Pages

Monday, April 18, 2011

LÊ MỘNG HOÀNG * HOÀI NIỆM HUẾ



Hình ảnh nủa thế kỷ trước: Nữ sinh Đồng Khánh trước sân trường


Nhìn Lại Để Thương, Để Cảm Phục

Lê Mộng Hoàng

Tháng 4 năm nay có rất nhiều đồng hương từ khắp bốn phương trời chắp cánh bay về Hoa Thịnh Đốn không những để ngắm cảnh thơ mộng hoa anh đào khoe sắc thắm bên giòng sông Potomac hiền hòa mà còn để tham dự lễ Khánh Thành chùa Hoa Nghiêm và nhất là để “tha hương ngộ cố tri” gặp lại Thầy xưa bạn cũ trong cuộc Hội Ngộ “Hội Huế Mùa Hoa Đào 2011”

Từ những ngày đầu tháng Giêng 2011 khi được các Anh Chị Em cựu học sinh Quốc Học Đồng Khánh Ngô Nẩm-Phương Chi, Vỏ Thị Nguyệt, Hàn-X. Lan, Đạm Ngọc, Hoàng Tâm gởi ra Email cho biết sẽ tổ chức một cuộc hội ngộ “Nhớ Huế 2011” cho tất cả học trò cũ của hai trường Quốc Học - Đồng Khánh, thì “cô bạn vàng hơn nửa thế kỹ” của tôi, Quỳnh Hoa đã hăng hái gọi điện thoại rũ rê các bạn Đồng Khánh-Quốc Học xưa thật là xưa 1956-1959 về Virginia để cùng tham dự “Hội Huế và Mùa Hoa Đào 2011”.



Bên lề cuộc hội ngộ lớn ấy là cuộc “Hẹn Hò Gặp Nhau Sau Nửa Thế Kỷ “của các bạn cùng lớp Đệ Nhất C1 và C2 trường Quốc Học 1959. Tuy rất bận rộn với công việc của công ty BMI, Q. Hoa đã cố gắng liên lạc với các bạn nam sinh của 2 lớp Đệ Nhất C1-C2 niên khóa 1958-1959 như Nguyễn Văn Sở, Nguyễn văn Đáo, Huỳnh Mai Trác, Bùi T. Qui Nhơn, Nguyễn Hữu Hiên, Nguyễn Thiên Thụ, Trường… . Thật ra chỉ có Q Hoa mới làm được việc nầy, vì theo nhận xét cá nhân các nam sinh sau khi đậu Tú Tài lên đại học đã phân tán cách xa với các bạn trường trung học; đến lúc tốt nghiệp đại học lập gia đình thì hoàn toàn mất liên lạc với bạn cũ, trường xưa.




Về phần nữ sinh, thì chúng tôi vẫn gìn giữ được mối dây thân tình bằng hữu trãi qua bao nhiêu “dâu bể chìm nỗi” của cuộc sống, thành thử việc mời gọi các chị em cựu nữ sinh Đồng Khánh niên khóa 1956-1957 dễ dàng hơn. Vã lại cô bạn “hào hoa, rộng lượng, vui tính” của tôi, Q. Hoa vẫn hằng năm tổ chức “họp bạn mùa Hè” ở Tampa Florida tại tư gia đầy đủ tiện nghi như ” khách sạn 5 sao” hoàn toàn miễn phí của chị, nên các o Đồng Khánh vẫn có duyên lành gặp nhau chia xẻ tâm tình, đấu láo hoặc tỉ tê thì thầm.

Quốc Học nửa thế kỷ trước

Trong tình thần náo nức, hăm hở, chờ mong cho mau đến tháng 4 để gặp lại bạn cũ sau hơn 50 năm xa cách ấy, thì bổng dưng nhận được tin buồn: một cô bạn trường Đồng Khánh và Đệ Nhất C1 Quốc Học Trần Thị Phương Lan, một trong số các hoa khôi của Đồng Khánh năm xưa, vừa qua đời tại Sài Gòn vì căn bệnh ung thư, thật bàng hoàng xúc động!


