Pages

Monday, March 28, 2011

PHẠM CÔNG THIỆN


Giã từ nhà thơ triết học Phạm Công Thiện
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2011-03-12

Chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm xin chuyển một tin buồn đến với quý vị đó là nhà thơ, nhà nghiên cứu triết học và là một giảng sư về Thiền tông Phạm Công Thiện vừa qua đời hôm 8/3/2011 tại Thành Phố Houston, Texas, hưởng thọ 71 tuổi.

Nói đến Phạm Công Thiện độc giả trẻ trong nước có lẽ nhiều người không biết về ông, nhưng thế hệ lớn lên vào thập niên 60 nhất là các sinh viên đại học hình như không ai là không biết tên ông qua những tài năng mà ông thể hiện trong các tác phẩm được xem là khai mở một vùng đất hoang sơ chưa ai khai phá trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Mời quý vị theo dõi sau đây.

Thần đồng ngôn ngữ, triết học

pham-cong-thien-200.jpg
Nhà thơ Phạm Công Thiện. Photo courtesy of wikivietlit.


Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Học vấn của ông là cả một bí ẩn. Tuy chưa bao giờ có một mảnh bằng tú tài trong tay nhưng ông đã được nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới mời giảng dạy trong đó có trường đại học Yale của Mỹ và Sorbonne của Pháp.

Ở lứa tuổi chưa tới 16, ông đã trở thành cộng tác viên trẻ nhất của tạp chí Bách Khoa. Năm 15 tuổi, ông đọc thông viết thạo năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, ngoài ra còn biết tiếng Phạn và tiếng La Tinh. Tất cả những điều này đều được chứng nhận qua các vị học giả và các chuyên gia ngôn ngữ học của nhiều trường đại học.

Ngoại ngữ là một chìa khóa giúp ông mở nhiều cánh cửa triết học Tây phương để ông thai nghén và cho ra đời tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” được ông viết khi chưa tới 19 tuổi. Tác phẩm này đã đưa tên tuổi ông trở thành một hiện tượng mà thời gian ấy người ta gọi là thần đồng triết học của Việt Nam.

Nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Khởi Hành, người theo sát với Phạm Công Thiện từ những năm đầu tiên khi ông xuất hiện cho biết những năm đầu khi ông nổi tiếng tại Việt Nam:

“Thật ra Phạm Công Thiện nổi tiếng trước khi đi ngoại quốc. Theo như tôi nhớ Phạm Công Thiện được Hòa thượng Thích Minh Châu cử đi du học vào năm 1969 vì Phạm Công Thiện đã nổi tiếng từ năm 1965! Phạm Công Thiện nổi tiếng từ cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, cuốn này in năm 1965 tức là 4 năm trước khi ông ra nước ngoài.

Tôi còn nhớ khi ra cuốn sách thì tôi đã có dịp làm việc với Phạm Công Thiện vài tháng vào năm 1964 khi nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản nhật báo Dân Ta. Trước đó nhà thơ Nguyễn Vỹ xuất bản tạp chí Phổ Thông thì Thiện đã viết trên Phổ Thông rồi. Khi tờ Dân Ta ra đời thì Nguyễn Vỹ nhờ Phạm Công Thiện về cộng tác lúc đó thì chúng tôi gặp nhau.”

Một kỳ tích thứ hai của ông là năm 18 tuổi, Phạm Công Thiện được mời giữ chức giảng viên môn Triết học của Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau đó không lâu ông phụ trách soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa viện Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1968 - 1970, giữ chức trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của viện. Tại đây ông cũng là sáng lập viên và chủ trương biên tập của tạp chí Tư Tưởng.

