Pages

Saturday, February 12, 2011

NGUYỄN THIÊN THỤ * VĂN MINH VIỆT NAM THỜI THƯỢNG CỔ





VĂN MINH VIỆT NAM THỜI THƯỢNG CỔ
NGUYỄN THIÊN THỤ


Nhiều người cho rằng nước Việt Nam ngày xưa là một bộ lạc bé nhỏ, người thưa, đất hẹp như là những giống dân thiểu số trên cao nguyên. Nhưng sự thực không phải thế. Tiết Tống, thái thú quận Giao Chỉ đời Ngô (thế kỷ 3) dâng sớ nói về nước ta :
'Sông núi dài mà xa, tập tục không giống nhau. . .đất rộng , người đông.
(Lê Tắc, AN NAM CHÍ LƯƠC, DHHuế, 1961 , tr.112).
Viên Sán, sứ thần Trung quốc đời Thanh viết:
'Nước Nam dân cư rất đông dúc, thế đất phẳng bằng, trông ngút ngàn thảy đều ruộng cấy lúa, không mảnh đất nào bỏ không. Nơi thôn quê, nhà liền như bát úp, đất ít, người nhiều. ( Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục I,Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch, Bộ QGGD,Saigon,1963,tr.257).
Như vậy, từ đời Tam quốc (222-256) cho đến đời Thanh (1644-1911), nuớc ta là một nuớc núi rộng sông dài, dân cư đông đúc. Chúng ta không biết rõ dân số Việt Nam đời Hùng vương, nhưng chúng ta có những số liệu đời Hán:
Tiền Hán Thư:
-Quận Giao Chỉ : 92.440 hộ; 746.237 khẩu, 10 huyện.
-Quận Cửu Chân: 35.742 hộ; 166.113 khẩu, 7 huyện.
-Quận Nhật Nam: 15.460 hộ; 69.485 khẩu, 5 huyện.
Hậu Hán Thư:
-Quận Giao Chỉ : ( không chép hộ, khẩu) 12 thành.
-Quận Cửu Chân: 46.513 hộ ; 209.894 khẩu , 5 thành.
-Quận Nhật Nam: 18.460 hộ ; 100.676 khẩu, 5 thành. (Nguyễn Văn Siêu, Phương đinh dư địa chí, Ngô Mạnh Nghinh dịch, Tự Do,Saigon,1960, tr.17-18.)

Vậy theo Tiền Hán Thư, nước ta gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, có 143.642 nóc nhà, và 981 .835 dân đinh. Ngày xưa, người ta chỉ kê khai nam giới, không kê khai phụ nữ. Lại nữa, thời Bắc thuộc nhiều người trốn tránh, do đó, ta có thể phỏng định thời Hán, dân ta có khoảng 150.000 nóc nhà với dân số khoảng hai triệu. Tìm hiểu hơn nữa, chúng ta thấy đời Lý số đinh là 3.300.100, đời Trần là 4.900.000, số hoàng nam là 2.104.300 . Đời Lê Thái tổ, số đinh là 5.006.500 ( Nguyễn Trãi, Nguyễn trãi toàn tập,KHXH, Hanoi,1976,tr.213-214).

Cùng lúc đó, dân Quảng Đông không quá 59.390 hộ với 318.511 dân đinh. Tỉnh Quảng Tây lúc bấy giờ là quận Uãt Lâm cũng chỉ khoảng 12.415 hộ, với 71.161 khẩu. Cộng hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây vào thời Hán chỉ có 71.805 hộ với 389.673 khẩu.
(Phan Huy Chú, DƯ địa chí, Nguyễn Thọ Dực dịch, QVK ,Saigon, 1972,tr. 28-29.)
Như vậy, thời Hán, số hộ của ta gấp đôi , số người gấp ba Luỡng Quảng.
Trước đời Ngô đời Tam quốc, đất Nam Việt của Triệu Đà vẫn đặt đô tại Long Biên, sau Triệu Đà chia hai miền Giao Quảng, thủ phủ Giao Châu vẫn là Long Biên, tức Đại La thành, tức Thăng Long thành. Điều này cho chúng ta thấy từ xưa, Long Biên là nơi đô hội, là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật cùng trung tâm kinh tế không những của Việt Nam mà là của cả vùng Hoa Nam.
Nhiều tài liệu cho thấy dân Việt Nam có tinh thần bất khuất, giỏi chiến đãu. Thái thú quận Giao Chỉ và Hợp Phố đời Ngô là Tiết Tống nhận định về dân ta như sau:
'Núi rừng hiểm trở, dân dễ làm loạn và khó cai trị' (Lê Tắc, sđd,tr. 112).