Quốc Học nửa thế kỷ trước. Từ trên gốc cột cờ xuống sân:
Huỳnh Mai Trác, Ngô Văn Bằng, Tôn Thất Quang, Lê Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Toàn,Nguyễn Văn Đáo, Trịnh Huy Trường,GS Tiêu dạy Sử Địa, Trần Xuân Ngọc, Nguyễn Thiên Thụ, Nguyễn Văn Mỹ, Thu Hà, Mai Hương, Diệu Lê, Quỳnh Hoa

Tháng 2 Tết Nguyên Đánvừa qua Phương Lan còn gởi Email chúc Tết bạn bè vui vẻ, khi được Thu Hà báo tin cả Q. Hoa và tôi đều bán tín bán nghi. Q.Hoa gọi về Sài Gòn để kiểm chứng tin buồn quá bất ngờ này, thì được biết “Tin nầy đúng sự thật, Phương Lan mất ngày thứ Hai 21 tháng 3.” Ngày hôm ấy tôi nghĩ đến việc phải xin lễ cầu siêu cho Phương Lan tại chùa Hoa Nghiêm ở Virginia vì chồng và con Phương Lan đã ra đi trước chị.




Thật tình mà nói, trong lúc cảm xúc vì tin buồn “mất bạn” quá đột ngột nầy tôi quên bẵng đi rằng suốt cuộc đời , bạn tôi đã tận tâm tận lực giảng dạy không biết bao nhiêu là học trò, tăng sinh,ni sinh…. , đặc biệt là sau năm 1985, Phương Lan đã quy y thọ trì Tam quy Ngũ giới với Hòa Thượng Thích Minh Châu, giúp phiên dịch kinh điển từ Anh ngữ ra Việt Ngữ và dạy Anh Ngữ tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam ở Sài Gòn. Hòa Thượng trụ trì chùa Huỳnh Kim tại Sài Gòn là sinh viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam đã từng học với Phương Lan, nay đứng ra lo việc tang lễ rất trang trọng, uy nghi cho cô giáo với sự tham dự của rất nhiều tăng sinh, ni sinh.


Đàn bướm trắng Đồng Khánh giờ tan học thế hệ 50

Chị Phương Lan đã luôn hăng say nhiệt thành trong công đức dịch thuật các tác phẩm về Phật giáo như The Historical Buddha” Đức Phật Lịch Sử” của tác giả H.W.Schuman “Đức Phật Gotama”; chị cũng biên soạn các sách giáo khoa về Phật Pháp bằng Anh Ngữ như “Buddhism through English Reading” ,” Sangha Talk”.



Mặc dù trong cuộc sống của chị có các “nỗi đau khó quên” mất con còn trẻ dại, mất chồng, nhưng bao giờ Phương Lan cũng yêu nghề dạy học, hết lòng giảng dạy cho các tăng ni của Học Viện Phật Giáo Việt Nam, gieo “nhân lành Phật Pháp”. Nhìn hình ảnh đám tang của Phương Lan cử hành theo nghi thức Phật giáo trang nghiêm với sự hiện diện của rất nhiều tăng ni tôn đức tôi cảm nhận ngay đó là “quả ngọt” do nhân lành của chị đã nhiều năm tu tập, hiến tặng cho nền giáo dục Phật giáo, thật đáng cảm phục!



Hình từ hàng trên xuống dưới: Trần Văn Tây, Ngô Văn Bằng, Nguyễn Văn Toàn, Trần Mô Phạm, Diệu Lê, Phương Lan, Ánh Tuyết, Nguyễn Văn Đáo, Nguyễn Thiên Thụ, Trần Xuân Ngọc, Lê Văn Nghiêm, LM. Cao Văn Luận, Trần Thái Thượng, Nguyễn Văn Tri, Mai Hương, Quỳnh Hoa, Thu Hà, Tôn Thất Quang... (1959)


Trong lễ cầu siêu cho Nguyên Tâm-Trần Phương Lan tại chùa Hoa Nghiêm có anh Nguyễn Văn Sở từ Irvine CA về đại diện cho các bạn lớp Đệ Nhất C1-C2 trường Quốc Học niên khóa 1959, tôi Mộng Hoa thay mặt các bạn lớp Đệ Tam-Đệ Nhị trường Đồng Khánh 1956-1957, cô Thái Thị Xuân học trò cũ của Phương Lan trường Sương Nguyệt Anh Sài Gòn 1972-1975, và Bội Tiên bạn Đồng Khánh. Tuy là bạn học cùng trường nhưng tôi cũng như Sở không có duyên gặp lại Phương Lan sau khi rời trường Quốc Học, nay nhìn lên bàn thờ thấy hình bạn đang cười tươi tắn, chúng tôi đều âm thầm cầu xin Chư Phật độ trì cho hương linh chị được bình an thanh thản cõi Vĩnh Hằng.