Khai phá Thiền Tông Phật giáo

Thật ra tác phẩm quan trọng nhất của ông là tập tiểu luận mang tên “Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiền tông”. Tác phẩm này thật sự mở một cánh cửa cho Phật giáo Việt Nam khai phá mảnh đất Thiền Tông lúc bấy giờ còn quá mới mẻ đối với người Việt, với hơn 80% theo Phật Giáo. Nhà văn Viên Linh nói về tác động của tác phẩm này đối với Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ:

“Một trong những tác phẩm song song với “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” là cuốn “Bồ Đề Lạt Ma, tổ sư của Thiền Tông” in năm 1964. Phật giáo sau khi thay đổi chế độ thì phong trào Thiền Tông lan tràn khắp nơi từ người lớn cho tới người trẻ. Phạm Công Thiện tôi gọi là nhóm Vạn Hạnh, hay là những trí thức trẻ xuất gia, mà lớp đi tu trẻ lúc ấy thì gồm có Phạm Công Thiện, Tuệ Sĩ, Chơn Phát, Nguyễn Hữu Hiệu, Chơn Hạnh, Trần Vân Tiên, Ni cô Trí Hải và Bùi Giáng. Bùi Giáng thì nhiều tuổi hơn cả.

Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề.

Nhà thơ Phạm Công Thiện

Nhóm này xông vào các tờ báo như tạp chí Tư Tưởng, hay là Giữ Thơm Quê Mẹ của ông Nhất Hạnh, cũng như những nhà xuất bản, dịch thuật nhiều tác phẩm Phật giáo như Hessman Hess hay Suzuki. Trong lớp đó thì Phạm Công Thiện và Tuệ Sĩ là hai người có thể nói là dẫn đầu. tất cả những người này đều rất trẻ lúc ấy chỉ khoảng 24 -25 tuổi đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa Phật Giáo Việt Nam thời kỳ đó.

Sau khi cuốn sách đó ra thì nổi lên một phong trào sinh viên đi tìm hiểu những khai phá mới sau một thời gian dài 9 năm dưới chế độ cũ. Khi thay đổi một chế độ thì chế độ kế tiếp người ta đi tìm cái gì phản nghịch lại quá khứ hay mở mang những chân trời mới.

Thiện chỉ là một thành phần trẻ xung kích lúc ấy chứ đầu não của sự thay đổi văn hóa lúc ấy là những bậc thầy ở Đại học Vạn Hạnh. Lúc đầu thì có Thượng tọa Nhất Hạnh, giáo sư Nguyễn Đăng Thục là những người ảnh hưởng nhiều nhất vì trước khi có đại học Vạn Hạnh thì những tờ báo Phật Giáo lúc ấy từ trường Cao đẳng Phật học ra gồm ông Nhất Hạnh, Hòa thượng Thanh Từ, Thanh Kiểm là những bậc thầy của Phật giáo lúc ấy.”

Nhà thơ

pham-cong-thien-200-2.jpg
Nhà thơ Phạm Công Thiện. Photo courtesy of blog.hophap.com.


Bên cạnh những tác phẩm nặng về tư tưởng Phạm Công Thiện còn làm thơ và tác phẩm nổi tiếng khác của ông là “Ngày Sanh Của Rắn” đã được nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần đầu năm 1966 tại Sài Gòn, tác giả đã từ chối không cho tái bản trong suốt hơn 20 năm sau đó mà không cho biết lý do.
Tập thơ chia làm 12 khúc và khúc thứ 8 có lẽ hay và dễ cảm thụ nhất. Bài này đã được phổ thành ca khúc“Tôi đứng trên đồi mây trổ bông”

Khúc thứ 8


mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông

Nhà thơ Viên Linh thì lại tâm đắc với một bài thơ mới sáng tác sau này của Phạm Công Thiện, tựa bài thơ mang một từ vỏn vẹn là “Đi”mà ông đọc sau đây:

Đã đi rồi đã đi chưa?
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hà phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuẩn hình thiên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn
Đại huyền biến ngưỡng phiêu tôn
Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao
Áng nga nga nặng bạch hào
Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim.


Đây là bài thơ nói về sự ra đi của chính mình của Phạm Công Thiện. Bài thơ này mới in vào năm 2009 trong tập thơ mới nhất của anh tên “Trên đỉnh cao tất cả là im lặng.”

Nhận xét về cá tính của Phạm Công Thiện nhà thơ Viên Linh nói:
Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu. Nhà thơ Phạm Công Thiện

Phạm Công Thiện là người Mỹ Tho trong nhóm bạn trẻ đó đều là người Bắc và Trung nhưng anh có tài và là người đa năng nên được rất nhiều người yêu mến. Phạm Công Thiện là người mang lại sự phát triển cho Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn sau năm 1963.”

