Pages

Saturday, April 16, 2011

TS. MAI THANH TRUYẾT * HỘI LUẬN


Hội Luận 9/4/2011 tại Báo Việt Herald

Thưa Quý vị,

Cuốn DVD “Đại Họa Mất Nước” đã được Đại Gia đình Nguyễn Ngọc Huy phổ biến nhiều nới trên thế giới cũng như trên internet.

Hôm nay, cá nhân chúng tôi hân hạnh được Ban Tổ chức mời phát biểu trong buổi hội luận và phân phối DVD nầy.

Thưa Quý Vị,

Tôi xin đóng góp vài ý kiến nhỏ về Đại họa Mất nước. Cuốn phim hầu như nói hết ý nghĩa của Đại họa nầy, cũng như những chỉ dấu báo hiệu một số hiện tượng xảy ra trong những ngày gần đây như sự vươn oai tác quái của Trung Cộng qua việc rượt bắt tàu đánh cá Việt trong hải phận của Việt Nam, cũng như sự nhu nhược của nhà cầm quyền cộng sản trước các việc lấn chiếm lãnh hải của “tàu lạ”, “nước lạ”… nói trên.

Chúng ta có thể xác quyết rằng những biểu tượng tiêu cực và nhu nhược trên của Việt Nam hiện tại thể hiện sự đồng thuận giữa hai đảng cộng sản Trung và Việt trong tinh thần cộng sản quốc tế nhằm tiến chiếm cả vùng Đông Nam Á.

Nhìn lại Việt Nam từ khi lọt vào tay của đảng CS Việt Nam, trong năm 2010, Việt Nam đã xuất cảng 6,8 triệu tấn gạo, nhiều nhứt từ trước đến giờ…mà người nông dân cũng không đủ ăn….vì lợi nhuận cao do tiền bán gạo đã vào tay thương buôn nhà nước,các hiệp hội lúa gạo cũng do nhà nước quản lý, cùng những thủ đoạn như ép giá khi gặt lúa vì nông dân không có đủ bồn chứa, phải bán đi thôi. Chưa kể những số nợ cần phải thanh toán khi vay mượn mua lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tất cả đều tăng vọt gấp nhiều lần hơn mức bội thu lúa cho năm nay. Như vậy nghèo vẫn hoàn nghèo. Công lao động của nông dân vào tay tất cả nhóm người trung gian dưới sự che chở của cường quyền.

Tệ hơn nữa, những nhu cầu thực phẩm khác ngoài lúa gạo không được khuyến khích, cho nên phải nhập cảng từ phương Bắc, ngay cả những vật dụng thông thường như văn phòng phẩm, viết chì, viết mực, bao thơ, miếng bùi nhùi chùi xoong nồi, các miếng sponge để rửa chén…cũng phải nhập cảng từ bên Tàu qua.

Về hàng nông sản khác như cà rốt, cải bắp trong 10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã nhập trên 21 ngàn tấn, giết chết vùng Đà Lạt, một trung tâm trồng cà rốt, cải bắp, su hào…nhờ khí hậu ôn đới. Ngay cả hành lá cũng nhập gần 8 ngàn tấn. Thậm chí tâm xỉa răng cũng phải nhập 1.118 tấn từ Trung Cộng.

Trên đây là những thông tin chính thức từ Hải quan Việt Nam, nhưng chắc chắn những mặt hàng nhập lậu qua các cửa biên giới sẽ còn cao hơn nhiều.

Quản lý một đất nước với 86 triệu dân mà phải nhập cảng luôn cả hành lá và tăm xỉa răng…thì quả thật là một xã hội xã hội chủ nghĩa siêu phàm theo đúng “định hướng xã hội chủ nghĩa” của đảng đề ra.

Có thể nói 97% con dân Việt phải cật lực CÀY để cho 3% đảng viên, cán bộ đặt quyền đặt lợi HƯỞNG.

Ngày hôm nay, xã hội ngày càng băng hoại qua các tệ trạng do chính chính sách cai trị hiện hành để lại, chúng ta chẳng thấy gì ngoài tính tiêu cực, bi quan, sống không biết ngày mai của hầu hết người dân trong nước. Có thể nói tuyệt đại đa số đều chạy theo cuộc sống kinh tế cho cá nhân và gia đình, do đó, dù có bị kềm kẹp, đối xử bất công đi nữa, sức đề kháng của người dân hiện tại dường như không còn có khả năng chuyển đổi được thời cuộc.