Ngô Văn Bằng, Trần Văn Tậy, Trần Mô Phạm, Carno, Đoàn Công Huy , Lê Văn Nghiêm (tu sinh Thiên chúa giáo), Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Văn Đáo, GS Pháp Văn Nguyễn Quới, Trần Thái Thượng, Diệu Lê, Nguyễn Thiên Thụ, Trần Thu Hà, Mai Hương, Quỳnh Hoa, Thanh Châu, Phương Lan... (một số quên tên....)

Ngày Thứ Sáu 1 tháng 4 cũng là ngày April Fool, nhưng tất cả các bạn ở xa đã “HẹnGặp nhau sau Nửa Thế Kỷ” tại nhà Mộng Hoa đã giữ đúng lời hứa: Qui Nhơn và Mộng Hoàng từ New Jersey, Trác và Kim Như từ Pensylvania, Sở từ California, Đáo từ Houston Texas, Quỳnh Hoa từ Florida, và các bạn Đồng Khánh Như Trang từ Massachusetts, Như Quỳnh, Diệu Tuyết, Minh Nguyệt từ California về dự Hội Huế theo lời mời của Q. Hoa, có thêm Phước Ái, C. Ngâu, Hàn- X.uân Lan, Hiên - Hằng , bạn cũ lớp Đệ Nhất C1 – C2 và Như Qúy & Bác Sĩ Tự từ Boston đến họp cùng Diệu Lê & Khanh từ Las Vegas và Thu Hà( San Jose)Bài-Ngọc Lạng đang có mặt tại nhà tôi.


Thuý Hoa, Kim Hải, Mỹ Hân, Kim Hoa, Nga Mi...

Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Nói sao cho hết bao điều nhớ thương Hơn nửa thế kỷ trôi qua (1959-2011) biết bao dâu bể đổi thay, người nào cũng có mái tóc điểm sương, vết hằn thời gian trên trán và ít nhiều mất mát trong đời! Ai ai cũng lo hỏi han, tâm tình không ai muốn bắt đầu “bữa tiệc Hội Ngộ” mà cả 4 “ o Đồng Khánh “ Diệu Lê, Thu Hà, Ngọc Lạng và tôi đã cố gắng sửa soạn từ 9 giờ sáng đến bây giờ. Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách rung chuông để mọi người chú ý và mời anh Trần Gia Phụng (anh cô cậu của tôi từ Canada qua) mở đầu bữa cơm họp bạn, sau khi mỗi người tự giới thiệu tên của mình.



Quốc Học & Đồng Khánh tại Mỹ 2011

Thật là một ngày vui hiếm qúy, xin cảm tạ “ơn mưa móc” của các anh chị ban tổ chức “Hội Huế - Mùa Hoa Đào 2011”, nhờ ý lành tổ chức Hội Huế 2011 mà chúng tôi mới có được buổi “Hẹn Hò Gặp nhau sau Nửa Thế Kỷ” vào ngày April Fool 4/1 đặc biệt khó quên nầy. Trong đám bạn gặp lại hôm nay Nguyễn văn Sở là người hăng hái chụp hình các bạn nhiều nhất, hắn say sưa bấm camera đến nỗi quên cả ăn, không biết đói! Bốn năm về trước, được Diệu Lê báo tin cho hay Sở đang dạy học ở Community College nhưng bị bệnh ung thư nên phải nghỉ dạy một thời gian.


Ánh Nguyet (bà Ngô Văn Bằng), Quỳnh Hoa, Vân Anh (bà Trinh Huy Truong) và Thu Ha

Năm ngoái tôi gặp lại Sở tại Las Vegas trong Hội Ngộ Quảng Đà Toàn Cầu nhìn một lúc lâu mới nhận ra, vì hắn gầy ốm nhiều, vả lại đã 51 năm trôi qua làm sao giữ được nét son trẻ của tuổi 18-20 ngày xưa? Năm nay trông Sở có vẻ khỏe, linh động và vui hơn năm trước. Đây là lần đầu tiên sau 52 năm mà 5 đứa học cùng lớp Đệ Nhất C2 Hiên, Qui Nhơn, chị Ngâu, Sở và tôi cùng ngồi bên nhau ôn lại chuyên thời “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Lớp C1 thì đông hơn gồm có Quỳnh Hoa, Diệu Lê, Phước Ái, Thu Hà, Chú Trác, Lệ Đáo. Nhờ có QHoa nên các bạn lớp Đệ Nhất C1 đã bắt được liên lạc với nhau trước đây, không giống lớp C2 chúng tôi.