Chúng tôi xin mượn lời của nhà thơ nói về mình như một lời từ giã ông, một nhân tài ngôn ngữ, tư tưởng và thi ca Việt Nam:

“Cái gì làm tôi không hiểu nổi, cái ấy làm tôi say sưa yêu dấu.” và:
“Tôi yêu những gì khó khăn, những gì khô khan, những gì rắc rối. Tôi yêu đọc những quyển sách khó hiểu và nặng nề. Tôi thích đọc những quyển tiểu thuyết khô khan lượm thượm dài dòng, tôi ưa những cánh cửa đóng kín, những hàng rào cao.”
Theo dòng thời sự:

http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/



Tôi đứng trên đồi mây trổ bông.
Thơ: Phạm Công Thiện

Nhạc: Lê Uyên Phương

Giọng hát: Lê Uyên Phương


Giáo sư Phạm Công Thiện, Nhà thơ, nhà Tư tưởng, Pháp Danh Nguyên Tánh, vừa từ giã cõi thế vào ngày 8 tháng 3 năm 2011 tại Thành Phố Houston, Texas, Hoa Kỳ. Để tưởng nhớ đến những đóng góp của Ông cho nền Thi ca, Văn học, Triết học, và Giáo dục của Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, NNS xin chuyển đến Thân Hữu 1 bài viết, 1 bản Nhạc, 1 bài Thơ của Ông như là một nén Tâm nhang thắp cho Người quá cố Tài hoa, Uyên bác qua nhiều lãnh vực từ Văn chương, Triết lý, đến Phật học.

NNS ngày nào có đọc câu sau đây của Nguyễn Ngọc Tuấn (viết) mà nhớ mãi:

"Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân...".

NNS xin cầu nguyện cho Giác Linh cố GS Phạm Công Thiện sớm vãn sinh Miền Cực Lạc.

Tình Thân,
Kính.
NNS
..........................................................................................

Nguyễn Mạnh Trinh

Khi thi ca thành tôn giáo: Phạm Công Thiện



Phạm Công Thiện biographie

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học Phạm Công thiện, ông là ai? Có nhiều người đã hỏi như thế. Triết gia? Thiền sư? Thi sĩ? Văn sĩ ? Hay là một người lang thang rong chơi trong cuộc đời? Hay là nghệ sĩ với ước vọng thành một tài năng lớn của thế giới? Hoặc là một người đang trong cơn mộng du suốt cả đời? Vào những năm thập niên 60 ở Sài gòn, Phạm Công Thiện xuất hiện như một hiện tượng. Sách vở của ông đã được đón đọc nồng nhiệt và trong giới sinh viên học sinh đọc sách của ông là một thời thượng. Họ thích nói về “Ý thức mới trong văn nghệ & triết học”. Họ tán thưởng “Ngày sinh của rắn”.


Có người thú nhận thích đọc ông dù chẳng hiểu bao nhiêu. Và trong cái gọi là “họ” ấy có tôi. Một cậu sinh viên mê sách vở và tràn ứ mơ mộng lãng mạn. Lúc đó, tôi đã nghĩ Phạm Công Thiện là một người viết phê bình như viết tùy bút và viết tùy bút như viết bằng thơ. Tóm lại, với tôi, ông là một thi sĩ dù ông làm thơ không nhiều lắm. Đọc lại những bài viết về những nhà thơ của ông, tôi thấy điều đó tới bây giờ vẫn còn chính xác. Ông viết về thơ với cả tâm hồn mình, và với những thi sĩ, ông cũng đồng cảm trong cái chia sẻ không cùng của những sợi đàn rung cộng hưởng vì chung tần số. Tôi đọc thử một đoạn viết về Cung Trầm Tưởng để dẫn tới thơ tình yêu của Appollinaire. Những trang sách cũ đã ố vàng của “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”. “...

