu Tử Dương tới quảng trường và đọc một bài diễn văn hối thúc sinh viên chấm dứt cuộc tuyệt thực. Một phần bài diễn văn của ông đã trở thành câu trích dẫn nổi tiếng, khi ông nói, ám chỉ tới thế hệ người lớn tuổi Trung Quốc, "Chúng tôi đã già, nó không còn là vấn đề với chúng tôi nữa." Trái lại, sinh viên còn trẻ và ông hối thúc họ giữ sức khoẻ và không tự hy sinh mình quá dễ dàng như vậy. Chuyến thăm của Triệu Tử Dương tới quảng trường là lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của ông.
Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình là chủ tịch Uỷ ban Quân sự Trung ương, và Dương Thượng Côn là chủ tịch nước ra lệnh đàn áp.
Thống kê và ước tính từ nhiều nguồn và nhóm khác nhau cho thấy khoảng 5 ngàn đến 10 ngàn chết, 30 ngàn bị thương.

4. Pháp Luân công

Pháp Luân Công 法輪功 , hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một hệ thống "tu dưỡng cơ thể và tinh thần" được ông Lý Hồng Chí giới thiệu cho công chúng năm 1992. Pháp Luân Đại pháp có 5 bài tập khí công nhẹ nhàng (bốn bài động công tư thế đứng và một bài tĩnh công toạ thiền). Các bài học Pháp Luân Công được viết trong quyển sách chính yếu, Chuyển Pháp Luân, và hướng dẫn thực hành trong cuốn Đại Viên Mãn Pháp.

Pháp Luân Công được thế giới chú ý kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999 khi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bắt đầu đàn áp trên toàn quốc môn phái này (ngoại trừ ở Ma Cao và Hương Cảng). Cho đến nay có hơn 100.000 người thực tập Pháp Luân Công bị bắt nhốt vào các trại học tập cải tạo, trại cưỡng bức lao động, bệnh viện tâm thần, bị tra tấn dã man và có 3.163 trường hợp chết vì tra tấn được ghi nhận và chứng minh, phỏng đoán có hơn 7.000 người đã bị hành hạ đến chết.

Chỉ cần bị nghi ngờ là thành viên Pháp Luân Công là đã có thể bị bắt giam 3 năm trong các trại lao động mà không cần xét xử. Ngoài ra Trung Cộng còn đem bán nội tạng các tù nhân Pháp Luân công để lấy tiền. Pháp luân công là pháp môn thiền, không có ý bạo động chống nhà nước cộng sản, nhưng vì cộng sản độc tài, không muốn bất cứ phe nhóm, tổ chức nào lớn mạnh bằng hay mạnh hơn đảng cộng sản. Vì vậy mà họ thẳng tay đàn áp Pháp luân công cũng như Phật giáo và các tôn giáo khác tại Trung Quốc.

Người theo Pháp Luân Công đã tổ chức thu thập chữ ký khắp nơi để khẩn cầu một tòa án nhân quyền xét xử Giang Trạch Dân và những lãnh đạo Trung Quốc liên hệ đến sự đàn áp. Trong tháng 1 năm 2004, tại 12 quốc gia đã có 16 vụ án tố cáo Giang Trạch Dân và những lãnh đạo Trung Quốc liên hệ đến sự đàn áp vì các tội tra tấn, tội ác đối với nhân loại và sát hại chủng tộc.

5. Cửu bình

Cửu bình là chín lời phê phán về chế độ cộng sản Trung Quốc. Chúng ta không biết đich xác bản bình luận này do ai viết, và ra đời lúc nào, nhưng do Pháp Luân công ấn hành năm 2004, và cũng do thời báo The Epoch Times phát hành, tháng 11 năm 2004. Từ khi “Cửu bình” được công bố, nhiều người dân nhận rõ bản chất của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Từ đó một làn sóng thoái đảng với hàng chục nghìn người thoái đảng mỗi ngày đang lan rộng vì mọi người hiểu rằng việc từ bỏ liên hệ với ác đảng là rất cấp bách. Vào ngày 08 tháng 4-2010 hơn 71 triệu dân Trung Quốc đã từ bỏ đảng Cộng sản Trung Quốc và các tổ chức liên hệ như đoàn Thanh Niên,và đội Thiếu nhi của nó; các cuộc biểu tình và diễn hành đã được tổ chức trên thế giới để khuyến khích họ.

