Pages

Monday, January 17, 2011

THƯ TRẦN BÌNH NAM





Thư ngỏ gởi người em gái Lê Thị Công Nhân

Trần Bình Nam


Kính gởi cô Lê Thị Công Nhân,

Thư ngỏ này tôi gởi đến cô, một luật sư trẻ tuổi đang được người Việt trong và ngoài nước và các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo trên thế giới ngưỡng mộ. Vì tranh đấu cho quyền làm người của dân tộc cô bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đưa ra tòa bỏ tù 3 năm (6/3/2007 – 6/3/2010) và 3 năm quản chế cho đến ngày 6/3/2013. Ngày cô mãn hạn tù tôi viết bài “Chào mừng người em gái Lê Thị Công Nhân” http://www.tranbinhnam.com/binhluan/Lethi_CongNhan_ChaoMung.htm và cũng như những người ngưỡng mộ cô tôi theo dõi cuộc đấu tranh ở ngoài nhà tù của tôi với lòng mong đợi. Đầu năm 2011, qua thông tin tôi được biết cô vừa có người yêu và tính chuyện lập gia đình.


Cô xứng đáng được hưởng sự êm ái của mái ấm gia đình, trong vòng tay thân yêu của chồng và gieo lại tấm lòng nhân hậu cô hấp thụ nơi người hiền mẫu của cô đến cho con cái mình. Qua các bản tin tôi được biết kỹ sư Ngô Duy Quyền là người thanh niên diễm phúc được lọt vào mắt xanh của cô. Lòng tôi vui với những thông tin tích cực đó. Tôi vui mừng chờ đợi tin chính thức. Và chờ đợi ngày gởi thiệp mừng và viết bài lên mạng mừng cô. Tin chính thức đến qua cuộc phỏng vấn của cô và anh Quyền bởi ký giả Nguyễn Tuyển Nhật báo Người Việt hôm Thứ Hai 10/1/2011. Đọc bản tin ghi cuộc phỏng vấn tôi không vui . Được hỏi khi nào tổ chức đám cưới cô cho biết cô và anh Quyền không nghĩ sẽ tổ chức đám cưới. Cô nói mười người hết chín người khuyên như vậy.

Lý do cô đưa ra là sợ bị chính quyền phá, dù làm giản dị cũng bị phá. Cô đưa ra những dấu hiệu sẽ bị phá như: Cô và anh Quyền định vào Huế thăm linh mục Nguyễn Văn Lý thì bị công an ngăn cản y như họ “đi bắt tù” . Dấu hiệu khác, như từ khi ra tù đến nay những sự di chuyển vô hại của cô như đi tham dự một thánh lễ, đi ăn cơm ngoài, ra phố mua quần áo đều bị công an sách nhiễu với lý do cô vi phạm các điều khoản của lệnh quản chế. Có thể tôi là người duy nhất trong 10 người nghĩ rằng thái độ của cô “không tổ chức đám cưới” – tôi hiểu là không làm tiệc cưới – với những lý do cô nêu ra là không thuyết phục.

Tôi đồng ý với cô các điều khoản của luật quản chế quá khắc khe và vô lý nên cô không muốn tuân hành. Nhưng cô chủ trương đấu tranh bất bạo động, mà nguyên tắc và sức mạnh của bất bạo động là “tuân hành ngay cả những luật lệ phi lý của nhà cầm quyền. Lời phỉ báng nhà cầm quyền hay lực lượng công an không hữu ích bằng những lời nhẹ nhàng có lý có tình dễ đi vào tâm can của những kẻ độc tài dù họ nhất định bịt tai bịt mắt. Cây cứng gió to cũng gãy, mềm như cây sậy vẫn còn nguyên sau một trận phong ba. Ngài Mahatma Gandhi của Ấn Độ đã áp dụng nguyên tắc bất bạo động mà giải phóng được đất nước ra khỏi vòng nô lệ của đế quốc Anh. Nhiều lần chính quyền Việt Nam gợi ý cho phép cô ra nước ngoài sống cô đã từ chối.

Đó là chọn lựa đúng đắn của một người đấu tranh có nguyên tắc như linh mục không rời giáo xứ và con chiên của mình, người tu sĩ Phật giáo không rời bỏ chùa chiền khuôn hội và tín đồ trong nước. Thái độ đó của cô làm mọi người quý mến và cảm phục cô, trong đó có cá nhân tôi. Trong thời gian đấu tranh chống Pháp giành độc lập đầu thế kỷ 20 nhiều chiến sĩ thuộc các đảng kín chống Pháp (như Việt Nam Quốc Dân Đảng, đảng Cộng sản …) thoát ly gia đình, và trong trường hợp đó họ hy sinh gia đình, vợ con cho cuộc đấu tranh và không chấp nhận bất cứ một thứ luật lệ nào của nhà cầm quyền Pháp.