Tôi ngạc nhiên. Tim tôi máy động. Cung Trầm Tưởng là ai mà làm thơ tài hoa vậy. Tôi mơ màng. Tôi hình dung những chiếc lá rơi. Tôi nhìn thấy dòng sông Seine lững lờ trôi chảy. Kia là tả ngạn River Gauche… Kia là đường phố Aumont - Thieville và L’ Avenue des Ternes… Kia là những quán cà phê và những kẻ tứ chiếng giang hồ... Kia là cầu Mirabeau… Kia là mùa thu mưa rơi… kia là Pont Neuf. Ôi. Paris. Souvenir. Souvenir. Remember to remember…





Cung Trầm Tưởng làm tôi nhớ đến Appollinaire. Ừ, chỉ có Appollinaire mới có những dòng thơ bất tuyệt để làm sống lại Paris. Nói đến Paris là nói đến Kỷ Niệm, là nói đến Nghệ sĩ, là nói đến tình yêu và tuổi trẻ. Paris là thành phố của những kẻ tứ chiếng giang hồ, của những clochards, của những femmes de joie, của những Henry Miller, những Hemingway, những Gertrude Stein, những Picasso, những Appollinaire… Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín dỏ trái sầu. Cung Trầm Tưởng làm tôi nhớ đến Appollinaire: J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps Brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends Cũng vào mùa thu, Cung Trầm Tưởng ngóng chờ người yêu ”kiên khổ phút giờ” và “chín đỏ trái sầu” ngóng chờ mong đợi như Appollinaire đã ngóng chờ mong đợi giữa hương thời gian và mùi lá cỏ Odeur du temps Brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends Trời đã tối hẳn rồi.

Tôi bước vào giường nằm ngủ, mắt nhắm lại, những dòng thơ của Hàn, của Cung, của Appollinaire chan hòa thướt tha đưa tôi vào giấc ngủ triền miên... Viết về thơ, theo như Phạm Công Thiện không phải là phê bình xếp loại mà phải là ca tụng khen ngợi thơ. Ông khẳng định ”Nói đến Thơ không khác gì nói đến Thượng Đế. Phê bình Thơ là làm việc phạm thánh là blasphème. Những thi sĩ không phải là loài người họ là những Thiên Thần, những thánh hoặc những quỉ ma. Nếu ta không chấp nhận họ được thì ta phải im lặng; còn nếu chấp nhận họ thì ta phải ca tụng cho hết lời.





Giáo sư: Phạm Công Thiện

Ta không được quyền có thái độ của học giả hoặc giáo sư hoặc nhà phê bình. Phải giết hết những nhà phê bình để cho Keats sống, để cho Chatterton đừng chết lúc mới 18 tuổi xanh. Anh không thể cảm thơ của người ta thì anh hãy im lặng; còn nếu cảm được thì anh hãy thiết tha ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những nhà phê bình thơ mà chỉ nên có những kẻ ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người; không có ai làm thầy ai cả. Phê bình văn nghệ ư? Buồn lắm…” Thi sĩ ca tụng thi sĩ? Đúng quá rồi.

Và trong cái bí nhiệm như của một tôn giáo, thi ca đã làm cho chúng ta luôn luôn mơ mộng và suy tư. Như khi nhìn những con sông cạn cợt của quận Cam… Không hiểu sao mỗi lần lái xe đi ngang qua những con sông cạn ở thành phố Westminster hay Santa Ana tôi lại thấy bồi hồi. Có một liên tưởng nào từ lòng sông tráng xi măng ở giữa chơ vơ một dòng nước chảy nhỏ nhoi cạn cợt. Cái cảm giác của thiên nhiên bị khuất phục ấy của một dòng nước mùa nắng nhắc tôi tới nguồn nước ào ào sục sôi sau những cơn mưa.