6. Hiến chương 08

Trong năm 2008, một nhóm trí thức thành lập hiến chương 08, Hiến chương 08 ( 零八宪章, Língbā Xiànzhāng) là một tuyên ngôn đầu tiên có chữ ký của hơn 350 trí thức và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc nội dung đòi tự do, nhân quyền, bình đẳng, cộng hòa, dân chủ, nhằm thúc đẩy cải cách chính trị và dân chủ trong Trung Hoa. Chúng ta không biết rõ những ai đã khởi thảo, nhưng kết quả là do nhiều người cộng tác, trong đó có Lưu Hiểu Ba . Bản Tuyên ngôn đã được xuất bản vào ngày 10 tháng 12 năm 2008, kỷ niệm 60 năm của Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới, áp dụng tên và phong cách từ Hiến chương 77 chống Liên Xô do những người bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc xuất bản. Kể từ khi được phát hành, hơn 8.100 người bên trong và ngoài Trung Quốc, gồm những trí thức và đảng viên trung, cao cấp đã ký vào bản Tuyên ngôn này. Một trong những tác giả của Hiến chương 08, nhà văn Lưu Hiểu Ba, đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010.

7. Ngụy Kính Sinh

Ngụy Kính Sinh lúc trẻ là Hồng vệ binh đã dấn thân vào phong trào phá hoại văn hóa . Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, “Bè lũ 4 tên” bị bắt và quyền lãnh đạo chuyển hẳn về phe cấp tiến xung quanh Đặng Tiểu Bình với chính sách “Bốn hiện đại hóa”, một giai đoạn cởi mở ngắn ngủi được mệnh danh là “Mùa Xuân Bắc Kinh” diễn ra trong hai năm 1977-1978, với biểu tượng là Bức tường Dân chủ Tây Đan ở thủ đô Bắc Kinh, nơi người dân có thể công khai trình bày chính kiến của mình. Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) đã viết báo tường, ký tên và dán lên Bức tường Dân chủ ngày 5/12/1978. Sau đó, nhiều lần viết bài tố cáo chế độ độc đảng, kêu gọi dân chủ hóa Trung Quốc. Ngày 29/3/1979, ông bị bắt và bị kết án 15 năm tù về tội tiết lộ bí mật quân sự (kế hoạch tấn công Việt Nam của Trung Quốc trong Chiến tranh Biên giới 1979) cho nước ngoài…

Ngụy Kính Sinh, cha đẻ "của nền dân chủ" tại Trung Quốc, đã tấn công mạnh mẽ những ai nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được sự phát triển kinh tế mà không có nhân quyền. Ông cho rằng Trung Quốc và Việt Nam mang chung một bệnh và kết quả sẽ phải thay đổi sang thể chế dân chủ họặc sụp đổ. Ông cũng lên tiếng kết tội tư bản đang làm giàu mà bắt tay với cộng sản, chà đạp nhân quyền. Và yêu cầu tư bản phải thay đổi chủ trương ,chính sách đối với Trung Cộng.

Ngụy Kinh Sinh cũng như Vương Dân đã ra khỏi Trung Quốc năm 1989, trong khi Lưu Hiểu Ba ở lại. Ra khỏi Trung Quốc, ông tiếp tục tranh đấu cho nền dân chủ của Trung Quốc.

8. Lưu Hiểu Ba

Lưu Hiểu Ba sinh tại Trường Xuân, Cát Lâm, năm 1955 trong một gia đình trí thức. Từ năm 1969 đến năm 1973, ông được cha đưa theo về Nội Mông trong phong trào Về Nông thôn. Năm 19 tuổi, ông bắt đầu làm việc trong một ngôi làng ở tỉnh Cát Lâm và sau đó tại một công ty xây dựng. Ông kết hôn với bà Lưu Hà, hiện sống trong căn hộ đôi tập thể ở Bắc Kinh.

Năm 1976, ông học tại Đại học Cát Lâm và nhận bằng Cử nhân Văn học năm 1982 và bằng Thạc sĩ năm 1984 từ Đại học Bình Dân Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, Lưu Hiểu Ba trở thành giảng viên tại Đại học Bình Dân Bắc Kinh, nơi ông cũng nhận được bằng tiến sĩ năm 1988.

Trong những năm 1980, các bài bình luận quan trọng nhất của ông, "Phê bình về những lựa chọn - Đối thoại với Li Zehou" và "Thẩm mỹ học và Tự do Con người" khiến ông nổi tiếng trong lĩnh vực học thuật. Các bài luận đầu tiên chỉ trích triết lý của một nhà tư tưởng Trung Quốc nổi tiếng, Li Zehou.