Riêng cô từ khi bắt tay vào cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tín ngưỡng cô đã chọn con đường đấu tranh hợp pháp, nghĩa là đấu tranh trong khuôn khổ luật lệ xã hội, mặc dù biết rằng những thứ luật lệ đó không phải do một quốc hội có tính đại diện của toàn dân ban hành mà được đẻ ra bởi một đảng cầm quyền qua một quốc hội do đảng nặn ra và chỉ biết làm theo lệnh đảng.

Trong khung cảnh đó cô cần phân biệt việc đấu tranh với những gì về đời sống gia đình của cô. Cô đừng tạo ra bất cứ một điều để nhà cầm quyền có cớ can thiệp vào chuyện cá nhân của cô. Về đám cưới cô tôi không thấy vì lý do gì cô không tổ chức đám cưới vì sợ bị chính quyền phá. Nếu cô tổ chức lễ cưới và tiệc cưới trong gia đình và dứt khoát không để cho ai biến nó thành một cuộc tập họp chính trị thì không có lý do gì để nhà cầm quyền can thiệp phá rối.


Lề cưới và tiệc cưới của cô sẽ được cộng đồng thế giới nhìn vào và chính quyền cộng sản có đủ khôn ngoan để không làm trò cười cho bàng quan thiên hạ khi ra lệnh phá một đám cưới thuần túy không có tính chính trị. Cô hãy cố gắng sống một đời sống hạnh phúc với anh Ngô Duy Quyền, người thanh niên dũng cảm đã chọn con đường chông gai giúp cô tiếp tục con đường đấu tranh bất bạo động của cô. Cô không nên phung phí sức lực vào những cuộc dằng co vô bổ với chính quyền (tôi muốn nói với công an). Hãy dành sức cho những cuộc đấu tranh cốt lõi và quan trọng hơn.

Cô hãy noi gương bất bạo động của Thánh Ganhhi. Hãy theo gương cương quyết của vị thủ tướng mặt sắt nước Anh, bà Thatcher, và hãy theo gương Trí, Dũng của bà Aung San Suu Kyi. Cô hãy cố gắng duy trì nội lực cho một cuộc đấu tranh dài lâu, đấu tranh với một tấm lòng vì đồng bào và tương lai sáng ngời của tổ quốc mến yêu chứ không đấu tranh vì tiếng vỗ tay cổ võ của những người ngoài cuộc thích vui. Và cô hãy coi chừng những âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền. Tôi đã chuẩn bị một bình hoa đẹp để gởi về Hà Nội mừng cô trong ngày trọng đại của cô với anh Quyền và chúc cô thắng lợi trong cuộc đấu tranh bất bạo động vì dân chủ và quyền làm người của dân tộc Việt Nam.
Trần Bình Nam
Jan 15, 2011

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com


Luật sư Lê Thị Công Nhân về nhà sau khi mãn hạn tù ba năm

Thanh Phương

Bài đăng ngày 06/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày 06/03/2010 15:19 TU

Luật sự Lê Thị Công NhânD.R

Luật sự Lê Thị Công Nhân
D.R

Hôm nay, nhà bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân đã về nhà sau khi mãn hạn tù ba năm với tội danh '' tuyên truyền chống Nhà nước''. Tuy nhiên, cuộc trở về đã không diễn ra như ý muốn của gia đình.

Theo lời bà Trần Thị Lệ, mẹ của Lê Thị Công Nhân, bà đã đến trại giam số 5 ở Thanh Hóa từ sáng sớm với hy vọng sẽ được đón con ngay từ cửa nhà tù. Nhưng sau khi ngồi chờ khoảng hai tiếng đồng hồ, bà mới được ban quản lý trại giam thông báo là Lê Thị Công Nhân đã được công an chở thẳng về nhà.

Khi bà Trần Thị Lệ quay trở về nhà thì vẫn chưa thấy con vì mãi đến 5 giờ chiều luật sư Lê Thị Công Nhân mới được đưa về đến nhà. Theo lờI bà Trần Thị lệ, do mệt mõi vì đường xa và có lẽ do xúc động, căng thẳng, Lê Thị Công Nhân đã xỉu khi về đến đầu ngõ và nay đang nằm tịnh dưỡng ở nhà.

Xin nhắc lại là sau khi mãn hạn tù, luật sư Lê Thị Công Nhân còn bị quản thúc tại gia trong 3 năm. Còn đồng nghiệp của cô là luật sư Nguyễn Văn Đài hiện vẫn tiếp tục thọ án tù 4 năm tù và ba năm quản chế với cùng tộI danh '' tuyên truyền chống Nhà nước''. Hai người đã bị đem ra xử vào năm 2007.

Vào đầu tháng 2 vừa qua, hai tổ chức Quan sát quốc tế các luật sư và Liên hiệp quốc tế các luật sư đã tổ chức họp báo ở Paris tại một phòng họp ở Quốc hộI Pháp để đánh động dư luận về tình trạng vi phạm quyền của các luật sư ở Việt Nam và đặc biệt là về tình trạng giam cầm những luật sư như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài và Lê Công Định.


No comments:

Post a Comment