Một thi sĩ đã viết : “Ừ, ta bây giờ như sông cạn
Nước vũng làm sao thành biển khơi
Chí lớn dưng không thành chuyện vãn
Mỉm cười còn mất chuyện muôn đời…”

Có hay không, cái tượng hình của Dịch Kinh, hà trung vô thủy? Sông mà không có nước, có phải là sông không? Hay chỉ là gợi ý tới những đi mà không đến. Một câu thơ của Seamus Heaney, thi sĩ giải Nobel văn chương năm 1995 trong thi tập The Haw Lantern, chỉ có hai câu : “The riverbed, dried up, half full of leaves.
Us, listening to a river in the trees. (Lòng sông, cạn khô, một nửa phủ đầy những chiếc lá


Cho chúng ta, đang lắng nghe một dòng sông chảy trong cây) Thi sĩ Phạm Công Thiện đã viết như sau về hình ảnh sông cạn rất thơ mộng này mà chúng ta nhiều khi ít quan tâm khi ngang qua trong nhịp đời hối hả mỗi ngày :

“… Tiếng nói của thơ là dòng nước tuôn chảy bất tận, dù lòng sông có cạn khô chăng nữa thì hồn sông vẫn chảy mãi trên cao… Sông đang chảy trên cây và trong cây lá, và sự lắng nghe ở đây đã nhập lưu (sơ ư văn trung / nhập lưu vong sở), không phải chúng ta lắng nghe dòng sông mà chính dòng sông đã chảy vào trong thi nhân, lòng sông khô cạn ở dưới đã nhập vào con sông chảy trên cây; lòng sông khô cạn nửa đầy những chiếc lá thả hồn rào rạt với sông lá trên cao (Hồ Dzếnh: ”có một nghìn cây rũ rượi buồn / Một nghìn sông rét vạn hoàng hôn. Vũ hoàng Chương “Đáy sông bừng dựng Lầu Thơ? Giấc mơ Hồ Điệp chẳng mơ cũng thành”…


Tại sao phải làm thơ? Tại sao phải lắng nghe một lần như chưa từng biết nghe trọn đời? Tại sao phải nhìn thấy được một lần duy nhất như chưa từng biết thấy bao giờ? Thi nhân đã một lần nhìn thấy; còn chúng ta thì hãy lắng nghe một dòng sông chảy bất tận trong rặng cây rào rạt chiều hôm nay… “ Phạm công Thiện khi viết về kỷ niệm với nhà văn Võ Hồng, trong tập thơ Ngày Sinh Của Rắn có hai câu thơ, tả cảnh mà tả tình, đẹp một cách đơn giản như phong vị của những câu Hai-Ku: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông”

Và, hình như từ hai câu thơ này, Võ Hồng đã viết truyện ngắn ”Hoa khế lưng đồi” như một cách thế đáp tạ người tri kỷ. Trong một lá thư gửi cho tác giả “Hoài Cố Nhân”, thiền sư thi sĩ họ Phạm viết: ...”Anh V.H. ạ, anh có cần gì phải thuyết giảng philo? Tất cả những trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm tàng những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn philo nữa, bởi nó là sagesse của quả tim. Và một Triệu trang giấy Triết Học cũng không đáng giá bằng một tiếng đập của con tim.

Anh có nghe rõ chưa? Tôi muốn hét to lên như vậy. Anh có nghe tim con người đập trong những trang “Xuất hành năm mới”, trong “Trận đòn hòa giải”? “Xuất hành năm mới” còn cảm động muôn vạn lần hơn những chuyện mà người ta cho rằng buồn nhất! Những đứa nhỏ Hằng, Hào, và Thủy trong “Xuất hành năm mới” và “Trận đòn hòa giải” là những hình ảnh đau thương nhất trên đời, là những hình ảnh tượng trưng cho tất cả những đứa trẻ ở trần gian này…”. Phạm Công Thiện tâm sự như thế, dù trong ngôn ngữ của ông có một chút gì hơi phấn khích nhưng cũng khá thành thật. Phạm Công Thiện là một khuôn dáng văn chương rất có ảnh hưởng với những lớp sinh viên học sinh ở miền Nam của thập niên 70, 80. Thời gian ấy, những cuốn sách như “Ý Thức Mới trong Văn Nghệ và Triết Học”, “Hố Thẳm của Tư Tưởng“, “Ngày Sanh của Rắn “,… là những cuốn sách cầm tay của giới trẻ.