Giữa năm 1988 và 1989, ông thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ngoài Trung Quốc, bao gồm Đại học Columbia, Đại học Oslo và Đại học Hawaii.

Năm 1989, Lưu Hiểu Ba đang ở Hoa Kì thì ở Trung Quốc diễn ra cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Ông đã quyết định quay trở lại Trung Quốc để tham gia phong trào. Sau này, Lưu Hiểu Ba được coi là một trong "bốn lãnh đạo chính trong vụ Thiên An Môn" đã đứng ra thuyết phục hàng trăm sinh viên rời quảng trường, nhờ vậy họ được cứu sống.

Lưu Hiểu Ba là một nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi cuộc bầu cử dân chủ, ủng hộ các giá trị tự do, ủng hộ việc phân rõ quyền hạn và kêu gọi chính phủ chịu trách nhiệm về việc làm sai trái của mình. Từ năm 1989 đến nay, ông đã bị kết án tù và lao động khổ sai bốn lần vì các hoạt động chính trị hòa bình của mình, bắt đầu với việc tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Khi ông không ở trong tù, ông cũng thường xuyên bị theo dõi và quản thúc tại gia trong thời gian nhạy cảm.

Tháng Sáu năm 1989 sau cuộc biểu tình Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba bị giam trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt Qincheng, và bị kết án về tội "tuyên truyền và kích động phản cách mạng ". Trong tháng mười năm 1996, ông phải chịu ba năm cải tạo lao động về tội "gây rối trật tự công cộng" vì đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi ông được thả tự do vào năm 1999, báo chí đưa tin rằng chính phủ xây dựng một trạm canh gác bên cạnh nhà của ông và gọi ông điện thoại và kết nối internet đã bị ngắt. Vào tháng Giêng năm 2005, sau cái chết của cựu Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, người đã đồng cảm với cuộc biểu tình của các sinh viên trong năm 1989, Lưu Hiểu Ba đã ngay lập tức bị quản thúc tại gia trong hai tuần trước khi biết tin về cái chết của ông Triệu.

Năm 2004 khi ông bắt đầu viết Báo cáo Nhân quyền Trung Quốc tại nhà, máy tính, thư từ, tài liệu của ông bị tịch thu. Những bài viết về Quyền Con người của Lưu Hiểu Ba đã nhận được sự công nhận rộng rãi từ quốc tế. Năm 2004, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vinh danh Báo cáo Nhân quyền của ông, trao giải Fondation de France cho ông như là một người bảo vệ tự do báo chí.
Trong năm 2007, Lưu Hiểu Ba đã bị giam giữ và thẩm vấn trong một thời gian ngắn về các bài báo ông viết được xuất bản trực tuyến trên các trang web bên ngoài Trung Quốc đại lục. Từ tháng 12 năm 2009, ông bị bắt và chịu án tù 11 năm và hai năm bị tước quyền chính trị vì tội “xúi giục chống phá nhà nước”, hậu quả của việc ông tham gia viết Hiến chương 08. Ông bị bắt chính thức vào ngày 23 tháng 6 năm 2009, vì bị nghi có dính líu tới việc "xúi giục chống phá nhà nước."

Ông bị buộc cùng tội danh vào ngày 23 tháng 12 năm 2009, và bị kết án 11 năm tù và hai năm bị tước quyền chính trị vào ngày 25 tháng 12 năm 2009. Ông được ủy ban giải Nobel hòa bình trao giải vì "cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người ở Trung Quốc", bất chấp áp lực từ chính quyền Trung Hoa ngăn cản việc trao giải cho ông.




Ban đầu tuyệt đại đa số tin tưởng vào Mao và đảng cộng sản, nhưng càng ngày nhân dân và ngay những người thân tín của Mao đã nhận thấy Mao là một bạo chúa và một kẻ hoang tưởng. Sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình đã cải cách kinh tế nhưng chưa đủ. Đảng viên và nhân dân Trung Quốc tiến bộ đòi hỏi Trung Quốc phải cải cách mạnh mẽ hơn, phải đưa lại tự do, dân chủ thực sự cho nhân dân. Mầm móng cách mạng dân chủ ở Trung Quốc ngày càng sâu xa, vững mạnh. Tất cả phản ứng của dân chúng và đảng viên tiến bộ đều nói lên khát vọng tự do, dân chủ. Một ngày không xa, cách mạng dân chủ sẽ thắng lợi ở Trung Quốc, Việt Nam và toàn thế giới.

No comments:

Post a Comment