Pages

Wednesday, January 12, 2011

RFI * TRUNG QUỐC & MỸ




Trung Quốc bành trướng quân sự, Hoa Kỳ lo ngại


Một cuộc diễu binh trước Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh (Reuters)
Một cuộc diễu binh trước Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh (Reuters)
Tuấn Thảo

Máy bay tiêm kích tàng hình, hỏa tiễn chống hàng không mẫu hạm, vệ tinh điều khiển tên lửa tầm xa. Đó là những loại vũ khí mà Bắc Kinh đang ráo riết thử nghiệm song song với việc hiện đại hóa lực lượng quân sự. Nhật báo Le Figaro hôm nay dành nguyên một trang để nói về sự kiện này.

Về phần mình, báo Le Monde đánh dấu hỏi : không hiểu vì sao Trung Quốc lại cho bay thử chiến đấu cơ tàng hình J20 ngay vào lúc chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp đón bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Bắc Kinh. Cho dù Bắc Kinh khẳng định đây chỉ là một sự trùng hợp về mặt thời điểm, cho dù Trung Quốc tuyên bố là việc hiện đại hóa quân đội không nhắm vào một quốc gia nào cả, nhưng giới quan sát không tin là như vậy.

Chuyến đi của ông Robert Gates là nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Đó cũng là dịp để cho hai bên hàn gắn quan hệ, một năm sau khi Bắc Kinh cắt đứt các cuộc tiếp xúc quân sự với Washington, để phản đối việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng theo Le Monde, hình ảnh của chiếc máy bay tàng hình phản ánh cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc. Trong lãnh vực này, đôi bên cạnh tranh nhiều hơn là xích lại gần nhau.

Báo Le Figaro chỉ chia sẻ một phần nhận định của Le Monde. Trong bài viết mang tựa đề Hoa Kỳ đo lường thế lớn mạnh quân sự của Trung Quốc, Le Figaro đánh giá : việc cho bay thử chiến đấu cơ tàng hình có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất, Bắc Kinh muốn cho Washington thấy tiềm lực quân sự của mình. Nếu Hoa Kỳ muốn củng cố quan hệ đối tác chiến lược, thì trước hết Mỹ phải xem Trung Quốc như một nước ngang hàng, chứ không có chuyện kẻ dưới người trên. Hiểu theo cách thứ nhì, theo Le Figaro thì từ trước tới nay, Hoa Kỳ vẫn đòi hỏi Trung Quốc phải rõ ràng minh bạch trong việc hiện đại hóa quốc phòng. Chính cũng vì thế mà Bắc Kinh không che giấu thông tin liên quan đến máy bay tàng hình J20 nhân chuyến viếng thăm của ông Robert Gates.

Tiềm năng thực thụ của quân đội Trung Quốc

Nói như vậy thì Bắc Kinh đã hiện đại hóa lực lượng quân sự đến mức nào ? Theo Le Figaro, ngoài máy bay tiêm kích tàng hình, Trung Quốc còn dự tính chế tạo 4 chiếc hàng không mẫu hạm với trọng lượng 60 ngàn tấn từ đây cho đến 10 năm tới. Nhưng theo ông Robert Willard, đô đốc hạm đội Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể cho ra lò chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên kể từ năm 2012. Vào năm 1998, Bắc Kinh đã mua lại một chiếc hàng không mẫu hạm của Ukraina, đem về sửa chữa tại cảng Đại Liên và dùng tàu này để cho phi công tập dượt.

Đáng quan tâm hơn nữa, theo Le Figaro, là Trung Quốc sắp hoàn chỉnh loại tên lửa có khả năng bắn chìm hàng không mẫu hạm. Điều đó có thể răn đe trực tiếp các hạm đội triển khai trong vùng biển Thái Bình Dương. Đây là một tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 1500 cây số, cải tiến từ loại tên lửa Đông Phương 21-D đời mới. Cuối năm qua, Bắc Kinh đã phóng lên không gian rồi đưa vào quỹ đạo 5 chiếc vệ tinh nhân tạo (Yaogan). Theo các chuyên gia, các vệ tinh này là nhằm để điểu khiển tên lửa bắn trúng mục tiêu, và như vậy để nâng cao độ chính xác của loại vũ khí này một khi được phóng ra.

Trong năm qua, ngân sách quốc phòng do Trung Quốc công bố lên đến 80 tỷ đôla và cứ mỗi năm tăng khoảng 15%. Đó là số liệu chính thức, nhưng theo chuyên gia Ralph Cossa, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế, ngân sách mà Bắc Kinh dành để hiện đại hóa quân sự có thể cao hơn nhiều : từ gấp 3 đến gấp 4 lần. Theo các nhà quan sát, sự minh bạch của Trung Quốc chỉ mang tính tương đối. Trong lãnh vực thông tin quốc phòng, chính quyền Bắc Kinh không bao giờ muốn lộ tẩy.

Vì sao Bắc Kinh có lợi khi mua công trái phiếu của Châu Âu ?

Song song với lãnh vực quân sự quốc phòng, còn có mặt trận tranh giành tầm ảnh hưởng kinh tế. Báo Le Monde trích dẫn quan điểm của John Foley, phóng viên của hãng tin Reuters, phân tích vì sao Trung Quốc sẽ hưởng lợi khi mua công trái phiếu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Liên hiệp châu Âu hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Bắc Kinh. Theo số liệu thống kê gần đây nhất, nội trong tháng 12 vừa qua, mức nhập khẩu hàng Trung Quốc vào châu Âu đã tăng thêm 18%. Do ràng buộc về mặt cơ cấu, một nước thành viên trong Liên hiệp châu Âu không thể nào đơn phương phá giá đồng tiền để giành lấy thêm thị phần.