Từ tác phẩm của ông, mở ra nhiều những cánh cửa. Trước hết, ông là một người sáng tạo nhiều suy tư về cái Mới, về những ngã đường có thể khá lạ lùng đến khi kỳ dị nhưng hấp dẫn. Văn học sẽ phải có những thay đổi, nhất là trong hoàn cảnh một đất nước chiến tranh như Việt nam. Ngay cả khi làm thơ, thi sĩ như người của hành tinh lạ lạc đến, với ngôn từ khá lạ lùng như đoạn VI của tập “Ngày Sanh của Rắn” “tôi chấp chới
đắng giọng giữa tháng ngày mơ mộng nốt ruồi của hương hay nốt ruồi của rigvéda tôi mửa máu đen trên nửa đêm Paris tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ mặt trời có thai! Mặt trời có thai!
Sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt “

Nếu bảo giải thích từng câu từng chữ thì có lẽ chính cả tác giả cũng lúng túng. Thơ là những hình ảnh rải rác, thoạt tưởng không liên quan với nhau nhưng trong trình tự cảm nhận lại có một ý nghĩa nào len vào bất chợt những liên tưởng. Có người cho rằng những từ ngữ như thủ dâm thương đế, giao cấu mặt trời, mặt trời có thai,,, tạo ra cảm giác tức thì với hình tượng có hơi dung tục ấy. Đó là một cảm nhận. Nhưng, ngay ở thời điểm bây giờ, đọc lại câu thơ, chúng ta vẫn có thể bắt gặp được nét khai phá một cách rõ ràng.

Thơ là một cái gì, khác thường lắm, có lúc rất gần cận cuộc sống mà có lúc lại xa nghìn trùng… Tôi nhớ có lần nhà thơ Phạm Công Thiện nói chuyện với tôi về kinh nghiệm đọc thơ của ông. Lúc ấy, đêm đã khuya và ông có ngôn ngữ của một Lưu Linh đang trong cơn đồng thiếp. Ông đọc thơ Pháp, thơ Anh, thơ La tinh, thơ Việt Nam tiền chiến và hiện đại. Đọc xong rồi bình, hình như văn chương đã lôi ông vào một cơn mộng. Nói về kinh nghiệm để có thể tiếp cận với thơ, ông đọc một bài thơ thật nhiều lần và sau mỗi lần đọc như thế đều tìm ra những cảm nhận khác nhau. Cảm nhận ấy bắt nguồn từ giây phút rất thiêng liêng để con người bắt gặp được những sáng ngời lộng lẫy. Sự kiện ấy James Joyce đã gọi là “a sudden spiritual manifestation” (biểu hiện tâm linh bất ngờ) hay “epiphany” (sự linh hiện).

Tương tự, như Xuân Diệu : “phất phơ hồn của bông hường / trong hơi phiêu bạc còn vương máu hồng / nghe chừng gió thoáng qua song... “ đó, chính là hồn của thơ, của những giây phút linh hiện mà chỉ có những người tài tử cảm nhận được. Ở Phạm công Thiện, cái chất thơ đã thành nét đặc thù tinh tế cho văn chương ông. Viết khảo luận, ông mang cái kiến thức rộng lớn tích tụ từ sách vở cùng với hồn thơ để thành những bước đi lãng mạn vượt qua những khô khan câu thúc. Là một triết gia, cái nhận thức để thành những trang giấy cũng có chút thi ca bồng bềnh vào để thành một triết gia thi sĩ.

Cái chất lãng tử trong văn chương là một nét thấy rõ. Phạm Công Thiện viết : “… tất cả đời sống văn xuôi tẻ nhạt, những công thức, những danh vọng, những khuôn mòn lối cũ, những địa vị xã hội, những mẫu mực khuôn xếp đã thụt lùi ra đằng sau, chỉ còn lại nước chảy của dòng sông và mây chiều của đại dương: mây ở trên cao trôi dưới dòng nước rong rêu của khe biển nhỏ. Thi nhân từ bỏ tất cả lại đằng sau lưng và bước tới trước băng qua cây cầu gỗ mong manh…” Viết về thơ Seamus Heaney, nhưng trong dòng chữ có cảm khái riêng của một người mà thi ca đã thành máu xương da thịt cho đời sống.