Tuy nhiên, dù muốn dù không, cái nhìn tiêu cực trên vẫn không xóa nhòa được niềm tin tưởng của tôi vào tuổi trẻ Việt Nam ngày nay, vì xã hội Việt Nam đã thể hiện nhiều hiện tượng tích cực của tuổi trẻ trong những năm gần đây.

Tuổi trẻ Việt Nam chiếm trên 60% dân số. Đây là một tiềm lực rất lớn, một dân tộc non trẻ, thông minh, chăm chỉ, hiếu học, cần cù, và có tinh thần cầu tiến. Trên 90% dân số đều biết đọc biết viết. Con số nầy quá cao so với các nước đang phát triển và có điều kiện xã hội tương tự như của chúng ta.

Tuổi trẻ Việt Nam, sau một giai đoạn ngắn tiếp cận với phong cách hành xử và giao thương quốc tế đã hiểu thêm và hiểu cặn kẽ về tự do-dân chủ. Từ đó tinh thần quốc gia dân tộc tăng trưởng nhanh chóng trong thành phần nầy.

Tuổi trẻ Việt Nam mong muốn có một đời sống kinh tế-tinh thần- tâm linh tương xứng với các đóng góp của chính mình. Những rào cản ngăn cách trong tôn giáo-địa phương không còn là một chướng ngại để rồi cùng ngồi lại với nhau, không như các thế hệ cha ông trước kia. Những cảm xúc trong tư tưởng, vết hằn trong quá khứ sau cuộc qua phân của đất nước phải nhường bước cho lối nhìn tích cực về triển vọng tương lai của quê hương.

Tuổi trẻ đã dám đứng lên nói lên iếng nói cũa tự do, dân chủ, và nhân quyền bất chấp sự tra tấn, tù đày của cường quyền.

Do đó, các mỹ từ vì thế hệ mai sau, vì chủ nghĩa anh hùng...không còn là một xúc tác tốt để hấp dẫn tuổi trẻ Viêt Nam nữa.

Tuổi trẻ Việt Nam trân trọng bốn ngàn năm văn hiến của tiền nhân, nhưng tuổi trẻ hôm nay không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưỡng quá khứ của ông cha.

Tuổi trẻ hôm nay đã chuyển đổi chủng tử “sợ” sau bao nhiêu năm bị kềm kẹp, cấy vào tâm khảm của những người cộng sản đang ngự trị trên quê hượng Việt.

Tuổi trẻ Việt Nam đang lên đường.

Nhưng tại sao đất nước ngày hôm nay vẫn nghèo?

Đó là một sự nghịch lý lớn?

Dĩ nhiên là phải có cái gì bất ổn cho đất nước.

Đương nhiên nhà cầm quyền hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng ngày càng đi xuống hiện nay. Ba mươi sáu năm sống trong hoà bình, thiết nghĩ cũng đủ dài để thiết lập một xã hội ổn định cho Việt Nam. Nhưng tiếc thay điều đó không xảy ra.

Hiện tại, trong nhiều lãnh vực kinh tế-kỹ thuật-khoa học-môi sinh, thế giới đang biến thành một quốc gia lớn, một trật tự mới đang hình thành. Trong bối cảnh đó, càng ngày càng thấy rõ ràng mọi người đều có trách nhiệm. Những gì xảy ra tại Tây Tạng, Vân Nam đều trực tiếp ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long.

Rốt ráo hơn nữa, mọi người Việt đều có trách nhiệm về tình trạng thụt lùi của Việt Nam.

Thưa Quý Vị,

Càng thiết tha, càng gắn bó với quê cha đất tổ càng thấy mình có trách nhiệm.

Trách nhiệm là nhận thức thực tiễn, và trên căn bản đó, có những thái độ và hành động tích cực hơn cho đất nước. Nói lên tiếng nói, tạo một âm vang, khuếch đại một xu hướng, tạo dựng sức ép, Mỗi người mỗi cách, không sao kể xiết.

Có làm được như vậy, cuộc cách mạng hoa lài chắc chắn sẽ xảy ra cho quê hượng việt Nam một ngày không xa.

Và cuộc hành trình của Việt Nam để bước vào một kỷ nguyên mới, quyết định cho sự tái tạo nếp văn hóa, nền đạo lý đã bị đánh mất do cộng sản, và sự bình an cho một đất nước hiền hòa Việt Nam.

Xin cám ơn Quý Vị,

Mai Thanh Truyết

Westminster, 9/4/2011

No comments:

Post a Comment