Về phần Bắc Kinh, việc mua công trái phiếu của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được ước lượng khoảng 11 tỷ euro. Con số này chẳng thấm thía gì so với kho dự trữ ngoại tệ mà Bắc Kinh đang nắm trong tay. Theo số liệu do ngân hàng trung ương Trung quốc công bố hôm qua (11/1), kho dự trữ này hiện lên đến 2198 tỷ euros, một con số kỷ lục. Đối với Bắc Kinh, chi 11 tỷ euros để mua công trái phiếu chỉ tương đương với 0,5% kho dự trữ ngoại tệ, tức là chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể. Bù lại, Trung Quốc sẽ hưởng ít nhất là 3 món lợi.

Thứ nhất, khi giúp Bồ Đào Nha thanh toán nợ công, Bắc Kinh hy vọng là Lisboa sẽ giúp Trung Quốc thắt chặt quan hệ thương mại với các nước thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, trong đó quan trọng nhất vẫn là Angola, một nước có nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là trữ lượng dầu hỏa dồi dào. Còn trong trường hợp của Tây Ban Nha, Bắc Kinh muốn nhắm tới các nước châu Mỹ La tinh vốn có quan hệ bạn hàng khá chặt chẽ với Madrid.

Món lợi thứ nhì là Bắc Kinh muốn được châu Âu công nhận quy chế ‘‘kinh tế thị trường’’. Một khi được cấp quy chế này, Trung Quốc sẽ thoát khỏi các loại thuế chống bán phá giá của châu Âu. Món lợi thứ ba là Bắc Kinh muốn châu Âu lấy quyết định dứt khoát gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Trung Quốc. Kể từ hồi cuối tháng 12, nhiều nguồn tin từ Bruxelles cho biết là châu Âu đang xem xét khả năng hủy bỏ lệnh cấm này vì theo cách suy tính rất thực dụng của một số nước thành viên, lệnh cấm đó không đem lại hiệu quả nào, mà châu Âu lại gạt qua một bên một thị trường đầy tiềm năng, nếu không nói là béo bở.

Một năm sau trận động đất Hait, phần lớn tiền cứu trợ vẫn chưa được cho như đã hứa

Cách đây vừa đúng một năm, ngày 12 tháng giêng 2010, một trận động dất dữ dội với cường độ 7 trên bậc thang Richter đã tàn phá thủ đô Haiti, khiến gần 250 ngàn người thiệt mạng. Do vậy hôm nay, hầu hết các tờ báo Pháp đều nhắc lại sự kiện kinh hoàng này và thử xem công cuộc tái thiết đã đi đến đâu. Báo Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Một năm sau, Haiti vẫn chìm trong hỗn loạn". Le Monde đăng tít lớn : "Haiti cần được giúp đỡ nhiều hơn nữa". Nhật báo công giáo La Croix thì nhận xét : nhà nước Haiti quá suy yếu, cho nên tại chỗ, các tổ chức phi chính phủ phải làm việc thay thế trong công tác cứu trợ. Thế nhưng một năm sau, thực tế cho thấy là các hoạt động của các tổ chức thiện nguyện này bị hạn chế vì họ chỉ có thể đối phó với các trường hợp khẩn cấp, trong khi công cuộc tái thiết đòi hỏi rất nhiều tiền bạc và thời gian.

Báo Libération thì đăng một bức ảnh chụp gây sốc để minh họa cho nghịch cảnh ở Haiti. Một năm sau động đất, khuôn viên nằm trước mặt dinh tổng thống đã biến thành một trại tạm cư quy tụ hơn 40 ngàn người. Gọi là tạm cư, chứ thật ra nó giống như một khu nhà ổ chuột, dựng lên với các tấm lều vải, cột gỗ dán ghép, vách tôn sơ sài. Cư dân ở đây sống trong điều kiện hết sức tồi tệ, nước sạch hay nhà vệ sinh đều không có. Sự trợ giúp đến từ bên ngoài nếu có thì chỉ là nhỏ giọt.

Về điểm này, l’Humanité bày tỏ nỗi bất bình trong bài xã luận. Tờ báo nhắc nhở là cộng đồng quốc tế đã cam kết viện trợ cho Haiti 10 tỷ đôla. Nhưng một năm sau, chỉ có một tỷ rưỡi đôla mới thật sự được tháo khoán. Công cuộc tái thiết, vì thế, mà trở nên rất chậm : trong các đống gạch vụn, chỉ có 5% mới được dọn sạch, phần lớn còn lại vẫn y nguyên, do vậy 800 ngàn người vẫn sống trong cảnh tạm bợ. Theo l’Humanité, nếu phải làm bản tổng kết thì có thể nói là quốc tế giúp đỡ bằng miệng nhiều hơn là bằng tiền, kể cả các định chế như Liên hiệp quốc và Quỹ tiền tệ quốc tế. Trên trang nhất, tờ báo dùng một khẩu hiệu gây sốc và gọi Haiti là Hòn đảo bị phản bội.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110112-trung-quoc-banh-truong-quan-su-hoa-ky-lo-ngai


No comments:

Post a Comment