Viết những cuốn sách triết học giữa hồn thơ lai láng, cũng giống như viết những trang tùy bút mà chữ nghĩa đã thành những trân trọng nâng niu nhất. Cầm cây bút trong trạng thái tuy phong trần từng trải nhưng vẫn còn sót nét ngây thơ của một người tin tưởng vào những điều nghĩ rằng cần phải tìm kiếm được bằng suy tưởng.

Với đời thường, ông sống như lạc lõng bất kể. Nhưng với văn chương, ông là người tinh tế và có can đảm rủ bỏ tất cả để đi lại những bước khởi đầu. Nhà thơ Nguyên Sa đã có bài thơ vẽ lại chân dung của một nhà thơ tiêu biểu cho một phong cách sống đặc biệt của một người cũng đặc biệt trong một thời kỳ văn học mà sự khao khát những phương trời mới những vóc dáng mới đã thành động lực mạnh mẽ cho sáng tạo. Bài thơ “Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện:

“Người vào tịnh thất sống ba năm cất tiếng không lời để nói năng buổi sáng thinh không chiều tới chậm tiền kiếp chen vô cạnh chỗ nằm Ta muốn cùng người một tối nay Đầu sông uống rượu cuối sông say Người từ trên núi ta từ biển Từ giấc mơ nào đã tới đây Dưới bóng tường im, giữa nhạc không Đời như phía trước bỗng mông lung Thơ như hữu thể mà vô thể Có cũng xong mà không cũng xong Sáng dậy ta nhìn tục lụy ta Những đi không tới đến không ngờ Xóa luôn thì dứt nhưng tâm thức Kinh Pháp Hoa nào dậy cách xa? Trong chín ngàn âm có hải triều Còn thêm một kiếp nữa phiêu lưu Này người bỏ sóng sang thuyền tĩnh Nhớ đứng chờ ta ở cõi siêu…”

Nhưng không phải tất cả thơ ông chỉ chuyên chở ý tưởng. Mà, còn chuyên chở cảm giác nữa. Thơ để mang tới những giây phút linh hiện, để người đọc thơ và làm thơ một giây phút tình cờ nào đó gặp nhau trong giao thoa cảm xúc. Có một bài thơ trong tập thơ mỏng về số trang nhưng dầy về ý tưởng, Ngày sanh của rắn, VIII, có những hình ảnh nối liền nhau để thành một chuỗi sinh động liên tưởng luôn biến dịch. Gió, như một cuộc hành trình đi qua đồi tây, đồi đông, đi qua những chặng thời gian tưởng ngắn như một sát na nhưng dài vô tận. Thế mà, trong cái lãng đãng tâm thức ấy, ngôn ngữ nhẹ nhàng như một hồi tưởng để níu kéo cảm nhận của người đọc trong một cảnh giới mơ hồ :

“Mười năm qua gió thổi đồi tây tôi long đong theo bóng chim gầy một sớm em về ru giấc ngủ bông trời bay trắng cả rừng cây Gió thổi đồi tây hay đồi đông Hiu hắt quê hương bến cỏ bồng Trong mơ em vẫn còn bên cửa Tôi đứng trên đồi mây trổ bông Gió thổi đồi thu qua đồi thông Mưa hạ ly hương nước ngược dòng Tôi đau trong tiếng gà xơ xác Một sớm bông hồng nở cửa đông”

Với suy nghĩ của tôi, Phạm công Thiện là một thi sĩ nghệ sĩ. Klhông phải là cung cách một phù thủy chữ nghĩa hoa tay bùa chú vào hư vô để thành một văn phong khúc mắc khó hiểu. Mà, là một người ôm tất cả những rộng khắp vào lòng và đi vòng quanh để tìm chân lý. Cái tâm thức vốn tịch lặng của một người thâm cứu Phật Giáo pha trộn vào ý thức muốn nổi loạn phá bỏ cung cách cũ khiến văn chương trở thành một hành trình của một người luôn xông tới đằng trước và không dừng lại. Trong đời sống, phong cách du tử, làm những điều mình thích khiến ông thành một người luôn thấy đêm ngày là hoang vu...