Vợ chồng Ngô Văn Bằng và các bạn Quốc Học

Ngô Văn Bằng & Trịnh Huy Trường

Các bạn Đồng Khánh Như Quý, Như Quỳnh, Như Trang, Minh Nguyệt, Xuân Lan, Diệu Tuyết, Hỷ Nguyên, Kim Như cũng vui lây “Nỗi Vui Gặp Lại Bạn Cũ qúy giá, thâm trầm, dễ thương của chúng tôi. Ngày hôm sau thứ Bảy 4/2, Diệu Lê và tôi đi dự Lễ Khánh Thành chùa Hoa Nghiêm mới hoàn tất việc xây cất cuối năm 2010, còn các bạn khác đi cruise ngắm hoa đào trên giòng Potomac nổi tiếng thơ mộng của thủ đô Hoa Thịnh Đốn.


Sau 25 năm cầu mong, ước nguyện, nhờ công đức, hy sinh đóng góp của nhiều người con Phật như các cụ Phan Hằng Thơ, Vĩnh Noãn, Vĩnh Thọ, Phạm Ngọc Hương và hiện tại anh chị Trần Đoàn, Phan Nhơn, các anh chị Nẩm, Hương Thủy, Nông, Lạc, Định, Chiểu, Trường, Nguyệt, Phấn, Chúc Thuần, Quảng Xuân, Liên Trần, Thanh Trúc và các em gia đình Phật tử mà Chùa mới đã xây xong khang trang rộng rãi .

Quỳnh Hoa, và vợ chồng Trịnh Huy Trường , Ngô Văn Bằng

Xin cúi đầu Tán Thán hạnh Hiến Thân Hỷ Xã của các anh chị ban Quản Trị, đặc biệt anh Nguyên Tu, Chủ Tịch Hội Phật Giáo Mỹ Châu, người trở về từ cõi chết với bệnh ung thư gan trầm trọng mấy năm trước đây, và hạnh Bao Dung, Hỷ Xã của thầy trụ trì Kiến Khai! Chiều thứ Bảy ấy, Diệu Lê, Thu Hà và vợ chồng tôi được dự một chương trình văn nghệ rất đặc sắc với màn trình diễn y phục Việt Nam qua các thời đại do Họa Sĩ Trần Thị Lai Hồng điều khiển. Chị Lai Hồng đã từ Florida lên đây một tháng trước, để tập dượt cho các thanh thiếu niên gia đình Phật tử Hoa Nghiêm.

Vợ chồng Quỳnh Hoa, chủ nhà


Lần đầu tiên, tôi được xem và biết về y phục của các tổ tông người Việt thời trống đồng đồ đá cổ. Chủ Nhật ngày hôm sau, gặp chị Lai Hồng tại Hội Huế ở Mariott Hotel tôi tỏ lời cảm phục công trình nghiên cứu, vẽ kiểu cách ăn mặc thời xưa của tổ tiên chúng ta qua nghệ thuật tài hoa của chị, chị Lai Hồng nở nụ cười hiền hòa , nói với giọng khiêm cung “Tất cả áo quần các em trình diễn về y phục thời cổ ấy , chị phải tự vẻ kiểu và may lấy đó” Xin tán thán công đức âm thầm vô lượng của chị khiến chương trình văn nghệ mừng lễ khánh thành chùa Hoa Nghiêm biến thành mục biểu diễn thời trang Việt Nam lịch sử và độc đáo!

Quỳnh Hoa và Nguyễn Văn Sở

Chủ Nhật 3 tháng 4 này là mục then chốt trong chương trình 3 ngày của” Hội Ngộ Nhớ Huế 2011” . Hai banner lớn chụp cảnh cổng trước của trường Quốc Học và con đường Nguyễn Trường Tộ nối liền hai trường Quốc Học - Đồng Khánh được treo trong hành lang của khách sạn Fairview Park Marriott và trên sân khấu, hoà lẫn với tiếng nói, tiếng cười của các cựu nam, nữ sinh Quốc Học-Đồng Khánh cho tôi cảm giác như mình đang đứng ngay tại cổng trường Quốc Học thuở xưa.