Dân ta thường dùng tre làm làng chiến đãu chống xâm luợc. Quân Tàu đã bắt chước kỹ thuật này của ta. Khoảng Đường Tuyên Tông (847-860), Vương Thức sang trấn thủ An Nam, đóng tre gai làm trại, bền tới được mấy chục năm, ngoài lại đào hào, ngoài hào trồng tre nhọn, giặc không xông vào được ( Lê Quý Đôn ,vân đài loại ngữ, Tạ Quang Phát dịch, QVK, Saigon,tr.1972,tr.146). Quảng Đông không có tre. Đời Tống, quận thú Hoàng Tế mới đem đem tre Việt Nam về trồng để giữ an ninh thôn xóm ( ibid).

Nước ta là một nước có nền hành chánh độc lập, khác với cách tổ chức của Trung quốc. Tăng Cổn là người sang thay Cao Biền năm 877, đã có tác phẩm Giao Châu ký, cũng gọi là Việt Chí, trong có đoạn :
'Hùng vương, Hùng hầu làm chủ các quận huyện. Mỗi huyện có chức Hùng tướng (Nguyễn Văn Siêu, Phương đinh dư địa chí, Ngô Mạnh Nghinh dịch, Tự Do,Saigon,1960, tr.55.)
Theo Phiên Ngung tạp ký của Trịnh Hùng đời Đường, vua là Hùng vương, tướng văn là Hùng hầu, tướng võ là Hùng tướng (Lê Quý Đôn, Vân đầi loai ngữ ,tr.147).
Theo Bùi thị Quảng Châu ký, tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng. (Nguyễn Văn Siêu, sđd,tr.109).
Ngô Sĩ Liên viết :
'Hùng vương lên ngôi, đặt tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng ( Lạc tướng sau chép sai thành Hùng tướng). Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nuơng, quan coi việc gọi là Bồ chính, đời đời cha truyền cho con gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng vương cả ( Ngô Sĩ Liên, TOầN THƯ, q.2,KHXH. Hà Nội,1967=1969. tr.61).

Nước ta là một nước có nền nông nghiệp phát triển vì ta có kỹ thuật cao và ruộng đất phì nhiêu. Từ xưa, dân Xích Quỷ đã có chính sách ruộng đất phân minh. Có lẽ chính sách ruộng đất đã gắn bó với tổ chức hành chánh trong nuớc. Giao Châu ký hayViệt Chí, hay NamViệt Chí của Tăng Cổn - người thay Cao Biền- chép năm 877 có đoạn :
'Đất Giao Chỉ xưa rất phì nhiêu, xưa có quân trưởng là Lạc Hùng vương, kẻ giúp việc gọi là Hùng hầu, ruộng gọi là Hùng điền, dân khai khẩn lấy lúa ăn gọi là Hùng dân' ( Nguyễn Văn Siêu, PĐDC,tr.55).

Những dân ở miền núi vì đất khô cằn, vì núi rừng rậm rạp cho nên họ đốt rừng làm rẫy. Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái có nói dân ta thuở hồng hoang ' cấy bằng dao, trồng bằng lửa' là thế. Nhưng ruộng đất nước Văn Lang phần nhiều tốt, nuớc dâng cao, dân ta đã biết xạ lúa, là cách trồng lúa nổi ở miền sông Cửu Long ngày nay.
Bùi thị Quảng Châu ký chép :
'Giao Chỉ có ruộng Lạc điền, theo nước triều lên xuống, những người dân cấy ruộng ấy gọi là người Lạc, quan tướng văn là Lạc hầu, quan tướng võ là Lạc tướng, ấn đồng giải xanh như các quan lệnh trưởng ngày nay ( Ibid ,.109).