Trần Tuấn Kiệt trong một bài viết trong “Tác Giả Tác Phẩm“, xuất bản cách nay gần bốn chục năm, cũng nói về chân dung người thi sĩ rất mực nghệ sĩ này: “Sinh ngày 1-6-1941 tại Mỹ Tho. Trong gia đình, Thiện là người anh cả “Người anh không giúp ích gì được cho gia đình, nhìn thấy mọi người cha mẹ em út đang lâm vào cảnh sa sút túng bấn. Mà mình thì lận đận lao đao chẳng giúp ích được gì.” Đó cũng là một lý do, khiến có lúc Thiện bỏ đi tu ngoài Nha Trang. Thiện đã có lần cùng chúng tôi đem bán từng va ly “Anh Ngữ Tinh Âm” của anh soạn để lấy tiền ăn bánh mì trong những lúc đói rách nhất.

Mặc dầu lúc đó báo Phổ thông và Dân ta của Nguyễn Vỹ bán chạy, lương của Thiện trên mười lăm ngàn (bằng khoảng 150 ngàn đồng bây giờ mỗi tháng) tiền lãnh ra, Thiện đem uống rượu say rồi gọi tất cả đám trẻ nít đánh giày, các bọn bán báo nghèo đói lại phân phát tất cả cho chúng trong một khắc đã hết sạch. Qua ngày hôm sau, kiếm lại vài chục uống cà phê là sự thường…” Có người cho ông là thần đồng, soạn “Anh Ngữ Tinh Âm“ lúc 16 tuổi. Có người cho ông là một triết gia, tư tưởng gia luôn luôn vật vã với suy tư.

Có người cho ông có hiểu biết rộng, thông hiểu nhiều ngoại ngữ. Có người cho ông là một người đọc sách chuyên cần với óc thông minh và nhớ lâu không quên. Cũng như có người gọi ông là lãng tử, là một người thích gì làm nấy và luôn miệt mài trên con đường độc hành tìm kiếm những điều bất khả trong cuiộc sống… Với tôi, ông là một thi sĩ và là người viết về thi ca mà tôi yêu thích. Dù, ông “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất” để tìm “ý thức mới trong văn nghệ và triết học“ qua “hố thẳm của tư tưởng“ để “im lặng hố thẳm“ và, cứ thế hành trình… ....................................................................................
Thơ
Phạm Công Thiện

Anh Sẽ Hiện
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện Cả rừng cây không ai lên tiếng Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến Kiến lửa ngày xưa đốt mộng mơ Nằm nghe con ngựa nhảy qua bờ Em về bên ấy quên đi nhé Anh chẳng bao giờ biết đến thơ Một hàng áo trắng phất trong sương Vũ trụ chiều nay sao quá buồn Tôi đắp kín mền trong gác lạnh Nghe mùa xuân dậy ở Đông phương Đông phương xanh lửa dậy tung hoành Đông phương vàng giãy chết chim oanh Trời Paris chiều nay nhân loại ngủ Em đi đi và nhớ quên anh Đời anh buồn trần gian đi chợ Mặt anh buồn như chim không thở Cả sông này cả đời này nứt vỡ thành thơ Rừng thơ hiện Đông phương im tiếng Anh về rồi mây mọc bên hiên Ồ em ơi trời đất chìm rồi Đông phương lặn bướm ngày tan biến.
----------------------------------
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
Năm 1995, trong một buổi uống rượu tại nhà Phạm Công Thiện ở vùng Earlwood, Sydney, tôi được nghe anh cao hứng đọc bài thơ trên. Sau đó, tôi hỏi xin một bản làm kỷ niệm, thì anh trao cho tôi một mảnh giấy đã rất cũ, trên đó có bài thơ do anh chép tay. Tôi hỏi bài thơ làm lúc nào. Anh nói: "... thời còn ở Paris." Tôi không hỏi rõ, nhưng đoán rằng Phạm Công Thiệm làm bài này trong những năm 70. ..................................................................................
Kính.
NNS


--
Phung Nang Tran

http://youtube.com/user/phungnangtran


No comments:

Post a Comment