Có hơn 700 người từ khắp nơi trên địa cầu Úc – Âu – Á Châu, Canada, Việt Nam và 30 tiểu bang Hoa Kỳ tụ họp về đây để tìm gặp Thầy xưa, bạn cũ, đồng hương xứ Huế. Chương trình mở đầu với lời chào mừng đồng hương, đồng môn rất thân mật, khả ái của Trưởng Ban Tổ Chức Vỏ T. Nguyệt, lời giới thiệu quan khách phương xa của cựu học sinh Quốc Học anh Ngô Nẩm và một trong những người đẹp của Đồng Khánh thuở nào Trần thị Xuân Lan và mục chia xẻ tâm tình người Huế của 2 niên trưởng Lữ Mộng Lan, Hoàng T. Hàn. Đến phần văn nghệ thì ngay màn đầu hợp ca “Thương Về Xứ Huế” của nhạc sĩ Minh Kỳ do ban cựu học sinh Quốc Học - Đồng Khánh thủ đô Washington DC đã được hoan hô nhiệt liệt vì dáng thướt tha hiền dịu trong đồng phục áo dài “màu hồng vỏ đậu “ và chiếc kiềng vàng lóng lánh của các chị Đồng Khánh.

Các Hội Huế tiểu bang CA, Florida, cũng đóng góp nhiều màn đồng ca và vũ khúc thắm đượm hương vị Huế như “Bài Thơ Huế”, “Hát Cho Quê Hương”; đặc biệt là hoạt cảnh Hòn Vọng Phu do chị Nguyệt Thu đạo diễn thật sống động, khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.

Sau phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” của các Hội Huế khắp nơi, chúng tôi được ca sĩ Ngọc Hạ và Nguyên Khang cho nghe các bản tình ca về Huế mộng, Huế mơ, Huế thơ, Huế đẹp; cả một “thời áo trắng học trò” đã nằm yên trong ký ức hơn nửa thế kỷ qua bỗng dưng sống lại, bồi hồi xúc động trong tim “ O nữ sinh Đồng Khánh “ đã ngoại thất tuần như tôi, nhìn quanh thấy các bạn tôi: QHoa, DLê, Như Trang, Như Quỳnh, Hoàng Hoa, DiệuTuyết, Đáo cũng đang lặng yên thưởng thức.

Thật là một buổi “Hẹn Hò Gặp Nhau Giữa Xứ Người” tuyệt vời, khó quên, đặc sắc của bao nhiêu tấm lòng thương Huế , nhớ Huế. Xin cúi đầu cảm tạ các anh chị trong Ban Tổ Chức Hội Huế - Mùa Hoa Đào 2011, người mà tôi muốn tuyên dương công lao nhiều nhất là anh Ngô Phi Đạm; cách đây 2 năm lúc thầy Hằng Trường lên Virginia tổ chức Địa Tạng Sám, anh Đạm bị bệnh yếu lả người không qùy lạy được 10 cái lạy liên tục mà nay lại khoẻ mạnh hăng say đứng ra điều hành, sắp xếp phụ giúp chị Trưởng Ban Tổ Chức VỎ THỊ NGUYÊT rất đắc lực, thật đáng nễ phục!

Thay mặt bàn 30 các bạn Đồng Khánh - Quốc Học gởi 2 đóa hồng tươi thắm thân thương tặng MC trẻ trung, xinh đẹp, nói năng dịu dàng, hấp dẫn rất chi là Huế, Tôn Nữ Trang Thanh và MC Tăng Quốc Ái. Hai bạn với cách nói chuyện tự nhiên, không trau chuốt, không dùng sáo ngữ đã gởi gắm rất nhiều tâm tình yêu thương xứ Huế sâu đậm đằm thắm, dí dỏm đến mọi người trong hội trường. Xin tri ân “Món Quà Tinh Thần Quý Giá, Dấu Ấn Kỷ Niệm Tuyệt Dịu về Trường Cũ Bạn Xưa “ mà các Anh Chị Em ban tổ chức Hội Huế Mùa Anh Đào 2011 đã bỏ thì giờ, công sức sửa soạn thật chu đáo để trao tặng tất cả cử tọa ngày Chủ Nhật 4/3. Đúng như câu nói của một nhà văn Mỹ: “What comes from the heart touches the heart”

Điều gì đến từ con tim, sẽ khiến con tim xao xuyến. Công lao khó nhọc, tình cảm thân thương của tất cả các anh chị đóng góp vào cuộc” Hội ngộ 2011 Huế- Mùa Hoa Đào” đã thấm thấu, len lõi vào tận vùng ký ức thâm sâu của từng cậu học trò Quôc Học, từng cô nữ sinh Đồng Khánh vượt thời gian, không gian đã khiến hơn 700 con tim cùng đập một nhịp thì thầm, xao xuyến, dấu yêu buổi chiều tao ngộ ấy: ” NHỚ HUẾ CHI LẠ!”
4/14/2011

No comments:

Post a Comment