Sách Giao Châu Ngoại Vực ký cũng có ý kiến tương tự :
'Hồi xưa chưa có quận huyện thì lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy.
( Lê Tắc, ANCL,tr.39).
Dân ta thuở ấy biết đắp đê ngăn sông chống lụt. Đê Hồng hà đã có rất lâu. Sách Quận Quốc Chí chép :
'Quận Giao Chỉ ở phía tây bắc huyện Long Biên có đê giữ nước sông (Đào Duy Anh,VNVHSL,46)
Đào Duy Anh cũng ghi rằng đời Đường (867-875), Cao Biền đắp đê quanh thành Đại La dài 2125 trượng để ngăn nước sông' ( 46).
Năng suât lúa rất cao. Sách Cổ Kim Chú viết :
'Năm Diên Quang thứ hai(123), đời Hán An Đế, ở quận Cửu Chân, lúa tốt quá, 150 gốc lúa đuợc 768 bông. (Lê Quý Đôn, VDLN,72)
Vì nước ta lúa gạo ê hề cho nên người Trung Quốc bắt ta sưu thuế nặng nề, cốt vơ vét đem về Trung quốc. Ta có thể nói riêng thóc Giao Chỉ bằng thóc Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cộng lại . Khuất Đại Quân đời Minh trong Quảng Đông Tân Ngữ chép :
' Đât Giao Chỉ có 17 quận, 49 châu, 157 huyện. Mỗi năm nộp thóc cho quan Tư Nông hơn một ngàn ba trăm sáu mươi vạn ( 13.600.000 ) hộc. Tính ra tất cả thuế các châu Mân, Quảng, Điền, Kiềm thì cũng không bằng ( Lê Quý Đôn, VDLN, 72)
Nước ta trồng lúa đã lâu đời, sáu trăm năm trước đời Hán. Thiên Trung Ký của Thủy Kinh Chú của Tang Khâm đời Hán chép :
' Đất Tượng Lâm biết cày tính đến nay đã hơn sáu trăm năm, đốt cây trồng lúa cũng như lề lối của Trung Hoa. Gọi ruộng trắng là ruộng trồng lúa trắng thì tháng sáu, tháng bảy cày cấy, tháng mười lúa chín gặt về. Gọi ruộng đỏ là ruộng trồng lúa đỏ, thì tháng chạp cày cấy, tháng tư sang năm lúa chín gặt về. Như thế gọi là lúa hai mùa. Sách Quảng Dư ký nói một năm hai mùa là như thế! (Lê Quý Đôn, ,tr.182-183).

Nhâm Diên một quan thái thú Giao Chỉ ở thế kỷ thứ nhất đã thú nhận sự bóc lột dã man của Trung Quốc khiến cho dân Việt Nam ta thán vô cùng :
'Ruộng giống lúa trắng, tháng năm cấy, tháng mười gặt, lúa đỏ tháng chạp cấy, tháng tư gặt. Bởi thế, người ta thường bảo rằng' Nước thâu thuế ruộng hai mùa, làng công tơ tằm tám lứa. Đất hẹp dân đông, có sản xuất lúa mà không có lúa mạch. (Lê Tăc, ANCL,tr.242)
Chúng ta trồng nhiều lúa, nhưng không có lúa mạch ( lúa mì). Sách Quảng Đông Tân Ngữ chép :
'Lĩnh Nam có nhiều thóc tẻ, mà ở Giao Chỉ nhiều nhất. Còn thóc nếp thì ở An Nam có nếp trắng, nếp vàng, có đến hơn hai mươi giống, họ dùng gạo tẻ nấu cơm và gạo nếp nấu rượu ( Lê Quý Đôn, sđd,tr.486).
Những điều trình bày trên cho thấy dân ta có nhiều phương pháp trồng lúa, ít nhất là hai phương pháp : trồng lúa trên rừng, và trồng lúa miền hạ bạn. Lúa có nhiều loại, có nơi trồng hai mùa, và dân ta biết canh tác từ lâu, trườc đời Hán 600 năm, đất ta tốt hơn, kỹ thuật ta khá hơn Trung quốc chứ không phải do Nhâm Diên dạy dân ta cày cấy như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ, Lê Tắc nhận định sai lầm (Ngô Sĩ Liên, TT I,tr.84.)

Vì nước ta là một nước nông nghiệp khá nhất trong vùng cho nên trâu bò cũng rất nhiều. Nhiều tác giả nói rằng ta nhờ Nhâm Diên dạy dân ta mới biết cày trâu. (Đào Duy Anh,tr.41)
Như trên đã nói, nước ta là một nước nông nghiệp cao, có thể hơn Trung quốc thời đó.Trước Triệu Đà, gần nhất là nhà Thục, mà xa nữa là thời Hùng vương, dân ta đã nhập cảng trâu bò và nông cụ bằng kim khí. Điều đó cho thấy dân ta có nhu cầu lớn về canh nông chứ không phải ta không có trâu bò và không biết cày trâu bò. Việc Cao hậu cấm xuất cảng trâu bò và kim thiết điền khí xảy vào năm mậu ngọ ( 183 tr.TL) tức gần 200 năm trước khi Nhâm Diên sang cai trị Giao Chỉ, điều này cho thấy những truyền thuyết về Nhâm Diên là sai lầm. Cụ thể là khi Lộ Bác Đức đem quân giết Lữ Gia, ba vị Lạc hầu phải mang ba trăm trâu, ngàn vò rượu và sổ hộ của ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đầu hàng (Ngô Sĩ Liên, TT I.tr.87)
Sự kiện này cho thấy nước ta thời đó rất nhiều trâu.

Bằng phương pháp carbon 14, các nhà khoa học đã định tuổi vật chất. Theo học giả Wilhelm G. Solheim II, nước ta có nền nông nghiệp sóm nhất thế giới , vào khoảng 15 ngàn năm trước tây lịch (Solheim II., Wilhelm G. New Light on a forgotten Past. National Geographic.Vol 139 . No 3, March, 1971, tr.339). Stephen Oppenheimer cũng cho rằng người dân của nền văn minh Hòa Bình biết kỹ thuật canh tác 10 ngàn năm , còn Trung quốc trồng lúa khoảng 5 ngàn năm đến 6.500 năm. (Stephen Oppenheimer. Eden In The East.Phoenix, Great Britain, 1999,tr. 69).
Về công nghệ và mỹ thuật , dân ta rất thiện nghệ trong việc đúc đồng , Giao Châu Ký củaTăng Cổn chép:
Người Việt đúc đồng làm thuyền. Khi nước thủy triều xuống thì trông thấy (Ngô Sĩ Liên,tr.87)
Sách Bác Vật Chí nói:
Giống sơn man ở Giao châu, Quảng châu gọi là Lý Tử, cung của họ dài hơn một thước, đúc đồng làm mũi tên, đầu tên bôi thuốc độc, tên trúng vào người nào người ấy tất chết. Ngày nay sơn man vẫn dùng cung ấy, hổ báo cũng sợ trốn ( Lê Quý Đôn, VDLN I, 438).
Đỉnh cao của việc đúc đồng là việc đúc trống đồng và chạm trổ tinh vi. Theo học giả Solheim II, trống đồng sản xuất tại Việt nam có trước tây lịch. Theo Stéphen Oppenheimer, trống đồng ở Ban Chiang ( Thái Lan) có tuổi 5.000 năm còn trống đồng Phùng Nguyên ( Việt Nam) có tuổi 6.000 năm (Stephen Oppenheimer, 4)
Về quân sự, chúng ta đã nhiều lần chiến thắng Trung quốc và Trung quốc dù là kẻ chiến thắng hay chiến bại đã có lần học hỏi kỹ thuật quân sự của Việt Nam. Sau chiến thắng của Lý Thường Kiệt, người Trung quốc đã học hỏi kỹ thuật quân sự Việt Nam.
Tống sử chép :
'Thái Duyên Khánh là tri châu đất Hoạt, thường học đuợc phép tổ chức quân đội của An Nam, xin bắt chước quy chế chia ra từng bộ phận. Chia chính binh, quân tiễn thủ, nhân mã đoàn làm chín phủ. Hợp trăm đội chia làm tả hũu, tiền hậu bốn đội. Mỗi đội có trú chiến ( đóng quân để đánh), thác chiến ( đi đánh). Tướng nào cũng có lệnh bộ, quân kỷ, khí giới, chỉ lấy nhân mã, phiêu binh mà phân biệt. Tất cả đều tùy chỗ đóng mà chia. Số chư tướng không bằng nửa số chính binh. Còn về sự kiềm chế thì cho quân già yếu ở thành trại, tùy xa gần mà chia giữ, không cho binh Phiên và binh Hán ở lẫn nhau cho khỏi sinh biến. Vua Thần tông nhà Tống khen mãi.' (Lê Quý Đôn,VDLN,tr.241)
Sau này, con Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng dạy Trung Quốc cách chế súng thần sang (239). Và lúc này, quân Minh thu vét sách vở và nhân tài Việt Nam đưa về Trung quốc cũng là để học hỏi tài nghề dân Việt, đồng thời tiêu diệt văn hóa và khoa học kỹ thuật Việt Nam. V?y kỹ thuật chế súng thần công, việc dùng thuốc súng khởi đầu tại Việt Nam hay tại Trung quốc như nhiều học giả đã nghĩ?
Đất nuớc Việt Nam ngày xưa có nhiều sản phẩm quý giá. Dương Hùng đời Hán viết:
' Giao Châu xa cách, nước lẫn chân trời, ngoài giáp nam di, châu báu sản nhiều, không đâu sánh kịp.
( Lê Quý Đôn,tr.239.)
Liễu Tử Hậu đời Đường viết:
'Giao Châu có nhiều vàng, ngọc, châu, báu, đồi mồi, tê ngưu, voi, sản vật đều kỳ quái, cả đến cây cỏ cũng khác lạ (Lê Quý Đôn,tr.239).
Thời Triệu Vũ vương ( 207 tr.TL), khi Lục Giả ra về, vua tặng đồ châu báu trị giá ngàn vàng, và số nghìn vàng nữa (239).
Năm giáp thân (984), Lê Hoàn dựng nhiều cung điện. Điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân cột điện giát vàng bạc, điện Long Lộc lợp ngói bạc. Năm bính tuất (986), sứ Trung quốc sang, Lê Hoàn đem tất cả châu báu và các đồ vật quý lạ bày chật sân để khoe của (193-196).
Thuở hồng hoang, nhân dân ta đi chân đất, để đầu trần, cắt tóc ngắn cho khỏi vướng cây rừng. Tống Thái tông gửi thư cho Lê Đại Hành có câu:
Dân khanh cắt tóc thì dân ta có áo mũ.' ( Lê Tác,.116).
Trần Cương Trung, sứ thần nhà Nguyên sang Việt Nam đời Trần, đã viêt trong tập Sứ Giao Châu Thi Tập như sau :
'Đàn ông hết thảy đều cạo đầu, người có quan chức thì lấy vải xanh đội đầu. Dân đều như sư. .. Dân đều đi chân không, thỉnh thoảng cũng có người đi giày da, nhưng đi đến điện nhà vua thì bỏ giày ra. . . Da chân rất dày, leo núi nhanh như bay, dù gai góc cũng không sợ. Khi ở trong nhà thường để đầu trần, có khách tới mới đội mũ . Duy có nhà vua là bới tóc, rồi lấy lụa bao quấn vào đầu trông xa như mũ luân cân của các nhà tu hành mà rộng hơn.. . Đàn bà cắt tóc, lưu lại ba tấc ở đỉnh đầu, rồi thắt dưới chân tóc, lại bối cài trâm, không có tóc mai quấn ở đàng sau, và cũng không dùng dầu sáp để vuốt tóc.. ..Người trong nước đều vẽ vào mình những hình khuất khúc nhu câu liêm, hoặc hình lô đỉnh đồng cổ. Lại có người thích chữ vào bụng.
(Lê Quý Đôn, KIÊN VĂN TIỄU LUC,q.1, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch, Bộ QGGD,Saigon, 1962, tr. 116-118).
Theo Lê Quý Đôn, dân ta có tục cắt tóc ngắn.Thời Minh thuộc, Hoàng Phúc bắt để tóc dài, cấm cắt tóc ngắn. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn giữ tục cắt tóc ngắn như hạt Giao Thủy và Trà Lũ (Ibid).
Dân ta có tục vẽ mình. Liễu Tử Hậu nói :
'Cộng lai Bách Việt văn thân địa.'- Cùng đi đến Bách Việt là xứ vẽ mình. (Lê Tắc,tr. 83)
Nhan Chi Thôi có nói đến nước Điêu đề Giao Chỉ. Điêu đề là xâm mình nhiều màu. Theo sách Trung quốc đó là cổ tục Giao Chỉ ( Lê Quý Đôn, VDLN,tr.69, và chú 2).
Đó là nghệ thuật đặc biệt của Giao chỉ, tiếc rằng nay đã thất truyền. Theo truyện Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái, Lạc Long Quân dạy cho dân vẽ lên mình thủy quái để cho giao long khỏi ăn thịt.Việc vẽ mình còn tùy thuộc chức vụ, ngành nghề ở các triều đại. Quân Túc Vệ đời Lý vẽ những hình đặc biệt vào chân tay. Đời Lê Hoàn, quân Cấm Vệ khắc ba chữ Thiên tử quân vào trán. Đời Lý Nhân tông, mùa đông năm mậu tuất (1118), triều đình cấm những kẻ nô bộc trong và ngoài kinh thành thích dấu mực vào ngực và chân tay như kiểu cấm quân, và những hình rồng ở mình. Ai phạm tội thì sung làm nô lệ ở các nhà quan ( Ngô Sĩ Liên,tr.249).

Nói tóm lại, thời thượng cổ, dân ta đã có một nền nông nghiệp vững vàng, và có nghề đúc đồng, làm trống đồng rất xuất sắc. Dân ta yêu nước, có tinh thần bất khuất, đã bao lần đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập tự do, tạo nên một cuộc sống an vui hạnh phúc.

(Trích Nguyễn Thiên Thụ, Văn Học Cổ Điển, chưa xuất bản)

No comments:

Post a Comment